fakenut | gốm nung bên hồ.
*Lưu ý*: bối cảnh trong fic lấy cảm hứng từ làng quê Bắc Bộ xưa chứ không phải địa điểm có thật. Một số chi tiết liên quan đến nghề gốm được hư cấu hóa để phục vụ mục đích truyền tải hình ảnh và cảm xúc nhân vật. Vì vậy, các kiến thức về kỹ thuật làm gốm, vật liệu như tro sen, quy trình nung men v.v... trong fic không hoàn toàn chính xác và không nên áp dụng vào thực tế.
---
Làng Bát Ngạn nằm ở hạ lưu sông Thiên Đức, một dải đất cong như vành trăng non vắt nghiêng, mùa nước nổi thì sóng đánh vào bãi, mùa cạn lại lộ ra bùn mềm in dấu chân cò. Dân làng quen sống với bùn, với tro, với gió hun hun mùi đất cháy âm ỉ từ những lò gốm không bao giờ tắt lửa. Ở đây, người không làm gốm thì cũng là làm thuê cho nhà có lò, trẻ con mới mọc răng sữa đã biết nắn đất, người chết rồi thì tro cốt cũng được đựng vào hũ do chính tay mình nặn ra. Tro bụi, gốm nung, nắng nứt - những thứ đó thành máu thịt, thành linh hồn làng Bát Ngạn, không sao gột bỏ được.
Dọc hai bên bờ, rặng tre già cong mình soi bóng, con đường làng loang lổ rêu xanh, vết bánh xe trâu in hằn sâu sau cơn mưa đêm trước. Hôm ấy là một sáng thu đầu mùa, gió heo may đã về, mỏng như tơ nhện mà vẫn đủ se sắt làm run vai áo người gánh nước. Ngoài đồng, lúa vừa gặt, rạ còn thơm hương nắng, đầm sen cuối mùa đã bợt bạc, lá rách tơi, chỉ những bông trổ muộn là còn níu lại chút dáng tươi non, gắng gượng nở lần cuối trước khi rụng xuống bùn lầy.
Sương sớm giăng mờ, tựa như ai trút cả nỗi buồn xuống ngôi làng nhỏ. Thợ gốm vẫn nhóm lò từ tờ mờ sáng, bếp than đỏ âm ỉ giữa gian nhà mái thấp.
Rồi tiếng vó ngựa vang lên từ đầu làng. Lạ tai. Không phải tiếng chân trâu, cũng không phải bánh xe chở đất. Người người ngẩng lên nhìn - ấy là một cỗ xe song mã đen tuyền hiện ra sau làn sương, bánh sơn son, rèm the đỏ, mui cao lợp da thuộc bóng loáng. Mùi nước hoa từ trong xe tỏa ra, thơm nồng, át cả mùi tro gốm vốn đặc quánh trong không khí. Trẻ con túm tụm hai bên đường, người già chống gậy ra ngõ ngó nghiêng. Có tiếng xì xào: "Cậu cả nhà họ Lê về rồi đấy..."
Chiếc xe chậm rãi dừng lại trước cổng tam quan nhà họ Lê - dòng họ trăm năm làm gốm, giàu nứt đố đổ vách. Cổng lớn ba gian, mái cong đầu đao, chạm trổ rồng phượng công phu. Hai bên tường có đôi câu đối bằng sứ lam, chữ Hán men xanh, rêu đã phủ một lớp mà vẫn ánh lên sắc ngọc. Phía trong là khu phủ rộng lớn, lò nung nối liền với nhà chính, kho chứa gốm nằm sát ao thả sen, tất cả tựa một tòa thành đất nung giữa lòng ngôi làng nhỏ.
Gia nhân túa ra như ong vỡ tổ, có người chạy đi bẩm báo, kẻ khác vội trải chiếu lót đường, người giữ ngựa, kẻ kéo rèm che. Từ trong hiên nhà, mợ Lụa - phu nhân ông chủ xưởng - bước ra, dáng người nhỏ thó trong lớp áo the đen, tóc búi cao cài trâm ngọc, hai tay run nhẹ vì cảm động lẫn hồi hộp. Mắt bà đã sớm đỏ hoe, như thể chỉ cần một tiếng gọi "mẹ" là nước mắt sẽ trào ra, xối sạch cả ba năm trông ngóng.
Cửa xe mở. Một đôi giày Tây bóng loáng nện xuống đất, rồi bước ra một người thanh niên cao, gầy, dáng thẳng như tượng. Áo vest xám lông chuột, sơ mi trắng cài khuy đồng, cổ thắt caravat lụa xanh lam. Tóc chải rẽ ngôi, bóng như mạ. Gương mặt trắng hơn người làng, nhưng mắt thì sẫm, như được tráng men, ánh lên vẻ gì đó rất xa - như thể từng nhìn thấy một thế giới khác, nơi không có bụi tro, không có mùi đất ẩm, không có những cánh sen úa tàn trong gió bấc.
Lê Sang Hiếu - cậu cả họ Lê, người từng được cả làng gọi là "thằng bé cầm sáo trúc chạy đồng" - nay trở về là công tử Tây học, là thủ khoa Mỹ thuật Đông Dương, là nhân tài được báo chí khen ngợi, là niềm tự hào mà cha chàng vẫn ngẩng đầu khoe trong mỗi buổi họp làng.
Nhưng lạ thay, người làng nhìn chàng mà không ai cười. Chỉ có tiếng thì thầm:
"Cậu ấy về thật rồi... Nhưng lạ quá..."
"Ngày xưa cởi trần tắm mưa, giờ mặc áo cài cả trăm khuy..."
"Trắng thì có trắng, nhưng chẳng còn mùi đất quen nữa..."
Hiếu đứng yên dưới vệt nắng nhạt, đôi mắt chậm rãi lướt qua từng viên gạch sân, từng tán cau, từng khe tường phủ rêu. Tất cả đều quen, nhưng trong lòng lại thấy xa lạ đến thắt ruột. Mùi tro lò vẫn như cũ, nhưng sao chàng không còn nhận ra hơi ấm ngày xưa từng gắn bó. Có lẽ chính chàng đã thay đổi - không còn là đứa trẻ chạy chân trần bám theo tiếng chuông lò, không còn là cậu trai hay vẽ hoa sen lên mặt đất ẩm bằng đầu ngón tay lấm lem bùn đất nữa.
Mợ Lụa bước tới, nắm lấy tay con. "Về rồi hở con... Về là tốt rồi..."
Hiếu cúi đầu. "Con về rồi, thưa mẹ."
Cha chàng - ông Lê Văn Tường - đang ngồi chờ trong gian nhà chính, trước mặt là bàn trà thất bảo, cạnh đó đặt cuốn gia phả dày bọc gấm đỏ. Mắt ông sâu, sắc như lưỡi dao, nhìn Hiếu không phải bằng tình thân, mà bằng ánh nhìn của người bề trên, bậc trưởng bối sắp đặt số phận kẻ khác. Ông không nói gì, chỉ gật đầu. Cái gật đầu ấy đã thay cho một án định.
Hiếu cúi đầu, bước sâu vào trong. Gió từ lò gốm thổi qua khe cửa, mang theo mùi tro ẩm và khói sém. Chàng hít một hơi - không còn cảm thấy gì. Mùi ấy đã từng là quê hương, nay lại chỉ còn là gông xiềng khóa chặt.
---
Buổi sáng hôm sau, trời lại đổ gió.
Làng Bát Ngạn khi ấy vừa tỉnh giấc khỏi giấc mộng sương đêm, ánh ban mai chưa kịp soi đến giàn thiên lý, chỉ mới rọi qua lưng lũ gà con lom khom dưới gốc cau. Mấy bà già gánh nước đi ngang bờ ao, lưng còng đến độ bóng in xuống mặt gạch cũng oằn theo hình hài năm tháng. Gió thổi từng cơn làm mái rạ xào xạc, mặt ao gợn lên những vòng sóng nhè nhẹ, vỡ tan dưới cánh bèo tấm.
Trong ngôi nhà gạch đỏ ngói cũ của họ Lê, mợ Lụa đã dậy từ canh ba, tự tay nấu một nồi chè đậu xanh như năm xưa khi con còn bé. Bà ngồi bên cửa sổ, mắt dõi ra con đường lát gạch nhỏ dẫn ra cổng tam quan. Dù không nói ra, nhưng bà vẫn mong hôm nay Hiếu sẽ cười với bà nhiều hơn một chút - nụ cười mà suốt ba năm vắng mặt, bà chỉ thấy qua những tấm ảnh gửi về, lạnh lẽo và xa lạ như chụp của một người nào khác.
Còn Hiếu thì đã dậy từ trước cả tiếng gà gáy. Chàng đứng nơi hành lang sau nhà, một tay tựa lên cột gỗ lim đã nhẵn bóng, mắt nhìn ra xa, nơi có rặng duối đang trổ quả vàng. Ánh sáng mờ mờ không đủ soi rõ dáng chàng nhưng có thể thấy nét mỏi mệt len nhẹ trên khóe mắt. Không phải mỏi vì đi đường xa mà là thứ mỏi trong tâm can, như người đã đi lạc vào một giấc mộng dài mà khi tỉnh lại thì thế gian chẳng còn như cũ.
Áo gấm Tây học không hợp với mùi đất ẩm. Khuy đồng không ăn cùng vệt nắng đục. Ngay cả đôi giày bóng loáng chàng mang về từ Paris, khi đặt lên sân gạch Tàu cổ, cũng lộ ra một khoảng cách khó tả - như thể cả thân thể ấy chẳng còn thuộc về nơi đây.
Hiếu bỏ giày, đi chân trần ra phía sau nhà, nơi nối liền với xưởng gốm của tổ tiên bao đời truyền lại.
Trong xưởng gốm nhà họ Lê, lửa vẫn cháy đỏ trong lò chính. Những người thợ đã nhóm bếp từ canh tư, giờ nhễ nhại mồ hôi, người quạt, người nhào đất, người trét men. Tiếng bễ phì phò đều đều như nhịp thở, khói quyện lên trần đen ám muội. Dưới hiên, Hiếu ngồi trên ghế tre, tay lật từng bản thiết kế cũ của tổ tiên, chữ Hán nhoè mực, nét vẽ ngà xưa, mà lòng chàng rối như cuộn sợi tơ đã mốc, không biết phải nối vào đâu.
Cả ngày hôm đó, dường như Hiếu chẳng nói lời nào. Dẫu cha sai quản lý dẫn đi kiểm lò, giới thiệu thợ mới, chàng cũng chỉ gật đầu nhè nhẹ. Không phải vì chàng cao ngạo gì sất, mà là vì trái tim chàng đang bị bịt kín bởi một tấm lụa mỏng - thứ lụa vừa che khuất tầm nhìn lại vừa khiến người ta mộng tưởng rằng đằng sau nó vẫn còn điều gì trong lành lắm.
Khi ánh nắng xế tà nghiêng xuống ngọn cau, khi làng bắt đầu nghe tiếng mõ chiều vọng từ chùa Hàm Long bên kia đê thì cũng là lúc Hiếu lần theo lối nhỏ sau xưởng, đi về phía đầm sen cũ.
Lối này năm xưa chàng từng thuộc như đường chỉ tay. Qua vườn chuối, rẽ trái ở bờ giếng lở, đi thêm mười ba bước thì sẽ thấy cây thị già vẫn đứng đó, dáng nghiêng như người đợi. Bên dưới là một con đường đất, gập ghềnh nhưng thơm. Thơm mùi lá, mùi bùn, mùi tuổi thơ đã chôn lại đâu đó giữa bạt ngàn tiếng ve kêu.
Hiếu chậm lại bước đi.
Năm ấy, chàng mười ba. Lần đầu trốn mẹ đi chơi đêm Trung thu, gặp một cậu bé đang nhặt xác pháo rơi bên vệ cỏ. Tay cậu lem đen, áo vá vai, nhưng mắt lại sáng. Lần đầu tiên Hiếu nghe tiếng ai đó gọi tên mình mà không thêm chữ "cậu" hay "anh" đầy vẻ khách sáo, chỉ là "Hiếu ơi" thôi. Nhẹ như gió thoảng mây bay vậy.
Cậu bé ấy tên Hồ.
Là con một gia đình trồng sen ở bãi đất thấp. Cha mất sớm vì cảm lạnh giữa mùa đông, mẹ thì gầy như lá úa, suốt đời chỉ biết hái sen, hong nhụy, buôn hoa cho phủ lớn. Nhà nghèo đến nỗi không đủ tiền mua chiếu, nằm đất quanh năm. Nhưng Hồ lại chưa từng cúi đầu tự ti về xuất thân của mình. Cậu đội nón rách, gánh sen đi khắp làng mà không sợ ai nhìn khinh. Chỉ riêng ánh mắt ấy - ánh mắt chưa từng cầu xin - đã khiến Hiếu, cậu thiếu gia quen sống trong lụa là gấm vóc phải ngoảnh lại.
Từ đó, mỗi lần Hồ mang sen tới, Hiếu đều giả vờ ra hiên vẽ. Ban đầu là hoa sen, sau là dáng người gánh sen. Rồi đến một chiều mùa hạ, trời đổ mưa ngâu, cả hai trú dưới mái hiên xưởng gốm, từ đầu đến chân ướt như chuột lột nhưng hai đứa lại nhìn nhau rồi phá lên cười giòn như cái nắng giữa trưa hè. Hôm ấy, Hiếu cũng mạnh dạn nhét vào rổ đựng sen của Hồ một mảnh giấy bị nước mưa thấm ướt, lem mực - ấy là bức vẽ đầu tiên Hiếu tặng cho Hồ, bằng hai bàn tay run.
Ba năm xa xứ, Hiếu từng tưởng đã quên.
Nhưng nay, đứng trước đầm sen cuối mùa, nhìn cánh hoa rủ mình trên mặt nước như nhớ lại kiếp trước, chàng biết rõ chẳng điều gì từng thật lòng xuất hiện lại có thể biến mất dễ dàng.
Đột nhiên, một giọng nói nhẹ như gió lướt qua sau lưng Hiếu:
"Cậu Hiếu về rồi đấy à?"
Hiếu quay lại.
Hồ đứng đó, chân trần dính bùn, vai gánh hai thúng sen đầy. Áo nâu bạc phếch cổ tay áo còn dính sình, tóc hơi ướt, có lẽ vừa lội đầm lên. Nhưng nón vẫn che được một phần ánh nắng, và đôi mắt kia - đôi mắt chưa từng đổi thay - vẫn nhìn chàng như ngày nào.
Một thoáng, Hiếu không nói nên lời.
Chỉ có gió. Gió thổi qua thân sen làm những cánh tàn run rẩy. Gió đưa mùi bùn non trộn với hương hoa, dìu dịu mà se sắt, như thể trời đất cũng biết hai người đã không còn là hai đứa trẻ dưới mái hiên năm nào.
Hồ đặt gánh xuống, đứng thẳng lưng, hỏi thêm:
"Nghe bảo cậu học đỗ cao lắm... Giỏi thật."
Hiếu mím môi, gật đầu.
"Về rồi... Ở luôn chứ?"
Chàng nhìn ra đầm nước, giọng khẽ như nói với chính mình:
"Ở. Nhưng chẳng biết để làm gì."
Hồ im lặng nhìn theo ánh mắt chàng. Một khoảng lặng kéo dài.
Rồi Hồ cười nhẹ:
"Sen cuối mùa rồi. Năm nay ít hoa, nước sụt sớm nhưng vẫn còn đẹp chán."
Nó cúi xuống, lấy ra một bông sen trắng, còn đẫm sương lại nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay Hiếu.
"Hoa này là cho cậu."
Gió nổi lên mạnh hơn, lá sen vặn mình, đầm nước lại dậy sóng.
Trong khoảnh khắc ấy, Hiếu muốn bỏ lại tất thảy - xưởng gốm, họ Lê, gạch ngói tổ tiên, cỗ xe song mã, áo khuy đồng... Để chỉ còn là cậu bé năm nào cởi giày chạy trên bờ đê, đi sát sau lưng một người hái sen chẳng có gì ngoài nụ cười ngược gió.
Nhưng rồi tiếng chuông từ phủ vọng ra - ba hồi. Lệnh gọi dùng bữa chiều.
Hiếu đứng mãi. Sen trong tay rơi xuống. Cánh hoa trắng lấm bùn, không ai nhặt lại.
---
Từ ngày Lê Sang Hiếu trở lại, xưởng gốm nhà họ Lê như bừng tỉnh sau giấc mộng dài. Những lò nung cũ lại cháy, bễ gió thổi phì phò trong sương sớm, tiếng gõ đục vào khuôn đất vang lên như một bản nhạc xưa cũ trở lại, đều đều, chậm rãi mà dai dẳng.
Hiếu từ ngày về làm việc trong xưởng dường chẳng mấy khi lên tiếng, cũng không tỏ rõ cảm xúc gì. Chàng mang từ trời Tây về một sấp bản vẽ, một khối óc sáng tạo và cả một trái tim đang hoài nghi chính điều mình từng mơ ước. Những ngày đầu, Hiếu đi khắp xưởng, bước chân chậm rãi nhưng ánh mắt lại soi xét từng góc nhỏ: lối chạm men rạn, khuôn tròn kiểu cổ, từng mẻ gốm chưa kịp hoàn thiện chất đống sau nhà. Tất cả vẫn như xưa, nhưng chính cái "như xưa" ấy lại làm chàng ngột ngạt - như thể thời gian ở đây đã chôn chân trong chính lớp tro lắng lại dưới đáylò.
Chàng bắt đầu dựng một lò riêng, nhỏ mà kín đáo, nằm sau nhà kho cũ, cạnh giếng nước phủ rêu. Không ai hiểu dụng ý của chàng, cũng không ai can, bởi trong ánh mắt cha Hiếu, đã có sự dè dặt ẩn dưới con ngươi nghiêm nghị kia. Người cha biết rõ, đứa con này không dễ uốn.
Hồ vẫn lặng lẽ đến, mỗi sớm. Khi trời còn mù mịt hơi sương, khi giàn mướp sau bếp chưa kịp đón nắng, nó đã xuất hiện nơi cổng sau, tay ôm bó sen cuối mùa. Sen không còn tươi, cánh đã hơi xỉn, cuống cũng gãy gập nhưng Hồ vẫn lau từng cánh bằng tà áo nâu, đặt ngay ngắn trong rổ. Nó khẽ cúi đầu mỗi khi đưa hoa cho người giữ cổng rồi lại nhanh chóng rời đi.
Rồi một hôm, chính Hiếu mở cửa.
Hồ giật mình, lúng túng. Nó toan cúi chào, nhưng Hiếu đã giơ tay ra đỡ lấy vai nó - cái cử chỉ hiếm hoi từ người công tử ấy. Tay chàng thon dài, có mùi mực nho và bụi gốm, ngón trỏ còn vương một vết xước đỏ như đất nung chưa nguội.
"Sen cuối mùa à?' - Hiếu hỏi.
Hồ gật đầu.
"Dạ, đầm năm nay cạn sớm, sen cũng ít."
Hiếu đưa tay cầm lấy một bông. Ngón cái chạm nhẹ vào cánh - mềm, mỏng, như đang sờ vào một phần ký ức. Rồi chàng hắng giọng, liếc về phía Hồ
"Cậu rảnh thì qua xưởng... xem thử lò tôi đang làm. Chỉ là thử thôi, không ai tin nó sẽ ra gì cả."
Hồ không trả lời. Nhưng chiều hôm ấy, khi nắng nhạt như màu gốm sắp nung, nó đã đến thật.
Cái lò sau xưởng không lớn, chỉ vừa một người châm lửa và một người ngồi canh. Hiếu đang phủ men lên một chiếc đĩa. Hồ đứng ngoài nhìn vào, lại rụt rè không dám cất tiếng gọi nhưng Hiếu đã nhận ra, như thể lưng chàng có mắt. Chàng nghiêng đầu:
"Vào đi. Ngồi đâu cũng được, đừng đụng cái kệ kia, đang hong gốm ướt."
Hồ rón rén bước vào. Mùi đất sét, tro bếp, than củi quyện vào nhau, khiến nó thoáng ho nhẹ. Hiếu cười khẽ:
"Chưa quen. Ở đây, ai cũng phải hít bụi vài năm mới sống được."
"Nhưng cậu..." - Hồ ngập ngừng - "...vừa từ bên Tây về, sao không sống trên tỉnh?"
Hiếu ngẩng lên, mắt chạm vào mắt nó.
"Vì tôi thấy mình vẫn chưa sống được chỗ nào cả."
---
Từ hôm đó, Hồ đến thường xuyên hơn. Ban đầu chỉ là đứng xem, rồi lâu dần, giúp nhóm bếp, kê khuôn, nhặt mảnh men vỡ. Nó chưa từng tiếp xúc với cái nghề này nhưng tay lại rất thạo, chẳng cần dạy cũng biết cách cầm đồ nghề sao cho êm, biết đâu là đất tốt, đâu là nước vừa tay. Có lần, Hiếu nhìn cách Hồ xếp tro, bất giác hỏi:
"Cậu từng học nghề?"
"Không ạ, chỉ... nhìn cha làm thôi."
"Cha cậu cũng từng nung gốm?"
"Không. Cha tôi nung rơm. Để ủ ấm sen mùa đông."
Hiếu khựng lại một nhịp, trong đầu chàng chợt lóe lên một ý nghĩ lạ lẫm.
---
Đêm.
Trăng xám, mờ sau mấy đám mây trôi lững lờ.
Họ ngồi bên lò. Ánh lửa phản chiếu vào khuôn mặt mỗi người. Mắt của Hiếu sáng, nhưng lạnh. Mắt của Hồ tối, nhưng ấm. Cả hai lặn lẽ ngồi bên nhau nghe tiếng than cháy lách tách và tiếng gió đập nhẹ vào mái lá.
Chỉ một lúc, Hồ khẽ nói:
"Lò này có ra được gốm không?"
Hiếu lắc đầu.
'Không biết. Nhưng nếu nó cháy đủ lâu, biết đâu lại ra thứ gì đó chưa từng có."
Hồ không đáp lời, nó chậm rãi đặt xuống một bông sen đã khô lên chiếc đĩa chưa tráng men trước mặt.
"Vậy... thử bỏ cái này vào xem sao."
Hiếu ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt Hồ.
Trong một thoáng, như thể mọi âm thanh đều tan ra. Lửa vẫn cháy đều đều, cánh sen vẫn khô, nhưng trong lòng chàng dường như có một làn hơi ấm nhẹ nhàng lướt qua. Chậm, nhưng rõ.
Từ ngày ấy, người ta thấy Hàn Quang Hồ lui tới xưởng gốm nhiều hơn, thường là lúc tờ mờ sáng hoặc khi trời vừa chập tối. Nó bước nhẹ lắm, như sợ đánh động vào thứ gì mỏng manh đang nhen lên giữa hai người. Cũng chẳng ai trong xưởng hỏi, bởi ai cũng nghĩ Hồ chỉ là đứa quen đưa sen lễ, biết đâu được lòng cậu Hiếu được giữ lại làm việc lặt vặt. Dân làng vốn quen với cảnh dưới ngó lên, chẳng mấy khi để ý tới bóng lưng ai đó trong xưởng, huống hồ một đứa không họ hàng thân thích, không ruộng đất như Hồ.
Nhưng với Hiếu, mỗi lần Hồ đến là từng nhịp trái tim lặng lẽ thay đổi.
Chỉ là những khoảnh khắc vụn vỡ được sắp xếp cẩn thận như mảnh gốm vỡ gom lại thành bình. Là khi Hiếu đang vẽ hoa văn men lam, Hồ đi ngang, dừng lại rồi ngồi xuống xem, im lặng hồi lâu, đoạn nói khẽ:
"Cánh sen thật thì không đều thế đâu."
Hiếu ngoái nhìn:
"Không đều?"
"Nó hơi vặn. Có cái còn rách sẵn. Cánh sen thật không bao giờ vẹn nguyên thế này đâu."
Lời ấy khiến Hiếu sững người, cánh tay run khẽ. Rồi cầm lấy mảnh sành mới, vẽ lại. Lần này, chàng để cánh sen vặn một bên, có vết rách nhẹ ở mép. Gốm không hoàn hảo, nhưng phải chăng từ đó mới là gốm "sống"?
---
Một hôm trời mưa, mưa dầm kiểu mùa chuyển vụ. Cả làng như được phủ bởi một tấm màn mỏng, ẩm, mùi đất trộn với tro lạnh. Trong xưởng, lò lớn ngừng đốt, người thợ về sớm. Chỉ còn Hiếu ngồi hong gốm trong gian lò nhỏ sau nhà. Bất ngờ, cửa lò bật mở.
Là Hồ.
"Mưa to quá, tôi trú nhờ chút có được không?"
Hiếu gật đầu, vốn định hỏi sao nay nó lại đến giờ này, nhưng nom thấy vạt áo ướt đẫm mưa lạnh của nó, chàng lại thôi.
Họ ngồi gần sát bên nhau cạnh lò, không gian chỉ còn ánh lửa và tiếng nước nhỏ giọt từ mái. Hiếu đưa Hồ một tách trà gừng nguội. Hồ đỡ lấy, hai ngón tay khẽ chạm. Tay nó lạnh buốt. Hiếu toan rút về, nhưng Hồ giữ lại một chút - dường như muốn mượn chút hơi ấm từ bàn tay chàng.
"Hồi nhỏ, tôi từng ngồi thế này, bên cha" - Hồ nói, mắt nhìn xa xăm. - "Nhưng lò nhà tôi chỉ là lò rơm, lửa cháy bập bùng một chốc là tắt. Còn ở đây... cứ như có thể cháy mãi."
Hiếu không đáp lời, chỉ lặng lẽ đan tay vào đôi bàn tay lạnh căm của Hồ.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi.
Tối hôm đó, Hồ ra về rất trễ. Khi bước ra khỏi cửa lò, cậu ngoái lại:
"Cậu Hiếu..."
Chàng quay đầu.
"Nếu một ngày nào đó, cậu làm ra được thứ gốm chưa từng ai thấy... tôi có thể là người đầu tiên được chạm vào nó không?"
Hiếu mỉm cười, khẽ gật đầu.
Khóe miệng Hồ cong lên, đáp lại chàng đôi câu rồi nhẹ bước qua ngưỡng cửa, để lại đằng sau là một mùi sen khô, trộn lẫn hương gốm nồng ấm.
Ấy vậy mà từ sau đêm trú mưa, Hồ lại không đến nữa. Không lời nhắn gửi, cũng không thấy dáng hình thấp thoáng giữa cổng xưởng như mọi ngày. Ba hôm đầu, Hiếu gắng tỏ ra bận rộn, vùi đầu vào bản vẽ, trò chuyện nhiều hơn với thợ, thậm chí nhận lời mẹ đi xem đất mở thêm lò. Nhưng đến hôm thứ tư, khi tỉnh dậy vào một buổi sớm se lạnh, nghe tiếng ai đó quét sân xao xác trước hiên, Hiếu lại giật mình tưởng là Hồ. Chàng bật dậy, mở tung cánh cửa gỗ, để rồi chỉ thấy bà vú già đang gom lá khô vào thúng.
Gió sáng tràn vào, mang theo mùi bùn non từ phía đầm sen thổi lên. Không có mùi sen, cũng chẳng có ai cả.
Chàng trở vào phòng, đứng thật lâu bên bàn vẽ. Giữa một loạt phác thảo là một bức chưa hoàn chỉnh: nét vẽ một bông sen méo, cánh còn nhòe than, giấy còn dính vệt nước mưa. Chàng toan cất đi, nhưng rồi lại lấy ra, sửa đôi nét. Tay vẽ chậm, lòng đột nhiên nhớ mùi khói bếp, nhớ cả tiếng nước tí tách Hồ gạt khỏi mái tóc hôm nào.
Đến gần trưa, khi chàng đang trộn đất thử mẫu mới, thì có tiếng chân rất nhẹ trước hiên. Một mùi gì đó dịu và quen len qua kẽ cửa - không phải hương sen tươi, mà là mùi sen đã héo, hong kỹ nắng, mang chút ngai ngái của cuống khô và nhụy úa. Một thứ mùi man mác như nhớ, như thương, như điều gì chưa từng nói mà đã kịp tan.
Hiếu ngẩng lên. Cửa xưởng mở, Hồ đứng đó, tay ôm một túi vải sẫm màu, nhỏ giọng:
"Tôi đốt thử sen khô, rồi rây lại lấy tro. Nghe cậu nói tro sạch sẽ cho màu đẹp, tôi nghĩ... chắc nên thử cái này."
Hiếu bước ra, tay nhận lấy chiếc túi, vô tình chạm vào tay Hồ, một cái chạm nhẹ như không, nhưng đủ khiến tim chàng khựng lại nửa nhịp. Hồ vẫn tránh ánh mắt, dường như cũng biết rõ khoảng cách mỏng như tơ nhưng đậm như bùn giữa họ đang dần rút ngắn.
"Có một chỗ ở đầm dưới, hoa sen vẫn còn nở muộn. Nếu cậu muốn xem mẫu thật để vẽ, mai tôi dẫn ra đó. Nhưng phải đi sớm, người làng không thích có người lạ tới khi chưa rạng."
Hiếu chỉ đáp gọn lỏn:
"Mai tôi đi"
---
Sớm hôm sau, trời chưa sáng hẳn, Hiếu đã tỉnh. Chàng chẳng kịp ăn gì mà đã vội khoác áo nâu sẫm, xỏ guốc nhẹ, ra cửa bằng lối sau. Hồ đã đợi sẵn, vẫn cái nón cũ đội lệch, áo bạc màu.
Họ đi qua đường làng, men theo lối ruộng, bước chân gần nhau nhưng không chạm. Đôi lúc, Hiếu nghe rõ tiếng guốc mình lún xuống bùn, còn tiếng Hồ chỉ như lướt trên cỏ. Trăng muộn mờ dần, nhường chỗ cho ánh hừng đông chưa kịp ló. Sương dày làm mọi thứ mờ ảo, như thể hai người đang đi vào một cõi mộng nào đó ngoài thế tục.
Ra đến đầm, cảnh hiện ra bất ngờ như vừa xé toạc lớp màn sơng: nước yên ả, bầu trời loang sắc lam tro. Cánh sen cuối mùa còn vươn mình trên mặt nước, dăm bông trổ lệch, nở vội, dường như biết mình sinh ra để lụi sớm nên phải gắng mà nở cho thật cao, thật đẹp, thật kiêu hãnh. Hồ vạch một lối đi nhỏ qua rặng lau, khẽ nói:
"Hoa ở đây thường không đều. Nhưng càng méo mó lại càng giống thật."
Hiếu ngồi xuống, lấy giấy bút. Trước mắt chàng là một bông sen lệch, một bên cánh bị nước làm cong, trông như khép mắt ngủ mơ. Hồ ngồi đối diện, chống cằm lên đầu gối, ánh mắt không rời trang giấy.
Tiếng bút lướt trên giấy và tiếng chim chớm gọi ban mai. Bỗng, Hồ hỏi:
"Ở bên Tây... sen có không?"
Hiếu bật cười, không ngẩng đầu:
"Không có. Hoa bên ấy có đẹp có thơm mấy với tôi cũng chẳng bằng sen nước mình được."
Gió nổi lên, lay một vài cánh sen rơi xuống mặt nước. Chàng trai đang vẽ bỗng ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt cậu trai kia.
"Ở bên ấy, tôi vẽ nhiều. Nhưng chẳng có bức nào làm tôi muốn giữ, hôm nay thì khác."
"Vì hoa?"
Hiếu lắc đầu.
"Vì người hái hoa."
Trên đường về, sương đã tan, trời vừa sáng. Cả hai đi qua lũy tre cuối làng, Hiếu cất lời, chậm rãi:
"Nếu tôi làm một chiếc bình, chỉ một cái duy nhất, tôi sẽ vẽ đoá sen hôm nay. Cả nét cong, cả vết dập."
Hồ không quay đầu, hỏi nhỏ:
"Rồi cậu có ký tên không?"
Hiếu đáp:
"Không ký tên. Nhưng dưới đáy bình có lẽ sẽ khắc một chữ."
"Một chữ 'Hồ'".
Hồ chậm dần bước chân, quay lại nhìn chàng. Trời sáng rõ, ánh nắng dịu dàng chiếu vào mắt nó, khiến cho đôi mắt ấy long lanh như được phủ lên một tầng nước. Một nét cười rất nhẹ hiện ra, ngay trong ánh mắt chạm vào nhau thật khẽ khàng.
---
Sau hôm ấy, Hiếu vẽ nhiều hơn, nhưng lại ít mang bản vẽ ra cho thợ xem. Trong một góc riêng của xưởng, chàng cất từng trang giấy vẽ sen, những bông méo, từng cái cuống gãy, vài cánh trổ nghiêng... Và mỗi khi cầm đất lên nhào, chàng lại nhớ mùi tro sen hôm ấy: ngai ngái, thanh, và hơi khét - thứ mùi chẳng mấy ai để ý, nhưng với Hiếu lại chính là dấu ấn cho mối tình chưa vội thành hình.
Từ ngày ra đầm sen, Hồ cũng bắt đầu ghé xưởng nhiều hơn. Bóng dáng lặng lẽ thoắt ẩn thoắt hiện giữa những lu gốm mới phơi, hoặc bên bệ thợ đang đập đất, rây tro. Có lúc, nó chỉ mang tới một mẻ sen khô hay một túi tro lửa từ đám lá úa ngoài đầm. Có lúc, chẳng mang gì cả mà chỉ đứng nhìn Hiếu trộn men, nét mặt lặng như mặt nước lúc sớm.
Giữa họ hình thành một thỏa thuận ngầm: không gọi tên nhau giữa lúc đông người, không đứng gần quá khi có kẻ thứ ba. Nhưng hễ chỉ còn lại hai người, trong góc xưởng đầy bụi và ánh sáng xiên nghiêng, thì chỉ một cái nghiêng đầu, một tiếng ho khẽ, cũng đủ khiến tơ vương rối mù.
Một buổi chiều, trời đổ mưa rào. Trong xưởng, thợ đã về hết chỉ còn lò chính là đang đỏ lửa, Hiếu vẫn nán lại kiểm men. Hồ bước vào, áo ướt sũng, mưa như tạt ngang khiến tóc nó bết vào trán. Hiếu rút khăn đưa nhưng Hồ lắc đầu, chỉ đến gần lò rồi ngồi xuống, đưa hai tay về phía ánh hồng.
"Trời dạo này lạ thật, nóng lạnh không đoán được. Cũng như người ta vậy, lúc gần lúc xa."
Hiếu không đáp. Chàng đứng ngay sau lưng nó, nhìn ngọn lửa hắt lên gương mặt Hồ, soi rõ từng sợi lông tơ ẩm nước, từng tia sáng lóe lên nơi đồng tử. Một chốc, Hiếu chậm rãi hỏi:
"Có khi nào cậu nghĩ, nếu ta làm một khuôn gốm mới, hoàn toàn khác, không theo truyền thống, không theo Tây, mà chỉ theo một hình nào đó... không ai hiểu, không ai chấp nhận, thì có nên làm không?"
Hồ quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt chàng. Câu trả lời đến chậm, nhưng chắc:
"Nếu là khuôn của cậu, thì cứ làm đi. Có vỡ, thì cùng nhặt lại."
---
Đêm ấy, Hiếu thức trắng. Trong phòng riêng, chàng lục lại một mẫu cũ - một thiết kế men lam vẽ sen cách điệu với đường nét phóng khoáng như thư họa, nhưng từng bị cha chê là "khác thường, không hợp lễ nghi".
Chàng mang khuôn ấy ra xưởng, một mình thử đắp lại, chỉnh góc đáy, thay chất đất, phối với tro sen Hồ đưa lần trước. Cả đêm không ai hay, chỉ đến lúc trời hửng sáng, khi bà vú già mang trà tới, thấy cậu cả nằm thiếp bên khuôn đất, tay áo còn dính bột tro, mới hốt hoảng gọi người nhà tới.
Tin cậu cả "tự mình vào lò" lan nhanh. Trong nhà, mợ Lụa vừa lo vừa giận còn cha Hiếu mặt lại tối sầm như tro nguội. Lúc ấy, ông chỉ hỏi:
"Nó dùng men gì?"
"Dạ thưa, cậu... cậu dùng tro sen, với đất từ đầm trũng..."
Nghe đến đây, ông đập mạnh chén trà xuống bàn, nước trà nóng văng cả lên mu bàn tay mợ Lụa.
"Cai thứ đất hạ tiện ấy mà cũng dám đưa vào gốm nhà họ Lê? Rồi đốt bằng tro hoa? Cái xưởng này là miếu thờ tổ tiên, không phải chỗ cho trò đùa!"
Hiếu bị gọi lên chính đường. Trong gian nhà chính treo hoành phi câu đối, đèn lồng đỏ phủ bụi thời gian, chàng đứng thẳng lưng trước bậc tam cấp, mắt không tránh ánh nhìn của cha. Chàng thẳng thẳn đối diện với cha:
"Con muốn thay đổi."
"Bằng cách vứt bỏ cội rễ?"
"Không thưa cha, con chỉ muốn thở trong căn nhà này, không phải ngạt vì nếp xưa lèn chặt trong từng viên gạch."
Câu ấy vừa dứt, cả gian lặng đi. Mợ Lụa suýt ngất, còn ông thì chỉ thốt:
"Hay là do cái thằng bán sen dạy cho anh nói thế?"
Không ai từng gọi Hồ như vậy trước mặt Hiếu. Từ miệng cha, nó lại như một nhát dao sắc ngọt. Chàng chỉ cúi đầu, rồi ngẩng lên chậm rãi đáp lời:
"Không ai dạy con điều gì cả vì chính cái khoảnh khắc con nhìn người ấy sống lặng lẽ, không đòi hỏi, không oán than... con mới biết thế nào là tự do."
Câu ấy, chàng nói nhỏ. Nhưng đủ để ai cũng nghe rõ. Và cũng đủ để đêm hôm ấy, người ta thấy Hồ bị gọi lên bếp sau, nơi đám gia nhân thì thào bảo nhau: "Cụ ông muốn đuổi nó đi. Còn không thì cho người gài bẫy, để nó tự biết thân mà tránh xa cậu cả nhà mình..."
---
Nhưng Hồ không đi.
Hôm sau, nó vẫn tới xưởng. Tay có vài vết đỏ trông như vết bỏng nhẹ. Vẫn mang theo túi vải bên trong đựng ít tro khô, vẫn lặng lẽ đặt xuống bàn của Hiếu, như mọi hôm.
Hiếu đang đứng bên bàn xoay, thấy nó thì dừng tay, không nói, chỉ bước lại gần. Giữa đống phôi gốm chưa nung, chàng khẽ khàng đặt lên đôi môi khô ráp ấy một cái hôn dịu dàng hết thảy. Cái hôn ấy vụng về lắm ấy vậy mà chẳng ai nỡ buông lơi, cứ dây dưa quyến luyến mãi đến khi nhịp thở trở nên vội vàng mới chịu tách nhau ra.
Từ hôm ấy, Hiếu và Hồ như hai mảnh gốm chưa nung - còn thô, còn vụn, nhưng đã cùng đặt trong một lò. Ngọn lửa quanh họ dần dần bốc cao, không phải thứ lửa đỏ của men sôi mà là ngọn khói mờ, dai dẳng, lặng lẽ ngấm vào từng tấc da thịt.
Làng cũng từ ấy mà bắt đầu xì xào. Có kẻ nói cậu cả Lê Sang Hiếu bị Tây hóa, mang cái kiểu vẽ sen lạ lẫm chẳng giống ai, chẳng có thần. Có bà rửa bát ở đình chùa bảo, cái bình tráng tro sen mà cậu làm, để cạnh lư hương tổ tiên, "thấy lạnh sống lưng, như có người đứng nhìn". Người thì nửa đùa nửa thật: "Hay cậu cả nó bị yểm bùa? Thằng Hồ nhìn mặt thì hiền nhưng mắt nó có cái nét như khói âm, nhìn thẳng vào mà rợn lắm."
Những lời ấy, bay qua sân đình, xuyên vách xưởng gốm, rơi xuống tai mợ Lụa như tàn lửa rớt vào vạt áo lụa.
Một hôm, bà cho người mời thầy pháp từ phủ huyện về. Bà không nói lý do, chỉ bảo "trấn trạch, xua tà khí". Nhưng đêm ấy, cả nhà không ai ngủ được. Mùi nhang sâm, mùi trầm lẫn trong khói ngải. Trên bàn thờ tổ, thầy đặt một bát nước, ngón tay khẽ khuấy, miệng lẩm nhẩm:
"Có khí âm bám theo, không hợp long mạch. Cẩn thận mà cắt đi, kẻo vỡ gốm, hư lò."
Hiếu đứng ngoài rèm, lặng lẽ nhìn cha mẹ gật đầu theo lời thầy, lòng chàng chợt dâng lên cảm giác lạnh lẽo, lạnh đến tận cốt tủy. Chàng biết: họ không còn chỉ phản đối gốm tro sen mà đã bắt đầu nghi ngờ con người mang theo mùi tro ấy.
---
Sáng hôm sau, Hồ không tới.
Một ngày. Hai ngày. Rồi cả tuần. Trong xưởng, ai nấy đều tránh ánh mắt Hiếu. Có thợ khẽ thầm: "Thằng ấy bị bắt rồi đấy. Nghe nói ăn cắp đất sét đặc biệt mang bán."
Hiếu không tin. Chàng chạy ra đầm sen, qua cầu gỗ, tới tận lều nhỏ nơi Hồ thường ngồi gói sen. Lều vắng. Trên bàn chỉ còn lại một nắm lá khô, và cánh sen trắng đã héo quắt.
Chàng quay về, hỏi khắp xóm trũng. Một bà già gánh nước bảo: "Thằng Hồ ấy à? Mấy hôm trước có người nhà quan xuống, mang giấy triệu. Còn nói nếu không đi thì bị bắt, nghe nói có người nhà họ Lê cậu đứng tên đấy."
Hiếu siết tay, suýt làm rách vạt áo.
Chàng trở về phủ, bước thẳng vào chính đường, quỳ xuống trước mặt cha:
"Cha đã làm gì cậu ấy?"
Ông Lê vẫn ngồi bình thản, mắt không rời tách trà:
"Thằng đó chỉ là đứa vớ vẩn, có cũng được, không cũng chẳng sao. Ta không muốn nó dây vào danh tiếng của con."
"Cha không có quyền!"
"Còn hơn để nó kéo cả dòng họ này xuống hố. Con muốn gốm tro sen? Ta cho con làm. Nhưng đừng mong giữ cả cái ngữ bán sen ấy."
Hiếu đứng lên. Mặt chàng trắng bệch. Lời cha không còn như lệnh mà như một nhát chém vào giữa lòng chàng. Chàng quay đi, nhưng trong đầu chỉ có một điều duy nhất vang vọng: "Phải tìm bằng được Hồ."
---
Hồ không đến nữa.
Không một lời từ biệt, không một dấu vết. Nó biến mất như cách cơn gió vụt qua đồng sen, để lại một khoảng trống mà không ai lấp được.
Ngày đầu tiên, Hiếu chờ. Chàng ra sân từ sớm, tay còn cầm bức phác thảo dở dang: nét vẽ một cánh sen cụp đầu, bên dưới là dòng chữ nhỏ bằng mực nho: "Giữ lấy hương trong tro, như giữ nắng cuối mùa." Gạch gốm trong sân đã hong khô, còn bàn tay cầm bức vẽ lại cứ lạnh dần. Hồ vẫn không đến. Chàng tự nhủ: "Có lẽ cậu ấy bệnh." Nhưng đến chiều, khi sương giăng kín lối qua lò, lòng chàng bắt đầu đổ bóng.
Ngày thứ hai, Hiếu cầm chiếc đèn dầu, bước một vòng quanh làng. Qua chợ vắng, qua đám trẻ thả diều trên gò cao, qua cả khúc sông cạn nơi Hồ hay ngồi rửa sen. Mọi chỗ vẫn như cũ, chỉ là chẳng còn hình bóng người thương ở nơi nào.
Tối đến, Hiếu ngồi một mình bên lò gốm nguội lửa, khều tro tàn, lặng nhìn ánh lửa cũ còn in trên vách. Trong không khí, mùi sen cháy đã phai, chỉ còn mùi đất khô. Một nỗi hoang hoải len vào từng kẽ ngón tay, từng đốt sống lưng.
Ngày thứ ba, người ta đồn.
Có kẻ chạm mặt lính huyện qua làng, nói đã bắt một kẻ "dám thó đất trắng họ Lê đem bán cho nhà ngoài" mà kẻ đó không chịu thú tội, đã cắn lưỡi tự tử trong ngục. Có người lẩm bẩm: "Lại còn dây dưa với cậu Hiếu, không chừng là bị ông Lê cũng nên..."
Chưa nói hết câu, người ấy đã vội bịt miệng mình lại rồi mau mau chóng chóng kéo người kề cạnh rời đi.
Hiếu không phản ứng. Chàng chỉ ngồi bất động rất lâu sau đó, bên tách trà nguội, mắt nhìn xuyên qua màn sương đang đặc dần ngoài cửa sổ. Đêm ấy, chàng đốt thử một mẻ gốm mới , mẻ gốm đầu tiên không có tay Hồ hong phơi, không có nhành sen cắm vào kẽ lò.
Kết quả: gốm nứt. Vết rạn rất nhỏ, nhưng chạy dọc cả thân bình, tựa như một mạch máu vừa đứt.
---
Ba hôm sau, Hiếu ra đầm.
Sương phủ đầy trời, trắng đến mức không phân biệt được đâu là mặt nước, đâu là chân mây. Chàng băng qua mép bờ nơi từng đặt chiếc thuyền con, là chiếc Hồ thường chèo khi hái sen, giờ tròng trành trong cỏ lác. Lều lá không còn. Chỉ còn dấu chân người in vết nặng nơi nền đất, và một chiếc khăn vải sờn gió mắc vào cành củi khô.
Chàng tìm mãi, tìm trong yên lặng đến mức gió thổi qua cũng nghe ra thành tiếng. Tìm đến khi lòng bàn tay rớm máu vì cào vào rễ tre và bàn chân ướt lạnh tê dại vì dẫm bùn.
Đến khi trời sập tối, chàng thấy một vật trôi lững lờ giữa mặt nước: là một cái nón lá cũ, và bên trong, một bông sen trắng, đã rã gần hết, chỉ còn nhị hoa quấn chặt, dập dềnh trong dòng nước lạnh lẽo đến cực điểm.
Không tìm thấy xác người. Hồ, tựa như sương, tựa như khói tro, lặng lẽ tan đi mà không để lại một hình bóng rõ ràng.
Từ hôm đó, Hiếu không bước vào gian phòng lớn nơi gia đình vẫn ngồi tiếp khách. Chàng dời về căn nhà nhỏ phía sau xưởng gốm nơi ngày trước Hồ từng lặng lẽ hong từng mẻ bát. Trên bàn thờ nhỏ, chàng đặt chiếc nón lá. Bên trong là chum gốm men tro, loại chum chỉ nung đúng một lần, chỉ dùng cho thứ gì đó không thể chạm vào lần thứ hai.
Mỗi đêm, chàng đốt một ít cánh sen khô, những cánh cuối cùng Hồ để lại. Tro bay lên, tan vào không khí, len vào tóc chàng, áo chàng, mắt chàng. Một người sống, dần dần hóa thành lò nung, chẳng vì làm gốm, mà để giữ lại chút tro hương của một đời lặng lẽ.
Sau cái đêm mưa ấy, nhà họ Lê lặng đi như thể trong phủ vừa có đám. Không ai dám nhắc đến tên Hồ, cũng không ai hỏi vì sao cậu Hiếu không còn lui tới đại sảnh, không còn dùng cơm cùng gia đình, cũng không còn dự những buổi khách quan tuần phủ ghé thăm nữa.
Ông Lê thì vẫn ngồi trong phòng thờ tổ, tay lần chuỗi tràng hạt, mắt không rời bức đại tự viết bốn chữ "Tổ tông vạn đại". Mỗi lần nghe tiếng chân Hiếu đi qua hành lang, ông lại ngừng tay, như chờ đợi một điều gì đó sẽ được nói ra. Nhưng Hiếu lại không nói. Chàng chỉ đi, nhẹ như tro bay. Vào lò, ra vườn, đêm nào cũng thắp nhang rồi ngồi vẽ suốt tới sáng.
Có đêm, mợ Lụa len lén đem chút cháo nóng lên gian nhà nhỏ. Thấy con ngồi bên chum tro sen, bà mím môi, lúc quay đi, bà đặt tay lên vai Hiếu, bàn tay gầy như cành mai khô, nhưng ấm.
"Con ơi... đừng thế nữa. Mình còn sống là để đi tiếp, chứ không phải để tiếc mãi một người đã khuất, con ơi..."
Hiếu không quay đầu. Chàng chỉ hỏi, rất khẽ:
"Có phải... mẹ từng yêu ai khác cha, nhưng chẳng có quyền chọn lựa, phải không?"
Mợ Lụa sững người. Trong khoảnh khắc đó, một nếp nhăn nơi khóe mắt bà như run lên. Nhưng rồi bà mỉm cười, giọng nhẹ như khói sương:
"Đàn bà trong cái nhà này... ai mà chẳng từng bỏ lỡ một người trên đường đi về làm dâu."
---
Hôm quan tuần phủ đến bàn chuyện cưới hỏi, trời trở gió lớn.
Trên bàn, mâm ngũ quả xếp tròn trịa, trầu têm cánh phượng, tráp lễ phủ nhiễu điều. Cô con gái quan, tiểu thư Lê Nhạn - được khen là "có chữ, có sắc, có đức độ hiền lương". Hai họ ngồi quanh, rượu rót đầy chén, ai cũng cười.
Chỉ Hiếu là không uống.
Chàng nhìn cha, rồi nhìn những ngón tay mình đang đặt trên mặt bàn gỗ. Gỗ quý, vân đẹp - nhưng có một đường rạn chạy dọc từ giữa ra mép. Như chum gốm lần ấy. Như chính lòng chàng.
Ông Lê khẽ gằn giọng:
"Con đã gần ba mươi tuổi, không thể sống như một ông đồ họa vẽ sen, nung gốm mà chôn mình trong lửa tro. Cái xưởng này, cái họ này, cả cái danh tiếng nhà Lê rồi sẽ vào tay ai?"
Hiếu đáp, mắt không rời đường rạn:
"Cha cứ để cho người có thể đốt ra thứ gốm vô cảm ấy mà nhận."
Ông Lê đập mạnh tay xuống bàn. "Mày dám?"
"Dạ," Hiếu đứng lên, giọng bình thản như người đã chọn sẵn con đường. "Con không muốn lấy vợ. Cũng không muốn sinh con. Nếu cần nối dõi thì để chú Ba làm. Xưởng gốm, nếu cha cần gốm biết quỳ trước quan lại, con sẽ không đụng tay vào nữa."
"Vì thằng bán sen đó? Mày bỏ cả nhà, bỏ cả máu thịt, bỏ cả tổ tiên để tiếc một thằng cùng đinh đã chết nổi trôi ngoài đầm?"
Hiếu không đáp. Một hồi lâu, chàng mới chậm rãi nói:
"Người ta nói gốm là đất đã qua lửa. Nhưng có loại lửa không cháy ngoài trời. Mà cháy trong lòng người, cháy đến đâu, hồn thành tro đến đó."
Chàng quay đi. Phía sau, chiếc tráp sính lễ vẫn đỏ chói dưới ánh nến. Nhưng chàng chỉ nhìn thấy một cánh sen rã, trôi đi trong nước lạnh.
---
Từ đó, Hiếu không còn được bước vào từ đường. Ông Lê dán sắc lệnh họ lên cửa "Ai không tôn vinh gia phong, không xứng mang họ Lê." Làng trên xóm dưới xì xào: "Công tử nổi danh đó, hóa ra cũng chỉ là thứ sứ đẹp mà rỗng ruột." Chỉ có mợ Lụa vẫn thỉnh thoảng đem chút trà lên, lặng lẽ gõ cửa rồi đi.
Trong gian xưởng cũ, Hiếu dựng lại một lò nhỏ.
Người ta bảo: "Cậu ấy điên rồi. Mỗi ngày đốt một cánh sen. Hết rồi lại xin từ người làng. Có hôm ra tận chợ, mua đắt gấp đôi." Nhưng chỉ mình Hiếu biết, mỗi lần lửa lan dần lên cánh sen khô, trong làn khói ấy, chàng lại nhìn thấy một dáng người đội nón rách cười với chàng.
Và trong lòng, có tiếng vọng vẫn chưa bao giờ tắt.
Từ ngày Hiếu khước từ cuộc hôn nhân với con gái quan tuần phủ, nhà họ Lê như hóa phủ không hương khói. Tiếng cười vắng bóng trong đại sảnh, cửa từ đường im ỉm đóng kín. Họ hàng, thân thích dần cũng thôi lui tới, hoặc nếu có thì cũng chỉ để lại vài câu nhắn gửi: "Cậu cả dạo này... khác lắm."
Hiếu không đáp lời ai. Căn phòng phía tây xưởng - từng là chỗ nghỉ chân của các họa sư khi về làng vẽ gốm - giờ trở thành nơi ở cố định của chàng. Vách phủ đầy giấy vẽ sen. Nhiều bức không rõ hình, chỉ là những đường cong khói nhẹ, như tàn hương bị gió cuốn đi. Cũng có đêm, chàng ngồi vẽ chỉ một cánh sen, rồi cẩn thận đem đốt.
Mỗi ngày, Hiếu vẫn xuống lò, nhưng không làm việc chung với thợ. Chàng tự mua đất, tự pha men, nung riêng từng mẻ gốm nhỏ - toàn những bình không miệng, hoặc chén không đáy. Những thứ vô dụng, người làng bảo là "tà mị, điên dại". Nhưng chàng vẫn làm. Vì với chàng, mỗi vết nứt, mỗi lằn men cháy xém, đều là một phần của giấc mơ chưa kịp thành lời.
---
Một buổi trưa tháng Chạp, khi gió mùa đông bắc rít qua những khe ngói, ông Lê cho gọi con trai đến chính phòng. Gia nhân lui cả ra, chỉ để lại một mâm trà, vài chiếc bánh khảo, và hương khói nghi ngút từ lư đồng cũ.
"Ngồi đi," ông nói, giọng không giận mà lạnh như nước giếng sâu.
Hiếu ngồi xuống, lưng thẳng, mắt không chạm mắt cha.
"Mày vẫn còn giữ nó?"
Ông hỏi, chẳng cần nói rõ "nó" là gì.
Hiếu khẽ gật. "Con vẫn giữ. Vì đó là phần con nợ lại người ta."
Ông Lê im một lúc, rồi rót trà vào chén nhỏ. Đôi tay từng cứng như gọng kìm khi cầm khuôn gốm nay run nhè nhẹ. Rồi ông nói:
"Ngày xưa, tao cũng từng... muốn cưới một cô gái không môn đăng hộ đối. Là con một người làm thuê trong lò. Nhưng tổ không cho. Họ nói: 'Một cái chum men lam mà trộn bùn đen vào thì có còn là gốm quý không?' Tao nghe, rồi tao cưới mẹ mày. Người ta bảo: vì thế mà nhà họ Lê mới lên được như nay."
Hiếu im lặng.
Ông Lê tiếp: "Giờ đến mày. Mày tưởng yêu là đủ sao? Một đứa con trai, một thằng bán sen, nó đã chết nổi trôi mà chẳng ai tìm được xác, không tên trong gia phả, không có bàn thờ tổ. Mày tưởng cứ sống như thế là giữ được điều gì?"
Hiếu đáp, khẽ khàng như tro phủ:
"Con không giữ. Con chỉ không muốn lặp lại điều cha từng tiếc cả đời mà gọi là 'đúng đắn'."
Ông đập bàn. Chén trà vỡ, văng xuống nền.
"Câm mồm! Mày sống giữa làng này mà không hiểu sao? Ở cái đất Bát Ngạn này, người ta truyền đời bằng họ, bằng tên, bằng phả ký, bằng đám cưới môn đăng, không phải bằng mấy cánh sen rách trôi sông!"
Gió rít qua khe cửa. Một tờ giấy vẽ rơi xuống, cuốn lăn tới chân ông Lê. Trên đó là một nét phác hoa sen đơn độc, viền bằng khói nhạt.
Ông cúi nhìn, rồi chầm chậm cúi xuống nhặt lấy.
"Tao thương mày, Hiếu ạ," ông nói nhỏ, lần đầu sau nhiều năm. "Nhưng tình thương cũng có khuôn. Như gốm vậy - không khuôn, không nung, thì chỉ là đất. Đất thì người ta giẫm dưới chân."
Chàng đứng lên, khẽ cúi chào, rồi rời khỏi phòng. Không biện minh, không phản bác. Chỉ lặng lẽ như những kẻ biết mình đang đứng giữa hai dòng nước, không thể bơi qua, cũng chẳng thể quay đầu.
---
Hôm sau, trong làng có tin đồn: quan huyện sẽ sắp mở một triển lãm gốm lớn tại phủ, mời các lò danh tiếng tham dự. Nhà họ Lê đương nhiên được mời. Ông Lê cho thợ chuẩn bị hàng loạt bình men lam, lọ vẽ tích cổ, đôn tròn vẽ rồng - tất cả đều theo mẫu cha ông truyền lại.
Hiếu không tham gia. Nhưng đến ngày gần triển lãm, chàng bỗng mang ra một bình gốm xám nhạt, khắc một hình duy nhất: một cánh sen cháy dở, ven miệng bình rạn một đường xéo như vết nứt thời gian.
Không ai chấp nhận. Thợ xưởng bảo đó là điềm xui, là "sen chết". Ông Lê thì chỉ nhìn qua một lượt, rồi lạnh lùng bảo: "Nếu mang nó ra phủ, thì mày cũng đừng về cái nhà này nữa."
Hiếu chỉ cười. Một nụ cười mỏng như men gốm chưa kịp lên màu.
Hôm ấy, trời thu mỏng nắng, gió se như lời thì thầm của người đã khuất.
Triển lãm tại phủ huyện diễn ra trong sân điện cổ, nơi từng dùng làm nơi thiết yến cho quan tuần. Các lò lớn đua nhau trưng ra những kiệt tác men lam, men rạn, lọ lộc bình cao quá đầu người, chạm rồng khảm phượng, vàng thếp lóng lánh dưới ánh nắng đầu thu.
Hiếu đến muộn.
Chàng bước vào giữa hội trường như một nét lặng giữa muôn trùng thanh âm. Không kèn, không trống, tay chỉ ôm một chiếc bình nhỏ - màu tro, khắc một cánh sen cháy. Miệng bình lệch, không bóng bẩy. Bề ngoài câm lặng như chính người mang nó đến.
Nhưng giữa những món gốm cầu kỳ phô trương, chiếc bình ấy bỗng nổi bật bằng chính sự tĩnh lặng của nó.
Một người dừng chân lại trước bàn trưng bày nhà họ Lê. Là một viên quan cố vấn văn hóa người Pháp - ông Antoine Dufresne, người từng viết nhiều bài nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương. Bên cạnh ông, một họa sĩ trẻ của Trường Mỹ thuật Hà Nội vừa tốt nghiệp cũng lặng lẽ cúi nhìn chiếc bình.
Họ thì thầm với nhau. Rồi ông Antoine bước tới, hỏi Hiếu bằng tiếng Pháp chậm rãi:
"Chiếc bình này... hình như không phải để bán?"
Hiếu khẽ lắc đầu.
"Không bán. Là một mảnh ký ức."
Ông Antoine trầm ngâm, tay vuốt nhẹ đường khắc cánh sen cháy, rồi ngẩng lên, ánh mắt ánh lên điều gì đó gần như là sự kính trọng.
"Nhưng nếu tôi mạn phép... được trưng bày nó ở Paris? Trong cuộc triển lãm Nghệ thuật Giao thời Đông Dương năm tới? Tôi nghĩ, người ta nên biết rằng, gốm của xứ này không chỉ đẹp mà còn có thể truyền tải cảm xúc của người làm ra nó."
Hiếu khẽ gật đầu.
"Nếu ông thực sự hiểu, xin mang nó đi. Nhưng đừng gọi nó là tác phẩm..."
Vì nó là lời tiễn biệt, gửi đến em, đến chính bản thân tôi...
Chiếc bình sen cháy, vì thế, vượt sông, vượt biển, đặt mình nơi góc lặng của một phòng trưng bày giữa lòng Paris. Chỉ một câu ngắn khắc chìm bằng men trắng được đặt phía dưới:
"À celui qui est parti sans adieu."
(Tặng người đã rời đi không một lời từ biệt.)
---
Ở làng Bát Ngạn, chẳng mấy ai biết chuyện. Người ta chỉ đồn thổi: "Cậu Hiếu nhà họ Lê khéo lại nổi tiếng tận Tây." Nhưng không ai thấy chàng cười. Cũng không ai biết, đêm ấy, khi nghe tin bình được nhận vào triển lãm quốc tế, Hiếu đã lặng lẽ về phòng, nhóm lửa trong lò cũ, hong lại một cánh sen khô đặt bên cạnh chum tro năm nào.
Khói bay lên, cuộn thành vệt dài, quyện vào ánh trăng mỏng.
Trong lòng chàng, cuộc chia ly không bao giờ gọi tên, giờ đã có chốn để trú ngụ - dù chỉ là một mảnh gốm nâu và vết khắc hình sen cháy rụi.
Lò nung phía sau vườn nhà họ Lê từ lâu đã không còn đỏ lửa suốt đêm. Nhưng Hiếu vẫn giữ thói quen ra đó vào mỗi tối muộn, khi người làm đã về cả, khi sân gạch chỉ còn tiếng dế và vầng trăng rủ bóng xuống chum tro cũ.
Nơi ấy, chàng đặt một chiếc ghế tre thấp, ngồi một mình, bên cạnh chiếc chum nhỏ khắc hoa sen cháy.
Mỗi đêm, Hiếu lại ngồi như thế. Có khi vài khắc, có khi đến canh ba. Như thể chỉ trong yên lặng ấy, chàng mới có thể lắng nghe tiếng ai đó từng bước trên nền đất gạch, tay ôm bó sen, mắt cười khe khẽ.
Có đêm, chàng mơ thấy Hồ, vẫn là dáng cũ, chiếc nón lá nghiêng che nửa mặt, tay còn vương bùn non. Hồ đứng giữa đồng sen mờ sương, không nói gì, chỉ đưa lên một bông sen chưa nở, cánh khép hờ như tim người không dám mở lòng.
Hiếu giật mình tỉnh dậy. Trán ướt mồ hôi. Bên ngoài gió lạnh nhưng lò gốm cũ lại bốc khói, dù rõ ràng chàng không nhóm lửa.
Có những ngày, đang xem bản vẽ kỹ thuật men mới, tay Hiếu lại bất giác viết ra nét cong mềm như dáng vai Hồ khi xoay mình ngoài bờ đầm. Có khi là vết nứt nhẹ nơi gốm vỡ, y như vết nứt ngày Hồ quay lưng bỏ đi, không ngoảnh lại.
Những điều ấy không ai thấy, không ai biết. Tất cả chỉ lắng lại trong đáy mắt của một người đàn ông đang sống giữa vinh quang mà lòng hoài một bóng người áo nâu cũ.
Người làng lâu nay vẫn thì thào: "Cậu Hiếu giỏi, lại được người Tây trọng vọng, chẳng mấy nhà họ Lê được nhờ." Nhưng họ cũng bảo nhau: "Mà cậu ấy sống lạ lắm. Chẳng chơi bời, chẳng lấy vợ, suốt ngày vẽ vời với lò nung."
Chỉ có mợ Lụa thỉnh thoảng lặng lẽ đứng ngoài cửa buồng, nghe tiếng con thở dài, nghe tiếng bút kẻ lên giấy một nét sen mềm, khẽ nói một mình:
"Con trai của mẹ... vẫn còn giữ hình bóng nó, phải không?"
Không ai trả lời bà. Nhưng bà biết chứ, bà hiểu rõ điều ấy hơn ai hết. Bởi tình yêu càng lặng, càng đau. Như tro, càng vùi dưới đất, càng âm ỉ cháy dài.
Sáng ấy, trời âm u.
Lê Sang Hiếu đứng giữa sân nhà họ Lê, vai khoác một tay nải gọn nhẹ. Chàng không mang theo nhiều. Một chiếc áo the, một đôi giày mềm, vài cuốn sổ ký họa. Dưới chân, đất gạch vẫn còn in dấu mưa đêm qua, chỗ đọng nước đã soi được bóng trời xám xịt.
Không ai tiễn.
Chỉ có mợ Lụa, người đàn bà suốt đời gắn mình vào khuôn cửi, vào khói bếp, vào nề nếp gia phong là người lặng lẽ bước ra, tay ôm một chiếc bọc vải nâu cũ. Mặt trời chưa kịp lên nhưng đã thấy tóc bà đã lòa xòa sương.
Bà không nói gì ngay. Chỉ đặt chiếc bọc vào tay con, rồi chậm rãi vuốt lại vạt áo cho Hiếu. Ngón tay bà gầy gò, thô ráp, nhưng cử chỉ thì dịu dàng như gió xuân. Bà nhìn chàng, mắt không long lanh lệ, chỉ đục váng như mặt ao mùa nước nổi.
"Mẹ gói ít khô mắm, vài thứ cũ. Chả đáng là bao. Con ăn kẻo đói."
Hiếu mở tay nải. Bên trong là một gói lá chuối khô bọc kỹ, một chiếc khăn mùi xoa đã sờn gấu, một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ đơn sơ - chính là thứ mẹ vẫn dùng từ hồi còn con gái, đến tận khi về làm dâu nhà họ Lê.
"Chiếc trâm ấy, mẹ cài từ cái hôm cha con rước mẹ về đây," bà nói khẽ, "Nó cũng chả đáng là bao. Nhưng là của riêng mẹ, ít ỏi lắm. Cũng như mẹ cả đời... không có nhiều thứ để giữ cho mình."
Bà không trách hay oán than. Nhưng trong từng lời bà nói là cả một kiếp đàn bà làng Bát Ngạn - lấy chồng theo ý mẹ cha, làm dâu không dám ngẩng đầu, đẻ con không kịp chọn tên, sống y như tro lò lặng lẽ, âm ỉ và không bao giờ được phép bốc thành lửa.
"Mẹ biết, con không phải rời nhà chỉ vì cái xưởng gốm. Cũng không chỉ vì chuyện con với... cái đứa ấy. Là vì con ngạt thở. Vì cái nhà này, cái làng này, nó không chịu để ai sống khác đi."
Hiếu cúi đầu, không nói. Môi chàng run nhẹ. Trong khoảnh khắc ấy, chàng bỗng thấy mẹ mình - người đàn bà tưởng như nhỏ bé - lại trở nên cao lớn đến lạ. Không phải bằng dáng đứng, mà bằng cái lặng câm đã kéo dài suốt cả đời người, chưa từng một lần bật khóc, nhưng luôn nhìn rõ từng vết nứt trong mái nhà đã nuôi cả ba đời đàn ông họ Lê.
"Con cứ đi. Nhưng nhớ giữ cái bình ấy cho kỹ. Không phải giữ cho họ Lê, mà giữ cho cái phần người trong con. Kẻo sống lâu với gốm, lại tưởng mình là đất, mà quên mình từng biết yêu thương."
Hiếu ôm mẹ một cái thật khẽ - cái ôm đầu tiên sau nhiều năm. Rồi quay đi, không ngoái lại. Gió thổi nhẹ, mang theo mùi khói bếp của buổi sớm - thứ mùi mợ Lụa đã sống cùng từ thuở mười sáu, gả về làm dâu, đến tận lúc con trai mình rời khỏi nhà, lặng lẽ như cái cách bà đã sống cả đời dưới mái nhà họ Lê.
Sau lưng chàng, mợ Lụa đứng lại trên bậc tam cấp. Gió hất tung vạt áo. Nắng đầu ngày vừa kịp ló lên khỏi mái đình làng, in cái bóng mẹ chàng dài hằn lên sân gạch. Cái bóng ấy, nếu ai đó đi ngang qua, hẳn sẽ nghĩ là tượng đá: vững chãi, câm lặng, và mãi mãi không ngã quỵ.
---
Năm tháng cứ thế trôi qua, một cách vô tình như cơn gió heo may đang mải miết lướt qua đồng ruộng, như dòng sông trôi lặng lẽ qua làng gốm Bát Ngạn mà chẳng một ai kịp ngừng lại ngó nghiêng. Nhưng đối với Lê Sang Hiếu, thời gian lại không trôi như vậy. Trong vòng quay vô tận của danh vọng và ánh sáng chói lòa, Hiếu lại chỉ cảm thấy sự tĩnh lặng của những cơn đau đã kéo dài đến kiệt quệ.
Từ ngày rời làng, chàng đã trở thành cái tên nổi danh trong giới nghệ thuật gốm, những tác phẩm của Hiếu không chỉ được trưng bày ở những gian phòng trang trọng tại Paris hay Milan mà còn được giới quý tộc khen ngợi, trầm trồ như những kỳ tích được chế tác từ tay một nghệ nhân tài ba. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu, giữa những lời khen ngợi, Hiếu lại không cảm nhận được niềm vui.
Tất cả những tác phẩm ấy, cho dù được khen ngợi, cho dù được vinh danh, trong mắt Hiếu, chúng chỉ là những dấu vết của quá khứ, những vết sứt mẻ mà chàng không bao giờ có thể hàn gắn hoàn toàn. Mỗi lần cầm lên những chiếc bình men lam ấy, chàng chỉ thấy Hồ trong từng hoa văn, trong từng đường nét vẽ. Mỗi chiếc bình đều như gợi nhớ về cánh sen trắng, những cánh hoa ấy đã vỡ ra, vỡ vụn như giấc mơ của họ - giấc mơ không thể chạm tay tới.
Chàng chưa bao giờ gọi chúng là "tác phẩm". Đối với Hiếu, đó chỉ là sự phản chiếu của những vết thương chưa lành, là dấu ấn của một ký ức không thể xóa nhòa. Mỗi lần đặt cọ lên gốm, mỗi lần làm việc với đất sét, chàng lại cảm thấy như mình đang cố gắng nắn nót một thứ gì đó chưa bao giờ thực sự tồn tại. Những tác phẩm ấy, dù đẹp đến thế nào, cũng không bao giờ là toàn vẹn, chúng luôn thiếu một phần, thiếu đi bóng hình của một người đã ra đi, thiếu đi phần Hồ mà Hiếu luôn mang trong lòng.
---
Một buổi sớm, khi ánh sáng nhẹ nhàng len qua cửa sổ, Hiếu đứng bên bàn làm việc, nhìn vào chiếc bình men lam lớn, một tác phẩm đã được gửi đi triển lãm tại Paris. Những hoa văn vẽ sen hiện lên trên bề mặt gốm, là những cánh sen sắp tàn, là những đám mây trôi qua như mang theo nỗi niềm, những nét vẽ có phần u ám, dường như không thể làm gì để chúng trọn vẹn. Hiếu khẽ thở dài, tay vẽ một đường chéo vội vàng trên chiếc bình. Từ ngày ra đi, chàng đã không thể dừng lại việc sáng tạo nữa. Nhưng có bao giờ chàng thực sự cảm thấy mình đang sáng tạo không?
Những tác phẩm của Hiếu được giới thiệu đến thế giới, những tấm vải lụa phong nhã, những chiếc bình men trắng như ngọc, và những lư hương đầy nghệ thuật. Chúng đều là những kiệt tác - như mọi người nói vậy. Nhưng trong mắt Hiếu, chúng không phải là kiệt tác. Chúng là những tấm gương phản chiếu nỗi đau, là mảnh gốm vỡ vụn chưa bao giờ được ghép lại hoàn chỉnh. Hồ, cậu bé mang sen đến, cậu bé trong làng gốm, giờ chỉ còn lại trong ký ức của Hiếu, trong những nét vẽ chưa xong.
---
Paris, một buổi chiều ảm đạm, trong căn phòng nhỏ có cửa sổ nhìn ra công viên Tuileries, Hiếu ngồi một mình, đắm chìm trong những suy nghĩ không thể dứt bỏ. Chàng thở dài, rồi cầm lấy chiếc bình men, nhẹ nhàng vuốt ve bề mặt lạnh lẽo của nó. Đôi tay chàng cảm nhận được những vết nứt, những vết rạn, những vết xước như dấu tích của thời gian đã trôi qua. Mỗi lần nhìn vào chiếc bình này, Hiếu lại thấy mình như nhìn vào bóng hình của một cánh sen đã tàn, một cánh hoa chưa kịp nở.
Có lần, một nhà phê bình nổi tiếng đã đứng bên cạnh Hiếu, ngắm nghía chiếc bình men lam ấy, rồi ngẩng đầu lên hỏi:
"Có phải cậu thực sự muốn khắc họa sự hoàn hảo trong tác phẩm của mình? Hay như tôi thấy, mỗi chiếc bình này lại như một cánh sen đã vỡ, như những nỗi đau mà cậu không thể vứt bỏ?"
Hiếu không trả lời, chỉ im lặng nhìn vào chiếc bình. Trong lòng chàng, những lời nói của người phê bình ấy vang vọng mãi, nhưng chàng không biết phải giải thích như thế nào. Chẳng ai hiểu được những gì Hiếu đang trải qua. Những tác phẩm ấy không phải là cái mà Hiếu muốn làm, chúng chỉ là những thứ mà Hiếu bị buộc phải làm. Chúng không phải là sự sáng tạo, mà là sự cứu rỗi cho một linh hồn không bao giờ an yên.
Hiếu vẫn là một nghệ sĩ gốm nổi tiếng, nhưng trong thâm tâm chàng, sự nổi tiếng ấy không thể lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng. Dưới ánh đèn sân khấu, khi chàng đứng giữa đám đông và nhận những tràng vỗ tay, Hiếu lại cảm thấy mình như là một hình bóng mờ ảo, như một tấm gương phản chiếu vị trí của mình trong thế giới này, nhưng không bao giờ là thật.
Hồ vẫn ở đâu đó trong những vết nứt của những chiếc bình, trong những đường vẽ của chàng, nhưng không bao giờ được nhìn thấy trọn vẹn. Giống như những cánh sen chưa bao giờ kịp nở, Hồ mãi mãi là một phần trong những tác phẩm ấy, dù chỉ là hơi thở nhẹ nhàng, dù chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng lại là thứ mà Hiếu không bao giờ có thể quên.
Có thể, ngay cả khi Hiếu trở thành một huyền thoại trong giới gốm sứ, ngay cả khi tất cả những chiếc bình ấy được ngưỡng mộ và ngợi ca, chàng vẫn không thể nào thoát khỏi nỗi nhớ về Hồ, về một người đã ra đi trong im lặng, nhưng lại ở lại mãi mãi trong trái tim của chàng.
Những năm tháng lặng lẽ trôi qua, như chiếc bóng dài của một ngày sắp tàn, như làn sóng nhỏ lăn tăn không dứt bên bờ biển xưa. Lê Sang Hiếu giờ đã trở thành cái tên vang danh khắp nơi, những tác phẩm của chàng được ca tụng như những tuyệt tác của nghệ thuật gốm phương Đông, nhưng trong sâu thẳm trái tim chàng, lại không có một lần nào quên đi hình ảnh của Hồ.
Ngày tháng như những chiếc bình men sứ, dù được làm mới nhưng luôn mang theo vết nứt cũ. Hiếu đã qua tuổi trung niên, giờ đây, sức khỏe chàng dần yếu đi vì bệnh tật, căn bệnh kéo dài mà những bác sĩ Tây phương cũng chỉ có thể thở dài và bó tay. Ở tuổi 45, Hiếu cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự mòn mỏi của cơ thể, nhưng điều đau đớn hơn cả chính là nỗi đau của một tâm hồn không thể quên, ký ức không thể xóa nhòa.
Trong căn phòng đầy ánh đèn mờ ảo của ngôi biệt thự ở Paris, Hiếu nằm trên giường, tay ôm lấy chiếc bình men lam cũ, một trong những tác phẩm duy nhất mà chàng không bao giờ gửi đi triển lãm. Nó đã từng được Hồ trao cho, một chiếc bình không hoàn hảo, vỡ vụn một vài mảnh, nhưng chính vết vỡ ấy mới là thứ quý giá nhất trong đời chàng.
Hiếu không bao giờ gọi nó là tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng nó đã là một phần của cuộc đời chàng, một phần không thể thiếu, một phần duy nhất có thể khiến trái tim chàng rỉ máu từng ngày.
Chàng không muốn nói ra, không muốn thú nhận với ai rằng suốt những năm tháng ấy, Hồ vẫn là bóng hình duy nhất trong những giấc mơ của Hiếu, vẫn là ký ức không thể phai nhòa. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, Hiếu lại nghe thấy tiếng bước chân nhẹ nhàng của Hồ, tiếng cười khẽ của nó vang vọng trong những buổi sáng sương mù bên bờ đầm sen. Những hình ảnh ấy dường như vẫn tồn tại, như hương sen vẫn còn quẩn quanh trong không khí, dù thời gian đã cuốn đi tất cả.
Hiếu nhớ về ngày ấy, khi nó còn đứng bên bờ đầm sen, dáng hình nhỏ bé, cầm một bó hoa sen tươi, mang đến cho chàng một món quà giản dị. Trong ánh mắt ấy, có một nỗi buồn sâu thẳm, như cánh sen trong tay đã héo tàn trước khi kịp nở. Hồ chẳng bao giờ nói yêu Hiếu bằng lời, nhưng chỉ một cử chỉ nhẹ nhàng, một ánh mắt lướt qua, đã đủ để Hiếu hiểu rằng tình cảm của nó không thể tách rời khỏi lòng chàng. Tình yêu ấy giản dị nhưng mãnh liệt, trong trẻo nhưng đau đớn.
Mỗi lần Hiếu ngồi bên bàn gốm, chàng cảm thấy Hồ ở gần. Mỗi chiếc bình, mỗi vết nứt trên men gốm, đều như lời gọi, như sự nhắc nhở rằng chàng sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi ký ức ấy. Thậm chí, khi Hồ đã mất, Hiếu vẫn không thể nào rũ bỏ được nỗi nhớ. Những tác phẩm chàng tạo ra chỉ là những hình ảnh mơ hồ, thiếu sót, bởi chúng luôn thiếu một thứ gì đó quan trọng mà Hiếu không thể chạm tới.
Căn bệnh đã lấy đi sức khỏe của Hiếu, khiến chàng trở nên yếu đuối, không còn là người nghệ sĩ tài hoa năm xưa, nhưng có một điều mà thời gian không thể lấy đi - đó là nỗi nhớ về Hồ.
Cuối đời, Hiếu không có ai bên cạnh. Những người bạn cũ đã đi xa, những người yêu mến chàng giờ đã có gia đình, cuộc sống riêng. Chàng vẫn chỉ có mình, với chiếc bình men lam và nỗi nhớ về cánh sen vỡ. Một phần của quá khứ đã mất đi, nhưng trong tim Hiếu, Hồ vẫn sống mãi - như một bóng hình chưa bao giờ phai mờ.
Khi hơi thở cuối cùng của Hiếu dần tắt, căn phòng nhỏ chìm vào sự tĩnh lặng, không một âm thanh, không một bóng người. Chàng cảm thấy mình dường như mình đang trôi đi, như nước lặng im trong một đầm sen vào mùa cuối. Trong khoảnh khắc ấy, hình bóng quen thuộc bỗng nhiên hiện ra trước mắt Hiếu.
Là Hồ.
Chàng thiếu niên năm nào, với làn da ngăm đen nhuốm sương sớm, đôi mắt trong veo như hồ nước mùa thu, vẫn đứng đó, lặng lẽ giữa bãi sen. Một làn gió thoảng qua làm những bông sen trắng nhẹ lay động.
Hiếu nhìn cậu, và trong khoảnh khắc ấy, mọi thứ như quay lại. Cả không gian như thu nhỏ, chỉ còn lại làng Bát Ngạn, đầm sen, mùi đất, mùi tro, mùi sương, tất cả những gì Hiếu đã cố quên từ lâu. Và giờ đây, như một giấc mơ không thể thoát ra, chàng thấy mình bên Hồ, như những ngày xưa cũ.
Hồ tiến lại gần, tay đưa ra, nhẹ nhàng nắm lấy tay Hiếu. Đôi bàn tay của nó vẫn chai sạn nhưng dịu dàng như thuở nào. Hiếu cảm nhận rõ ràng sự ấm áp từ bàn tay ấy, như bao lần trước.
Hiếu không cần nhìn thấy rõ ràng nữa, bởi trong tim chàng, tất cả vẫn nguyên vẹn. Những năm tháng đã qua, tất cả những ánh mắt, những nụ cười của Hồ, những lần gặp gỡ vội vã trong bóng tối của xưởng gốm, tất cả đều trở về. Một cảm giác bình yên lan tỏa trong lòng Hiếu, như thể những năm tháng đau thương đã kết thúc. Không còn hối tiếc, không còn buồn đau.
Và rồi, cả hai cứ thế lặng lẽ bước đi trong ánh sáng mờ nhạt, trong cánh sen trắng nhẹ rơi xuống mặt hồ.
"Chiều nghiêng khói bếp lên đồng
Tro sen rụng xuống bên sông lặng lờ.
Lò nung đỏ tự bao giờ
Mà tay ai vẫn đợi chờ một tên
Gốm ngồi khóc giữa tro quen
Nỗi niềm tráng mỏng ánh đèn khuya phai
Người xưa hái gió bên đài
Bước chân nhẹ lắm, hương bay chẳng về
Đầm sen lá rũ vai thề
Lối xưa quạnh quẽ tiếng ve cũng buồn
Thầy rằng: "Gốm phải giữ khuôn
Đừng mang đất bẩn trộn nguồn nhà ta."
Mà ai nỡ nhuộm trăng ngà
Trong men lại hiện bóng hoa một người
Thuyền ai khuất giữa vành vơi
Bỏ tro, bỏ bến, bỏ lời thở than
Từ ngày lửa tắt trong làn
Làng gốm rưng rức mùi than tro tàn
Chàng đi gió lạnh lang thang
Đắp lò xứ lạ, nung vàng giấc xưa
Trăm năm gốm vẫn còn thừa
Một vầng khói nhẹ như chưa cạn lòng
Rồi khi tóc úa bên sông
Có người trở lại trong vòng hư không."
End.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro