vi. vội gì vội đôi đường rẽ biệt
Trời mưa rào, mưa xối xả như một nét độc nhất của những mùa hè nóng hừng hực. Cả một vùng trời thì âm u, gió cũng lớn, khiến dọc cái hành lang nó bị mưa hắt ướt nhèm nhẹp. Anh Thiên Yết lớp chuyên đang đứng dưới chân cầu thang, một tay đưa lên hứng nước mưa, một tay giữ chặt lấy cái cặp vải cũ để sách vở khỏi ướt.
Nghĩ kỹ lại chỉ muốn lấy cái chổi tự chọi vào đầu mình, hồi sáng anh có để cái ô bên chân bàn, mới ra mua gói xôi đã lặn đâu mất tăm cái ô bốn hào. Giờ này thì thằng Dương, con Tử đã vội vội vàng vàng cuốn gói về nhà, lớp vắng tanh, hành lang lẳng lặng bên thềm mưa rơi như trút. Giờ chỉ có đội mưa chạy băng qua mấy con đường về tới làng, mà thể nào vừa đến nơi sách vở cũng sẽ ướt hết.
Anh Yết thở dài, anh mà tìm được thằng nào lấy cái ô của anh là phải đánh cho tơi tả, cho thân tàn ma dại mới thôi nhé.
Ở đâu đó vang lên cái tiếng gót giày gõ xuống sàn cồm cộp. Thiên Yết lắng tai nghe, là từ cái dãy hành lang phía sau lưng. Ngay khi anh vừa quay lại thì một chàng thanh niên tóc vàng nhảy xổ ra nắm lấy vai Thiên Yết khiến anh giật nảy hết cả mình.
- Trò Yết. Từ từ đã, đừng về vội, thầy có việc cần nói với trò.
- Vâng... Thầy Kết?
Thầy Ma Kết thở dốc, lấy trong túi ra một tờ giấy vùi vào tay Thiên Yết. Anh Yết chỉ kịp đỡ lấy tờ giấy, nhìn thầy Kết ngồi gục dưới sàn gạch thở hồng hộc. Vừa nhìn là anh đoán ngay thầy dành nửa tiếng đồng hồ chạy quanh trường tìm Yết, cái việc gì mà khiến thầy phải hớt hải thế?
Anh Yết cúi nhìn tờ giấy phẳng phiu trên tay, ngay sau khi ánh mắt lướt qua cái dòng đầu tiên, anh nhảy dựng hết cả lên.
- Hạ... Hạng nhất rồi?
Thiên Yết không tin vào mắt mình, dí sát cái mảnh giấy mỏng vào mắt, nhìn đi nhìn lại cái tên anh nó vẫn nằm trên đầu danh sách. Vui quá ông bà ông vải ôi. Thiên Yết vứt cặp xuống đất mà xắn gấu quần nhảy ra ngoài sân, đạp vào mấy vũng nước khiến nước mưa văng lên tung tóe. Cái đôi giày vải cũ ướt sũng nước, mái tóc ngấm mưa lâu dần rỏ nước tí tách, nhưng anh Yết nào có quan tâm. Anh ngẩng mặt lên cái bầu trời xanh nhạt, nắm tay lại thành nắm đấm mà cười tít mắt.
Thầy Kết nhìn biểu cảm của cái Yết mà bật cười, cái cậu học trò mà gần như ngày nào cũng ở lại tới tối muộn miệt mài đèn sách ấy cuối cùng cũng được cái giải thưởng mà nó canh me nửa năm trời. Có bận thầy thắc mắc cái mục đích để cậu lao đầu vào học ấy, cậu bảo học để lấy tiền, chỉ có vậy thôi, làm thầy choáng váng lắm.
Nghe đâu cái Yết vào trường này là mợ nó khó chịu vô cùng, tại cái nghề họa sĩ xứ An Nam này đâu có kiếm được ra tiền, có ngày chết đói bên đống màu vẽ chứ chẳng chơi. Thiên Yết mà chết rồi kéo theo cả mợ chết nữa thì mợ lại oán, thế nên mợ phản đối, phản đối kịch liệt cái chuyện Yết vào cái trường Cao đẳng Mỹ thuật Tây Dương này chứ. Cái Yết thì từ bé ngoan ngoãn, nghe lời mợ từng câu từng chữ, ai ngờ đến khi mợ không cho Yết vào Tây Dương là anh vùng lên phản đối, để cuối cùng mợ run cầm cập mà mặc chuyện học hành của anh. Sau ấy cổ còn đay nghiến Thiên Yết nhiều lắm, tại cái nghề họa sĩ nghèo mà, vậy nên ảnh quyết chí học thêm mấy môn nữa, đi thi hết nơi này nơi nọ lấy tiền về đưa cho mợ, cho mấy tháng tới mợ khỏi phải cằn nhằn, khỏi phải nói nhiều khiến cậu mất đi cái tâm hồn thanh cao của một người nghệ sĩ.
Cái chất nghệ thuật nó lỡ ăn sâu vào máu anh Yết rồi, anh mơ hồ về một cái tương lai được vẽ tranh, làm thơ phục vụ cách mạng, được ra tiền tuyến đấu tranh cho miền Nam được giải phóng. Vậy nên cái thành tích hào nhoáng trong các cuộc thi ngoài đó với cậu chỉ là phù du, chỉ là cái cớ đơn thuần để mợ ở nhà bớt can dự vào việc của cậu mà thôi.
Cái môn lần này anh thi nó khó khăn hơn các môn khác nhiều, nhưng phần thưởng cũng vì thế mà lớn hơn hẳn. Anh mong ngóng được cầm trong tay cái xấp giải thưởng tới nỗi đêm nào cũng mơ thấy tập phong bì trắng xanh tỏa sáng lấp lánh bay lòng vòng quanh đầu. Vừa vuốt lại tóc, anh bước chậm vào hiên với cánh tay đút trong túi quần và nụ cười trên môi. Thầy Kết vẫn đứng đó, đưa cái cặp vải vào tay Yết, ra hiệu cứ lên trường Bưởi nhận giải.
Anh Yết gật đầu, đón lấy cái cặp cười toe toét. Anh cất bước chậm, rồi bước đi nhanh dần, sau cùng anh chẳng kiềm được cái niềm hứng khởi mờ cắm đầu chạy trong khi cái màn mưa vẫn táp xối xả vào tóc, vào mặt.
Cái cổng trường Bưởi mờ mờ hiện ra dưới màn mưa mịt mù, Thiên Yết ho khẽ chỉnh lại cổ áo bước chậm vào trong. Trường vắng tanh, học sinh đã về hết. Người phát giải thưởng thấy anh đến muộn đã hơi bất mãn, nhưng đến khi nhìn lại bộ dạng của Thiên Yết thì thầy chỉ thở dài, sau khi đưa cái phong bì trắng tinh còn tặng kèm luôn cả cái ô đen của thầy làm quà.
Anh Yết ngồi một lúc trên cái ghế cho khô người, gió táp qua khe cửa khiến anh hắt xì liên tục, nước mắt nước mũi tèm lem như mấy đứa con nít.
Trời đã bớt mưa, chỉ nhẹ nhàng lất phất, anh Yết bật ô chạy nhanh ra ngoài, không quên cúi đầu rối rít cám ơn thầy ngồi trong phòng phát giải. Đôi chân anh ngừng trước cánh cửa tiệm vàng Á Âu, đẩy cánh cửa kiếng bước chậm vào trong.
Thiên Yết rảo bước quanh mấy cái tủ trưng bày. Đôi tay anh miết lên mặt kính, ra hiệu cho bà chủ lấy ra đôi bông tai đắt tiền ra khỏi tủ. Nó nên được nằm trên đôi tai của một người phụ nữ đẹp, chứ không phải những cái giá vô tri. Anh đưa xấp phong bì vào tay bà chủ, bà chỉ cười nhẹ nhìn anh, hỏi.
- Ủa đàn ông bây giờ có thói quen đeo bông tai hả ta.
- Không có phải. - Thiên Yết xua tay, sống mũi đỏ lựng cả lên. - Con mua cái này cho mợ.
- Thế về cẩn thận nha con, dạo này nhiều thằng ma cà bông giật đồ lắm đó. Bảo mợ con đeo lên cũng phải ngó trước ngó sau, ra ngoài lại bị thó mất thì uổng.
Cái Yết gật lấy gật để rồi bật ô ra về.
Anh nhảy lên cái xe leng keng ngoài phố, thả mấy đồng xu lẻ vào tay người soát vé, đôi tay run run, ánh mắt dè chừng nhìn xung quanh. Đâu đâu cũng nhìn ra hiểm nguy, anh ôm khư khư cái cặp vải trong tay mà như giữ bảo vật. Cho tới khi cái xe điện nó dừng chậm chậm ở một bến nọ.
Thiên Yết nhảy vụt xuống xe, bước vội vào nhà. Gọi là cái nhà, nhưng nó chẳng ra cái nhà lắm. Cái túp lều nghiêng ngả nhà cái Yết nó được dựng gần bụi chuối, dưới một bóng tre già.
Thiên Yết đẩy cửa bước vào trong. Mợ Nhiên đang nằm bên trên sập uống nước chè cắn hạt dưa, vừa thấy bóng Yết mợ đã thở hắt ra một tiếng, cựa mình, tiếp tục nhai chóp chép.
Mợ Nhiên còn trẻ lắm, trẻ măng như mấy cô mấy chị rảo bước ngắm hoa ngoài phố kia. Mợ cũng đương cái tuổi xuân sắc, nhiều cậu ấm về tới nhà mợ mới tá hỏa khi biết rằng mợ có một mụn con trai đã tới tuổi lập gia thất rồi. Cái tuổi đương còn vương vấn hơi xuân thì cái suy nghĩ của mợ cũng thế. Mợ chán cái đứa con trai lớn của mợ ghê gớm, chỉ mong nó chẳng ra đời để thành cái gánh nặng trĩu vai cho một thời thanh xuân lầm lỡ nối tiếp lầm lỡ của mợ. Thằng Yết ấy à, con trai của ai mợ còn chẳng nhớ, chỉ biết ngày bơ vơ bên lề phố mợ chợt phát hiện ra mình có mang, và chẳng lâu sau một đứa bé kháu khỉnh ra đời, vậy thôi.
Bên sập, Mợ Nhiên hít một hơi cho căng cái lồng ngực nhỏ rồi cất giọng.
- Tiền tháng này có mang về không con?
Nhác thấy hơi thở mợ nhanh dần, cái dây váy dần tuột khỏi vai, Thiên Yết liền lại gần kéo lại cho mợ, chứ mấy anh phụ hồ giờ tan trưa đi ngang qua lại đồn mợ lẳng lơ, mợ không ra gì thì chết. Anh Yết vuốt lại mái tóc hơi rối cho mợ Nhiên, chậm rãi thở dài.
- Tiền tháng này cậu chủ Diệp chưa có đưa mợ à?
- Đây ngồi nhà cả ngày trời nào có thấy nó vác mặt đến!
Anh Yết lại thở dài, cái trí nhớ của cậu chủ Diệp nó ngắn hạn ghê không, mới hôm bữa kêu sẽ qua sớm, ấy vậy mà giờ vẫn chưa thấy đâu. Thôi, cũng tại cậu Diệp làm ăn to, không có rảnh can dự mấy chuyện lương tháng nhỏ nhặt của nhân viên như cậu. Tự nhủ mai sẽ qua hỏi, chứ giờ cũng không cần hối. Thiên Yết hít một hơi, nhỏ nhẹ lấy cái đôi bông tai cất trong hộp nhung ra đặt trước mặt mợ.
Mợ Nhiên trố mắt nhìn. Chợt, mợ hỏi.
- Ô. Dây chuyên vàng. Mày chôm được cái này ở đâu đây? Có bị người ta đánh không?
Thiên Yết cắn răng, chỉ mỉm cười nhìn mợ mà rằng.
- Con dùng tiền thi mua cái này tặng mợ. Mợ ... Có thích không?
Mợ Nhiên đón lấy đôi bóng tai, ướm đi ướm lại đủ kiểu trước cái gương đồng, mặt cười tươi hơn cả bắt được vàng. Mợ mỉm cười để lộ hàm răng trắng đều dưới đôi môi mỏng mà trông tình lắm. Mợ reo lên như một đứa trẻ.
- Thích! Thích chứ! Thế này đeo ra ngoài bọn trai trẻ chúng nó cưng phải biết.
Thiên Yết bờ môi run run, nhưng nụ cười vẫn chưa được gỡ xuống.
- Cơ mà đeo đi đeo lại một bông nó cổ lỗ sĩ quá. Chắc là không lâu sau đem bán lấy tiền, lúc ấy mua bông mới cũng được, lỗ một tí, nhưng được cái đẹp. Dù sao thì mình dùng hết, dùng chán rồi vứt đi thay cái khác còn được mà, vật chứ có phải con người đâu!
Thiên Yết vẫn cười, nhưng khuôn miệng méo xệch. Mợ Nhiên tiến đến ngồi bên anh, cánh tay trần trắng trẻo vươn lên đấm bóp vai cho Thiên Yết, giống như mợ vẫn thường làm khi trước. Mợ thủ thỉ, mợ thì thầm khe khẽ.
- Con tiếp tục đi làm lấy tiền, ăn uống dè xẻn mà tích cóp lại một khoản. Mua được cho mợ căn nhà, cái xe hơi thì mợ còn vui lắm nghe con.
oOo
Hết chương vi.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro