Pháp Cú 414: Truyện về Ngài Si-va-li
"Vượt đường nguy hiểm này
Thoát luân hồi, vô minh
Thiền định đến tận cùng
Hết dục ái, hết nghi
Không chấp trước, tịch tịnh
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 414)
Tích Pháp Cú: Bạn còn nhớ Ngài Si-va-li trong Tích Pháp Cú 98 không? Chuyện kể rằng lần đó Phật và Chư tăng 500 vị đi thăm Ngài Rê-va-ta là em út Ngài Xá Lợi Phất mới chứng A-la-hán. Ngài tu ở khu rừng gai cách Tinh xá hàng trăm dặm. Nếu tăng đoàn 500 vị đi bộ đến đó phải mất nhiều ngày. Mà trên đường nhà cửa thơ thớt không có ai cúng dường đồ ăn cho 500 vị Chư tăng.
Đức Phật mới hỏi rằng: "Trong số Chư tăng có Ngài Si-va-li không?" Tỳ kheo đáp rằng: "Bạch Thế Tôn, có ạ!" Phật mới bảo: "Có Si-va-li thì không sao".
Quả thật khi tăng đoàn đi trên đường, cứ đến giờ trai tăng tự dưng 2 bên đường hiện ra nhà cửa kinh thành đông người qua lại. Họ thấy tăng đoàn Đức Phật thì quỳ xuống dâng đồ ăn cho các vị. Chư tăng ăn xong và bắt đầu đi tiếp thì nhà cửa kinh thành lại biến mất. Sau đó tăng đoàn đến rừng keo gai góc thì Ngài Rê-va-ta dùng thần thông biến rừng keo thành Tinh xá lâu đài tiếp đón tăng đoàn trong 7 ngày. Pháp Cú này ta sẽ kể về Ngài Si-va-li.
Ngài Si-va-li có mẹ là công chúa xứ Câu Lợi (Cun-la-đa-ma-la). Bà tên là Si-ma-va. Khi đó đạo Phật đã giáo hóa xứ đó. Công chúa đó tôn kính Phật. Bà mang thai Ngài Si-va-li 7 năm, đau đẻ 7 ngày vẫn chưa hạ sinh. Bà cứ nằm đó mà đau đớn. Bà nhờ chồng đến xin Phật chú nguyện để hạ sinh được đứa con.
Ông chồng đến gặp Đức Phật mà thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, vợ con là công chúa sứ Câu Lợi tên là Si-ma-va. Nàng mang thai 7 năm, đau đẻ 7 ngày mà chưa thể hạ sinh. Nay con thỉnh Thế Tôn chú chuyện để vợ con hạ sinh được em bé.
Đức Phật mới chú nguyện:
- Cầu cho công chúa Si-ma-va sinh nở được mẹ tròn con vuông.
Đức Phật vừa chú nguyện xong thì công chúa ở nhà sinh ra cậu con trai. Đứa bé mới sinh ra đã có đủ răng, đủ tóc. Mấy tiếng sau khi sinh thì đã biết đi.
Hôm sau Đức Phật và Chư tăng đến xứ đó để thọ trai tăng do công chúa và chồng tổ chức. Trong buổi trai tăng đó thì đứa bé đã mặc quần áo và đi đến lễ Phật. Khi lớn hơn thì chú xuất gia làm Sa-di và chứng A-la-hán.
Tôn giả Si-va-li có một đặc điểm là Chư thiên lúc nào cũng quan sát theo dõi Ngài. Hễ Ngài đi khất thực 1 lúc chưa ai bỏ thức ăn cúng dường thì Chư thiên sẽ bỏ thức ăn vào đó.
Còn nhân duyên mẹ Ngài mang thai con 7 năm, đau đẻ 7 ngày là vì kiếp xưa. Khi đó Ngài là vua đang vây hãm thành trì. Còn mẹ Ngài làm quân sư. Mẹ Ngài mới lập mưu vây kín các cửa thành thì trong thành sẽ đói. Còn nếu công thành sẽ chết nhiều binh sỹ. Vậy ta hãy vây hãm khi nào họ suy sụp thì đánh.
Ngài làm theo và cho vây thành trong 7 năm thì trong thành hết lương thực và đói. Rồi Ngài mất 7 ngày đánh chiếm là phá xong thành. Quả báo kiếp này mẹ Ngài phải mang thai 7 năm và đau đẻ mất 7 ngày. Còn Ngài bị nhốt trong bụng mẹ cũng 7 năm và đau khổ 7 ngày mà không thể ra ngoài.
Nhưng nhiều kiếp quá khứ sau đó thì Ngài làm thiện bố thí cúng dường đồ ăn cho mọi người. Lúc nào Ngài cũng sợ người ta bị đói. Có thể lần vây thành đó làm chết đói nhiều người nên tâm Ngài ân hận và sám hối. Tâm ân hận sám hối đó kéo theo nhiều kiếp khiến Ngài luôn lo sợ mọi người bị đói.
Có chuyện kể rằng: Khi Ngài đã xuất gia làm Tỳ kheo đi khất thực. Ngài thọ thực xong thì có con chó đói đi đến. Con chó đó có thân hình chỉ còn bộ xương với cái bụng trống không. Ngài nhìn nó thì thương hại. Nên Ngài vận lực lôn ra hết thức ăn để cho con chó ăn còn mình thì nhịn đói. Thế nên quả báo là hễ đi khất thực bát chưa có đồ ăn thì lập tức Chư thiên bỏ thức ăn vào đó.
Chư Tỳ kheo rất kính trọng Ngài Si-va-li. Vì thương Ngài nên mọi người mới bàn tán: "Sao vị A-la-hán phúc đức vĩ đại vậy mà phải chịu bị giam trong bụng mẹ 7 năm rồi bị đau đớn khi sinh nở 7 ngày".
Lúc đó Đức Phật đi qua hỏi Tỳ kheo đang bàn chuyện gì. Nghe xong thì Phật đọc bài kệ để khen Ngài Si-va-li đã vượt qua nguy hiểm để chứng đạo:
"Vượt đường nguy hiểm này
Thoát luân hồi, vô minh
Thiền định đến tận cùng
Hết dục ái, hết nghi
Không chấp trước, tịch tịnh
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 414)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Vị A-la-hán vĩ đại vẫn chịu khổ
A-la-hán thì đời sống này là đời sống cuối cùng. Chính vì vậy những món nợ Nhân Quả kiếp xưa vị đó phải trả nợ dứt điểm. "Việc cần làm đã làm" tức mọi ân oán nợ duyên phải trả nợ dứt điểm hết. Sau đó thì vị A-la-hán đó mới có thể nhập Niết Bàn.
Thế nên Đức Phật và các vị A-la-hán đều phải trả nợ Ác nghiệp đôi khi vô cùng nặng nề. Ví dụ: Phật bị Đề Bà hại, bị vương quốc hoàng hậu Ma-gan-bi-da chửi, bị thiên đao chém chảy máu chân, bị đói trong 3 tháng phải ăn lúa mạch dành cho ngựa, bị trọng bệnh lúc cuối đời. Còn Ngài Mục Kiền Liên thì cuối đời bị chết tan xương.
Còn Ngài Si-va-li này thì kiếp xưa hại dân chúng trong thành đó bị vây hãm khổ 7 năm, rồi đánh thành giết hại người trong 7 ngày. Sau đó Ngài sám hối tâm chỉ lo sợ mọi người bị đói. Thế nên nhiều đời sau đó thì Ngài làm thiện nghiệp giúp đỡ đồ ăn cho mọi người.
Đến đời này quả báo diễn ra đúng vậy. Đầu đời Ngài bị giam trong bụng mẹ 7 năm, bị đau khổ bởi sinh đẻ 7 ngày. Rồi quả báo từ việc bố thí đồ ăn cho mọi người cũng tới trong đời này của Ngài. Cứ khi Ngài cầm bát đi khất thực thì Chư thiên bỏ thức ăn vào đó. Nhân Quả thì tuyệt đối đúng, chẳng hề sai.
Bài học 2: Đức Phật chúc phúc thì quả báo tới. Có đúng với Nhân Quả không?
Ta biết từ Nhân tới Quả phải trải qua một thời gian, đến lúc, đúng thời mới thành. Ta gọi là Thiên Thời. Và phải hội đủ các điều kiện thuận lợi của môi trường, xã hội. Ta gọi là Địa Lợi. Nhân là đầu tiên bắt buộc phải có, gọi là CẦN. Nhưng Thiên thời, Địa lợi là yếu tố trung gian phải đầy đủ, gọi là ĐỦ.
Có được CẦN và ĐỦ thì Quả báo tới. Có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì thành công. Các yếu tố Thiên thời, Địa lợi đạo Phật gọi là Duyên. Và Đức Phật dạy rằng:
Vạn hữu do duyên sinh
Và cũng vì duyên diệt
Thầy ta Gô-ta-ma
Đã dạy ta như thế!
(Ngài A-sa-di nói với Ngài Xá Lợi Phất)
Và lời chúc phúc của Phật chính là Đại Duyên. Khi Phật chúc phúc 1 ai đó thì Đại Duyên sẽ kéo quả báo lành tới át quả báo dữ. Do vậy một vị Thánh uy đức lớn hay một vị Chân tu chúc phúc cho ai hoặc làm lễ "Cầu quốc thái dân an" thì quả báo lành sẽ tới.
Nhưng Quả báo dữ không biến mất. Mà nó chỉ tạm dừng chờ cơ hội khác thì nó chín ở tương lai. Nên một vị A-la-hán trước khi nhập Niết Bàn bắt buộc phải trả nợ hết Ác nghiệp. Và ta thấy Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn cũng lâm trọng bệnh. Ngài Mục Kiền Liên thì chết tan xương. Đó là bởi Quả dữ không biến mất mà chỉ tạm dừng, cơ hội khác sẽ tới.
Bài học 3: Ba nỗi khổ: Đói khát, bệnh tật, ngu si
Ngài Si-va-li nhiều kiếp làm hạnh cứu đói chúng sinh và quả báo đến với ngài vĩ đại? Đó là bởi Ngài đã cứu khổ chúng sinh thoát 1 trong 3 nỗi khổ Ác đạo: (1) Nỗi khổ đói khát của Ngã quỷ. (2) Nỗi khổ ngu si của Súc sinh. (3) Nỗi khổ bệnh tật như bị tra tấn của Địa ngục.
Nên khi làm thiện thì ta có 2 hướng làm thiện:
Hướng 1: Ta mang đến tiện nghi, thoải mái, sự tiện lợi cho những người nhiều phúc. Ví dụ: ta chế ra ô tô điện xịn xò với chi phí vận hành thấp, giá bán phải chăng. Ta làm ra những căn nhà đẹp, ở thoải mái và chất lượng. Ta chế ra cái Iphone, Mac Book xịn xò... đó là dành cho người có phúc có tiền hưởng thụ sung sướng.
Hướng 2: Ta cứu người thoát khỏi 3 nỗi khổ của Địa ngục, Súc sinh, Ngã quỷ. Đó là: (1) Cứu đói bằng cách gia tăng sản lượng nông nghiệp. (2) Dạy đạo đức, tri thức, trí tuệ. (3) Chăm sóc y tế và chữa bệnh.
Trong 2 cách đó thì hướng tạo phúc thứ 2 công đức lớn hơn. Dẫn chứng là Ngài Si-va-li phúc vĩ đại. Nếu đi theo hướng thứ 1 thì vị mà ta giúp đó phải là các vị thánh. Giống ông Cấp Cô Độc cúng Phật Tinh xá Kỳ Viên vậy. Nếu hướng thứ 2 ta giúp nhằm kẻ tham nhũng, ác độc thì ta còn bị tội.
Bài học 4: Sao Chư thiên phải cúng dường Ngài
Sao Chư thiên lại phải cúng dường Ngài Si-va-li?
Sự thật rằng khi ngài Si-va-li cứu đói thì Ngài cũng dạy đạo đức tu hành cho mọi người. Nên khi người đó thoát đói nghèo thì họ làm thiện mà sinh thiên. Khi ở cõi Thiên thì họ biết ơn Ngài nên thấy Ngài ôm bình bát đi khất thực là họ cúng để trả ơn.
Còn nếu Ngài cứu đói nhằm kẻ ác độc, tham lam, ngu si thì đời sau kẻ đó đọa Địa ngục, Súc sinh, Ngã quỷ. Và sẽ chẳng bao giờ Ngài được chúng sinh địa ngục, súc sinh, ngã quỷ cúng dường cả. Bởi thân chúng còn lo chưa xong sao nghĩ đến giúp ai.
Đây chính là bài học cho ta. Giúp ai ta phải nhằm người tốt có đạo đức mà giúp. Nếu ta làm vua, quan, thủ tướng, bộ trưởng thì giúp dân thoát đói nghèo rồi phải dạy đạo đức cho dân. Khi đó ta ở đâu cũng có Chư thiên theo ta giúp đỡ ta.
Bài học 5: Bẩy đặc điểm của một vị A-la-hán
Kệ Pháp Cú nêu ra 7 đặc điểm của 1 vị A-la-hán như sau: (1) Thoát luân hồi, (2) Hết vô minh, (3) Thiền định tận cùng, (4) Hết dục ái, (5) Hết nghi, (6) Không chấp trước, (7) Đạt tịch tịnh. Sau đây la hãy phân tích.
1 - Thoát Luân hồi: Đây là thân cuối cùng của vị A-la-hán. Hết đời sống này thì vị đó vào cõi thứ 7 trong vũ trụ quan đạo Phật. Cõi đó nằm ngoài 6 cõi Luân hồi và không còn sinh tử. Đó chính là Niết Bàn.
2 - Hết Vô Minh: Chúng sinh trong Luân hồi thì Vô minh. Vô minh như người đi trong đêm tối không chút ánh sáng. Dù vị đó có đạo đức thiện lương mà còn Vô minh thì vẫn vô tình tạo tội. Vì có tội nên sẽ có quả báo khổ chờ ở tương lai. Vì có khổ nên vị đó bị kéo vào Luân hồi đau khổ.
Vị A-la-hán thì hết Vô minh. Vị đó như người sáng mắt nhìn thấy mọi đồ vật trong ánh sáng ban ngày. Vị đó sẽ chấm dứt làm sai tạo Ác nghiệp. Vì không còn Ác nghiệp nên không còn quả báo khổ. Vị đó sẽ sinh về cõi không còn khổ gọi là "Đoạn tật diệt khổ". Mà Luân hồi có sinh tử thì luôn có khổ. Nên vị đó sẽ vượt thoát khỏi Luân hồi vào cõi Niết Bàn bất tử.
3 - Thiền tận cùng: Đó là Tứ thiền. Tại Tứ thiền thì vị thánh có Tam Minh. Khi có Tam Minh thì Vô minh diệt. Vị đó chứng A-la-hán.
4 - Hết dục ái: theo Duyên Khởi "Ái sinh thủ - Thủ sinh Hữu - Hữu sinh Sinh - Sinh sinh Lão Tử". Vì có Dục Ái nên kẻ đó muốn nắm giữ (Thủ) và sở hữu (Hữu). Vì có Ngã sở hữu nên không buông bỏ. Vì không buông bỏ nên chết rồi sẽ tái sinh (Sinh). Vì có tái sinh nên có già chết. Từ đó tạo thành vòng Luân hồi sinh tử bất tận. Hết dục ái chấm dứt Luân hồi.
5 - Hết nghi: Vì chúng sinh còn Vô minh nên chẳng biết đúng sai. A-la-hán thì hết Vô minh nên không còn nghi ngờ đây là đúng hay sai nữa.
6 - Không chấp trước: Tâm hoàn toàn buông xả.
7 - Đạt tịch tịnh: Tịch tịnh là Niết Bàn không sinh tử, không tăng giảm và hoàn toàn thanh tịnh.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro