26 tháng Chạp
Sáng ngày 26 tháng Chạp, không khí cận Tết làm lòng người trở nên tất bật hơn hẳn. Trong cái se lạnh buổi sáng, ánh nắng sớm rọi qua bụi tre già, rải đều lên mái ngói cũ kỹ của căn nhà nằm nép mình cuối ngõ, Trường Giang dậy từ tờ mờ đất. Anh bước ra sân, tay xách xô nước, miệng lẩm bẩm:
"Qua thêm một năm nữa rồi. Tết nhứt lại tới. Hông biết mấy đứa về tới đâu rồi..."
Giang cúi người xách xô nước đổ vô chậu mai vàng đang chuẩn bị bung nụ, cầm chổi quét lá khô rụng đầy dưới gốc mai. Cây mai này, ba anh ngày trước tự tay trồng, giờ anh thay ba chăm lo, coi như một chút lưu giữ những gì ba má để lại.
Nhìn cành mai trước sân, Giang khẽ mỉm cười. Năm nay mai nở sớm, từng nụ vàng ánh đang bung dần, báo hiệu một mùa Tết đủ đầy. "Mai mà nở đúng giao thừa thì đẹp biết mấy," anh thầm nghĩ, tay tỉa vài nhánh lá thừa.
Đứng ngắm nghía một hồi, anh ngồi xuống chiếc ghế gỗ đặt trước sân, tay cầm ly trà nóng vừa pha. Gió se lạnh thổi qua làm anh rùng mình nhẹ, nhưng nụ cười vẫn thoáng trên môi. "Hai ba hôm nữa là tụi nhỏ về. Nhà cửa sẽ lại đông vui như hồi còn ở với ba má."
Ngồi một lúc, Trường Giang quay vào nhà lục đục quét tước, lau dọn bàn thờ. Anh gỡ bộ lư đồng trên bàn thờ xuống lau từng chi tiết nhỏ. Mỗi năm, anh đều cẩn thận lau chùi như vậy, bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, không thể qua loa được.
Đứng chùi lư đồng, Giang chợt nhớ lại lúc ba còn sống. Ông thường vừa làm vừa kể chuyện ngày xưa:
"Thằng Giang là trưởng nam nên sau này sẽ chăm lo bàn thờ tổ tiên. Bây nhớ bàn thờ sạch sẽ thì năm mới cả nhà mới làm ăn mới nên, nhớ hông?"
Ký ức đó làm Giang ngừng tay một lát, ánh mắt như lạc đi. Nhưng rồi anh lại thở dài, mỉm cười tự nhủ: "Thôi, ba má nhìn thấy tụi con sống vầy chắc cũng vui rồi."
Chùi xong bộ lư, anh bước xuống bếp. Bếp lửa hôm nay vẫn đỏ lửa như mọi ngày, nhưng mùi thơm của cá kho tộ dường như đậm đà hơn. Đó là món ruột của tụi nhỏ, lần nào về nhà cũng đòi anh nấu cho ăn.
"Để coi, nấu thêm nồi canh chua lá giang nữa, chắc mấy đứa về khoái lắm."
Khoảng gần trưa, khi Giang đang còn lui cui nấu ăn sau nhà, tiếng xe máy quen thuộc từ ngoài đường vang lên. Anh vừa ngó ra thì đã thấy bóng dáng của Minh Tuấn.
Tuấn dựng xe ngay ngắn ngoài sân: "Anh Giang, em về rồi nè!"
Giang vội bước ra, nở nụ cười hiền hậu: "Về giờ này hả? Tưởng đâu chiều bây mới về tới nơi chứ?"
Tuấn cười nhẹ, tháo nón bảo hiểm: "Sợ anh một mình dọn nhà cực quá, nên em xin nghỉ sớm về với anh luôn."
Anh bước vô nhà, tay xách theo một túi đồ lớn.
Giang nhìn cái túi, trong đó nào là bánh kẹo, nào là trái cây, cả một hộp lớn đựng đầy đồ khô. "Về tay không cũng được, mày mua chi nhiều dữ vậy?"
"Thôi, có gì đâu. Em mua có tí xíu, hông bằng một góc của má hồi đó nữa. Mà có cơm chưa anh? Em đói bụng quá." Tuấn cười nhẹ, đặt túi đồ lên bàn.
Giang bật cười, quay vào bếp: "Có liền, ngồi đợi chút đi."
Tuấn ít khi bày tỏ, nhưng cách anh chăm lo cho gia đình luôn khiến Giang thấy ấm lòng. Dù ở xa, nhưng Tết nào anh ba cũng cố gắng về sớm nhất, phụ Giang lo Tết, dọn dẹp nhà cửa.
Ăn uống xong xuôi, Tuấn xắn tay áo, phụ Giang dọn dẹp nhà cửa. Hai anh em lau dọn bàn giữa, bày biện một mâm ngũ quả thật đẹp, thật to rồi đặt lại mấy chậu mai trong góc sân.
"Còn gì nữa hông anh?" – Tuấn hỏi, mắt nhìn kỹ từng món.
"Chắc nhiêu đó đủ rồi. Tuấn, mày vô coi thử dùm anh, mấy bộ áo dài anh treo trong tủ có bị mối ăn hông."
Tuấn bước vào nhà, mở tủ quần áo cũ. Bên trong là những bộ áo dài đã được Giang chuẩn bị từ mấy ngày trước. Anh cầm từng bộ lên, rồi bật cười khi thấy bộ áo dài trắng tinh của Hiếu.
"Thằng nhỏ này hậu đậu muốn chết mà lần nào cũng đòi mặc màu trắng. Té lên té xuống cho dơ rồi cũng mấy thằng anh nó giặt không."
Giang từ ngoài đi vào, nghe vậy cũng cười: "Nó út mà. Thích gì thì chiều nó thôi."
Hai anh em vừa nói chuyện vừa gấp lại đống áo dài, lòng không giấu được niềm vui khi nghĩ đến cảnh cả nhà mặc áo dài chụp hình vào sáng mùng một.
Xế chiều, Giang ngồi ngoài sân, ánh mắt cứ nhìn ra cổng. Hai đứa Lâm với Huy báo tối mới về được vì còn việc ở thành phố. Giang hơi buồn, nhưng anh hiểu. Công việc mà, đâu phải cứ Tết là nghỉ liền được.
"Tụi nó mà về là cái nhà um sùm liền cho coi." – Anh cười mỉm, tưởng tượng cảnh Lâm chạy xe chưa vô sân nhà thì tiếng cười nói đã ồn ào tới trước.
Huy thì chắc chắn sẽ giỡn dần lân* như mọi khi, rồi một hồi sẽ ngồi kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
*giỡn dần lân: tức là đùa dai, đã bị nhắc nhưng vẫn cứ giỡn tiếp.
Tiếng chuông điện thoại reo vang, Giang bước vô nhà nhấc máy. Đầu dây bên kia là giọng nói trẻ trung của Hiếu, cậu út mà mấy anh cưng như trứng:
"Anh Giang, mốt em mới về nha. Ngày mai em còn phải học bù."
"Ờ, học xong thì tranh thủ về. Đừng có đi chơi la cà rồi quên Tết, quên mấy ông anh già này nghe chưa?" – Giang nhắc, giọng nghiêm mà đầy tình cảm.
"Dạ, biết rồi. Mà anh, nay có bánh bò hông? Em thèm bánh bò."
"Có, về rồi ăn. Chừng nào cũng vậy, em có thiếu phần bao giờ đâu mà lo."
Hiếu cười hì hì rồi cúp máy. Nhìn điện thoại, Giang khẽ thở dài. Em út ngày càng lớn, nhưng trong mắt anh, Hiếu vẫn như đứa em nhỏ ngày nào, lúc nào cũng quấn mấy anh nhõng nhẽo.
Tối trời, khi công việc dọn dẹp đã xong, Tuấn đề nghị: "Đi chợ hoa hông anh ơi? Tết mà thiếu bông này bông kia thì buồn lắm."
Giang gật đầu: "Đợi tụi út Hiếu về rồi rủ tụi nó đi. Giành phần công việc với nó là nó hờn bây đó." Nhắc tới thằng út là hai anh em cười hì hì, cưng riết nó làm tới, nhưng mà nó dễ thương quá, ai hổng thương cho đành.
Tuấn cùng Giang ngồi bên bếp lửa trong nhà bếp cũ kỹ. Giang nhóm bếp, đun một nồi nước sôi để chuẩn bị rửa lá chuối.
Tuấn ngồi kế bên, tay cầm mấy miếng mứt dừa mà anh lấy từ trong túi đồ đem về: "Mứt này em mua ngoài chợ, ăn thử coi giống mứt má làm hông?"
Giang cắn thử một miếng, rồi khẽ lắc đầu: "Ngon, nhưng hông bằng mứt của má."
Tuấn bật cười: "Thì đúng rồi. Mứt của má làm là nhứt."
Không gian chợt trầm lắng lại. Tuấn nhìn nồi nước sôi, giọng chậm rãi: "Anh, má chết cũng lâu rồi ha..."
"Ừ, cũng mười năm rồi. Nhanh quá."
Tuấn không nói gì thêm, chỉ đưa tay gạt nhẹ đống củi trong bếp. Một lúc sau, anh lên tiếng, giọng đầy quyết tâm: "Năm nay, em muốn làm gì đó để cả nhà thấy vui. Tụi mình chụp một tấm hình thiệt đẹp, treo trong nhà, anh thấy có được hông?"
Giang nhìn Tuấn, ánh mắt có chút ngạc nhiên. "Được đó. Tết này, tụi nó mà về đủ thì mặc áo dài rồi chụp luôn."
Chuẩn bị đồ để gói bánh xong, Tuấn trở về phòng, để lại Giang ngồi một mình bên hiên nhà. Ánh trăng rọi xuống khoảng sân, làm bóng mai in dài trên mặt đất.
Giang nhìn lên bầu trời đầy sao, lòng thầm cảm ơn vì những gì mình còn giữ được. Gia đình, dù không còn đủ đầy như trước, nhưng tình cảm giữa các anh em vẫn là thứ không gì thay thế được.
"Không biết ba má có thấy hông? Mấy đứa tụi con lớn hết rồi, mỗi đứa một nơi, nhưng Tết là về hết, hông sót đứa nào. Tự nhiên nhớ ba má quá..."
Gió lành lạnh thổi qua, nhưng trong lòng Giang là một cảm giác ấm áp. Nhìn mấy đứa em về nhà không chỉ là niềm vui, mà còn là động lực để anh tiếp tục. Nhà có thể nhỏ, đời có thể vất vả, nhưng khi gia đình đoàn tụ, mọi thứ đều là trọn vẹn.
Đêm ấy, tiếng côn trùng rả rích vang lên khắp nơi, hòa với làn gió lạnh cuối năm. Tết vẫn chưa tới, nhưng hương vị Tết đã tràn ngập.
Nửa đêm, khi cả xóm đã chìm vào giấc ngủ, tiếng xe máy vọng từ đầu ngõ. Huy và Lâm cùng về chung trên một chiếc xe, đèn pha chiếu sáng con đường đất nhỏ. Huy ngồi phía trước cầm lái, Lâm ngồi phía sau ôm hai túi lớn, vừa đi vừa lẩm bẩm:
"Anh Huy, chạy chậm chút coi. Em sợ té."
Huy cười phá lên: "Sao mà té được. Nhà mình gần tới rồi."
Khi cả hai tới sân nhà, ánh đèn từ hiên trước vẫn còn sáng. Giang đã đứng chờ sẵn. Anh bước tới, đỡ phụ một túi đồ từ tay Lâm:
"Sao bây nói chiều về mà giờ mới tới nơi? Bây làm anh lo muốn chết, đã vậy còn không biết đường gọi điện báo cho anh hay thằng Tuấn một tiếng nữa."
Huy nhảy xuống xe, cười tươi: "Tết nhứt nên công an lập chốt quá trời. Em đâu dám chạy nhanh, tàn tàn riết nên giờ mới tới."
Giang chỉ lắc đầu: "Vô nhà đi. Giờ này chắc đói rồi. Anh có để phần cơm trên bếp đó, ăn đi. Nhỏ nhẹ thôi cho thằng Tuấn nó ngủ."
Lâm nghe tới còn chừa phần cơm cho mình thì hí hửng: "Em biết anh hai thương em nhất mà."
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro