50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc part 2
PHÁN QUYẾT SỐ 26
TRANH CHẤP VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
Các bên:
Nguyên đơn : Một ngân hàng Pháp
Bị đơn : Một công ty Ma-rốc
Các vấn đề được đề cập:
-
Bảo đảm thực hiện hợp đồng
-
Bảo đảm độc lập
-
Bảo đảm phụ thuộc
-
Giám định kỹ thuật
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 20 tháng 9 năm 1982 một công ty xây dựng Pháp đã ký hợp đồng với một công ty Ma-rốc theo đó công ty Pháp sẽ xây dựng một khu liên hợp tại Ma-rốc với tổng trị giá công trình là 211.200.000 Frăng Pháp (FF) và 60.264.000 Dirhams. Hợp đồng này có điều khoản chọn trọng tài ICC.
Công ty xây dựng còn chấp nhận yêu cầu một Ngân hàng Pháp phát hành bảo đảm thực hiện hợp đồng với trị giá 20% tổng trị giá hợp đồng. Ngày 9 tháng 11 năm 1982, Ngân hàng Pháp, Nguyên đơn trong vụ việc này, đã phát hành một thư bảo đảm thực hiện với trị giá tối đa là 54.575.438,16 FF, tức là 20% trị giá hợp đồng. Ngân hàng tuyên bố trong giấy bảo đảm rằng:
"Bằng việc khước từ quyền tranh luận và quyết định của mình, chúng tôi chấp nhận trả toàn bộ hoặc một phần trong khoản tiền nói trên trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của quý công ty (Bị đơn), kèm theo một bản báo cáo chuyên môn được lập bởi một chuyên gia của Trung tâm giám định kỹ thuật quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế".
Hai bên thoả thuận với nhau là khoản tiền bảo đảm sẽ giảm xuống tương ứng với tiến độ hoàn thành công trình. Theo văn thư ngày 9 tháng 11 năm 1984, mọi tranh chấp liên quan đến việc bảo đảm sẽ được đưa ra ICC.
Năm 1984, giữa nhà thầu Pháp và chủ dự án Ma-rốc đã xảy ra tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và hai bên đã đưa tranh chấp này ra ICC giải quyết ngày 10 tháng 9 năm 1985. Tố tụng trọng tài trong tranh chấp vẫn đang được tiến hành.
Ngày 10 tháng 10 năm 1985, công ty Ma-rốc yêu cầu Trung tâm giám định kỹ thuật quốc tế chỉ định một chuyên gia như yêu cầu trong thư bảo đảm năm 1984 của Ngân hàng Pháp. Ngày 12 tháng 11 năm 1985, Trung tâm đã chỉ định một chuyên gia người Thuỵ Sỹ, và chuyên gia này đã trình báo cáo vào tháng 4 năm 1986 trong đó có nêu rõ phần công việc chưa thực hiện của nhà thầu Pháp tương ứng với khoản bảo đảm thực hiện là khoảng 16.902.000 FF và 13.076.000 Dirhams.
Ngày 21 tháng 4 năm 1986, công ty Ma-rốc yêu cầu Ngân hàng Pháp trả khoản tiền mà chuyên gia đã ấn định. Ngày 2 tháng 5 năm 1986, Ngân hàng từ chối trả tiền và ngày 22 tháng 5 năm 1986 đã khởi kiện ra trọng tài ICC.
Ngân hàng Pháp lập luận rằng bảo đảm cấp cho công ty Ma-rốc chỉ là một bảo đảm phụ thuộc và do đó nó phụ thuộc vào kết quả của trọng tài trong tranh chấp giữa công ty Pháp và công ty Ma-rốc. Ngân hàng cũng cho rằng ngay cả nếu bảo đảm này là bảo đảm chứng từ chỉ dựa trên yêu cầu duy nhất là báo cáo giám định thì báo cáo này cũng không hợp pháp vì việc lập báo cáo có gian lận. Cuối cùng, Nguyên đơn cho rằng do có các khó khăn trong việc giải thích báo cáo, bảo đảm này không thể được tự động thanh toán.
Phía công ty Ma-rốc lại lập luận rằng báo cáo đã được lập theo đúng qui định và đáp ứng được các yêu cầu nêu trong thư bảo đảm, và rằng thư bảo đảm có giá trị độc lập. Công ty này cũng kiện lại đòi được thanh toán khoản tiền mà chuyên gia đã ấn định (16.902.000 FF và khoản tiền tương đương với FF của 13.076.000 Dirhams), tiền lãi trên khoản tiền đó, phí trọng tài và phí cho báo cáo giám định và 1.500.000 FF để bù đắp cho các thiệt hại kinh tế đã phải gánh chịu.
Phán quyết của trọng tài:
A.
Về khiếu kiện chính:
1. Bảo đảm độc lập hay Bảo đảm phụ thuộc?
Các thuật ngữ dùng trong thư bảo đảm không rõ ràng. Thực tế, một mặt Ngân hàng sử dụng các từ như bảo đảm thực hiện đúng của ngân hàng, bảo đảm liên đới, và khước từ quyền tranh luận và quyết định là đặc trưng của bảo đảm phụ thuộc. Mặt khác, Ngân hàng lại hứa sẽ thanh toán "trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của quý công ty (Bị đơn), kèm theo một báo cáo của chuyên gia”.
Ngân hàng đưa ra ba điểm mà theo Ngân hàng thì có thể xác định tính chất phụ thuộc của bảo đảm đó. Thứ nhất, Ngân hàng viện dẫn rằng Ngân hàng đã hứa sẽ trả “toàn bộ hoặc một phần” khoản tiền nêu trong thư bảo đảm vì việc trả này phụ thuộc vào việc thanh toán khoản tiền chính mà công ty xây dựng có thể phải trả. Thứ hai, trị giá của bảo đảm này sẽ giảm tương ứng với tiến độ hoàn thành công trình. Và thứ ba, Ngân hàng cho rằng sự tồn tại của một điều khoản trọng tài nhằm giải quyết những khó khăn trong việc giải thích và thực hiện bảo đảm cho thấy bản thân bảo đảm đó không thể thực hiện một cách tự động được.
Tuy nhiên, theo uỷ ban trọng tài ba khía cạnh này không đủ để xác định tính phụ thuộc hay tính độc lập của bảo đảm. Về điểm thứ nhất, hứa trả toàn bộ hay một phần là xuất phát từ thực tế công ty Ma-rốc có thể yêu cầu một khoản tiền nhỏ hơn tổng trị giá khoản bảo đảm. Về điểm thứ hai, việc trị giá bảo đảm giảm tương ứng với tiến độ hoàn thành công việc hoàn toàn không có mối liên hệ gì với tính độc lập hay phụ thuộc của bảo đảm. Về điểm thứ ba, việc đưa một điều khoản trọng tài vào hợp đồng để giải quyết các khó khăn trong việc giải thích hay thực hiện bảo đảm không có nghĩa là bảo đảm đó không độc lập. Ngược lại, nếu như hiệu lực của bảo đảm phụ thuộc vào kết quả trọng tài giữa công ty Ma-rốc và công ty Pháp thì đã không phải qui định cho nó một thủ tục trọng tài thứ hai. Việc trị giá bảo đảm giảm tương ứng với tiến độ hoàn thành công việc cũng đủ để có thể làm phát sinh những khó khăn cần đến trọng tài.
Mặt khác, có một số thuật ngữ sử dụng trong bảo đảm lại thể hiện tính độc lập của bảo đảm này như hứa trả “trên cơ sở yêu cầu".
Như vậy, trong trường hợp này người ta thấy có sự mâu thuẫn giữa các từ “bảo đảm hoàn thành” và “bảo đảm liên đới” với hứa trả “trên cơ sở yêu cầu”. Uỷ ban trọng tài, do buộc phải lựa chọn giữa các từ ngữ mâu thuẫn này, và lấy làm tiếc là một ngân hàng mà lại để có tình trạng mâu thuẫn như vậy.
Sau khi xem xét, Uỷ ban trọng tài cho rằng đây là một bảo đảm ngân hàng dạng chứng từ, độc lập với nghĩa vụ chính và chỉ phụ thuộc vào yêu cầu xuất trình tài liệu. Thực tế, khi từ chối trả tiền vào ngày 2 tháng 5 năm 1986, Ngân hàng đã không nêu lý do là các nghĩa vụ của mình phụ thuộc vào kết quả giải quyết tranh chấp giữa công ty Ma-rốc và công ty Pháp mà chỉ khẳng định rằng bảo đảm này “không thể thực hiện được”.
Quyết đinh này của trọng tài căn cứ vào một số chi tiết sau đây:
Nếu đây không phải là một bảo đảm độc lập (tức là Ngân hàng chỉ bị ràng buộc với bảo đảm này sau khi tranh chấp giữa công ty Ma-rốc và công ty xây dựng Pháp đã được giải quyết) thì không thể giải thích tại sao lại có yêu cầu công ty Ma-rốc trình một báo cáo của chuyên gia để được nhận tiền bảo đảm từ phía Ngân hàng. Yêu cầu về bản báo cáo thực chất để tránh các yêu cầu đòi thanh toán bảo đảm vô căn cứ, chứ không đơn thuần chỉ là một bằng chứng “chính xác” về thiệt hại của công ty Ma-rốc mà Ngân hàng lập luận.
Thực tế, sự không rõ ràng trong các thuật ngữ được sử dụng cũng xuất phát từ thực tế đây là một giải pháp thoả hiệp giữa:
-
Một bảo đảm phụ thuộc theo nghĩa hẹp mà Ngân hàng đã gợi ý trong văn thư đề ngày 10 tháng 10 năm 1984; phương thức này đã bị loại bỏ,
-
Một bảo đảm độc lập theo gợi ý đầu tiên của Công ty Ma-rốc; phương thức này cũng bị loại bỏ.
Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn tiếp tục sử dụng thuật ngữ bảo đảm phụ thuộc (caution/surety) theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, tức là cùng nghĩa với thuật ngữ bảo đảm (guarantee) theo nghĩa rộng, chứ không phải là theo nghĩa pháp lý đặc trưng của nó. Do đó, Ngân hàng không thể lập luận rằng văn thư ngày 9 tháng 11 năm 1984 đã thiết lập một bảo đảm phụ thuộc.
Uỷ ban trọng tài, cho rằng ngân hàng trong trường hợp này đã lập một bảo đảm chứng từ cho công ty Ma-rốc hưởng lợi, đã quyết định rằng báo cáo do chuyên gia Thuỵ Sỹ lập là điều kiện cần và đủ, do chính Ngân hàng đặt ra, để thực hiện bảo đảm.
2. Về vấn đề gian lận hay không đúng qui định trong việc lập báo cáo:
Báo cáo giám định không hề nhằm tạo điều kiện thuận lợi hay thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp giữa công ty Ma-rốc và công ty Pháp; báo cáo này là nhằm tránh những yêu cầu trả tiền không có căn cứ của công ty Ma-rốc, thông qua việc nhờ một chuyên gia có thẩm quyền và trung lập xác định trị giá yêu cầu của công ty Ma-rốc đối với công ty xây dựng Pháp, và dẫn tới việc thanh toán tự động khoản bảo đảm.
Báo cáo này không có mối liên hệ pháp lý với tố tụng trọng tài liên quan đến công ty xây dựng Pháp, bao gồm cả các trọng tài viên và các bên. Chuyên gia đã được chỉ định theo các yêu cầu trong thư bảo đảm và theo các qui tắc về giám định kỹ thuật nêu trong thư đó. Hơn nữa, không chỉ Ngân hàng mà cả công ty xây dựng Pháp đều được thông báo về việc chỉ định chuyên gia đó, chuyên gia này cũng đã đến gặp và nghe họ trình bày, đã đi thăm công trình thực địa và, theo yêu cầu của công ty Pháp, đã đến thăm một nơi khác tương tự. Vì thế trong việc lập báo cáo này không có gì là bất bình thường hay gian lận như đã từng thấy trong các vụ việc có liên quan đến bảo đảm ngân hàng. Vì vậy báo cáo này được chấp nhận.
3. Về vấn đề liệu các khó khăn trong việc giải thích báo cáo có làm cho bảo đảm trở thành không thể thực hiện được hay không:
Đây là lý do chính để Ngân hàng từ chối trả tiền bảo đảm với lập luận rằng những nhận xét của chuyên gia là không chính xác và rằng chuyên gia đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc giải thích các điều khoản của hợp đồng, và rằng các kết luận trong báo cáo của chuyên gia chỉ mang tính giả thiết.
Trong vấn đề này cần xem lại những phân tích về bản chất của bảo đảm. Về mặt nguyên tắc, việc trình một báo cáo được lập bởi một chuyên gia được chỉ định theo đúng thoả thuận của các bên phải được coi là đủ để thực thi một bảo đảm của ngân hàng, dĩ nhiên với điều kiện là các kết luận của chuyên gia không trái với các viện dẫn của công ty Ma-rốc. Về mặt hình thức, nếu chuyên gia kết luận là không tồn tại quyền được hoàn trả thì yêu cầu của công ty Ma-rốc cũng không thể được đáp ứng. Ngược lại, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên gia đã xác định chính xác trị giá các yêu cầu có thể của công ty Ma-rốc, và công ty Ma-rốc đã nêu khoản tiền này trong yêu cầu của mình.
Hơn nữa, kết luận mà chuyên gia đưa ra không phải là các giả thiết; chuyên gia đã phân loại các đánh giá và nhận xét thành ba loại khác nhau và cũng nhấn mạnh rằng các đánh giá của mình có thể thay đổi nếu tình hình thay đổi. Vì vậy, báo cáo của chuyên gia là hoàn toàn rõ ràng và minh bạch, các kết luận trong đó không hề mang tính giả thiết như lập luận của Nguyên đơn.
B. Về đơn kiện lại:
Từ các phân tích nêu trên có thể thấy Bị đơn, công ty Ma-rốc, có quyền yêu cầu thực hiện bảo đảm và hơn nữa, Nguyên đơn, Ngân hàng Pháp, phải bồi thường cho những thiệt hại phát sinh trực tiếp từ việc từ chối không thực hiện bảo đảm. Về vấn đề này, Bị đơn đã có căn cứ khi yêu cầu các khoản tiền sau đây ngoài khoản tiền do chuyên gia xác định:
-
Tiền lãi trên số tiền nêu trên, bắt đầu tính từ ngày có thông báo yêu cầu trả tiền bảo đảm chính thức bằng thư bảo đảm ngày 21 tháng 4 năm 1986; tiền lãi này được tính toán theo luật của Pháp với lãi suất 9,5%/năm.
-
Tiền bồi thường cho những thiệt hại vật chất và hệ quả của cùng nguyên nhân mà Bị đơn phải chịu, độc lập với việc trì hoãn thực hiện khoản bảo đảm.
Uỷ ban trọng tài xác định tổng số tiền thiệt hại phát sinh là 1.300.000 FF.
Bị đơn không có cơ sở để yêu cầu Nguyên đơn thanh toán các chi phí cho báo cáo giám định bởi chính công ty phải chịu chi phí này nếu công ty muốn được trả bảo hiểm.
Về phí trọng tài (phí hành chính cho ICC và thù lao cho các trọng tài viên), Uỷ ban trọng tài xác định các chi phí này sẽ được thanh toán theo tỷ lệ sau đây:
-
Ngân hàng Pháp, Nguyên đơn chịu 3/4
-
Công ty Ma-rốc, Bị đơn chịu 1/4.
PHÁN QUYẾT SỐ 27
TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN THƯ TÍN DỤNG
KHÔNG HUỶ NGANG
Các bên:
Nguyên đơn : Công ty Tây Ban Nha
Bị đơn : Ngân hàng Cô-oét
Các vấn đề được đề cập:
-
Từ chối nhận hàng
-
Định nghĩa và cách hiểu "Thư tín dụng không huỷ ngang"
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn, với tư cách là bên nhận uỷ thác cho một công ty Tây Ban Nha khác, đã bán một lô sản phẩm lương thực cho một Công ty Cô-oét. Về phần mình, vào ngày 1 tháng 7 năm 1978, Công ty Cô-oét đã mở tại ngân hàng của mình một thư tín dụng không huỷ ngang và chuyển nhượng được trị giá 76.244 đô la Mỹ cho công ty uỷ thác Tây Ban Nha thụ hưởng qua một ngân hàng Tây Ban Nha.
Hàng sẽ được giao thành hai chuyến, mỗi chuyến cách nhau 20 ngày muộn nhất là vào ngày 20 tháng 9 năm 1978. Tiền hàng cũng được thanh toán làm hai lần. Hàng giao theo giá C&F và áp dụng Quy tắc và Thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ của ICC (bản sửa đổi năm 1974).
Có hai điều kiện được quy định cho thư tín dụng. Thứ nhất, Ngân hàng Tây Ban Nha sẽ tiến hành thanh toán khi nhận được một bộ đầy đủ vận đơn đường biển đã xếp hàng hoàn hảo. Thứ hai, Ngân hàng Tây Ban Nha sẽ phải đợi giấy phép do Ngân hàng Cô-oét (Bị đơn) cấp. Giấy phép này sẽ được cấp sau khi có thông báo của Công ty Cô-oét (Người mua) rằng họ đã nhận được hàng và hàng đã được cơ quan y tế Cô-oét tại cảng chấp nhận. Ngày 30 tháng 9 năm 1978, Ngân hàng Cô-oét đã sửa đổi lại điều kiện 2 rằng Ngân hàng sẽ cấp giấy phép trong vòng 75 ngày kể từ ngày nhận được vận đơn đường biển "với điều kiện là hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng và được cơ quan Y tế của chính phủ Cô-oét chấp nhận" mà không có ý kiến chấp nhận của người được hưởng lợi (Nguyên đơn).
Ngày 25 tháng 11 năm 1978, Ngân hàng Tây Ban Nha đã gửi bộ chứng từ của chuyến hàng thứ hai cho Bị đơn (Ngân hàng Cô-oét) và đã bị Bị đơn từ chối với lý do thời gian giữa hai chuyến giao hàng đã vượt quá 20 ngày. Ngân hàng Tây Ban Nha đã không chấp nhận điều này.
Do vậy Ngân hàng Cô-oét đã thuyết phục người mua Cô-oét chấp nhận điều không đúng nguyên tắc trên, nhưng đồng thời Công ty Cô-oét vẫn đợi sự chấp nhận lô hàng của Bộ Y tế Cô-oét, cơ quan mà công ty Cô-oét nộp đơn xin kiểm tra hàng.
Hai ngày sau, ngày 13 tháng 2 năm 1979, Bị đơn thông báo rằng người mua Cô-oét đã từ chối hàng vì Cơ quan Y tế tại cảng đã cấp một giấy chứng nhận rằng hàng sẽ hết hạn sử dụng trong hai tháng nữa.
Ngân hàng Tây Ban Nha đã lập luận rằng giấy chứng nhận của Cơ quan y tế đã không bác bỏ hàng. Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và lập luận rằng: lô hàng vẫn chưa được nhận bởi người mua (Công ty Cô-oét) và điều này được khẳng định sau đó bằng tuyên bố "theo thông lệ, hàng thực phẩm phải đủ độ tin cậy để lưu kho trong vòng 12 tháng".
Trong đơn kiện gửi trọng tài Nguyên đơn tuyên bố rằng việc Bị đơn từ chối bộ chứng từ là không hợp thức và yêu cầu được thanh toán khoản tiền 38.122 đô la Mỹ cộng lãi suất hàng năm 13% tính từ ngày 5 tháng 1 năm 1979.
Phán quyết của trọng tài:
Trước hết Uỷ ban trọng tài cho rằng lý do duy nhất mà hàng chưa thuộc quyền sở hữu của người mua Cô-oét, người mở thư tín dụng, là do họ đã từ chối lô hàng đó khi hàng đã đến nơi và giấy chứng nhận y tế cũng đã được cấp.
Vấn đề cần giải quyết là việc xác định rằng trong tình huống này liệu điều kiện "hàng hoá đã được nhận bởi người mở thư tín dụng" đã được thoả mãn hay chưa.
Uỷ ban trọng tài định nghĩa bản chất của thư tín dụng không huỷ ngang và cách mà người ta phải hiểu nó như sau:
-
Một thư tín dụng không thể huỷ ngang là một sự cam kết chắc chắn của ngân hàng mở thư tín dụng rằng ngân hàng sẽ thanh toán nếu các điều kiện của thư tín dụng được thoả mãn, nếu thư tín dụng đó dùng để thanh toán (Điều 3 Quy tắc và Thực hành thống nhất tín dụng chứng từ).
-
Bản chất của thư tín dụng không huỷ ngang là người hưởng lợi chắc chắn sẽ được thanh toán nếu xuất trình đúng bộ chứng từ.
-
Một đặc tính cơ bản của tín dụng chứng từ là tính hình thức của nó. Các chứng từ được xuất trình chỉ có thể là đúng hoặc không đúng. Sự mập mờ ở đây không được chấp nhận.
-
Một tín dụng chứng từ không được hiểu theo bất cứ 1 luật quốc gia nào mà các bên không có thoả thuận mà phải được hiểu theo các thông lệ được áp dụng cho đối tượng này trong thương mại quốc tế.
-
Một đặc tính nữa của thư tín dụng là việc thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các bên. Chỉ cần các điều kiện trong thư tín dụng được thoả mãn và người hưởng lợi xuất trình đúng bộ chứng từ thì việc thanh toán sẽ được thực hiện.
Bị đơn lập luận rằng trong trường hợp này, hàng giao không được người mở thư tín dụng chấp nhận, điều kiện "hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng" đã không được thoả mãn. Nói một cách khác việc thư tín dụng có được thanh toán hay không phụ thuộc vào thiện chí của người mở thư tín dụng. Việc hiểu điều kiện "hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng" như vậy mâu thuẫn với mục đích của thư tín dụng chứng từ theo đó việc thanh toán không được phụ thuộc vào thiện ý của người mở thư tín dụng, vì điều đó có nghĩa là tín dụng chứng từ không hề an toàn cho người hưởng lợi.
Bởi vậy Uỷ ban trọng tài cho rằng điều kiện "hàng được nhận bởi người mở thư tín dụng" cũng cần phải được hiểu ở cả nghĩa là người mở thư tín dụng đã có thể nhận được hàng nếu anh ta muốn (vì trên thực tế hàng đã đến nơi và người mua đã có đủ các điều kiện để nhận hàng). Như thế điều kiện này mới có ý nghĩa và chấp nhận được trong thương mại quốc tế.
Như vậy rõ ràng Bị đơn đã sai khi từ chối thanh toán Nguyên đơn.
Bởi vậy, Uỷ ban trọng tài quyết định Nguyên đơn được hưởng số tiền là 38.122 USD.
Sau khi đưa ra phán quyết về khiếu nại chính, Uỷ ban trọng tài xét tiếp đến mức lãi suất hàng năm 13% tính từ tháng 2 năm 1979.
Nguyên đơn yêu cầu mức lãi suất là 13%/năm tính từ ngày 1 tháng 12 năm 1979. Bị đơn không phản đối yêu cầu này vì việc thanh toán đã không được thực hiện vào ngày đã định và mức lãi suất mà Nguyên đơn yêu cầu trong thời hạn nêu trên cũng không có gì là vô lý trong thương mại quốc tế. Vì thế, Uỷ ban trọng tài đã đồng ý với mức lãi suất nêu trên.
PHÁN QUYẾT SỐ 28
TRANH CHẤP VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
VÔ ĐIỀU KIỆN
Các bên:
Nguyên đơn : Người cung cấp Mỹ
Bị đơn : Người mua Mỹ
Các vấn đề được đề cập:
-
Tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài không
-
Bảo đảm thực hiện vô điều kiện
-
Vi phạm nghiêm trọng hợp đồng
-
Tiếp tục thực hiện hợp đồng dù đang có tranh chấp
Tóm tắt vụ việc:
Bằng Hợp đồng mua bán ngày 12 tháng 7 năm 1982, Nguyên đơn cam kết cung cấp cho Bị đơn một số tủ văn phòng và tủ đựng quần áo. Sau đó, Bị đơn sẽ cung cấp số hàng hoá này cho một công ty Arập Xê-út (Khách hàng). Hợp đồng qui định tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bằng trọng tài ICC tại Oa-sing-tơn.
Theo hợp đồng, trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng Nguyên đơn phải cung cấp:
“Một bảo đảm thực hiện hợp đồng vô điều kiện và không hủy ngang có thể được [Bị đơn] chấp nhận, do một Ngân hàng Mỹ phát hành và xác nhận cho [Bị đơn] hưởng lợi với trị giá là 10% giá bán ... như là một bảo đảm cho Thoả thuận này” (sau đây gọi tắt là “L/C bảo đảm thực hiện”).
Một mẫu giấy bảo đảm được đính kèm với hợp đồng.
Theo hợp đồng, Bị đơn phải thanh toán bằng:
“Một thư tín dụng không huỷ ngang, có thể chuyển nhượng và tuần hoàn với trị giá tăng 25% tổng giá bán, thanh toán trong vòng 67 ngày kể từ ngày giao các chứng từ xác nhận việc nhận hàng. Thư tín dụng phải được mở cho Nguyên đơn hưởng lợi trong vòng 15 kể từ ngày nhận được chấp thuận của khách hàng” (sau đây gọi là “L/C thanh toán”).
Do một số khó khăn từ phía Nguyên đơn nên cho đến ngày 20 tháng 9 năm 1982 L/C Bảo đảm thực hiện cho Bị đơn hưởng lợi mới được mở và Bảo đảm này có qui định rằng thư chỉ có hiệu lực khi Bị đơn mở L/C thanh toán. Ngày 27 tháng 9 năm 1982, Bị đơn gửi telex cho Nguyên đơn thông báo L/C bảo đảm thực hiện không thể chấp nhận được vì không đáp ứng qui định “vô điều kiện”. Telex này nêu rằng Nguyên đơn đã vi phạm hợp đồng và rằng “nếu Nguyên đơn cung cấp một bảo đảm có thể chấp nhận được thì hai bên sẽ bàn bạc về khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Nguyên đơn trả lời bằng văn thư ngày 29 tháng 9 năm 1982 rằng “vì điều kiện duy nhất của chúng tôi hoàn toàn thuộc quyết định của quý công ty, tức quyết định mở L/C thanh toán, nên thực tế L/C bảo đảm thực hiện này là vô điều kiện đối với quý công ty”. Bị đơn trả lời bằng telex ngày 4 tháng 10 năm 1982 rằng điều kiện mà Nguyên đơn nêu ra khiến cho L/C bảo đảm này trở thành có điều kiện. Bị đơn kết luận rằng “mặc dù chúng tôi đã cho quý công ty hơn 60 ngày để cấp một bảo đảm có thể chấp nhận được nhưng quý công ty đã không làm được việc này. Trong trường hợp này chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là huỷ hợp đồng với quý công ty do lỗi của quý công ty. Chúng tôi sẽ mua hàng từ một bên thứ ba.”
Nguyên đơn đã khởi kiện ra trọng tài ngày 22 tháng 11 năm 1982 khẳng định rằng Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, thể hiện qua việc từ chối mở L/C thanh toán cho Nguyên đơn hưởng lợi và không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng trong khi chờ đợi kết quả trọng tài, đồng thời đòi bồi thường các thiệt hại phát sinh từ các vi phạm này.
Trọng tài phải giải quyết những vấn đề sau đây: (1) Tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài hay không, (2) Bị đơn có vi phạm hợp đồng không khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, và (3) nếu có thì Nguyên đơn có thiệt hại gì. Trọng tài quyết định rằng tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài và việc Bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải là một vi phạm hợp đồng, do đó Nguyên đơn không được bồi thường cho các thiệt hại là hệ quả của việc chấm dứt này.
Phán quyết của trọng tài:
1. Về khả năng có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài:
Điều khoản trọng tài trong hợp đồng qui định áp dụng cho “tất cả các tranh chấp phát sinh theo hay có liên quan đến, hoặc về bất kỳ vi phạm nào đối với Hợp đồng này...”. Đây chính là một tranh chấp như vậy.
Bị đơn lập luận rằng điều khoản này không thể được áp dụng bởi hợp đồng qui định rằng “Thoả thuận này có hiệu lực phụ thuộc vào văn bản chấp thuận của Khách hàng”. Thực tế đã không có một chấp thuận như vậy, và do đó điều khoản trọng tài chưa từng bao giờ có hiệu lực.
Uỷ ban trọng tài cho rằng lập luận này không thuyết phục bởi cũng giống như một số qui định khác trong hợp đồng (ví dụ, qui định Nguyên đơn phải hợp tác hỗ trợ với Bị đơn trong việc đạt được chấp thuận từ phía Khách hàng, hay Nguyên đơn phải thông báo chi tiết về giảm giá hàng trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng, và nghĩa vụ mở L/C bảo đảm thực hiện của Nguyên đơn), điều khoản trọng tài được ký kết với ý định là sẽ có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được ký kết và trước khi có văn bản chấp thuận của Khách hàng, dù nhiều qui định khác trong hợp đồng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm có văn bản chấp thuận.
Không hề có cơ sở nào để kết luận rằng các bên có ý định đưa ra giải quyết tại toà án các tranh chấp phát sinh trước khi có chấp thuận của Khách hàng và chỉ đưa ra trọng tài giải quyết các tranh chấp phát sinh sau thời điểm đó. Thực tế, Bị đơn đã đúng khi lập luận rằng các nghĩa vụ hợp đồng của các bên chưa bao giờ có hiệu lực, nhưng Bị đơn cũng không thể bác bỏ vụ việc này bởi nếu thế nghĩa vụ mở L/C bảo đảm thực hiện của Nguyên đơn cũng không thể phát sinh và như vậy Bị đơn chẳng có căn cứ nào để chấm dứt hợp đồng.
2. Bảo đảm thực hiện vô điều kiện (unconditional performance guarantee):
Uỷ ban trọng tài cho rằng Nguyên đơn đã không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tức không mở L/C bảo đảm thực hiện vô điều kiện, không huỷ ngang và có thể được Bị đơn chấp nhận. Điều này được lý giải như sau:
Thứ nhất, thuật ngữ “vô điều kiện” được định nghĩa một cách thông thường là “không bị hạn chế hay ảnh hưởng bởi bất kỳ điều kiện nào” (Từ điển Black's Law tr. 1367 - xuất bản lần thứ 5, năm 1979). Theo định nghĩa này, L/C bảo đảm thực hiện của Nguyên đơn không thể được coi là “vô điều kiện”, vì nó bị hạn chế bởi điều kiện là bảo đảm sẽ không có hiệu lực cho đến khi Bị đơn mở L/C thanh toán.
Cách hiểu của Nguyên đơn cũng có thể được chấp nhận nếu Nguyên đơn dẫn được ra các chứng cứ có sức thuyết phục về thông lệ thương mại quốc tế hoặc về ý định thực của các bên. Nhưng Nguyên đơn đã không đưa ra được chứng cứ nào như vậy.
Trong khi các chứng cứ hiện có cho thấy Nguyên đơn tin rằng điều khoản mà mình đưa vào thư bảo đảm là được phép, Uỷ ban trọng tài lại cho rằng thực tế hai bên chưa hề có thoả thuận nào về việc này. Khả năng về điều khoản này đã được các đại diện của Nguyên đơn và Bị đơn bàn bạc trước khi ký kết hợp đồng nhưng chưa đạt được một sự thống nhất nào, và, ngay cả khi được coi như là đã được các bên nhất trí, khả năng này cũng bị vô hiệu hoá bởi điều khoản thống nhất cuối cùng (điều khoản về "vô điều kiện") được đưa vào hợp đồng ký sau đó. Hợp đồng, có đính kèm một bản thư bảo đảm thực hiện, không ủng hộ lập luận của Nguyên đơn.
Sau khi ký kết hợp đồng, Nguyên đơn và Bị đơn cũng đã có gặp gỡ để thảo luận về việc sửa đổi hợp đồng nhưng không đi đến một thoả thuận nào. Vì thế không hề có một sửa đổi nào đối với hợp đồng cho phép một bảo đảm có điều kiện.
Từ các lập luận nêu trên, uỷ ban trọng tài đồng ý với lập luận của Bị đơn rằng Nguyên đơn đã thực hiện không đúng hợp đồng và thoả thuận giữa họ với nhau chưa hề được sửa đổi.
Thứ hai, Hợp đồng nêu một cách rõ ràng rằng Nguyên đơn phải mở một thư bảo đảm thực hiện vô điều kiện “có thể được Bị đơn chấp nhận”. Khi L/C bảo đảm thực hiện được phát hành, Bị đơn đã thông báo cho Nguyên đơn rằng L/C bảo đảm này không thể chấp nhận được. Quan điểm này của Bị đơn không phải là không có căn cứ. Bị đơn đã cho Nguyên đơn cơ hội để sửa lại khiếm khuyết này và lập một thư bảo đảm khác có thể chấp nhận được nhưng Nguyên đơn đã không làm được việc này. Do đó có thể kết luận rằng Nguyên đơn đã không cung cấp được một thư bảo đảm thực hiện đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng.
3. Về vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và việc tiếp tục thực hiện hợp đồng:
Uỷ ban trọng tài cho rằng với vi phạm này của Nguyên đơn, Bị đơn có quyền chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng việc chấm dứt này là không được phép, bởi (a) vi phạm này không nghiêm trọng, và (b) điều khoản trọng tài qui định Bị đơn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng dù đang có tranh chấp. Uỷ ban trọng tài bác lập luận này của Nguyên đơn vì những lý do sau đây:
Một là, Uỷ ban trọng tài cho rằng đây là một vi phạm nghiêm trọng đối với hợp đồng trên cơ sở chứng cứ do Bị đơn trình liên quan đến tầm quan trọng của việc có một thư bảo đảm thực hiện có giá trị, Điều 241(a) Luật Hợp đồng năm 1981.
Hai là, điều khoản trọng tài qui định giải quyết bằng trọng tài "tất cả các tranh chấp phát sinh theo hay có liên quan đến, hoặc về bất kỳ vi phạm nào đối với Hợp đồng này...” nhưng chỉ qui định nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng khi tố tụng trọng tài đang được tiến hành trong trường hợp các tranh chấp “phát sinh theo” hợp đồng. Vì đây là tranh chấp liên quan đến vi phạm hợp đồng, một dạng tranh chấp mà khi pđược loại trừ khỏi yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng nên Bị đơn không có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì Nguyên đơn hoàn toàn không có ý định cung cấp một thư bảo đảm thực hiện mà Bị đơn có thể chấp nhận được, và với tính chất nghiêm trọng của vi phạm nên Bị đơn hoàn toàn có lý khi tìm một người cung cấp khác thay thế để Bị đơn có thể thực hiện được các nghĩa vụ của Bị đơn đối với các khách hàng của mình.
PHÁN QUYẾT SỐ 29
TRANH CHẤP TÌNH TRẠNG AN TOÀN CỦA CẦU BẾN
Các bên:
Nguyên đơn : Công ty gửi hàng
Các Bị đơn : Công ty vận tải hàng hải
Công ty khai thác cầu cảng
Các vấn đề được đề cập:
-
Hợp đồng thuê tàu định hạn
-
Các thiệt hại phải chịu do bão
-
Cầu bến an toàn
-
Trách nhiệm
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 15 tháng 5 năm 1970 Nguyên đơn và Công ty vận tải hàng hải, Bị đơn thứ nhất, ký kết một hợp đồng thuê tàu định hạn để vận chuyển một lượng amoni-sun phát dạng rời từ Hopewell và Norfolk, Mỹ đến Manzanillo, Mexico.
Theo các chỉ dẫn của Công ty khai thác cầu cảng, Bị đơn thứ hai, tàu ghé mạn đông cầu cảng Fiscal trong cảng Manazanillo để dỡ hàng ngày 11 tháng 3 năm 1972. Tàu đã cập được cầu cảng nhưng phần đuôi tàu lại hơi nhô ra so với chiều dài của cầu cảng. Sau khi đã cập cầu cảng, thuyền trưởng nhận thấy thành cầu thiếu các đệm chắn chống va đập và đã phàn nàn về điều này với đại lý của tàu. Trong thời gian neo tại cầu cảng, tàu đã phải chịu một cơn bão lớn và đã phải sử dụng tất cả các dây neo tàu và đệm chắn mà tàu được trang bị nhưng vẫn không tránh khỏi một số thiệt hại về vật chất đối với tàu.
Trong thời gian đó, thuyền trưởng đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với đại lý của công ty thuê tàu ở New York để yêu cầu một cầu cảng khác nhưng không thể liên lạc được. Tàu vẫn ở cầu cảng Fiscal và bắt đầu dỡ hàng cho đến chiều ngày 15 tháng 3 năm 1972 mới nhận được chỉ thị của đại lý của người thuê tàu yêu cầu tàu di chuyển đến khu thả neo.
Trong thông báo ngày 14 tháng 3 năm 1972 thuyền trưởng đã nêu rằng khi cập cầu cảng ngày 11 tháng 3 năm 1972, thuyền trưởng đã kiểm tra và thấy rằng cầu cảng này không an toàn để dỡ hàng. Trong một tuyên bố sau đó ngày 30 tháng 3 năm 1972, thuyền trưởng nhấn mạnh rằng có thể có một cơn bão lớn sẽ xảy ra do có những cơn gió dữ dội trước đó.
Nguyên đơn đòi 200.130 USD cho các thiệt hại mà tàu đã phải chịu do bão khi đang neo tại cầu cảng Fiscal.
Phán quyết của trọng tài:
Uỷ ban trọng tài kết luận rằng mạn đông của cầu cảng Fiscal trong cảng Manzanillo là một cầu cảng an toàn và rằng dù tàu có phải chịu những thiệt hại về vật chất thì đấy là do lỗi của thuyền trưởng đã không thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ tàu bằng cách di chuyển tàu tới khu thả neo.
Uỷ ban trọng tài cũng nhắc lại lập luận của Nguyên đơn rằng cầu tàu này không an toàn theo nghĩa của Điều 6 Hợp đồng thuê tàu, theo đó “hàng hoá ... được bốc lên tàu và/hoặc dỡ xuống ở bất kỳ một vũng đậu tàu, cầu cảng hay bất kỳ một địa điểm nào mà bên thuê tàu hay đại lý của bên thuê tàu chỉ định, với điều kiện tàu có thể nổi một cách an toàn ngay cả khi nước ròng”. Uỷ ban cũng chỉ ra rằng mặc dù thuyền trưởng đã thể hiện mối lo ngại về tình hình đang xấu dần nhưng đã không thực hiện bất kỳ một khiếu nại chính thức nào cũng như yêu cầu hoa tiêu hay tàu kéo trợ giúp khi bão trở nên dữ dội. Mặc dù sau đó có một số phản đối của thuyền trưởng nhưng không hề có một yêu cầu chính thức nào về việc di chuyển tàu đến khu thả neo cho đến tận ngày 14 tháng 3 năm 1972.
Uỷ ban trọng tài cho rằng đáng lẽ thuyền trưởng phải hành động nhanh hơn và kiên quyết hơn trong việc di chuyển tàu khi bão tăng dần, và rằng các thông tin về cảng và cầu tàu trong các chỉ thị về cách thức di chuyển đáng lẽ phải lưu ý thuyền trưởng về các điều kiện có thể gặp phải tại cảng. Có thể thuyền trưởng cho rằng để di chuyển tàu thì cần phải được phép. Đây là một suy nghĩ sai, do dó không thể là căn cứ miễn trách cho việc thuyền trưởng đã không di chuyển tàu ra khỏi cầu cảng trước khi tàu bị thiệt hại.
Uỷ ban trọng tài kết luận cầu cảng Fiscal ở Manzinillo là một cầu cảng an toàn nhưng có thể trở nên nguy hiểm do các điều kiện thời tiết. Uỷ ban cũng lưu ý thêm rằng hiện tượng những cơn bão ngoài khơi có thể gây ra bão trong cảng không phải là bất bình thường đối với các cảng và cầu tàu dọc bờ biển phía tây khu vực Trung và Nam Mỹ. Uỷ ban kết luận rằng “Kỹ năng điều khiển tàu tốt đòi hỏi các thuyền trưởng phải nhận thức được khi nào thời tiết thay đổi cần phải rời cầu cảng đến khu thả neo. Các điều kiện thời tiết tạm thời nhưng không phải là không dự tính được không làm một cầu tàu trở thành cầu cảng mất an toàn”.
Bình luận và lưu ý:
Bản thân cầu cảng là an toàn. Trong điều kiện thời tiết đang xấu dần (do bão) lẽ ra thuyền trưởng phải quyết đoán và cho tàu di dời. Song trường hợp này thuyền trưởng đã e ngại không dám quyết định vì vậy Bị đơn được miễn trách nhiệm đối với những thiệt hại vật chất mà tàu phải chịu.
PHÁN QUYẾT SỐ 30
TRANH CHẤP VỀ THỜI GIAN GIA HẠN DỠ HÀNG
Các bên:
Nguyên đơn : Công ty vận tải hàng hải
Bị đơn : Công ty thuê tàu
Các vấn đề được đề cập:
-
Hợp đồng thuê tàu chuyến
-
Thời hạn dỡ hàng/Thời hạn gia hạn dỡ hàng
-
Điều khoản lõng hàng
-
Các khiếu kiện về việc thực hiện hợp đồng
-
Bảo đảm bơm nước dằn tàu
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 27 tháng 5 năm 1983 Nguyên đơn, chủ sở hữu tàu, ký với Bị đơn, bên thuê tàu, một hợp đồng thuê tàu chuyến theo mẫu Asbatankvoy chở tối thiểu 117.000 tấn dầu thô từ Ecuador đến bờ biển phía tây nước Mỹ.
Tàu đã nhận 111.500 tấn dầu thô tại Balao, Ecuador và đi đến Vịnh Mỹ ngày 24 tháng 6 năm 1983. Bị đơn chỉ thị tàu phải lõng hàng cho nhẹ bớt tại khu vực thả neo phục vụ dỡ hàng xuống sà lan ở South West Pass, sông Missisippi để có thể vào được bến cuối là Capline Terminal, St James, Louisiana với mớn nước qui định là 38 feet.
Tàu đến khu vực thả neo dỡ hàng ngày 28 tháng 7 năm 1983, sau khi dỡ 43.000 tấn dầu thô xuống sà lan Freeport Chief, đêm ngày 29 tháng 7 năm 1983 tàu tiếp tục hành trình đến Capline Terminal. Sáng ngày 30 tháng 7 năm 1983 tàu phải thả neo tại Dockside Anchorage theo lệnh cấm qua lại của Cảnh sát biển Hoa Kỳ do có một tàu khác bị mắc cạn trong kênh đào gần Beltmont Crossing. Sáng ngày 31 tháng 7 năm 1983 tàu tiếp tục đi đến Capline Terminal nhưng một lần nữa bị buộc phải dừng lại vì các lệnh cấm ở Beltmont Crossing do cùng nguyên nhân nêu trên.
Cuối cùng tàu đến Capline Terminal ngày 1 tháng 8 năm 1983, bắt đầu dỡ 68.500 tấn dầu thô còn lại trên tàu từ 23h30 cùng ngày. Việc dỡ hàng hoàn thành vào 14h05 ngày 3 tháng 8 năm 1983 và tàu rời bến lúc 22h30 ngày 3 tháng 8 năm 1983 sau khi đã bơm nước dằn tàu.
Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn trả 53.250 USD tiền bồi thường do tàu bị lưu giữ quá thời hạn (thời gian gia hạn dỡ hàng) còn Bị đơn thì cho rằng Bị đơn không chịu bất kỳ trách nhiệm gì cho thời gian dỡ hàng chậm này. Tranh chấp xoay quanh câu hỏi khoảng thời gian tàu bị chậm lại trên đường đến nơi dỡ hàng và thời gian tàu bơm nước ở St James có được tính vào thời gian dỡ hàng chậm hay không.
Phán quyết của trọng tài:
Các bên đều đồng ý rằng khoảng thời gian qui định cho việc dỡ hàng đã hết khi tàu ở khu thả neo để dỡ hàng xuống sà lan, và từ sau đó là thời gian gia hạn dỡ hàng của tàu. Nguyên đơn cho rằng toàn bộ thời gian sau đó cho đến khi tàu hoàn thành việc dỡ hàng tại Capline Terminal, bao gồm cả thời gian tàu di chuyển từ khu thả neo dỡ hàng xuống sà lan đến nơi dỡ hàng cuối cùng, phải được tính là thời gian gia hạn dỡ hàng. Lập luận mà Nguyên đơn đưa ra là trong trường hợp này học thuyết “một khi đã bị phạt vì dỡ hàng chậm thì mọi khoảng thời gian sau đó đều được tính vào thời gian dỡ hàng chậm” (once on demurrage always on demurrage) phải được áp dụng vì ở đây không hề có một loại trừ rõ ràng nào trong việc tính thời hạn dỡ hàng. Nguyên đơn cho rằng các qui định tại Điều khoản số 6, Điều khoản về Thông báo Sẵn sàng chỉ cho phép có các loại trừ đối với thời gian dỡ hàng đã thoả thuận chứ không áp dụng đối với thời gian gia hạn dỡ hàng.
Trong khi đó Bị đơn lập luận rằng mặc dù câu cuối cùng của Điều khoản số 6 trong Hợp đồng chỉ qui định các trường hợp loại trừ trong việc tính thời gian dỡ hàng nhưng việc đưa vào Hợp đồng thuê tàu Điều khoản Arco - Lõng hàng (Arco Lighterage Clause) đã mở rộng phạm vi áp dụng các loại trừ này cho việc tính toán thời gian dỡ hàng và/hoặc thời gian gia hạn dỡ hàng trong trường hợp trước khi dỡ hàng chính thức có thực hiện việc dỡ hàng xuống sà lan cho nhẹ bớt tàu. Điều khoản Arco- Lõng hàng qui định thời gian tàu di chuyển không được tính vào thời gian dỡ hàng hay thời gian gia hạn dỡ hàng (nếu được gia hạn thời gian dỡ hàng).
Về phần tranh chấp liên quan tới thời gian tàu bơm nước dằn tàu, Nguyên đơn bác bỏ lập luận của Bị đơn cho rằng tàu không có khả năng duy trì lan can tàu ở mức 100psi hoặc không có khả năng dỡ toàn bộ số hàng trong vòng 24 tiếng. Nguyên đơn cho rằng cột cầu cảng không đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu của tàu. Bị đơn đã trừ đi 22 giờ 11 phút trong khoảng thời gian gia hạn dỡ hàng do tàu không bảo đảm được khả năng về nước dằn tàu. Báo cáo cho thấy trên thực tế tàu mất tổng cộng 55 giờ 45 phút để dỡ hàng ở khu thả neo và tại bến cuối và trong thời gian dỡ hàng ở Capline Terminal, áp lực bơm của tàu chưa bao giờ vượt quá 70psi và thường là ở mức thấp hơn.
Ý kiến của đa số trọng tài viên cho rằng yêu cầu của Nguyên đơn về tiền bồi thường thời gian gia hạn dỡ hàng là không thể chấp nhận được. Uỷ ban trọng tài kết luận thời gian tàu di chuyển không được tính vào thời gian dùng để dỡ hàng ngay cả khi tàu đang trong thời gian gia hạn dỡ hàng. Uỷ ban trọng tài nhấn mạnh rằng thời gian di chuyển tàu không thể được tính vào thời gian dỡ hàng cũng như thời gian gia hạn dỡ hàng và hoạt động dỡ hàng xuống sà lan trong vụ việc này là một phần và có liên quan trực tiếp đến việc tàu ghé vào St James theo các chỉ thị về dỡ hàng của Bị đơn. Những cản trở khiến tàu bị chậm trễ khi di chuyển từ khu thả neo đến nơi dỡ hàng chính thức là một sự kiện nhất thời, không thể dự tính trước và đã được sửa chữa nhanh chóng.
Uỷ ban trọng tài cho rằng không thể chứng minh được là Bị đơn đã không ấn định một địa điểm dỡ hàng an toàn và có thể ra vào được, mặc dù để đến được địa điểm này tàu cũng gặp phải một vài khó khăn. Rõ ràng là tàu dỡ hàng xuống sà lan với sự nhận thức đầy đủ là sau đó tàu phải tiếp tục đến St James để dỡ hàng tại Capline. Do đó, khi Bị đơn đưa ra các yêu cầu về dỡ hàng ngày 25 tháng 7 năm 1983, nơi dỡ hàng ở Capline hoàn toàn có thể ra vào được và lúc đó không có con tàu nào bị mắc cạn ở Belmont Crossing.
Về khiếu nại của Bị đơn rằng tàu không đáp ứng bảo đảm nước dằn tàu theo hợp đồng vận chuyển, Uỷ ban trọng tài cho rằng Nguyên đơn có trách nhiệm phải chứng minh rằng tàu đạt được mức 100 psi tại lan can. Thực tế Nguyên đơn đã không chứng minh được điều này.
Từ các lập luận nêu trên, Uỷ ban trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi bồi thường do tàu bị lưu giữ quá hạn.
Ý kiến bảo lưu
Một thành viên của Uỷ ban trọng tài có ý kiến bảo lưu cho rằng: “Học thuyết một khi đã bị phạt vì dỡ hàng chậm thì mọi khoảng thời gian sau đó đều được tính vào thời gian dỡ hàng chậm" được áp dụng rất rộng rãi và nó rất có ý nghĩa trong thương mại. Các khấu trừ đối với thời gian gia hạn dỡ hàng chỉ có thể thực hiện khi được nêu rõ trong hợp đồng vận chuyển và vì trong vụ việc này, đối tượng khấu trừ duy nhất có thể được chấp nhận, tức khoảng thời gian từ khi dỡ hàng xuống sà lan cho đến khi đến cảng dỡ hàng theo qui định, không được qui định trong hợp đồng nên lập luận của Nguyên đơn là có thể chấp nhận được”.
Theo trọng tài viên này, trong vụ việc này thậm chí cũng không cần phải dựa trên học thuyết này mà chỉ cần dựa trên các chứng cứ mà Bị đơn trình cũng có thể bác bỏ lập luận của Bị đơn. Trọng tài viên này cho rằng quyết định của Bị đơn chỉ dẫn tàu đi vào Capline với mớn nước 38 feet là một vi phạm đối với Điều khoản Arco - Lõng hàng và do đó Bị đơn phải chịu trách nhiệm cho những trì hoãn trên đường đi. Theo trọng tài viên này thì Uỷ ban trọng tài đáng lẽ phải thấy rằng Bị đơn có nghĩa vụ giảm mức mớn nước qui định để tàu có thể cập cảng ở St James hoặc phải chỉ định một cảng và địa điểm dỡ hàng khác mà tàu có thể cập vào với mức mớn nước của mình.
Về thời gian bơm nước dằn tàu, trọng tài viên này hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng việc bảo đảm khả năng của tàu là một bảo đảm thực hiện tuyệt đối và theo ông thì bảo đảm này không bao giờ áp dụng cho việc vận chuyển đường biển liên hợp và dỡ hàng tại địa điểm lựa chọn.
Theo trọng tài viên này Nguyên đơn phải được hưởng tiền bồi thường cho thời gian gia hạn dỡ hàng là 87.175 USD.
Bình luận và lưu ý:
Học thuyết “một khi đã bị phạt vì bốc, dỡ hàng chậm thì luôn luôn bị phạt, không có miễn trừ” là một học thuyết rất phổ biến trong luật hàng hải Anh - Mỹ, nhất là khi áp dụng trong các hợp đồng thuê tàu chuyến. Luật Anh- Mỹ cho rằng một khi đã bị phạt có nghĩa là người thuê đã vi phạm hợp đồng thuê tàu và khi đã vi phạm hợp đồng rồi thì không được hưởng miễn trừ nữa. Điều này phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi chấp nhận nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thuê tàu, đặc biệt trong các hợp đồng nhập khẩu hàng rời theo điều kiện CIF hoặc CFR, tức là một loại hợp đồng mua bán mà khâu thuê tàu do người bán đảm nhận. Người bán rất dễ chấp nhận luật Anh áp dụng cho hợp đồng thuê tàu - hợp đồng mà người mua không kiểm soát được vì INCOTERMS 2000 qui định người bán không có nghĩa vụ phải cung cấp một bản hợp đồng thuê tàu cho người mua như trong INCOTERMS 1990. Người mua Việt Nam cần lưu ý vấn đề này khi ký kết hợp đồng nhập khẩu CIF hay CFR.
PHÁN QUYẾT SỐ 31
TRANH CHẤP VỀ THỜI GIAN ĐỢI CẦU BẾN
Các bên:
Nguyên đơn : Chủ tàu
Bị đơn : Công ty thuê tàu
Các vấn đề được đề cập:
-
Thời gian chờ đợi cầu bến
-
Cầu bến chưa sẵn sàng
-
Rủi ro hàng hải
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn và Bị đơn ký kết một hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Nguyên đơn có nghĩa vụ chở hàng đến Le Havre.
Ngày 29 tháng 7 tàu đến nơi nhưng phải thả neo lúc 13h 42 phía ngoài cảng do nước ròng. Vào thời điểm đó cầu cảng cũng không ở trong tình trạng sẵn sàng do đang có một tàu khác tại cầu cảng. Tàu phải đợi mức nước triều cường tiếp theo.
Các bên đồng ý rằng trong mọi trường hợp, ngay cả khi cầu cảng không bận, thì tàu cũng không thể vào cảng trước 20h30, tức là 6 giờ 48 phút kể từ khi thả neo do phải đợi triều cường.
Thực tế thì mãi đến 19h00 ngày 4 tháng 8 cầu cảng mới trống, nhưng phải đến 23h54 cùng ngày khi có triều cường tàu mới nhổ neo để vào cầu.
Tranh chấp liên quan đến khoảng thời gian 6 giờ 48 phút mà tàu phải chờ để vào cầu cảng.
Nguyên đơn cho rằng thời gian chờ đợi bắt đầu từ khi tàu đến nơi thả neo do đó Bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khoảng thời gian này. Trong khi đó, Bị đơn cho rằng việc chờ đợi là do nước ròng nên tàu không thể tiếp cận cầu cảng, vì vậy Bị đơn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.
Phán quyết của trọng tài
:
Uỷ ban trọng tài đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn và đã trích dẫn lại lý do trong Phán quyết số 371 ngày 15 tháng 10 năm 1980 của Phòng Trọng tài Hàng hải Paris:
"Chủ tàu chỉ phải chịu mọi rủi ro liên quan đến việc di chuyển thực tế của tàu phát sinh khi cầu cảng nơi tàu phải cập ở trong tình trạng sẵn sàng”
Theo quan điểm của Bị đơn, chủ tàu phải chịu trách nhiệm cho cả hai lần tàu không thể vào cầu cảng do điều kiện nước ròng. Lần thứ nhất là khi tàu mới đến vì về mặt lý thuyết, tàu không thể cập cầu cảng được ngay cả nếu lúc đó cầu cảng ở tình trạng sẵn sàng. Lần thứ hai là khi cầu cảng đã sẵn sàng nhưng tàu vẫn không vào được cầu cảng.
Uỷ ban trọng tài bác lập luận của Bị đơn với lý do không thể bắt chủ tàu chịu trách nhiệm hai lần nói trên khi những rủi ro đó là hậu quả trực tiếp của việc Bị đơn không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm cầu cảng ở trạng thái sẵn sàng làm hàng khi tàu đến.
Bình luận và lưu ý:
Một chuyên gia của Phòng Trọng tài Hàng hải Paris đã bình luận vụ việc này như sau:
Đây là một phán quyết có tính nguyên tắc bởi các bên muốn sử dụng cách giải quyết của Uỷ ban trọng tài trong vụ việc này để giải quyết một số tranh chấp khác có trị giá kinh tế lớn hơn.
Rõ ràng là có thể có một số rủi ro khác ngoài thuỷ triều có thể khiến tàu chậm trễ trong việc cập cầu, dù đó là sự kiện tự nhiên hay là hậu quả của hành động của con người, và có thể khiến tàu bị chậm không chỉ vài giờ mà còn có thể là vài ngày hay vài tuần.
Một số ý kiến khác cho rằng sẽ là công bằng hơn nếu những rủi ro tồn tại vượt khỏi tầm kiểm soát của chủ tàu sau khi tàu đến là thuộc trách nhiệm của chủ tàu hơn là thuộc trách nhiệm của người thuê tàu khi cầu cảng sau đó đã sẵn sàng làm hàng. Tuy vậy, quan niệm này vấp phải một trở ngại không thể vượt qua là không ai được quyền xác định hậu quả của một lượng lớn các rủi ro hàng hải khi mà bản thân tàu không hề trực tiếp đương đầu với một rủi ro nào.
Một trận gió mạnh, sương mù hay một cuộc đình công có thể là một trở ngại không thể vượt qua đối với một số tàu nhưng lại không phải như vậy đối với những tàu khác. Đúng là chính thuyền trưởng chứ không phải ai khác là người phải quyết định có đối mặt với những rủi ro đó hay không. Tuy nhiên, đây không phải là một tiêu chí chính xác bởi quyết định là một chuyện còn có đạt được hay không lại là một chuyện khác.
Uỷ ban trọng tài được yêu cầu phải đưa ra một nguyên tắc chung có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Do đó Uỷ ban trọng tài cho rằng cần phải khẳng định nguyên tắc: các hậu quả của các rủi ro hàng hải chỉ có thể được tính khi chúng là những sự kiện thực tế và phải được bỏ qua nếu ngược lại.
Khi tàu đã trở thành tàu đến (arrived ship) nghĩa là tàu đã ở trạng thái sẵn sàng làm hàng. Nếu vì một lý do nào đó (trừ bất khả kháng) mà cầu cảng không sẵn sàng thì tàu vẫn có quyền tính các khoảng thời gian chờ đợi. Trong trường hợp này, khi tàu đến, cầu cảng chưa sẵn sàng làm hàng, do đó tàu được quyền tính thời gian chờ đợi không phụ thuộc vào việc khi đó bản thân tàu có thể cập cảng hay không.
PHÁN QUYẾT SỐ 32
TRANH CHẤP VỀ KHẢ NĂNG ĐI BIỂN CỦA TÀU
Các bên:
Nguyên đơn : Công ty thuê chở hàng Australia
Bị đơn : Công ty vận tải đường biển Trung Quốc
Các vấn đề được đề cập:
-
Hợp đồng thuê tàu chuyến
-
Các khiếu kiện về hàng hoá
-
Khả năng đi biển
-
Sự mẫn cán hợp lý
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn, chủ hàng đồng thời là người nhận hàng, ký với Bị đơn, chủ sở hữu tàu, hợp đồng vận chuyển 5.100 MT cát ziricon từ Bunbary, Australia đến Burnside, Louisiana. Vận đơn phát hành ngày 9 tháng 2 năm 1982 xác nhận hàng hoá đã được chuyển vào hầm số 1 tầng trên (Hầm 1A), hầm trên số 2 (Hầm 2A) và hầm số 4. Khi tàu đến Burnside ngày 31 tháng 3 năm 1982, hàng hóa trong Hầm 1A đã bị hư hại. Một công ty giám định kết luận rằng nước đã vào hầm này từ nắp hầm tàu và từ khoang dằn tàu trên. Báo cáo giám định cho thấy lượng cát ziricon trong hầm này đã bị ướt nghiêm trọng ở một số chỗ và các mẫu cát lấy từ khoang này để kiểm tra clorua đã cho phản ứng âm tính.
Khoang dằn tàu tiếp giáp với Hầm 1A chứa một lượng nước ngọt lấy từ sông Mississipi trước khi tàu đến Burnside. Đại diện của Nguyên đơn cho biết đã thấy nước tràn vào từ một khe nứt trên vách ngăn phía trước và tiếp giáp với khoang dằn bên sườn tàu Số 1.
Số hàng bị hư hại ở Hầm 1A được chuyển xuống sà lan. Tính sơ bộ có 990.881 tấn non (1 tấn non
»
907,2kg) bị hư hại. Sau đó Nguyên đơn đã phải bán số cát ziricon ướt này cho một công ty với giá là 99.088 USD, tức 100 USD/1 tấn non.
Nguyên đơn yêu cầu bồi thường 45.996 USD tiền thiệt hại theo giá thị trường cho số cát bị ướt do Bị đơn đã không thực hiện sự mẫn cán hợp lý để làm cho tàu có khả năng đi biển. Bị đơn thì cho rằng Nguyên đơn đã không chứng minh được các tổn thất mà Bị đơn phải chịu trách nhiệm vì vết nứt ở mối hàn trên ngăn tiếp giáp là một ẩn tì (latent defect) . Hơn nữa, theo Bị đơn, khiếu kiện đòi bồi thường này là quá đáng và tiền bồi thường chỉ giới hạn ở giá bán cộng với tiền cước vận chuyển đến bờ (freight landed value) của số cát tại Burnside.
Phán quyết của trọng tài:
Đa số trọng tài viên cho rằng Bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại phát sinh từ số cát bị ướt. Theo Luật vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và Qui tắc Hagues, Nguyên đơn đã cung cấp bằng chứng hợp thức về việc Bị đơn đã nhận hàng trong tình trạng tốt và sau đó đã giao hàng trong tình trạng bị tổn thất. Cần lưu ý rằng Bị đơn đã phát hành một vận đơn sạch tại Burnside và các chứng từ tài liệu liên quan đều cho thấy hàng hoá ở điều kiện hoàn toàn tốt khi bốc lên tàu. Vì vậy, Uỷ ban trọng tài kết luận hàng hoá trong Hầm 1A đã bị hư hại do nước tràn từ khoang dằn tàu tiếp giáp.
Ở đây Nguyên đơn đã đưa ra một tình trạng thực tế (prima facie) và Bị đơn có nghĩa vụ chứng minh rằng các tổn thất đối với hàng hoá không phải vì sự bất cẩn của Bị đơn dẫn tới tình trạng không có khả năng đi biển mà vì những rủi ro ngẫu nhiên.
Bị đơn cho rằng tổn thất là do một ẩn tì không thể phát hiện được dù đã có sự mẫn cán hợp lý và do đó Bị đơn phải được miễn trách theo Điều 4 khoản 2 Qui tắc Hagues. Uỷ ban trọng tài xác định tàu này được đóng tại Nam Tư năm 1962 và có rất ít thông tin về việc đóng lại tàu, bảo dưỡng hoặc sửa chữa để chứng minh là đã có sự mẫn cán hợp lý trong việc bảo đảm tàu có khả năng đi biển. Hoá đơn tháng 9 năm 1981 của một xưởng sửa chữa tàu chỉ cho thấy đây là một việc sửa chữa thông thường chứ bản thân hoá đơn này cũng như kiểm tra phân hạng tiến hành gần thời gian này đều không chứng minh được là đã có bất kỳ một cuộc kiểm tra chi tiết về các mối hàn.
Uỷ ban trọng tài thấy rằng chứng cứ của Bị đơn không đủ để chứng minh Bị đơn được miễn trách do ẩn tì không thể phát hiện được dù đã có sự mẫn cán hợp lý.
Về số tiền bồi thường thiệt hại, Uỷ ban trọng tài cho rằng số hàng hoá thiệt hại được tính là số hàng đã dỡ xuống sà lan ở Burnside. Điểm đáng lưu ý ở đây là các nỗ lực của Nguyên đơn trong việc giảm thiểu thiệt hại. Uỷ ban trọng tài xác định rằng việc tách rời cát khô và cát ướt là một thao tác rất khó khăn, hơn nữa loại cát này có đặc tính thấm nước rất mạnh. Ngoài ra, Nguyên đơn cũng đã rất cố gắng trong việc chào bán số hàng này cho các khách hàng khác nhau và số hàng bị hư hại đã được bán với giá hạ. Do đó, đây có thể coi là chứng cứ chứng minh Nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại của mình.
Về các chứng cứ liên quan đến cách thức đã được sử dụng để tính toán thiệt hại, Uỷ ban trọng tài cho rằng trong luật hàng hải, Nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh số tiền thiệt hại và cách thức tính thông thường là khoản chênh lệch giữa giá thị trường của hàng hoá được vận chuyển an toàn đến cảng đích và giá thị trường của hàng hoá đã bị hư hại. Uỷ ban trọng tài cũng thừa nhận rằng có thể thay thế cách thức tính toán thiệt hại này bằng một cách thức khác nếu vì những lý do đặc biệt, việc sử dụng cách thức này là không chính xác hoặc không thể thực hiện. Uỷ ban trọng tài cho rằng trong trường hợp này không thể xác định được một cơ cấu giá nào vì giá có thể thay đổi theo cung cầu vào thời điểm bán hàng trong tương lai và do đó cách thức lựa chọn logic sẽ là sử dụng giá trị của hàng khi giao tại cảng đích cộng với tất cả các chi phí và trừ đi giá bán thực tế của số hàng như được nêu trong các tính toán của Bị đơn.
Ý kiến bảo lưu
Trong ý kiến bảo lưu của mình, trọng tài viên thiểu số không đồng ý với lập luận của uỷ ban trọng tài rằng Bị đơn đã không chứng minh được rằng ẩn tì này không thể phát hiện được dù có sự mẫn cán hợp lý trong việc làm cho tàu có khả năng đi biển. Trọng tài viên này nhất trí rằng Nguyên đơn chỉ phải trình bày về thiệt hại còn nghĩa vụ chứng minh thiệt hại không phải do thiếu mẫn cán thuộc về trách nhiệm của Bị đơn nhưng phản đối kết luận của đa số trọng tài viên cho rằng những sửa chữa thực hiện vào tháng 8 năm 1981 là những sửa chữa chung chung và ông không cho là chủ tàu có trách nhiệm chứng minh rằng các mối hàn của một hầm chứa đã được kiểm tra.
Trọng tài viên này cho rằng việc yêu cầu chủ tàu cung cấp một bằng chứng khó khăn như vậy với những chi tiết nhỏ nhất về các mối hàn của các tấm ngăn khoang tàu như vậy chỉ dựa trên những căn cứ rất hạn chế và đã bỏ qua những cân nhắc thương mại cơ bản. Điều này thể hiện một sự cứng nhắc khi giải quyết vấn đề về khiếm khuyết ẩn tì vốn là một vấn đề tương đối đơn giản và hiển nhiên. Yêu cầu một chủ tàu cung cấp một chứng cứ nghiêm nhặt như vậy không chỉ không công bằng mà làm phương hại đến tư duy cơ bản trong vận tải hàng hải quốc tế và thách thức nghiêm trọng đối với các khái niệm nền tảng về nghĩa vụ chứng minh vốn đã được thực hiện và chấp nhận trong ngành công nghiệp này từ nhiều năm nay. Trọng tài viên này cho rằng không một tàu biển nào mà các khoang dằn tàu của nó lại được thử nghiệm và các mối hàn được kiểm tra chi tiết vào bất kỳ thời điểm nào giữa các cuộc kiểm tra phân hạng dù chủ tàu có thận trọng đến đâu chăng nữa.
Trọng tài viên này kết luận rằng về mặt pháp luật cũng như trong việc ký kết các hợp đồng thuê tàu, các tàu không phải mặc nhiên chịu trách nhiệm về việc tàu không đủ khả năng đi biển sau khi tàu đã rời cảng bốc hàng trừ trường hợp thiếu mẫn cán hợp lý trong việc phát hiện ra một ẩn tì.
Với quan điểm cho rằng vết nứt trong khoang tàu là một ẩn tì không thể phát hiện được dù đã có sự mẫn cán hợp lý và rằng Bị đơn đã thực hiện sự mẫn cán hợp lý đó, trọng tài viên này kết luận Bị đơn không phải chịu trách nhiệm đối với các tổn thất về hàng hoá.
Bình luận và lưu ý:
Nếu hàng hoá bị hư hỏng khi tàu đã rời cảng bốc hàng thì không nên khiếu nại chủ tàu về lỗi “tàu không đủ khả năng đi biển” vì trách nhiệm bảo đảm khả năng đi biển cho tàu chỉ là nghĩa vụ của chủ tàu trước khi bắt đầu hành trình. Điều này có nghĩa là chủ hàng phải xem xét xem hàng hoá bị hư hỏng trong lúc tàu đang trên hành trình là do nội tì hay ẩn tì. Nếu là do nội tì, tức một khiếm khuyết bên trong của trang thiết bị trên tàu thì chủ tàu khó lòng khước từ trách nhiệm. Ngược lại nếu là do ẩn tì (latent defects) thì chủ tàu được miễn trách nhiệm vì một khi đã là ẩn tì thì với con mắt thông thường và phương tiện thông thường khó có thể phát hiện.
Tuy nhiên khi phát hiện hàng bị hư hỏng trong hành trình cũng cần phải lưu ý xem hư hỏng là do lỗi gì gây ra, nếu là lỗi hàng vận (navigation mistake) thì chủ tàu được miễn trách nhiệm, ngược lại nếu là lỗi thương mại (ví dụ chất xếp tồi) thì chủ tàu khó có thể khước từ trách nhiệm được.
PHÁN QUYẾT SỐ 33
TRANH CHẤP DO HÀNG HOÁ KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN
TẠI CẢNG DỠ HÀNG
Các bên:
Nguyên đơn : Chủ tàu
Bị đơn : Bên thuê tàu
Các vấn đề được đề cập:
-
Khiếm khuyết nội tì của hàng hoá và các thiệt hại đối với hàng hoá
-
Hàng hoá không được chấp nhận tại cảng dỡ hàng theo quyết định của Cơ quan kiểm dịch do không đạt tiêu chuẩn
-
Vi phạm nghĩa vụ chính, nghĩa vụ dỡ hàng của bên thuê tàu
-
Tiền phạt do giữ tàu quá hạn
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn ký với Bị đơn một hợp đồng vận chuyển hạt lúa mì dạng rời. Khi tàu đến cảng dỡ hàng theo qui định trong hợp đồng, do các thủ tục hành chính tàu phải dỡ hàng chậm và việc dỡ hàng được thực hiện sau khi thời gian gia hạn dỡ hàng đã bắt đầu. Tàu phải dừng việc dỡ hàng khi vẫn còn 2000 tấn lúa mì trên tàu theo quyết định của một cơ quan thuộc Bộ Y tế nước sở tại cấm tiêu thụ số lúa mì này vì ba lý do: trong hàng hoá có lẫn gỉ sắt từ tàu, hàng có chứa phostoxin (một loại thuốc trừ sâu được sử dụng tại nước xuất xứ của hàng hoá), hàng có lẫn các hạt cỏ độc (cỏ kiềm) với số lượng vượt quá mức cho phép.
Sau đó tàu bị bắt giữ theo yêu cầu của người nhận hàng, bên cầm vận đơn. Chủ tàu không thể xin huỷ lệnh bắt giữ này vì không có khả năng cung cấp bảo lãnh có trị giá tương đương với trị giá của hàng hoá.
17 tháng sau tàu mới được thả theo quyết định của Toà án cảng theo đó tàu không phải chịu trách nhiệm về tình trạng của số hàng hoá này. Người nhận hàng đã kháng cáo quyết định này lên Toà phúc thẩm.
Tàu vẫn bị cấm không được rời khỏi cảng vì lý do số lúa mì còn lại trên tàu thuộc về người nhận hàng. Mười tháng sau chủ tàu và người nhận hàng đạt được một thoả thuận theo đó chủ tàu mua lại số lúa mì trên tàu và có quyền tự do xử lý số hàng này còn người nhận hàng vẫn bảo lưu quyền kiện chủ tàu theo thủ tục tố tụng tại Toà phúc thẩm.
Lúc này tàu phải thuê một tàu kéo khác đưa về quốc gia mà tàu mang cờ (và cũng là nơi xuất xứ của hàng hoá, một nước thuộc Liên minh Châu Âu) do không đủ khả năng đi biển vì chứng nhận xếp hạng của tàu đã hết hạn và do không có đủ thuỷ thủ đoàn.
Nguyên đơn kiện đòi tiền bồi thường do giữ tàu quá hạn (khoảng ba năm) và các chi phí khác (như phí thuê tàu kéo, nhiên liệu, phí bốc dỡ hàng,..) và tiền bồi thường cho thiệt hại thương mại của tàu (với trị giá bằng tiền bồi thường một năm giữ tàu quá hạn).
Bị đơn yêu cầu huỷ hợp đồng vận chuyển do Nguyên đơn đã không cung cấp tàu phù hợp và đã cố tình che dấu tình trạng tàu bằng cách sơn phủ lên lớp gỉ trên thành khoang tàu, Bị đơn coi đây là một vi phạm nghiêm trọng đối với hợp đồng. Bị đơn lập luận rằng nghĩa vụ dỡ hàng của mình đã chấm dứt do có sự kiện bất khả kháng là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và do tàu không ở trong tư thế sẵn sàng (vì bị bắt giữ).
Phán quyết của trọng tài:
Uỷ ban trọng tài cho rằng gỉ sắt trên tàu là hiển nhiên đối với một con tàu 22 tuổi và yêu cầu huỷ hợp đồng vận chuyển do tàu không có khả năng đi biển của Bị đơn là không có căn cứ vì lẽ ra Bị đơn phải từ chối tàu trước khi xếp hàng, sau khi đã yêu cầu bên thứ ba giám định tàu. Ngoài ra các chứng cứ cũng cho thấy bên giám định đã không cẩn trọng khi kiểm tra tàu.
Uỷ ban trọng tài cũng bác lập luận của Bị đơn cho rằng Nguyên đơn đã gian lận khi cho sơn phủ lớp gỉ sắt trên thành khoang tàu, bởi một việc làm như vậy không thể đánh lừa các chuyên gia được. Tuy nhiên, Uỷ ban trọng tài cũng tuyên bố việc Bị đơn không từ chối tàu không phải là lỗi hợp đồng và không hề làm giảm nghĩa vụ cơ bản của Nguyên đơn là cung cấp một con tàu đáp ứng các điều kiện đủ khả năng đi biển.
Uỷ ban trọng tài lưu ý rằng trong vụ việc này, các bên không yêu cầu Uỷ ban trọng tài xác định các thiệt hại đối với hàng hoá do tàu gây ra (bởi đây là đối tượng giải quyết của một tố tụng tư pháp do người nhận hàng khởi kiện ra trước toà án có thẩm quyền) và các khiếm khuyết nội tì của hàng hoá (là đối tượng của hợp đồng mua bán với các điều khoản trọng tài tại Phòng Trọng tài Hàng hải Paris).
Tuy nhiên, Uỷ ban trọng tài cho rằng quyết định không cho phép dỡ hàng của cơ quan chức trách không được coi là một sự kiện bất khả kháng mà nó xuất phát từ hai lý do, một thuộc lỗi của tàu và một thuộc về bản thân hàng hoá. Nguyên đơn đáng lẽ phải bảo đảm tàu không làm hư hại hàng hoá và người thuê tàu đáng lẽ phải bảo đảm hàng hóa không chứa các thành phần độc hại.
Từ lập luận này, Uỷ ban trọng tài quyết định mỗi bên phải chịu trách nhiệm một nửa đối với các hậu quả của việc không được dỡ hàng.
Uỷ ban trọng tài quyết định Bị đơn phải bồi thường cho thời gian dỡ hàng quá hạn đến thời điểm có quyết định cấm dỡ hàng của nhà chức trách theo mức qui định tại hợp đồng.
Uỷ ban trọng tài nhắc lại rằng tiền bồi thường cho thời gian dỡ hàng quá hạn được coi như “phần cước bổ sung”, được so sánh như một hợp đồng cho thuê khi đối tượng cho thuê không thuộc quyền sử dụng của người cho thuê. Vì vậy Bị đơn phải bồi thường cho thời gian tàu bị bắt giữ với mức bồi thường thấp bằng một nửa mức thông thường cho khoảng thời gian kể từ khi có quyết định cấm dỡ hàng đến khi tàu mua lại số hàng hoá đó từ người nhận hàng (hành động mua này làm chấm dứt việc thực hiện hợp đồng vận chuyển và tất cả các nghĩa vụ của Bị đơn liên quan đến hàng hoá). Khoảng thời gian này được tính là 890 ngày.
Ngoài ra, mặc dù không chấp nhận lập luận của Bị đơn cho rằng một con tàu bị bắt giữ thì không còn thuộc quyền sử dụng của người thuê tàu, Uỷ ban trọng tài cho rằng khoảng thời gian bắt giữ quá dài trong trường hợp này (hơn 500 ngày) là kết quả của việc chủ tàu không có đủ khả năng tài chính để bảo lãnh cho hàng hoá mà về nguyên tắc khi nhận hàng tàu phải chịu trách nhiệm đối với số hàng đó.
Uỷ ban trọng tài kết luận rằng khoảng thời gian tạm giữ này có nguyên nhân trực tiếp một phần từ lỗi của Nguyên đơn, vì vậy khoản tiền bồi thường cho thời gian giữ tàu quá hạn phải giảm tương ứng như giải quyết ở trên.
Uỷ ban trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn về chi phí khác với lý do tiền bồi thường cho thời gian gia hạn dỡ hàng và tiền bồi thường do giữ tàu quá lâu đã bao gồm các chi phí phụ này.
PHÁN QUYẾT SỐ 34
TRANH CHẤP VỀ VIỆC HUỶ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
DO KHÔNG XẾP HÀNG
Các bên:
Nguyên đơn : Chủ tàu Việt Nam
Bị đơn : Người thuê tàu Hồng Kông
Các vấn đề được đề cập:
-
Bốc hàng chậm hay không thực hiện nghĩa vụ bốc hàng
-
Huỷ hợp đồng
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn ký kết với Bị đơn một hợp đồng chở 5.200 tấn gỗ tròn từ Rangoon, Burma đến Huangpu, Trung Quốc. Bị đơn cam kết trả khoán 140.000 USD cước vận chuyển cho ngân hàng do Nguyên đơn chỉ định trong vòng ba ngày làm việc kể từ khi hoàn thành việc xếp hàng lên tàu và ký vào vận đơn. Tàu phải đến cảng bốc hàng và phải ở tình trạng sẵn sàng để xếp hàng vào khoảng thời gian giữa ngày 5 tháng 2 và ngày 15 tháng 2 năm 1992.
Nguyên đơn đưa tàu đến Rangoon thứ sáu ngày 12 tháng 2 năm 1992 và gửi Thông báo sẵn sàng bốc hàng vào hồi 17h10 cùng ngày. Như vậy theo các qui định về thời gian bốc hàng trong hợp đồng thì thời gian bốc hàng sẽ bắt đầu tính từ 13h00 ngày thứ bảy.
Nhưng Nguyên đơn không hề nhận được tín hiệu gì về việc giao hàng từ phía Bị đơn. Nguyên đơn đã liên tục liên hệ với Bị đơn thông qua người môi giới thuê tàu để xác định xem hàng hoá đã sẵn sàng chưa và vì Bị đơn không trả lời nên Nguyên đơn đã phải xác minh điều này qua cảng Rangoon thông qua đại lý của mình. Sau khi xác minh Nguyên đơn biết được rằng Bị đơn không thể bốc số hàng ghi trong hợp đồng vận chuyển và Bị đơn đang gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ thủ tục theo các qui chế về xuất khẩu gỗ.
Trước sự im lặng của Bị đơn, Nguyên đơn đã đợi cho đến hết thời hạn bốc hàng và ngày 27 tháng 2 năm 1992 Nguyên đơn đã gửi một telex cho Bị đơn thông báo rằng nếu Nguyên đơn không nhận được trả lời của Bị đơn xác nhận sẽ bốc hàng lên tàu trong ngày hôm đó thì Nguyên đơn sẽ coi là Bị đơn không thể bốc hàng, từ chối hợp đồng giữa hai bên và do đó vi phạm hợp đồng và Nguyên đơn sẽ điều tàu đi nơi khác. Bị đơn vẫn không trả lời và ngày hôm sau Nguyên đơn gửi một telex khẳng định Nguyên đơn coi hành vi của Bị đơn là vi phạm hợp đồng và tuyên bố Nguyên đơn có quyền tự do điều tàu đi nơi khác. Thực tế ngày 12 tháng 3 năm 1992 Nguyên đơn đã ký một hợp đồng chở phân urê từ Lhokseumawe, Indonesia đến Tp Hồ Chí Minh.
Nguyên đơn đòi 72.354 USD tiền bồi thường gồm 140.000 USD cước khống trừ đi các chi phí phải chi khi hưởng khoản cước đó cùng với tiền bồi thường do giữ tàu quá hạn là 7.000 USD tại cảng bốc hàng Rangoon tính đến ngày chấm dứt hợp đồng.
Bị đơn phủ nhận việc mình đã vi phạm hợp đồng và lập luận rằng trên thực tế chính Nguyên đơn mới là người phá vỡ hợp đồng bằng việc điều tàu đi nơi khác trong khi Bị đơn chưa bao giờ tuyên bố sẽ không thực hiện hợp đồng. Bị đơn kiện lại đòi bồi thường thiệt hại bao gồm tiền cước thực tế đã phải chi trả để vận chuyển số hàng ghi trong hợp đồng đến miền nam Trung Quốc vào khoảng giữa các tháng 4 và tháng 10 năm 1992.
Phán quyết của trọng tài:
Uỷ ban trọng tài đã so sánh vụ việc này với vụ việc gây xôn xao dư luận có tên “Jupiter” vào những năm 60 trong đó nhà khai thác dầu có tên “Jupiter” đã ký hợp đồng thuê rất nhiều tàu chở dầu nhưng lại không phát lệnh bốc hàng ngoại trừ đối với các tàu đậu bên ngoài các cảng dầu trong Vịnh Persic. Các chủ tàu đã phải chọn lựa hoặc đưa tàu đi nơi khác và chịu mọi rủi ro hoặc là chờ đợi không biết đến bao giờ. Cuối cùng người ta đã không bao giờ còn thấy Jupiter xuất hiện nữa và những chủ tàu đã phải chịu thiệt hại do sự cẩn trọng quá mức của mình.
Uỷ ban trọng tài cho rằng trên thực tế Nguyên đơn không có quyền hiểu sự im lặng của Bị đơn là sự từ chối thực hiện hợp đồng và do đó các thông báo do Nguyên đơn gửi ngày 28 và 29 tháng 2 là không có hiệu lực. Tuy nhiên Uỷ ban trọng tài cũng cho rằng cho đến ngày 29 tháng 2, khi Nguyên đơn coi hợp đồng vận chuyển là đã chấm dứt, Bị đơn hoàn toàn không còn khả năng kiếm hàng hoá và bốc hàng lên tàu trước khi việc trì hoãn của Bị đơn phá vỡ quan hệ hợp đồng vận chuyển.
Trên cơ sở các chứng cứ trình ra trước Uỷ ban trọng tài, Bị đơn không thể chứng minh khả năng thực hiện hợp đồng, tức là bốc hàng lên tàu trước khi việc trì hoãn trở thành một vi phạm nghiêm trọng đối với hợp đồng, cụ thể đến tận tháng 10 năm 1992 Bị đơn vẫn còn tiếp tục bốc hàng lên các tàu và Bị đơn đã không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh lập luận rằng trước đó họ đã cố gắng kiếm tàu để bốc hàng. Hơn nữa Bị đơn cũng không chứng minh được rằng mình đã có đầy đủ các tài liệu và giấy phép xuất khẩu theo luật Burma tại thời điểm bốc hàng theo hợp đồng vận chuyển với Nguyên đơn để có thể bốc hàng lên tàu. Do đó, Uỷ ban trọng tài chấp thuận yêu cầu của Nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại và tiền phạt do giữ tàu quá lâu trước khi hợp đồng vận chuyển bị chấm dứt.
Bình luận và lưu ý:
Trong những trường hợp tương tự chủ tàu cần phải tuyên bố ràng buộc người thuê rằng mọi sự im lặng của người thuê có giá trị tương tự như là một sự xác nhận rằng người thuê đã không có hàng và đã vi phạm hợp đồng, chỉ trong trường hợp đó chủ tàu mới có quyền điều tàu đi chở lô hàng khác và đòi thiệt hại thực tế phát sinh (chênh lệch giữa cước thực thu và cước lẽ ra phải thu).
PHÁN QUYẾT SỐ 35
TRANH CHẤP VỀ NGHĨA VỤ VẬN CHUYỂN
TRONG HỢP ĐỒNG C&F
Các bên:
Nguyên đơn : Một công ty Bỉ
Bị đơn : Một công ty Bỉ là thành viên
của một tập đoàn Nhật Bản
Các vấn đề được đề cập:
-
Bán C&F: Thời điểm chuyển giao rủi ro, Lỗi của người vận chuyển
-
Thiệt hại: Đánh giá thiệt hại, Nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại
-
Thời điểm bắt đầu tính lãi
-
Đồng tiền trong tài khoản và Đồng tiền thanh toán
-
Bán hàng để xuất khẩu
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn ký kết một hợp đồng mua của Bị đơn 500 tấn thép theo các điều kiện C&F Karachi. Hợp đồng quy định bốc hàng lên tàu khởi hành từ “bất kỳ cảng nào của Châu Âu” và theo “bất kỳ đường biển nào” theo lựa chọn của Bị đơn, người bán. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi hợp đồng được ký kết, Nguyên đơn gửi cho Bị đơn yêu cầu của người mua lại Pakistan theo đó “hàng phải được chở bằng tàu theo tuyến thông thường” đến thẳng Karachi. Bị đơn đã chuyển các yêu cầu mới này đến người trung gian vận chuyển của mình và nêu rõ “tuyến đường yêu cầu: tàu chở hàng theo tuyến thông thường, đi trực tiếp đến Karachi”.
Không may là chiếc tàu được người trung gian vận chuyển của Bị đơn thuê đã không tới được Karachi. Chuyến tàu này xuất phát từ Anvers với số thép bán cho Nguyên đơn, dừng lại ở Rotterdam vài ngày rồi đến Dunkerque để dỡ khoảng 12.000 tấn đường chở trên tàu. Tuy nhiên, tàu này đã không thể rời cảng Dunkerque vì bị các chủ nợ của chủ tàu tịch thu để bán đấu giá sau khi tất cả hàng hoá trên tàu bao gồm cả số hàng bán cho Nguyên đơn đã được dỡ xuống và lưu kho theo quyết định của Chánh án Toà Thương mại Dunkerque.
Do không nhận được số thép nói trên nên người mua Pakistan của Nguyên đơn đã quyết định huỷ hợp đồng với Nguyên đơn. Nguyên đơn thông báo với Bị đơn rằng Bị đơn phải chịu trách nhiệm cho mọi thiệt hại vì tàu đã không đi tuyến trực tiếp từ Anves đến Karachi và nói rõ rằng để giảm thiểu thiệt hại Nguyên đơn sẽ cố gắng thu xếp với người mua Pakistan. Việc dàn xếp này đã kết thúc bằng việc Nguyên đơn bồi thường cho người mua Pakistan. Và cũng để giảm thiệt hại, Nguyên đơn đã bán lại lô hàng nói trên với sự chấp thuận của Bị đơn, Bị đơn cũng tự nguyện mua lại 3/5 số hàng này.
Nguyên đơn yêu cầu Uỷ ban trọng tài buộc Bị đơn bồi thường toàn bộ thiệt hại mà Nguyên đơn đã phải gánh chịu, bao gồm:
-
Khoản chênh lệnh giữa giá của hợp đồng với giá mà Nguyên đơn thu được sau khi phải bán lại lô hàng tại Dunkerque,
-
Khoản tiền đã bồi thường cho người mua Pakistan,
-
Các chi phí đã chi tại Dunkerque,
-
Các chi phí vận chuyển hàng cho những người mua mới,
-
Các chi phí đi lại đến Karachi.
Nguyên đơn cũng yêu cầu rằng những thiệt hại tính bằng Đô-la và Frăng Pháp phải được qui đổi sang Frăng Bỉ theo tỷ giá qui đổi hiện hành vào thời điểm thanh toán hoặc vào ngày Nguyên đơn phải thực hiện các chi phí đó do hợp đồng không được thực hiện.
Bị đơn đã bác bỏ yêu cầu của Nguyên đơn và lập luận rằng trong các hợp đồng mua bán C&F mọi rủi ro xảy ra sau khi bốc hàng lên tàu thuộc trách nhiệm của người mua và hợp đồng giữa Nguyên đơn và Bị đơn không qui định Bị đơn phải thuê một chuyến tàu đi thẳng đến Karachi. Hơn nữa, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn chỉ có quyền đòi các thiệt hại là khoản chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá bán cho người mua Pakistan. Bị đơn cũng cho rằng việc qui đổi các khoản tiền tính bằng Đô-la và Frăng Pháp chỉ phải thực hiện vào thời điểm thi hành phán quyết.
Phán quyết của trọng tài:
1. Về việc xác định Bị đơn có lỗi hay không theo các thông lệ điều chỉnh hợp đồng mua bán theo C&F:
Các bên đã thừa nhận rằng khi mua bán theo C&F nghĩa vụ của người bán cũng giống như các nghĩa vụ của người bán trong hợp đồng mua bán CIF và chỉ khác một điểm là người bán không có nghĩa vụ bảo hiểm cho hàng hoá.
Cụ thể hơn, người bán C&F có nghĩa vụ vận chuyển hoặc nhờ một chủ thể khác vận chuyển hàng hoá theo các điều kiện vận chuyển đã thoả thuận giữa người bán và người mua với chi phí do người bán chịu, tuy nhiên mọi rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hải lại thuộc về trách nhiệm của người mua tính từ khi xếp hàng lên tàu.
Các học thuyết cũng như án lệ đều thừa nhận rằng khi các bên không đưa vào hợp đồng những quy định cụ thể liên quan đến điều kiện vận chuyển thì người bán có nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá theo các điều kiện theo thông lệ tại cảng xếp hàng trên tàu có chất lượng phù hợp với tính chất của hàng hoá đó.
Pháp luật cũng cho phép các bên thoả thuận về các yêu cầu cụ thể khác liên quan đến cách thức và điều kiện vận chuyển mà người bán có nghĩa vụ tuân thủ.
Theo Nguyên đơn thì hai bên đã thoả thuận thông qua các sửa đổi đối với hợp đồng rằng bên bán phải thuê tàu theo chuyến thông thường đi thẳng tới Karachi. Bên bán đã không thực hiện nghĩa vụ này, gây ra việc dỡ hàng và các thiệt hại liên quan.
Bị đơn lại lập luận ngược lại rằng Bị đơn đã thực hiện chính xác các nghĩa vụ của người bán trong hợp đồng C&F và không hề vi phạm hợp đồng. Thứ nhất, hợp đồng chưa hề được sửa đổi bởi một thoả thuận chung nào và những hướng dẫn mà Nguyên đơn đưa ra sau đó về việc tàu phải đi theo tuyến thông thường và đến thẳng Karachi chỉ là một mong muốn mà Bị đơn sẽ cố gắng thực hiện nhưng việc không thực hiện được mong muốn này thì cũng không thể coi đó là một sự vi phạm hợp đồng. Thứ hai, ngay cả khi đây là một nghĩa vụ bắt buộc thì Bị đơn cũng đã hoàn thành nghĩa vụ này thông qua việc chuyển cho đại lý vận chuyển uỷ thác của mình những hướng dẫn của Nguyên đơn và đã yêu cầu phải ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với tàu chuyến thông thường đi thẳng tới Karachi.
Cuối cùng Bị đơn lập luận rằng thông qua việc chấp nhận không bảo lưu các giấy tờ và nhất là sự công nhận của mình, Nguyên đơn đã chấp nhận việc thực hiện các nghĩa vụ của bên bán theo các nguyên tắc của mua bán C&F, những rủi ro xảy ra sau khi xếp hàng, mà đặc biệt là việc người vận chuyển không thực hiện nghĩa vụ mà anh ta phải tuân thủ thuộc về trách nhiệm của bên mua.
Như vậy điều quan trọng là phải xác định xem Bị đơn trên thực tế đã chấp nhận thực sự các sửa đổi đối với hợp đồng ban đầu hay chưa.
Từ các yếu tố có trong hồ sơ và đặc biệt là các thuật ngữ mà Nguyên đơn đã sử dụng “hàng hoá phải được xếp” trong telex ngày .... cũng như các thuật ngữ mà Bị đơn sử dụng trong telex gửi người trung gian vận chuyển: “tuyến đường yêu cầu”, cũng như yêu cầu giải thích mà người trung gian vận chuyển gửi cho Bị đơn ngày... rằng “tàu không thực hiện hành trình thẳng Anvers/Karachi như đã thoả thuận”, có thể kết luận rằng bên bán và bên mua đã thoả thuận với nhau sửa đổi hợp đồng ban đầu và qui định thêm hai điều kiện đối với việc vận chuyển hàng hoá, việc này đã được bên bán chấp thuận nên bên bán có trách nhiệm thực hiện.
Các kết quả của chuyên gia cũng như các tài liệu trong hồ sơ đã chứng minh một cách rõ ràng là tàu không phải là tàu theo tuyến thông thường. Hơn nữa sau khi rời Anvers tàu đã dừng lại ở Rotterdam và Dunkerque...
Về vấn đề này, không một yếu tố tâm lý nào có thể khẳng định rằng trong suy nghĩ của người vận chuyển, hướng dẫn “đi thẳng tới Karachi” đơn giản chỉ có nghĩa là hàng hoá không được bốc sang tàu khác trước khi tàu đến Karachi. Đây cũng không thể là cách hiểu của các bên vì trong trường hợp cụ thể này các bên cũng đã có một quy định “cấm chuyển hàng qua tàu khác” trong hợp đồng.
Trên thực tế người vận chuyển mà Bị đơn đã ký hợp đồng vận chuyển thông qua người trung gian vận chuyển của mình không khai thác tuyến thông thường và cũng không đi thẳng tới Karachi như anh ta đã thoả thuận.
Vấn đề thứ hai cần xác định ở đây là người bán C&F có phải chịu trách nhiệm về việc này trước người mua hay không.
Đúng là trong hợp đồng mua bán C&F rủi ro được chuyển cho người mua kể từ khi hàng hoá được xếp lên tàu và kể từ thời điểm đó người mua phải chịu những hậu quả thiệt hại do lỗi của người vận chuyển khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hoá đúng như lập luận của Bị đơn. Tuy nhiên việc này sẽ khác nếu thiệt hại là hậu quả từ lỗi vi phạm hợp đồng của bên bán, đặc biệt là khi bên bán đã không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng và cần mẫn thích đáng đối với bên mua khi ký kết hợp đồng vận chuyển. Bị đơn không thể từ chối trách nhiệm bằng cách lập luận rằng mình đã liên hệ với một nhà trung gian chuyên nghiệp có uy tín.
Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng người bán C&F, Bị đơn, phải chịu trách nhiệm không chỉ cho chính hành vi của mình mà còn phải chịu trách nhiệm cho hành vi của người trung gian vận chuyển mà Bị đơn đã uỷ quyền ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá.
Từ các hoàn cảnh thực tế có thể thấy Bị đơn đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết.
Về phần người trung gian vận chuyển, Uỷ ban trọng tài không có bất kỳ thông tin gì về các bước mà chủ thể này đã thực hiện để ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá với tàu theo tuyến thông thường đi thẳng tới Karachi và cũng không có chi tiết nào thể hiện là khi ký kết hợp đồng với người vận chuyển, người trung gian vận chuyển đã đưa vào hợp đồng yêu cầu tàu theo tuyến thông thường và đi thẳng tới Karachi và rằng người trung gian vận chuyển đã giám sát việc thực hiện các điều kiện này, trong khi đó người bán C&F có nghĩa vụ, và do đó người trung gian vận chuyển cũng có nghĩa vụ, thực hiện các bảo đảm cần thiết để hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết.
Uỷ ban trọng tài cũng bác lập luận của Bị đơn liên quan việc Nguyên đơn chấp nhận các tài liệu mà không có bất kỳ bảo lưu nào. Rõ ràng là Nguyên đơn chỉ chấp thuận những gì được ghi trong các tài liệu đó, nhưng trái với thực tế, trong các tài liệu này lại ghi đây là tàu theo tuyến thông thường và đi thẳng tới Karachi.
Từ các phân tích trên đây, Uỷ ban trọng tài kết luận rằng Bị đơn phải bồi thường các thiệt hại mà Nguyên đơn đã phải chịu do hành trình bị gián đoạn và hàng hoá không được vận chuyển đến Karachi.
2. Tính toán thiệt hại:
Theo Bị đơn thì khoản thiệt hại mà Nguyên đơn có thể được bồi thường chỉ hạn chế ở khoản chênh lệch giữa giá mà Nguyên đơn đã trả cho Bị đơn (457.000USD) và giá mà Nguyên đơn đã bán lại hàng hoá cho người mua Pakistan (461.866,02USD) tức là 4.866,02USD, những phần thiệt hại khác mà Nguyên đơn yêu cầu xuất phát từ một nguyên nhân khác với nguyên nhân được viện dẫn.
Lập luận này của Bị đơn là không thể chấp nhận được.
Do không tôn trọng các qui định của hợp đồng và có lỗi trong việc hàng hoá phải chịu những rủi ro mà bên mua đã cố tránh, áp dụng các Điều 1150 và 1151 Bộ luật Dân sự, bên bán phải chịu toàn bộ các thiệt hại có thể lường trước là hậu quả trực tiếp và ngay tức thì của việc không thực hiện hợp đồng.
Trong các hoàn cảnh cụ thể của trường hợp này, có tính đến các yêu cầu của bên mua về tuyến đường trực tiếp của hàng hoá, những thiệt hại có thể lường trước là hậu quả trực tiếp và ngay tức thì của việc không thực hiện hợp đồng không chỉ bao gồm thiệt hại lợi nhuận bị mất do không chuyển được hàng hoá đến người mua Pakistan, mà còn bao gồm cả các thiệt hại từ việc Nguyên đơn phải bồi thường cho các chi phí mà người mua Pakistan đã phải bỏ ra vô ích và từ việc hàng hóa đã buộc phải bốc dỡ tại Dunkerque cũng như những giảm giá mà Nguyên đơn đã phải thực hiện ra khi bán lại lô hàng với sự chấp thuận của Bị đơn để tránh tăng thiệt hại.
Nguyên đơn đòi trước tiên là khoản chênh lệch giữa giá mà đáng lẽ Nguyên đơn bán cho khách hàng Pakistan và giá thực tế bán lại tại Dunkerque cộng với các giảm giá. Yêu cầu này là chính đáng vì các lý do đã trình bày trên.
Tuy nhiên từ các tài liệu trong hồ sơ cho thấy giá mà Nguyên đơn bán cho người mua Pakistan không đến 461.866,02 USD mà là 459.015,67 USD vì Nguyên đơn đã chấp nhận giảm giá 2.850,35 USD.
Giá bán tại Dunkerque là 340.867,03 USD. Vì vậy khoản thiệt hại trong phần này là 118.148,64 USD.
Về thiệt hại mà Nguyên đơn phải bồi thường cho người mua Pakistan sau khi đã thoả thuận hoà hữu, thiệt hại này bao gồm tiền lãi trên số tiền mở thư tín dụng để trả tiền hàng tính trong khoảng thời gian từ ngày 4 tháng 7 năm 1985 đến ngày 1 tháng 10 năm 1985, tức là 23.892,19 USD và các chi phí mà người mua Pakistan đã phải bỏ ra để hoàn thiện các giấy tờ tín dụng, phí xin cấp phép nhập khẩu, phí bảo hiểm và tiền lãi trên tổng số phí nói trên, tức là 21.225,54 USD.
Tổng số thiệt hại là 45.117,73 USD là hoàn toàn chính đáng.
Nguyên đơn cũng có lý khi yêu cầu hoàn trả các chi phí mà Nguyên đơn đã phải thực hiện để cử một đại diện đến Karachi để dàn xếp các yêu sách của người mua Pakistan, tức là 93.378 Frăng Bỉ.
Các chi phí ở Dunkerque cũng hoàn toàn chính đáng, bao gồm các chi phí trả cho cơ quan tạm giữ hàng hoá đã thực hiện việc dỡ hàng và bán đấu giá và các chi phí khác liên quan với tổng số là 122.340,16 Frăng Pháp, cũng như các chi phí chuyển hàng hoá cho những người mua mới là 50.414,17 Frăng Pháp và 186.668 Frăng Bỉ.
Về ngày qui đổi các thiệt hại tính bằng đồng Frăng Pháp và Đô-la sang đồng Frăng Bỉ, Uỷ ban trọng tài cũng giải quyết tương tự như trên.
Tính chất của việc bồi thường thiệt hại cho việc không thực hiện hợp đồng là Nguyên đơn phải được đưa về tình trạng mà Nguyên đơn đáng lẽ sẽ ở trong tình trạng đó nếu Bị đơn thực hiện đúng các nghĩa vụ mà mình đã cam kết.
Để đạt được mục tiêu này không thể qui đổi sang đồng Frăng Bỉ các ngoại tệ theo tỷ lệ qui đổi vào ngày ký kết hợp đồng và cũng không phải là vào ngày Bị đơn thanh toán cho Nguyên đơn các khoản bồi thường thiệt hại. Ngược lại cần qui đổi theo tỷ lệ qui đổi áp dụng vào ngày mà Nguyên đơn, công ty Bỉ, chịu các thiệt hại mà Bị đơn phải bồi thường.
Những khoản tiền lãi trên số tiền bồi thường thiệt hại mà Nguyên đơn được hưởng sẽ do Bị đơn chịu tính từ ngày 21 tháng 10 năm 1985, ngày mà Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường, trừ các chi phí mà Nguyên đơn thực hiện sau ngày này - tiền lãi trên các chi phí này chỉ được tính bắt đầu từ ngày chi thực tế.
Ý kiến bảo lưu
Mặc dù các kết luận trong phán quyết về lỗi của người bán trong hợp đồng vận chuyển là không thể tranh cãi, phân tích trong phán quyết về mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng mua bán C&F vẫn còn vài điểm không chính xác. Như các trọng tài viên đã nhấn mạnh, đối với việc ký kết hợp đồng vận chuyển thì các nghĩa vụ của người bán C&F cũng giống như các nghĩa vụ của người bán CIF. Tuy nhiên, sẽ là không chính xác khi khẳng định rằng “người bán C&F có nghĩa vụ vận chuyển hoặc nhờ một chủ thể khác vận chuyển hàng hoá theo các điều kiện vận chuyển đã thoả thuận giữa người bán và người mua với chi phí do người bán chịu, tuy nhiên mọi rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hải lại thuộc về trách nhiệm của người mua tính từ khi xếp hàng lên tàu”.
Đúng là trong các hợp đồng mua bán C&F và CIF, người mua phải chịu trách nhiệm đối với mọi rủi ro kể từ thời điểm xếp hàng lên tàu, nhưng người bán cũng không có nghĩa vụ nhờ một chủ thể khác vận chuyển và càng không có nghĩa vụ tự mình vận chuyển. Thực tế thì nghĩa vụ của người bán trong trường hợp này chỉ giới hạn trong việc ký một hợp đồng vận chuyển hàng hoá với chi phí vận chuyển do người bán chịu, với những điều kiện thông thường, theo tuyến đường thông thường bằng một tàu đi biển dạng thường được sử dụng để chuyên chở loại hàng hoá là đối tượng của hợp đồng. Điều A(2) INCOTERMS qui định rất rõ về việc này. Điều 39 Luật Pháp ngày 3 tháng 1 năm 1969 cũng phản ánh tương tự như vậy các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này: “trong hợp đồng mua bán CIF, người bán có nghĩa vụ ký hợp đồng vận chuyển và xếp hàng hoá lên tàu cũng như bảo đảm hàng hoá chống lại những rủi ro trong quá trình vận chuyển”.
Như vậy người bán coi như đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình liên quan đến việc vận chuyển kể từ thời điểm các điều kiện của hợp đồng vận chuyển mà người này ký kết không gặp sự phản kháng gì từ phía người mua cũng như không trái với các thông lệ quốc tế cũng như những qui định cá biệt trong hợp đồng mua bán. Ngược lại, nếu người bán ký hợp đồng vận chuyển với những điều kiện bất bình thường, mà việc thực hiện hợp đồng đó dẫn tới thiệt hại cho người mua thì phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đó.
Thực tế, việc vận chuyển bản thân nó không phải là nghĩa vụ của người bán và người vận chuyển không phải là “nhân viên” của người bán, trái với ý nêu trong phán quyết khi phán quyết cho rằng “người bán có nghĩa vụ vận chuyển hoặc nhờ người khác vận chuyển”.
Tuy nhiên Uỷ ban trọng tài không hẳn đã nhầm khi khẳng định rằng “các hậu quả của việc người vận chuyển thực hiện không đúng hợp đồng vận chuyển hàng hoá... thuộc về trách nhiệm của người mua”. Kết luận này cũng đúng cả trong trường hợp người vận chuyển thực hiện một nghĩa vụ của người mua vì lợi ích của người mua.
Về các yêu cầu của người mua liên quan đến việc vận chuyển, có thể khẳng định rằng các yêu cầu này là hoàn toàn hợp lý. Trên thực tế, đúng là trong các hợp đồng mua bán C&F và CIF, người mua chỉ là một bên thứ ba của hợp đồng vận chuyển, nhưng người mua cũng không hoàn toàn thờ ơ với các điều kiện của hợp đồng vận chuyển vì người mua là người phải chịu các hậu quả trực tiếp của việc thực hiện hợp đồng vận chuyển và các rủi ro gắn liền với việc vận chuyển đó. Đây là lý do tại sao trong các hợp đồng mua bán C&F và CIF thường qui định rất cụ thể các điều kiện vận chuyển: tuyến thông thường hay không, trách nhiệm của người vận chuyển đến đâu, phương thức vận chuyển và dỡ hàng, tốc độ của tàu, khả năng đi biển v..v
Trong trường hợp này, rõ ràng là người bán đã có lỗi khi ký một hợp đồng vận chuyển không tuân thủ thoả thuận giữa hai bên. Tuy nhiên lỗi này không phải là nguyên nhân gây ra toàn bộ thiệt hại mà người mua yêu cầu được bồi thường. Có thể thấy là phán quyết của các trọng tài viên đã không chấp nhận quan điểm này. Theo lập luận của các trọng tài viên thì nếu lỗi của người bán là nguyên nhân gây ra thiệt hại thì nó chính là nguyên nhân duy nhất bởi, như Uỷ ban trọng tài đã nhấn mạnh, đây là một thiệt hại có thể dự đoán được và có tính trực tiếp.
Nhưng liệu có dám chắc là thiệt hại sẽ không xảy ra trong trường hợp công ty vận tải khai thác tuyến đi thẳng Anvers/Karachi hay không. Liệu tàu có thể bị bắt giữ khi tàu ghé cảng vì lý do kỹ thuật không? Đây là câu hỏi mà chỉ các trọng tài viên mới có quyền quyết định. Lý thuyết về rủi ro, được thể hiện trong các thông lệ mua bán quốc tế và nhất là trong INCOTERMS, cũng dẫn đến các kết luận tương tự. Kể từ thời điểm người bán C&F hay CIF không xếp hàng lên một con tàu đáp ứng các điều kiện yêu cầu trong hợp đồng mua bán thì rủi ro chưa được chuyển cho người mua.
Về tiền lãi trên số tiền bồi thường thiệt hại:
Người ta có thể ngạc nhiên tại sao Uỷ ban trọng tài có thể quyết định cho người mua được hưởng tiền lãi trên số tiền bồi thường dễ dàng đến thế. Thực tế, đã thành nguyên tắc, trái với tiền lãi do quá hạn, tiền lãi trên số tiền bồi thường thiệt hại chỉ được tính nếu người có nghĩa vụ đã cố tình trì hoãn việc thanh toán một cách thiếu thiện chí gây ra một thiệt hại riêng rẽ do trì hoãn (Điều 1153 Bộ luật Dân sự). Thế nhưng ở đây rõ ràng là các trọng tài viên đã không quan tâm nhiều lắm đến “sự thiếu thiện chí” của người bán. Trong phán quyết này, mối quan ngại hàng đầu của các trọng tài viên là làm sao bồi thường đầy đủ cho nạn nhân của một lỗi hợp đồng và được xem xét trực tiếp trên các tình tiết có yếu tố kinh tế. Đây thực ra cũng là một cách tiếp cận hay trong việc xác định thiệt hại. Tuy nhiên, nếu như các trọng tài viên có cách tiếp cận như vậy thì tại sao không quyết định là tiền lãi trên số tiền phải bồi thường phải được tính ngay từ ngày bắt đầu tồn tại khoản thiệt hại phải bồi thường. Cũng theo nguyên tắc này thì không thể tính số tiền lãi trên số tiền bồi thường thiệt hại bắt đầu ngày ra phán quyết, mà lãi phải bắt đầu tính từ khi phải chịu thiệt hại.
PHÁN QUYẾT SỐ 36
TRANH CHẤP TRONG VỤ TÀU CHỞ GẠO
Các bên:
Nguyên đơn : Công ty thuê tàu Việt Nam
Bị đơn : Công ty vận tải Singapore
Các vấn đề được đề cập:
-
Không giao hàng/làm mất hàng
-
Điều khoản miễn trách
-
Quyền khởi kiện trong tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hoá bán theo điều kiện C&F
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 27 tháng 11 năm 1997, Nguyên đơn (một công ty Việt Nam) ký một hợp đồng mua bán với công ty Angiêri (Người mua) theo đó Nguyên đơn bán cho Người mua 10.000 MT gạo trắng hạt dài
±
5% theo điều kiện C&F một cảng Angiêri do Người mua lựa chọn. Điều 18 quy định trị giá mỗi lần giao hàng sẽ đóng góp vào việc trả khoản nợ mà Chính phủ Việt Nam nợ Chính phủ Angiêri theo một Thoả thuận chính phủ năm 1995 giữa hai nước này. Phương thức thanh toán qui định trong hợp đồng là Nguyên đơn trình cho ngân hàng của mình (ngân hàng Việt Nam) các chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối với hàng hoá, sau đó các chứng từ này được ngân hàng Việt Nam chuyển cho ngân hàng Angiêri, nếu Người mua không có phản đối gì thì Nguyên đơn sẽ được ngân hàng Việt Nam thanh toán tiền hàng theo hợp đồng mua bán sau khi có “thoả thuận cuối cùng” giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Angiêri.
Thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán nói trên, ngày 5 tháng 1 năm 1998 Nguyên đơn ký kết hợp đồng vận chuyển với Bị đơn (một công ty vận tải đường biển Singapore). Thực chất Bị đơn không có tàu mà phải ký một hợp đồng thuê tàu trước đó với một chủ sở hữu tàu. Theo các điều khoản của hợp đồng vận chuyển, Bị đơn phải xếp 10.000 MT gạo đóng bao tại một cầu cảng an toàn ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, để vận chuyển đến và dỡ hàng tại Oran, Angiêri.
Hợp đồng vận chuyển qui định Bị đơn chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các mất mát hoặc thiệt hại đối với hàng hoá nếu các mất mát hoặc thiệt hại này do chủ tàu hoặc người quản lý không thực hiện sự mẫn cán hợp lý để tàu đủ khả năng đi biển và bảo đảm tàu được trang bị đầy đủ, có đủ nhân lực và được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu hoặc do hành vi hoặc lỗi của chủ tàu hoặc người quản lý của chủ tàu. Bị đơn không chịu trách nhiệm đối với các mất mát hoặc thiệt hại phát sinh từ bất kỳ nguyên nhân bất kỳ nào khác kể cả do lỗi của Thuyền trưởng hoặc đoàn thuỷ thủ và một số người khác do Bị đơn (chủ tàu) thuê lên tàu hoặc trên bờ mà thông thường chủ tàu phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ hoặc do tình trạng không đủ khả năng đi biển của tàu khi bốc hàng hoặc khi bắt đầu hành trình hoặc tại bất kỳ thời điểm nào. Điều 18 Hợp đồng vận chuyển quy định “Sau khi hoàn thành việc xếp hàng tàu đi thẳng tới Angiêri với tốc độ có tính kinh tế và an toàn mà không được phép đổi hướng ...”. Điều 22 hợp đồng này quy định “100% cước vận chuyển phải được thanh toán trong vòng 5 ngày làm việc của ngân hàng trừ đi tiền hoa hồng vận chuyển kể từ khi Thuyền trưởng phát hành vận đơn ”.
Hợp đồng qui định mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển sẽ được đưa ra Trọng tài Hồng Kông giải quyết theo luật Anh.
Tàu vào cảng thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 1 năm 1998, hoàn thành việc xếp hàng và rời cảng ngày 20 tháng 1 năm 1998. Vận đơn dạng congenbill do Thuyền trưởng phát hành và ký ngày 20 tháng 1 năm 1998 xác nhận tàu đã xếp 10.024 MT gạo Việt Nam loại trắng, hạt dài. Nguyên đơn đã thanh toán đủ 360.864 USD cước vào giữa tháng 1 năm 1998 trước thời hạn qui định tại hợp đồng vận chuyển.
Thông thường với chặng đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Angiêri tàu phải đi mất khoảng từ 3 đến 4 tuần. Sau hai tháng tàu vẫn chưa đến Angiêri, Nguyên đơn đã tiến hành điều tra xem tàu đang ở đâu. Theo các thông tin mà Nguyên đơn nhận được, tàu đã không thể quá cảnh qua Kênh Suez do Bị đơn không và/hoặc không đủ khả năng trả các lệ phí qui định tại Kênh Suez do có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu giữa Bị đơn và chủ sở hữu tàu. Sau một thời gian bặt tin, ngày 16 tháng 7 năm 1998 tàu đến Gibralta, bị bắt giữ ở đây theo yêu cầu của ngân hàng nhận cầm cố của chủ tàu và bị bán với giá 1.400.000 USD. Số hàng hoá trên tàu đã bị dỡ xuống trước khi tàu đến Gibralta nhưng các chi tiết về việc dỡ và bán hàng không xác định được.
Căn cứ vào điều khoản trọng tài trong hợp đồng vận chuyển, Nguyên đơn khởi kiện đòi Bị đơn bồi thường 3.200.000 USD là trị giá số hàng theo Điều 4 Hợp đồng mua bán. Nguyên đơn đòi Bị đơn hoàn trả 288.820,80 USD là một phần tiền cước vận chuyển. Ngoài ra Nguyên đơn còn đòi Bị đơn phải chịu trách nhiệm cho mọi khiếu kiện hoặc bản án mà một bên thứ ba tiến hành chống lại Nguyên đơn phát sinh từ hoặc có liên quan đến sự mất mát/không giao hàng. Nguyên đơn cũng đòi bồi thường tiền lãi và các chi phí khác.
Phán quyết của trọng tài:
1. Về tư cách khởi kiện của Nguyên đơn:
Trên cơ sở các chứng cứ do Nguyên đơn cung cấp, Nguyên đơn là Người bán trong hợp đồng mua bán với Người mua Angiêri và là người thuê tàu trong hợp đồng vận chuyển. Việc thanh toán cho số gạo theo hợp đồng mua bán sẽ được thực hiện sau khi hàng được giao cho người mua và trị giá của lô hàng sẽ được dùng vào việc trả nợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Angiêri. Do đó, Uỷ ban trọng tài quyết định rằng Nguyên đơn vẫn là người giữ vận đơn gốc và là chủ sở hữu của số hàng hoá tại thời điểm số hàng này bị mất. Vì vậy Nguyên đơn có quyền kiện đòi thiệt hại do mất hàng hoá.
2. Về trách nhiệm đối với thiệt hại:
Các kết quả điều tra do Nguyên đơn cung cấp cho thấy số hàng hoá chưa từng được chở đến Angiêri và giao cho Người mua.
Theo Điều 13 Hợp đồng vận chuyển, Bị đơn có nghĩa vụ đưa tàu đến thành phố Hồ Chí Minh, xếp hàng theo các điều kiện ghi trong hợp đồng vận chuyển và giao số hàng đó đến Oral, Angiêri. Điều 18 Hợp đồng qui định Bị đơn có nghĩa vụ cho tàu đi thẳng tới Angiêri không chậm trễ hay đổi hướng. Mặc dù không có chi tiết chính xác về việc hàng hoá trên tàu bị mất như thế nào nhưng có thể kết luận là Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển, mà cụ thể là vi phạm Điều 13 và Điều 18 do đã không đi đến Angiêri và giao hàng tại đây.
Đồng thời, Uỷ ban trọng tài đã yêu cầu Nguyên đơn giải trình theo Điều 2 Hợp đồng vận chuyển (qui định về trách nhiệm của bên vận chuyển). Nguyên đơn đã trả lời bằng bản fax ngày 16 tháng 11 năm 1999 cho rằng Bị đơn hoàn toàn không nhắc gì đến Điều 2 Hợp đồng vận chuyển trong giải trình của mình. Bản sao của bản fax này cũng đã được chuyển đến Bị đơn. Theo Điều 2, Bị đơn có thể được miễn trách nếu chứng minh được rằng việc mất hàng hoá không xuất phát từ sự thiếu mẫn cán hợp lý để làm cho tàu có đủ khả năng đi biển và bảo đảm tàu có trang thiết bị đầy đủ, có đủ nhân lực và được cung cấp đủ nguyên nhiên liệu hoặc xuất phát từ hành vi hoặc lỗi cá nhân của Bị đơn. Uỷ ban trọng tài chấp nhận lập luận của Nguyên đơn cho rằng Điều 2 “chủ yếu là một điều khoản miễn trách, nghĩa vụ chứng minh về quyền hưởng miễn trách thuộc về Bị đơn. Để được miễn trách Bị đơn phải chứng minh là việc mất mát hoặc thiệt hại của hàng hoá không phải do lỗi thiếu mẫn cán cần thiết của Bị đơn...”. Thực tế Bị đơn đã không trình bất kỳ chứng cứ nào về hoàn cảnh mất hàng. Do đó, Uỷ ban trọng tài kết luận Bị đơn không được quyền miễn trách theo Điều 2 Hợp đồng vận chuyển và phải chịu trách nhiệm trước Nguyên đơn do không chuyển và giao hàng theo các điều khoản của Hợp đồng vận chuyển.
3.Về thiệt hại:
Nguyên đơn đã lập luận trên cơ sở Hợp đồng vận chuyển rằng:
“Biện pháp thông thường để tính thiệt hại do không giao hàng là trị giá của hàng hoá tại thời điểm và địa điểm mà đáng lẽ hàng phải được giao, trừ đi các chi phí mà đáng lẽ Nguyên đơn đã phải chi ra để có được số hàng đó tại cảng đích nhưng do hàng không được giao nên Nguyên đơn đã không phải chi. Trong trường hợp có thể bán được hàng hoá trên thị trường thì thiệt hại sẽ được tính theo giá trị thị trường không phụ thuộc vào việc Nguyên đơn đã bán hàng theo giá thị trường thông thường ... hay cao hơn giá thị trường. Giá của hàng hoá mà Nguyên đơn đã mua hoặc bán có thể coi là bằng chứng về giá thị trường...”
Về nguyên tắc, Nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh các thiệt hại mà mình đã phải chịu và do đó nghĩa vụ đưa ra chứng cứ về giá thị trường làm căn cứ cho các thiệt hại muốn được bồi thường thuộc trách nhiệm của Nguyên đơn. Tuy nhiên trong vụ việc hiện tại, giá của hàng hoá có điểm khác biệt do số hàng hoá này có liên quan đến việc trả nợ của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Angiêri. Từ Hợp đồng mua bán có thể kết luận là Nguyên đơn sẽ được Ngân hàng Việt Nam trả 320 USD cho mỗi tấn gạo được giao ở Angiêri. Vì vậy, Uỷ ban trọng tài cho rằng phương thức tính thiệt hại hợp lý nhất là phương thức nêu trong Điều 4 Hợp đồng mua bán, tức là 320 USD/MT. Số lượng hàng hoá 10.000 MT được chứng minh bằng vận đơn đường biển và do đó, Nguyên đơn được quyền hưởng 3.200.000 USD là trị giá số hàng của họ.
Uỷ ban trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi hoàn trả 288.820,80 USD tiền cước vận chuyển mà Nguyên đơn đã trả cho Bị đơn vì lý do giá nêu trong Hợp đồng mua bán đã bao gồm cả cước và bảo hiểm và do đó tiền bồi thường thiệt hại 3.200.000 USD đã bao gồm tiền cước mà Nguyên đơn phải trả.
4.Về trách nhiệm đối với khiếu kiện của một bên thứ ba:
Trong đơn kiện Nguyên đơn yêu cầu Uỷ ban trọng tài tuyên bố Bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với mọi khiếu kiện phát sinh từ hoặc có liên quan đến việc không giao hàng/mất hàng mà một bên thứ ba có thể tiến hành chống lại Nguyên đơn. Trong văn bản ngày 8/3/2000, Nguyên đơn cho rằng Nguyên đơn “có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Người mua một khoản tiền cao hơn giá hàng 3,2 triệu USD do vi phạm hợp đồng mua bán”. Tuy nhiên không một bằng chứng nào được đưa ra trước Uỷ ban trọng tài cho thấy đã từng có một khiếu kiện như vậy mặc dù đã quá hai năm kể từ khi xảy ra việc mất hàng.
Uỷ ban trọng tài thừa nhận rằng về nguyên tắc, Nguyên đơn được quyền bồi hoàn trong trường hợp có một khiếu kiện được một bên thứ ba đưa ra sau này chống lại Nguyên đơn, mặc dù việc Nguyên đơn có được Bị đơn hoàn trả lại những khoản tiền mà Nguyên đơn phải bồi thường cho bên thứ ba hay không chỉ có thể xác định khi và nếu một khiếu kiện như vậy phát sinh. Do đó, Uỷ ban trọng tài quyết định Bị đơn phải bồi hoàn cho Nguyên đơn mọi khoản tiền mà Nguyên đơn phải bồi thường cho một bên thứ ba xuất phát từ việc Bị đơn không giao hàng.
5. Về tiền lãi:
Uỷ ban trọng tài chấp nhận rằng Nguyên đơn có quyền hưởng tiền lãi trên số thiệt hại của mình. Nếu việc vận chuyển diễn ra suôn sẻ tàu sẽ đến cảng của Angiêri khoảng 4 tuần sau khi rời cảng bốc hàng, tức là vào khoảng ngày 20 tháng 2 năm 1998. Uỷ ban trọng tài cho rằng Nguyên đơn sẽ phải mất thêm khoảng 8 ngày dỡ hàng và để hoàn thành các giấy tờ cần thiết giữa Chính phủ Việt Nam và Angiêri, do đó Nguyên đơn chỉ có thể được trả tiền lãi tính từ ngày 1 tháng 4 năm 1998 chứ không phải là từ ngày 1 tháng 3 năm 1998 như Nguyên đơn yêu cầu. Uỷ ban trọng tài cho rằng lãi suất 10% mà Nguyên đơn yêu cầu là cao nên chỉ chấp nhận lãi suất 9,5% trên số tiền hàng. Uỷ ban trọng tài bác yêu cầu về tiền lãi trên các chi phí.
6. Các chi phí:
Vì khiếu kiện chính của Nguyên đơn đã được chấp nhận nên Nguyên đơn có quyền được bồi hoàn các chi phí bao gồm chi phí cho Uỷ ban trọng tài và các chi phí cho luật sư mà Nguyên đơn đã bỏ ra để theo đuổi vụ kiện này.
PHÁN QUYẾT SỐ 37
TRANH CHẤP VỀ THÙ LAO TRONG HỢP ĐỒNG
KHẢO SÁT THIẾT KẾ
Các bên:
Nguyên đơn : Kiến trúc sư người Mỹ
Bị đơn : Công ty thuê thiết kế Arập Xê-út
Các vấn đề được đề cập:
-
Luật áp dụng cho tranh chấp
-
Lựa chọn luật trực tiếp
-
Lex mercatoria
-
Các tập quán thương mại
Tóm tắt vụ việc:
Năm 1976 Nguyên đơn và Bị đơn ký kết với nhau hai thoả thuận (Thoả thuận Dịch vụ giai đoạn I và Thoả thuận Dịch vụ giai đoạn II) theo đó Nguyên đơn thực hiện các công việc chuẩn bị các bản vẽ và các tài liệu xây dựng liên quan khác cũng như liên hệ với các nhà thầu xây dựng chính cho một dự án xây dựng ở Jeddah, Arập Xê-út. Các bên thoả thuận đưa các tranh chấp có thể phát sinh ra trước trọng tài ICC tại Geneva để giải quyết. Trong các thoả thuận này không đề cập gì đến việc chọn luật áp dụng.
Khi tranh chấp phát sinh giữa các bên về mức phí khảo sát thiết kế, Nguyên đơn khởi kiện ra trọng tài. Bị đơn kiện lại với lý do mình đã phải trả cho Nguyên đơn mức phí quá cao.
Phán quyết này được tuyên năm 1985 giải quyết vấn đề luật áp dụng cho tranh chấp.
Nguyên đơn thì cho rằng luật áp dụng cho tranh chấp phải là Luật của bang Georgia, Mỹ bởi tất cả các công việc chính qui định trong các thoả thuận đều được thực hiện tại bang này. Nguyên đơn cũng cho rằng có thể lựa chọn luật của Thuỵ Sỹ, luật của nơi có chủ thể xét xử (lex fori), hay lex mercatoria cũng có thể được áp dụng. Cuối cùng, Nguyên đơn còn dựa vào “các qui tắc luật quốc tế tương tự qui định về các dịch vụ kỹ thuật theo đó nếu không có thoả thuận ngược lại, mối quan hệ giữa các bên sẽ được điều chỉnh bởi luật của nơi cư trú của kỹ thuật viên chứ không phải là luật nơi cư trú của người thuê dịch vụ kỹ thuật”.
Bị đơn thì lại cho rằng cần áp dụng luật của Arập Xê-út bởi các nghĩa vụ của Nguyên đơn được thực hiện một phần tại bang Georgia, một phần tại Arập Xê-út, trong khi đó tất cả các nghĩa vụ về phía Bị đơn lại được thực hiện tại Arập Xê-út. Hơn nữa, theo Thoả thuận Dịch vụ giai đoạn II, tất cả các nghĩa vụ của Nguyên đơn sẽ được thực hiện tại Arập Xê-út. Về các tập quán thương mại, Bị đơn cho rằng không tồn tại bất kỳ một tập quán nào qui định trực tiếp về các dịch vụ kiến trúc do một kiến trúc sư Mỹ cho một dự án tại Arập Xê-út. Cuối cùng, Bị đơn cho rằng cả luật Thuỵ Sỹ lẫn lex mercatoria đều không thể được áp dụng.
Phán quyết của trọng tài:
Uỷ ban trọng tài quyết định trong trường hợp này phải áp dụng luật bang Georgia vì các lý do sau đây:
1. Rõ ràng là các bên đã không lựa chọn luật. 2. Căn cứ vào chứng cứ được trình ra trước Uỷ ban trọng tài thì vấn đề luật điều chỉnh không hề được các bên bàn bạc đến khi ký kết hợp đồng, và rõ ràng là các bên cũng không đạt được một thoả thuận ngầm hay hiểu ngầm nào về vấn đề này. Do không có bất kỳ chứng cứ nào về một thoả thuận hay một ý định thực tế nào của các bên, Uỷ ban trọng tài cho rằng không thể tuyên bố là các bên đã chọn luật thực chất của Thuỵ Sỹ hay lex mercatoria. Uỷ ban trọng tài cho rằng để lựa chọn luật áp dụng thì cần có một thoả thuận của các bên về vấn đề này và trong vụ việc đang xem xét thì không có một thoả thuận như vậy.
3. Dựa vào các chứng cứ do các bên trình ra liên quan đến các dịch vụ mà Nguyên đơn phải cung cấp cho Bị đơn theo thoả thuận thì rõ ràng là phần lớn các công việc được thực hiện tại bang Georgia. Một vài chuyến công tác để điều tra thực tế và để liên hệ của các đại diện của Bị đơn đến Arập Xê-út không thể làm cho trung tâm công việc chính được chuyển từ bang Georgia sang Arập Xê-út. Uỷ ban trọng tài cho rằng trọng tâm và phần công việc cơ bản của Nguyên đơn (được trả phí là 5.135.997 đồng Rial Saudi) được tiến hành và thực hiện tại bang Georgia, Mỹ.
Uỷ ban trọng tài cho rằng trong vụ việc này không nhất thiết phải xác định một qui tắc luật xung đột cụ thể nào để xác định luật áp dụng cho hợp đồng bởi hầu hết các qui tắc luật này qui định luật được áp dụng là luật của nơi tiến hành phần công việc chủ yếu, mà theo quan điểm của Uỷ ban trọng tài thì không còn gì nghi ngờ rằng phần công việc cơ bản và chủ yếu theo thoả thuận đã được thực hiện tại bang Georgia.
Uỷ ban trọng tài cũng lưu ý rằng quyết định áp dụng luật của bang Georgia cũng phù hợp với các qui tắc luật quốc tế liên quan đến cung cấp dịch vụ kỹ thuật.
Uỷ ban trọng tài cho rằng không cần phải xem xét trường hợp giả định là luật nào sẽ được áp dụng nếu Giai đoạn dịch vụ II đã được tiến hành. Rõ ràng là các bên có lựa chọn ký hai thoả thuận riêng rẽ liên quan đến công việc của Nguyên đơn trong dự án này và rõ ràng là Giai đoạn Dịch vụ II chưa bắt đầu và ít nhất là trong tố tụng trọng tài này các bên chưa hề viện dẫn đến sự tồn tại của bất kỳ nghĩa vụ hay trách nhiệm nào phát sinh từ Thoả thuận Dịch vụ Giai đoạn II. Theo Uỷ ban trọng tài thì không nhất thiết là hai thoả thuận dịch vụ này phải được điều chỉnh bởi cùng một luật. Do vậy, luật điều chỉnh Thoả thuận Dịch vụ Giai đoạn II không thể là cơ sở chắc chắn để xác định luật điều chỉnh Thoả thuận Dịch vụ giai đoạn I mà Uỷ ban trọng tài đang phải quyết định. Theo nhiều qui tắc xung đột luật thì việc xác định luật áp dụng chủ yếu dựa vào các tình tiết thực tế và công việc cơ bản theo các hợp đồng đã được thực hiện. Trong trường hợp cụ thể này thì phần công việc Giai đoạn Dịch vụ II chưa được thực hiện, nên Uỷ ban trọng tài chỉ cần xem xét các tình tiết thực tế của vụ việc chứ không xem xét đến phần công việc trong tương lai, phần sẽ được điều chỉnh bởi một thoả thuận riêng rẽ khác mà chưa được thực hiện.
Bình luận và lưu ý:
Một hợp đồng ký kết giữa các chủ thể thuộc các quốc gia khác nhau có thể được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau (ví dụ: luật quốc gia của mỗi bên ký kết, luật nơi thực hiện hợp đồng, luật nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng, luật của quốc gia có truyền thống lâu đời về lĩnh vực đó, tập quán thương mại trong lĩnh vực đó, v..v..). Vì vậy, để tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra liên quan đến vấn đề này, khi giao kết các hợp đồng dạng này các bên nên cùng thống nhất lựa chọn một luật áp dụng cho hợp đồng.
Khi các bên không chọn luật áp dụng cho hợp đồng, nếu có tranh chấp đưa ra trọng tài thì trọng tài sẽ là người có quyền quyết định việc này trên cơ sở xem xét các hoàn cảnh cụ thể của vụ việc. Thông thường, luật áp dụng sẽ là luật của quốc gia có quan hệ chặt chẽ nhất với hợp đồng (ví dụ trong trường hợp này là quốc gia nơi thực hiện phần công việc chủ yếu của hợp đồng) hay tập quán quốc tế trong lĩnh vực liên quan nếu không thể xác định được quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ nhất với hợp đồng.
PHÁN QUYẾT SỐ 38
TRANH CHẤP VỀ SỬA ĐỔI GIÁ
TRONG HỢP ĐỒNG THẦU PHỤ XÂY DỰNG
Các bên:
Nguyên đơn : Nhà thầu phụ Italia
Bị đơn : Nhà thầu chính Libi
Các vấn đề được đề cập:
-
Sửa đổi giá quy định trong hợp đồng
-
Đơn phương ngừng công việc ở công trường đang xây dựng
-
Nghĩa vụ hợp tác thiện chí
-
Áp dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiệt hại
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn là một liên doanh được thành lập theo luật Italia với mục đích thực hiện công việc xây dựng dân dụng tại Libi. Bị đơn là một công ty cổ phần hoạt động theo luật Libi trong lĩnh vực xây dựng và xây dựng dân dụng tại Libi. Bị đơn được chọn để thực hiện một số công việc xây dựng cho Chủ Công trình Libi. Ngày 22 tháng 10 năm 1978, một hợp đồng thầu phụ được ký giữa Nguyên đơn và Bị đơn, theo đó Nguyên đơn được thầu lại một số công việc. Các bên đã quy định một giá khoán ấn định trong hợp đồng và giá của công trình “sẽ là giá cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng và không thể bị sửa đổi”. Hợp đồng chịu sự điều chỉnh của luật Libi và thời hạn thực hiện hợp đồng ấn định là 24 tháng, thời hạn bàn giao công trình là ngày 15 tháng 10 năm 1980.
Ngay từ khi bắt đầu công việc xây dựng đã gặp phải khó khăn do có một vài chậm trễ về thủ tục hành chính và do có khan hiếm về nguyên vật liệu. Sau khi cân nhắc các khó khăn này, Bị đơn yêu cầu Chủ công trình cho lùi thời gian bàn giao công trình lại 8 tháng so với dự tính ban đầu. Và Bị đơn cũng đã yêu cầu Chủ Công trình tăng giá công trình lên 30%, với lý do là giá gỗ, xi măng và cát đã tăng nhiều kể từ khi hợp đồng được ký kết.
Tới ngày 1 tháng 5 năm 1980, chỉ khoảng 10% tổng giá trị công việc được hoàn thành, điều này chứng tỏ công việc đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Các bên đã gặp đại diện của Chủ công trình nhiều lần để tìm ra giải pháp giải quyết những khó khăn liên quan đến việc hoàn thành công trình. Và cuối cùng Nguyên đơn và Bị đơn đã ký kết một văn bản sửa đổi đối với hợp đồng thầu phụ vào ngày 28 tháng 10 năm 1980, với các điều khoản sửa đổi cơ bản như sau:
-
Thời hạn bàn giao công trình được dời tới ngày 15 tháng 6 năm 1982, tức là 20 tháng kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1980;
-
Bị đơn chấp nhận về nguyên tắc sửa đổi giá của hợp đồng, với điều kiện là được sự đồng ý của Chủ Công trình;
-
Bị đơn chấp nhận tạo điều kiện về tài chính cho Nguyên đơn để có thể tiếp tục công việc.
Trong thoả thuận khác được ký cùng ngày, Bị đơn cam kết đưa ra một “trả lời chính thức” trong vòng hai tháng về việc tăng giá hợp đồng, vấn đề mà các bên đã thỏa thuận được với nhau về mặt nguyên tắc.
Thực tế đến tận năm 1981 việc sửa đổi giá này vẫn không được thực hiện. Do đó Nguyên đơn đã có văn bản gửi Bị đơn nhắc lại việc sửa đổi giá công trình và Bị đơn đã gửi tới Chủ Công trình đề nghị tăng giá hợp đồng lên 45%. Trong khi đó, Nguyên đơn vẫn tiếp tục thực hiện công việc.
Tháng 12 năm 1981, Nguyên đơn và Bị đơn ký một thoả thuận quyết định tăng giá hợp đồng và việc thanh toán sẽ được thực hiện chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 1981. Thỏa thuận này kéo theo một số sửa đổi khác đối với hợp đồng vào tháng 1 năm 1982. Tuy nhiên, Bị đơn đã không hề ấn định khoản tiền sửa đổi là bao nhiêu cũng như thanh toán bất cứ một khoản tiền nào cho Nguyên đơn theo như thoả thuận về sửa đổi giá của hợp đồng vì thực tế, chủ công trình chưa từng chấp nhận sửa đổi giá của hợp đồng. Mặc dù vậy, Nguyên đơn vẫn tiếp tục các hoạt động của mình tại công trường vì Bị đơn trả lời rằng tình trạng nói trên chỉ là do quan liêu giấy tờ mà thôi.
Tháng 7 năm 1982, Nguyên đơn tiến hành rút nhân lực của mình khỏi công trường, không tiếp tục thực hiện các công việc trên công trường của mình với lý do Bị đơn chậm trễ trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong bản sửa đổi hợp đồng tháng 1 năm 1982. Đến thời điểm này, Nguyên đơn mới chỉ hoàn thành gần 20% giá trị công trình.
Sau khi cố gắng hoà giải nhưng không có kết quả, tháng 7 năm 1983, Bị đơn gửi công văn cho Nguyên đơn thông báo huỷ bỏ hợp đồng thầu phụ do lỗi của Nguyên đơn. Sau đó, Nguyên đơn đã trình lên Toà án trọng tài ICC yêu cầu giải quyết việc huỷ bỏ hợp đồng do lỗi nghiêm trọng của Bị đơn và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại mà Nguyên đơn phải chịu.
Phán quyết của trọng tài:
Toà án trọng tài quyết định luật áp dụng giải quyết tranh chấp này là luật Libi, trong trường hợp luật Libi không điều chỉnh hoặc không đầy đủ thì sẽ áp dụng lex mercatoria (thông lệ thương mại) và các nguyên tắc chung.
Toà án trọng tài cho rằng các bên đã thống nhất về những thay đổi đối với hợp đồng sau khi phát sinh những khó khăn đầu tiên, vì vậy thấy không cần thiết phải xem xét mức độ thiệt hại mà Nguyên đơn phải gánh chịu, trọng tài chỉ xem xét những vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất
cần được xem xét là việc bất ngờ rút khỏi công trường vào tháng 6 và 7 năm 1982. Hành vi này là một căn cứ xác định lỗi của Nguyên đơn trong việc dừng thực hiện hợp đồng thầu phụ, trừ khi Nguyên đơn viện dẫn được họ thực hiện hành vi đó là do lỗi của Bị đơn.
Nguyên đơn khẳng định rằng Nguyên đơn có quyền rút khỏi công trường vào tháng 6 và 7 và huỷ bỏ hợp đồng thầu phụ vì Bị đơn không chấp hành các nghĩa vụ đã ký kết trong các văn bản sửa đổi về việc tăng giá của hợp đồng và thanh toán khoản tiền nợ.
Để bào chữa, một mặt Bị đơn lập luận rằng việc sửa đổi giá hợp đồng chỉ được thực hiện với điều kiện là phải được Chủ công trình chấp thuận, mà thực tế Chủ công trình chưa bao giờ chấp thuận, mặt khác Bị đơn cho rằng luật Libi loại trừ nguyên tắc sửa đổi giá đã được ấn định, vì vậy bất cứ thoả thuận nào về việc sửa đổi sẽ không có hiệu lực.
Về vấn đề thứ nhất, Uỷ ban trọng tài nhận thấy rằng đúng là thoả thuận ngày 28 tháng 10 năm 1980 thể hiện sự thống nhất của Bị đơn về nguyên tắc sửa đổi giá của hợp đồng được thực hiện với điều kiện có sự chấp thuận của Chủ công trình, nhưng trong các thoả thuận sửa đổi sau đó không hề nhắc đến điều kiện này. Hơn nữa, trong bản sửa đổi hợp đồng ngày 14 tháng 1 năm 1982 xác định nguyên tắc sửa đổi giá hợp đồng có nêu rõ rằng nguyên tắc này “đã được Chủ công trình thông qua”.
Ngoài ra, vì hợp đồng thầu chính giữa Chủ công trình và Bị đơnhoàn toàn độc lập với hợp đồng thầu phụ giữa Bị đơn và Nguyên đơn và trong các thỏa thuận sửa đổi hợp đồng Bị đơn đã cam kết tăng giá hợp đồng vô điều kiện, nhất trí thanh toán trong thời hạn xác định nên việc Chủ công trình có đồng ý với việc tăng giá hay không cũng không có ý nghĩa gì.
Về luận điểm thứ hai của Bị đơn, Điều 657 Luật dân sự Libi loại trừ trên nguyên tắc việc sửa đổi giá hợp đồng đã được ấn định, song Mục 4 của Điều này qui định về quyền tăng giá hoặc ngừng hợp đồng khi có những sự kiện không thể lường trước và ngoại lệ phát sinh sau khi hợp đồng được ký kết.
Về điểm này, Uỷ ban trọng tài cho rằng luật Libi cũng giống như luật quốc gia của Đức và luật của Thuỵ Sỹ hoặc thậm chí cũng như lex mercatoria, đưa ra thuyết về sự kiện không lường trước phát sinh và trong những trường hợp như vậy sẽ áp dụng nguyên tắc cao hơn, đó là nguyên tắc thiện chí.
Uỷ ban trọng tài cũng cho rằng luật Libi cũng như luật Thuỵ Sỹ và luật Đức, không chỉ quy định các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình phù hợp với nguyên tắc thiện chí (như qui định tại Điều 148 Chương 1 Luật dân sự Libi), mà còn cấm lạm dụng luật (như qui định tại Điều 5 Luật dân sự Libi).
Như vậy, trái với những điểm bào chữa của Bị đơn, luật Libi không cấm việc sửa đổi giá đã được ấn định khi có những sự kiện không lường trước và bất thường xảy ra và trong những trường hợp như vậy cho phép tăng giá hợp đồng hoặc ngừng hợp đồng và lý luận này cũng được hệ thống pháp luật khác như luật Đức và Thuỵ Sỹ thừa nhận.
Điều đó có nghĩa là sửa đổi giá của hợp đồng trong một thời hạn ấn định và thanh toán khoản tiền chênh lệch do tăng giá là hợp pháp và vì vậy những sửa đổi này là hoàn toàn có hiệu lực.
Bị đơn cho rằng thoả thuận giữa các bên là không đầy đủ vì nó không đề cập yếu tố quan trọng của hợp đồng, đó là khoản tăng giá của hợp đồng. Còn Nguyên đơn lại cho rằng những khoản tăng đó đã được nêu ra ở trong bức thư do Bị đơn gửi cho Chủ công trình ngày 4 tháng 6 năm 1981 và một bản sao được gửi cho Nguyên đơn theo đó Bị đơn yêu cầu chủ công trình tăng 45% giá hợp đồng.
Trọng tài cho rằng không cần thiết phải xác định xem bức thư nói trên có phải là thoả thuận giữa các bên về khoản giá tăng hay không, bởi từ các tài liệu đưa ra trong vụ kiện này và đặc biệt là thông báo về tăng chi phí vật liệu, công việc, vận tải và các chi phí dịch vụ khác thì hoàn toàn có thể xác định khoản tăng giá một cách khách quan chỉ trên cơ sở các số liệu sẵn có mà không cần quyết định chủ quan của một bên nào cả.
Ngoài ra, Điều 7 văn bản sửa đổi ngày 4 tháng 1 năm 1982 đề cập đến nghĩa vụ xác định khoản tăng giá của Bị đơn trong thời hạn nhất định. Đây là nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng. Như vậy, việc không tiến hành các bước thích hợp để xác định việc tăng giá được coi như là một sự vi phạm nghĩa vụ từ phía Bị đơn và do đó Bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc này.
Từ các phân tích nêu trên, Uỷ ban trọng tài
chấp
nhận yêu cầu đòi bồi thường của Nguyên đơn.
Về khoản thiệt hại, tức khoản bồi thường cho Nguyên đơn, khoản tiền này sẽ được xác định theo nguyên tắc tại Điều 224 Luật dân sự Libi. Theo đó, việc xác định mức độ thiệt hại sẽ căn cứ vào hoàn cảnh và mức độ nghiêm trọng của lỗi của Bị đơn vì trong vụ kiện này rõ ràng rằng Bị đơn đã không thực hiện nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bị đơn không cố ý gây thiệt hại cho Nguyên đơn mà họ còn cố gắng hợp tác với hy vọng hoàn thành công việc. Thực tế, Bị đơn đã nhất trí với Nguyên đơn về những khoản tiền ứng trước quan trọng mà không cần bất cứ nghĩa vụ hợp đồng nào và đó chính là bằng chứng rõ ràng về thái độ thiện chí, và nếu có áp dụng chế tài thì sẽ là chế tài không quá nghiêm khắc. Từ xem xét các yếu tố nói trên, uỷ ban trọng tài đã xác định khoản tiền hợp lý mà Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn.
PHÁN QUYẾT SỐ 39
TRANH CHẤP DO KHÔNG THỰC HIỆN NGHĨA VỤ
TRONG HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
Các bên:
Nguyên đơn : Nhà thầu Đan Mạch
Bị đơn : Nhà thầu lại Ai Cập
Các vấn đề được đề cập:
-
Nơi tiến hành tố tụng trọng tài
-
Trật tự công cộng
-
Các nội dung của điều khoản trọng tài
-
Các quá trình tố tụng tiến hành song song
-
Trì hoãn thực hiện hợp đồng
-
Chấm dứt hợp đồng
-
Tính toán các thiệt hại
-
Người thuê tự mình hoàn thành nốt công việc
-
Sửa đổi đơn kiện
-
Lãi suất
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 26 tháng 3 năm 1983 Nguyên đơn ký hợp đồng với chủ dự án người Ai Cập xây dựng một lò mổ gia súc ở Ai Cập. Ngày 9 tháng 3 năm 1983, Nguyên đơn ký hợp đồng thầu lại với Bị đơn, một công ty Ai Cập khác. Hợp đồng này, sau đó được sửa đổi, có chứa một điều khoản trọng tài. Công ty Ai Cập thoả thuận sẽ xây mười khu nhà và các công trình phụ khác.
Sau khi phát sinh tranh chấp về việc Bị đơn trì hoãn thực hiện công việc, vào cuối tháng 1 năm 1985 Nguyên đơn đã thực hiện thêm phần công việc của mình theo qui định tại Thoả thuận sửa đổi ngày 19 tháng 9 năm 1984 và hoàn thành luôn phần công việc còn dở dang của Bị đơn. Theo yêu cầu của Nguyên đơn, thanh tra chất lượng đã lập báo cáo xác định mức độ công việc đã được thực hiện cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1985.
Ngày 7 tháng 5 năm 1985 công ty Đan Mạch khởi kiện ra trọng tài ICC tại Zurich, Thuỵ Sỹ đòi Bị đơn bồi thường 555.000 EGP (ngày 30 tháng 4 năm 1987 khoản tiền này được sửa đổi thêm 230.097 EGP) và 7.262.997 Dkr. Ngày 10 tháng 9 năm 1985 ICC chỉ định một trọng tài viên duy nhất. Trọng tài viên này xác định Zurich là nơi tiến hành tố tụng trọng tài. Bị đơn từ chối ký vào bản Công nhận thẩm quyền xét xử của Trọng tài viên (Terms of Reference), phản đối thẩm quyền xét xử của trọng tài viên và không chính thức tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trọng tài viên đã nhận được một số văn thư của ông A và ông B, tự xưng là cố vấn pháp lý của Bị đơn.
Trọng tài viên giải quyết vấn đề thẩm quyền xét xử đương nhiên (ex officio) của chính mình và quyết định rằng mình có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Về nội dung tranh chấp, trọng tài viên quyết định rằng công ty Đan Mạch được quyền hưởng thù lao cho phần công việc mà công ty này đã thực hiện một cách đúng đắn.
Phán quyết của trọng tài:
1. Về thẩm quyền xét xử của trọng tài:
Vì Zurich là nơi tiến hành tố tụng trọng tài nên quá trình tố tụng được điều chỉnh bởi Qui tắc tố tụng ICC và Qui tắc tố tụng dân sự Thụy Sỹ. Các qui định trong Qui tắc tố tụng dân sự Thụy Sỹ liên quan đến trọng tài đã được sửa đổi ngày 1 tháng 7 năm 1985 (thay thế Qui tắc Zurich trước đây bằng Giao ước liên vùng Thụy Sỹ về tố tụng trọng tài). Tuy nhiên, vì vụ việc này được bắt đầu trước ngày 1 tháng 7 năm 1985 nên quá trình tố tụng của nó vẫn do Qui tắc Zurich trước đây điều chỉnh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi theo luật cũ thì về mặt hình thức trọng tài viên phải ra một phán quyết riêng về thẩm quyền xét xử với rất nhiều hình thức kháng cáo, khác với qui định về kháng cáo đối với phán quyết về nội dung tranh chấp.
Theo Điều 241 Qui tắc tố tụng dân sự Zurich và Điều 8(3) Qui tắc tố tụng ICC, trọng tài viên có quyền tự quyết định về thẩm quyền xét xử của mình
[1]
.Điều khoản trọng tài mà Nguyên đơn viện dẫn được nêu trong Điều 14 Thoả thuận giữa các bên ngày 9 tháng 3 năm 1983 qui định như sau:
“Mọi tranh chấp hay mâu thuẫn không thể giải quyết một cách hoà hữu giữa các bên phải được giải quyết và xác định bởi trọng tài theo Qui tắc Hoà giải và Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế, Zurich, Thụy Sỹ phù hợp với Luật của vùng Zurich, Thụy Sỹ”.
Tự bản thân điều khoản này cũng có điểm không chính xác khi qui định “Phòng Thương mại Quốc tế, Zurich, Thụy Sỹ”: Phòng Thương mại Quốc tế có trụ sở ở Paris và không có Phòng Thương mại Quốc tế nào ở Thuỵ Sỹ.
Để sửa chữa sai sót trong điều khoản này cần xem xét các cơ sở của nó. Hợp đồng thầu lại ngày 9 tháng 3 năm 1983 giữa Nguyên đơn và Bị đơn có mối liên hệ trực tiếp tới hợp đồng chính giữa Nguyên đơn và Chủ dự án người Ai Cập ngày 26 tháng 3 năm 1983, hợp đồng sau là một phần “không thể tách rời” của hợp đồng trước và, do đó, được cả hai bên biết. Trong Phụ lục F của hợp đồng thầu chính cũng có một điều khoản trọng tài. Điều khoản này qui định tố tụng trọng tài tại Zurich và áp dụng luật Thuỵ Sỹ nhưng được tiến hành bởi một uỷ ban trọng tài ad hoc gồm ba thành viên với qui định rất cụ thể việc chỉ định trọng tài viên. Điều 14 Thoả thuận (hợp đồng thầu lại) giữa các bên lại có nội dung hoàn toàn khác khi qui định “tố tụng trọng tài theo Qui tắc Hoà giải và Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế, Zurich”. Thuật ngữ “Qui tắc Hoà giải và Trọng tài” thường được sử dụng để chỉ Qui tắc trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (có trụ sở tại Paris) mà tổ chức trọng tài của Phòng đã được biết đến trên toàn thế giới. Trong khi đó Qui tắc của Phòng Thương mại Zurich địa phương có tên gọi “Qui tắc trung gian và trọng tài”. Trong hoàn cảnh như vậy buộc phải kết luận rằng nghĩa thực của điều khoản có thể được áp dụng ở đây là một tố tụng trọng tài ở Zurich theo Qui tắc tố tụng ICC và luật áp dụng cho nội dung tranh chấp là luật Thụy Sỹ. Kết luận này phù hợp với ít nhất là một quyết định của Toà án Thụy Sỹ và rất nhiều phán quyết trong các vụ kiện của ICC. Quá trình tố tụng đã được tiến hành trong vụ việc này (đơn kiện của Nguyên đơn ra Toà án trọng tài ICC và việc Toà án trọng tài ICC chỉ định một trọng tài viên để tiến hành tố tụng tại Zurich) hoàn toàn phù hợp với điều khoản này.
Bị đơn lập luận rằng điều khoản trọng tài này là sai lầm và vi phạm trật tự công cộng Ai Cập do trọng tài viên không được chỉ định ngay trong điều khoản này như yêu cầu trong luật Ai cập. Lập luận này không được thể hiện trực tiếp trong các bản giải trình của Bị đơn gửi trọng tài viên mà lại được nêu một cách gián tiếp trong bản sao đơn kiện của Bị đơn ra Toà án Ai Cập trong đó Bị đơn cho rằng điều khoản trọng tài trong vụ việc này không có giá trị pháp lý vì nó không tuân thủ Điều 502(3) Bộ luật tố tụng Dân sự Ai Cập, theo đó các trọng tài viên phải được chỉ định đích danh trong thoả thuận trọng tài hoặc trong một thoả thuận riêng biệt.
Rõ ràng là trong vụ kiện này điều khoản trọng tài đã không trực tiếp chỉ định trọng tài viên mà chỉ qui định rằng trọng tài viên sẽ do ICC chỉ định theo Qui tắc tố tụng ICC. Tuy nhiên, điều này không thể khiến cho điều khoản trọng tài trở thành vô hiệu. Điều khoản trọng tài không phải do luật Ai Cập điều chỉnh mà do luật của nước nơi tiến hành tố tụng trọng tài (lex fori) điều chỉnh. Điều 22 Bộ luật Dân sự Ai Cập quy định luật áp dụng cho tố tụng trọng tài là luật của nước nơi tiến hành tố tụng. Theo luật áp dụng cho vụ kiện này (Qui tắc tố tụng ICC và Bộ luật tố tụng Dân sự Zurich bản năm 1976) thì thoả thuận trọng tài này vẫn có giá trị mặc dù trong đó các bên không chỉ định các trọng tài viên.
Ngoài ra, trong một bản án tuyên ngày 26 tháng 4 năm 1982 Tòa Phá án Ai Cập cũng cho rằng Điều 502(3) Bộ luật tố tụng Dân sự Ai Cập không áp dụng trong trường hợp một thoả thuận qui định tiến hành tố tụng trọng tài tại Anh và hơn nữa, việc một luật nước ngoài có quy định khác với Điều 502(3) Bộ luật này không bị coi là vi phạm trật tự công cộng. Đây có thể coi như một án lệ có thể được áp dụng trong vụ việc này.
Từ các lý do nêu trên, trọng tài kết luận lập luận của Bị đơn rằng điều khoản trọng tài không có giá trị pháp lý do không tuân thủ Điều 502(3) là không có căn cứ.
Trong bản Telex ngày 20 tháng 11 năm 1985, ông A, nhân danh Bị đơn, đã thông báo cho trọng tài viên biết rằng Bị đơn đã khởi kiện ra toà án Ai Cập để toà tuyên bố điều khoản trọng tài vô hiệu và yêu cầu toà án ra quyết định đình chỉ tố tụng trọng tài cho đến khi toà án ra quyết định chính thức về vấn đề này. Trong bản Telex ngày 29 tháng 1 năm 1987, ông B, nhân danh Bị đơn, đã dẫn một Lệnh của Toà yêu cầu hoãn tố tụng trọng tài cho đến khi có quyết định khác của toà án.
Thực tế trọng tài viên chưa từng nhận được một lệnh nào của toà án Ai Cập dù là trực tiếp hay thông qua các bên. Tuy vậy, điều này cũng không quan trọng lắm. Như trọng tài viên đã nêu rõ trong bản Telex ngày 21 tháng 11 năm 1985 gửi cho ông A (Nguyên đơn cũng được gửi một bản sao của Telex này), tố tụng tư pháp tại Toà án ở Ai Cập không có tác động đến tố tụng trọng tài cũng như đến trọng tài viên. Chúng cũng không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến thẩm quyền xét xử của trọng tài viên trong vụ việc hiện tại.
Dựa vào các căn cứ nêu trên, có thể kết luận rằng có tồn tại giữa các bên một thoả thuận trọng tài theo ICC ở Zurich và do đó, trọng tài viên có thẩm quyền xét xử. Kết luận này được ghi nhận trong một phán quyết riêng rẽ chính thức.
2. Về nội dung của tranh chấp:
Đã chứng minh được rằng Bị đơn đã trì hoãn công việc vào các ngày 8 và ngày 16 tháng 1 năm 1985 theo nghĩa tại Điều 7 của bản hợp đồng sửa đổi ngày 19 tháng 9 năm 1984, và không cần thiết phải xem xét chi tiết hơn phạm vi của các trì hoãn này của Bị đơn.
Theo các tài liệu được trình trước uỷ ban trọng tài thì không có một chỉ dẫn nào có thể chứng minh rằng các trì hoãn này là do các nguyên nhân ngoài khả năng kiểm soát của Bị đơn. Theo luật Thuỵ Sỹ, Bị đơn có nghĩa vụ chứng minh có các hoàn cảnh như vậy bởi theo luật Thụy Sỹ thì các lỗi như vậy được suy đoán là vi phạm hợp đồng nếu không có chứng minh ngược lại. Điều 97 Luật nghĩa vụ Thụy Sỹ qui định nếu một nghĩa vụ không được thực hiện hoàn toàn hoặc không được thực hiện đúng thì người có nghĩa vụ phải bồi thường cho các thiệt hại gây ra bởi việc này nếu không chứng minh được là mình không có lỗi. Trong vụ việc này, Bị đơn đã không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào như vậy.
Điều 107 Luật nghĩa vụ Thuỵ Sỹ qui định chung rằng trong một hợp đồng song vụ khi một bên không thực hiện hợp đồng thì bên kia có thể gia hạn một thời gian để thực hiện hoặc, nếu hợp đồng vẫn không được thực hiện trong thời gian gia hạn này, không yêu cầu thực hiện hợp đồng nữa và đòi bồi thường thiệt hại. Những thiệt hại này có thể bao gồm các chi phí nhờ một bên thứ ba hoặc chính bên có quyền thực hiện nghĩa vụ thay cho bên không thực hiện nghĩa vụ. Đối với những “hợp đồng công việc” (trong đó có các hợp đồng xây dựng), Điều 366 Luật nghĩa vụ qui định cụ thể rằng trong quá trình thực hiện công việc nếu thấy rõ rằng công việc sẽ không được thực hiện theo các nội dung thoả thuận do lỗi của bên có nghĩa vụ thực hiện công việc, bên thuê thực hiện công việc có thể ấn định cho bên có nghĩa vụ một thời hạn hợp lý mà người đó phải thực hiện công việc, nếu không phần công việc chưa được thực hiện sẽ được giao phó cho một người thứ ba với chi phí và trách nhiệm đối với rủi ro thuộc về người có nghĩa vụ.
Điều 7 Thoả thuận sửa đổi ngày 17 tháng 9 năm 1984 qui định:
"Thứ hai: khi [Bị đơn] không tuân thủ lịch trình, kế hoạch về vật liệu hay nhân lực, vào cuối mỗi tháng một người quản lý của phía [Bị đơn] và một người quản lý từ phía [Nguyên đơn] kiểm tra thực địa và xác minh các trì hoãn.
Nếu có trì hoãn và các trì hoãn này là do [Bị đơn] hoặc người cung cấp của [Bị đơn] trực tiếp gây ra và không vì các lý do vượt quá khả năng kiểm soát của [Bị đơn] thì [Bị đơn] phải sửa chữa lỗi trì hoãn đó trong thời hạn bảy ngày kể từ khi gặp gỡ, nếu không [Nguyên đơn] có quyền, sau bảy ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản, thực hiện công việc bị trì hoãn và đòi các chi phí trong lần nghiệm thu tạm thời đầu tiên phù hợp với tổng số tiền ghi trong hoá đơn gửi cho [Nguyên đơn] cho việc thực hiện phần công việc bị trì hoãn.
Thứ ba, trong trường hợp [Bị đơn] không tuân thủ lịch trình, kế hoạch về vật liệu hay nhân lực, trong cùng các điều kiện như đã được nêu tại Điều 7(2), [Nguyên đơn] có quyền nhận phần công việc đã hoàn thành và từ chối trả bất kỳ chi phí nào trong những lần thanh toán tiếp theo.
Qui định tại Điều 7 này không trái với các qui định pháp lý không mang tính bắt buộc nói trên của pháp luật Thụy Sỹ. Thủ tục mà các bên thoả thuận chỉ là một hình thức biến đổi cho phù hợp các nguyên tắc của pháp luật Thụy Sỹ vào một hoàn cảnh hợp đồng cụ thể. Theo nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng (nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng Thụy Sỹ), các bên được tự do thực hiện các thoả thuận như vậy. Trường hợp này có thể và phải được điều chỉnh theo Điều 7 Thoả thuận sửa đổi mà không cần đi sâu vào các qui định của luật Thụy Sỹ. Cụ thể, vấn đề liệu Thoả thuận giữa các bên là một thoả thuận liên doanh/hợp tác kinh doanh (như nêu trong Thoả thuận) hay là một hợp đồng công việc (nếu là một hợp đồng công việc thì sẽ phù hợp hơn với nội dung của nó) vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Bị đơn có quan điểm, tuy không rõ ràng lắm, rằng việc Nguyên đơn bằng hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không đưa ra trọng tài hay toà án trước là không thể được. Quan điểm này là sai lầm. Trái với luật Pháp (và có thể là cả luật Ai Cập), luật Thụy Sỹ cho phép một bên chấm dứt một thoả thuận (hay thay đổi thoả thuận theo cách biến nghĩa vụ của bên phải thực hiện công việc thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại bằng tuyên bố đơn phương trong trường hợp bên kia có lỗi) chỉ bằng tuyên bố của riêng mình (nếu đã đáp ứng các điều kiện) và không cần yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt hay huỷ thoả thuận đó. Do đó, Điều 7 Thoả thuận sửa đổi, qui định về một hành vi đơn phương như vậy, hoàn toàn không trái với pháp luật Thuỵ Sỹ.
Từ các phân tích nêu trên có thể thấy rằng Nguyên đơn có quyền được viện dẫn Điều 7(3) Thoả thuận sửa đổi ngày 16 tháng 1 năm 1985 và từ chối việc thực hiện tiếp hợp đồng từ phía Bị đơn kể từ ngày 31 tháng 1 năm 1985 và nhờ một người thứ ba hoặc tự mình thực hiện tiếp công việc xây dựng mà đáng lẽ Bị đơn phải làm. Do đó, Nguyên đơn có quyền đòi hoàn trả các chi phí đã phải chi ra một cách hợp lý để hoàn thành công việc trừ đi khoản tiền mà Nguyên đơn được nhận từ Chủ công trình người Ai Cập.
Khi phải đưa ra các chi tiết cụ thể về các chi phí, hệ thống kế toán của Nguyên đơn không cho phép xác định chi phí cụ thể của những hạng mục công việc còn phải thực hiện theo báo cáo của Thanh tra chất lượng. Mặt khác, rõ ràng là các chi phí mà Nguyên đơn khai là phải chi ra để hoàn thành phần công việc chưa được thực hiện cao hơn hẳn so với khoản tiền thoả thuận để thực hiện công việc. Do đó cần phải kiểm tra lại tính hợp lý của các chi phí đã bỏ ra.
Để thực hiện việc này, trọng tài viên đã chỉ định ông X, một Thanh tra chất lượng độc lập, làm chuyên gia trong vụ việc. Chuyên gia này có nhiệm vụ đưa ra một bản dự toán các chi phí để hoàn thành các hạng mục nêu tại cột 3 của báo cáo (của Thanh tra chất lượng đầu tiên) nếu được thực hiện bởi nhà thầu lại người Ai Cập và bản dự toán chi phí nếu được thực hiện bởi một nhà thầu dân sự quốc tế. Trong bản báo cáo ngày 27 tháng 3 năm 1987, chuyên gia đã giải thích rằng mình đã định giá cho phần công việc còn lại trên cơ sở bốn nguồn giá khác nhau: ví dụ, một nhà thầu Ai Cập nói chung, một nhà thầu Hàn Quốc tại Ai Cập, một nhà thầu dân sự Ai Cập lớn, và một nhà thầu Nhật bản có liên doanh với người sở tại tại Ai Cập. Trong mỗi trường hợp chuyên gia đã bỏ qua giá nhân lực/nguyên vật liệu thấp nhất và cao nhất mà tính giá trung bình giữa hai mức này, qui đổi giá tổng đó sang giá tính theo đơn vị hạng mục đang xem xét. Báo cáo kết luận rằng chi phí hợp lý để hoàn thành công việc còn lại là 1.425.500 EGP nếu được thực hiện bởi nhà thầu dân sự Ai Cập và 1.275.400 EGP cộng với 5.817.700 DKr nếu được thực hiện bởi một nhà thầu dân sự quốc tế (để thuận lợi trong cách tính, tất cả các chi phí không tính bằng tiền Ai Cập đều được chuyển đổi sang DKr với tỷ lệ qui đổi áp dụng vào giữa năm 1985). Trọng tài viên cho rằng phương pháp mà chuyên gia sử dụng là một phương pháp đúng và kết quả đạt được là đáng tin cậy.
Vấn đề cuối cùng là liệu Bị đơn có phải bồi thường toàn bộ chi phí bổ sung mà Nguyên đơn phải chi để tự mình hoàn thành công việc thay vì nhờ một người thứ ba. Trọng tài viên cho rằng việc làm của Nguyên đơn là hợp lý trong các hoàn cảnh cụ thể liên quan nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Việc trì hoãn xảy ra khá nghiêm trọng đối với việc thực hiện toàn bộ dự án nói chung theo lịch trình chặt chẽ của Chủ dự án người Ai Cập. Rõ ràng là việc tham gia của một nhà thầu thứ ba vào dự án sẽ làm mất thời gian hơn và có nguy cơ không đáp ứng thời hạn của Chủ dự án. Như vậy, Nguyên đơn đã hành động một cách trung thực và thiện chí khi tự mình làm thay phần công việc mà Bị đơn đã không làm. Do đó, Nguyên đơn có quyền đòi hoàn trả đầy đủ các chi phí nêu trên.
Cần phải lưu ý rằng Đơn kiện ban đầu chỉ đề cập đến một số tiền là 555.000 EGP, thấp hơn số tiền đòi hiện tại. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng số tiền đòi hiện tại đã được đưa vào phần tính toán các tổn thất giải trình trong bản trình bày đầu tiên của Nguyên đơn ngày 30 tháng 7 năm 1986 theo yêu cầu của trọng tài viên. Trong đơn kiện Nguyên đơn đã bảo lưu quyền tăng trị giá vụ kiện. Vì vậy tổng trị giá vụ kiện là có thể chấp nhận được.
Lãi suất tiền gửi qui định theo pháp luật của Thuỵ Sỹ là 5% (Điều 104 Luật nghĩa vụ Thụy Sỹ). Lãi suất cao hơn (7% cho đồng DKr và 6% cho đồng EGP) mà Nguyên đơn yêu cầu là không chính đáng.
[1]
Đ
ề
u 241 Qui t
ắ
c t
ố
ụ
ng dân s
ự
Zurich ngày 13/6/1976 qui
đị
nh:
"U
ỷ
ban tr
ọ
ng tài có quy
ề
n quy
ế
đị
nh v
ề
th
ẩ
m quy
ề
n xét x
ử
c
ủ
a chính mình theo Ph
ầ
n III th
ậ
m chí ngay c
ả
khi có ph
ả
đố
i v
ề
giá tr
ị
pháp lý c
ủ
a tho
ả
thu
ậ
ọ
ng tài".
Đ
ề
u 8(3) Qui t
ắ
c t
ố
ụ
ng ICC 1975 qui
đị
nh:
"N
ế
u m
ộ
t trong các bên có m
ộ
t ho
ặ
c nhi
ề
u khi
ế
u n
ạ
i v
ề
ự
ồ
ạ
i hay giá tr
ị
pháp lý c
ủ
a tho
ả
thu
ậ
ọ
ng tài, và n
ế
u U
ỷ
ban tr
ọ
ng tài cho r
ằ
ự
ồ
ạ
i c
ủ
a tho
ả
thu
ậ
n này là
đươ
ng nhiên, U
ỷ
ban tr
ọ
ng tài có th
ể
quy
ế
đị
nh v
ẫ
ế
ụ
c ti
ế
n hành t
ố
ụ
ng mà không làm ph
ươ
ng h
ạ
đế
n tính có th
ể
ch
ấ
p nh
ậ
đượ
c c
ũ
ng nh
ư
ộ
i dung c
ủ
a m
ộ
t ho
ặ
c các khi
ế
u n
ạ
đ
ó. Trong tr
ườ
ng h
ợ
p nh
ư
v
ậ
y thì quy
ế
đị
nh v
ề
th
ẩ
m quy
ề
n xét x
ử
c
ủ
a tr
ọ
ng tài viên ph
ả
i do chính tr
ọ
ng tài viên
đ
ó
đư
a ra."Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro