Ai Thương Phận Mình.

“Đây là tình huống Manchester United được hưởng quả phạt góc và người thực hiện là cầu thủ mặc áo số bảy – David Beckham.”

Tiếng từ chiếc vô tuyến mới được trang bị của quán cô Loan thu hút mọi ánh nhìn. Ai nấy đều tập trung vào màn hình, có người còn nín thở dõi theo anh chàng số bảy vẽ một đường cong tuyệt hảo bằng chân phải để đưa bóng vào vòng cấm, tạo cơ hội để tiền đạo mặc áo số hai mươi đánh đầu ghi bàn quyết định. Sau khoảnh khắc ấy cả quán xôm hẳn lên; người reo hò kẻ huýt sáo, còn mấy bác lớn tuổi chỉ biết tấm tắc khen cái thằng số bảy sao vừa đẹp trai vừa đá hay quá bây. Đám con nít đứng ngoài quán cũng bô bô cái mỏ phụ hoạ theo tiếng reo hò, tụi nó chút xíu chưa hiểu gì về bóng đá cứ ai hô “vào” là tụi nó biết có bàn thắng thế là ăn mừng, chẳng biết đội nào với đội nào.

Niềm vui của xóm nhỏ gần như chỉ tập trung quanh quán cô Loan đầu xóm vì quán cô là có vô tuyến. Ở xóm có mỗi hai cái mà thôi, ngoài quán cô Loan thì còn nhà ông Đoàn cuối xóm. Thuở đó vô tuyến là thứ xa xỉ, nghe đâu muốn có phải đi lên tới chợ huyện chợ tỉnh mà mua, còn phải thuê ghe chở về tới nhà rồi mướn thợ xuống lắp ăng ten dò đài các thứ các kiểu mắc tiền dữ lắm. Do đó mà nhà nào có vô tuyến là tự hào ngẩng mặt lên trời vì gia cảnh phải khá giả mới sở hữu nổi, nhờ đó con ông Đoàn được tụi nhỏ trong xóm đưa lên làm đại ca vì nó hay hù đứa nào không nghe lời là nó hong cho coi ké nữa. Đám nhỏ sợ nên mới gọi một tiếng đại ca, hai tiếng đại ca.

Con ông Đoàn tên Phát, năm đó mới mười ba; con nhà khá giả  ăn uống đầy đủ nên dáng người to con lại trắng trẻo, cổ đeo dây chuyền vàng tay đeo lắc vàng. Ba nó sở hữu nhiều ruộng vườn nhất xóm lại tu chí làm ăn từ trẻ nên gia cảnh vô cùng khấm khá. Thằng Phát được thế vin vào gia cảnh nên nghiễm nhiên nó cũng có phong thái của một công tử vườn, học hành chẳng nên rau nên cháo gì suốt ngày rong chơi hết xóm này xóm nọ. Ông Đoàn thấy thế cũng rầu lắm nhưng không biết nên làm gì vì dù sao đối với ông, nó không phá phách hay làm điều mất mặt. Đó là cho đến cái ngày mà nó nghe tin quán cô Loan sắm tivi mới.

Nghe tin dữ, thằng Phát lo sợ vị thế đại ca trong xóm sẽ bị lung lay. Và rất nhanh chóng sau đó, nó liền tập trung lũ trẻ trong xóm tại mô đất giữa xóm và ra tuyên bố.

“Giờ tao sẽ tới quán bà Loan quậy một trận vì cái tội dám sắm tivi mà chưa hỏi ý kiến ba tao. Dù sao cả đám tụi mày đều đã từng qua xem ké nhà tao rồi nên tất cả bọn mày phải đi theo tao.”

Một thằng trong đám đứng lên, đâu đó trạc tuổi Phát nhưng ốm yếu lại đen nhẻm giơ tay muốn phát biểu ý kiến. Thấy vậy Phát mới hỏi.

“Mày có gì muốn nói hả Thái?”

“Ờ tao...tao muốn nói là mày tính quậy bà Loan thiệt hả?”

“Đúng rồi.”

“Bộ...bộ hết chuyện làm hay sao mà mày xúi nguyên đám đi quậy bả, mày có biết bả hung dữ nhất xóm này chưa?”

“Hừmm, bả hung dữ kệ bả. Tao là con ông Đoàn giàu nhất xóm, bả gặp ba tao phải cúi đầu dạ thưa gặp tao là phải nể vài phần đó.”

Thằng Thái cạn lời ngồi sụp xuống, không ai hết chính Thái mới là đứa hiểu bà Loan là người ra sao. Nguyên nhân là do bà Loan với mẹ nó là bạn học thuở nhỏ, lớn lên họ lại cùng thương một người con trai sau này là ba Thái nên hai người đàn bà hay kiếm chuyện nhau lắm. Mẹ Thái tuy có đanh đá nhưng so với bà Loan không khác gì lấy trứng chọi đá, bởi vậy mẹ nó lần nào gặp cũng toàn mang tức về chửi chồng con, nghe riết rồi quen luôn cái nết của mẹ nó. Thằng Phát cùng đám bạn hoàn toàn không biết chúng đang đối mặt với ai đâu nên đi thành bầy hùng hổ lắm, cả đám ranh đến quán đầu xóm nơi bà Loan đang sửa soạn quán.

“Ê bà kia, ai cho bà mở quán chỗ này?” Phát to tiếng.

Bà Loan nghe động chạy ra thì thấy Phát cùng đám bạn loi nhoi. Bả tưởng gặp phải giang hồ thứ dữ gì đó nên mới đầu bả cũng hoảng, sau định thần lại nhìn kĩ đó là thằng Phát con ông Đoàn làm bả tự tin hẳn ra.

“Con nhà ai mà to tiếng lớn họng quá trời vậy nè?”

“Con ông Đoàn chứ ai!! Nghe nói bà mới sắm vô tuyến mới hả?”

“Ừ, thì sao. Muốn coi ké tivi hay gi?”

Thằng Phát nghe nói tới đây mặt đỏ tía tai toan chụp khúc cây to ba phân vuông dưới chân lên, bà Loan nhìn nó một lúc rồi hỏi tiếp.

“Cầm cây lên để làm gì, tính đập tao hả?”

Bà Loan bình tĩnh quan sát, nguyên đám nhóc nín thở coi thằng Phát định làm gì tiếp theo. Phát mím môi rồi bắt trớn chạy dô vớ khúc cây to toan đập bể cái vô tuyến nhưng làm sao nó ngờ được việc bà Loan đang đi guốc trong bụng thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch. Bả liền tóm cái đuôi rùa của nó rồi nhanh chóng khoá tay thằng oắt con lại bằng một đòn quật vai chuẩn võ sư. Thằng Phát bị khoá tay nằm dính dưới đất la ai ái tìm sự giúp đỡ.

“A...a..a tụi bây...cứu tao vớii....”

Khỏi nói đám nhóc chẳng có đứa nào dám nhào dô giúp thằng bạn mình, cả bọn xanh mặt chạy mất dép vì sợ mình là nạn nhân tiếp theo của bà Loan. Chỉ còn đúng một mình, Phát rên lên hư hử.

“Tha...thả...t....tui..ra..”

Phát rên lên đứt quãng từng hồi, bà Loan thấy thế cũng nương tay không bẻ khớp nó luôn . Bà lật nó lên, cho nằm ngửa trên sàn tra hỏi một chút.

“Ai? Ai sai mày tới đây phá quán tao?”

“Là...là tui tự đến..”

“Ba mày có dạy mày đến đây đập phá đồ đạc người ta không?”

Phát lắc đầu, có lẽ giờ nó mới biết mình đụng trúng ổ kiến lửa thật rồi. Phải chi hồi nãy nó nghe lời thằng Thái thì giờ đâu có cớ sự như vầy. Bà Loan nóng mặt, hỏi nãy giờ mà nó toàn lắc đầu chối leo lẽo làm bà càng nóng hơn, thế là bả phải kí đầu nó hai cái để trừng trị cái thói ương ngạnh, thằng Phát định cãi lại thì bả cốc đầu nó thêm một cái đau điếng nữa, nhưng đâu chỉ có thế là đã xong đâu. Thằng nhóc còn bị xách lỗ tai về nhà nghe bả mắng vốn ông Đoàn. Bà Loan chửi hai cha con cỡ cả tiếng mới đi về, hôm đó về tới nhà thằng Phát còn nhận thêm trận roi mây ông Đoàn khuyến mãi cho chừa cái tội tụ tập phá phách trong xóm để bị mắng vốn.

Sau bữa quậy đáng nhớ đó phải gần tuần lễ sau thằng Phát mới dám ra khỏi nhà vì cái đít đã bớt sưng phần nào. Cái thằng mười ba tuổi đầu còn đi phá làng phá xóm bị trận đòn nhớ đời nên giờ có cho tiền cũng không dám bén mảng tới quán cô Loan làm gì nữa. Vừa thập thò ra khỏi nhà thì nó đã bị ba nó kêu lại.

“Ê tính trốn đi phá nữa phải không? Liệu hồn ngoan ngoãn ở nhà đi.”

Thằng Phát buồn thiu đi dô nhà, nó biết giờ mà nó liều đi có khi bị ba đập cho què giò không chừng. Nói gì chứ ông Đoàn dám lắm, có lần có con mèo lạc dô xóm trộm khô nhà ông mà bị bẻ què cả bốn chân. Nó chứng kiến tận mắt ba nó tự tay làm điều đó rồi còn ném con vật tội nghiệp xuống sông, thằng Phát sợ muốn té đái đến giờ không dám làm gì trái ý ông già.

“Bữa này mày ở nhà không có đi đâu chơi, thằng anh Hai mày nghỉ hè sắp về tới đó.”

Nghe nói tới Phương là Phát quên luôn cả buồn. Ông Đoàn có hai cậu con trai. Nói một chút về Phương là con trai lớn của ông, học trên Sài Gòn mấy năm nay, tướng tá cao ráo mặt mày điển trai cộng thêm giỏi giao tiếp nữa có thể nói không ngoa đây là niềm hãnh diện của gia đình ông Đoàn. Đã mấy mùa hè rồi Phương đều không về vì còn bận bài vở các kiểu, giờ mới thu xếp được năm nay về thăm quê.

Phương về bất ngờ , nghe nói thằng Hai chỉ điện thoại cho biết trước mấy tiếng cho cả nhà chuẩn bị đồ ăn nó thích thôi làm mẹ với chị bếp phải tất bật cả buổi chiều. Thằng Phát ngửi mùi thơm, chạy mon men vào bếp định ăn vụng thì mẹ nó khẽ dùng đôi đũa bếp nhắc nhở là phải đợi anh Hai về tới mới được ăn. Cái bụng đói cồn cào còn ngửi đồ ăn thơm nức làm thằng Phát thèm chảy nước miếng, mặt nó mếu xẹo chạy lên nhà trên nằm chèo queo trên võng. Nó bắt đầu suy nghĩ mông lung một hồi không biết anh Hai về lần này có quà cho mình không, tính nó là vậy hễ ai cho quà là nó khoái hà. Nghĩ tới viễn cảnh nó được tặng chiếc xe tăng đồ chơi như hồi đó Phương hứa trước khi lên Sài Gòn làm nó nôn nào hết sức, đã ba năm rồi chứ ít gì anh hai cứ đi biền biệt làm Phát ngóng muốn dài cổ.

“Anh Hai à, sao lâu quá rồi anh chưa về thăm nhà vậy??”

Ông Đoàn cũng sốt ruột không kém thằng con út. Tuy nãy giờ tỏ ra ung dung chăm chú cắt tỉa mấy cây mai chấn thủy vậy thôi chứ tầm đôi mươi phút là ông lại hoáy cái cổ ra ngõ hóng. Không biết thằng con lớn nhà ông ở trên Sài Gòn có làm nên cơm nên cháo gì không nữa. Nỗi lòng đấng sinh thành ít ai hiểu này đã in hằn lên trán ông Đoàn vài nếp nhăn làm ông càng có thêm mong muốn trùng phùng.

Từ phía xa xa, cái dáng cao cao của Phương từ từ đi hết con đường đất về cuối xóm. Con đường này anh đã quá quen thuộc từ thuở tấm bé. Nhớ hồi nào còn dắt thằng Phát đi khắp xóm mà giờ anh đã trở lại đây với tư cách kẻ xa quê. Ba năm chưa đủ để thay đổi bộ mặt xóm làng, vẫn bao nhiêu mái nhà và bấy nhiều con người đó, điều duy nhất thay đổi đó là Phương đã ôm thêm một bụng kiến thức kinh nghiệm và trải nghiệm được đúc kết trong quá trình sống tại Sài Gòn. Về tới nhà, Phương rón rén đi sau lưng ông Đoàn bịt mắt ông lại mà hỏi.

“Ông già biết tui là ai không?”

“Tổ cha mày, thằng Phương chứ ai!!!”

Cây kéo cắt cây ông cầm rớt xuống đất cái cạch. Có lẽ do bất ngờ mà làm rơi, bàn tay chai sần của ông liền gỡ tay thằng Phương ra để nhìn cho kĩ hình hài con trai mình. Mấy năm rồi chưa gặp lại Phương nên có chút ngậm ngùi nhưng sự cứng rắn của một lão nông đã giúp ông ngăn rơi nước mắt. Thằng Phát thấy anh hai về cũng chạy ra líu ríu.

“Anh Hai về rồi, anh Hai về rồi!!”

“Phát hả cưng, ngó bộ nay phát tướng cao ráo đẹp trai dữ hén, nè lại đây anh Hai cho cái này nè.”

Như biết từ trước, thằng Phát giả bộ bịt mắt chứ nó biết tỏng là gì rồi. Phương lấy ra trong ba lô một cái hộp đựng mô hình xe tăng xanh rằn ri còn thơm mùi nhựa mới, dí dô tay thằng em. Quả nhiên nó vui hết sảy ôm quà anh Hai tặng chạy thẳng dô phòng.

Bữa cơm nhà ông Đoàn hôm đó xôm tụ hơn hẳn dĩ nhiên là do sự xuất hiện của Phương. Chẳng có cao lương mĩ vị gì nhiều, chỉ có món canh chua cá lóc ăn kèm ba rọi kho tiêu mà thôi; cái vui là sự sum vầy của gia đình, là sự có mặt của người con xa nhà trong bữa cơm. Thường thì mọi người vẫn ăn chung nhưng ai làm chuyện nấy. Mẹ và chị bếp sẽ ăn nhanh nhất để còn tranh thủ rửa nồi niêu, còn hai cha con ông Đoàn ăn chậm hơn nhưng ai nấy bữa nay đều không muốn rời bàn quá sớm.

Vợ ông Đoàn – bà Nhàn – là người vui nhất. Gì chứ thằng con quý tử về mà nên bà cứ lén lén nhìn nó rồi cười tít mắt. Điều này không qua mắt chị bếp vốn là chị họ của hai anh em Phương Phát. Mỹ hay còn gọi là chị bếp cho gần gũi vậy thôi chứ ông bà Đoàn trả lương hẳn hoi để lo chuyện bếp núc phụ bà Nhàn đã già đi sau cơn tai biến cách đây bốn năm, không có Mỹ không biết chuyện trong ngoài ông bà lo liệu ra sao.

Sau bữa cơm chiều no căng cả bụng, Phương ngồi uống trà cùng ông Đoàn còn thằng Phát trốn đi đâu mất biệt. Ngoài chuyện hỏi thăm bấy lâu nay Phương ở đâu làm gì học hành ra sao còn là toàn tính tương lai sắp tới.

“Ba nghe nói con học gần xong rồi hả?”

“Dạ, chắc là hè năm sau con tốt nghiệp đó ba.”

Ông Đoàn thoáng chút hài lòng trên gương mặt đã xuất hiện đôi vết chân chim, ai chứ ông tự hào về Phương lắm. Xóm này làm gì có ai sắp sửa làm cử nhân như con ông đâu, mai mốt đây nó sẽ là ông này ông kia ăn trắng mặc trơn ngồi phòng điều hoà rồi chẳng còn cái cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời nữa. Ít ra cả đời ông Đoàn cực lực chỉ muốn đời con cháu sung sướng mà thôi.

“Ra trường rồi có dự tính gì không? Tính làm trên Sài Gòn hay về tỉnh?”

“Dạ...dạ...điều này còn chưa tính tới ba ơi.”

“Đi đâu cũng được, ở đâu con phát triển được con chữ thành kiến thức nuôi sống bản thân được thì làm, chớ có quên nguồn cội là được rồi.”

“Dạ...” Phương đáp lại nhát gừng.

Ánh tà dương từ từ đổ gục xuống lũy tre đầu làng. Cả xóm chẳng mấy chốc lại tập hợp lại thành hai nhóm, một nhóm đi lên đầu xóm tụ họp ở quán cô Loan xem đá bóng hoặc chương trình ca nhạc theo yêu cầu tùy hôm; nhóm còn lại có vẻ cao niên hơn thì đi xuống nhà ông Đoàn xem cải lương hoặc phim truyền hình dài tập. Xóm thuở ấy thú vui chỉ có nhiêu đó, vô tuyến truyền hình như một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi đêm xuống nhất là mấy dịp có mấy tuồng cải lương nổi tiếng hay mấy trận cầu đinh, dân xóm tụ lại coi không còn chỗ trống có người còn phải trèo lên cây để hóng hớt.

Xem ở nhà ông Đoàn được cái tivi to chắc tầm hai mốt inch gì đó, nhưng gặp thằng Phát bà con lại không ưa. Tính nó cậy của cha mẹ nên phách lối dữ lắm chẳng nể nang ai, hễ ai làm nó gai mắt là nó đuổi thẳng cổ luôn bất kể già trẻ trai gái làm ông Đoàn mấy lần phải đi tới nhà xin lỗi bà con. Sở dĩ dân xóm còn chấp nhận cái nết thằng Phát chắc chỉ đến từ việc ông Đoàn thường xuyên cho bà con xem miễn phí coi như góp phần nâng cao đời sống tinh thần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Họ không nhịn nhưng vì nể ông Đoàn nên mới tha mấy lần cho thằng Phát, hôm nó bị bà Loan đập tơi tả dân xóm hả hê lắm vì cuối cùng nó cũng bị trừng phạt, thật là đáng đời thằng ôn con.

Trái lại với ông Đoàn thì quán cô Loan lại dùng vô tuyến như một hình thức kinh doanh. Cô Loan không có chồng dù có nhiều người làng trong xóm ngoài để ý nhưng cô không có ưng bụng, sau này nhờ chăm chỉ làm ăn tích góp được một khoản kha khá mở quán. Sau nhiều năm làm ăn học hỏi xa xứ, biết xóm có ít nhà có điều kiện nên cô Loan mạnh dạn chi lớn để mở quán mua loa đài vô tuyến kéo khách tới. Quả nhiên là có tác dụng, đám thanh niên trong xóm kéo lại quán nườm nượm. Nếu ông Đoàn phục vụ cải lương với phim truyền hình cho bà con thì cô Loan với tiết mục bóng đá đầy thu hút nhanh chóng gây nên tiếng tăm, quán từ lúc mở cửa lúc sáng sớm cho tới khi đóng cửa lúc tối mịt không khi nào vắng khách. Phần nhiều người ta đến quán vừa để nhâm nhi li cà phê cô Loan châm bằng vợt ngon nhức nách, số khác đến chỉ để coi đá bóng. Năm đó đội Manchester với anh chàng Beckham đẹp trai lãng tử gây ấn tượng mạnh với những chiến thắng và danh hiệu cao quý, khỏi nói ai mà đến quán cô Loan hỏi ra đều là người hâm mộ anh chàng, ai mà lỡ mồm lỡ miệng nói “tui không thích thằng tóc vàng” hay “tui hâm mộ đội khác” là liền bị nhận vài ánh mắt hình viên đạn ngay tức thì. Cô Loan nắm bắt ngay tâm lí liền cho dán hình ảnh anh chàng số bảy lên vách, từ đó nhóm nữ tú cũng mò đến quán ngắm anh chàng đẹp trai. Trai xóm bên nghe vậy có vài anh lân la qua uống cà phê coi đá banh nhưng đa phần là đi tia gái. Nhiêu đó thôi mà đã khuấy động bầu không khí xóm làng đỡ buồn tẻ hơn trông thấy.

Phương về xóm hơn tuần cũng nhận ra sự tương phản, bản thân nó thích cái không khí nhộn nhịp ở quán cô Loan hơn. Có mấy bận nghe ngang qua nó muốn dừng lại vào quán xem thử thế nào, nhưng lại ngại sự xét nét từ bà Loan. Dù gì em nó mới quậy quán bả một trận tơi bời khói lửa mà, giờ vác cái mặt tới có khi bả đập luôn cho bỏ tức quá.

Đám con nít trong xóm vẫn chơi chung với Phát, nhưng giờ kêu tụi nó bén mảng đến quán cô Loan là tụi nó rén cực độ. Sau bữa nghịch dại đó, Phát ngoan ngoãn hẳn ra tìm thằng Thái nói chuyện lân la làm thân.

“Ê bữa đó mày nói hay ghê, tao xong bữa đó bị bả với ông già đánh te tua luôn.”

Thằng Thái không thèm dòm Phát, nó khinh khỉnh giọng mà nói hắt qua.

“Ai biểu mày không nghe tao, bị đập như vầy mày mới hiểu ý tao.”

Con Hạ nhỏ xíu con tầm mười một mười hai gân cổ lên nói.

“Anh Phát bị oánh như vậy có đau hong anh?”

“Đau thấu trời luôn, tụi mày cứ nghĩ bị cốc đầu mấy cái coi.”

Rồi thằng Phát kể về trận đòn nhừ tử mà bà Loan tặng nó hôm đó. Cả đám nhóc vừa sợ vừa tò mò nghe theo từng chi tiết thằng Phát kể, trong đó có không ít tình tiết nó tự bịa ra như chống trả kịch liệt hay đá gãy cái bàn nào đó chứ thực tế thì nó nằm xụi lơ cho cô Loan cốc đầu thôi. Nói xạo là thế chứ tụi nhóc nghe xong đứa nào đứa nấy tin sái cổ luôn, cũng tại hôm đó tụi nó chạy trước bỏ mặc Phát chịu trận mà nào có hay nó phải chịu những gì đâu. Phát miệng cười nói chứ tâm nó buồn dữ lắm, ai ngờ đám bạn tin tưởng nhất lại bỏ của chạy lấy người đâu.

Phương từ ngày về xóm cuồng tay cuồng chân lắm, chuyện trong nhà nó hoàn toàn không biết gì mà phụ. Từ nhỏ tới lớn chỉ biết ăn với học nên đâm ra lười chuyện chân tay, ông Đoàn thấy nó như thế hài lòng ra mặt. Đối với ông Đoàn hễ đã là đàn ông con trai thì chí phải lớn tâm thức luôn mặc định làm chuyện lớn. Có ngày nào ông Đoàn không khoe Phương với làng trên xóm dưới đâu, đi tới đâu là ông khoe con tới đó. Cũng có vài nhà có con gái bắt đầu nhắm Phương cho vai trò con rể tương lai, biết anh chàng này nhà giàu lại có học thức nên bắt đầu để ý từng cử chỉ hành động. Tuy là ngoài mặt bình chân như vại vậy thôi chứ nó cũng lo chứ, điển trai như dân Sài Gòn ở xóm này là của lạ không ai sánh bằng nếu đem so với mấy anh trong xóm chân lấm tay bùn. Nó sợ người ta thích nó cũng như sợ mấy anh trong xóm tưởng nó có ý tranh giành lại đấm một trận tan tác.

Đợi ông Đoàn về tới, Phương liền lân la đến trò chuyện.

“Ba ơi, con có chuyện muốn nói!!”

“Nói đi con, ba nghe.”

“Ba đừng có khoe con là cử nhân này nọ nhiều quá, con sợ người ta ghét mà sanh chuyện không nên nữa.”

“Trời ơi, mày sợ chuyện không đâu vậy con.”

“Ba biết đó, nhà mình nếu xét về ruộng vườn thuộc diện giàu nhất xóm rồi đâu có tránh nỗi thị phi được đâu. Lỡ như có đứa muốn...”

Ông Đoàn cắt ngang câu nói ngay tức thì.

“Người ta ghét mình thì đã sao? Con nên nhớ nhà mình giàu nhất xóm, chẳng ai muốn sanh sự làm gì cả con à. Chắc học cái thói cẩn trọng mới học trên Sài Gòn hả.”

“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu mà ba. Không phải hồi nhỏ ba hay dạy con như thế sao?”

Ông Đoàn im lặng hồi lâu, nhìn Phương bằng một cái nhìn khác hẳn mọi hôm. Hoá ra bao lâu ông vẫn xem nó như con nít mà quên mất thằng con cả đã hơn hai mươi mất rồi. Phương nói chuyện có phần nghiêm nghị hơn bình thường.

“Con còn có chuyện chưa yên tâm, đó là thằng Phát. Con nghe nói hôm bữa nó phá quán dì Loan hả ba?”

“Ừ, tao mới đập nó một trận bữa đó. Mới nứt mắt ra là học đòi thói đại ca rồi.” Ông Đoàn thở dài một hơi đầy phiền muộn “Người ngoài không biết lại nói nhà này toàn dạy ra cái thứ hách dịch mất dạy.”

Phương hoàn toàn hiểu những điều ba mình vừa nói. Mấy ngày qua tận mắt quan sát Phát làm Phương đủ hiểu thằng em mình nó đang tuổi ương bướng mà cha mẹ sắp dạy không nổi nữa, một ý định chợt nảy lên trong đầu anh.

“Ba à, con có ý này.”

Phương ngồi xuống rỉ tai ông Đoàn, không biết cậu Hai nhà ông nói gì mà từ rầu rĩ thì cơ mặt ông giãn ra hài lòng như vừa trút bỏ cả tấn gánh nặng. Ông Đoàn liền gật đầu tán thành ý kiến của con trai.

“Ba thấy cũng được, dù gì con học Đại học mà chắc sẽ biết nhiều cái hay hơn ông nông dân này.”

“Ba đừng nói vậy, dù gì con cũng phải nhờ ba cho ăn học mới có ngày hôm nay mà.”

Hôm sau Phát bị dựng dậy lúc sáu giờ, bình thường nó sẽ ngủ tới chín giờ sáng mới thức. Không biết chuyện gì xảy ra mới phải thức sớm nên nó dùng dằng cất tiếng nhừa nhựa như mấy ông xỉn quắc cần câu.

“Anh Hai à... giờ còn tối mà...cho em ngủ thêm miếng đi...hồi tối em bị thiếu ngủ...”

“Mặt trời sắp lên đọt cây chuối rồi mà ngủ, dậy đi.”

Phát cố rướn người vớ lấy đồng hồ, quả nhiên mới sáu giờ nên nó càng có cớ dùng dằng nhiều hơn.

“Cho người ta ngủ thêm chút nữa đi...”

“Vậy là muốn biện pháp mạnh phải hong?”

Phát gục xuống giường định nướng thêm một chút thì nó hưởng nguyên xô nước lạnh như đá. Khỏi nói nó vừa la làng vừa khóc nước mũi tèm lem.

“Anh Hai....anh Hai toàn ăn hiếp em thôi....hức hức...”

“Ai biểu kêu muốn rả họng mà mày không chịu dậy chi. Ngủ riết làm biếng mập thây.”

Phát hậm hực vì giấc ngủ bị gián đoạn, cái miệng ngáp một tràng dài chưa từng thấy. Nó bắt đầu làu bàu.

“Bữa nay nhà có chuyện gì mà anh kêu em thức sớm dữ vậy.”

“Đi đánh răng đi rồi mày sẽ biết.”

Đánh răng rửa mặt xong, Phương dẫn Phát đi lên đầu xóm. Chỗ quán cô Loan mới vừa mở cửa chưa có khách nên vắng hoe, mới tới gần Phát bắt đầu hoảng nép sau lưng anh trai.

“Anh Hai ơi, sao tự nhiên hai dắt em lên đây dạ hay là mình dìa đi...em sợ...”

“Sao dìa, đi tới đây mà còn đòi dìa. Có tin bị kí đầu không?”

Thế là bất chấp thằng Phát vừa sợ vừa lo vì cái vụ nó từng quậy quán, Phương cứ thế dẫn nó đi vào chọn một chỗ ngồi thuận tiện xem vô tuyến rồi kêu cô Loan châm cho ly cà phê đá thật đậm.

“Đen đá ít đường nhe cô. Cho con xin thêm cái ly nhỏ luôn.”

“ Ái chà nay không biết ngọn gió nào thổi rồng đến nhà tôm uống cà phê vậy he?”

Cô Loan vừa bưng ly cà phê ra vừa hỏi, Phát cúi mặt vì xấu hổ còn Phương vô tư trả lời.

“Dạ tại con muốn uống cà phê cho tỉnh ngủ đó cô. Phải có mỗi buổi sáng con mới tỉnh táo nguyên ngày được.”

Phương vừa nói vừa sớt ly cà phê ra cái ly nhỏ cho thằng Phát còn mình thì uống trong cái ly lớn.

“Nè uống đi. Ngon lắm đó.”

Ban đầu Phát còn ngại không dám hớp, nhưng nhìn anh mình uống một lèo cạn sạch cả ly lớn làm nó cũng tò mò nâng ly nhỏ lên uống. Quả nhiên anh nó không hề nói xạo, uống có chút xíu là cả người Phát như có thêm một nguồn năng lượng mới, cơn buồn ngủ tưởng chừng dai dẳng lắm đã bay biến đi tự bao giờ.

“Ủa anh hai ơi, em hết buồn ngủ rồi nè. Mà sao cái này nó ngon dữ quá trời quá đất luôn.”

“Đó, tao có nói dóc mày bao giờ không?”

Cô Loan nhìn hai thằng cũng phì cười rồi lại tất tả dọn mấy cái ghế mấy cái bàn ra. Quán sáng sớm mới có hai thằng nên cũng không ồn ào lắm, Phương cứ thế thong thả rót trà thêm vào ly rồi đưa cho Phát.

“Nè uống cái này đi.”

Phát uống ngay tắp lự, nó như được giác ngộ ra sao cái món ngon này đến bây giờ mới được thưởng thức cứ luôn miệng khen ngon quá miết làm Phương có mấy lần nhắc khéo nói nhỏ thôi. Cô Loan đi vào thấy Phát như vậy quên cả mệt nhìn Phát say sưa.

“Sao rồi, ngon vậy rồi còn tính tới phá quán tui nữa hong?”

Phát nghe vậy chỉ lí nhí trong miệng, tay giật giật áo anh trai như cầu cứu.

“Dạ...dạ...con không dám...”

“Coi cái thằng đàn ông con trai gì mà bẻn lẻn như con gái vậy, biết lỗi sửa lỗi là được rồi.”

Cô Loan mỉm cười không ghẹo Phát nữa mà chuyển sang hỏi chuyện Phương.

“Phương nè, học gì trên Sài Gòn mà lâu quá không thấy về vậy mậy? Con Thúy nó nhắc mày suốt đó.”

“Ủa sao cô biết?”

“Thằng Thái em nó bữa nào chẳng chạy qua nhà tao ăn chực đâu. Lâu lâu con Thúy cũng sang mượn món này món kia nên tao biết, có gì đâu mà lạ.”

“Ở trển con bận lắm, vừa học vừa làm mà cô, có bữa còn không có thời gian ăn nữa. Giờ Thúy đang làm gì vậy cô Loan?”

“Ai mướn gì làm đó à con ơi. Gia cảnh không đủ điều kiện để cho nó học lên cao nữa, học hết phổ thông là xong rồi đó.”

Nghe xong Phương chỉ biết im lặng, có lẽ giờ anh chỉ biết buồn cho số phận cô bạn thuở bé không thể tiếp tục con đường học vấn mà đã phải bươn chải để phụ gia đình. Ký ức hồi nhỏ còn đọng lại về Thúy chắc là cô bé dễ mến học giỏi một buổi đi học trên trường, một bữa ra chợ phụ mẹ bán hàng bông. Trải qua mấy năm nhưng những ký ức đó giống như đã lâu lắm, nếu hôm nay cô Loan không nhắc lại chắc anh cũng quên mất rồi. Nghĩ tới đây mà giận mình hết sức.

“Thúy vẫn còn ở trong xóm mình đó con. Nếu mày muốn gặp nó cứ tới nhà nó, tao nói trước là chưa chắc ba của nó cho mày gặp đâu à nghen.”

“Ba của Thúy bị làm sao ạ?”

“Thằng cha Tám nghiện rượu, có đồng nào là tiêu hết vào rượu chè. Hôm bữa lên bệnh viện khám mới phát hiện ra là ung thư gan giai đoạn cuối, giờ chỉ chạy chữa thuốc Nam cầm chừng thôi. Mẹ cái thằng, lúc trẻ nghiêm túc giỏi giang bao nhiêu về già báo vợ báo con bấy nhiêu. Từ ngày ổng đổ bệnh là mọi gánh nặng kinh tế dồn hết lên hai mẹ con, thằng Thái thì còn nhỏ chưa kiếm ra tiền được khổ hết chỗ nói.”

Phát nãy giờ nghe cuộc trò chuyện giữa cô Loan và anh Hai kể như cũng hiểu chút vấn đề. Hoá ra thằng Thái có hoàn cảnh éo le như vậy, thế mà chơi với thằng còi đó bấy lâu Phát lại không biết rõ. Có lẽ trong thâm tâm một đứa quậy đục nước đó vẫn còn chút đồng cảm với bạn mình. Nó lại gần day day tay anh Hai như muốn cầu xin.

“Anh Hai à, thằng Thái dù gì cũng là bạn của em. Thôi thì một lát anh dẫn em qua thăm ba nó một chút nha...”

“Ờ...thì...” Phương ấp úng.

“Thằng nhỏ nói phải đó, tao thấy bây về mấy bữa nay rồi mà không qua thăm nó cũng buồn lắm chứ. Giờ coi như tao nhờ bây đi thăm ba con Thúy giùm, đây nè đưa cái này cho nó..”

Cô Loan đi tới cái tủ lấy ra hai đòn bánh tét nhét dô tay Phương, trong chốc lát anh đơ người ra chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cô Loan nói tiếp.

“Coi như là mày mang đến cho nó, đừng có nhắc tới tên tao không mẹ nó lại cự cho một trận đó.”

Phương gật đầu ra vẻ hiểu ý, cô Loan thở phào vì cuối cùng nó cũng tỏ được cái ý cái tứ trong câu nói.

“Con xin phép cô về, tiền nước nhiêu vậy cô?”

“Để đó đi, mai tính. Tao biết nhà ông Đoàn nên không sợ mày quỵt đâu con.”

Hai đứa đi thong thả về cuối xóm trên con đường đất gần nhà nhưng thay vì về nhà thì tụi nó thì rẽ sang con dẫn ra ruộng, đi hết đường lại tiếp tục đi xuống bờ sông men theo đó tìm căn nhà lá xập xệ của gia đình Thúy. Nói nhà cho sang chứ thực tình chỉ là căn chòi lá ven sông có mảnh đất nhỏ phía trước trồng vài bụi mười giờ, mặt giáp đường. Đi đến trước cửa nhà, Phát tự nhiên kêu lên gọi thằng Thái.

“Thái ơi, mày có ở nhà không Thái?”

“Có... có ... tao ra liền.”

Cái dáng ốm nhách của Thái nhanh chóng ra mở cổng đón hai anh em vào nhà, Phát nhìn sơ cái chòi lá nát của gia đình thằng Thái mà cảm thán.

“Trời ơi, sao mày dám ở đây vậy?”

“Sao em nói kì cục vậy?”

Phương cố bịt miệng em mình nhưng không kịp nên chỉ biết cười trừ ái ngại giùm. Thái nghe nói vậy liền cười cười.

“Phải nhà tao có tiền cũng dô xóm ở cho vui, chứ ở đây buồn thấy mồ. Sao bữa nay mày qua đây kiếm tao chi vậy, còn dẫn anh Hai mày qua đây nữa.”

“Tao dẫn anh tao qua đây kiếm chị Thúy đó, trước thăm ba mày sau là tìm chị Thúy.”

Trong dạ muốn kêu trời nhưng Phương đành bất lực nhìn thằng em ruột để ngoài da hết trơn. Chắc là tại anh quên nói cho nó trước nên mới xổ hết mục đích tới đây luôn cho thằng Thái.

“Rồi rồi, tao hiểu rồi. Để tao chạy ra sau nói với chị Thúy.”

Một lát sau, Thúy bước lên gặp hai anh em. Thái thấy vậy liền khều thằng Phát ra chỗ khác chơi. Hai thằng coi bộ cũng hiểu chuyện, thoáng chốc đã mất dạng vào xóm tìm lũ bạn rồi.

“Phương ngồi đi..”

“À..ừm, đây là...đây là quà tui mới mua.”

Phương ngại ngùng đưa cặp bánh ra cho Thúy, thấy vậy cô chỉ biết cười, hai tay cô đón hai đòn bánh tét trông có vẻ trân quý lắm đặt lên dĩa để đó. Sau đó cô lấy dao chia 1 đòn bánh ra từng khoanh nhỏ vừa ăn rồi đưa Phương đang đứng hình mất mấy giây một miếng.

“Nè ăn đi, đợi tui đút nữa hả.”

Nhận lấy miếng bánh, anh chàng cắn ba lần mới hết một miếng mà không hề để ý đến việc Thúy đã ăn chưa. Hai thằng nhỏ tưởng chừng đã vào xóm chơi nhưng không, tụi nó núp sau một cái cây lớn rình hai anh chị xem coi có động tĩnh gì không. Ở tại đây Thái rỉ tai hết mọi sự tình cho Phát nghe.

“Bộ chị Thúy thích anh tao thiệt hả?” 

“Hình như là vậy đó. Ê ê, tao hỏi chút. Bộ anh mày đói dữ lắm hả, nguyên miếng bánh dày cỡ đó mà ổng cắn có ba cái là hết mẹ rồi.”

“Sáng giờ ổng có ăn gì đâu mà không đói mậy.”

Hai ông thần cứ thế lén nhìn anh chị mình người cắt bánh, người thì ngồi ăn tự nhiên như ở nhà mà không hề hay hai cặp giò bị kiến bu đen bu đỏ cắn, gãi mỏi hai cái tay. Thằng Phát tự nhiên thấy bực, độp luôn một phát vào tay thằng Thái.

“Ông nội này sao toàn ăn với ăn không vậy nè. Ăn nãy giờ rồi chưa no hay gì?”

“Chứ ổng đói mà, mày không biết câu có thực mới vực được đạo sao? Nhưng mà ổng no, còn tụi mình thì...ngứa..”

Hai thằng bị kiến cắn đau quá vừa dậm chân vừa phủi chạy đi sang chỗ khác hóng chuyện tiếp. Trong nhà, Phương vừa ăn vừa ngồi nhìn Thúy không chớp mắt. Mới có ba năm không gặp mặt mà nhìn Thúy thay đổi đi nhiều quá, mới hôm nào anh còn thấy cô bạn trông trẻ con biết bao với hai cái bím tóc hai bên trong bộ áo dài trắng mà giờ này nhìn lại trông có nét trưởng thành hơn nhiều với đôi lúm đồng tiền duyên dáng cộng thêm vài chỗ tàn nhang trong bộ bà ba nâu cũ trông thật mộc mạc đáng yêu. Thấy Phương nhìn chằm chằm như vậy, Thúy ngượng chín cả mặt  giọng lí nhí.

“Phương à, sao nhìn tui hoài vậy? Bộ trên mặt tui dính lọ nồi hả?”

“À không, mặt bạn không dính gì đâu, chẳng qua là tui lâu ngày không gặp bạn nên mới nhìn vậy thôi...”

“Hứ, người gì đâu mà đi biền biệt, bỏ bạn bỏ bè đi miết trên Sài Gòn, làm gì còn nhớ tui đâu..”

Câu nói nửa hờn nửa dỗi này làm Phương khá khó xử, phần vì anh chỉ mới ngờ ngợ ra cảm tình của Thúy đôi khi sợ rằng bản thân ngộ nhận vị trí trong lòng đối phương lúc đó xấu hổ không biết nên giấu mặt vào đâu.

“Đừng có kêu tui là bạn nữa nghen, gọi Thúy là được rồi.”

“Ờ thì..vậy cũng được bạn ...à Thúy..”

Thúy mỉm cười đứng dậy bước đi vào trong chỉ còn Phương một mình ngồi nghĩ vẩn vơ. Đến khi Thúy trở lại Phương mới tiếp tục trò chuyện.

“Ba Thúy khoẻ không? Thật ra hôm nay tui đến đây để thăm chú .”

“Phương tới muộn quá, sáng sớm má tui đã đưa ba lên thầy Huỳnh ở xóm bên rồi. Nghe nói là thăm khám gì đó, nhưng hôm bữa lên bệnh viện bác sĩ khám ra giai đoạn cuối rồi nên gia đình cũng chuẩn bị tâm lý hết rồi.”

“ Tui đến đường đột quá .”

“Không sao đâu, dù gì ba tui bị bệnh cũng là do nghiện rượu nặng mà không phải tự nhiên đâu.”

“Ừ vậy thôi, Phương xin phép về trước. Hôm nào khác gặp lại Thúy sau!”

Thúy mỉm cười đi theo tiễn Phương một đoạn về tới đầu xóm, anh đành về xóm một mình mà không biết hai thằng nhỏ đứng rình bên ngoài không dám hé đầu ra. Đợi tới khi chị Hai về, thằng Thái mới đi vào nhà cười cười nói với chị nó.

“Chị Hai đừng lo, sớm muộn gì ảnh cũng hiểu tấm lòng của chị mà.”

Thúy thở dài rồi xoa đầu Thái một hồi lâu mà không để ý Phát cũng đang có mặt ở đó. Nó cứ như tượng đứng trân trân chẳng lên tiếng làm cho Thúy khi nhìn lại cũng có chút giật mình, đến lúc Thái đứng gãi làm Thúy nhận ra tụi nó bị kiến cắn đỏ cả chân.

“Phát lại đây chị xức dầu cho nè, tội nghiệp hai đứa nãy giờ rình ngoài cái cây to đằng kia phải không? Chỗ đó toàn là kiến lửa đó.”

Hai đứa được Thúy xức dầu cho đỡ ngứa, thằng Phát coi vậy chứ nó còn bực anh Hai nãy giờ chẳng hiểu chuyện gì hết trơn, vậy mà không biết sao mà ba lại khen ảnh dữ thần vậy chứ.

“Anh Hai đúng là đầu đất mà!!”

“Phát, không được hỗn nghe chưa. Dù Phương không hiểu chị nhưng cưng cũng không được nói vậy nghe hong!”

“Dạ, chị Hai..”

“Cưng gọi vậy là còn quá sớm đó, chị với anh chưa là gì của nhau mà, hàng xóm nghe thấy người ta cười cho.”

“Không được, em phải đi nói với anh Hai thôi, ảnh khờ mấy vụ này lắm.”

Thúy không thể ngăn Phát lại. Hôm đó thằng nhỏ ngồi ở nhà Thúy tới trưa mới về tới, việc đầu tiên nó làm khi về nhà là kiếm anh Hai ngay nhưng ngặt nỗi là ảnh đã theo ba đi thăm ruộng mất rồi. Qua mấy ngày sau đó, nó cùng với Phương sánh bước đi đến quán cô Loan mỗi buổi sáng. Tại đây nó được anh Hai hướng dẫn xem bóng đá; bữa thì anh phổ biến về luật lệ, có hôm anh khái quát về chiến thuật trong bóng đá. Bao nhiêu niềm vui mới với những trận bóng gần như bất tận quá cuốn hút Phát, cộng thêm việc có được trái banh da làm nó quên mất phải nói gì với Phương luôn.

Sau đó cứ mỗi buổi chiều là thằng Phát lại cùng thằng Thái và tụi nhỏ trong xóm đá banh trên cánh đồng mới gặt lúa xong còn thơm mùa rạ. Đâu đó còn có mấy ụ khói đốt đồng ở xa phảng phất vài đốm tàn tro vào không khí. Tụi nhỏ chia làm hai đội chơi với nhau, đội thằng Thái với đội thằng Phát, được cái là Phát toàn chọn những đứa bự con cho đội mình, chừa lại mấy đứa ốm nhom cho Thái do đó mà tụi thằng Thái thua nhiều hơn. Thường thì Phương ngồi trên bờ đất lặng lẽ quan sát trận đấu không cân sức với một ánh mắt hồn nhiên đến lạ, thiếu điều chỉ còn nhảy xuống chơi cùng tụi nhỏ mà thôi, thế nhưng anh nào đâu hay từ xa cũng có một người con gái đang dõi theo anh từ chiều cho đến tối mịt.

Tụi nhóc đứa nào đứa nấy dù thắng hay thua thì lúc nào cũng cười rạng rỡ nhất là thằng Thái. Có lẽ đây là khoảng thời gian nó cảm thấy vui vẻ trở lại sau bao ngày vì gia cảnh khó khăn đã lấy đi sự hồn nhiên đáng lẽ nó phải sở hữu. Ít lâu sau đó, chú Tám ra đi vì không còn chống chọi nổi với bệnh tật. Ngày hôm ấy, cả nhà tất bật chuẩn bị hậu sự nào hay nó ngồi một góc lặng lẽ nhìn chiếc quan tài được đặt ở hiên nhà. Cả xóm đến chia buồn cùng gia đình Thúy nhìn cảnh nhà chú thím Tám khó khăn nên mỗi người đều góp một ít để gia đình lo liệu hậu sự được thêm chu toàn.

Sau đám tang, thím Tám vì cám cảnh nghèo khổ ở quê nên đã lên Sài Gòn tìm việc làm. Ở nhà chỉ còn Thúy và Thái nương tựa vào nhau. Cô Loan thấy thế thì đưa cả hai đứa về ở cùng mình luôn, Thúy phụ bưng bê pha nước còn Thái cũng rửa ly đỡ đần chị mình. Quán cô Loan vẫn đông đúc như mọi khi, có lúc ba người làm không xuể công việc nhưng tuyệt nhiên chẳng có lời lớn tiếng nào được thốt lên. Đợi mãi đến khi thật sự rảnh rỗi, Thúy ngồi lại trò chuyện tâm tình với cô Loan hòng giải đáp thắc mắc trong lòng bấy lâu nay.

“Cô Loan , tụi con lóng ngóng hay làm đổ đồ bể ly mà sao con không thấy cô la hay rầy tụi con vậy?”

“Chửi mắng bây rồi có làm cho cái ly lành lại được hong? Với lại bây cũng đâu cố ý ,ly lỡ bể cũng đã bể rồi, thôi thì mình mua cái ly mới về dùng.”

Thúy gật gù, lòng cảm kích nhìn cô Loan không chớp mắt. Cô thấy thế thì gợi chuyện nói tiếp.

“Sắp hết hè rồi đó, bây với thằng Phương nhắm có tiến tới được hong để tao mừng coi.”

“Con...con cũng hong biết nữa. Anh Phương có vẻ không hiểu tâm ý của con.”

“Chưa gì mà mày kêu nó bằng anh rồi...”

“Con...con kêu cho quen sau để này đỡ bỡ ngỡ.”

“Mày có chắc là nó để ý đến mày không con? Dù gì con người ta cũng là sinh viên học trên Sài Gòn lại thuộc dạng con nhà khá giả đó. Tao sợ nó lên đó rồi quen người mới làm dở dang đời mày thì khổ lắm đó con.”

“Con tin chắc anh Phương không phải là dạng người như cô nói đâu.”

Ngày qua ngày, ấn tượng của Thúy đối với chàng sinh viên Phương càng sâu đậm. Anh ấy hoàn toàn không phải dạng thư sinh ăn trắng mặc trơn, càng không cậy tiền cậy bạc khoe khoang phách lối với xóm làng. Cả xóm gần như ai cũng quý Phương, ngay đến cả thằng Phát trước đây quậy phá đục nước sau một thời gian gần anh Hai cũng trở nên ngoan ngoãn hơn nhiều. Đám con nít trong xóm cũng mến, mỗi khi gặp anh là tụi nhỏ chí choé năn nỉ kêu anh kể chuyện trên trời dưới đất. Đối với Thúy thì Phương là người trong mộng, còn ngược lại thì Thúy không biết, dù đã nhờ thằng Phát dò hỏi anh nó nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy hồi đáp gì.

Mỗi buổi chiều, Thúy lại ra bờ đất ngắm nhìn người thương đến tối lại về với gương mặt ủ dột. Ai hỏi tới thì cô cũng nói không có gì. Làm sao có thể nói rõ nỗi lòng thiếu nữ đã ôm ấp bao năm cho cậu bạn thuở thiếu thời được đây, không chỉ là vấn đề hèn sang mà còn là chênh lệch về học thức. Nghĩ tới đây thôi mà Thúy đã muốn trực trào nước mắt không dám nghĩ thêm gì nữa.

Những tiếng ve râm rang của mùa hè dần dần lặng ngắt, mấy cây phượng già cũng rủ bỏ lớp áo đỏ rực rỡ mà thay lại mình chiếc áo xanh mơn. Thế là lại thêm một mùa hè nữa đã qua, lũ trẻ trong xóm cũng chuẩn bị đi học lại. Phát với Thái vào chung một lớp nên chơi càng thân hơn trước, mỗi ngày đi học là thằng Phát lại vần con xe đạp mới mua đèo theo thằng Thái tới trường cho đỡ công chị Thúy đưa rước. Mùa hè kết thúc cũng là lúc mà tâm trạng Thúy rối bời nhất, đứng trước lựa chọn mạnh dạn bày tỏ hay chôn chặt những ý niệm trong lòng dành người con trai đầu tiên cảm mến. Sự phân vân dày vò tâm trí cô gái trẻ ghê gớm, đôi khi điều đó làm cô chểnh mảng công việc làm cô Loan phải nhiều lần nhắc nhở.

“Bây coi làm công chuyện cho cẩn thận đi, ở đây nước sôi không đó coi chừng phỏng.”

“Dạ con nghe rồi.”

Thúy còn nhớ buổi sáng cuối cùng Phương đến quán là một ngày mưa to, mới sáng sớm mà trời đã phủ kín mây đen gió quật tứ tung. Cô Loan tối hôm trước đã lên tỉnh lấy hàng còn thằng Thái về thăm quê ngoại nên sáng nay chỉ còn mình Thúy ở quán. Nhìn thấy bầu trời như vậy, Thúy nghĩ trong bụng trời có khả năng mưa to nên cô quyết định đóng cửa quán bữa nay thì có người tới gõ cửa quán.

“Thúy ơi, mở cửa cho tui với.”

Nghe tiếng người thương, cô chạy lại hé cửa chỉ đủ để lách người qua thôi. Thấy Phương ướt sũng, Thúy bắt đầu hỏi han.

“Sao Phương đến đây giờ này?”

“Tui hôm nay sẽ lên Sài Gòn nè, nhưng ngặt nỗi mưa to quá nên tui ghé vào quán trú mưa sẵn tiện uống ly cà phê cho tỉnh táo.”

“ Vậy đợi tui một chút nha.”

Thúy nghe vậy loáy hoáy pha cà phê, sau đó bưng ra cho Phương một ly đen đá không đường.

“Đây nè, uống đi. Khỏi phải tính tiền đâu.”

“Ủa vậy sao được? Buôn bán phải tính tiền chứ!”

“Bữa nay quán nghỉ, ly này coi như tui mời Phương.”

“Vậy coi sao được?”

“Không sao đâu, mà lần này Phương đi bao giờ mới về?”

“Tui không biết nữa, chắc cũng lâu đó.”

“À mà nè, nếu Phương có gặp mẹ Thúy thì cho tui gửi lời hỏi thăm nhe. Mẹ đi mấy tháng nay không thấy liên lạc gì nên tui lo lắm.”

“Sao Thúy không cùng tui đi lên Sài Gòn luôn, người nhanh nhẹn giỏi giang như Thúy chắc chắn sẽ tìm được công việc tốt ở trên đó mà.”

“Cảm ơn lòng tốt của Phương nha.” Thúy đáp lại. “Nhưng tui còn thằng Thái ở đây mà, mẹ đi làm rồi mà nó đang ở cái tuổi cần người kèm cặp dạy dỗ, nên tui không thể rời khỏi đây được.”

“Tui hiểu ý của Thúy mà. À có điều tui muốn nói là tui rất mến Thúy đó.”

Phương uống cạn ly cà phê sau đó để lại tiền, bên ngoài quán mưa vẫn vần vũ từng chập nhưng anh bước đi như chẳng có gì xảy ra. Thúy đợi cho đến khi bóng lưng anh đi khuất ra cửa mới đưa mắt dõi theo. Dường như có thứ gì đó trong Thúy vừa chớm nở, phải chăng đó là hy vọng vào một tương lai đôi lứa đồng thời cô cũng có chút luyến tiếc vì chưa kịp bày tỏ tâm tư với Phương nữa mà anh đã đi mất rồi. Giờ đây hai người đã ở hai nơi, Phương lên Sài Gòn học tiếp còn Thúy ở lại quê hương.

Chiều hôm đó cô Loan về đến nhìn thấy Thúy buồn xo ngồi trong góc, mắt còn có vẻ như mới khóc làm cô Loan phải hốt hoảng hỏi rõ sự tình.

“Có phải bây mới gặp thằng Phương phải không? Đã nói gì với nó chưa?”

“Dạ, ảnh mới đến hồi sáng nói là phải lên Sài Gòn lại rồi. Con...con còn chưa nói gì là ảnh đi mất rồi..” Thúy vừa lắc đầu vừa nói.

“Đợi bây nói là người ta về tới trển rồi con, thôi ngồi xuống đây tao kể cho bây nghe chuyện này.”

Hai cô cháu ngồi xuống, cô Loan hít một hơi thật sâu chau mày tựa như cau có để nhớ lại ký ức của nhiều năm về trước. Hồi đó cô thiếu nữ tên Loan nổi tiếng đẹp nhất xóm tuy là dân làm ruộng làm rẫy nhưng nước da cô trắng ngần, gương mặt trái xoan thêm nụ cười duyên dáng khoe chiếc răng khểnh làm xao xuyến con tim biết bao trai xóm, nhiều đứa con trai thời đó luôn ao ước được rước Loan về chung nhà lắm nhưng có lẽ trái tim cô đã đặt nơi anh Tám thợ hồ rồi. Cô thầm thương anh Tám lâu lắm nhưng cứ lần lựa không mở lời mãi đến lúc biết anh đã đem lòng yêu người khác. Ngày hay tin đó Loan suy sụp dữ lắm, đã có lúc cô muốn kết thúc cuộc đời này vì không được bên cạnh người thương. Sau đó anh Tám thành đôi với chị Tám, cả hai đều nghèo nhưng chí thú làm ăn lắm quần quật suốt ngày để có cuộc sống tốt hơn, kết tinh tình yêu của họ là Thúy và Thái lần lượt ra đời. Cô Loan dù buồn dù tiếc nhưng vẫn âm thầm chúc phúc cho hai người, đôi khi nhìn người mình thương ở bên người con gái khác làm thói khó ở nổi lên nên cô hay cự nự với chị Tám một chút rồi thôi. Sau đó cô Loan bỏ đi nơi khác làm ăn, phải gần hai năm nay mới quay trở lại chốn cũ. Thấy người xưa nay đã ngã bệnh vì thói rượu chè cô cũng muốn đến thăm lắm, dù vậy sợ đôi bên khó xử nên đành thôi.

“Chuyện này con từng nghe mẹ kể rồi. Nghe nói mẹ con và cô cự nhau mấy trận dữ lắm hả?”

“Dữ gì, tại má bây hay chọc ngoáy tao chứ bộ chứ tao có đá động gì bả đâu. Giờ má bây ra sao rồi? Mấy nay có tin tức gì chưa?”

Thúy chỉ lắc đầu, từ lâu rồi mà mẹ Thúy chưa có thông báo gì nên Thúy cũng lo lắm. Có lần cô nhờ mấy người trong xóm hỏi thử nhưng đều chỉ nhận lại những cái phẩy tay hay lắc đầu làm Thúy chỉ biết bất lực trong vô vọng.

“Có phải do con không lo được cho gia đình nên mẹ con mới đi không?”

“Không đâu con, chắc là do mẹ con bận quá nên mới vậy thôi. Đừng có lo.”

Cô Loan nói vậy trấn an Thúy thôi chứ trong lòng cô không khi nào yên tâm tự hỏi không biết thím Tám có gặp chuyện gì không. Chứ đời nào có chuyện một người sờ sờ ra đó vừa lên Sài Gòn một phát là mất biệt, hoặc cũng có thể là do sự xô bồ của thành thị đã làm người ta quên mất quê hương xứ sở rồi chăng. Nghĩ đến thôi đã thấy lo lắng, sợ rằng mai này con Thúy không biết sẽ ra sao đây khi không còn ai bên cạnh.

Thời gian thấm thoáng thoi đưa, năm năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Quán cà phê ở đầu xóm đã được sang lại cho Thúy do cô Loan đã qua đời do một cơn đau tim trong giấc ngủ. Mộ phần cô Loan được chôn cất bên cạnh anh Tám cha Thúy như một nghĩa cử an ủi cô Loan suốt đời cô đơn nay đã được nằm cạnh người thương. Thím Tám vẫn không có chút tung tích suốt bao nhiêu năm qua dù Thúy có tìm bằng nào đi chăng nữa thế nên cô cũng đã từ bỏ hy vọng tìm kiếm, chắc giờ ở một nơi nào đó mẹ vẫn sẽ sống vui vẻ hết phần đời còn lại. Xóm nhỏ vẫn chỉ có bấy nhiêu mái nhà, chỉ có con người là nhiều tuổi hơn. Thằng Thái giờ đã lên tỉnh học cơ khí, gia đình ông Đoàn cũng đã chuyển lên Sài Gòn sống cùng Phương. Giờ đây nhắc về Phương thì trong người con gái ấy chỉ còn chút ký ức thời đi học thần tượng anh bạn cùng lớp học giỏi đẹp trai và tử tế. Cứ thế những nhớ nhung dày vò Thúy nhiều đêm, nỗi tiếc nuối từ năm ấy vẫn còn đè nặng trong lòng vì lời yêu chưa kịp nói ra. Ngẫm lại cuộc đời Thúy có phần giống với cô Loan, thương người ta nhưng không thể nói ra để cho một đời lỡ dỡ.

Xóm nhỏ bây giờ không còn những lúc tụ hợp lại xem bóng đá nên quán đâm ra ế ẩm,người ta nói vui có lẽ từ ngày cô Loan ra đi cô đã mang theo cái vía đắt khách của quán xuống cùng rồi. Hằng ngày dân xóm vẫn thấy Thúy chăm chỉ mở cửa quán, lau dọn sạch sẽ bàn ghế, tận tụy châm từng ly cà phê vợt ngon bá cháy nhưng tiết mục xem bóng đá đã bớt đi nhiều khách rồi, chắc là vì thần tượng của họ đã rời đi khỏi đội bóng áo đỏ nào đó tận bên nước Anh xa xôi. Thêm nữa là chiếc tivi xa xỉ ngày nào đã trở nên dễ mua hơn nên nhà ai cũng sắm hẳn một chiếc xem cho sướng.

Đã có nhiều lần mấy người vì tội nghiệp mà muốn sang lại quán cà phê ế ẩm đó để xây lại thành quán nhậu nhưng lại bị Thúy từ chối thẳng thừng. Dù gì quán nhỏ này cũng là tâm huyết cả đời của cô Loan, Thúy không thể tự tiện bán đi chỉ vì vài đồng tiền được. Hơn nữa Thúy luôn muốn giữ quán cà phê đó như một nơi để cô bám víu vào chờ một cơ hội để gặp lại Phương, biết đâu vì thấy quán còn ở đây anh ta sẽ ghé lại chốn xưa nơi có Thúy – người con gái dại khờ- chờ đợi.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi êm như nước ròng nước lớn. Đâu đó ở xóm những cuộc đời mới vẫn tiếp tục được sinh ra lớn lên rồi lại tìm cách vươn ra bên ngoài rời khỏi quê hương để kiếm ăn, không ít người thành công nhưng cũng có nhiêu người thất bại. Mỗi khi nghe thấy tin ai đó về xóm, Thúy lại hy vọng đó là Phương trở về, và lần nào cũng thất vọng. Quán nhỏ vẫn ở đó, nhưng người cô chờ vẫn biệt tăm. Thanh xuân lặng lẽ trôi nhanh như nước qua cầu, bất chấp việc làng trên xóm dưới có nhiều người để ý Thúy đi chăng nữa thì người con gái ấy vẫn trông ngóng về bóng hình người xưa. Đôi khi cô ngồi suy nghĩ không biết liệu người ta có nhớ đến mình không, hay đã ấm êm hạnh phúc, rồi chỉ nhận lại sự trống vắng trong tâm hồn khó có ai lấp đầy được.

Tuổi xế chiều cuối cùng đã ghé tới hỏi thăm Thúy, cô thiếu nữ trẻ đẹp ngày nào đã trở thành một cô trung niên neo đơn với đôi mắt mờ dần theo thời gian. Có lẽ di chứng của những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh đã từng chút một cướp đi ánh sáng cuộc đời mất rồi. Quán cà phê mà cô quyết duy trì cuối cùng cũng không trụ nổi mà đành phải sang lại, sức khoẻ đã không còn cho phép cô Thúy tiếp tục được nữa. Chú Thái giờ đã trở thành chủ một cửa hàng điện máy ăn nên làm ra trên tỉnh, đã có mấy lần xin rước chị mình về cho tiện chạy chữa nhưng đều bất thành vì chị không muốn rời khỏi căn nhà năm nào gia đình họ cư ngụ.

“Chị sẽ không rời khỏi đây đâu, Thái à đừng tốn công như vậy nữa.”

“Chị Hai ở lại đây có phải là đợi anh Phương quay về không? Chị đừng nhớ tới con người đó nữa, chỉ tổ thiệt thân thôi.”

“Chị Hai biết chờ đợi người ta hồi đáp lại tình cảm đơn phương cũng giống như dã tràng xe cát biển Đông vậy, chắc tại năm đó chị nhút nhát không dám nói cho người ta biết được chân tình nên người ta mới biệt tung biệt tích vậy thôi. Mà giờ có lẽ người ta vợ con đuề huề rồi cũng nên.”

Nói xong bà Thúy cười một nụ cười nhẹ nhàng, bà cười cho sự nhút nhát thời trẻ cũng có thể là nụ cười chấp nhận thực tại nếu năm đó trong lòng ông Phương có bà thì có lẽ cả đời bà chẳng dùng để chờ đợi như vậy .Chú Thái im lặng nhìn ra bên ngoài hàng cây bằng lăng vẫn đang nở rộ bông tím, dù là người con xóm này nhưng đây là lần đầu chú thấy loài hoa tím man mác buồn rụng rơi từng cánh hoa như vậy. Nhìn chị quờ quạng chú xót lắm, nước mắt một người đàn ông cứ thế chảy dài trên gương mặt đã có nhiều nếp nhăn. Làm sao để chú có thể nói rõ sự thật về người thương của cô Thúy đã không còn ở trần đời này nữa đây, rồi cô sẽ sống phần đời còn lại như thế nào.

Nhiều năm về trước có một vụ tai nạn giữa xe khách liên tỉnh và xe công ten nơ, nghe nói toàn bộ người trên hai xe đều bị ngọn lửa nuốt trọn. Không một ai thoát khỏi, trong số khách tử nạn đó có Phương, năm đó anh vừa mới tốt nghiệp loại xuất sắc đang háo hức trên đường về lại xóm nhỏ tìm Thúy. Tiếc là đám cháy quá lớn chẳng còn xót lại gì từ Phương cả, thời điểm đó gia đình ông Đoàn đã chuyển đi khỏi xóm còn người trong xóm biết chuyện đó qua báo đài nhưng họ bán tin bán nghi không dám nói cho Thúy biết, có lẽ họ sợ phải thông báo điều khủng khiếp đó cho cô gái trẻ. Cứ thế mà cô gái cứ đợi chờ cho hết tuổi xuân qua đi, chờ cho tới lúc bệnh tật hành hạ vẫn nhớ tới bóng dáng người xưa.

“Chị Hai à, em muốn đưa chị đến chỗ này.”

“Đi...đi đâu...” cô Thúy quờ quạng.

“Đi thăm mộ cô Loan, đã lâu rồi em không về xóm nên muốn ghé qua thắp nhang cho cô và ba.”

Chú Thái bế chị mình lên xe rồi chạy thẳng đến nghĩa trang, chẳng mấy chốc mà tìm ra hai ngôi mộ xi măng nằm cạnh nhau. Bên trái là của ba và bên phải là của cô Loan, chú lấy bó nhang trong xe ra rồi dẫn chị mình đi đến viếng hai người. Nhưng không chỉ có nhiêu đó thôi, đằng sau hai ngôi mộ còn có một ngôi mộ được đắp bằng đất có dựng cái bia dán hình Phương đã bạc màu theo sương gió.

“Chị hãy thắp nhang cho ngôi mộ này đi.”

“Mộ này của ai vậy?”

“Một người bạn của em và thằng Phát, em không dám thắp nhang cho nó vì sợ nó lưu luyến trần gian không chịu đi đầu thai.”

Cô Thúy không nghi ngờ gì, nhận lấy cây nhang do chú Thái đốt rồi cắm lên ngôi mộ đất đó. Chú Thái không kiềm được nước mắt chứng kiến đôi lứa trùng phùng ở hai bờ âm dương, đây là điều đáng lẽ chú phải làm từ nhiều năm rồi nhưng chú sợ chị mình sẽ không chịu nỗi kích động nên mới dây dưa tới lúc này đây. Đôi mắt mù loà của cô Thúy không còn thấy di ảnh trên ngôi mộ gió, cũng không hề biết đó là mộ của ai.

“Chị Hai có mong muốn gì sau này không?” chú Thái sục sùi.

“Chị mong sau này sẽ được nằm cạnh anh Phương, như cô Loan vậy đó.”

“Được, được thôi...”

Nói xong chú Thái lại dìu cô Thúy lên xe về lại căn nhà lá ven sông nơi hai chị em lớn lên cùng nhau. Từ đó chú sống bên cạnh chăm sóc chị mình cho tới ngày chị qua đời. Xóm nhỏ dù giờ đã dư dả hơn xưa, không còn cái cảnh phải coi ké tivi nữa nhưng đôi khi những người cao niên đi qua đầu xóm lại nhắc về quán cà phê trực tiếp bóng đá năm nào có món cà phê vợt ngon hết nấc cùng với người con gái chung thủy chờ đợi mối tình đầu rồi lại buồn buồn trong lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro