Chap 1


Cậu bé ấy đứng lặng bên cửa sổ, đôi mắt to đen láy nhìn ra khoảng trời xám xịt phủ mây mưa. Căn phòng nhỏ nơi góc tầng hai của ngôi nhà ông bà ngoại luôn ngập mùi gỗ cũ, pha lẫn hương thuốc cảm và tiếng tivi rè rè vọng từ dưới bếp. Ngoài kia, những giọt nước rơi như tiếng thì thầm của điều gì đó không gọi được thành lời, như chính Ryu Minseok lúc ấy, sáu tuổi, vừa mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn máy bay không ai ngờ tới.

Người lớn nói em may mắn vì không có mặt trên chuyến bay ấy. Nhưng với Minseok, chẳng có gì gọi là may mắn khi một buổi sáng tỉnh dậy, cả thế giới thân quen đã biến mất như cánh cửa sập lại và không ai giải thích được vì sao.

Ông bà ngoại đưa em về sống trong căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô. Cậu bé chẳng nói nhiều, chỉ yên lặng quan sát thế giới như thể nó quá ồn ào, quá lớn so với hình hài nhỏ bé và trái tim vụn vỡ của mình.

Ryu Minseok mang vẻ ngoài đặc biệt: vóc dáng gầy gò, nước da trắng như tờ, gương mặt lúc nào cũng phảng phất nét lặng buồn. Người ta dễ nhầm em là một đứa bé còn học mẫu giáo, dù sau này đã lên cấp ba em vẫn bị lầm tưởng là học sinh lớp dưới. Có lẽ vì dáng hình ấy mà em dễ dàng trở thành mục tiêu cho những trò trêu ghẹo ở trường.

- Bố mẹ mày chết rồi, giờ còn ai mà bênh vực thứ lập dị như mày nữa đây?

Ai đó nói lớn sau lưng khi Minseok lặng lẽ mở hộp cơm trưa. Những lời nói như dao cứa, để lại vết sẹo trong lòng chứ không hề tan theo thời gian. Mỗi khi về nhà, em chỉ khép cửa, vùi mình vào trong góc phòng, không mở miệng với ai. Ông bà cũng đã có tuổi rồi, thương em nhưng chẳng biết cách để có thể ít nhất là chạm được tới thế giới khép kín ấy.

Một hôm, trong lúc dọn lại kho cũ, Minseok tìm thấy một hộp màu nước đã khô cứng và vài cuốn ký họa cũ của mẹ. Trên đó là những nét vẽ đơn sơ, những ghi chú nhỏ bằng nét chữ nghiêng dịu dàng.

"Tranh là một cách để nói mà không cần lời."

Dòng chữ ấy nằm cuối một trang giấy, khiến em ngồi thẫn thờ rất lâu.

Tối đó, lần đầu tiên Minseok xin ông ngoại một bộ màu mới. Ông chỉ gật đầu, không hỏi lý do, nhưng ánh mắt như lóe lên chút sáng nhẹ nhõm nào đó. Và từ hôm đó, từng chút một, màu sắc bắt đầu len lỏi vào cuộc sống câm lặng của cậu bé mồ côi.

Em vẽ trong lặng im, hệt như cách sống của mình. Những bức tranh đầu tiên chỉ là khối màu tối, những bóng người không rõ mặt, những cơn mưa triền miên như không dứt. Và ông bà đã sớm nhận ra một điều: những gì em vẽ không giống những nét nghịch ngợm của trẻ con. Nó có trật tự, có chiều sâu và biểu cảm như thể em đang kể chuyện bằng màu sắc.

Không ai dạy Minseok cách phối màu, cách lên bố cục, nhưng em dường như biết. Tài năng ấy không phô trương mà tĩnh lặng như một dòng suối ngầm. Em nhìn một vật, cảm một cảm xúc, rồi biến tất cả thành tranh – một cách tự nhiên như hít thở.

Giáo viên mỹ thuật đầu tiên thấy tranh em đã thốt lên: "Em sinh ra là để vẽ". Nhưng Minseok không quan tâm tới lời khen. Với em, hội họa không phải để giỏi, nó là cách để em sống sót.

Nhưng chẳng điều gì có thể giúp em thoát khỏi tầm mắt của bọn bắt nạt.

Ban đầu chỉ là những câu xì xào khi đi ngang qua hành lang: "Thằng nhóc mồ côi", "Trông như con gái ấy". Rồi là những ánh mắt liếc ngang đầy mỉa mai, cặp sách bị ném ra khỏi lớp, hộp màu bị giấu đi. Có hôm, chúng cố tình làm đổ nước vào bài vẽ của em, sau đó cười ha hả: "Ủa, tưởng họa sĩ thì phải biết tránh mưa chứ?"

Mỗi lần như thế, Minseok chỉ cắn răng cúi đầu, lặng lẽ gom lại những mảnh vụn mà em từng cố dồn hết cảm xúc vào.

Có lần, mọi chuyện tệ hơn.

Em đã dành cả tuần để vẽ một bức tranh — người mẹ với mái tóc buông dài, nụ cười dịu hiền mà trí nhớ trẻ con đã bắt đầu làm mờ. Em muốn mang tranh nộp cho cuộc thi nhỏ của trường. Nhưng khi mở cặp ra vào sáng hôm ấy, em chỉ thấy những mảnh giấy bị xé nát, vò nhàu, dính keo bẩn và nước mực lem luốc. Có ai đó còn viết lên một góc tranh: "Mẹ mày chết rồi, mày cũng nên chết theo đi".

Cơn choáng váng quét qua như một cú đấm. Tim em đập loạn, cổ họng nghẹn cứng. Em chỉ đứng lặng giữa hành lang, tay run run ôm lấy đống giấy rách, ánh mắt không dám nhìn ai, không thể khóc.

Hôm đó, em không vào lớp. Em trốn trên sân thượng, gió lồng lộng và những tiếng cười ở dưới sân vang lên như thể chúng đến từ một thế giới em không thuộc về.

- Con không sao đâu bà, chỉ là không cẩn thận làm rách thôi ạ.

Em nói thế khi về nhà, gói những mảnh tranh lại và nhét vào ngăn bàn, rồi đêm đó giấu nước mắt vào trong gối, như mọi lần.

Từ đó, em không vẽ người thân nữa. Em sợ cảm xúc của mình bị giẫm đạp, sợ một lần nữa, những thứ mong manh nhất bị biến thành trò đùa dưới tay kẻ ác ý.

Tuổi thơ em trôi đi như vậy. Một bóng dáng nhỏ lặng lẽ, tay cầm cọ, mắt cúi xuống mặt giấy, làm quen với nỗi đau đang mòn rút trái tim em từng chút một trong khi thế giới vẫn xoay vần với tốc độ của những người không kịp nhìn thấy nỗi đau của người khác.

Đến cấp hai, những bức tranh của Minseok bắt đầu thu hút sự chú ý trong trường. Một số thầy cô gợi ý cho em tham gia câu lạc bộ nghệ thuật của thành phố, nhưng em từ chối. Em không muốn giao tiếp, càng không muốn bị nhìn như một "thiên tài buồn bã".

Nhưng rồi, năm mười bốn tuổi, một lần cô giáo chủ nhiệm bí mật gửi tranh của em tham dự cuộc thi toàn thành phố. Đó là bức vẽ một đứa trẻ đứng dưới tán cây mùa đông, chỉ có bóng lưng và những vệt màu đỏ sẫm rơi như máu. Không ai hiểu hết được bức tranh ấy, nhưng giám khảo đã trao giải cao nhất cho em với nhận xét: "Bức tranh này không chỉ là kỹ thuật, nó còn là một tiếng kêu thầm từ một trái tim cô đơn."

Lần đầu tiên Minseok bước lên bục nhận giải, giữa ánh đèn. Dưới khán đài, ông bà em ngồi ôm nhau với hàng nước mắt chảy dài. Và giữa tiếng vỗ tay, em đã ngẩng mặt, không mỉm cười nhưng trong mắt em, có ánh sáng của một tia hy vọng mong manh.

Tài năng không làm em hết buồn, nhưng nó cho em một lối đi. Một con đường âm thầm mà vững chãi, nơi mà em không cần phải nói mà vẫn được lắng nghe.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro