17. Kí ức đau lòng
Tôi tự dưng không nói thêm được gì, hắn thấy bên tôi im lặng thì mới tiếp lời.
"Ở yên nhà, anh mang cho ít đồ đến."
Sợ hắn phát hiện tôi đang ở trong bệnh viện sẽ tức phát điên lên rồi mắng tôi nên tôi phải kiếm cớ để né tránh.
"Em không sao thật mà, em ổn, anh cứ làm việc đi, nào rảnh thì qua cũng được."
"Không, anh không yên tâm."
Hắn lúc nào cũng thế, lúc nào cũng không yên tâm về tôi dù cho mọi người ai cũng nghĩ tôi là một đứa trẻ cẩn thận và luôn tin tưởng giao cho tôi những nhiệm vụ quan trọng. Bởi vì thế mà trước đây dù trong lớp tôi không nói nhiều nhưng vẫn có một vị trí quan trọng nhất định, tiếng nói của tôi nhất định sẽ được mọi người lắng nghe bởi ai cũng biết nó là thông tin quan trọng và đáng để tiếp thu.
"Ở yên nhà cho anh, năm phút nữa anh đến."
Tôi cứ như gặp ma, cuống cuồng hết cả lên nhanh nhanh chóng chóng ra lấy thuốc rồi gọi xe đi về. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến mức tôi không nghĩ ngợi được gì, chỉ biết rằng việc mà mình cần làm bây giờ chính là trở về nhà ngay lập tức trước khi mà Phạm Hải Đăng đến nhà tôi.
Lúc tôi về đến nơi thì thấy đối phương đang ở trước cửa nhà rồi, tôi vội vàng giấu túi thuốc vào trong túi xách rồi đi lại gần hắn.
"Sao đến nhanh thế?"
"Em vừa đi đâu về? Không phải bảo là đang ở nhà sao?"
Hắn quét một đường từ trên xuống dưới người tôi rồi lại nắm lấy bả vai tôi xoay đi xoay lại xem có xây xát sứt mẻ tí nào không. Thấy tôi vẫn ổn thì hắn mới thở phào, ngang nhiên cướp chìa khóa phòng tỏrong tay tôi mở ra đi vào bên trong.
Hắn đặt một túi đồ lớn lên trên bàn ăn, tôi nhìn sơ qua thì toàn thịt, cá, rau với nguyên một túi bóng to đùng đồ ăn vặt và một túi thuốc bổ nữa. Hắn hất mặt với tôi, nói.
"Nhiệm vụ của em trong một tuần phải ăn hết số đồ ăn này và không được phép quên uống số thuốc bổ kia."
Tôi rén ngang, nhiều như thế làm sao mà tôi ăn hết cho nổi, kiểu này là phải tìm cách đi cho thôi chứ cái đống to đùng trước mặt này tôi phải ăn một tháng may ra mới có dấu hiệu vơi cạn.
"Không làm được."
"Em mà không uống đừng có trách anh."
"Em uống hay không anh làm gì mà biết được."
Tôi vẫn cứ tin tưởng rằng hắn sẽ không biết được những gì tôi làm đâu vì chúng tôi đâu có ở chung nhà, hắn không thể kiểm soát được mọi hành động của tôi cho được, nhưng hình như tôi thấy sai sai rồi sao ấy, mặt hắn nhìn tôi đểu lắm, ý cười còn lộ rõ.
"Sao em lại nghĩ anh không biết được thế?"
"Anh lắp cam trong phòng em hả?"
Tôi hoài nghi với suy nghĩ của chính mình, ngó qua ngó lại tìm kiếm xem căn phòng yêu quý có điểm gì thay đổi không. Cơ mà dù có có thì tôi cũng tìm thế quái nào được, công nghệ hiện đại rồi, camera nó bé tí tẹo như cái mắt muỗi, mắt tôi phải là kính hiển vi thì may ra mới có thể soi được chính xác vị trí của nó ở đâu. Phạm Hải Đăng nhìn tôi đáp lời.
"Chính nhân quân tử không ai làm thế đâu cô nương ạ."
"Anh có phải chính nhân quân tử gì đâu, tiểu nhân mới đúng ấy chứ."
Rất nhanh, hắn tiến lại gần phía tôi, ép tôi về sát góc tường, ánh mắt cười cợt thấy rõ. Tôi hoảng, cứ lùi dần về phía sau cho đến khi lưng đập vào tường thì cảm nhận thấy có một bàn tay ấm áp đang đặt ở phía sau đỡ lấy người tôi.
"Anh... anh định làm gì?"
"Làm chuyện mà tiểu nhân hay làm ý, em bảo anh không phải chính nhân quân tử mà, anh nhất định không thể để em nhận định sai về anh được."
Xong đời tôi luôn, cái tên đáng ghét đấy cứ nhìn chằm chằm vào tôi, tôi phải nghiêng đầu né tránh vì tôi thực sự rất rất không thích nhìn sâu vào trong ánh mắt ấy.
Nó sẽ ám ảnh lấy tôi không tôi, gợi cho tôi những kí ức thật đau lòng, và xen lẫn trong đó có cả những niềm vui hiếm hoi và ít ỏi.
"Thôi đi, biến đi, ghét."
Tôi cố gắng để thoát khỏi người con trai đối diện mình nhưng sức của tôi đâu thể so với hắn cho được, lồng ngực tôi căng cứng cảm tưởng như sắp không thể thở được nữa rồi.
"Xin anh đấy, buông em ra."
Tôi lên tiếng cầu xin, giọng nói ủy khuất đến kì lạ, thật may mà hắn cuối cùng cũng buông tôi ra thật. Tôi vội chuồn vào trong nhà vệ sinh, ngụp mặt vào làn nước mát lạnh để giảm đi cái nóng từ hai bên má.
Tôi thay quần áo rồi mới đi ra, cứ ngỡ hắn sẽ tự giác về rồi cơ nhưng không, con người lì lợm đấy vẫn cứ ngồi trơ trơ trên giường tôi, tay còn đang động vào quyển sổ tôi để trên mặt bàn.
"Để xuống cho em."
Như tên lửa lao đến, tôi giật lấy quyển sách ôm về phía mình. Nó có thể xem như là bảo bối của tôi vậy, ghi chép lại hết những điều mà tôi muốn làm, những suy nghĩ mà tôi muốn nói ra nhưng lại chẳng có cách nào làm được, lại cũng chẳng biết nên nói cho ai, sau cùng chỉ có thể gửi gắm nó qua những con chữ, cất gọn nó vào một góc nhỏ trong trái tim.
"Gì mà bí mật thế?"
"Chuyện con gái, anh cần biết làm gì? Hỏi vớ hỏi vẩn."
Hắn bĩu môi rồi chuyển sang nhõng nhẽo.
"Anh đói rồi, muốn ăn cơm."
"Tự đi mà nấu."
"Thôi, anh góp gạo vào rồi, nấu cơm chung đi."
Mặt hắn hiền hòa hơn ban nãy rất nhiều, tự giác xắn tay áo vào bếp vo gạo nấu cơm. Tôi phì cười, cất đồ rồi cũng đi vào góc bếp nhỏ cùng hắn vặt rau, thái thịt. Chúng tôi nhìn qua cứ như một cặp vợ chồng son vừa mới cưới, tíu tít đứng trêu nhau làm rộn cả một góc bếp. Không biết đã bao lâu rồi nơi đây mới có thêm bóng dáng của một người con trai đến chơi, lại càng không biết được đã bao lâu rồi căn phòng nhỏ của tôi mới có những trận cười sảng khoái đến như thế.
Chính tôi cũng không nhớ nổi nữa.
Có lẽ cũng đã mấy năm rồi...
Từ trước đến nay tôi luôn là người nấu ăn trong nhà nên có thể nói tài năng cũng gọi là tạm ổn, chẳng hạn có đi lấy chồng cũng không đến mức đốt bếp rồi bị nhà chồng đuổi cổ trả về nơi sản xuất.
Tôi cũng khá thích nấu ăn nữa, lúc nào cũng mè nheo bà nội dạy cho tôi cách nấu mấy món mà bà thường hay làm. Những lúc như thế tôi lúc nào cũng rất chăm chú, rồi tôi sẽ dùng những gì mình nhớ được để bắt tay vào thực hiện ngay.
Ngày hôm ấy, sau khi kết thúc ca học buổi sáng, Phạm Hải Đăng vẫn cùng tôi về nhà như thường lệ. Hôm đó là rằm tháng chín, cũng rơi đúng vào ngày có bốn tiết nên chúng tôi được về sớm hơn mọi ngày chừng một tiếng. Bà nội tôi cũng bảo lúc về qua chợ mau ít đồ về nấu thắp hương nên tôi dẫn hắn đi cùng với mình ra chợ Ninh.
Hắn có vẻ hứng thú lắm, vừa đi vừa hỏi này hỏi nọ xem cái này là gì cái kia là chi, đôi lúc hắn hỏi ngu đến mức tôi chẳng buồn đáp lời.
"Anh chưa đi chợ bao giờ hả?"
Tôi hỏi, hắn gật đầu ngốc nghếch.
"Ừ, nhà anh chỉ ăn đồ ở siêu thị thôi."
Lại là một câu nói toát ra mùi tiền nồng nặc... tôi cũng ra vẻ giống như mấy bà mấy bác hay nói để giảng giải cho hắn một vài thứ. Nào là đừng nên ăn đồ siêu thị nhiều làm gì, rau củ chẳng mấy sạch sẽ đau, phun thuốc trừ sâu nhiều đấy, rồi thịt gà ở đó toàn gà công nghiệp thôi, thịt của nó mủn mủn chứ không được dai dai như gà tự nuôi,...
Hắn chăm chú nghe như muốn nuốt trọn từng con chữ, tôi cảm thấy lúc đấy hắn còn chăm chỉ hơn khi hắn ở trên lớp nghe cô giáo giảng bài nữa ấy.
Khi hai đứa tôi về nhà thì gặp ông bà nội của tôi đang đứng ở ngoài cổng, trông thấy đứa bạn hiếm hoi mà cháu gái đưa về thì cũng ngạc nhiên rồi chuyển sang mời mọc hắn ở lại để ăn cơm cùng.
Thế mà hắn đồng ý thật, không cần bà tôi phải mời lần thứ hai. Tôi tặc lưỡi lắc đầu, chê hắn, cơ mà tên này cứ cười cười. Bà tôi hất mặt ra hiệu với tôi, lên tiếng.
"Dương, bảo bạn vào nhà đi con, còn một ít nữa là xong rồi, bà làm nốt cho."
"Vâng. Còn ít nào thì bà để đấy, con xắng nốt cho, bà nghỉ đi kẻo mệt."
Tôi đưa hắn vào bên trong, cũng có phần hơi ngại ngùng vì căn nhà nhỏ bé của mình. Nó được xây cách đây lâu lắm rồi, nhìn bề ngoài có phần cũ kĩ nhưng bên trong không hề tồi tàn, ông bà tôi yêu căn nhà này lắm nên lúc nào cũng chăm sóc, vun vén để cho nó sạch sẽ và tươm tất nhất có thể.
"Nay nhà anh không làm cơm cúng ạ?"
Tôi hỏi bâng quơ, hắn lắc đầu, miệng thì đáp nhưng ánh mắt thì đang nhìn xung quanh căn nhà nhỏ.
"Bố mẹ anh bận lắm, có những cái Tết còn không có nhà nữa cơ mà, mấy ngày này có là gì."
Chợt tôi cũng thấy hơi chạnh lòng, đến những khoảnh khắc để có thể sum vầy cùng gia đình như thế mà hắn cũng không có được, thật tội nghiệp. Chí ít, tôi vẫn còn có ông bà tôi...
"Mà bố mẹ em đi làm hả?"
Câu hỏi của hắn đưa tôi lạc đến những miền cảm xúc không mấy tốt đẹp, cổ họng tôi nghẹn đắng lại. Bố mẹ là cấm kị của tôi, dường như tôi sẽ không bao giờ nhắc đến họ và cũng không có hề muốn nhắc đến. Lòng tôi lạnh ngắt nhưng sau cùng tôi cũng phải nuốt nó vào bên trong thôi, chứ tôi không dám trách hắn, hắn cũng không có biết chuyện đó mà, tôi chưa từng kể.
"Bố mẹ em li hôn năm em lớp một, hai năm sau bố em cũng tai nạn mà qua đời, vậy nên em mới sống với ông bà nội."
"Vậy mẹ em chưa từng về thăm em hay sao?"
"Bà từ bỏ em để đi tìm kiểm một cuộc sống mới."
Khóe mắt tôi rưng rưng, khoảnh khắc mà tôi cầu xin bố mẹ đừng li hôn năm ấy vẫn cứ rõ mồn một trong tâm trí tôi suốt bao nhiêu năm nay không hề có dấu hiệu sẽ mai một, phai mờ đi một chút nào cả.
Đó là một buổi chiều đầy nắng ấm, khi tôi đang đi chơi với đám trẻ con trong xóm thì nghe thấy tiếng mấy bác hàng xóm bàn tán về gia đình tôi, loáng thoáng có câu.
"Hình như bố mẹ con bé Dương li hôn, đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, tôi nghe bảo sẽ để nó với ông bà nội để hai ông bà ấy nuôi. Khổ thật đấy, con bé còn bé tí mà đã phải chịu cảnh này rồi!"
Tôi hoảng hốt vội vàng từ bỏ cuộc chơi để về nhà, tôi sợ lắm, vừa chạy vừa khóc thút thít, nước mắt như không cánh mà rơi, chảy tòng tòng hai bên má. Tôi hiểu chuyện từ bé nên những chuyện mà các bác ấy nói, tôi hiểu hết, bởi vậy tôi mới phải ba chân bốn cẳng đi về nhà.
Tôi đã nghĩ đến giây phút tôi về nhà thì họ đã bỏ đi hết cả rồi...
Thật may, bố mẹ tôi vẫn đang ở đó, nhưng ánh mắt họ nhìn nhau chẳng có chút ưa nhau nào cả, giống như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương luôn vậy.
Tôi vội lao đến, nắm lấy tay mẹ tôi, gào mồm lên rất lớn.
"Bố mẹ đừng thế, con xin hai người đó, nghĩ đến con, có được không?"
Tôi đã cầu xin họ rất nhiều lần, nhưng sự cố gắng của tôi giống như nước đổ lá khoai vậy, không hề có một chút tác dụng nào cả.
Mẹ cúi xuống, nói nhỏ với tôi rằng:
"Bố mẹ đã không còn tình cảm với nhau nữa, tiếp tục níu kéo chỉ làm khổ nhau thôi con à. Dương ngoan, sau này con sẽ hiểu, vậy nên con ngoan ngoãn ở lại với bố và ông bà nội nhé, mỗi tháng mẹ sẽ gửi tiền cho con."
Tiền á, tôi chẳng cần đâu, cái tôi cần là một mái ấm cơ, tôi không muốn làm một đứa trẻ có một gia đình thiếu vắng bất kì một thành viên nào cả.
Rồi mẹ bỏ cánh tay nhỏ nhắn của tôi khỏi người mẹ, mẹ xách vali một mạch đi thẳng.
Ngày hôm đó, tôi đã gọi mẹ rất nhiều, tôi đã hét rất khản cổ nhưng người phụ nữ sinh ra tôi ấy lại chẳng một lần quay đầu nhìn lại.
Bà thực sự đã vứt bỏ tôi thật rồi...
"Xin lỗi em vì đã khiến em nhớ về những kí ức không mấy đẹp đẽ."
Hắn xin lỗi, kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ đau lòng bủa vây, tôi lắc đầu rồi đi vào trong phòng nhỏ của mình cất đồ gọn gàng. Trước khi vào, tôi nói với hắn.
"Anh cứ ngồi chơi đi nhé, khát nước thì tự rót, em ra giúp bà một chút."
"Anh cũng muốn đi."
"Thôi, anh là khách mà, không cần động tay động chân làm gì cả, việc của anh là ăn là được rồi."
Tôi đã nói thế rồi mà hắn vẫn không chịu nghe, lúc tôi ra làm nốt thì cũng chạy ra theo. Ông bà tôi thấy hắn vui vẻ cũng nói chuyện rất nhiều, hắn còn trêu ông bà khiến họ cười như nắc nẻ.
Rồi đôi khi hắn lại quay sang nhìn tôi cười một cách ngốc nghếch, tôi cũng cười lại với hắn.
Khoảnh khắc ấy, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm thật nhiều.
Tính ra chơi với hắn cũng có nhiều cái lợi ấy nhỉ?
Chẳng biết nữa, tương lai còn dài mà, chuyện gì đến đâu ai mà biết được.
Nhưng những giây phút ngày rằm tháng chín năm ấy, vĩnh viễn khắc ghi trong trái tim tôi như một kỉ niệm thật đẹp đẽ.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro