Chương 2
Sáng nay, lớp tôi có hai tiết Toán, một tiết Lịch Sử và hai tiết trống. Trước đây hai tiết đó là môn Địa, nhưng rồi thầy giáo Địa đột nhiên nghỉ dạy, trường vẫn chưa tìm được người thay thế.
Lớp tôi không ưa ông ấy, nên chuyện thầy đột ngột mất tích cũng chẳng khiến ai quan tâm. Tôi thì có chút tiếc nuối. Tuy nghiêm khắc, nhưng ông là một giáo viên không tệ.
Trường tôi là trường tư, đất rộng người thưa. Một lớp đông nhất cũng chỉ có hai mươi học sinh. Có lớp thậm chí chỉ có mười bốn đứa.
"Thật đó!"
"Nhỏ nhỏ thôi! Bồ không sợ ai nghe thấy hả?"
"Sợ gì! Nghe thì sao?"
Hai đứa con gái ngồi trước tôi, nếu nhớ không lầm là Nhã Ninh và Ý Lan, đang rì rầm với nhau.
"Nghe nói ổng tự lao ra đường cho xe tông chết đó!"
"Dù không ưa ổng nhưng nghe mà nổi da gà!"
Hai người tiếp tục thì thào đầy phấn khích. Tôi ngáp dài, lấy sách vở từ cặp ra sắp lên bàn. Cô dạy Toán dữ lắm, ai chưa chuẩn bị sẵn tập vở thì xác định bị gọi lên bảng trả bài. Tôi học Toán không tệ, nhưng cứ đứng trước nhiều người là đầu óc tôi trống rỗng.
"Cả lớp đứng chào!" – lớp trưởng bật dậy, hô to.
Cả lớp làm theo.
Cô Thu, giáo viên Toán của chúng tôi, hơn bốn mươi tuổi, nghiêm khắc và cứng nhắc. Hôm nay cô mặc áo dài đỏ rực, tóc búi gọn, kính gọng vuông, móng tay sơn đỏ chót.
"Ngồi xuống."
Cô đặt túi lên bàn. Cả lớp ngồi xuống đồng loạt.
"Lớp phó học tập kiểm tra bài tập về nhà. Ai không làm thì lên trả bài miệng." – cô nhận sổ đầu bài từ lớp phó kỷ luật.
Lớp phó học tập lặng lẽ rời chỗ, đi kiểm tra từng bàn.
"Nhã Uyên đang kiếm vở, bà kiểm tra mấy đứa khác trước đi!" – Minh Tâm ngồi bên cạnh chị lên tiếng. Lớp phó gật đầu, đi kiểm tra người khác.
"Cô ơi! Nếu quên bài tập ở nhà thì sao ạ?" – một nam sinh giơ tay hỏi.
"Trả bài miệng. Chấm hết." – cô đáp, mắt không rời sổ đầu bài.
Cả đám con trai quanh cậu ta phá lên cười, thi nhau trêu chọc. Một đứa còn hô:
"Vở nó bị chó gặm rồi cô! Tha cho nó đi!"
Cả lũ rú lên thích thú. Lớp học ồn ào chẳng khác gì cái chợ.
Ngồi ở cuối lớp, tôi bất đắc dĩ chứng kiến tất cả. Một đám động vật nhảy nhót làm trò.
Tôi mở sổ riêng ra, bắt đầu vẽ.
***
Nếu vượt qua hai tiết trống thì sẽ đến giờ ăn trưa. Một là tự túc làm cơm hộp, hoặc ra quán ăn ngoài. Hai là đăng ký ăn ở trường.
Tôi và chị chọn cách thứ hai.
"Tụi tao đi nha! Ăn một mình vui nha mày!"
"Im đi cái lũ bỏ bạn này!"
Minh Tâm và Hồng Anh khoác tay nhau bỏ đi. Họ không đăng ký suất ăn. Đôi khi chị cũng bỏ suất để đi ăn với họ, nhưng hôm nay, chị ngồi ăn với tôi.
Tôi vui lắm.
Như một con chó nhỏ, tôi kéo ghế ở cái bàn sạch sẽ nhất trong căn-tin cho chị. Trên bàn đã có sẵn hai phần cơm.
"Chị ngồi đây nha! Để em đi lấy nước!"
Chị không đáp, mắt dán chặt vào màn hình chiếc điện thoại đỏ chót.
Nhà không dư dả gì. Học phí là gánh nặng, điện thoại cũng chỉ có một cái cũ dùng chung. Chủ yếu là chị xài. Tôi không có ý kiến. Tôi thích vẽ hơn. Người ta bảo tôi dị.
Phần cơm hôm nay là gà kho, rau xào, tráng miệng bằng một miếng thanh long đỏ.
Toàn món chị ghét.
Tôi ăn cơm, vừa liếc nhìn chị. Chị lướt mạng, không đụng đũa mấy. Cơm chị ăn chỉ vơi vài muỗng, rau thì cũng gắp hời hợt.
Chị gầy quá. Nhìn mà thương. Chị nên ăn nhiều hơn.
Gần hết giờ ăn, chị mới dừng lại, cắn nửa miếng thanh long. Nước đỏ vương ở khóe môi, thoạt nhìn như máu.
Máu chảy.
Đầu rơi.
***
"Ê Uyên!"
Minh Tâm xông vào nhà vệ sinh nữ, gọi chị lúc chị đang chỉnh lông mày. Tôi chưa từng hiểu sao chị lại bỏ tiền mua nhiều đồ trang điểm đến thế. Chị vốn đã rất đẹp rồi.
"Gì?" – chị khó chịu cất cây chì vào túi nhỏ màu tím.
Chị ghét bị làm phiền khi đang trang điểm, từng nói vậy.
Minh Tâm liếc tôi, rồi lại chúi đầu vào chị.
"Có đứa thấy ma ở nhà vệ sinh nam tầng ba đó!"
"Thật hả?"
"Ừ! Lớp dưới. Nó trốn vô hút thuốc, rồi thấy cái đó!"
Cái đó là "người đàn ông máu" – truyền thuyết đô thị trong trường. Một người đàn ông cao to, mặt hung tợn, máu me be bét, trèo từ cửa sổ vào nhà vệ sinh nam. Có phiên bản nói là người đầy sẹo, nhưng phiên bản máu me vẫn phổ biến nhất.
Người gặp hắn khi kéo người khác vào xem thì hắn biến mất, chỉ để lại cửa sổ mở toang.
Vấn đề là: cửa sổ đó luôn khóa kỹ, chìa giữ ở giám thị.
"Lần này không chỉ có cửa sổ mở đâu!"
Không chỉ là cửa sổ? Còn gì nữa?
Minh Tâm không chờ phản ứng của chị, kéo tay chị chạy lên tầng ba. Tôi vội chạy theo.
Đến nơi, chúng tôi thở hổn hển. Đám đông chen chúc như ong vỡ tổ. Có hai giám thị đứng cạnh một nam sinh đang khóc nức nở. Trên tay giám thị là vape – chắc của thằng bé đó.
Tôi nhón chân nhìn. Trên cửa sổ là dấu bàn tay to, nhòe nhét bởi thứ đỏ đen, sền sệt. Mùi tanh kim loại lợm giọng phảng phất quanh đó.
Lạ lùng. Cả đám chỉ bàn tán chuyện cậu nam sinh. Không ai đề cập đến dấu máu đó. Như thể họ không thấy.
Họ mù hết rồi sao?
Tôi định nói thì có ai đó nhéo tay tôi.
Là chị.
Chị giả vờ như không thấy. Mím chặt môi.
Giữa âm thanh hỗn độn, giọng Minh Tâm cũng nhạt dần.
***
"Vậy chắc kèo thằng bé đó bị đuổi học rồi ha?"
Minh Tâm giọng vui sướng khi có người bị hại, thao thao bất tuyệt với chị gái của tôi. Chị tôi chỉ ậm ừ cho qua, hộp kem năm nghìn mua ở ngoài cổng trường bị lãng quên trên tay chị, kem đã chảy thành nước loãng.
"Người ta bị đuổi học mà sao mày nhìn hớn hở dữ vậy?" Hồng Anh nhướng mày.
"Cái thằng đó vướng nhiều tin đồn lắm! Hồi trước có người đồn là nó quay lén trong nhà vệ sinh nữ nữa! Nhưng không có bằng chứng nên chả ai làm gì được nó cả!" Minh Tâm giải bày bức xức.
"Vậy tính ra tụi mình còn phải cảm ơn cái ông 'người đàn ông máu' đó, dọn rác giùm trường mình!" Hồng Anh chắp hai tay lại, làm ra bộ dáng cầu nguyện.
Chị Nhã Uyên ngồi ở giữa hai người mặt mùi bần thần, nhưng cả hai chỉ lo ríu rít với nhau.
Tôi cắn môi đến bật máu, khó chịu thay cho chị.
Đúng là bè chứ chẳng đáng để được gọi là bạn.
Tôi xông đến kéo tay chị:
"Về thôi chị! Hôm nay mẹ dặn phải về sớm cúng!"
Chị lẩm bẩm trong miệng cái gì đó, sau đó gật đầu rồi đứng dậy. Tay tôi vẫn còn đang nắm lấy tay chị. Tay của chị vừa mềm vừa ấm, tôi ước giá mà mình có thể nắm mãi không buông.
"Nhã Uyên?"
Minh Tâm bày ra bộ mặt khó hiểu khi thấy chị đột ngột đứng dậy.
"Nay nhà tao có cúng, tao phải về sớm phụ mẹ."
"Sao không nói sớm?" Minh Tâm liếc xéo tôi, nhẹ giọng trách cứ chị.
Đúng là thứ không ra gì, ích kỉ, không biết nghĩ đến cảm xúc của chị. Tôi mắng thầm, vẫn không thả tay chị ra.
"Vậy ngày mai tụi tao qua nhà mày ngủ lại nha?"
Minh Tâm mặt dày hỏi chị. Hồng Anh thì dựa lưng vào ghế đá lướt điện thoại, vờ như không để ý đến vẻ mặt khó chịu của tôi.
"Cứ như vậy đi."
Chị cũng không muốn bỏ sức ra đôi co, đáp ứng lời đề nghị của Minh Tâm, Minh Tâm cười híp mắt.
"Mai gặp nha!"
Chị soạn tiền lẻ ra ở trạm xe buýt, tôi đứng bên cạnh ngó người đi đường hộ chị, đề phòng kẻ gian móc túi.
Bên cạnh chúng tôi là một nhóm nữ sinh năm trên trang điểm khá đậm, mặt trắng bệch môi đỏ lóa mắt, móng tay dài vướng víu. Họ nói đủ thứ chuyện trên đời với nhau rồi cười rất lớn.
Ồn ào thật.
Đúng là dù ở trường tư hay ở trường công cũng sẽ gặp mấy thứ không ra gì.
"Tụi bây nghe gì chưa? Cái thằng Khoa sắp bị đuổi học đó!"
"Mà hình như nó chỉ bị đình chỉ thôi mà?"
"Hình như hạ hạnh kiểm nữa đó!"
"Bất công ghê, thằng Khôi bị bắt năm lần bảy lượt rồi mà có bị sao đâu?"
"Thì..." Bạn nữ sinh nhuộm tóc vàng nhỏ giọng lại, ba người kia tụm lại gần hơn.
"Thằng đó nghe đồn nó là con của dân anh chị đó. Nên trường đâu có dám làm gì?"
"Thiệt hả?"
Còn có tin đồn trên lưng của Khôi có hình xăm nữa. Có người bảo đó là hình rồng, có người lại khẳng định đấy là hình hổ. Nhưng nói đi nói lại thì tất cả cũng chỉ là tin đồn, khó mà chắc chắn được.
Tôi dỏng tai theo dõi cuộc trò chuyện.
Khôi là bạn cùng lớp với tôi, lại từng là bạn cùng bàn với tôi trước khi tôi bị đẩy ra ngồi cuối lớp. Khôi rất nổi tiếng với đám con gái, đặc biệt là mấy nhóc lớp dưới mới nhập học. Cao ráo, đẹp trai, thành tích đứng thứ hai trong khối, lại thêm gia thế không tầm thường, chẳng trách đám con gái thi nhau cảm nắng.
Da của Khôi trắng và láng mịn như thủy tinh, vai rộng, người cao ráo, tóc đen xoăn xoăn, mắt cá chết. Có tin đồn mẹ của Khôi là người ngoại quốc thật hư hay sao thì cũng chẳng ai biết.
Nhưng chỉ có người từng ngồi cùng bạn với Khôi mới biết là cậu ta hẹp hòi xấu tính đến mức nào.
Điển hình là tôi.
Khôi có máu bắt nạt, những im lặng mờ nhạt như tôi là mục tiêu béo bở của cậu ta.
Khôi lúc trước rất thích lấy tôi ra làm trò đùa, thường xuyên vẽ bậy lên tập của tôi hay giấu giày tôi, có lúc lại đổ nước lên tóc tôi nữa. Tôi tủi thân lắm, cầu cứu cũng chẳng ai nghe.
Lớp tôi coi những thứ cậu ta làm với tôi là chương trình giải trí cho những ngày bán trú căng thẳng của họ. Ngay cả nhóm của chị cũng hùa theo.
Tôi yêu chị, nhưng đoạn kí ức đó vẫn cứa đau như cũ.
Đó không đáng để được gọi là kỉ niệm như trong miệng của mẹ, mà là những hồi ức đầy ám ảnh.
Mãi cho đến cái lần Khôi đẩy tôi ngã cầu thang, dường như mọi người mới nhận ra tính nghiêm trọng của những trò đùa đấy.
Đấy là bắt nạt.
Và tôi là nạn nhân của những trò bắt nạt oái ăm đó, là thú vui tiêu khiển bấy lâu nay của bọn họ.
Cùng là con người như nhau, tại sao lại nhẫn tâm với tôi đến vậy?
Khi tôi được thả ra từ bệnh viện, tôi phát hiện ra Minh Khôi đã tách bàn ra với tôi, bàn tôi bây giờ được xếp cuối lớp, đúng với nguyện vọng đầu năm học của tôi. Nhiều bạn đã tặng bánh tặng hoa cho tôi cùng với thư xin lỗi.
Những bông hoa sặc sỡ.
Những chiếc bánh ngọt ngào.
Những lá thư xinh xắn.
Tôi không muốn chạm vào chúng.
Nhưng ít nhất là kể từ đó, họ cũng tự biết điều mà để tôi yên, không quấy phá gì tôi nữa, tôi cứ thế mà thuận lợi trở thành bóng ma của lớp.
Trở thành một đứa phản xã hội, sống tách biệt với tập thể.
***
Chị em tôi bước xuống xe buýt, rảo bước về nhà.
Trạm xe buýt cách nhà chúng tôi mười phút đi bộ. Chỗ chúng tôi sống đường xuống cấp, nhà lưa thưa, có vài tiệm tạp hóa nhỏ, cùng với một nhà thờ bỏ hoang đổ nát.
Hồi trước nhà thờ đấy cũng được tính là trang hoàng, lũ trẻ rất thích tụ tập ở đấy chơi trốn tìm, nhưng rồi có một vụ cháy xảy ra. Có vài người bị kẹt trong đám cháy đó và tử vong.
Từ đó nhà thờ đó thường xuyên gặp chuyện kì lạ.
Mở màn bằng chuyện đèn trần pha lê của nhà thờ đấy rơi thẳng xuống bục giảng của cha xứ, may mắn là khi đấy cha chưa bước lên bục giảng, thoát được một kiếp nạn.
Mẹ từng dạy bọn tôi linh hồn chết cháy là những linh hồn đáng sợ nhất, bà Hạnh nói với mẹ như vậy.
Mẹ từ ngày nhà thờ bị cháy thì trở nên vô cùng mê tín, bỏ ra bạc triệu cúng kiến cho bà Hạnh, lại thêm chuyện cãi nhau với ba, không khí trong nhà cực kì khó chịu.
Chị không thèm nói chuyện với mẹ.
Mẹ chăm chăm chỉ biết bày bàn cúng.
Ba xem mẹ như không khí.
Tôi ước giá mà chuyện trở về như lúc nhỏ. Quãng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình tôi.
Tôi đã thầm nguyện ước như vậy khi cởi giày ra đặt lên kệ. Đôi giày thể thao màu đỏ sẫm như hòa lại làm một với kệ gỗ màu đậm.
Nồi thịt mẹ kho đã bốc mùi lên. Giòi bọ chen chút nhau lúc nhúc trong nồi. Chị bụm miệng lại buồn nôn.
Mẹ ngồi ở bàn ăn lẩm bẩm mấy thứ kì lạ.
Ba tựa lưng vào tường hút thuốc, làm như vẻ mọi thứ vẫn bình thường.
Một ngày không có gì khác lạ.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro