Chương 3
Bạn đã bao giờ tận mắt nhìn thấy một tên sát nhân chưa? Thậm chí là tiếp xúc, trò chuyện và cười đùa với họ?
Tôi từng được ba đọc cho một bài báo viết về việc tội phạm đang bị trẻ hóa. Bài báo đưa ra một thống kê cho thấy tội phạm nằm trong vị thành niên ngày một nhiều, chạm đến mức báo động đỏ.
Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, mại dâm.
Tôi rất hiếm khi bước ra ngoài, cũng chẳng hay gặp người lạ, huống chi là tội phạm. Nhưng tôi đã từng tận mắt chứng kiến một sát nhân rồi.
Tôi tận mắt nhìn thấy cậu ta róc thịt của thầy giáo ra, phân ra thành nhiều khúc bỏ vào chín chiếc túi ni lông màu đen. Cậu ta đi chôn chúng ở sân tennis bỏ hoang gần trường. Thao tác của cậu ta dứt khoát, chuyên nghiệp chẳng khác gì người trong nghề.
Việc cậu ta sớm sẽ bước vào con đường phạm tội thì tôi cũng đoán trước được. Nhưng thẳng tay giết người phi tang xác như thế này thì...
Tôi tự hỏi liệu thầy có phải là nạn nhân đầu tiên của cậu ta không?
Tôi vừa ăn bánh mì thịt vừa theo dõi quá trình cậu ta chôn xác – Minh Khôi, bạn cùng bàn cũ của tôi.
Khôi cởi găng tay ra, cho vào túi ziplock rồi cất vào balo.
Giáo viên dạy địa của chúng tôi đã mất tích được một tháng. Gia đình thầy ta cứ nghĩ là thầy ta lại ngựa quen đường cũ vướng vào con đường cờ bạc rồi vỡ nợ, phải chạy trốn. Họ không buồn báo cho công an địa phương hay huy động nhân lực đi nghe ngóng tin tức gì của thầy ta.
Lòng người bạc bẽo, máu mủ hay không thì cũng như thế.
Tôi nuốt miếng cuối cùng, thỏa mãn cơn đói. Tôi không chắc trong bánh mì có pate hay không, chỉ thấy hơi ngấy. Mùi tanh nhàn nhạt vẫn còn vương nơi cổ họng.
***
Khôi nằm trong diện học sinh ưu tú của lớp tôi, được bầu cử làm lớp phó học tập.
Chị tôi cảm nắng Khôi từ đầu năm học, việc gì cũng muốn kéo cậu ta vào chung nhóm. Nhưng không cần thông minh thì cũng dễ dàng nhận ra việc Khôi chán ghét chị tôi đến mức nào.
Nhưng chị tôi là kiểu người thích chinh phục. Khôi càng ghét chị, chị lại càng muốn bám víu cậu ta.
Thứ rác rưởi đó thì có gì tốt chứ?
Khôi ngoài cái mã với cái tiếng trò giỏi con cưng của thầy cô thì có gì đáng cho chị nhiệt liệt theo đuổi công khai như thế chứ?
Đáng ghét.
Tôi nhìn Minh Tâm và Hồng Anh trêu chọc chị, đẩy chị đến bàn của Minh Khôi. Cậu ta vừa mới bỏ giờ nghỉ trưa để chôn xác chết xong, dĩ nhiên tâm trạng vẫn đang rất mệt mỏi.
"Cậu muốn gì?" Minh Khôi cằn cọc.
"Sắp đến biểu diễn thời trang trước trường, mình đã được chọn làm người mẫu nữ đại diện cho lớp, còn người mẫu nam thì..." Chị e thẹn tỏ ra lúng túng, vị trí người mẫu nam trong lòng chị đã như đinh đóng cột.
Còn ai khác đủ xứng đáng để sánh bước cùng chị ngoài chàng bạch mã hoàng tử trong mộng chị ra – Minh Khôi cơ chứ?
"Thì?"
Minh Khôi biết rõ chị muốn hỏi gì, nhưng vẫn cố ý gây khó dễ cho chị. Đúng là thứ rác rưởi không tái chế được mà.
"Cậu có muốn làm người mẫu nam không?" Chị lấy hết mọi can đảm ra để mà hỏi thẳng.
Minh Khôi vẫn không thay đổi biểu cảm ban đầu, không buồn trả lời chị.
Chị khó xử đứng đó, chờ đợi câu trả lời của cậu ta.
"Làm thì tôi được gì?"
"Thì..."
Ba cái hoạt động ngoại khóa này nếu có giải thì được thưởng dăm ba hộp bánh túi kẹo chia đều cho cả lớp, không có giải thì chỉ tổ phí công chứ được gì? Tôi ngồi ở xa thầm nghĩ.
"Tạo kỉ niệm đẹp. Với lại tụi mình chỉ cần lên sân khấu biểu diễn thôi, không cần làm gì cả."
Chị nhanh trí tìm ra được lí do.
Minh Khôi lấy tai nghe không dây điện thoại ra, bĩu môi:
"Mất thời gian!"
***
Chị chán nản chọc muỗng vào phần thịt xào trong khẩu phần ăn trưa. Bữa trưa hôm nay có thịt xào và đậu que với cà rốt, tráng miệng là sữa chua.
Tôi tập trung xử lý thức ăn, tôi không thích đậu que cho lắm.
Chị không muốn ăn, cứ thở dài rồi nghịch đồ ăn trong khay.
"Chị, thằng đó không muốn làm thì mình kiếm người khác. Bây giờ thì lo ăn để có sức cho chiều học chứ!" Tôi khuyên can. Đồ ăn hôm nay ngon vậy mà. Đừng để tên rác rưởi đó làm hỏng tâm trạng.
Chị ậm ừ cho qua rồi ăn.
"Không có ông thầy đó không khí trong lành dễ sợ!" Một nữ sinh khác đi ngang, cười lớn. Cô ta hình như tên là Nguyệt, hoa khôi của trường. Bạn thân của cô ta, người đang dọn khay cơm giúp cô ta, hình như tên là Ren. Cuộc đời cũng rối ren không kém gì cái tên sinh ra. Cha ngoại tình li dị mẹ, bây giờ cô ta sống cùng với cha cùng với mẹ kế, cùng với hai đứa em gái cùng cha khác mẹ.
Ren nổi tiếng là hiền lành tính, không ai hiểu tại sao cô ấy lại chơi chung với một đứa nổi loạn tai tiếng như Nguyệt.
Những người trái tính trái nết nhau thì sẽ bị thu hút bởi đối phương. Chắc thế.
"Vậy đại diện người mẫu cho lớp chúng ta là Nhã Uyên và Minh Khôi!" Lớp trưởng sau khi kiểm tra phiếu bầu thì hào hứng công bố. Cả lớp ồ lên, vỗ tay rần rần. Vỗ tay to và nhiệt tình nhất thì không ai khác ngoài nhóm của chị.
Minh Khôi nhăn mặt khó chịu nhưng cũng không lên tiếng phản đối gì, chỉ bực mình trừng mắt với chị tôi. Chị Nhã Uyên mắt long lanh, đôi môi hồng nhuận cười duyên dáng đáp lại.
Đúng là chạy trời không khỏi nắng.
Tôi đặt sổ vẽ xuống, bức tranh trắng đen còn đang dang dở không đủ níu kéo hứng thú của tôi lại.
Tôi yêu chị, và càng ghét Khôi. Nhìn chị lẽo đẽo theo sau một thằng khốn chỉ có cái mã, tôi thấy thật chướng mắt.
Tôi bẻ ngòi đen của bút chì ra, cho vào miệng nhai ngấu nghiến.
***
"Chủ đề là bảo vệ môi trường, vậy chúng ta sẽ sử dụng giấy báo làm nguyên liệu chính." Lớp phó văn thể mĩ viết lại vào sổ, Minh Tâm phụ trách tính toán chi phí tốn kém.
"Giống hồi năm 1966 hả? Như vậy sẽ đỡ tốn chi phí nhuộm màu."
"Vintage đang là xu hướng đó."
"Có đơn giản quá không? Lớp của Nguyệt làm hoành tráng lắm đó! Dù sao một năm cũng chỉ có một lần, chơi lớn thêm một chút đi."
Tổng cộng là bốn người phụ trách, tính cả tôi.
Minh Tâm, tôi, và hai bạn nữ khác là Vy và Hân. Vy là lớp phó văn thể mĩ, Hân nổi tiếng nhà làm tiệm may, khéo tay lành nghề từ bé.
"Mình cắt thêm bịch ni lông nhiều màu gắn ở phần eo để tạo thêm điểm nhấn." Hân bày ra bản thiết kế không biết được vẽ từ bao giờ, giấy đã ngả vàng, có đôi chỗ rách chút ít.
"Cảm giác không đẹp lắm, cơ mà như vậy thì còn gì là bảo vệ môi trường?"
"Chớ lo! Chị tui mấy năm trước làm mẫu này và giành giải nhất!" Ra là đạo nhái. Hèn gì tự tin như vậy. Tôi thở dài trong lòng. Hân vẫn ba hoa về chị, đinh ninh với chúng tôi là lớp nhất định sẽ đạt giải nhất.
"Tóc của Nhã Uyên ngắn hơn so với người mẫu năm đó nên mình sẽ để xõa thay vì búi như trong bản thiết kế này."
"Người mẫu năm đó khá thấp, còn Nhã Uyên thì cao."
Chúng tôi tụm lại bàn bạc đo đạc, tính toán chi phí các kiểu.
"Mọi người, nghỉ ngơi chút nè!"
Minh Tâm quay lại với ba lon nước xá xị, mỗi người một lon.
Ngày mai chúng tôi sẽ được nghỉ ba tiết để làm quần áo.
***
Sân tennis bỏ hoang gần trường là địa điểm bí mật yêu thích của tôi. Bên ngoài cổng đã bị xích và khóa, muốn vào thì phải chui qua một cái lỗ chó ở sau. Tôi vốn nhỏ con nên dễ dàng chui lọt qua, nhưng người cao lớn như Minh Khôi thì lại là một vấn đề rắc rối.
Minh Khôi lần trước một tay xách theo túi đựng rác màu đen, một tay cầm thanh sắt đánh vỡ ống khóa, đường đường chính chính bước vào.
Máu từ túi đen lần trước nhỏ giọt thành một hàng dài, hôm nay những chỗ đấy đã mọc lên hoa dại màu trắng tinh khiết.
Minh Khôi giẫm lên hoa, mở cổng bước vào.
Tôi lặng lẽ bám theo sau.
Kể từ ngày chôn xác thầy ở đây, Minh Khôi chiều tan học nào cũng lén lút mò đến đây để đào xác thầy lên kiểm tra lại. Không rõ là vì lo lắng sợ bị bại lộ hay là đang chột dạ, muốn tự thú nhưng lại hèn nhát đổi ý.
Minh Khôi lấy hai điếu thuốc lá và bật lửa ra, nhưng chỉ châm một điếu.
Điếu còn lại Minh Khôi vứt xuống chỗ chôn xác.
Mùi thuốc là của Minh Khôi vừa giống mà lại vừa không giống mùi thuốc lá của ba.
Tôi không có mang bánh mì hay hộp sữa theo, chỉ có thể lấy sổ vẽ ra ngồi ở xa vẽ lại. Tôi chuốt bút chì rồi giở sang trang vẽ dang dở. Tiếng bút chì sột soạt bị hòa lẫn với tiếng rú rít của gió đông.
"Nhã Phương."
Tôi ngừng bút. Minh Khôi vẫn xoay lưng lại với tôi. Tấm lưng cao lớn che đi ánh sáng màu cam nhiệt đới từ phía mặt trời lặn.
"Gì?"
Tôi rất ghét bị gián đoạn trong lúc vẽ.
"Mày có ghét tao không?"
Ghét?
Ghét là còn quá nhẹ nhàng. Tôi không ghét và cũng chả hận gì cậu ta. Giá trị của cậu ta trong mắt tôi còn chẳng bằng nồi thịt kho đã lên giòi ở nhà.
"Mày có gì đáng để tao ghét?"
Minh Khôi không đáp lại tôi, chỉ chăm chăm nhìn chỗ chôn xác.
Điếu thuốc lá còn mới toanh lúc nãy cậu ta vứt như kiểu bố thí vẫn còn ở nguyên đó, không bị gió thổi đi.
"Trời sắp mưa rồi, tao về trước."
Minh Khôi chỉnh lại cổ áo, vứt điếu thuốc còn đang cháy xuống đất rồi dùng chân dẫm lên dày xéo cho tắt. Tàn nhẫn như cái cách mà cậu ta đã đối xử với tôi trước đây.
***
"Về rồi hả?"
Trong nhà tối om. Mẹ đang ở chùa, chị thì ngủ lại nhà bạn, chỉ có ba ra đón tôi.
"Ăn uống gì chưa?" Nồi thịt hư đã được dọn đi, nhưng trong nhà vẫn còn mùi hôi thối.
"Dạ chưa, nhưng con không đói."
"Đang tuổi ăn tuổi lớn, sao lại không đói được?" Đôi tay trầy trụa của ba vuốt lấy mái tóc bù xù của tôi.
"Sao tay ba chảy máu vậy?"
"Từ mẹ mày chứ ai?"
Tôi tự biết điều mà ngậm miệng lại. Ba mà sử dụng danh xưng "mày" với tôi tức là ba đang không vui.
Ba lầm bầm mấy thứ vô nghĩa. Vết thương màu đỏ chói trên tay ba bị chìm đi bởi màu da tối sẩm của ba. Cánh tay của tôi nổi da gà, trong nhà chỉ có tiếng muỗi vo ve và tiếng thở đều đặn của ba.
"Đi ra ngoài ăn thôi."
"Dạ?"
"Hôm nay con gái ba muốn ăn gì, ba chiều tất!"
Ba hào hứng kéo tay tôi, không đợi tôi đi vào nhà cất cặp.
Gần đây tôi mới khám phá ra được một nhà hàng nhỏ nấu ăn rất ngon. Trước nhà hàng có trồng một cây khế nhỏ. Nhà hàng lúc nào cũng rất đông khách, đầu bếp làm việc không ngưng tay. Dù là sáng sớm tinh mơ hay đêm khuya muộn, nhà hàng lúc nào cũng có khách.
"Ăn gì gọi đi con gái."
"Ba ăn gì thì con ăn cái đấy."
"Công chúa ngoan của ba, lúc nào cũng biết nghe lời."
Ba gọi hai phần cơm chiên đặc biệt với hai ly trà đá lớn. Ba móc ra từ túi áo một xấp tiền rồi bỏ vào tay người phục vụ, người phục vụ vui vẻ ghi đơn cho chúng tôi rồi đi xuống bếp.
"Tại sao nhà hàng đông vậy mà chỉ có một đầu bếp vậy ba?"
"Không phải ai cũng có thể trở thành đầu bếp được đâu con." Ba từng kể với tôi ước mơ của ba trước khi làm đám cưới với mẹ là trở thành một đầu bếp. Ngặt nỗi, nghề chọn người chứ người không chọn nghề, ba nhảy sang làm việc bên kinh doanh và kiếm được rất nhiều tiền. Sau đó ba gặp mẹ, làm đám cưới và có chúng tôi.
Nhưng hoa nở rồi héo đi, bữa tiệc nào cũng sẽ tàn, không có hạnh phúc nào kéo dài được quá lâu vậy. Đời không tốt tính như ta mong đợi.
Ba làm ăn vỡ nợ, phải bán nhà bán xe. Bán hết cũng không đủ để trả hết nợ.
Từ căn biệt thự có bể bơi và vườn lớn đổi sang căn nhà nhỏ xập xệ hai tầng. Từ chiếc xe hơi sang trọng đổi sang chiếc xe máy cũ kĩ. Chỉ có hai chị em tôi là ba kiên quyết không cho chuyển trường, như hai món đầu tư cuối cùng cho một tương lai giàu sang lại của ba. Tôi trở thành công chức, chị gả cho nhà giàu. Đấy là viễn cảnh tương lai mà ba đã vẽ định ra sẵn cho chúng tôi.
Tình yêu là thứ luôn có điều kiện. Một cuộc hôn nhân chỉ thực sự hạnh phúc khi đáp ứng điều kiện tài chính .
Mẹ từng có sự nghiệp lớn, nhưng cưới ba thì mẹ phải từ bỏ tất cả. Đàn ông luôn thích cắt cánh của chim tự do. Họ muốn người phụ nữ của họ có học thức cao và sự nghiệp thành công, nhưng sau khi kết hôn thì người phụ nữ đó buộc phải từ bỏ tất cả để chăm lo cho gia đình.
Phụ nữ trong mắt đàn ông chỉ là công cụ tạo ra con cái, tạo ra gia đình. Đã là công cụ thì cần gì để tâm đến cảm xúc. Mẹ bảo thế.
Phụ nữ khóc một mình, chịu đựng một mình.
Quả đúng là bất công.
"Hôm nay công chúa của ba có vẽ tranh gì mới không?" Ba chống tay lên bàn, híp mắt cười với tôi.
Tôi đưa cuốn sổ vẽ cho ba.
Ba mở ra xem một chút, rồi thẳng tay xé.
"Lo học đi, đừng có tập trung vào mấy thứ vô dụng này."
Tôi vô cảm nhìn đống giấy vụn – thứ đã từng là sổ vẽ của tôi. Dù gì thì cũng không phải là lần đầu. Tôi đã quen rồi.
Chán thật.
Tôi nhìn đống giấy vụn, tiếc nuối duy nhất là bức vẽ cảnh Minh Khôi băm xác thầy vẫn còn dang dở. Một tác phẩm mà còn dang dở thì chỉ có thể trở thành đồ bỏ đi.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro