Chương 4. Café

Le Mistral là một quán cà phê không ai khuyên người lạ nên vào.

Nó cũ kỹ, kín tiếng và lặng thinh như chiếc đồng hồ treo tường đã chết pin từ một tháng Ba nào đó giữa chiến tranh. Không ai còn nhớ chính xác là năm nào, chỉ biết rằng từ đó, thời gian trong quán ngừng trôi.

Élise đến trước.

Cô luôn đến sớm trong những cuộc hẹn mà đối phương không chắc sẽ xuất hiện.

Có lẽ vì cô tin rằng, trong sự chờ đợi có một dạng chân thành không thể giả mạo.

Cô chọn chiếc bàn sát cửa sổ, nơi ánh sáng nhòe nhoẹt xuyên qua lớp kính mờ bụi, rơi xuống bàn thành một dải xám nhạt như lông chim bồ câu già mùa thay lông.

Chiếc Rolleiflex được đặt úp xuống bàn, một con mắt đang ngủ tạm, nhưng sẵn sàng mở ra bất kỳ lúc nào.

Tách cà phê trước mặt đã nguội đi một nửa thì Henri bước vào.

Bộ đồng phục của anh vẫn thẳng nếp như thể thời gian không từng chạm đến anh, như thể chiến tranh chỉ là một khoảnh khắc lỡ chân bước vào sai khung hình rồi đứng yên đó, không dám rút lui.

Anh gật nhẹ, ngồi xuống ghế đối diện.

Không cần mời và cũng hông cần lời chào. Không cần phép lịch sự vì cả hai đã quá quen với chiến tuyến không nhìn thấy được giữa họ.

Cô không nói ngay, và anh cũng không.

Họ đã tranh cãi đủ qua ánh mắt tại trạm kiểm soát, qua những lần tay lướt gần tấm vé thông hành, nhưng dừng lại đúng lúc để không phải dùng đến khẩu lệnh.

Cuối cùng, Élise lên tiếng, giọng cô nhẹ.

- "Tôi không nghĩ anh sẽ đến."

Henri vẫn nhìn cô như thể cô là một bức ảnh chưa tráng mà anh ngờ rằng mình sẽ không thích kết quả.

Lúc lâu sau, anh đáp:

- "Tôi không chắc mình nên."

- "Ôi chao, anh ngại ư?" Cô hơi nhếch môi. "Tôi chỉ chụp cảnh vật, không chụp lính, đặc biệt là sĩ quan. Hay anh sợ tôi vô tình chụp đúng thứ mà anh đang cố quên?"

Henri hơi nghiêng người, ánh mắt chậm rãi:

- "Tôi không sợ sự thật, thưa quý cô Moreau. Tôi chỉ không tin rằng sự thật nên nằm trong tay những người chọn lọc nó để kể."

Anh nói như thể đang nhắc lại một câu từng đọc đâu đó trong một phiên điều trần, hoặc trong một lá thư chưa bao giờ được phép rời phong bì niêm kín của quân đội.

Cô im lặng, ngắm anh như người ta ngắm một vết thương cũ, không phải vì tò mò, mà vì muốn biết liệu nó đã lành chưa.

Rồi cô cười nhẹ, không phải để chế giễu, mà như một hơi thở lạc trong ký ức.

- "Anh từng ở mặt trận phía Đông?"

Henri gật đầu, không có vẻ gì hối tiếc.

- "Anh có từng chụp ảnh?"

- "Không, nhưng tôi đã bị chụp ở Kharkov, một phóng viên chiến trường người Mỹ, anh ta hỏi tôi có muốn gửi gì về nhà không. Tôi chỉ nói: Nếu mẹ tôi còn sống, bảo bà đừng tin vào ảnh."

Élise đặt nhẹ tách cà phê xuống, ngón tay chạm thành sứ lạnh.

- "Anh nghĩ ảnh là dối trá?"

- "Tôi nghĩ ký ức là dối trá, còn ảnh là công cụ mà ký ức dùng để tự bào chữa."

Ngoài cửa sổ, sương bắt đầu dày.

Những chiếc xe ngựa dần mờ như mộng, để lại tiếng bánh xe lăn trên nền đá ướt, nghe như giày lính đi trong hành lang của một doanh trại không còn người sống.

Élise vẫn nhìn anh, không vì cần câu trả lời, mà bởi cô đã chụp quá nhiều khuôn mặt gắng gượng nụ cười.

Henri là một trong số ít để nỗi đau nằm im, trần trụi, không nguỵ trang. Như một khẩu súng hết đạn vẫn nằm trên bàn: không còn nguy hiểm, nhưng chưa từng được tha thứ.

- "Tôi không chụp để kể chuyện, Capitaine. Tôi chụp để ký ức phải chịu trách nhiệm."

Henri cúi đầu, tay lướt qua quai tách sứ rồi dừng lại, như thể đang lần dấu một vết nứt vô hình.

- "Vậy cô nghĩ cô có thể chụp được sự thật, hay chỉ bắt giữ nó bằng một thứ máy móc không biết khóc?"

Cô không đáp.

Élise trở về nhà trọ khi đêm đã rơi hẳn xuống biên giới, một tấm màn không ai dám kéo lên.

Trong căn phòng nhỏ có cửa sổ nhìn ra rặng thông đen, cô bật đèn bàn, khóa cửa, và ngồi xuống như thể đang chuẩn bị cho một cuộc thẩm vấn không với ai khác ngoài chính ký ức của mình.

Chiếc Rolleiflex được tháo rời cẩn thận, từng thao tác như nghi thức.

Cuộn phim được tráng trong chậu nước pha thuốc, bàn tay cô ướt lạnh nhưng vững chãi. Cô không cho phép mình run, ngay cả khi đầu ngón tay đã nhăn lại như những tờ giấy bị ngâm quá lâu trong nước thời gian.

Ánh sáng đỏ chiếu qua buồng tối.

Mỗi khung ảnh hiện lên như một bóng ma được gọi về từ cõi tạm.

Cảnh rừng, bóng người và một đứa trẻ ngủ trong chiếc áo khoác lính cũ. Rồi một tấm ảnh cô không nhớ mình đã chụp.

Một người đàn ông đứng nghiêng, nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối.

Anh ta đang cúi đầu nói chuyện với một sĩ quan Garde. Tay sĩ quan đeo nhẫn bạc, lớn, chạm khắc biểu tượng Garde Républicaine.

Élise sững người.

Cô đã từng thấy chiếc nhẫn đó rồi.

Trên tay Henri.

Cô nuốt khan.

Bức ảnh bị phơi sáng lệch, phần dưới mờ nhòe, nhưng khuôn mặt người lính đủ rõ để khiến tim cô đánh lạc một nhịp.

Không phải vì Henri đã làm điều gì sai. Mà bởi anh đã ở đó, trong khoảnh khắc cô không được biết, không được báo trước, và giờ đang in ra giữa chuỗi hình ảnh mà cô tin là của riêng mình.

Ai đã đặt bức ảnh ấy vào cuộn phim?

Không phải cô, cô chắc chắn là vậy.

Nhưng cũng không phải là một sự cố tình cờ.

Trên bàn làm việc, chiếc đồng hồ nhỏ gõ mười một tiếng khô khốc như tiếng gõ cửa của một đêm không ngủ.

Cô ngồi bệt xuống nền, dải âm bản trên tay khô dần.

Ngoài kia, gió đập vào cửa sổ từng đợt, nhẹ như thể có ai đang gõ, không để xin vào, mà để nhắc rằng điều gì đó đã vượt ra khỏi vùng kiểm soát.

Cô nhìn tấm ảnh thêm lần nữa để ghi nhớ.

Rồi cô tắt đèn đỏ.

Bóng tối không phải là kẻ thù.

Chỉ là nơi những điều chưa kịp thành tên đang trú ngụ, đợi một đêm nữa, trước khi được gọi ra ánh sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro