Chương 2
Vũ Yên nhìn vệt bùn loang lổ trên ống quần trắng, hít sâu, rồi buông một tiếng thở dài. Cô liếc sang Tú cô gái quê đang loay hoay dựng lại chiếc xe cũ, đôi mắt tròn lo lắng nhưng không hề lẩn tránh.
"Thôi, không sao." – Vũ Yên nói, giọng cố giữ bình tĩnh. "Tôi không phải người nhỏ nhen. Coi như lần sau chạy xe cẩn thận hơn."
Tú cười nhẹ, gật đầu đầy biết ơn.
"Em cảm ơn chị. Em đi trước nghen. Chỗ này chiều mưa lắm."
Rồi cô leo lên xe, động cơ phành phạch vang vọng xa dần. Chiếc bóng nhỏ nhắn trong bộ bà ba nhòe dần trong nắng chiều loang vàng trên ruộng lúa, để lại trong lòng Vũ Yên một cảm giác khó tả – vừa lạ, vừa gần, vừa như... quen từ kiếp trước.
Tú sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ lợp mái tôn xiêu vẹo, nằm nép bên bờ kênh cũ. Căn nhà không có gì đáng giá, chỉ là tấm phản gỗ, cái tủ con xập xệ và chiếc quạt cũ kêu lọc cọc. Nhưng nơi ấy luôn ấm áp tình thương.
Cha cô – ông Năm, là người từng bị tai nạn lao động, chân đi cà nhắc nên chỉ có thể làm việc nhẹ. Mẹ cô – bà Tư, gầy gò, suốt ngày cặm cụi hái rau, rửa chén thuê. Tú là lao động chính. Ai thuê gì, cô làm nấy cắt cỏ, nhổ lúa, gặt thuê, hái sen, hái bông súng... Chỉ cần có tiền mang về cho cha mẹ có thuốc uống, cô đều không ngại. Dù nghèo, nhưng cô lúc nào cũng sạch sẽ, từ đôi tay đến nụ cười đều như thấm đẫm nắng sớm và hương lúa đồng.
Vũ Yên thì khác. Những ngày đầu đi tìm đất theo lời dặn của cha là một chuỗi ác mộng. Những con đường đầy bụi, ruồi muỗi, trời nắng như đổ lửa. Cô di chuyển liên tục giữa các thôn ấp, tiếp xúc với những người nông dân chất phác mà lời nói chậm rãi, chân chất đến độ khiến cô... bối rối. Cô không ăn được cơm nguội, ghét nước giếng, và mỗi lần đi vệ sinh là cả một cuộc vật lộn với nỗi ám ảnh vi trùng. Những đêm nằm phòng trọ ẩm thấp, tiếng ếch nhái ồm ộp, cô thở dài, quay lưng với chiếc gối cứng như đá, lòng tự hỏi mình đang làm gì ở nơi này.
Đến ngày thứ tư, kiệt sức và đầy bụi bặm, cô quyết định dậy sớm đi bộ quanh vùng để "giải tỏa đầu óc".
Sáng hôm ấy, khi sương còn chưa tan, Vũ Yên đi dọc theo con đường nhỏ dẫn ra bờ hồ sen cuối làng. Gió sớm mát lạnh, mang theo mùi hương thoảng thoảng của bùn, nước và lá sen non. Và rồi... cô đứng sững.
Trước mặt cô là cả một hồ sen mênh mông, trải dài màu xanh ngọc, lấp ló những búp sen hồng phơn phớt. Giữa hồ, một dáng người đang cúi xuống nhẹ nhàng hái từng bông sen một cách điêu luyện – chính là Tú. Cô mặc bộ bà ba màu lam nhạt, ướt đẫm sương sớm, nhưng không lấm lem. Đôi chân trần ngâm dưới nước, mái tóc dài buộc gọn, gương mặt nghiêng nghiêng giữa làn nắng dịu như một bức tranh thủy mặc sống động.
Vũ Yên chưa từng thấy hình ảnh nào... nên thơ đến vậy. Những giọt nước nhỏ từ bông sen rơi xuống tay Tú, phản chiếu ánh mặt trời non như những viên ngọc trong suốt. Ánh mắt cô gái quê bình yên đến lạ như chẳng có gì trên đời có thể khiến cô hối hả, vội vàng.
Vũ Yên bất giác quên mất cái nắng, cái bụi, quên cả mệt mỏi. Cô cứ đứng đó, lặng người, không biết từ bao giờ... trong lòng mình lại nổi lên một thứ cảm xúc lạ thường – vừa ngưỡng mộ, vừa xao xuyến, và cả chút gì đó như... ganh tị với sự thanh thản giản đơn kia.
Trong căn bếp nhỏ, dưới ánh đèn dầu vàng nhạt, ba người ngồi quanh mâm cơm đạm bạc gồm cá kho, rau luộc và chén nước mắm tỏi ớt.
Bà Tư (mẹ Tú) vừa gắp cá vừa nói: "Trưa nắng chang chang mà mầy cũng ráng ra đồng hái sen, riết cái da đen như củ khoai mài vậy đó con"
Tú cười hiền, lấy đôi đũa gắp rau cho mẹ:"Sen đang vô mùa, người ta cần hái lẹ để đem đi chợ sớm. Mấy bữa nữa trời mưa cái là thúi rễ hết trơn. Con tranh thủ kiếm thêm chút tiền, chứ mùa này ruộng mình đâu làm gì ra."
Ông Năm (cha Tú) húp miếng canh rồi chậc lưỡi:"Vậy mà sáng thấy con gái người ta xuống đây, mặc bộ đồ trắng tinh như cô giáo múa, đứng lóng ngóng ngoài bờ ruộng, ba tưởng bà hoàng đi lạc."
Tú chớp mắt, bật cười: "Ba nói chị đó hả? Bữa nay bị con quẹt xe ướt cái quần, mặt chị xanh như tàu lá chuối. Mà lạ nha, người thành phố tưởng dữ lắm, ai ngờ xin lỗi cái là bả tha cho liền."
Bà Tư vừa ăn vừa nói nhỏ: "Có khi người ta về đây có chuyện làm ăn chi đó. Gặp được con gái tui hiền lành, chắc cũng đỡ sốc"
Ông Năm gật gù: "Chớ còn gì. Con nhỏ Tú nhà mình có tướng lo toan, biết thương người, lại có hiếu. Cực vậy mà có nghe than nửa lời đâu."
Tú nói nhỏ, ngó xuống chén cơm: "Có cực cỡ nào con cũng chịu, miễn ba má khỏe, nhà mình còn bữa cơm chung là con thấy đủ rồi."
Nắng sáng đổ xuống con đường đất đỏ ngoằn ngoèo như rễ cây, bụi bay lên mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Vũ Yên đứng bên dưới một tán cây thưa lá, điện thoại cầm trên tay nhưng... vô dụng. Tín hiệu chập chờn, bản đồ mờ tịt, mà hỏi mấy người đi ngang qua thì chỉ nhận được những câu trả lời kiểu:"Đi thẳng qua cây me cụt rồi quẹo trái, băng qua ruộng, tới bụi chuối là tới."
"Bụi chuối nào cơ chứ... trời ơi." – cô thở dài, vò đầu bứt tai. Đôi giày trắng giờ đã nhuộm màu đất, váy áo bám bụi, mồ hôi lấm tấm trên trán. Tất cả những điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu cô còn ở Sài Gòn.
Đúng lúc đó, từ xa vọng lại tiếng xe đạp lóc cóc và mùi hương quen thuộc... mùi sen non, thơm dịu dàng như sương mai. Cô quay đầu lại và không nhầm được Tú đang gánh một gánh sen đi ngang, mỗi bước đi nhịp nhàng như quen lối.
Cô mặc lại bộ bà ba lam nhạt hôm trước, tóc cột gọn gàng, tay trái giữ thăng bằng cho chiếc đòn gánh, tay phải giữ nón lá khỏi đung đưa. Trong gánh là một bên hoa sen nở rộ màu hồng nhạt, một bên là những búp sen tươi non còn ngậm sương, long lanh như ngọc dưới nắng sớm.
Vũ Yên vẫn tiếp tục cái dáng vẻ ngẩn người ra suy nghĩ " bao nhiêu mỹ nữ ở Sài Gòn mình đều đã gặp qua rồi mà sao cứ bị cô gái này làm cho ngớ người vậy, đúng là con gái miền Tây mà "
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro