Bài làm
Đề bài: Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam.
ㅡ
Dàn bài chi tiết:
I/ Mở bài:
Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh, ở đây là áo dài Việt Nam.
- Nhắc đến đất nước Việt Nam là nhắc đến tà áo dài và chiếc nón lá mộc mạc.
hoặc
- Nơi đâu xuất hiện tà áo dài thướt tha, nơi đấy xuất hiện hình ảnh bản sắc dân tộc của Việt Nam.
hoặc là
- Chiếc áo dài chính là quốc phục quý giá của đất nước Việt Nam, là biểu tượng truyền thống của người phụ nữ Việt.
(Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể dẫn dắt bằng thơ văn).
II/ Thân bài:
a) Lịch sử, nguồn gốc chiếc áo dài:
- Trước khi xuất hiện áo dài, trang phục phổ biến của người Việt là áo giao lãnh và viên lãnh.
- Vào thập kỷ 1930, một hoạ sỹ tài ba tên Le Mur đã thực hiện một cải cách quan trọng trên áo tứ thân. Tuy nhiên, áo dài Le Mur này đã bị tẩy chay bởi những yếu tố ngoại lai sống sượng.
- Năm 1934, Lê Phổ - một danh họa người Việt ở Pháp đã thiết kế lại những chi tiết thiếu mềm mại và tự nhiên trên chiếc áo dài Le Mur.
- Trải qua bao nhiêu lần cách tân, đổi mới thì áo dài Việt Nam vẫn mãi tồn tại theo dòng thời gian và giữ cho mình hình dạng, những đường nét cơ bản nhất để phù hợp với cuộc sống năng động hiện nay.
b) Công dụng (mục đích sử dụng) của áo dài:
- Áo dài dành cho mọi lứa tuổi: dành cho nữ sinh, giáo viên nữ, trong các buổi lễ hội.
- Có thể nói rằng áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.
- Ngoài ra, áo dài dành cho phái mạnh cũng không kém phần nổi bật khi áo dài cách tân đang là xu hướng được nam giới hướng đến. (Nên nói về áo dài nam vì ít ai nhắc lắm nè ^^)
- Áo dài còn là trang phục công sở của một số công ty hoặc đồng phục của nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn, của nhân viên ngân hàng.
(Ghi điểm với giáo viên hơn nữa là nên giới thiệu về áo dài trong đồng phục của tiếp viên hàng không. Trong bài viết hoàn chỉnh phía dưới có nhé.)
c) Cấu tạo, bộ phận của áo dài:
- Áo dài truyền thống có cổ áo khoảng bốn đến năm xen-ti-mét, khoét hình chữ "V" trước cổ.
- Ngày mới ra đời, áo dài có năm khuy ở năm vị trí cố định vừa giữ cho thân áo ngay ngắn vừa tượng trưng cho năm đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
- Thân áo là phần từ cổ đến eo, được trang trí hoa văn cho thêm rực rỡ. Có những thiết kế bằng hoạ tiết hoa sen, cây tre cây trúc đơn sơ, mộc mạc hoặc những chú chim công quyến rũ.
- Tà áo được chia thành hai phần là tà trước và sau.
- Quần áo dài được may theo kiểu ống rộng bằng loại vải phi bóng hay satin lụa mềm, rũ.
d) Ý nghĩa của chiếc áo dài:
- Chiếc áo dài là một tuyệt tác nghệ thuật của dân tộc. Không những có vẻ đẹp nhã nhặn, lịch sự, chiếc áo đai còn là kết quả quý giá về bản sắc văn hoá và tinh thần trong tim mỗi người con đất Việt.
- Áo dài còn là một nét văn hoá nói lên nhiều yếu tố cuộc đời, ý nghĩa đạo lý và gói trọn cái sâu sắc nhất, cốt yếu nhất về tinh thần, tình cảm con người Việt Nam ta.
e) Áo dài Việt trong thơ ca:
- Áo dài là giấc mơ yên vui, êm ả, thanh bình của những làng quê hiên hoà trong tình ca quê hương da diết của Phạm Duy.
- Áo dài bồng bềnh, bí ẩn trong thơ của Nghêu Minh.
(Nên kể thêm nữa, trong bài văn sẽ có.)
f) Mở rộng (xoay quanh áo dài):
- Về những cuộc triển lãm và biểu diễn áo dài trên thế giới.
- Về những du khách nước ngoài, hoa hậu Thế giới.
- Về cách giữ gìn, bảo quản.
III/ Kết bài:
- Nêu kết luận, đúc kết tóm gọn lại về ý nghĩa và suy nghĩ của bản thân.
Áo dài là quốc phục của đất nước Việt Nam, là một trong những nét đẹp truyền thống, gắn liền với phong tục và văn hoá của người Việt...
Lưu ý:
- Để bài văn cuốn hút hơn, mọi người nên tìm những thông tin "độc - lạ" thì điểm mới cao nhe. Đặc biệt là thơ ca, văn chương liên quan và phần mở rộng phải đầu tư công sức tìm hiểu kỹ càng cho cho chính xác nhé!
- Phải nhớ rằng, càng mới lạ, có được những thông tin không ai có thì giáo viên mới ấn tượng và có điểm số tốt hơn. Tuy nhiên chỉ là tìm điều mới lạ chứ không được tự chế, tự tưởng tượng.
- Bên cạnh văn thuyết minh, cần thêm yếu tố miêu tả và tự sự.
- Cần có thông tin, kiến thức cơ bản, sự hiểu biết và quan sát thực tế để diễn tả nội dung, truyền đạt câu chữ, giới thiệu (thuyết minh) về chiếc áo dài một cách trọn vẹn nhé.
ㅡ
Bài văn:
“ Tà áo ôm ấp thân kiều
Để cho thế giới phải yêu áo dài
Cho tà áo sánh ngang vai
Thời trang hoa lệ các đài thế gian ! ”
( Lãng Du Khách )
Nếu xường xám là điển hình cho trang phục truyền thống thanh lịch, thiết kế mẫu mực của Trung Quốc thì áo dài chính là biểu tượng của văn hóa truyền thống của con người Việt Nam ta. Chiếc áo dài mà được bạn bè quốc tế hết lòng ca ngợi quả thực là một loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp thướt tha, yêu kiều của người phụ nữ Việt nói riêng và vẻ đẹp mỗi con người của dân tộc Việt Nam nói chung.
Trước khi xuất hiện áo dài, trang phục phổ biến của người Việt là áo giao lãnh và viên lãnh. Nhưng đến năm 1744, với tham vọng lập quốc một cõi, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành để phân biệt với Đàng Ngoài. Trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau: " Thường phục thì áo đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép..." (sách “ Đại Nam Thực lục ”).
Vào thập kỷ 1930, một họa sĩ tên Le Mur đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi.Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Thêm nữa, áo Le Mur để hợp mốt ngày ấy phải mặc với quần sa tin trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Tuy nhiên, ngoài được nhiều người yêu thích, áo dài Le Mur này có nhiều biến cải mà một số dư luận thời đó cho là bị pha tạp nhiều yếu tố ngoại lai sống sượng, lố lăng và đã bị tẩy chay.
Năm 1934, Lê Phổ - một danh họa của Việt Nam ở Pháp đã thiết kế lại và lược bỏ bớt những chi tiết lai căng thiếu mềm mại và tự nhiên trên chiếc áo Le Mur. Đồng thời, ông đã kết hợp với các nét truyền thống, yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, trang trọng ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do tung bay. Sự dung hòa mới mẻ, ấn tượng giữa cái mới và cái cũ, được đông đảo người dân, đặc biệt là giới nữ thời đó ủng hộ nhiệt liệt và ưa thích. Từ đây, áo dài Việt Nam đã có được hình dạng cân đối, chuẩn mực của riêng nó. Cũng từ lúc bấy giờ, dù trải qua từng thời kỳ cùng với những quá trình lịch sử, dù trải qua bao lần cách tân, đổi mới thì áo dài Việt Nam vẫn mãi tồn tại theo dòng thời gian và giữ cho mình hình dạng, những đường nét cơ bản nhất.
Trong các ngày lễ hội truyền thống không thể thiếu trang phục áo dài, áo dài vừa thể hiện nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ mà còn thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Áo dài không những là trang phục truyền thống trang nghiêm mà còn vô cùng hiện đại, năng động. Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Áo dài xuất hiện trong các trường trung học phổ thông khi các nữ sinh với tà áo dài trắng thuần khiết, thướt tha, duyên dáng tham gia vào buổi chào cờ đầu tuần. Những giáo viên nữ tự tin sải bước trên bục giảng với tà áo dài hồng cánh sen vô tư bay lượn toát lên vẻ đẹp thanh lịch, trang nhã. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ hay các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật lớn không thể thiếu hình ảnh của những chiếc áo dài. Có thể nói rằng áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới khi các hoa hậu của đất nước ta đi thi đấu ở đấu trường quốc tế quy mô, bề thế luôn xuất hiện hình ảnh mềm mại, uyển chuyển của tà áo dài, mang nét đẹp, mang theo truyền thống của dân tộc ta giới thiệu với bạn bè quốc tế. Hoa hậu Trái đất hay các khách du lịch từ các nước đến Việt Nam đã bị hấp dẫn bởi trang phục dân tộc đặc sắc này. Chiếc áo dài là một trang phục không thể thiếu được của người phụ nữ Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, áo dài dành cho phái mạnh cũng không kém phần nổi bật khi áo dài cách tân đang là xu hướng được nam giới hướng tới. Áo dài nam cách tân là sự thiết kế cách điệu, biến tấu từ mẫu áo dài nam truyền thống như ban đầu. Mẫu áo dài này có kiểu dáng năng động, hiện đại lại mặc rất thoải mái khiến họ cảm thấy tự tin khi diện lên người bộ trang phục đậm chất dân tộc này. Áo dài còn là trang phục công sở của một số công ty, trang phục của nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn, của nhân viên ngân hàng và đặc biệt là tiếp viên hàng không. Đồng phục của tiếp viên hàng không hãng hàng không Quốc gia Việt Nam với nhiều cải tiến sau mười lăm năm là bộ áo dài với ba màu là xanh ngọc, xanh da trời và vàng nhẹ. Phần cổ được hạ thấp một chút và tà áo dài ngắn lại, màu măng-tô được đổi cùng với tay áo suông dài để thuận tiện hơn cho nhân viên trong quá trình làm việc mà vẫn giữ được sự thướt tha, sang trọng vốn có. Bộ đồng phục hiện tại với kiểu dáng cách điệu, mang tính công nghiệp, không phải là một chiếc áo dài để đi dự tiệc, dạo chơi hay biểu diễn trên sân khấu nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam.
Áo dài còn được mặc khi đi dạo phố, đi chơi Tết, những buổi họp mặt quan trọng hay lễ cưới chẳng hạn. Không còn là một chiếc áo bình thường nữa, áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, trở thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ, trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Mỗi chúng ta dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài trong những dịp Đại hội, lễ nghi, tiệc tùng, cưới hỏi hay cả trong cuộc sống thường ngày không thể thiếu đi hình ảnh chiếc áo dài truyền thống mang đậm nét văn hoá dân tộc Việt nam - một biểu tượng văn hóa qua bao thời đại. Như vậy, có thể nói áo dài chính là đại sứ của đời sống nội tâm của con người và tinh hoa của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa vào dòng phát triển năng động và nhiệt huyết trong các lĩnh vực trên thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.
Trải qua bao nhiêu quá trình diễn biến và phát triển từ xa xưa đến thời đại ngày nay, áo dài đã nhiều lần được cách điệu, thiết kế lại với nhiều kiểu dáng, hình thức bên ngoài đa dạng, phong phú khác nhau. Áo dài truyền thống có cổ áo cổ điển cao khoảng bốn đến năm xen-ti-mét, khoét hình chữ “ V ” trước cổ. Kiểu cổ áo này để lộ chiếc cổ cao trắng nõn nà, mảnh mai, thanh thoát của người phụ nữ càng góp phần tôn lên vẻ đẹp tao nhã. Ngày nay, để tăng thêm vẻ đẹp và để phù hợp với từng mục đích sử dụng, kiểu cổ áo dài được biến tấu nhiều kiểu như kiểu cổ Tàu, cổ trái tim, cổ tròn, cổ chữ “ U ”,… Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang một bên vai rồi kéo xuống ngang hông tạo thành một hàng khuy chắc chắn, chỉnh tề đến đẹp mắt. Ngày mới ra đời, áo dài có năm khuy ở năm vị trí cố định vừa giữ cho thân áo ngay ngắn vừa tượng trưng cho năm đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thân áo là phần từ cổ đến eo, gồm hai mảnh được may vừa vặn, ôm sát thân người và đặc biệt là bó sát eo làm nổi bật thêm vẻ đẹp thon gọn và tôn lên đường cong gợi cảm, duyên dáng của người phụ nữ. Tà áo được chia làm hai phần là tà áo trước và tà áo sau, được ngăn cách bởi hai bên hông và buộc phải dài hơn đầu gối. Áo dài được may bằng vải một màu thì thân trước, thân sau sẽ được trang trí hoa văn cho áo thêm rực rỡ. Người ta thường chuộng những thiết kế với họa tiết hoa sen, cây tre cây trúc đơn sơ, mộc mạc hay những chú chim công quyến rũ. Phần tay áo là phần từ vai đến qua cổ tay một chút, may ôm sát cánh tay làm tăng lên độ thon dài và được may liền không có cầu vai. Quần mặc cùng chiếc áo dài được may theo kiểu quần ống rộng, chấm gót chân. Quần áo dài được may bằng loại vải mềm, rũ, hầu hết là may bằng vải phi bóng hay satin lụa. Có thể là vải đồng màu với chiếc áo dài hay khác màu, nhưng để tôn lên sự mềm mại, lả lướt cho bộ trang phục và thêm nét duyên dáng, đằm thắm của tà áo dài Việt Nam thì thường quần có màu trắng bóng.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam gần như phải luôn chống nạn ngoại xâm để trường tồn và bảo vệ những giá trị truyền thống về văn hóa. Chiếc áo dài là một tuyệt tác nghệ thuật của dân tộc. Không những có vẻ đẹp nhã nhặn, lịch sự, chiếc áo dài còn là kết quả quý giá về bản sắc văn hóa và tinh thần trong tim mỗi con người Việt Nam. Cũng không hoàn toàn đơn thuần chỉ là một bộ trang phục truyền thống, áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhiều yếu tố của cuộc đời, về ý nghĩa đạo lý và mục đích sống của con người và gói trọn cái sâu sắc nhất, cốt yếu nhất về tinh thần, tình cảm con người Việt ta.
Người phụ nữ, người con gái Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống là hình ảnh đẹp đẽ, thuần khiết, trong sáng đã được nhiều nhà nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ và nhạc. Áo dài là giấc mơ yên vui, êm ả, thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương da diết của Phạm Duy:
“ Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong nắng cười...”
Áo dài bồng bềnh, chuyển động lên xuống nhẹ nhàng như dải trăng thu cuốn hút, huyền ảo và bí ẩn trong thơ của Nghiêu Minh: “Dấu thu kinh tự còn mê… Em mang tà áo bốn bề là trăng”. Một yên tĩnh, êm đềm trong kỷ niệm về một tà áo, một đôi mắt huyền được Tô Vũ ghi lại bằng vài nét nhạc êm dịu, lâng lâng trong tâm hồn: “Em đến thăm anh người em gái… Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…”. Áo dài thướt tha như vạt áo của nàng Xuân trong thơ Trần Mộng Tú: “Tôi gói xuân vào hai vạt áo… ngước nhìn mây trắng dạ mang mang”. Nhưng nói đến thơ ca về áo dài, không thể không nhắc đến bài thơ nổi tiếng về chiếc áo dài mang tên “Áo lụa Hà Đông”, với những câu:
“ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông... ”
Tô Ngọc Vân, một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng là tác giả của nhiều bức họa tiêu biểu đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã sáng tác ra tác phẩm tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa huệ” vào năm 1943. Bức tranh mô tả chân dung của một người thiếu nữ mặc chiếc áo dài truyền thống trắng tinh khôi đang nghiêng đầu một cách tự nhiên về phía lọ hoa huệ tây.
Ngày nay, áo dài Việt Nam đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới và để lại nhiều ấn tượng, dấu ấn khó phai cùng cảm xúc mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế và từ đó cũng giúp kết nối văn hóa Việt với thế giới rộng lớn. Để thống kê đầy đủ toàn bộ những cuộc triển lãm và biểu diễn áo dài ở khắp mọi nơi trên thế giới thì thật khó. Nhưng có thể biết được rằng những thương hiệu áo dài lừng danh từ đầu thập niên chín mươi như Ngân An, La Hoàng đến những thương hiệu trẻ nổi danh ngày nay như Võ Việt Chung, Hoàng Hải đều đã có những chuyến lưu diễn và tham gia vào các cuộc triển lãm trên thế giới. Rất nhiều người nước ngoài có cảm tình và ấn tượng rất tốt về tà áo dài – niềm kiêu hãnh, đáng tự hào của Việt Nam. Những du khách nước ngoài hầu hết đều chọn áo dài cùng chiếc nón lá làm quà lưu niệm khi họ rời khỏi Việt Nam.
Áo dài là trang phục mà có lẽ người phụ nữ Việt Nam nào cũng muốn được nâng niu, giữ gìn vì áo dài được may bằng chất liệu vải mềm và rất mong manh. Tuy nhiên, để giặt ủi đúng cách thì không phải chuyện dễ dàng đơn giản mà phải hết sức cẩn thận để giữ cho bộ áo dài luôn phẳng phiu, mềm mại. Khi mặc xong phải giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt nhẹ tay và tuyệt đối không dùng thuốc tẩy vì nó sẽ khiến vải áo dài bị xơ và phai màu. Sau đó, ủi với nhiệt độ vừa phải, treo bằng mắc áo và cất vào tủ. Khi không mặc đến thì nên gấp áo dài lại và cho vào túi sạch để áo không bị bám bụi. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo, vải đẹp và luôn như mới.
Áo dài là quốc phục của đất nước Việt Nam, là một trong những nét đẹp truyền thông, gắn liền với phong tục và văn hóa của người Việt. Dù thời gian có dần trôi qua, dù những bộ trang phục ngày một thêm đa dạng nhưng ở khắp nơi trên mảnh đất hình chữ “ S ” này, tà áo dài vẫn luôn nhẹ nhàng tung bay và chiếm vị trí độc tôn về niềm tự hào bản sắc dân tộc. Vì vậy, mỗi con người đều cần phải giữ gìn để phát huy bản sắc này ngày càng tươi đẹp, rực rỡ hơn.
ㅡ Hết ㅡ
Mong rằng qua bài văn của tớ, mọi người sẽ có thêm nhiều ý tưởng và hứng thú để hoàn thành bài viết văn một cách hay nhất và đạt điểm số cao nhé ♡ Cố lên!
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro