31-40
PHẦN II : NƯỚC Ý
Chương 31
thủy thủ sinbad
Vào khoảng đầu năm 1838, có hai chàng thanh niên quý tộc bậc nhất ở Paris tới thành phố Florence. Đó là tử tước Albert de Morcerf và nam tước Franz d’Épinay. Hai chàng tính chuyện sẽ tham dự hội hóa trang tổ chức ở Rome và viết thư cho một người chủ khách sạn ở quảng trường Tây Ban Nha, giữ cho họ một cănbuồng sang trọng nhất. Franz đã ở Ý bốn năm nên đóng vai người dẫn đường.
Trong lúc chờ đợi ngày khai mạc, Albert đi Naples chơi. Còn Franz thì xuống một chiếc thuyền đi thăm đảo Elba. Sáng hôm sau, thuyền cập bến Porto-Ferrajo. Franz lên đảo xem những di tích của vị Hoàng đế Pháp trong thời gian bị đầy ở đây rồi vác súng đi bắn chim đa đa. Thấy anh chỉ bắn được có vài con, người chủ thuyền nói:
- Hay là cậu đến đảo Monte Cristo. Ở đấy hoang vắng, có rất nhiều dê rừng, tha hồ mà săn.
- Ban đêm có chỗ ngủ không?
- Cậu có thể ngủ tạm trong một hang đá hoặc ở dưới thuyền. Nhưng tôi xin báo trước rằng, tuy là hòn đảo hoang vắng nhưng đôi khi cũng có bọn cướp biển và buôn lậu đến đấy trao đổi hàng hóa.
- Nếu vậy, chúng ta nên đi ngay đến đấy - Franz hăm hở nói.
Tức thì người chủ thuyền cho căng buồm, nhổ neo và con thuyền rẽ sóng ra khơi.
- Này bác Gaetano - Franz nằm trong thuyền nói - Nghe nói bọn cướp biển đã bị tiêu diệt hết rồi kia mà? Tôi đã đến đảo Sicily và Calabria ở hai tháng mà chả thấy bóng một tên nào!
- Thế cậu không nhớ là cách đây sáu tháng, một nhà ngoại giao Pháp đến Tòa Thánh, đi qua đây đã bị bọn chúng lột sạchà? Bọn này ghê gớm lắm, chúng cướp sạch tiền bạc, hàng hóa, trói người lại rồi đánh chìm chiếc tàu bị cướp. Thế là người cũng mất tích luôn.
- Bác Gaetano này, câu chuyện của bác hấp dẫn lắm, chúng ta cứ thử đến Monte Cristo xem sao.
Gió thổi mạnh, thuyền lướt nhanh trên làn sóng bạc và hòn đảo đã lộ ra phía chân trời với những mỏm đá đen ngòm. Khi thuyền sắp tới bờ, mọi người thấy trên đảo có ánh lửa le lói. Chủ thuyền vội ra lệnh chèo vòng ra phía sau. Francs soát lại hai khẩu súng của mình, lên đạn để sẵn sàng đối phó. Gaetano cởi hết quần áo, ra hiệu bảo mọi người im lặng rồi lao xuống để bơi vào bờ. Nửa giờ sau chủ thuyền bơi về nói:
- Có một bọn buôn lậu Tây Ban Nha với hai tên cướp biển người Corse. Không có gì đáng lo ngại cả, có thể đổ bộ được. Tôi sống trên biển đã lâu năm nên rất quen với chúng.
- Bác cũng có họ với chúng à? - Franz hỏi đùa. Gaetano nở một nụ cười bí hiểm đáp:
- Thưa cậu, biết làm thế nào được? Đôi khi phải giúp đỡ nhau chứ. Và nếu người ta có đi ăn cướp cũng không phải lỗi tại người ta.
- Liệu bọn chúng có cho chúng ta ngủ qua đêm không? - Franz hỏi.
- Sao lại không? Cậu cứ làm như Ulysses thời xưa, tôi sẽ bảo vệ cậu.
Sau đó, người chủ thuyền cho thuyền trở về chỗ bờ có ánh lửa, và khi còn cách hơn chục bước, một người canh trên bờ thét: "Ai?". Gaetano trao đổi với người trên bờ một thứ tiếng mà Franz không hiểu, rồi quay lại hỏi anh thanh niên.
- Cậu có cần xưng danh không?
- Bác nói hộ, tôi là một du khách người Pháp, có thế thôi.
Khi câu trả lời được chuyển tới người đứng canh, người đó truyền lệnh cho một người đang ngồi trước đống lửa, lập tức hắn đứng lên đi vào khuất sau một mỏm đá. Một lát sau, hắn trở lại nói với người đứng canh bằng tiếng Ý: "Mời vào".
Franz và Gaetano bước lên bờ, đi theo người dẫn đường cầm đuốc đi trước. Đi được chừng ba chục bước, họ tới một cái sân nhỏ, xung quanh trồng cây phong và có những viên đá đẽo nhẵn làm ghế ngồi. Franz ngồi chờ ở đó, còn Gaetano đi với người dẫn đường. Một lát sau người chủ thuyền trở lại nói:
- Vị thủ lĩnh nghe nói cậu là một người Pháp nên có nhã ý muốn mời cậu dùng bữa tối với ông ta.
- Ông ta hẳn là con người lịch thiệp lắm nhỉ. Chả có lý do gì làm tôi phải từ chối.
- Nhưng trước khi mời khách vào nhà, ông ta ra một điều kiện.
- Nhà ông ta? Ông ta có xây một ngôi nhà ở đây sao?
- Không, nhưng ông ta có một nơi tiếp khách rất lịch sự với đầy đủ tiện nghi.
- Mẹ ơi! Thế điều kiện ra sao?
- Để cho người ta bịt mắt, và chỉ cởi ra khi có lệnh.
- Bác nghĩ sao? - Franz nhìn thẳng vào mắt chủ thuyền hỏi với vẻ thăm dò.
- Tôi thì tôi bằng lòng - Rồi Gaetano hạ thấp giọng nói thêm - Nghe đâu ông ta có một tòa lâu đài nằm sâu dưới đất mà các vị vua chúa cũng phải ghen tị đấy.
- Thế thì lạ lùng thật. Tôi tưởng chừng như sắp được lạc vào một cái hang của Ali Baba!
- Ông ta còn có một chiếc du thuyền tuyệt đẹp để đi ngao du khắp nơi.
- Tên ông ta là gì?
- Ông ta chỉ cho biết bí danh là "Thủy thủ Sinbad".
- Ông ta thuộc quốc tịch nào và ở đâu?
- Tôi không rõ quốc tịch nào và chỉ biết ông ta sống trên biển.
Bỗng phía sau có tiếng người nói:
- Đức ông cho mời hai ngài vào.
Franz quay lại, thấy người đó đứng cạnh hai thủy thủ nữa. Anh lặng lẽ đưa cho họ chiếc khăn mùi soa để bịt mắt lại, và hai thủy thủ cầm tay dắt anh đi. Được vài chục bước anh ngửi thấy mùi thịt nướng thơm phức. Đi một quãng nữa anh lại thấy không khí mát lạnh như ở dưới hầm và phảng phất có mùi trầm hương.
༺༒༻
Một lát sau, hai người thủy thủ buông tay anh ra. Một phút im lặng, rồi nghe tiếng một người nói giọng lơ lớ nước ngoài:
- Xin kính chào quý khách và mời quý khách bỏ khăn che mắt ra.
Franz không chờ nhắc lại, vội kéo chiếc mùi soa xuống và trông thấy một người đàn ông trạc hơn bốn mươi tuổi, ăn mặc theo kiểu người Tunisia một cái mũ chỏm màu đỏ có đính những tua bằng tơ màu xanh, một chiếc áo ngắn bằng dạ đen thêu kim tuyến, một cái quần màu tiết dê rộng thùng thình thắt chẽn cổ chân, chân đi hài thêu. Bên trong, người đó mặc một cái áo lụa bó chặt lấy thân bằng một sợi dây lưng nạm kim cương. Mặc dù nước da trông có vẻ xanh nhưng ông ta có bộ mặt tuyệt đẹp, đôi mắt trong sáng, mũi dọc dừa, hàm răng trắng bóng dưới hàng ria mép đen. Vóc người không lớn lắm nhưng rất cân đối và màu sắc của làn da có vẻ kỳ dị, dường như da của một người đã sống lâu năm trong hầm kín, chưa kịp trở lại bình thường.
Điều làm Francs ngạc nhiên hơn cả là những đồ đạc bày biện trong buồng vô cùng lộng lẫy và quý giá. Căn buồng căng toàn bằng vóc Thổ Nhĩ Kỳ đỏ sẫm thêu hoa bằng vàng. Đằng cuối buồng có kê một chiếc tràng kỷ, phía trên treo một phù hiệu cắm nhiều loại vũ khí Ả Rập bóng lộn nạm những hạt châu óng ánh. Trên trần treo một chùm đèn pha lê kiểu Venice, hình dáng và màu sắc tuyệt đẹp. Các cửa ra vào đều có bình phong, căn buồng sáng trưng.
༺༒༻
Chủ nhân ngắm nghía vị khách trẻ tuổi một lát rồi nói:
- Tôi rất tiếc đã buộc phải dùng những biện pháp đề phòng quá ngặt nghèo đối với các vị khách. Mong ông thông cảm cho vì hòn đảo này hoang vu nên tôi e rằng trong lúc mình đi vắng, kẻ xấu sẽ đến phá hoại chỗ trú chân của tôi! Không phải tôi tiếc của mà vì lo rằng không có nơi ẩn náu khi tôi muốn xa lánh cuộc đời.
- Tôi đâu dám trách ngài - Franz vội đáp - Vì tôi đã có diễm phúc được lạc vào một khung cảnh của những chuyện trong "Nghìn lẻ một đêm".
- Chao ôi! Cái hang của kẻ ẩn sĩ này bất ngờ lại được quý ông hạ cố đến thăm nên tôi chưa kịp chuẩn bị cho chu đáo. Ali! Thức ăn dọn ra được chưa?
Lập tức, một người hầu da đen, mặc áo trắng dài, chạy ra đưa tay mời khách vào phòng ăn, không nói một câu nào. Franz lại càng ngạc nhiên khi thấy phòng ăn cũng trang hoàng lộng lẫy không kém phòng khách và trên bàn bày la liệt những món sơn hào hải vị, những hoa quả miền nhiệt đới rất thơm ngon đặt trên những đĩa bằng bạc và sứ Nhật Bản.
Sau khi im lặng suy nghĩ một lát, Francs cất tiếng hỏi:
- Thưa ngài, như người thủy thủ vinh quang mà ngài đã mang tên, có phải suốt đời ngài chỉ đi chu du khắp nơi không?
- Vâng, đó là ước nguyện từ hồi nhỏ của tôi.
- Hẳn ngài đã đau khổ nhiều lắm?
- Sao ông biết? - Chủ nhân rùng mình hỏi.
- Nghe giọng nói của ngài, nhìn cặp mắt, nước da của ngài và lối sống xa lánh bụi trần của ngài cũng đủ biết. Ngài có một nỗi căm thù nào không?
Chủ nhân nhìn thẳng vào cặp mắt Franz, dường như xoáy vào tâm hồn anh, rồi cười phá lên để lộ hàm răng trắng bóng, nói:
- Sao lại căm thù? Tôi sống cuộc đời một bậc vương giả, muốn gì được nấy, tự do, thanh thản, rất yêu đời. Nay mai tôi có ý định đi Paris chơi để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến kinh thành hoa lệ ấy.
- Tôi mong sẽ có dịp được đón tiếp ngài ở nhà tôi, như ngài đã đón tiếp tôi ở đây.
Sau bữa tiệc, Ali mang đến một chiếc bình nhỏ mạ vàng và đặt nó rất thận trọng lên mặt bàn. Francs mở nắp, thấy một chất gì sền sệt như keo, màu hồ thủy, một thứ nước mà anh chưa nom thấy bao giờ. Anh đậy nắp lại, ngước mắt nhìn chủ nhân. Chủ nhân mỉm cười nói:
- Ông chả đoán ra được đâu. Ngày trước, nhà du hành Marco Pololạc vào một khu vườn của Hoàng đế Hassen-ben-Sabah, được thưởng thức một thứ cỏ lạ. Sau đó ông thấy đê mê như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh, với hoa lá tốt tươi, thơm ngát, với bầy trinh nữ xinh đẹp như thiên nga. Đó chỉ là một giấc mơ, say sưa huyền ảo và hoan lạc, khiến người hưởng nó dù có bị chết vì đau khổ và cực hình cũng không hề oán trách. Đối với người đó, cái chết chỉ là giai đoạn quá độ để tiến tới một cuộc sống đầy khoái cảm.
- Ồ, đó là chất ma túy! - Franz kêu lên.
- Đúng rồi, Aladdin, hãy mời ông ấy nếm thử.
Chủ nhân nói xong mở cái nắp, cầm một thìa con múc rồi đưa lên miệng, nhấm nháp rất chậm rãi, đầu ngả về phía sau, cặp mắt lim dim. Franz cũng làm theo chủ nhân, nhưng sau khi húp hết một thìa vội kêu lên:
- Mẹ ơi! Chả ngon tí nào cả.
- Chưa hợp với khẩu vị của ông đấy thôi, cũng như lần đầu tiên được ăn yến của người Trung Hoa. Nếu ăn quen rồi thì trên thế gian này chẳng có thức ăn nào sánh kịp. Thôi, ta hãy đi uống cà phê và hút thuốc.
Chủ nhân và khách đi sang phòng bên, cũng trang hoàng lịch sự, căng toàn da thú mịn màng và đẹp mắt. Chủ nhân mời khách ngả lưng xuống một cái giường thấp trải nệm gấm có đặt một bộ đồ hút thuốc với những chiếc xe điếu bằng gỗ trầm nạm hổ phách. Thuốc đã được nhồi sẵn, mỗi người kéo một hơi. Sau đó hai người uống cà phê rất đặc, theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ.
Bỗng nhiên Franz cảm thấy có sự thay đổi đột ngột trong cơ thể. Người anh như nhẹ bỗng, lơ lửng trong không gian. Tất cả những mệt mỏi, những ý nghĩ vớ vấn trong đầu óc anh, những cảm giác và xúc động đầu tiên tan hết. Anh cảm thấy tỉnh táo, dễ chịu, như đứng trước một chân trời mở rộng sáng ngời, một bầu trời xanh thẳm điểm những ánh hồng và một cơn gió nhẹ đưa lại hương vị ngào ngạt mê hồn. Khắp nơi vang lên tiếng hát, tiếng nhạc du dương, trầm bổng hòa nhịp với cảnh vật thần tiên, huyền bí tựa hồ nàng tiên Loreley đang đứng trên một tảng đá cao quyến rũ một chàng trai qua đò. Một con thuyền đưa anh xuôi theo dòng nước biếc, nhẹ nhàng đậu vào bờ, và anh đi vào một cái động hít thở bầu không khí trong lành, thơm ngát, làm kích động những cảm giác của anh. Anh nom thấy ba pho tượng tuyệt đẹp của Phryne, Cleopatra, Messalina với những nụ cười say đắm, những mớ tóc mây mê hồn, những đường cong dịu dàng, uyển chuyển của những thân hình cân đối khêu gợi, lả lơi. Anh nhắm mắt lại và cảm thấy khoái lạc vô biên, một tình yêu nồng cháy xâm nhập vào từng thớ thịt của anh. Anh cố xô đẩy những cánh tay, những đôi môi, những bộ ngực nóng hổi, dùng hết sức lực và tâm hồn để chống đỡ. Nhưng cuối cùng anh ngã xuống mệt nhoài, thở hổn hển, kiệt sức vì những hoan lạc của một giấc mơ kỳ lạ.
Chương 32
tỉnh giấc mơ
Lúc Franz tỉnh dậy, anh thấy cảnh vật xung quanh không còn như giấc mơ nữa. Anh duỗi tay, sờ thấy đá lạnh ngắt. Anh ngồi nhổm dậy, thấy mình đang nằm trong một cái áo choàng rộng trên một cái đệm bằng lá khô rất êm và thơm ngát. Những hình ảnh trong giấc mơ đã biến mất: những pho tượng mỹ nhân, Sinbad, vị chủ nhân kỳ dị, Ali, người đầy tớ da đen câm như hến. Từ lúc anh đặt chân lên đảo gặp vị thủ lĩnh, dự bữa tiệc chưa từng có trong tòa lâu đài ngầm nguy nga tráng lệ đến giờ, anh tưởng chừng thời gian đã xa lắm. Tuy nhiên anh vẫn còn nhớ rất rõ mọi chi tiết, mọi hình ảnh rất sinh động đã in sâu vào trong óc anh.
Anh đi tìm Gaetano và thấy người chủ thuyền đang ngồi nói chuyện với một thủy thủ.
- Thưa cậu - Người chủ thuyền nói - Ngài Sinbad nhờ tôi chuyển tới cậu lời chào nồng nhiệt và xin cậu thứ lỗi vì ngài có việc gấp phải đi đến đảo Malaga. Cậu có thể dùng ống nhòm nhìn thấy ngài đang đứng trên chiếc du thuyền lộng lẫy đang lướt trên mặt sóng phía trước mặt.
Gaetano vừa nói vừa lấy tay chỉ một con thuyền với những cánh buồm lộng gió đang tiến về hướng nam đảo Corse. Francs giơ ống nhòm lên, nhìn thấy vị thủ lĩnh bí hiểm đang đứng ở mũi thuyền vẫy vẫy chiếc khăn để từ biệt anh và anh cũng làm theo.
- Bác vừa nói là ông ta đi Malaga, nhưng tôi thấy hình như ông đi về phía đảo Elba thì phải.
- Thế cậu không nhớ là ngài Sinbad có đem theo hai tên cướp biển à? Chắc ngài đem trả chúng về đảo cũ. Ngài thật là một con người không kiêng nể gì pháp luật và quyền hành. Chiếc du thuyền của ngài đi như bay, ai mà đuổi kịp được. Ngài không phải là trùm của bọn buôn lậu, nhưng ngài có thể sai khiến được cả bọn buôn lậu lẫn cướp biển ở góc trời Địa Trung Hải này. Quả là một con người kỳ dị!
Khi chiếc du thuyền đã đi khuất, Franz xuống thuyền trở về Florence và hôm sau anh đi Rome gặp Albert đang đợi anh ở đấy.
Chiều thứ bảy, Franz tới thủ đô Rome trên chuyến xe trạm, giữa lúc dân chúng đi lại nhộn nhịp trên các đường phố chờ đón ngày hội lớn. Ở Rome, ngày hội hóa trang được coi là một sự kiện lớn sau tuần lễ Thánh và lễ Giáng sinh. Chiếc xe phải khó khăn lắm mới tới được khách sạn Pastrini là nơi họ đã đặt thuê trước một căn buồng.
Ông chủ khách sạn và Albert de Morcerf ra đón. Căn buồng gồm hai phòng ngủ trông được xuống đường. Đó là do sự nể nang đặc biệt của ông chủ khách sạn - Và còn thêm một phòng khách. Franz nói với ông chủ:
- Tốt quá! Bây giờ ông chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ăn và một cỗ xe.
- Thưa hai ông, ăn uống thì lúc nào cũng sẵn, nhưng ngựa xe thì hiếm hoi vô cùng. Ngày mai tôi mới được người ta trả lời.
- Không hề gì, ông cứ trả tiền thuê gấp đôi vào.
- Dạ, nhưng trả gấp đôi cũng chưa chắc có vì tất cả số ngựa trong thành phố đã được đặt thuê trước mười lăm ngày rồi.
- Anh cứ yên tâm - Albert bảo Franz - Rồi sẽ có ngựa. Bây giờ ta hãy chén cái đã.
Tử tước De Morcerf lý luận như một triết gia vì cho rằng có tiền mua tiên cũng được nên anh ta cứ ăn no, ngủ kỹ và luôn mơ thấy anh đang đi dự hội hóa trang trên một cỗ xe sáu ngựa.
Chương 33
những tên cướp thành rome
Sáng hôm sau, Franz thức giấc trước tiên và kéo chuông gọi. Ông chủ khách sạn đích thân vào gặp vị khách sộp, và không chờ được hỏi, ông đã thông báo có vẻ đắc thắng:
- Như tôi đã nói mà! Có trả gấp đôi cũng không sao kiếm được một cỗ xe ngựa trong ba ngày hội.
- Khỉ thật - Franz bực mình nói - Lại đúng ba ngày quan trọng nhất.
Albert vừa bước vào phòng cũng lên tiếng:
- Sao, không có xe à? Cái thành phố cổ kính này của ông thật là kỳ quặc.
Ông chủ khách sạn muốn bào chữa cho thủ đô tôn giáo của thế giới trước con mắt các vị khách nước ngoài, bèn nói:
- Dạ, thưa hai ông, tôi nói là chỉ không sao kiếm được ngựa xe trong ba ngày hội lớn, còn từ nay đến lúc đó thì tha hồ. Các ông nên hiểu cho, mỗi ngày có hàng vạn khách từ bốn phương trời đổ về đây.
Hai chàng thanh niên nhìn nhau sửng sốt. Albert nói châm biếm:
- Thế ông định để chúng tôi cuốc bộ trên các đường phố Rome như những anh mõ tòa ư? Tôi đã nói là chúng tôi đến đây để dự hội hóa trang. Mà đã dự hội thì phải có xe chứ, phải có, nhất thiết phải có!
- Thôi được - Franz nói - việc đó ta sẽ giải quyết sau. Bây giờ ông hãy thuê cho chúng tôi một cỗ xe để đi thăm Saint Peter’s và đến đấu trường Colosseum. Một giờ nữa yêu cầu phải có.
- Các ông đã phác họa cuộc hành trình đi thăm đấu trường đó chưa?
- Rồi - Franz ra vẻ thông thạo nói - Tôi sẽ bảo người đánh xe đi ra cửa ô Porta del Popolo, vòng qua đường thành rồi trở về qua cửa ô Porta San Giovanni.
- Thưa ông, lối đó không đi được đâu, nguy hiểm lắm.
- Sao vậy?
- Vì gã Luigi Vampa khét tiếng.
- Này ông chủ thân mến - Albert nói - Luigi Vampa chỉ nổi danh ở Rome các ông, chứ ở Paris có ai biết hắn là cái quái gì đâu.
- Các ông không biết đấy thôi, Vampa là một tướng cướp mà những tên cừ khôi như Decesaris và Gasparones cũng chỉ đáng xách dép!
- Tôi chả tin chút nào. Ông lấy gì làm bằng chứng nào?
- Thưa các ông, không ai biết rõ bằng tôi vì tôi biết Vampa từ thuở nhỏ và một hôm chính tôi lại rơi vào tay hắn. May sao hắn lại nhận ra tôi là chỗ quen biết cũ, hắn liền cho thả tôi ra. Tôi không mất tiền chuộc mà lại còn được tặng một cái đồng hồ bỏ túi sau khi hắn đã kể cho tôi nghe về hắn.
Francs liền kéo một chiếc ghế bành, ra hiệu cho ông chủ ngồi xuống, rồi bảo:
- Chuyện ra sao, ông kể chúng tôi nghe đi!
Ông chủ khách sạn nhìn Albert bằng cặp mắt khó tả rồi ngồi xuống ghế, bắt đầu kể:
- Hồi nhỏ, Luigi Vampa là một thằng bé chăn cừu. Mới năm tuổi, nó đã đi chăn cừu cho một vị bá tước ở Pampirana. Nó là một đứa trẻ có tính tình kỳ lạ. Một hôm, khi vừa tròn bảy tuổi, nó đến nhờ vị linh mục Palestrina dạy nó học. Thật là khó xử vì nó phải đi chăn cừu suốt ngày, còn ông linh mục thì bận đi làm lễ. Nhưng ông linh mục vốn là người hảo tâm nên cũng chiều nó. Ông bảo nó ngồi chờ ở vệ đường. Mỗi lúc ông đi làm lễ về qua, sẽ dạy nó học. Những bài học ngoài trời chỉ rất cô đọng, nó phải cố gắng tận dụng. Thằng bé vui vẻ tuân lời.
Ba tháng sau nữa nó lại biết viết. Ông linh mục nói chuyện đó với ông bá tước chủ của Vampa. Bá tước bảo nó đọc và viết cho ông xem rồi thưởng cho nó bằng cách tăng lương mỗi tháng hai đồng nữa. Với số tiền này nó mua sách để học thêm.
Một cô bé chăn cừu lên sáu tuổi, tên là Teresa, vốn là bạn chăn cừu của Vampa. Hàng ngày, hai đứa gặp nhau, chơi đùa với nhau rất vui vẻ. Ngày tháng trôi qua, Vampa càng cần cù chịu khó bao nhiêu thì Teresa lại càng hồn nhiên, xinh đẹp thêm bấy nhiêu. Hai đồng bạc bá tước cho thêm Vampa, bây giờ được dùng để mua những đôi hoa tai, vòng cổ và trâm cài đầu cho cô bạn gái. Vampa mơ ước sẽ trở thành một vị chỉ huy chiến hạm hoặc phó tướng cầm quân. Còn Teresa muốn trở thành một vị phu nhân giàu có và nhiều quần áo đẹp.
༺༒༻
Hai đứa trẻ tiếp tục lớn lên. Hàng ngày chúng vẫn tha thẩn bên nhau. Chính nhờ sự giúp đỡ của người bạn trai đó mà Teresa đã trở thành một cô thôn nữ xinh đẹp và siêng năng nhất vùng.
Một hôm, chàng thanh niên chăn cừu nói với người quản lý điền trang của bá tước là anh ta thấy một con sói lảng vảng ở sườn núi Sabine. Người ta liền cấp cho Vampa một khẩu súng săn cũ và anh ta cũng chỉ mong có thế. Anh sửa lại súng, mua thêm đạn và hàng ngày tập bắn. Một buổi chiều, con sói vừa ló đầu ra, liền bị Vampa bắn chết tươi. Chỉ ít lâu sau Vampa đã nổi tiếng là tay thiện xạ nhất vùng.
Cặp thiếu niên tiếp tục lớn lên bên nhau, Vampa mười bảy tuổi và Teresa mười sáu. Nhưng cô cậu chưa hề nói với nhau một lời tình tự nào. Họ như hai cái cây bên cạnh nhau, cùng chung rễ dưới đất, cùng chung cành lá quấn lấy nhau trên cành, mùi hương quyện nhau trong không gian, và cùng chung một nguyện vọng: được luôn gặp nhau. Họ hiểu rằng thà chết còn hơn là phải xa nhau, dù chỉ một ngày.
Hồi đó, người ta bắt đầu nói đến một bọn cướp trên dãy núi Lepini, gần thành Rome. Tướng cướp trên núi đó tên là Cucumetto. Hắn đang bị các nhà chức trách truy nã. Hắn nổi tiếng về những hành động liều lĩnh và tàn bạo. Có chuyện kể về hắn như sau:
Một hôm, hắn bắt được một cô gái, con nhà địa chất Frosinone. Luật lệ của bọn cướp là người con gái trước hết sẽ thuộc về tên nào bắt được. Sau đó, lần lượt những đứa khác rút thăm cho đến khi hoặc chúng bỏ hoặc cô gái đó chết.
Cô gái con ông địa chất lại có một người yêu là đồng đảng của Cucumetto tên là Carlini. Trông thấy người yêu, cô gái mừng quá, giơ tay ra, cho là mình thoát nạn. Nhưng khi nhận ra người yêu, Carlini thay tim mình thắt lại vì hắn hiểu rõ luật lệ của bọn cướp. Tuy nhiên hắn cũng có hy vọng vì hắn là tay chân đắc lực của chủ tướng, đã phục vụ chủ tướng ba năm và đã có lần cứu được chủ tướng thoát chết từ tay cảnh binh. Hắn hy vọng chủ tướng sẽ chiếu cố hắn.
Carlini đến gặp chủ tướng, nói hết chuyện tình duyên của mình với cô gái Rita và đề nghị chiếu cố hắn mà không làm nhục cô gái. Bố cô ta lại giàu có, ắt sẽ trả một món tiền chuộc rất hậu. Tên Cucumetto có vẻ đồng ý và giao nhiệm vụ cho Carlini đến báo tin cho ông bố cô gái Rita mang tiền đến chuộc, hạn cuối cùng là chín giờ sáng hôm sau.
Carlini hớn hở ra đi. Một giờ sau, hắn quay lại thì thấy bọn cướp đang vui vẻ chè chén với nhau. Hắn tìm quanh quẩn không thấy Cucumetto và cô gái đâu. Hắn hỏi đồng bọn thì chúng rộ lên cười. Vừa lúc ấy, hắn nghe có tiếng phụ nữ thét lên. Thế là hắn đoán ra hết. Hắn lao người về phía có tiếng kêu. Đi được một trăm bước, hắn thấy sau một bụi rậm, Rita nằm chết ngất trong tay Cucumetto. Thấy Carlini tới, Cucumetto đứng lên, hai tay cầm hai khẩu súng ngắn. Hai tên cướp nhìn nhau một lúc, một đứa với nụ cười dâm ô trên môi, một đứa với cái trán tái ngắt của tử thần. Người ta tưởng sẽ xảy ra cuộc chiến dữ dội giữa hai đứa. Nhưng dần dần nét mặt Carlini giãn ra, bàn tay hắn đã để ở bao súng của hắn rơi thẳng xuống chân.
Rita nằm ngửa giữa hai đứa. Ánh trăng rọi chiếu cảnh tượng đó. Cucumetto lên tiếng trước:
- Thế nào, mày đã làm xong việc tao giao chưa?
- Thưa chủ tướng, xong rồi - Carlini đáp - Trước chín giờ sáng mai, cha cô Rita sẽ mang tiền đến chuộc.
- Tốt lắm. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ được qua một đêm thú vị. Con bé này kháu quá, mày tinh lắm Carlini ạ. Tao không ích kỷ đâu, rồi sẽ đến lượt từng đứa một rút thăm.
- Thế chủ tướng vẫn thực hiện luật lệ chung mà không chiếu cố đến tôi ư?
- Mày là cái thá gì mà tao phải chiếu cố. Nhưng thôi, cứ bình tĩnh, rồi cũng sẽ đến lượt mày. - Nói xong, Cucumetto bỏ về vừa đi vừa đề phòng Carlini bắn lén. Carlini khoanh hai tay lại đứng cạnh Rita.
Một lát sau, Carlini cũng quay về. Thấy hắn, Cucumetto liền tuyên bố:
- Rút thăm đi nào! Rút thăm đi nào!
Mọi người ngạc nhiên thấy Carlini cũng tham gia rút thăm, và ngạc nhiên hơn thấy hắn rút trượt thăm mà vẫn cứ bình tĩnh hơn ai hết, rót rượu uống một mình.
Tên cướp rút trúng thăm đã hớn hở bước đi. Một lát sau, người ta nghe thấy tiếng những bước chân nặng nề. Hắn đã quay về, tay ôm cô gái. Đầu cô ta ngả sang một bên, tóc xõa ra chấm đất. Hắn bế cô gái vào, đặt cô nằm xuống chân chủ tướng. Bấy giờ bọn chúng mới nhận ra cô gái đã bị một con dao găm cắm sâu vào vú bên trái. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn vào Carlini: bao dao của hắn rỗng không.
- Úi chà - Tên chủ tướng nói - Bây giờ ta mới hiểu tại sao thằng Carlini còn nán lại ngoài đó một lúc.
Carlini liền đứng lên, tiến đến bên xác cô gái, tay để vào bao súng, hỏi:
- Thế nào? Còn kẻ nào tranh với ta cô gái này nữa không?
- Không - Tên chủ tướng nói - Nó là của mày đấy.
Thế là Carlini bế xác cô gái lên, đem ra ngoài rừng. Cucumetto bố trí canh phòng như thường lệ, rồi cả bọn cướp nằm ngủ, người chúng cuộn tròn trong những chiếc áo choàng bên cạnh đống lửa. Đến nửa đêm tên lính canh đánh thức bọn chúng dậy. Người cha của Rita bước vào và nói:
- Đây, ba trăm piastres đây, hãy cầm lấy và trả con gái cho tôi.
Nhưng tên cướp không cầm tiền, hắn ra hiệu cho ông già đi theo hắn. Một lát sau, hắn chỉ tay vào hai người có mặt dưới gốc cây, bảo:
- Đây, ông đòi con gái ông đi. Carlini sẽ cho ông biết sự thật.
Nói xong, hắn quay về với đồng bọn. Ông già tiến đến chỗ hai người, Carlini ngẩng mặt lên. Ông già thấy con gái mình nằm dưới đất, đầu gối vào đầu gối một người mà ông đã nhận ra là Carlini.
- Con đang đợi cha - Carlini nói.
- Thằng khốn nạn - ông già thét lên - Mày đã làm gì con tao?
Ông kinh hãi nhìn. Dưới ánh trăng, Rita xanh xao, bất động, máu me đầy người và một con dao cắm ở ngực.
- Cucumetto đã hiếp con gái ông - Carlini nói - Con yêu Rita. Con đã giết cô, vì sau tên khốn khiếp ấy, cô sẽ là vật tiêu khiển cho cả bọn. Nếu con có tội... thì đây, xin cha trả thù cho cô ấy đi.
Hắn rút con dao găm ở ngực cô gái, đứng lên đưa cho ông già, rồi phanh ngực ra.
- Con đã làm đúng, hôn ta đi con.
Hai người ôm lấy nhau khóc nức nở. Sau đó, ông già cùng Carlini đào đất chôn xác Rita. Khi hố đã đào xong, người cha ôm hôn xác chết trước, rồi đến Carlini sau. Rồi người cầm chân, người cầm vai đặt cô gái xuống hố. Sau khi lấp đất, ông già nói:
- Cám ơn con trai ta, bây giờ ta muốn được một mình.
Carlini tuân theo ý cha, quay trở về chỗ đồng bọn. Một giờ trước khi trời sáng, Cucumetto đánh thức bọn cướp dậy chuẩn bị đi. Carlini trở lại ngôi mộ để xem ông già ra sao. Hắn thấy ông đã thắt cổ tự tử ở một cành cây tỏa bóng xuống mộ con gái ông. Hắn thề trước xác chết và ngôi mộ là hắn sẽ báo thù cho cả hai. Nhưng hắn không giữ được lời thề, vì hai ngày sau, hắn đã bị Cucumetto hạ sát.
༺༒༻
Người ta còn kể về tên tướng cướp ghê gớm này hàng chục chuyện đại loại như vậy. Do đó, chỉ nghe thấy tên hắn, dân vung xung quanh đã thấy run sợ.
Những câu chuyện đó thường là đề tài bàn luận của cặp Teresa và Vampa. Cô thiếu nữ rất sợ, nhưng Vampa an ủi cô hãy tin vào anh và cây súng của anh.
Thời gian trôi đi, đôi bạn trẻ quyết định làm lễ thành hôn khi Vampa hai mươi và Teresa mười chín tuổi. Hai người đều mồ côi, họ chỉ cần xin phép chủ và ông chủ đã đồng ý.
Một hôm, hai anh chị đang bàn tán với nhau về tương lai thì bỗng có hai ba tiếng súng nổ, rồi một người từ trong rừng lao vọt ra, chạy lại chỗ đôi bạn trẻ ngồi chăn cừu, nói:
- Tôi đang bị lùng bắt, anh chị có chỗ nào giấu được tôi không?
Cặp thanh niên cũng đoán ngay được đó là một tên cướp, nhưng giữa những người nông dân và bọn cướp, thường không có mối ác cảm. Vampa không nói câu nào, chạy đến chỗ một viên đá, cậy ra để lộ một cửa hang bí mật, bảo tên cướp nấp vào đó rồi đậy viên đá lại. Vừa lúc đó, bốn cảnh binh phóng ngựa tới. Họ hỏi Vampa có nom thấy ai không, Vampa lắc đầu.
- Tiếc quá! - Một cảnh binh nói - Lần này lại để xổng mất thằng Cucumetto, nếu không bọn ta sẽ được lĩnh món tiền thưởng một nghìn đồng crowns. Hai anh chị mà chỉ cho tôi chỗ hắn nấp thì sẽ được chia năm trăm.
Cặp thanh niên đưa mắt nhìn nhau. Năm trăm đồng crowns bằng ba nghìn lire, và ba nghìn lire là cả một gia tài cho cặp mồ côi nghèo khổ sắp cưới nhau, Vampa liền đáp:
- Vâng, đáng tiếc thật! Nhưng chúng tôi chẳng thấy ai cả.
Sau khi bọn cảnh binh đã đi xa, Vampa đến lôi viên đá lên để Cucumetto đi ra. Ở trong hang hắn đã nghe thấy hết, hắn rút trong túi ra một bọc tiền vàng để tặng hai người. Nhưng Vampa kiêu hãnh quay mặt đi, còn Teresa vừa thấy, cặp mắt đã sáng lên. Cô nghĩ đến những đồ trang sức và quần áo đẹp mà túi tiền đó có thể mua được.
Cucumetto là con quỷ tinh đời, bắt gặp ánh mắt đó. Hắn thấy ngay ở Teresa một cô gái xứng đáng là thần Vệ Nữ. Hắn liền chuồn thẳng vào rừng, đôi lúc còn ngoái lại nhìn cô gái.
Ngày tháng trôi qua chẳng có tăm hơi gì của Cucumetto nữa. Một hôm, trong làng tổ chức một ngày hội khiêu vũ trá hình để mừng sinh nhật cô gái yêu của bá tước, chủ của Vampa, Teresa rất mong ngày hội đó để diện quần áo, chơi bời và nhảy múa. Vì Teresa xinh đẹp lại ăn mặc rất diện nên cô được mời vào vị trí danh dự. Cô hỏi ý kiến Vampa, anh con trai không có lý do gì để từ chối.
Đứng ở vòng ngoài, Vampa nhìn Teresa say sưa khiêu vũ trong tay một thanh niên quý tộc sang trọng, thỉnh thoảng hai người lại thì thầm vào tai nhau những điều thú vị làm cả hai cùng cười rúc rích. Cảnh tượng đó không thể không làm Vampa đau lòng. Đã đôi ba lần, trong lúc đang nhảy, Teresa đưa mắt nhìn anh, thấy anh đặt tay vào chuôi con dao găm. Nét mặt anh nhăn nhó và tái xanh, có lần cô thấy lưỡi dao đã rút ra nửa chừng.
Vampa đã ghen, sang bài nhảy tiếp theo, anh không thể chịu được nữa. Anh liền nhảy vào giữa đám khiêu vũ lôi tuột người yêu đi. Ra đến ngoài, Vampa hỏi cô gái:
- Teresa em, em nghĩ gì lúc em đang nhảy với người thanh niên ấy?
- Em nghĩ đến cái áo đẹp của cô con gái bá tước - Teresa đáp với tất cả thành thực của tâm hồn - Được nó em phải mất nửa đời em cũng vui lòng.
- Thế anh thanh niên cùng nhảy nói gì với em?
- Anh ấy nói nếu em muốn cái áo ấy, chỉ cần nói với anh ấy một câu là em sẽ có ngay.
- Hắn nói đúng đấy. Rồi em cũng sẽ có.
Teresa ngạc nhiên, ngẩng mặt lên toan hỏi thì thấy bộ mặt anh tối sầm lại rất dễ sợ làm cô không dám hỏi nữa.
Ngay đêm hôm đó nhà bá tước bị cháy, cháy ngay ở trong buồng cô gái yêu con bá tước. Bị lửa bao vây tứ phía, cô gái chạy ra không được, cô ra cửa sổ kêu cứu ầm ĩ. Bỗng nhiên một thanh niên nông dân nhảy qua đám lửa vào bế thốc cô gái lên. Bằng sức mạnh và sự khéo léo phi thường, anh đưa được cô gái, con ông bá tước, ra ngoài để cô nằm ngất trên bãi cỏ. Khi cô được người nhà cứu tỉnh, tìm đến vị cứu tinh thì không thấy đâu và cũng không biết là ai nữa. Ông bá tước vốn giàu có thấy con gái yêu thoát nạn ông mừng lắm và cho là một điều may mắn rồi, nên chẳng còn nghĩ đến của cải bị cháy những gì.
Hôm sau, vào giờ thường lệ, đôi bạn trẻ lại gặp nhau ở bìa rừng. Vampa đến trước, anh vui vẻ chạy lại đón Teresa. Anh có vẻ như quên hẳn câu chuyện ngày hôm qua. Anh nắm tay Teresa dẫn đến cửa hang. Anh dừng lại ở ngoài rồi nói với người yêu:
- Hôm qua em nói với anh, em sẽ đổi tất cả để lấy cái áo như cái áo của cô con gái ông chủ phải không?
- Vâng, nhưng em chắc là chỉ nói để làm vui lòng em thôi.
- Anh không bao giờ hứa suông với em. Em vào trong hang và mặc thử nó xem!
Nói xong anh cạy hòn đá ra: trong hang đã có hai ngọn nến thắp sáng soi tỏ một cái gương, một cái vòng ngọc, những trâm cài tóc bằng kim cương và một cái áo. Tất cả để trên một cái ghế. Cô gái kêu lên một tiếng, nhảy bổ vào. Vampa vội lấy hòn đá lấp cửa hang lại, vì anh vừa phát hiện thấy trên một ngọn đồi nhỏ trước mặt, có một kỵ sĩ đang đi tới, thỉnh thoảng lại dừng lại như lạc đường.
Nhìn thấy Vampa, người kỵ sĩ phóng ngựa đến. Vampa đã không nhầm, người đó muốn đi về Tivoli nhưng lại không biết đường. Vampa liền chỉ đường, nhưng cách đó chừng một phần tư dặm là một ngã ba rất khó phân biệt đường đi, nên ông khách nhờ Vampa đưa ông ta đi. Vampa vui vẻ nhận lời.
Mười phút sau, đến chỗ ngã ba, Vampa giơ tay chỉ vào một con đường bảo:
- Thưa ngài, con đường của ngài đây, ngài không còn sợ lạc nữa.
- Còn đây là phần thưởng của anh - Người khách nói và đưa ra mấy đồng bạc lẻ cho Vampa.
- Xin cám ơn, - Vampa rụt tay lại - Tôi chỉ đường chứ có bán đường cho ngài đâu!
Người khách như đã quen thuộc các kiểu khác nhau giữa sự giúp đỡ của người thành thị với người nông thôn, ông nói:
- Nếu anh từ chối tiền công thì ít ra anh cũng nhận một món quà chứ?
- À vâng, cái đó thì khác.
- Vậy anh hãy cầm lấy hai hòn ngọc này để tặng người yêu làm đôi hoa tai.
- Còn ngài, xin ngài cầm lấy con dao găm này, nó có một cái chuôi chạm trổ kỳ công.
- Tôi xin nhận, nhưng như vậy thì tôi mắc nợ anh mất vì con dao này đáng giá hơn hai viên ngọc kia.
- Đối với một người buôn thì có thể là như thế. Còn tôi, chính tay tôi chạm trổ nên nó, nó chỉ đáng giá một đồng.
- Tên anh là gì?
- Luigi Vampa, thế còn ngàì?
- Thủy thủ Sinbad.
Franz kêu lên một tiếng ngạc nhiên:
- Thủy thủ Sinbad!
- Vâng - ông chủ khách sạn nói - Đó là tên của người khách hỏi đường Vampa.
Franz không nài thêm. Cái tên thủy thủ Sinbad đã dấy lên trong tâm trí anh cả một chuỗi kỷ niệm hồi anh ở đảo Monte Cristo. Anh nói với ông chủ khách sạn:
- Xin ông tiếp tục nữa đi.
Vampa bỏ hai viên ngọc vào túi, lững thững đi về. Cách hang đá hai ba trăm bước, anh chợt nghe thấy hình như có tiếng kêu.
Anh dừng lại, lắng nghe xem tiếng kêu từ đâu tới. Một giây đồng hồ sau, anh lại nghe thấy tiếng kêu, lần này rõ là gọi tên anh. Tiếng kêu từ phía hang. Anh chồm lên như một con hươu, vừa chạy vừa nạp đạn vào súng. Chỉ một lát sau anh đã lên đến đỉnh ngọn đồi. Anh nom thấy một người đang vác Teresa chạy và sắp vào đến rừng. Anh đưa khẩu súng lên vai, một tiếng nổ, tên gian đứng sững lại, khuỵu hai đầu gối xuống, rồi lăn kềnh ra, kéo theo cả Teresa. Nhưng Teresa đứng dậy được ngay, còn tên gian đang giẫy chết dưới đất.
༺༒༻
Vampa lao đến, Teresa không việc gì. Tên gian chính là Cucumetto. Vampa nhìn hắn một lúc lâu không chút xúc động. Anh quay lại nhìn người yêu rồi nói:
- Ái chà! Em diện quá nhỉ, đến lượt anh cũng phải diện mới được.
Teresa đang mặc bộ quần áo của con gái ông chủ, trông như nàng công chúa. Một lát sau, Vampa từ trong rừng đi ra, cũng mặc quần áo như một ông hoàng. Anh đã lột quần áo của Cucumetto mặc vào. Vampa hỏi:
- Bây giờ em có bằng lòng theo anh không?
- Có chứ.
- Bất cứ ở đâu mà anh đến chứ?
- Dù là góc bể chân trời!
- Nếu vậy hãy nắm vào cánh tay của anh đây, và chúng ta phải đi ngay tức khắc.
Cô gái luồn tay mình vào tay người yêu, không cần hỏi đi đâu cả vì lúc này trông anh đẹp, kiêu hãnh và dũng mãnh như một thiên thần. Cả hai tiến sâu vào trong rừng. Đi mãi, đi mãi, cho đến một lúc, bỗng nhiên có một người nhảy xổ ra chĩa khẩu súng vào mặt Vampa quát:
- Tiến thêm một bước nữa, mi sẽ toi mạng.
Vampa đưa một cánh tay lên và nói một cách khinh bỉ.
- Thôi mày, chó sói có bao giờ thịt nhau đâu!
- Mi là ai? Muốn gì?
- Tao là Luigi Vampa muốn nói chuyện với các người hiện đang ở trong khu rừng Rocca Bianca.
- Được, đi theo tao. À, không, mày biết chỗ rồi thì đi trước đi!
Nửa giờ sau, họ đến Rocca Bianca. Rocca Bianca là đỉnh một ngọn núi, trước đây vốn là núi lửa. Họ gặp đến hai mươi tên cướp. Tên đưa đường đến nói với một tên có vẻ là phó tướng:
- Thằng thanh niên này muốn tìm ông đấy.
- Nó muốn gì?
Vampa tiến lên bảo:
- Tôi muốn nói rằng tôi đã chán ngấy cái nghề chăn cừu của tôi rồi.
- À ta đã hiểu - Tên phó tướng dò xét - Muốn xin nhập bọn ta chứ gì?
- Hoan nghênh hắn đi - Nhiều tên cướp đã biết tiếng Vampa, reo lên.
- Phải - Vampa nói - Nhưng tôi yêu cầu các anh một việc ngoài việc nhập bọn với các anh.
- Cứ nói đi - Bọn cướp đáp.
- Tôi muốn làm thủ lĩnh các anh.
Bọn cướp phá lên cười rồi hỏi.
- Mi đã có những thành tích gì mà đòi leo cao như vậy?
- Ta đã giết chết thủ lĩnh của các ngươi, ta đang mặc quần áo của hắn đây, và ta đã đốt nhà bá tước chủ đồn điền để tặng vợ chưa cưới của ta một cái áo cưới.
Một giờ sau, Luigi Vampa được suy tôn là thủ lĩnh thay Cucumetto.
༺༒༻
Nghe xong câu chuyện kể về Luigi Vampa, Franz hỏi Albert:
- Thế nào, cậu nghĩ thế nào về Vampa?
- Chỉ là câu chuyện thần thoại. Có thế thôi!
- Thần thoại hay không thì tôi không biết - ông chủ khách sạn nói - Tôi chỉ biết hiện nay Vampa là tên cướp can trường nhất ở ngoại thành Rome và bọn cảnh sát phải bó tay đấy.
- Albert - Francs hỏi - cậu vẫn còn ý định đi thăm đấu trường Colosseum đấy chứ?
- Sao lại không? Tôi nghe nói cảnh vật ở đấy đẹp như tranh vẽ.
- Thưa hai ông - Một người hầu phòng đi vào nói - Xe đã đỗ ở trước cửa khách sạn.
- Nào thì đi - Albert đứng dậy bảo Franz - Tôi tưởng cậu vẫn là con người can đảm kia đấy.
Chương 34
lộ diện
Cỗ xe đưa hai chàng thanh niên đến đấu trường Colosseum giữa lúc ánh trăng chập chờn xuyên qua những khung cửa to lớn của tòa lâu đài cổ La Mã đồ sộ và đổ nát dường như từ những mắt ma dọi xuống. Hai chàng mở cửa xe bước xuống, và một người dẫn đường đã chờ ở đây, vì chỉ có người dẫn đường mới được phép cầm đuốc vào đấu trường. Franz đã đến đây mươi lần rồi, nhưng Albert mới tới lần đầu nên không khỏi không kinh ngạc và hoa mắt trước cảnh nguy nga, hùng vĩ của tòa lâu đài đổ nát.
Trong lúc Franz đang đứng mơ màng sau một cây cột thì Albert đi theo người dẫn đường cầm đuốc. Người dẫn đường chỉ cho anh xem cái hang nhốt sư tử, đấu trường, những phòng riêng của các đấu sĩ và cái bệ ngồi của hoàng đế Cæsars. Francs đang đứng im lặng trong bóng tối nhìn theo Albert và người dẫn đường đã đi xa, thì đột nhiên anh nghe có tiếng chân người bước tới. Một lát sau, quả nhiên có một người đang lao lên các bậc thang có ánh trăng chiếu lờ mờ. Người đó đi tới sân thượng thì dừng lại, có vẻ như chờ đợi ai. Sự xuất hiện bất ngờ đó làm Franz phải chú ý và tự nhiên anh đứng nép vào đằng sau một cái cột để ngắm người khách lạ. Người đó mặc một chiếc áo choàng rộng, tà áo vắt qua vai che một nửa mặt, một cái mũ rộng vành sụp xuống mắt, một cái quần màu đen bó trong đôi ủng bằng da láng. Dáng điệu người khách lạ có vẻ thuộc tầng lớp quý tộc. Mười phút sau, một bóng đen nữa xuất hiện, nhanh nhẹn đi tới chỗ người khách lạ. Hai người nói chuyện với nhau bằng thổ ngữ La Mã:
- Xin Đức ông tha lỗi, tôi đã làm Đức ông phải chờ lâu.
Chuông nhà thờ Saint John vừa điểm mười giờ.
- Chính ta đến sớm chứ không phải anh đến muộn. Anh đã làm xong việc đó chưa?
- Dạ, tôi đã đút lót cho tên cai ngục ít tiền. Như vậy là đến thứ ba sẽ có hai cuộc hành hình trong ngày khai mạc hội hóa trang ở Rome: một phạm nhân can tội giết một vị linh mục sẽ bị xử tội bằng cách đập chết, còn phạm nhân kia sẽ bị chặt đầu. Đó là thằng Peppino đã cung cấp lương thực cho bọn chúng tôi.
- Mọi người tha hồ mà khoái trá. Thế anh tính sao?
- Thưa, tôi sẽ đem hai mươi thủ hạ đến vây quanh pháp trường. Bao giờ họ dẫn phạm nhân ra, chúng tôi sẽ dùng dao găm giết bọn lính canh và cướp Peppino mang đi.
- Không ổn đâu. Ta sẽ có cách khác để cứu anh ta. Ta sẽ cho một viên chức cao cấp ngành tư pháp số tiền một vạn đồng để hoãn cuộc hành hình lại một năm, sau đó sẽ tìm cách cho anh ta vượt ngục. Anh nên nhớ là tiền bạc của ta có giá trị hơn những con dao găm của các anh. Bây giờ anh đến báo cho Peppino biết để anh ta khỏi lo sợ và phải kín chuyện đấy.
- Tôi vô cùng đội ơn Đức ông và khi nào Đức ông cần đến, mặc dù ở tận góc bể chân trời, tôi cũng sẽ...
- Suỵt, có người đến kia kìa, chúng ta hãy chia tay nhau.
Người khách lạ nói xong, kéo áo choàng lên cho kín mặt, đi qua chỗ Franz đứng rồi lẫn vào trong bóng tối. Người kia cũng vậy.
Franz vội đi tìm Albert, và mười phút sau, hai chàng thanh niên quay về đến khách sạn. Trong khi Albert không ngớt lời ca ngợi tòa lâu đài cổ kính, Francs không ngừng nghĩ tới người khách lạ. Mặc dù không nhìn được mặt, nhưng nghe giọng nói đanh thép đượm vẻ châm biếm, anh đoán chắc người đó không phải ai khác, ngoài thủy thủ Sinbad, chủ nhân tòa lâu đài ngầm bí mật. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ.
Ngày hôm sau, hai anh thanh niên nhận được giấy mời đi xem một vở nhạc kịch nổi tiếng do những diễn viên ưu tú của nhạc viện thành phố thủ vai. Từ ngày tới Rome, hai chàng chưa quen được với một người phụ nữ nào, nhất là Albert, vừa đẹp trai, ăn mặc lịch sự, đang mong được lọt vào cặp mắt xanh của một giai nhân nào để chưng diện trong những ngày hội hóa trang.
Buổi tối, hai chàng tới nhạc viện, ngồi trong lô dành cho những nhà quý tộc, Albert cầm ống nhòm tìm những người đẹp của thủ đô Ý, nhưng người nào cũng bận nói chuyện riêng.
Không một ai chú ý đến anh. Sau màn thứ nhất, Franz thấy cửa lô phía trước mở ra và một thiếu nữ trẻ đẹp đi vào. Anh nhận ra là một nữ bá tước người Ý mà anh đã quen biết ở Paris.
- Ồ, nàng có bộ tóc đẹp quá! - Albert thốt lên - Quen cậu đấy à? Có thân lắm không?
- Khá thân, nếu cậu muốn, hết màn này mình sẽ đưa cậu đến giới thiệu.
Màn vừa hạ, Albert đã vuốt tóc, nắn lại cavát và cổ áo, theo Francs đến lô của nữ bá tước. Francs giới thiệu Albert là người bạn thân nhất của anh. Nữ bá tước mời hai anh thanh niên ngồi ở hai ghế phía sau còn trống. Albert nói chuyện về Paris, và trong lúc anh đang trổ tài hùng biện thì Franz cầm ống nhòm nhìn xung quanh. Ở cách chỗ ngồi của nữ bá tước ba hàng ghế, anh trông thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp ăn mặc kiểu Hy Lạp. Phía sau nàng có một người đàn ông ngồi trong bóng tối nên anh nom không rõ mặt. Francs nhận thấy tất cả mọi người, kể cả giới phụ nữ đều chăm chú nhìn cô thiếu nữ Hy Lạp và trầm trồ khen ngợi.
Francs vội ngắt câu chuyện của Albert, hỏi nữ bá tước có quen nàng không?
- Cô ấy đẹp như một nàng tiên - Nữ bá tước mỉm cười nói - Tôi chỉ biết cô ấy mới đến đây từ đầu màn kịch này, cùng đi với một người đàn ông ngồi đằng sau.
Nói xong, nữ bá tước quay lại nói chuyện với Albert, còn Francs mắt không rời cô gái Hy Lạp. Anh nhận thấy cô xem biểu diễn có vẻ thích thú, thỉnh thoảng quay lại trao đổi mấy câu với người đàn ông ngồi phía sau, nhưng ông ta vẫn ngồi trong bóng tối, không tài nào nhìn rõ mặt.
Màn từ từ hạ, vở kịch kết thúc. Tất cả khán giả đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Người đàn ông ngồi sau cô gái Hy Lạp đứng lên, nét mặt lộ ra trước ánh đèn. Francs giật mình nhận ra là vị chủ nhân bí mật đã tiếp anh ở đảo Monte Cristo, và cũng là người tối hôm trước đã xuất hiện ở đấu trường Colosseum. Franz tái mặt và xúc động nói:
- Thưa bá tước phu nhân, xin cho biết về người đàn ông ngồi phía sau cô gái Hy Lạp.
- Ông ta có bộ mặt xanh rớt làm tôi rùng mình. - Nữ bá tước nói - Và khi đã nhìn thấy thì không sao quên được. Trông như một cái bóng ma trong cuốn truyện của Byron.
- Tôi cũng muốn biết ông ta là ai.
Nói xong, Francs đứng dậy định đi. Nữ bá tước giữ tay anh ta lại, nói:
- Không được đâu, cậu phải đưa tôi về nhà, tôi thấy rờn rợn thế nào ấy.
Franz phải từ giã Albert để đưa nữ bá tước ra xe. Anh nhận thấy nữ bá tước ngồi trong xe mà vẫn còn run làm anh phải bật cười.
- Này cậu Franz, cậu chớ cười tôi là nhát gan. Thú thật với cậu là từ lúc nhìn thấy ông ta, tôi cứ phát sốt lên. Cậu phải hứa với tôi là không tìm gặp ông ta và chớ có giới thiệu với tôi, tôi đến chết vì sợ hãi mất.
༺༒༻
Sau khi đưa nữ bá tước về nhà, Franz quay về khách sạn, thấy Albert đang mặc áo ngủ nằm dài hút thuốc.
- Franz ạ - Albert nói - Cái bà bá tước người Ý của cậu thật là kỳ quặc. Mới nom thấy người đàn ông ngồi sau cô gái Hy Lạp đã sợ run lên. Tôi gặp họ ở hành lang lúc ra về, thấy người đàn ông ấy rất đẹp trai, ăn mặc lịch sự theo kiểu Pháp, nước da có xanh nhưng rõ ràng thuộc dòng dõi quý tộc.
- Cậu có nghe thấy tiếng nói của ông ta không?
- Tôi nghe lõm bõm mấy câu thổ ngữ La Mã, có pha tiếng Hy Lạp.
- Thế thì đúng rồi - Francs lẩm bẩm... - À này, cậu có biết là chúng ta không thuê được xe không?
- Cần quái gì, tôi vừa nghĩ ra một kế kỳ diệu. Nếu không thuê được xe ngựa, chúng mình sẽ thuê một cỗ xe bò, một đôi bò kéo, và sẽ cải trang thành hai nông dân Ý. Còn nữ bá rước sẽ mặc một bộ quần áo của cô thợ gặt, sẽ tạo ra một bức tranh đẹp không kém thời kỳ Phục hưng, làm thiên hạ phải lác mắt. Tôi đã bảo ông Pastrini lo liệu cho rồi.
Giữa lúc đó, cửa phòng mở và ông chủ khách sạn bước vào.
- Thế nào ông chủ? - Albert hỏi - Xe và bò đã thuê được chưa?
- Thưa hai ông - ông Pastrini hí hửng nói - Tôi còn làm vừa lòng hai ông hơn thế nữa. Các ông nên biết là bá tước Monte Cristo cũng ở trong khu chúng ta và thấy hai ông không thuê được xe, ngài vui lòng dành cho hai ông hai chỗ ngồi trên cỗ xe của ngài và hai chỗ ngồi trên cửa sổ trong tòa biệt thự Rôpôli của ngài.
Francs và Albert nhìn nhau kinh ngạc.
- Nhưng chúng tôi có quen bá tước Monte Cristo đâu Albert bảo ông Pastrini - ông ta là người thế nào?
- Tôi chỉ biết ngài bá tước là một nhà đại quý tộc, ở đâu không rõ, và giàu như có mỏ vàng.
Giữa lúc hai chàng thanh niên đang trố mắt nhìn nhau kinh ngạc thì có tiếng gõ cửa. Một người đầy tớ mặc một bộ quần áo rất lịch sự bước vào phòng nói:
- Tôi được bá tước Monte Cristo phái đến báo cho ngài nam tước Franz d’Épinay và ngài tử tước Albert de Morcerf biết là ngày mai, ngài bá tước sẽ lấy tư cách là người hàng xóm đến thăm hai ngài và đề nghị hai ngài vui lòng định giờ gặp mặt.
Nói xong, người đầy tớ trao cho mỗi người một tấm danh thiếp. Franz nói:
- Anh về thưa với bá tước, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đến thăm ngài trước, với tư cách là những người đội ơn ngài.
Khi người đầy tớ đã đi khỏi, Albert bảo Franz:
- Bá tước Monte Cristo quả là một con người lịch thiệp. Nhưng tôi chỉ tiếc cỗ xe bò và bộ quần áo nông dân Ý.
- Những cái đó không giá trị bằng cửa sổ của tòa lâu đài Rospoli.
Franz nói và nghĩ tới câu chuyện mà anh đã nghe lỏm được ở đấu trường Colosseum giữa hai người lạ mặt. Đêm hôm đó, hình bóng hai người lạ mặt cứ luẩn quẩn trong đầu óc Franz. Anh nóng ruột chờ đến sáng để xem kết quả ra sao.
Tám giờ sáng hôm sau, Franz thức giấc, cho gọi ông chủ khách sạn tới hỏi.
- Ông Pastrini, có phải ngày hôm nay có hai cuộc hành hình không?
- Dạ, tôi có được xem bản yết thị ở các đầu phố. Theo lệnh tòa án thành Rome, hai phạm nhân sẽ bị đem ra hành hình ở quảng trường Popolo, một đứa tên là Andrea Rondolo can tội giết linh mục César Torlini và đứa kia tên là Peppino can tội thông đồng với tên tướng cướp Luigi Vampa. Tên thứ nhất sẽ bị đập chết, tên thứ hai bị chặt đầu.
Đúng như câu chuyện giữa hai người lạ mặt ở đấu trường Colosseum, và Franz đoán chắc người mặc áo choàng là thủy thủ Sinbad, còn người kia là tên tướng cướp nổi danh Vampa.
Đến chín giờ, Albert đã ăn mặc chỉnh tề, đến phòng Franz. Hai chàng thanh niên rủ nhau tới lâu đài Rospoli để ra mắt bá tước Monte Cristo. Một người đầy tớ ra dẫn hai chàng vào một phòng khách trang hoàng rất lộng lẫy theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và mời hai chàng ngồi chờ. Franz và Albert ngắm nghía những đồ đạc rất quý giá bày trong phòng thì có tiếng cửa mở và chủ nhân xuất hiện.
Albert tiến lên chào, còn Franz thì đứng sững như bị đóng đinh tại chỗ. Người mới đi vào phòng không phải ai xa lạ, chính là người mặc áo choàng ở đấu trường Colosseum, người đàn ông lạ mặt ở nhạc viện, và vị chủ nhân bí mật ở đảo Monte Cristo.
Chương 35
án hình mazzolata
Thưa hai ông - Bá tước Monte Cristo đi vào, nói - Tôi đã tính đến thăm hai ông, không ngờ lại được hai ông quá bộ đến trước, thật rất hân hạnh cho tôi.
- Thưa ngài bá tước - Albert vội vàng đáp - Anh Franz và tôi xin chân thành ngỏ lời cảm ơn ngài đã có lòng tốt đưa chúng tôi ra khỏi chỗ bế tắc và nếu không nhờ sự tận tình của ngài, chúng tôi buộc phải nghĩ ra một kiểu xe quái gở.
- Trời ơi, thế à! - Bá tước Monte Cristo mời hai chàng ngồi và nói - Đó là chỉ tại chủ khách sạn kém thông minh không cho tôi biết sớm. Vì một người sống độc thân như tôi lúc nào cũng mong được giúp đỡ người khác, và đây cũng là dịp tốt để tôi được hân hạnh làm quen với hai ông.
Hai chàng thanh niên nghiêng mình chào. Francs từ nãy vẫn chưa nói một câu vì anh thấy bá tước không có vẻ gì nhận ra anh nên anh đành phải giữ thái độ kín đáo và tự chủ. Anh bèn lái câu chuyện sang vấn đề khác. Anh nói:
- Thưa bá tước, ngài dành cho chúng tôi hai chỗ trên cỗ xe của ngài để xem hội hóa trang nhưng còn hai chỗ trước cửa sổ của ngài để xem gì ạ?
- À có gì đâu - Bá tước nói có vẻ lơ đễnh - Lâu đài của tôi trông ra quảng trường Popolo và nghe đâu hôm nay có một cuộc hành hình thì phải. Hình như tôi đã bảo người quản gia của tôi phải chuẩn bị chu đáo để đón tiếp hai ông.
Nói xong bá tước kéo chuông và một người trạc năm chục tuổi mở cửa vào. Người này giống hệt người đã đưa chàng vào ra mắt chủ nhân bí mật của lâu đài ngầm. Lão ta cũng không tỏ một vẻ gì là nhận ra chàng cả, nên chàng yên chí điều đó đã được bố trí từ trước.
- Ông Bertuccio - Bá tước nói - ông đã chuẩn bị xong chưa và có nắm được chương trình cuộc hành hình không?
- Dạ, tôi sẽ đi hỏi ngay bây giờ.
- Cái đó chả cần thiết - Franz nói - ông chủ khách sạn đã cho chúng tôi biết trước rồi.
- Nếu vậy ông có thể rút lui - Bá tước bảo.
Lão quản gia cúi chào rồi đi ra. Franz nói:
- Thưa bá tước, ngài có vẻ thích xem những cảnh rùng rợn?
- Tôi có ba thứ tình cảm - Bá tước lạnh lùng đáp - Một là sự ghê tởm, hai là sự vô tình và ba là tính hiếu kỳ.
- Hiếu kỳ! - Franz thốt lên - Ôi, một danh từ khủng khiếp!
- Phải, trên đời này người nào cũng chú trọng đến cái chết, tại sao lại không hiếu kỳ muốn biết linh hồn thoát khỏi xác chết như thế nào? Và con người bất cứ ở đâu, ở địa vị nào cũng chịu đựng quá trình đi từ thực tại đến hư vô ra sao? Và tôi cho rằng càng nhìn thấy nhiều người chết, người ta càng thấy cái chết là dễ dàng. Như vậy là, theo ý tôi, cái chết là một cực hình nhưng chưa chắc đã là một sự đền tội.
- Thưa bá tước, tôi không hiểu ngài định nói gì?
Giữa lúc đó một người đầy tớ vào báo bữa ăn đã dọn xong. Bữa ăn rất thịnh soạn. Franz thỉnh thoảng lại liếc nhìn Albert để xem thái độ của bạn ra sao nhưng vẫn thấy bạn rất hồn nhiên, dường như không để ý đến những câu chuyện của chủ nhân. Còn bá tước Monte Cristo thì không hề đụng tới các món ăn mà chỉ ngồi đó để làm tròn nhiệm vụ người mời khách.
Ăn uống xong, Franz rút đồng hồ ra nói:
- Xin lỗi ngài bá tước, cho chúng tôi được đi hóa trang.
- Các ông không cần phải quan tâm đến điều đó, tôi đã cho chuẩn bị hai bộ đồ hóa trang cho hai ông rồi. Xem hành hình xong thay quần áo cũng vừa. Xin hai ông chờ cho một lát. Tôi cần đi gặp người nhà có việc riêng, lát sau sẽ trở lại. Mời hai ông hút xì gà.
Khi bá tước vừa đi khỏi, Franz đột nhiên hỏi Albert:
- Thế nào, cậu thấy bá tước ra sao?
- Một con người lịch thiệp, đáng mến, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có nhiều hiểu biết và cũng như Brutus, ông ta tôn thờ chủ nghĩa khắc kỷ thì phải.
- Nhưng cậu có nhìn thấy bá tước nhìn cậu một cách kỳ quặc không?
Albert có vẻ nghĩ ngợi rồi thở dài:
- Thế à?
Vừa lúc đó bá tước đi vào, nói:
- Xin mời hai ông ra xem cuộc hành hình.
Hai chàng thanh niên liền đi theo bá tước tới một phòng có hai cửa sổ nhìn xuống quảng trường Popolo. Lần đầu tiên trông thấy một cái máy chém kiểu Ý, hai anh thanh niên thấy lạnh gáy và mồ hôi toát ra.
Các phạm nhân đã được đưa đến từ tối hôm trước, được giam trong một nhà thờ nhỏ, cửa có chấn song sắt và được hai vị linh mục đến rửa tội. Có hai hàng rào lính gác từ cửa nhà thờ đến cái máy chém. Công chúng ngồi xung quanh làm thành một vòng tròn rộng vào khoảng một trăm bước, cả những phụ nữ bế con cũng đến xem. Trên sân thượng của nhà thờ có bố trí một lễ đài dành cho các vị quan khách. Quang cảnh vô cùng ồn ào, huyên náo với tiếng nói, tiếng cười, tiếng hò hét vang dậy khắp nơi.
Đột nhiên những tiếng ồn ào im bặt. Cửa nhà thờ mở ra. Một đoàn người khổ hạnh mặc bao gai trùm kín người chỉ để hở đôi mắt, tay cầm những ngọn nến thắp sáng, từ trong nhà thờ đi ra. Sau cùng là một người cao lớn chỉ mặc có cái quần cộc, đeo một con dao bầu và vác trên vai một cái vồ rất nặng: đó là tên đao phủ. Phía sau tên đao phủ là hai phạm nhân có hai vị linh mục đi kèm. Cả hai phạm nhân đều không bị bịt mắt, Peppino đi có vẻ vững chân, còn Andrea phải dựa vào vai vị linh mục. Cả hai thỉnh thoảng lại hôn vào cây thánh giá trong tay các vị linh mục.
༺༒༻
Franz run lập cập nhìn Albert đang mặt cắt không còn hột máu. Riêng bá tước Monte Cristo vẫn thấy thản nhiên như thường. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ thấy nét mặt bá tước như căng ra, đôi môi mím chặt thể hiện sự quyết tâm, ánh mắt rất cương nghị.
Peppino là một thanh niên đẹp trai, vào quãng hai mươi nhăm tuổi, có nước da rám nắng và đôi mắt phóng đãng. Còn Andrea thì béo lùn, có bộ mặt ti tiện và độc ác, râu ria xồm xoàm.
Vừa lúc Peppino bước tới cái máy chém, có một người rẽ đám đông đi vào, đưa cho người cầm đầu đoàn người khổ hạnh một tờ giấy gấp tư. Người trưởng đoàn cầm giấy đọc, rồi giơ lên nói:
- Nhờ lượng Chúa và Đức giáo hoàng, một trong hai phạm nhân được giảm tội.
- Được giảm tội? - Công chúng reo lên.
- Peppino được giảm tội chết chém.
- Giảm tội cho Peppino - Andrea hét to như điên dại, - sao không giảm cho tôi nữa? Nó phải cùng chết với tôi chứ! Tôi không muốn chết một mình! Tôi không tán thành đâu!
Hắn lăn lộn điên cuồng, rên xiết, muốn dứt đứt dây trói. Tên đao phủ ra lệnh cho hai tên giúp việc giữ chặt lấy tay chân phạm nhân.
- Nó nói gì thế? - Franz không biết tiếng La Mã nên không hiểu Andrea nói gì, phải hỏi Monte Cristo.
- Các ông hãy xem đấy - Bá tước nắm tay hai anh thanh niên nói - Một con người không cưỡng lại số phận, sẵn sàng bước tới đoạn đầu đài không một lời ca thán, không một hành động phản kháng, đón chờ cái chết một cách cam chịu vì có một sức mạnh thúc đẩy anh ta. Các ông có hiểu tại sao không? Vì hắn ta biết là có một người nữa cùng chết với mình, cùng chia sẻ nỗi đau khổ với mình. Hãy đem hai con bò đến lò sát sinh, làm cách nào nói cho một con biết bạn nó không bị làm thịt, nó sẽ kêu rống lên vì mừng cho bạn. Nhưng con người, con người mà Chúa đã bảo phải thương yêu nhau thì lại sẽ nổi khùng lên, sẽ cắn xé người kia đến chết chứ không muốn để cho người kia sống sót. Ôi, con người! Con người! Toàn là lũ sói lang cả!
Nói xong bá tước cười phá lên, một tiếng cười rùng rợn của một người như đã phải trải qua cảnh đau thương ghê gớm.
Hai tên giúp việc xốc nách Andrea, kéo tới đoạn đầu đài, giữa những tiếng la hét điên cuồng của đám người xem. Mặc cho phạm nhân giãy giụa, kêu la, chửi bới, hai tên giúp việc buộc hắn phải quỳ xuống. Tên đao phủ vội chạy tới, giơ cao chiếc vồ sắt lên, giáng mạnh xuống thái dương phạm nhân. Hắn ngã chúi, mặt úp xuống đất, giãy mạnh một cái rồi nằm thẳng cẳng. Tên đao phủ rút con dao bầu ở thắt lưng ra cắm phập vào họng phạm nhân. Những tia máu phọt ra tung tóe.
Franz ngả người trên ghế gần như ngất đi, còn Albert nhắm nghiền hai mắt lại, tay bám vào tấm màn cửa. Bá tước Monte Cristo đứng không nhúc nhích như kẻ thắng trận.
Chương 36
hội hóa trang thành rome
Lúc Franz đã hoàn hồn, anh thấy Albert mặt tái mét đang uống một cốc nước đầy, còn bá tước đang điềm nhiên nhìn bộ quần áo hóa trang. Franz nhìn xuống quảng trường. Cảnh tượng rùng rợn không còn nữa và đám dân chúng đang cười nói oang oang, giữa lúc chuông nhà thờ đổ hồi báo hiệu hội hóa trang khai mạc. Franz nói với bá tước:
- Tôi tưởng như mình vừa qua một cơn ác mộng. Peppino ra sao?
- Anh chàng hồn nhiên đó đã nhân lúc mọi người chăm chú nhìn người bạn xấu số, chuồn thẳng, quên cả cám ơn vị linh mục rửa tội cho mình. Tất nhiên con người là con vật rất tệ bạc và rất ích kỷ... Nhưng thôi, các ông đóng bộ vào đi chứ.
Hai anh thanh niên vội đi mặc quần áo hóa trang của bá tước cho mượn và đeo hai mặt nạ trắng bệch như nước da của hai chàng.
༺༒༻
Ba người đi xuống, trèo lên một cỗ xe hoa đang chờ ở cửa. Cỗ xe đi giữa đám người ăn mặc đủ kiểu, đeo mặt nạ, đứng đông đặc ở quảng trường hoặc ngồi trên những cỗ xe đầy hoa lá, ném vào mặt nhau những nắm hoa, những băng giấy đủ màu sắc và những bó hoa tươi đẹp.
Tất cả những con người đó cười nói như điên loạn và hai anh thanh niên có cảm giác là đang được dẫn tới một cảnh hoan lạc say sưa và huyền ảo. Một lát sau, hai anh đã quên hết cảnh rùng rợn vừa qua và hăng hái lao mình vào cuộc giao tranh giữa những người không thấy mặt nhau và cũng không ai được quyền giận.
Albert đứng thẳng người bốc những nắm hoa và kẹo ném vào những người ngồi trong xe bên cạnh. Trong khi hai chàng thanh niên đang vui đùa thỏa thích thì bá tước Monte Cristo vẫn ngồi thản nhiên, không tỏ vẻ gì xúc động trước cảnh tưng bừng, náo nhiệt ấy. Trên những dãy phố xung quanh quảng trường, những tòa nhà cổ kính có những bao lơn và cửa sổ phủ kín thảm và màn cửa các màu sặc sỡ, chen chúc hàng nghìn hàng vạn khách nước ngoài, các nhà quyền quý. Các vị phu nhân, các tiểu thư kiều diễm sang trọng, cúi rạp mình trên bao lơn, ném hoa và kẹo như mưa xuống những cỗ xe hoa và những người hóa trang đeo mặt nạ hoặc những người đội những đầu súc vật kỳ quái, ngộ nghĩnh.
༺༒༻
Xe đi quanh quảng trường được hai vòng thì bá tước bảo dừng xe lại trước lâu đài Rospoli rồi cáo lỗi, xin từ biệt hai chàng thanh niên. Bá tước thoái thác về nhà có việc riêng và xin nhường quyền sử dụng cỗ xe hoa cho hai người suốt ngày hôm đó.
Cỗ xe lại tiếp tục lao vào đám đông. Khi gần tới lâu đài Venezia, họ gặp một cỗ xe có những phụ nữ trẻ và đẹp, quần áo may theo kiểu những cô thợ gặt Ý mà hai chàng đã chạm trán hai ba lần rồi. Vô tình chiếc mặt nạ của Albert rơi xuống. Ngay lúc đó một thiếu nữ rất đẹp ngồi trong xe ném cho chàng một bó hoa tím. Albert cũng cầm một bó hoa ném trả lại, nhưng cỗ xe đã vượt qua. Anh ngây ngất trước vẻ đẹp và cử chỉ thân thiện của thiếu nữ và cầm lấy bó hoa tím gài trên ngực. Một lát sau, cỗ xe của người đẹp lại đi qua và lúc nhìn thấy bó hoa tím của mình tặng nằm trên ngực Albert, cô thiếu nữ vỗ tay cười hớn hở. Thấy thế Franz bèn lên tiếng:
- Albert khá lắm, có nhiều triển vọng đấy!
Nhưng ác nỗi, cỗ xe lại đi mất và suốt cả ngày hôm đó không thấy nó xuất hiện nữa. Buổi tối, ăn uống xong, hai chàng đi xem kịch ở nhạc viện để mong được gặp người đẹp, vì Albert đoán là nàng thuộc dòng dõi quý tộc, thế nào cũng có mặt ở buổi diễn. Nhưng trái với dự đoán, người đẹp không có mặt trong buổi kịch.
Sáng hôm sau, một người đầy tớ của Monte Cristo đến báo cho hai chàng thanh niên biết là bá tước bận và vui lòng để hai chàng tiếp tục dùng cỗ xe. Khi tiếng chuông báo hiệu giờ diễu hành đã tới, hai chàng lên xe, và Albert có dụng ý cài lên ngực bông hoa tím của người đẹp tặng. Quả nhiên, đi được hai vòng thì gặp cỗ xe của những thôn nữ, và người đẹp lại ném cho Albert một bó hoa khác. Albert vội lấy bông mới thay vào bông hoa trước đã bắt đầu tàn.
Ngày hôm đó, cảnh tượng lại càng tưng bừng, vui vẻ và náo nhiệt hơn hôm trước. Mỗi lần gặp thiếu nữ, những tình cảm thầm kín lại bùng cháy trong lòng Albert. Tối hôm đó trở về khách sạn, chàng thấy vô cùng sung sướng, vì lúc gặp nhau lần cuối cùng nàng đã gỡ mặt nạ ra làm chàng phải ngây ngất.
༺༒༻
Albert quyết định viết cho người đẹp một bức thư. Sáng hôm sau, anh yêu cầu Franz để anh được dùng xe một mình. Francs không muốn làm cản trở mối tình vừa chớm nở trong lòng bạn, nên vui lòng chiều ý bạn. Riêng Franz cũng thấy cuộc gặp gỡ đó rất thú vị.
Tối hôm ấy Albert bước vào phòng, mặt mày hớn hở, giơ cho Franz một mảnh giấy nói:
- Nàng đã trả lời, cậu hãy đọc xem này.
Nghe giọng nói khác thường của bạn, Franz cầm mảnh giấy đọc:
"Đúng bảy giờ tối thứ ba này, anh hãy tới sân trước nhà thờ San Giacomo, một cô gái quê sẽ dẫn đi. Anh nhớ cầm một cây nến và buộc một dải lụa hồng trên vai để làm ám hiệu. Từ giờ cho tới khi đó, anh không được gặp em nữa. Tối mật".
- Thú vị lắm, nhưng cậu phải đề phòng mới được.
- Chả có gì đáng lo ngại! Cô nàng vừa đẹp lại vừa ngoan. Tôi thú thật với cậu tôi đang ngây ngất vì tình.
- Thôi, mặc cho số phận, tôi đang lo sẽ phải ở lại Florence một mình đây!
Ngày thứ ba là ngày cuối cùng đồng thời cũng là ngày trọng thể nhất của hội hóa trang. Từ hai giờ chiều, hai chàng thanh niên đi theo đoàn xe hoa nối đuôi nhau quanh quảng trường chật ních xe và người, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và huyên náo, làm cho người dân nước Ý lấy làm kiêu hãnh về ngày hội của họ. Càng về chiều, bầu không khí càng rộn ràng, sôi nổi khắp nơi; tiếng pháo ầm vang, tiếng vỗ tay, tiếng cười nói vui vẻ, tiếng hò hát làm rung chuyển cả một góc trời. Những cỗ xe chạy ầm ầm trên các nẻo đường từ bốn phương trời đổ tới. Lúc trời xẩm tối, trò chơi đốt nến bắt đầu. Mỗi người đốt một ngọn nến cầm tay và thi nhau làm tắt nến của người khác và châm lại nến của mình nếu bị tắt. Hàng chục vạn ngọn lửa lập lòe tựa hồ những con ma trơi lao vào một cuộc giao tranh điên cuồng, hỗn loạn.
Albert xem đồng hồ thấy đã chỉ đúng bảy giờ. Cỗ xe đưa hai anh thanh niên đến trước nhà thờ San Giacomo. Albert xuống xe, bước lên bậc tam cấp. Franz nhìn theo bạn, thấy một cô gái ăn mặc giống hệt người đã tặng bó hoa tím tiến lại gần Albert, cầm lấy cây nến của anh. Hai người trao đổi với nhau mấy câu rồi khoác tay nhau đi lẫn vào đám đông và biến mất.
༺༒༻
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Tất cả những ánh lửa đều tắt ngấm cùng với những tiếng ồn ào huyên náo. Cảnh vật chìm trong bóng tối. Hội hóa trang kết thúc.
Chương 37
những hầm mộ ở nhà thờ st. sebastian
Có lẽ chưa bao giờ trong đời mình, Franz có một ấn tượng sâu sắc bằng lúc này, từ hân hoan, chuyển sang buồn tẻ, dường như thành phố Rome dưới ngọn gió huyền ảo của ma quỷ, đã biến thành một nghĩa địa mênh mông. ánh trăng lưỡi liềm le lói chiếu xuống đường phố vắng tanh, chìm đắm trong bóng tối.
Cỗ xe đưa anh trở về khách sạn Pastrini và lần đầu tiên anh ngồi ăn một mình. Đến mười giờ vẫn chưa thấy Albert về, anh lấy xe đến nhà Quận công Bracciano chơi. Ông là người hiếu khách nhất Rome, và nữ bá tước mà anh quen cũng có mặt ở đây. Trông thấy anh đi có một mình, nữ bá tước hỏi:
- Albert đâu, sao không thấy lại?
- Tôi đợi mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy anh ta về.
- Tôi thấy đêm nay đẹp lắm và thiên hạ cứ phàn nàn là nó trôi quá nhanh.
Quận công Bracciano nói:
- Ở cương vị tôi, tôi không thể để cậu ấy lặn lội một mình trong đêm khuya khoắt, vắng vẻ thế này, cậu ấy có mang theo vũ khí không?
- Albert chỉ có bộ đồ hóa trang trên người - Franz tự nhiên thấy rùng mình, đáp.
Một lát sau, có một người đầy tớ đến báo cho anh biết là ông chủ khách sạn mời anh về ngay vì có người lạ mặt cần gặp và có mang một bức thư đến cho anh. Franz liền cáo lỗi chủ nhân, tất tả lên xe trở về khách sạn. Tới nơi, anh thấy một người lạ mặt, mặc một chiếc áo choàng rộng, đang đứng chờ anh ở ngoài cửa. Người lạ mặt nói:
- Xin lỗi, ngài là nam tước Franz d’Épinay, bạn của tử tước Albert de Morcerf?
- Phải.
- Tử tước có gửi cho ngài một bức thư và mong ngài trả lời ngay. Tôi xin đứng đây chờ.
Franz bước vào khách sạn, gặp ông chủ ra đón với vẻ mặt hoảng hốt. Nóng ruột như điên, anh chạy vội vào buồng mở bức thư ra đọc:
"Bạn thân mến, nhận được thư này, nhờ bạn mở cặp đựng tiền của tôi, lấy cho tôi số tiền bốn nghìn piastres trao cho người đưa thư này, không nên trì hoãn... Tôi rất tin cậy vào bạn".
"Albert de Morcerf"
Dưới bức thư là mấy dòng chữ viết tắt bằng tiếng Ý, chữ viết khác hẳn: "Nếu sáu giờ sáng mai số tiền bốn nghìn piastres không được giao vào tay tôi thì đến đúng bảy giờ tử tước sẽ không còn sống nữa".
"Luigi Vampa".
Nhìn mấy dòng chữ sau cùng, Franz hiểu hết. Anh mở tủ tìm cái cặp da, nhưng số tiền của Albert mang theo đã tiêu hết quá nửa, cộng cả số tiền mặt của anh còn, mới được ba nghìn hai trăm, còn thiếu tám trăm nữa. Anh định quay lại nhà Quận công Bracciano, nhưng đột nhiên anh nảy ra một ý nghĩ. Anh nhờ ông chủ khách sạn phái một người sang báo cho bá tước biết là anh đang muốn gặp ông. Một lát sau, có tin báo về là bá tước đang chờ nam tước.
Đích thân bá tước ra đón nam tước vào phòng khách.
- Tôi đến, muốn gặp ngài vì một vấn đề rất nghiêm trọng - Nói xong, Franz chìa bức thư cho bá tước xem.
Đọc xong bá tước hỏi:
- Ông đã có đủ số tiền chưa?
- Còn thiếu tám trăm ạ.
Bá tước đi đến một cái tủ, mở ra một ngăn chứa đầy những đồng tiền vàng, rồi nói:
- Cám ơn ông đã dành cho tôi cái vinh dự được giúp ông. Xin mời ông lấy đi.
Francs nhìn chằm chằm vào bá tước rồi hỏi:
- Thưa ngài, có nhất thiết phải gửi số tiền này cho Vampa không?
- Trời! Xin ông cứ tự suy xét lấy. Mấy dòng cuối bức thư nói rất cụ thể.
- Tôi thấy là, nếu ngài vui lòng suy nghĩ một chút, là ngài sẽ tìm được một biện pháp đơn giản hơn nhiều cho cuộc thương lượng này.
- Biện pháp gì vậy? - Bá tước ngạc nhiên hỏi.
- Ví dụ nếu chúng ta cùng đến thăm Vampa, hắn sẽ không từ chối mà còn trả lại tự do cho Albert.
- Tôi ấy à? Tôi có ảnh hưởng gì đến tên tướng cướp ấy?
- Ngài chả vừa làm ơn cho hắn, giúp hắn giải thoát Peppino?
- Ai nói với ông điều đó?
- Vấn đề đó không quan trọng. Tôi biết như vậy.
Bá tước đứng lặng im một lúc, cặp lông mày nhíu lại rồi nói:
- Nếu tôi đi tìm gặp Vampa, ông đi theo tôi chứ?
- Xin rất vui lòng.
- Nếu vậy thì tốt. Đêm nay đẹp trời, một cuộc đi chơi ra ngoại ô Rome sẽ rất thú vị.
- Thưa bá tước, có cần đem vũ khí không ạ?
- Để làm gì.
- Thế tiền?
- Cũng vô ích. Tên đưa thư đâu rồi?
- Hắn đứng đợi ngoài đường - Franz đáp.
- Cần phải biết ta đi tới đâu. Để tôi gọi hắn lên.
- Vô ích, hắn không lên đâu.
- Với ông có thể là như vậy. Với tôi, hắn chả làm khó dễ đâu.
Bá tước bước đến bên cửa sổ, nhìn xuống đường và thổi một hiệu còi. Năm giây đồng hồ sau, tên đưa thư đã xuất hiện. Hắn bước nhanh vào phòng, quỳ xuống hôn tay bá tước. Bá tước hỏi:
- Peppino hả? Hãy đứng lên kể ta nghe việc tử tước De Morcerf bị Vampa bắt cóc ra sao?
༺༒༻
Peppino có vẻ ngập ngừng nhìn Franz. Bá tước ra hiệu cứ nói, hắn bèn kể:
- Dạ, chàng thanh niên Pháp có vẻ si tình vì nàng Teresa đùa cợt đã ném cho chàng một bó hoa tím.
- Sao? Vợ chủ tướng của các người ấy à?
- Vâng. Chàng thanh niên cũng ném cho nàng một bó hoa, nàng đáp lại. Tất cả hành động đó tất nhiên đã được chủ tướng cùng ngồi trong xe ấy cho phép.
- Sao? - Franz kêu lên, Luigi Vampa cũng có mặt trong xe cùng với các thôn nữ ấy à?
- Chính ông ta cải trang làm người đánh xe - Chàng thanh niên hé mặt nạ ra và Teresa cũng làm như vậy. Chàng thanh niên xin một cuộc hẹn hò, Teresa ấn định nơi gặp. Chỉ có cái, đến nơi hẹn là một cậu bé 15 tuổi chứ không phải Teresa. Hai người đi ra ngoài rồi lên một cỗ xe đã đợi sẵn, đi về phía cửa ô San Paolo. Tới ngoại thành, xe dừng lại.
Bốn người ập tới lôi anh chàng si tình xuống, mang đi. Chàng biết là chống cự cũng vô ích, nên ngoan ngoãn đi theo tới hầm mộ nhà thờ St. Sebastian mà Teresa và chủ tướng đã đứng chờ ở đó...
- Thế nào? - Bá tước hỏi Franz - ông thấy câu chuyện có thú vị không? Nhưng với ai chứ với Albert thì chả lo. Tôi sẽ có cách giải nguy. Ông đã tới thăm hầm mộ nhà thờ St. Sebastian lần nào chưa?
- Thưa chưa ạ.
- Nếu vậy đây là một dịp tốt để đi thăm một di tích lịch sử vào loại đẹp nhất.
Nói xong, bá tước kéo chuông bảo đầy tớ đóng ngựa vào xe. Bá tước rút đồng hồ xem, đã mười hai giờ đêm.
Hai người bước ra cửa, Peppino đi theo sau. Một cỗ xe ngựa đã đứng chờ bên vệ đường. Franz nhận ra người đánh xe chính là Ali, anh đầy tớ da đen ở lâu đài ngầm trên đảo Monte Cristo. Cỗ xe phóng nước đại đi về vùng cánh đồng nhấp nhô những ngôi mộ nằm im lìm dưới ánh trăng mờ nhạt. Một lát sau, cỗ xe dừng lại. Peppino nhảy xuống xe, đốt một bó đuốc, đi vào một con đường nhỏ hai bên cỏ mọc cao. Đi được khoảng một trăm bước họ gặp một người đứng gác. Nhìn thấy bá tước, hắn cúi đầu chào một cách rất kính cẩn. Peppino dẫn hai người vào một cửa hầm hẹp, xuống hai mươi bậc thang, dẫn tới một căn hầm tỏa ra năm ngả như hình ngôi sao, trên vách đá có đào những hố chồng lên nhau bên trong đặt những quan tài. Họ đã tới hầm mộ nhà thờ St. Sebastian. Bá tước dẫn Francs đi qua một hành lang, tới một cái cửa lớn. Phía trong là một buồng rộng, quanh tường xếp đầy những cỗ quan tài, giữa buồng có bốn phiến đá lớn trước kia dùng làm bàn thờ.
Một ngọn đèn sáng leo lét, đặt trên một trụ cột. Một người ngồi chống tay vào cột, đang mải mê đọc sách. Đó là chủ tướng Luigi Vampa. Xung quanh đấy có độ hai chục người nằm ngồi ngổn ngang trên những tấm ghế đá, người nào cũng đeo súng.
༺༒༻
Một tên đứng canh hô: "Ai?", tức thì Vampa và các thủ hạ của hắn vụt đứng lên, súng lăm lăm trong tay. Bá tước Monte Cristo điềm tĩnh bước vào nói:
- Thế nào Vampa, tôi không làm phiền anh chứ?
Nhìn thấy vị khách, Vampa liền ra lệnh cho đồng bọn hạ súng xuống rồi cúi rạp mình.
- Thưa Đức ông, xin Đức ông tha lỗi. Tôi không ngờ lại có vinh dự được Đức ông tới thăm nên không biết mà chuẩn bị nghênh tiếp.
- Tôi tới gặp anh vì một việc. Một thanh niên Pháp, tử tước Albert de Morcerf, một người bạn của tôi - Franz rùng mình khi nghe bá tước nói tiếng "bạn" - Đã bị các anh bắt cóc đưa tới đây và đòi một số tiền chuộc có phải không?
Vampa quay phắt lại bảo các thủ hạ:
- Khổ thân tôi chưa! Các anh làm tôi mắc tội với Đức ông đây. Nếu trong bọn các anh có kẻ nào đã biết tử tước Morcerf là bạn của tướng công mà lại không cho tôi biết, tôi sẽ bắn vỡ sọ ra.
- Thôi Vampa - bá tước ngắt lời hắn - đây chẳng qua chỉ là một sự lầm lẫn.
- Vampa này rất ân hận về sự lầm lẫn đó - Vampa vội vàng nói, và quay về phía Franz nói tiếp - Tôi rất hân hạnh được đón tiếp ngài và xin ngài tha lỗi cho.
Francs nhìn xung quanh, lo lắng hỏi:
- Tù nhân của các ông đâu?
- Mời các ngài đi theo tôi - Vampa nói - Tôi sẽ đi báo cho tử tước De Morcerf biết là ngài đã được tự do.
Bá tước và Franz theo Vampa bước lên một cầu thang rồi đứng lại trước một cánh cửa bị khóa. Vampa vặn khóa, đẩy cánh cửa. Trong một căn buồng có thắp đèn, Albert đang ngủ kỹ, một cái áo choàng đắp lên người.
- Khá lắm! Ngài tử tước thật là một con người dũng cảm.
༺༒༻
Nói xong câu nói có vẻ khôi hài đó, Vampa tiến lại lay Albert dậy. Albert tỉnh giấc hai tay dụi mắt, xem đồng hồ và bảo:
- Mới một giờ rưỡi sáng, sao gọi người ta dậy sớm thế? Khỉ quá, mình đang nằm mơ khiêu vũ với nữ bá tước. Món tiền chuộc được trả rồi ư?
- Dạ chưa - Vampa trả lời - Nhưng có người đến đòi trả lại tự do cho ngài đây này.
Albert ngơ ngác nhìn ra xung quanh. Thấy Franz anh reo lên:
- Franz, xin cám ơn sự tận tâm của bạn.
- Không phải tôi đâu - Francs chỉ vào bá tước bảo - Đây mới là cứu tinh của bạn.
- Mẹ ơi! - Albert sửa lại quần áo - Thưa bá tước, ngài thật là người nhà trời, và suốt đời tôi sẽ không quên ơn ngài.
- Này cậu Albert - Franz nói tiếp - nếu cậu muốn được tiếp tục giấc mơ của cậu thì phải chuẩn bị nhanh lên, chúng ta sẽ về dự buổi dạ hội ở nhà Quận công Bracciano, còn chán thì giờ.
Vampa tự tay cầm đuốc đưa mấy vị khách quý ra đường cái, và trước lúc chia tay, Vampa cúi rạp mình chào bá tước:
- Một lần nữa tôi mong Đức ông tha tội và xin Đức ông đừng để ý đến chuyện nhỏ này.
- Không đâu, anh bạn Vampa thân mến. Vả lại anh đã chuộc lỗi bằng những cử chỉ lịch thiệp thế này rồi còn gì.
Bá tước đi trước rồi đến Albert. Franz ra sau cùng. Thấy thế, Vampa mỉm cười hỏi:
- Ngài còn cần hỏi tôi điều gì nữa chăng?
- Xin thú thật là có đấy - Franz đáp - Tôi còn tò mò muốn biết ông đang đọc quyển gì mà có vẻ say mê thế?
- À - Vampa đáp - quyển "Bình luận về Cæsar " đấy mà. Tôi mê quyển ấy lắm.
Cỗ xe vẫn ở nguyên chỗ cũ, bá tước nói một câu tiếng Ả Rập với Ali, xe phóng như bay. Kim đồng hồ chỉ đúng hai giờ lúc ba người bước vào phòng khách nhà Quận công Bracciano. Mọi người đều sửng sốt. Albert chạy đến chào nữ bá tước và nói:
- Thưa bá tước phu nhân, tôi xin lỗi phu nhân vì đến muộn. Và bây giờ xin mời phu nhân nhảy với tôi một bài.
Giữa lúc đó, dàn nhạc cử điệu valse, Albert ôm ngang lưng nữ bá tước. Monte Cristo, khi bắt tay Albert lúc anh cảm ơn vị cứu tinh, có vẻ miễn cưỡng phải đưa tay ra.
Chương 38
nơi gặp gỡ
Sáng hôm sau, công việc đầu tiên của Albert là rủ Franz sang thăm bá tước Monte Cristo.
Thưa bá tước - Albert tiến lại phía bá tước nói - xin bá tước cho phép tôi được nhắc lại những điều tôi đã nói với bá tước hôm qua là không bao giờ tôi quên được bá tước đã cứu tôi trong trường hợp này. Và tôi luôn nhớ rằng ngài đã cứu thoát tính mệnh tôi, hay gần như thế. Cha tôi, bá tước De Morcerf, dòng dõi Tây Ban Nha, có một địa vị cao sang ở Pháp và Tây Ban Nha, tôi tin rằng người rất mong có dịp đền đáp lại công ơn của ngài.
- Nếu vậy - Bá tước trả lời - tôi xin thú thật là tôi rất vinh hạnh và vui mừng nhận lời đề nghị của ông nhà. Nay mai tôi muốn đến Paris có chút việc nhưng không quen ai ở đấy cả, hơn nữa tôi lại chưa đến thủ đô lần nào. Tôi vẫn mong được giới thiệu với một gia đình quý tộc nào ở đó.
- Thưa ngài - Albert hớn hở - xin ngài ban cho tôi cái vinh dự được làm hướng dẫn viên của ngài trong thành phố hoa lệ ấy, và gia đình chúng tôi sẽ rất hân hạnh được quen biết ngài. Tôi cũng vừa nhận được thư nhà gọi về. Như vậy tôi sẽ có đủ thì giờ chuẩn bị cuộc đón tiếp ngài nay mai.
- Tôi xin nhận lời mời của ông - Bá tước mỉm cười - Và đây là một cơ hội để tôi thực hiện một chương trình mà tôi đã ấn định từ lâu.
Nụ cười của bá tước làm Franz thấy nó bí hiểm thế nào ấy nên anh rất phân vân, nhưng anh làm sao mà đi sâu được vàotâm hồn con người kỳ lạ đó.
- Nhưng, thưa bá tước, đấy có phải là một trong hàng nghìn chương trình mà người ta vẫn thường xây dựng về các chuyến đi và xây dựng nó trên bãi cát để rồi sẽ bị cuốn theo chiều gió?
- Không, thật đấy mà, tôi muốn đến Paris và tôi cần phải đến đấy.
- Vậy bao giờ ngài đến?
- Nhưng thưa ông, bao giờ ông có mặt ở nhà?
- Tôi, tôi chỉ cần thời gian đi về hai ba tuần lễ là cùng.
- Nếu vậy tôi xin hứa với ông ba tháng nữa.
- Vậy đúng ba tháng nữa nhé - Albert reo lên - Ba tháng nữa ngài bá tước Monte Cristo sẽ đến gõ cửa nhà tôi.
- Vậy là ông muốn có một cuộc hẹn hò đúng từng ngày, từng giờ chứ? Được thôi, hôm nay là 21 tháng Hai và mười giờ rưỡi sáng. Vậy đúng mười giờ rưỡi sáng ngày 21 tháng Năm tới tôi sẽ gõ cửa nhà ông, ông vui lòng chứ?
- Tuyệt lắm! Bữa ăn trưa sẽ sẵn sàng.
- Địa chỉ ông thế nào nhỉ?
- Phố Helder, số nhà 27, trong lâu đài của bố tôi. Nhưng buồng của tôi ở riêng cuối sân.
- Tốt lắm, ông đợi tôi đúng ngày giờ đó - Bá tước nói rồi quay lại hỏi Franz - Còn ông, chúng ta cũng sẽ gặp nhau ở Paris chứ?
- Rất tiếc là tôi phải đi Venice trong một hoặc hai hôm nữa. Ngày mai tôi cũng phải đi Naples có việc riêng. Vậy hôm nay coi như tôi tạm biệt cả hai ông và chúc hai ông đi đường bình yên.
༺༒༻
Bá tước Monte Cristo bắt tay hai người. Franz cầm tay bá tước thấy lạnh như chạm phải xác chết làm anh rùng mình.
Hai thanh niên trở về khách sạn. Nhìn thấy vẻ mặt lo âu của Franz, Albert hỏi:
- Cậu làm sao thế?
- Bá tước là một người kỳ quặc quá làm tôi tự nhiên thấy lo sợ cho cuộc gặp mặt với cậu ở Paris.
- Việc quái gì mà lo. Sao cậu lẩn thẩn thế?
- Tôi muốn nói với cậu chuyện này, nhưng cậu phải giữ kín đấy. Cậu lấy danh dự thề đi nào.
- Xin thề!
Franz bèn kể cho Albert nghe cuộc gặp gỡ kỳ lạ của anh với bá tước trong tòa lâu đài ngầm ở đảo Monte Cristo, câu chuyện giữa bá tước với Luigi Vampa ở đấu trường Colosseum, rồi đến vụ bắt cóc Albert tối hôm qua. Toàn những chuyện xem ra có vẻ bí hiểm thế nào ấy.
Albert chăm chú nghe rồi nói:
- Chả có gì bí hiểm cả. Bá tước là một người có nhiều tiền và những người có tiền lại thích chơi ngông. Việc ông ta quen biết Vampa cũng thế thôi, và nhờ đó đã cứu nguy cho tôi. Bây giờ tôi phải trả ơn ông ta bằng cách giới thiệu ông ta với giới quý tộc ở Paris.
- Thôi được - Franz thở dài - Cậu có toàn quyền hành động, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng bá tước Monte Cristo là một con người kỳ quặc!
- Và còn rất nhiều người nữa.
Năm giờ chiều hôm sau, hai người bạn trẻ từ biệt nhau. Albert đi Paris, Franz đi Venice và sẽ ở đây độ mươi lăm ngày. Nhưng trước khi lên xe, Albert còn gửi cho bá tước Monte Cristo một danh thiếp phía dưới tên của tử tước Albert de Morcerf còn ghi thêm:
21 tháng Năm, lúc 10 giờ 30 phút
27, phố Helder, Paris.
Phần 3: CHẠM TRÁN
Chương 39
những vị khách đến
Sáng ngày 21 tháng Năm, tại tòa nhà 27, phố Helder, tử tước Morcerf đã chuẩn bị đầy đủ để đón tiếp bá tước Monte Cristo. Albert ở một căn nhà phụ trong tòa nhà rộng lớn của bá tước De Morcerf và phu nhân. Căn nhà riêng của anh cách chỗ ở của cha mẹ anh một cái sân và một mảnh vườn. Xung quanh tòa nhà có hàng rào sắt sơn kim nhũ vây bọc, ở từng quãng có đặt những chậu hoa tươi. Cách sắp đặt trong ngôi nhà cho thấy rõ sự chăm sóc của một người mẹ nuông chiều con, dành cho chàng thanh niên hai mươi tuổi đời một cuộc sống tự do, nhàn hạ của các cậu công tử con nhà quý tộc. Ở tầng dưới có một phòng tiếp khách trông ra vườn và một phòng ăn trông ra sân. Tầng trên là phòng ngủ, phòng đọc sách và phòng giải trí. Ở tầng thượng có một phòng rất rộng để ngồi vẽ và chứa những dụng cụ đi săn cùng đủ thứ nhạc cụ. Bên cạnh là một phòng đấu kiếm và chơi những môn thể thao khác. Như vậy, tử tước Albert de Morcerf đã có được một sự giáo dục đầy đủ của một thanh niên quý tộc với sự hiểu biết khá thành thạo về nhạc, hội họa và thể thao.
Sáng hôm đó, Albert trang trí phòng khách rất lịch sự. Trên bàn không thiếu một thứ gì, từ hộp thuốc lá sợi vàng mua ở nước ngoài đến những cái tẩu hút thuốc đủ kiểu, chạm trổ rất đẹp.
Đến mười giờ kém mười lăm, người hầu phòng vào báo:
- Ông Lucien đã tới.
Ông Lucien Debray, một thanh niên cao lớn, tóc vàng, nước da tái xanh, đôi môi mỏng dính và lạnh lùng, mặc áo lễ màu lơ đính cúc vàng, đeo ca vát trắng, trịnh trọng bước vào phòng khách.
- Chào Lucien... Không ngờ hôm nay cậu lại đến sớm thế. Nội các đổ rồi phải không?
- Chưa đâu, mới chỉ lung lay thôi. Thị trường chứng khoán lên cao vọt và ngài Danglars vừa vớ được một triệu ngon ơ!
- Còn cậu vớ được một tấm huy chương chứ gì? Trông cậu bảnh trai lắm.
- Mẹ ơi! Mấy ngày bù đâu về công văn giấy tờ, mệt chết đi được và đang đói mềm đây. Tối hôm qua ăn tiệc ở nhà lão Villefort chả ra quái gì cả.
- Cậu hãy uống tạm mấy cốc rượu khai vị để chờ bữa ăn chính. Rượu Tây Ban Nha đấy, ngài bí thư Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hẳn phải vừa lòng. Hình như tôi nghe thấy tiếng nói của Beauchamp thì phải.
Ngay lúc đó người hầu vào báo: ông Beauchamp tới.
- Ồ một nhà báo khủng khiếp, một cây bút lợi hại! - Albert ra đón khách, reo lên.
- Đúng thế, tôi đả kích chả kiêng nể gì ai. Nhưng nghề làm báo của chúng tôi chẳng sung sướng gì đâu - Beauchamp nói.
- Anh bạn ơi! - Albert bảo Beauchamp - Các báo chí đang bàn luận xôn xao về cuộc hôn nhân của tôi với tiểu thư Eugénie Danglars có phải không?
- Tôi đang chờ bản thuyết trình của ngài Danglars, nghị sĩ ở Viện dân biểu. Và mặc dù ông bố vợ tương lai của cậu đã cho cô gái rượu món hồi môn hai triệu, tôi cũng chẳng có cảm tình với cái Hội đồng Lập hiến của ông ta.
- Tôi tưởng hai triệu cũng tươm đấy chứ? - Lucien nói.
- Nhưng với một người như tử tước De Morcerf thì có nghĩa lý quái gì kia chứ?
- Mặc cho cậu ấy muốn nói gì thì nói - Lucien bảo Albert - cậu chỉ cần dựa vào tước vị của nam tước Danglars là người đang được Đức vua tin dùng nhất, và cuộc hôn nhân sẽ đem lại cho cậu rất nhiều danh vọng.
Người hầu phòng vào báo có ông Château-Renaud và đại úy Maximilian Morrel đến. Ngay lúc đó, người thanh niên quý tộc Château-Renaud dắt tay đại uý Morrel bước vào phòng khách. Đến trước mặt Albert, anh giới thiệu:
- Vị anh hùng trẻ tuổi của đoàn khinh kỵ Bắc Phi, đại úy Maximilian Morrel, người bạn và vị cứu tinh của tôi.
Albert bắt tay chàng thanh niên cao lớn, nét mặt thông minh và cao quý. Bộ binh phục lộng lẫy làm nổi bật thân hình tráng kiện của chàng sĩ quan trẻ và trên bộ ngực nở nang của anh ta lấp lánh tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh.
- Rất hân hạnh được làm quen với đại úy, người bạn thân của Château-Renaud và cũng là người bạn thân của tôi, nhất là đại úy đã cứu nguy cho bạn tôi.
- Ồ - Maximilian nói - chuyện đó có gì đáng kể. Anh Château-Renaud chỉ hay quá lời.
- Ôi, lạy Chúa tôi! Thế mà lại không đáng kể à! Này các cậu ơi, hãy nghe đây, có một lần tôi đi du lịch ở Bắc Phi. Tôi tới thành phố Constantine giữa lúc có một cuộc nổi dậy của nhân dân bản xứ. Tôi cùng những người da trắng bỏ chạy. Đến ngày thứ ba, con ngựa của tôi kiệt sức lăn ra chết. Sáu tên Ả Rập chạy đến túm lấy tôi. Một đứa giơ dao định chém tôi thì đại úy Morrel chạy tới kịp bắn chết tên đó và giải vây cho tôi, nếu không thì tôi đã hết đời rồi. Và từ ngày đó tôi không dám đặt chân lên đất châu Phi nữa. Cậu Albert, mấy giờ bắt đầu chén đấy?
- Đúng mười giờ rưỡi, vì tôi cũng đang chờ vị cứu tinh của tôi, câu chuyện cũng khá ly kỳ.
- Vậy thì kể đi - Beauchamp giục - Để xem có thể đăng báo được không.
- Thế này, vừa qua tôi đến thành Rome dự hội hóa trang và bị tên tướng cướp khét tiếng Luigi Vampa bắt cóc đem nhốt vào trong một hầm mộ và đòi một món tiền chuộc là bốn nghìn đồng. Tôi viết thư nhờ Franz đem tiền đến. Cậu ta đến chỗ hẹn, cùng đi với vị tân khách mà hiện giờ chúng ta đang chờ. Ông ta chả có một tấc vũ khí nào cả.
- Á à! Vậy là Hercules đã giết Cacus, một Perseus đã giải thoát Andromeda.
- Không, người chỉ tầm thước như tôi thôi.
- Trang bị vũ khí đến tận răng chứ?
- Đến một cái kim ông ta cũng chẳng có.
- Thế ông ta giải quyết vấn đề chuộc mạng ra sao?
- Rỉ tai tên tướng cướp hai câu thế là tôi được tự do.
- Thật là một người cừ khôi! Tên ông ta là gì?
- Bá tước Monte Cristo.
- Tôi chưa nghe nói có nhà quý tộc nào mang tên đó cả - Château-Renaud nói.
- Monte Cristo là một hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải. Những người thủy thủ làm việc cho cha tôi thường nói đến hòn đảo đó luôn - Morrel cho biết như vậy.
- Đúng rồi - Albert nói - ông ta đã mua hòn đảo đó được mang tên của hòn đảo và hơn nữa, ông ta giàu như một nhân vật trong "Nghìn lẻ một đêm".
- Làm gì có chuyện ấy! - Beauchamp nói.
- Và làm gì có bá tước Monte Cristo. Đúng mười giờ rưỡi rồi - Debray xem đồng hồ, nhắc mọi người.
Nhưng chuông đồng hồ vừa đánh một tiếng thì người hầu phòng vào báo:
- Bá tước Monte Cristo.
Mấy chàng thanh niên giật nẩy mình và Albert không giấu được vẻ xúc động. Bá tước hiện ra ở cửa phòng, mặc một bộ quần áo rất lịch sự và trang nhã, nở một nụ cười, rồi điềm tĩnh tiến về phía Albert. Albert chạy ra đón khách:
- Thưa ngài bá tước, tôi vừa mạn phép giới thiệu ngài với các bạn của tôi đây. Bây giờ tôi xin giới thiệu với bá tước các bạn của tôi: Đây là bá tước Chateau-Renaud thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời nhất ở Pháp; Lucien Debray, bí thư bộ trưởng; Beauchamp, nhà báo nổi tiếng và đại úy Maximilian Morrell.
Từ nãy, bá tước chỉ hơi nghiêng mình lạnh lùng chào mấy người kia, khi nghe giới thiệu đến tên người cuối cùng, tự nhiên bá tước tiến lên một bước, nắm chặt tay chàng thanh niên quân đội. Mặt bá tước đang bình thường bỗng ửng hồng lên. Ông nói:
- Đại úy mang bộ quần áo của người chiến thắng vô cùng đẹp đẽ. Tôi tin rằng, dưới bộ quân phục kia, ẩn náu một tấm lòng dũng cảm và cao quý.
- Ngài bá tước quá khen, tôi đâu có thế.
Maximilian khiêm tốn đáp lời và chăm chú nhìn bá tước ngạc nhiên về thái độ của bá tước đối với mình.
Người hầu phòng vào báo tiệc đã dọn xong và các vị khách lặng lẽ theo chủ nhân vào phòng ăn.
Chương 40
bữa ăn
Biết bá tước Monte Cristo là người rất khảnh ăn cho nên khách vừa ngồi vào bàn, Albert vội nói:
- Thưa bá tước thân mến, tôi đang lo người đầu bếp của tôi làm món ăn không thích hợp với khẩu vị của ngài nên định hỏi xem ngài có định đặt món gì đặc biệt không?
- Tử tước chưa biết rõ tôi đấy thôi - Bá tước mỉm cười đáp lời - Tôi đã tùng ăn mì ống ở Ý, ăn cari ở Ấn Độ và yến ở Trung Quốc thì có món gì mà tôi chẳng ăn được. Chỉ có điều là tôi ăn rất ít. Và hôm nay, tử tước vừa trách tôi là thanh đạm, thì lại chính là ngày tôi sẽ ăn ngon vì từ sáng hôm qua đến giờ tôi chưa ăn gì cả.
- Sao? Từ sáng hôm qua? - Các vị khách kêu lên - Ngài chưa ăn gì từ hai mươi bốn giờ nay?
- Chưa - Bá tước Monte Cristo đáp - Tôi bị buộc phải đi hỏi thăm đường ở Nimes, vì thế tôi đến nơi chậm một chút, và tôi không muốn dừng lại.
- Và ngài đã ăn trong xe? - Albert hỏi.
- Không. Tôi thường hay ngủ khi không có gì để giải trí hoặc khi tôi đói mà không muốn ăn.
- Chắc là ngài có dùng thứ thuốc gì?
- Đúng là như vậy.
- Ngài có thể cho chúng tôi biết thứ thuốc đó được không - Debray hỏi.
- Trời ơi, được lắm chứ. Tôi giữ bí mật làm gì? Tôi dùng một số chất ma túy ở Trung Quốc và Ấn Độ pha chế thành những viên nhỏ và chỉ cần một viên là công hiệu ngay. Các ông cứ hỏi nam tước Franz d’Épinay sẽ rõ, ông ta đã được thưởng thức rồi đấy.
- Vâng - Albert đáp - Cậu ta đã có kể với tôi và cậu ta còn giữ được một kỷ niệm rất thú vị.
- Nhưng - Beauchamp hỏi - vì là nhà báo nên tôi hay ngờ vực. Vậy ngài có đem theo thứ chất đó chứ?
- Lúc nào cũng có.
Bá tước Monte Cristo bèn lấy trong túi ra một chiếc lọ đưa cho mọi người xem. Chiếc lọ có hình thù giống như viên kẹo, làm bằng ngọc bích, ở giữa có lỗ trống, nút bằng một cái nút bằng vàng. Trong lọ đựng bốn, năm viên bằng hạt tiêu màu ngọc thạch, mùi hắc và cay.
Cái lọ được chuyền đi quanh bàn ăn, nhưng mọi người ngắm nghía cái lọ bằng ngọc bích nhiều hơn là mấy viên thuốc đựng trong lọ.
- Tôi chưa từng được thấy một viên ngọc bích nào mà lại đẹp và to như thế này - Château-Renaud kêu lên - mặc dù mẹ tôi là người có khá nhiều đồ trang sức bằng ngọc thật đẹp.
- Tôi có ba viên như thế này - Monte Cristo nói - Một viên tôi tặng cho một vị Quốc vương để gắn lên chuôi gươm của người. Một, tôi tặng cho Đức giáo hoàng để gắn lên mũ miện của người. Còn viên thứ ba tôi giữ đây. Tôi đã cho nạo ruột nó đi, như vậy mất nửa giá trị của nó nhưng lại nâng cao giá trị sử dụng.
Mọi người kinh ngạc nhìn bá tước Monte Cristo. Ông ta nói một cách thản nhiên đến nỗi người ta cho là hoặc ông nói thật hoặc ông điên.
Debray hỏi tiếp:
- Chắc là ông tặng hai viên kia để đổi lấy một vật gì quý giá lắm phải không?
- Tôi tặng vị Quốc vương để chuộc lại tự do cho một người phụ nữ. Tặng giáo chủ để đổi lấy tính mạng của một người khác. Như vậy là tôi đã có một sức mạnh như là Thượng đế đã đặt tôi lên ngai vàng.
- Thưa ngài - Albert reo lên - người đó là Peppino có phải không? Nhân tiện đây, tôi muốn xin ngài giải đáp cho cái thắc mắc của Francs và tôi là tại sao ngài lại có quan hệ với Luigi Vampa?
- Rất đơn giản - Bá tước mỉm cười - Tôi biết Vampa đã đến chục năm nay. Hồi cậu ta còn rất trẻ, còn là cậu thanh niên chăn cừu. Một hôm tôi đã cho cậu ta một ít tiền vàng vì cậu ta đã chỉ đường cho tôi. Cậu ta đã tặng lại tôi một con dao găm có chạm trổ cầu kỳ. Về sau này, khi trở thành tướng cướp, cậu ta định bắt cóc tôi vì có lẽ không nhận ra tôi, nhưng trái lại tôi đã tóm được cậu ta cùng với một tá thủ hạ. Tôi có thể giao tất cả cho các nhà chức trách La Mã, nhưng tôi đã thả ra.
- Với điều kiện là chúng không được gây tội ác nữa có phải không? - Chàng nhà báo cười, hỏi lại - tôi sẽ vui sướng thấy hắn giữ được lời hứa.
- Không ông ạ - Bá tước Monte Cristo đáp - với điều kiện rất đơn giản là phải kính trọng tôi và các bạn hữu của tôi. Có thể là những điều tôi sắp nói với các ông đây, các ông sẽ cho là lạ lùng, vì các ông là những con người xã hội, là những con người cấp tiến, con người nhân đạo. Nhưng tôi không bao giờ chú ý đến nhân loại, không bao giờ tôi thử bảo vệ cái xã hội mà nó không bảo vệ tôi. Và tôi có thể nói thêm là cái xã hội ấy, nếu có chú ý đến tôi, cũng chỉ để hại mà thôi.
- Hay quá! - Château-Renaud reo lên - Đây là người thứ nhất can đảm thành thật và tàn nhẫn nói lên lòng ích kỷ. Điều đó tuyệt lắm, hoan hô ngài bá tước!
- Thành thật thì có thành thật - Morrel tiếp lời Renaud - nhưng tôi tin là ngài bá tước cũng đã phạm vào cái nguyên tắc mà ngài vừa trình bày với chúng ta một cách tuyệt đối.
- Thưa ông, vì sao ông cho là tôi đã phạm vào nguyên tắc ấy? - Monte Cristo hỏi, và từ nãy đến giờ vẫn luôn chăm chú nhìn Morrel.
- Vì tôi thấy là ngài đã giải thoát cho anh Morcerf là người mà ngài không quen biết, tức là ngài đã phục vụ cho đồng bào và cho xã hội rồi.
- Thôi, thôi, lý thuyết mãi - Albert nói - Tôi chỉ biết là ngài bá tước có lòng thương người và tôi không bao giờ quên được công ơn ngài đã cứu nguy cho tôi. Nay mai, có dịp tôi sẽ giới thiệu với ngài người vợ chưa cưới của tôi: tiểu thư Eugénie Danglars.
- Tiểu thư có phải là cọn gái của nam tước Danglars không?
- Nam tước Danglars - Beauchamp nói xen vào - là một nhà đại tư bản đã cho nhà nước vay những món tiền khổng lồ.
- Tôi chưa có hân hạnh quen biết ngài Danglars - Bá tước nhìn Maximilian - Nhưng hãng Thomson & French ở Rome đã mở cho tôi một tài khoản ở ngân hàng Danglars.
Quả nhiên, Maximilian vừa nghe nói đến tên hãng Thomson & French thì tái mặt lại, hỏi bá tước Monte Cristo:
- Ngài bá tước cũng có giao dịch với hãng Thomson à? Có một lần hãng này đã cứu nguy cho cha tôi và cho tới ngày nay chúng tôi vẫn chưa biết vì lý do gì.
- Đại úy có người nhà ở Paris không?
- Dạ, tôi có một cô em gái vừa thuê được một ngôi nhà khá đẹp ở phố Meslay. Nếu bá tước không chê nhà chật hẹp, tôi sẽ bảo em tôi nhường cho ngài một căn buồng ở đó.
- Em gái đại úy đã lập gia đình riêng chưa?
- Em rể tôi là Emmanuen, người giúp việc rất trung thành của cha tôi. Hai vợ chồng ấy đã sống hạnh phúc với nhau từ chín năm nay.
- Cám ơn đại úy - Bá tước tươi cười - Một ngày kia tôi mong đại úy sẽ giới thiệu em gái và em rể đại úy với tôi. Còn việc nhà cửa thì thú thật là một người sống lang bạt như tôi thì không thể sống chung với ai được. Hơn nữa, tôi đã cho người quản gia của tôi đến đây từ trước để mua cho tôi một tòa nhà mà chính tôi cũng chưa được nhìn thấy.
- Thưa bá tước, quản gia của bá tước cũng là người da đen phải không?
- Không, một người ở đảo Corse, tên là Bertuccio mà tử tước đã gặp ở Rome. Ông Bertuccio là một người trung thành và thật thà.
- Nếu vậy - Château-Renaud nói - ngài có một tòa nhà lộng lẫy với đầy đủ gia nhân, chỉ còn thiếu một cô nhân tình nữa thôi.
Albert tủm tỉm cười, nhớ lại cô gái Hy Lạp kiều diễm ngồi trước mặt bá tước trong nhạc viện thành Rome.
- Hơn thế nữa - bá tước cho biết - tôi có một cô gái nô lệ mua ở Thổ Nhĩ Kỳ với một giá rất đắt. Như vậy là tôi không còn phải lo điều gì nữa.
- Chúng tôi ước ao một ngày kia sẽ được gặp cô ấy.
Bữa ăn đã tàn, mọi người bước sang phòng khách uống cà phê và hút thuốc lá. Lucien ghé vào tai Albert bảo nhỏ:
- Ông khách của cậu đáng yêu lắm, nhưng lại rất bí mật. Tôi sẽ nói với ngài bộ trưởng để tìm ra tung tích ông ta. Bây giờ tôi phải đi với Beauchamp về Viện dân biểu có chút việc.
Lucien từ biệt mọi người rồi kéo Beauchamp ra ngoài. Château-Renaud cũng rủ Morrel cùng ra về và nói:
- Ngài bá tước thật là một con người kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy trên đời này.
Hai người đi ra để lại Albert đang một mình trong phòng với bá tước.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro