Chương 10: Bình nam - Trấn bắc bảo kiếm

Mấy hôm nay, Quốc Tuấn chỉ ngồi trong đại trại mà không đi ra đến ngoài. Tin tức chiến trận từ các chiến trường liên tiếp báo về, nhưng buồn một nỗi đó lại toàn là những tin thất trận của quan quân nhà Trần. Chính người con trai thứ ba của ông là Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng, người được ông tin cậy nhất giao nhiệm vụ trấn thủ các đồn Sa, Từ, Trúc dọc biên giới sát châu Tư Minh(1) đã có thư báo cho ông biết là đích thân Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích đã dẫn đại binh chủ lực của giặc đồng loạt xâm phạm biên giới Đại Việt. Tất cả các đồn dọc biên giới đều đã bị thất thủ. Ở mạn Đà Giang cũng vậy, Trịnh Giác Mật đã có thư cấp báo về rằng tên tướng rợ Hồ là A Lỗ đã chỉ huy một lực lượng thủy binh lớn thuận dòng sông Thao và sông Lô đánh xuống xâm phạm Đại Việt, các cánh quân người thượng của Trịnh Giác Mật đã phải chia nhau ra đối địch nhưng không thể nào cản nổi…

Hôm nay cũng vậy, Quốc Tuấn đang ngồi một mình trong đại trại, ông vừa nhận được một bức mật tin do Trần Nhật Duật báo về từ mặt trận phía bắc. Theo tin báo thì tuy ngả chính của giặc do Thoát Hoan chỉ huy đã chiếm được các đồn Sa, Từ, Trúc nhưng chúng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do bị quân ta kiên quyết chống trả. Chỉ có ngả Vân Nam do A Lỗ chỉ huy là đang thừa thắng thuận đường tiến gấp về Thăng Long. Trần Nhật Duật do lo sợ giặc sẽ qua ngã ba Bạch Hạc rồi kéo thẳng về kinh thành Thăng Long nên đã giao lại công việc ở mặt trận phía bắc cho tướng Nguyễn Khoái rồi kéo tất cả lực lượng thủy binh lên ngã ba Bạch Hạc để lập ra một phòng tuyến ngăn giữ A Lỗ. Trần Nhật Duật gửi thư cấp báo đồng thời xin Quốc Tuấn đưa ngay đại quân về phòng thủ Vạn Kiếp để bịt đường tiến đánh Thăng Long của giặc.

Quốc Tuấn còn đang phân vân suy nghĩ mà chưa biết sẽ quyết định trả lời với Trần Nhật Duật ra sao thì tiếng bước chân gấp gáp của người lính hộ vệ lại kéo ông trở về với thực tại.

-        Bẩm Đức ông!

-        Có việc gì vậy?

-        Có người của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin vào gặp để báo cáo tình hình Vân Đồn ạ.

-        Vậy à? - Quốc Tuấn có vẻ mừng vì ông cũng đang ngóng tin từ mặt trận trên biển - Cho mời hắn ta vào mau!

-        Dạ!

Người lính hộ vệ lui ra một lát sau dẫn vào một người lính thủy. Không đợi anh ta báo cáo, Quốc Tuấn hỏi liên tiếp:

-        Nhân Huệ vương có khỏe không…? Giặc đến Vân Đồn chưa?

-        Thưa Tiết chế! Vân Đồn đã… đã…

-        Vân Đồn làm sao? - Quốc Tuấn quát lên, ông cảm thấy phát cáu bởi vẻ ấp úng của tên lính báo tin.

-        Vân Đồn đã bị thất thủ rồi ạ.

-        Sao! - Quốc Tuấn thất kinh khi nghe hai từ thất thủ, ông hỏi lại - Thất thủ rồi à?

-        Vâng!

-        Thất thủ từ bao giờ?

-        Dạ, đêm hôm kia… đại binh thuyền của quân giặc do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy đã đánh thẳng vào biển ải Vân Đồn. Nhân Huệ vương đã ra sức chống cự nhưng quân giặc cậy thế đông lại có nhiều thuyền to nên không tài nào giữ nổi.

Quốc Tuấn cảm thấy không tin vào đôi tai của mình nữa. Mặt trận phía bắc thì đang khốn đốn, Vân Đồn thì đã bị thất thủ. Tin xấu từ khắp các mặt trận cứ liên tiếp báo về làm ông thêm lo lắng buồn rầu. Sực nhớ đến tính mệnh của Trần Khánh Dư ông quay sang hỏi:

-        Vậy Nhân Huệ vương hiện nay đang ở đâu?

-        Nhân Huệ vương đã thu thập tàn quân… hiện đang trốn trú tại một hoang đảo lớn ngoài biển. Nhân Huệ vương cho con cấp báo để Tiết chế biết và đợi lệnh.

-        Nhân Huệ vương để thất thủ Vân Đồn là phạm vào trọng tội rồi…! Nếu tin này mà về đến triều đình thì sẽ bị Thượng hoàng xử tội chém đầu chứ không chơi. Vậy mà còn ngồi đấy mà đợi chờ lệnh cái gì nữa?

-        Nhân Huệ vương cũng biết tội tất bị xử như vậy nên có nói đến đây phải nhờ Tiết chế giúp đỡ cho mới được.

-        Đến nước này thì ta còn giúp gì được cho ông ấy nữa đây?

-        Nhân Huệ vương xin Tiết chế giúp cho một vài chục chiếc thuyền lớn và độ vài ngàn lính thủy binh tinh nhuệ.

-        Để ông ta làm gì…? - Quốc Tuấn ngạc nhiên - Không nhẽ Nhân Huệ vương định tái chiến với Ô Mã Nhi… như vậy chỉ thêm thiệt hại thôi!

-        Không… không phải định tái chiến với Ô Mã Nhi.

-        Không phải ư…? Vậy ông ta định làm gì?

-         Nhân Huệ vương nói là đại binh thuyền giặc đã đến Vân Đồn nhưng tuyệt nhiên không thấy có đoàn thuyền lương đi theo. Vậy nên Nhân Huệ vương muốn phục để cướp đoàn thuyền lương nhằm lấy công đáo tội… nhưng chỉ e là hiện nay binh thuyền không đủ để có thể mưu sự.

Nghe tên lính nói vậy, vẻ vui mừng quay trở lại trên khuôn mặt của Quốc Tuấn. Ông nhanh chóng nhận thấy rằng mình không thể không giúp cho Khánh Dư… Hy vọng nếu như Khánh Dư thành công thì sẽ làm quân giặc bị lâm vào cảnh túng thiếu lương thực và có thể gặp nhiều khó khăn. Ông nói với tên lính:

-        Nếu như chủ tướng của ngươi đã tính toán và có chí như vậy thì ta cũng sẵn sàng chia thêm quân cho ông ấy.

-        Thay mặt Nhân Huệ vương... - Tên lính sụp xuống lạy - xin đa tạ Tiết chế!

-        Ngươi đứng dậy đi… Đó đều là việc chung cả thôi… - Chờ cho tên lính đứng hẳn dậy, Quốc Tuấn nói tiếp - Nhưng ta chỉ e là chủ tướng của ngươi không thể dễ dàng mà thắng được bọn Trương Văn Hổ đâu... Mà ta thì lại muốn Nhân Huệ vương phải chắc thắng một trận này.

-        Trương Văn Hổ là ai ạ?

-        Hắn chính là viên tướng áp tải đoàn thuyền lương đó đấy.

Tên lính lại chắp hai tay lại:

-        Tiết chế đã nghĩ được đến vậy thì xin nghĩ giúp hết cách cho Nhân Huệ vương.

-        Được rồi! Để ta tính toán đã…, ngươi cứ tạm lui ra ngoài chờ lệnh ta.

-        Vâng nhưng Nhân Huệ vương nói là xin Tiết chế mau mau cho mới được không thì lỡ hết việc.

-        Ta biết rồi! Ngươi cứ lui ra đi!

*

*        *

Việc Trần Khánh Dư để mất Vân Đồn một cách nhanh chóng như thế đã khiến Quốc Tuấn vô cùng choáng váng. Giặc đã vào đến Vân Đồn thì cũng chỉ vài hôm nữa là có thể đến được đây. Thời gian quá gấp gáp không đủ cho ông có thể bố trí một trận địa cọc hoàn hảo. Ông cảm thấy quá tiếc vì đã mất bao thời gian dày công chuẩn bị vậy mà trong phút chốc không thể mang ra thi thố cho được. Dẫu biết vẫn còn cơ hội để áp dụng nhưng ông biết rằng điều đó là khó khăn hơn rất nhiều.

Thất thủ Vân Đồn cũng đồng nghĩa với việc kế hoạch phòng thủ từ xa do ông đứng lên chủ xướng đã hoàn toàn bị thất bại. Bao nhiêu câu hỏi về nguyên nhân thất bại cứ lởn vởn trong đầu bắt ông phải trả lời. Song thời gian lúc này không cho phép ông được phân tâm. Đành phải lùi đi một bước để bảo toàn lực lượng. Ông quyết định ngay chiều hôm nay phải đưa đại quân lui về Vạn Kiếp, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long.

Mọi việc đột nhiên trở nên quá gấp gáp, Quốc Tuấn lệnh cho các tướng chuẩn bị mọi việc theo kế hoạch lui binh. Sau đó ông vội ngồi xuống viết thư trả lời đồng ý với kế hoạch phòng thủ tại Bạch Hạc của Trần Nhật Duật. Còn ông sẽ đưa quân từ Quảng Yên lui về phòng thủ Vạn Kiếp. Ông lại viết hai bức thư lệnh gửi cho tướng quân Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão, trong thư ông dặn hai tướng dù giặc ở mặt bắc có mạnh đến mấy cũng phải cố mà cầm chân giặc thêm độ mươi ngày để ông có đủ thời gian về lập trại tại Vạn Kiếp. Sau mười ngày mà không giữ được thì Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão có thể để cho quân giặc đi qua nhưng sau đó phải bám sau lưng giặc mà đánh đồng thời bịt kín các ngả đường tiếp lương của giặc.

*

*       *

Một việc vô cùng quan trọng đối với Quốc Tuấn lúc này là chọn người ở lại để chuẩn bị chiến trường. Một loạt khuôn mặt được hình dung ra trước mắt Quốc Tuấn nhưng cuối cùng khuôn mặt của viên tướng trẻ Vũ Trí Thắng đã dừng lại. Ông nhớ viên tướng này với một câu nói mà ông vô cùng tâm đắc là: Tướng giỏi không phải là tướng bách chiến bách thắng mà chỉ cần thắng một trận chính là trận cuối cùng của cuộc chiến. Ông tin rằng chỉ có người này với những tâm huyết và hiểu biết của anh ta mới có khả năng đảm đương được nhiệm vụ quan trọng mà ông giao phó. Nghĩ vậy ông sai người đi gọi Trí Thắng về trại Tiết chế gấp để nhận lệnh.

*

*      *

Trong lúc đợi Trí Thắng đến, Quốc Tuấn lững thững đi đến bên vách nơi có treo một thanh kiếm báu. Ông đưa tay nhấc thanh kiếm ra khỏi móc treo rồi rút ra khỏi bao đưa lên ngắm nghía. Đây chính là một trong hai thanh bảo kiếm mà ông rất yêu quý. Ông mơ màng nhớ lại nguồn gốc của đôi kiếm này…

Hồi đó là những năm thái bình, Quốc Tuấn không ở kinh thành mà cùng con cháu sống ở hương ấp Vạn Kiếp. Ngày ngày ông cũng ra đồng làm việc giống như những người nông phu khác. Mỗi dịp nông nhàn ông thường cùng gia binh luyện tập võ nghệ và tổ chức săn bắn.

Một hôm Trần Quốc Tuấn đi săn đến mạn Đông Triều. Khi đến gần một ngọn đồi cao thì trời đang nắng tự nhiên tối sầm lại. Trời tuy không có mưa nhưng tự nhiên thấy sấm sét nổi lên đùng đùng. Các tia sét nối nhau phóng ào ào xuống đất. Có một sự lạ là các tia sét chỉ tập trung đánh vào chính giữa một ngọn đồi đến vỡ tung cả đất ra. Một lát sau thì hết sấm sét, bầu trời lại quang đãng trở lại như không có việc gì xảy ra.

Quốc Tuấn cho đó là sự lạ nên thúc gia binh leo lên đỉnh đồi xem xét. Đến nơi thấy đỉnh đồi vỡ toác ra thành hình lòng bát rộng tới mấy trượng. Ở giữa hố có một đống đất màu vàng đen lẫn lộn. Quốc Tuấn cho kiểm tra, biết đó là một tảng quặng sắt thì thích lắm. Ông cho rằng trời ban phát báu vật cho mình nên truyền cho mang tảng quặng đó về thái ấp Vạn Kiếp.

Khi về tới nhà, Quốc Tuấn cho mời ngay một thầy tướng số nổi tiếng trong vùng đến để bốc quẻ. Khi nghe Quốc Tuấn kể lại đầu đuôi câu chuyện, thầy tướng số trầm ngâm một lát rồi nói:

-        Đây đúng là trời giúp cho Quốc công đó…! Nhưng đất nước khó tránh khỏi nạn can qua.

Quốc Tuấn ngạc nhiên hỏi:

-        Sao lại có việc can qua ở đây?

Ông thầy tướng số giải thích:

-        Quốc công là dòng võ tướng, sắt thép lại là ứng với đồ binh khí… Trời trao binh khí cho võ tướng thì chắc chắn đất nước ắt phải có nạn binh đao.

*

*       *

Quốc Tuấn thấy ông thầy tướng số nói có lý nên trọng thưởng rất hậu. Sau đó ông chọn ngày lành tháng tốt cho thợ đem tảng quặng ra đúc đồ binh khí. Song lò đốt đến mấy ngày ròng mà tảng quặng vẫn cứ trơ ra không chịu chảy. Không làm gì được, Quốc Tuấn bèn cho cất tảng quặng vào kho.

Mấy năm sau, ông lại đi săn qua đúng chỗ đó. Nhớ lại chuyện năm trước, ông leo lên miệng hố xem sao thì thấy miệng hố đã bị nước mưa cuốn trôi đất cát đi để lộ ra những tảng đá màu đen xù xì. Nhìn những hòn đá đen bóng lấp lánh dưới ánh mặt trời, ông cho rằng đây là một phần báu vật mà năm trước mình chưa lấy hết. Nghĩ vậy ông bèn sai lính thu nhặt bằng hết các viên đá đó mang về.

Về nhà ông lại chọn ngày tốt để đúc binh khí. Và lạ thay, lần này khi cho tất cả những hòn đá này vào lò đốt cùng với tảng quặng kia thì lửa cháy rất to và tảng quặng tan chảy hết. Nhưng có điều lạ là cả một tảng quặng to đùng như vậy cuối cùng chỉ chắt ra được một ít nước thép vừa đủ để đúc ra hai thanh kiếm.

Sau khi đúc xong, mang kiếm giơ lên soi trước ánh mặt trời thì thấy một thanh hiện lên hai chữ “Bình nam” mờ mờ. Còn thanh kia thì hiện lên hai chữ “Trấn bắc”. Đem chém thử thì thấy chém đứt sắt dễ như chém tre. Quốc Tuấn cho là kiếm thần nên quý lắm, đi đâu ông cũng mang theo bên mình. Ông đặt tên cho hai thanh kiếm này là Bình nam bảo kiếm và Trấn bắc bảo kiếm.

Biết là kiếm quý nhưng vì là vị đại tướng chỉ huy nên ông chẳng biết dùng chúng làm gì ngoài việc đeo bên mình như một vật trang sức. Thấy sử dụng như vậy quả là vô ích nên ông quyết định sẽ tặng thưởng kiếm cho viên tướng nào trực tiếp tham gia chinh chiến và lập được nhiều công lao. Lựa chọn mãi ông mới chỉ tìm được một người để trao cho thanh Bình nam bảo kiếm đó chính là Phạm Ngũ Lão, con rể của chính Quốc Tuấn.

Còn thanh Trấn bắc bảo kiếm này, đến hôm nay ông quyết định sẽ trao nó cho một người nữa. Đó chính là viên tướng trẻ Vũ Trí Thắng, người mà ông mới gặp được mấy tháng nay. Để đi đến quyết định này ông đã phải phân vân, đắn đo nhiều lắm. Ngay như Phạm Ngũ Lão kia, đường đường là con rể ông mà mất hàng năm trời ông mới quyết định trao cho thanh Bình nam bảo kiếm.

Mặc dù ông rất tin tưởng vào sự lựa chọn của mình nhưng ông vẫn còn e ngại một điều là nếu ông trao thanh bảo kiếm này cho Trí Thắng thì các gia tướng khác như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô là những người đã theo ông kinh qua bao nhiêu trận mạc liệu có phục không khi Trí Thắng chỉ là một viên tướng trẻ và lại chưa từng tham gia qua một trận đánh nào cả.

Cái chí và cái tài của viên đô tướng trẻ này thì cho đến nay mới chỉ có mình ông nhìn ra. Nếu như ở Yết Kiêu, Dã Tượng ông chỉ nhìn thấy cái trung, cái dũng hiện rõ thì ở Trí Thắng này ông thấy có thêm cả tài thao lược và cả tài cầm quân nữa... Một lý do quan trọng nhất, lý do để ông quyết định trao cho Trí Thắng thanh Trấn bắc bảo kiếm là bởi vì chỉ có người này có cùng suy nghĩ với ông về một trận thủy chiến cuối cùng trên dòng sông Bạch Đằng.

*

*      *

Trí Thắng đang ở dưới bến kiểm tra lại dây buộc của các bè gỗ thì được người lính đến báo là Quốc công cho người đến gọi về gặp gấp, anh vội vàng lên ngựa rồi phi thẳng đến trại Tiết chế. Khi bước vào cửa, anh trông thấy Quốc Tuấn đang nâng niu trên tay một thanh kiếm. Quốc Tuấn thấy động quay người lại, Trí Thắng vội cúi chào vị tướng rồi hỏi:

-        Thưa Tiết chế! Ngài cho đòi con tới gấp ạ?

-        Trí Thắng à! Ngồi xuống đây đã. - Quốc Tuấn chỉ tay vào ghế - Người đã biết lệnh lui quân rồi chứ?

-        Dạ con cũng vừa được nghe thông báo nên đang cho người đi kiểm tra lại dây chằng của các bè cọc ở nơi cất giấu.

-        Ta rất tiếc vì lần này chưa thể đánh trận cọc ngầm được… thời gian gấp gáp quá…

-        Vâng… Tiết chế đừng buồn… Chúng ta vẫn còn phương án khác mà.

-        Đúng vậy! Phương án kia tuy khó khăn hơn nhưng phải đảm bảo chắc thắng thì mới đánh.

-        Tiết chế quyết định như vậy quả là rất sáng suốt!

-        Cũng là vạn bất đắc dĩ thôi mà! Mà thôi ta đã quyết rồi không nhắc đến chuyện đó nữa. Trí Thắng này!

-        Dạ!

-        Ngươi đã bao giờ được nghe nói tới hai thanh bảo kiếm là Bình nam và Trấn bắc của ta chưa?

-        Dạ con có nghe từ trước khi đăng lính rồi ạ!

-        Vậy người có biết hai thanh kiếm đó bây giờ đang ở đâu không?

-        Dạ, con nghe nói một thanh ngài đã ban tặng cho tướng quân Phạm Ngũ Lão rồi. Còn một thanh ngài vẫn luôn giữ ở bên mình ạ.

-        Đúng vậy! Thanh Bình nam ta đã trao cho Phạm Ngũ Lão. Còn thanh Trấn bắc đây ta vẫn luôn có ý tìm người xứng đáng để trao.

-        Vâng! Bảo kiếm cần phải trao cho tướng tài.

-        Nay ta đã chọn ra được người để trao thanh kiếm này rồi.

-        Vậy ạ! - Trí Thắng không quan tâm lắm vì đối với anh bất kỳ ai đã được Tiết chế lựa chọn để trao cho kiếm báu thì tất người đó phải là người xứng đáng - Ai được Tiết chế trao kiếm quả là một người phi thường.

-        Người có biết là ai không?

-        Con không biết ạ!

-        Con… Chính là… cho con đấy con trai ạ!

Trí Thắng há hốc mồm ra không tin vào tai mình nữa. Anh vừa bất ngờ vì mình là người được Tiết chế lựa chọn để trao kiếm nhưng bất ngờ hơn nữa chính là anh vừa được nghe Tiết chế gọi mình bằng con trai một cách rất là trìu mến. Vị tướng già thấy vẻ ngơ ngác của Trí Thắng như vậy thì nói tiếp:

-        Ta quyết định chọn con vì ta thấy con quả là một người xứng đáng.

-        Dạ! Tiết chế… Tiết chế nhầm người rồi! Con có tài sức gì đâu mà Tiết chế làm vậy? Con tự thấy mình chưa xứng đáng…

-        Tướng giỏi đâu cứ phải là người có sức địch muôn người, đâu phải trăm trận trăm thắng. Tướng giỏi là tướng đánh thắng chỉ một trận nhưng quan trọng trận đó phải là trận đánh cuối cùng của cuộc chiến. Chẳng phải chính con đã từng nói thế hay sao?

-        Vâng con quả cũng có nói như vậy, nhưng đó chỉ là nhận định của bản thân con thế nào là một vị tướng tài mà thôi. Chứ sức con thì…

-        Hãy nhận đi…! Đừng phụ lòng tin của ta nữa!

Trí Thắng vẫn cố từ chối:

-        Xin Tiết chế hãy tìm người khác xứng đáng hơn con đi ạ!

-        Vậy thì hãy nghe ta nói này… Ngay chiều nay ta phải dẫn đại binh quay về Vạn Kiếp để bảo vệ cho Thăng Long. Nhưng cho đến thời khắc này ta vẫn tin rằng trận đánh cuối cùng của chúng ta sẽ diễn ra ngay trên chính khúc sông này. Việc chuẩn bị chiến trường ở đây ta giao toàn bộ lại cho con đảm trách. Đây là đại sự nhưng ngoài con ra ta không tin ai có thể đảm đương được. Hãy nhận lấy thanh Trấn bắc bảo kiếm và dốc hết sức mình cho đất nước.

Trí Thắng biết không thể từ chối được nữa:

-        Tiết chế đã nói như vậy thì con cũng không dám từ chối nữa… Con đội ơn Tiết chế đã tin tưởng.

-        Có như vậy chứ! Bây giờ chúng ta bàn về số cọc gỗ kia nhé?

-         Vâng, nay phải chuyển sang phương án hai… vậy xin hỏi Tiết chế đã dự định thời gian bố trí trận địa chưa ạ? - Trí Thắng trở lại ngay vẻ nhanh nhẹn hoạt bát khi đề cập tới công việc.

-        Thế giặc hiện nay rất mạnh nên ta chưa có thể quyết định thời điểm bố trí trận địa. Con cứ cho chuẩn bị cọc và mọi phương tiện cần thiết để khi có lệnh của ta thì phải gấp rút hoàn thành.

-        Vậy còn vị trí bãi cọc?

-        Cho đến giờ này thì chỉ có một điều bất biến, đó chính là vị trí của trận địa cọc. Cứ lấy những chỗ đúng như chúng ta đã bàn bạc kỹ hôm đứng trên đỉnh U Bò đi! Nhưng nhớ là phải rất bí mật đấy nhé!

-        Vâng! Con hiểu rồi.

-        Có điều này gây khó cho ngươi một chút.

-        Con xin nghe!

-        Dòng sông này từ đây trở đi sẽ không còn được yên ổn nữa. Ta sẽ tìm mọi cách cho đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi tin tưởng mà đi vào con sông này. Có như vậy thì kế sách của chúng ta mới có thể mang ra mà áp dụng được.

-        Vâng! Con hiểu điều đó là cần thiết, con sẽ quyết hoàn thành nhiệm vụ để không phụ lòng tin của Tiết chế.

-        Còn nữa, chỉ vài hôm nữa là đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi có thể vào đây rồi nên để đảm bảo bí mật ngay đêm nay toàn bộ số cọc gỗ phải được đem giấu cho thật kỹ. Ta đã có cách rồi nhưng muốn tham khảo ý kiến của ngươi nữa, vậy ngươi nghĩ xem nên giấu ở đâu?

Suy nghĩ một lát Trí Thắng nói:

-        Con nghĩ rằng Ô Mã Nhi đang vào từ lối cửa sông, trên thượng nguồn thì thế giặc lại đang rất mạnh nên không thể giấu cọc ở trong sông ngòi mà được. Muốn cho kín đáo tất phải mang ra biển mà giấu.

-        Đính thị là phải như vậy. - Quốc Tuấn vỗ tay vào đùi rồi ngồi bật dậy - Ngay tối nay ngươi và quân sĩ của mình phải dắt toàn bộ số chiến cọc kia ra cất giấu ngoài biển.

-        Con xin tuân lệnh nhưng… với ba ngàn lính tinh nhuệ mà chỉ dùng để đi cất giấu cọc gỗ thì quả là lãng phí, xin Tiết chế bớt lại để dùng vào những việc khác có ích hơn.

-        Ấy là ta chưa nói hết, ngươi có hai nhiệm vụ một là phải cất giấu chiến cọc và việc thứ hai cũng vô cùng quan trọng là phải ra giúp cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư một phen.

Trí Thắng chưa hiểu ra đầu đuôi:

-        Giúp cho Nhân Huệ vương?

-        Đúng vậy…! Trong quân của ngươi cũng có nhiều người có tài bơi lội chẳng kém gì tướng quân Yết Kiêu cả. Ta cho ngươi ra đấy là để giúp Khánh Dư thì may ra việc lớn mới thành được.

-        Nhưng con không biết Nhân Huệ vương hiện đang ở đâu.

-        Cái đó không phải lo, đã có người của Khánh Dư đang ở đây, hắn sẽ giúp ngươi trong việc cất giấu số cọc kia và dẫn đường cho ngươi đến chỗ Nhân Huệ vương.

-        Vậy con xin lĩnh mệnh.

-        Còn nữa…, sau khi giấu cọc rồi thì phải cho người về báo và liên lạc với ta để ta biết chỗ mà gọi đến ngay khi cần thiết.

-        Dạ con nhớ rồi!

-        Tốt lắm! - Quốc Tuấn vừa nói vừa định đưa kiếm trao cho Trí Thắng, song như chợt nhớ ra ngài dừng lại - Kiếm này để lát nữa trước khi lên đường có đông đủ ba quân tướng sĩ ta sẽ trao cho ngươi để ba quân cùng được biết.

-        Dạ! đội ơn Tiết chế! Con…

-        Sao! Ngươi còn điều gì khó nói?

-        Con nghĩ… nếu có thể được thì trận thủy chiến nên diễn ra vào trước tháng tư là tốt nhất.

-        Sao cơ…! - Quốc Tuấn lộ vẻ ngạc nhiên rồi ông tự lẩm nhẩm một mình - Trước tháng tư tức là phải trong tháng ba… tháng ba, ờ đúng rồi, nhưng theo ý ngươi thì tại sao phải nên như vậy?

-        Nếu để qua tháng tư thì lũ tiểu mãn trên thượng nguồn có thể tràn về bất chợt rất khó lường. Kế sách của chúng ta mười phần thành công thì phải phụ thuộc vào ông trời mất năm bảy phần rồi.

-        Đúng vậy! Ngươi thật là cẩn thận biết nhìn trước tính sau. Vậy thì ta đồng ý với ngươi điều bất biến thứ hai, đó là thời gian diễn ra trận đánh sẽ là trước tháng tư nhé!

-        Nhưng bây giờ đã là vào giữa tháng Chạp rồi! Liệu…?

-        Ta biết là vô cùng khó khăn…! Nhưng đấy là nhiệm vụ của ta mà… Ta với ngươi cùng thi xem ai hoàn thành tốt nhiệm vụ nhé?

-        Con không dám thi với Tiết chế nhưng con vẫn quyết hoàn thành nhiệm vụ mà Tiết chế tin tưởng giao phó!

-        Vậy thì tốt lắm! Thôi cho ngươi lui, ta còn mấy việc phải chuẩn bị trước khi lên đường.

*

*        *

Quốc Tuấn nhìn theo bóng Trí Thắng cho tới khi viên tướng trẻ đi khuất hẳn khỏi cửa trại. Ông nhận thấy viên tướng trẻ này lại có nhiều suy nghĩ rất giống ông. Sau khi quyết định được vị trí bố trí bãi cọc thì thời gian diễn ra trận đánh được ông để tâm nhiều nhất. Những dịp về Thăng Long, mỗi khi đến thăm quan Hàn lâm học viện Lê Văn Hưu ở Quốc sử viện ông đã dành nhiều thời gian để xem xét và đàm đạo rất kỹ với Lê Văn Hưu để xác định chính xác thời gian diễn ra các trận đánh trên sông Bạch Đằng của tiền nhân. Trận năm Mậu Tuất của Ngô vương diễn ra vào một ngày cuối đông còn trận năm Tân Tỵ của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn diễn ra vào khoảng giữa tháng ba, tức là toàn vào mùa khô. Đây là một chi tiết mà ông hết sức quan tâm và để công tìm hiểu.

Khi đến thị sát khu vực cửa sông Bạch Đằng vào mùa mưa thì ông mới hiểu được việc hai tiền nhân bố trí trận địa cọc cùng vào thời điểm cuối đông đến cuối xuân là hoàn toàn có cơ sở, có mục đích cụ thể chứ không phải đơn thuần chỉ là một sự trùng hợp vô tình. Nếu giả sử những trận đánh đó diễn ra vào những khoảng thời gian khác thì có thể trận đánh vẫn mang đến thắng lợi nhưng công sức bỏ ra sẽ tốn hơn rất nhiều mà hiệu quả mang lại tất không thể trọn vẹn được đến như vậy.

Để làm được như các bậc tiền nhân thì chỉ còn có ba tháng nữa, trong khi thế lực quân giặc lại đang quá mạnh. Nghĩ đến đây Quốc Tuấn không thể kìm lòng được nên để buông ra một tiếng thở dài. Ta phải làm thế nào đây? Điều gì có thể thay đổi cục diện của trận chiến? Liệu trong ba tháng ta có thể làm được không…?

*

*        *

Có tiếng bước chân vội vã vang lên từ bên ngoài, Yết Kiêu vén rèm bước vào báo cáo:

-        Mọi việc chuẩn bị thuyền bè con đã lo xong cả rồi! Đức ông có cần phải chuẩn bị thêm gì để con đi lo luôn ạ?

Quốc Tuấn lắc đầu:

-        Không cần gì cả, nếu thủy binh đã xong thì ta đi trước thôi, cứ để quân bộ của Dã Tượng đi sau vậy… tình hình gấp lắm rồi…

-        Vâng, vậy thì để con ra lệnh cho chúng nhổ neo.

-        Ừ… nhưng mà này…

-        Dạ!

-        Trên đường đi qua các làng ven sông nhớ phải thông báo cho các hương xã biết thực tế là ta đã bị thất thủ Vân Đồn và giặc đã vào đến cửa Nam Triệu rồi nhé!

-        Vâng… nhưng thưa Đức ông - Yết Kiêu phân vân hỏi lại - Có cần thiết phải nói rõ ra như vậy không ạ?

-        Ta đã nghĩ kỹ rồi - Quốc Tuấn quả quyết - phải nói thật tình hình thắng thua để bà con dân làng được biết mà chuẩn bị chạy giặc trước… nếu ta cố giấu giếm thì bà con sinh ra chủ quan nên khi giặc tới bất ngờ thì chạy không kịp nữa… Cứ làm như vậy đi!

-        Vâng con sẽ cho làm ngay như vậy!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro