Chương 11: Khoảng lặng

Thôn nhỏ ven sông Bạch Đằng, nơi có cây gạo già cổ thụ vốn quen cảnh bình yên bao ngày, hôm nay bỗng nháo nhác xôn xao bởi tin quan quân đã để thất thủ biển ải Vân Đồn và chiến thuyền của lũ rợ Hồ kia đã vào đến tận cửa biển Nam Triệu. Quan quân triều đình sau bao ngày đóng binh trong khu rừng Quảng Yên cũng đã phải rút chạy về Vạn Kiếp để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long.

Dân làng từ già đến trẻ, đàn ông đến đàn bà nháo nhào thu xếp hành lý để đi trốn. Nơi trốn cũng chẳng phải ở đâu xa lắm, đó chính là khu rừng già rậm rạp nằm ở phía đông của ngôi làng. Thóc gạo các nhà được chuyển đi trước hết vì khi chiến tranh xảy ra thì cái ăn là điều quan trọng nhất và cũng không ai muốn cho bọn giặc kia cướp được một hạt thóc nào, theo đúng tinh thần của triều đình.

Trước đó, dân làng đã bí mật dựng lên hai cái kho ở nơi cao ráo và kín đáo tít tận trong rừng. Bây giờ gạo của các nhà mang tới được xếp chung hết vào đó không phân biệt của nhà nào với nhà nào nữa. Sau khi lương thực chuyển xong mới đến gà lợn, trâu bò và các vật dụng cần thiết khác.

Đám trẻ con chưa biết đến khái niệm chạy giặc là gì, chúng vẫn hồn nhiên cười đùa trước sự bận rộn của những người lớn. Thậm chí chúng còn lấy làm thích thú khi mọi người tỏ ra không quan tâm đến chúng mà để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm.

Sau ba hôm thì các công việc sơ tán về nơi trốn trú cũng cơ bản đã xong. Tuy nhiên sống ở trong rừng thì điều kiện về nơi ăn chốn ở vô cùng gian khổ, nên nhân khi giặc chưa tới nơi, mọi người hàng ngày vẫn về làng để ở xong tự cắt cử người ra để canh phòng cẩn thận suốt từ bến thuyền đến giữa làng. Mỗi khi nấu ăn, các nhà lại cho người ra tận kho bí mật để lấy gạo mang về nhà nấu.

Để có thể phát hiện được lũ giặc từ xa và báo động cho tất cả mọi người kịp chạy đi trốn, tại cây gạo cổ thụ, dân làng cho dựng một chiếc chòi lá nhỏ sơ sài trên chỗ chạc ba của cành cây cao nhất. Trên đó lúc nào cũng có hai người thường xuyên túc trực, mắt đăm đăm nhìn về phía cửa biển.

Hai hôm sau nữa, khi cả làng còn đang ngái ngủ bởi muốn cố tìm thêm chút hơi ấm trước buổi sáng mùa đông giá rét thì bị giật mình bởi những tiếng tù và sừng trâu rúc lên từng hồi từ xa vọng đến tận giữa làng. Những tiếng tù và gần hơn liên tiếp rúc lên theo sau báo hiệu quân giặc đã tới rất gần.

*

*       *

Đúng vậy, đội quân thủy binh tiên phong của Ô Mã Nhi do Phàn Tiếp chỉ huy đã dẫn chiến thuyền ào ào kéo đến. Các tướng giặc đưa những cặp mắt cú vọ chăm chăm nhìn qua hai bên bờ vừa để xem có phục binh quân Trần hay không vừa cố tìm xem có thể cướp bóc được gì ở đó. 

Chiếc chòi lá đơn sơ trên thân cây gạo cổ thụ kia vô tình lại trở thành một vật lạ thu hút sự quan tâm chú ý của lũ tướng giặc. Phàn tiếp đưa tay chỉ lên chiếc chòi trên cây hỏi bộ hạ:

-        Các ngươi thử đoán xem chiếc chòi kia dùng để làm gì nào?

Một tên suy nghĩ rất nhanh rồi nói:

-        Chắc không ngoài việc dùng để canh phòng và theo dõi quân ta!

-        Ngươi nói đúng - Phàn Tiếp tiến đến sát mạn thuyền chăm chú nhìn vào chiếc chòi hỏi tiếp - vậy tại sao lại phải canh phòng quân ta?

Tên lúc nãy lại đáp:

-        Chắc gần đây có một căn cứ nào đó của quân Trần chăng?

-        Không phải - Phàn tiếp không đồng ý - nếu căn chòi kia của quân đội thì nó phải được làm kiên cố và bắt mắt hơn… đằng này chỉ được làm sơ sài như thế kia thì chắc chỉ của bọn dân đen rồi!

-        Sao bọn dân đen mà lại phải làm chòi để canh gác nhỉ?

-        Hỏi hay lắm! - Phàn Tiếp khen rồi lại hỏi - Ngươi thử nghĩ xem?

Tên kia lại suy nghĩ một hồi nhưng lần này nó chỉ biết lắc đầu:

-        Tôi chịu… không thể nghĩ ra được.

Phàn Tiếp bắt đầu giảng giải:

-        Có chòi canh tức là chúng có sự đề phòng chúng ta, mà đã đề phòng thì phải có gì đó muốn giấu chúng ta… Chắc chắn gần đây có một ngôi làng…

Vừa đúng lúc đó, các thuyền của giặc đi ngang qua bến thuyền dốc chợ, Phàn Tiếp chỉ tay reo lên:

-        Các ngươi nhìn kìa… kia là một bến thuyền… trên bến tất sẽ có chợ… mà dân gần chợ thì giàu có lắm… chắc chắn làng này sẽ có rất nhiều thóc gạo…

Đám bộ hạ nghe nói vậy sáng mắt lên. Bọn chúng đã chịu đói tới mấy ngày nay do các thuyền chở lương thực thì đi chậm chạp phía sau, trong khi chủ tướng của chúng là Ô Mã Nhi thì lại cứ thúc giục quân sĩ phải mau tiến đánh Thăng Long. Kệ Ô Mã Nhi, cứ phải có cái ăn đã rồi mới tính đến việc đánh đấm, cả bọn cùng nghĩ như vậy nên chúng bàn nhau:

-        Chúng ta lên bờ tìm kiếm lương thực đi!

-        Phải đấy… kiếm cả cái món đàn bà, con gái nữa chứ!

Cả bọn cười lên hô hố, Phàn Tiếp đồng tình:

-        Được…! Từ hôm chiến thắng Vân Đồn đến giờ ta và các ngươi chưa được nghỉ ngơi lúc nào cả… nay cho chúng bay thư giãn một buổi… Mau lên bờ đi!

Được Phàn Tiếp đồng ý, các tướng giặc hò hét quân lính cho thuyền ghé vào bến. Chúng hùng hùng hổ hổ kéo nhau tìm đường vào làng. Đúng như Phàn Tiếp nhận định, ngôi làng này có khá nhiều ngôi nhà ba gian hai chái thể hiện gia chủ là những người có của ăn của để. Song quân giặc bị thất vọng hoàn toàn, chúng ra sức sục sạo tìm kiếm nhưng không bắt được một người nào cả, chúng cũng không thể tìm thấy dù chỉ là một chút ít lương thực nào từ ngôi làng giàu có này.

Cả bọn nhớn nhác báo cho Phàn Tiếp biết. Tên tướng giặc nghe báo như vậy thì không thể nào tin được. Hắn vội vã lên bờ đến tận ngôi làng kia, sau khi kiểm tra thấy đúng như vậy hắn vội chạy vào bếp một ngôi nhà gần đó kiểm tra than củi. Y hơ hơ bàn tay phía trên bếp thì vẫn thấy còn một chút ít hơi ấm từ đó bốc tỏa lên. Y đứng phắt dậy ra lệnh:

-        Quân chúng bay mau đi tìm đi, bọn chúng còn chưa thể đi xa đâu, chắc vẫn còn trốn quanh quẩn đâu đó thôi!

Cả bọn theo lệnh chủ tướng lại tỏa đi các nơi để tìm kiếm, song đến gần trưa vẫn không có được kết quả gì. Nhiều tên bị đói và mệt quá ngất lả người đi, chúng thấy vậy vội rủ nhau về báo cáo với chủ tướng.

Phàn Tiếp không tìm được gì thì vô cùng tức tối, hắn lệnh cho quân lính phải tìm cho bằng được mới thôi. Một tên tiểu tướng người nhỏ con, da trắng, mắt ti hí nghe vậy bước đến cất giọng người phương nam nói:

-        Tướng quân cứ cho lính lui đi rồi tìm cách khác!

-        Cách gì? - Phàn Tiếp vằn mắt lên hỏi - Đói thế này mà không tìm được cái ăn thì đánh đấm gì được. Mẹ… binh lính thì đi trước thuyền lương cả chục ngày đường… tướng đéo gì mà ngu thế không biết!

-        Ấy chết… tướng quân nói thế nhỡ có người của chủ tướng ở đây thì có phải là phiền không?

-        Nhưng mà ta không chịu nổi… Ngươi xem! Quân sĩ đói lả cả ra, nếu không có cái ăn thì đánh đấm gì được mà cứ đòi đánh gấp đến Thăng Long…

-        Tôi có một kế này… - Tên tiểu tướng ghé tai Phàn Tiếp nói nhỏ chỉ đủ cho chủ tướng của hắn nghe, Phàn Tiếp nghe ra có vẻ đắc ý lắm vì cứ thấy gật đầu lia lịa - Thế… cứ như thế…!

Phàn Tiếp gật gù:

-        Kế của ngươi hay lắm vậy thì để ta ra lệnh rút quân ngay…

Phàn Tiếp cho gọi bộ hạ tới để ra lệnh rút quân, y tức tối vì không kiếm chác được gì nên ra lệnh cho quân lính đốt bỏ tất cả các ngôi nhà trong làng. Ngày đông hanh khô, lửa bén nhanh cháy bốc lên ngút trời. Từng căn nhà cháy rụi đổ ập xuống trong tiếng cười man dại của lũ giặc.

*

*     *

Bọn giặc xuống hết thuyền bỏ đi để lại ngôi làng cháy dở ở phía đằng sau. Dân làng khi nghe tin quân giặc đã rút đi thì vội gọi nhau chạy về chữa cháy, song không kịp nữa, họ chỉ biết đứng nhìn rồi ôm nhau khóc vì tiếc công, tiếc của bao năm gây dựng trong phút chốc lũ giặc đi qua đã trở thành tro bụi.

Các cụ già nhìn nhau không khóc thành tiếng nhưng đều rưng rưng nước mắt vì những thứ thiêng liêng nhất đối với các cụ như là bàn thờ gia tiên, những căn nhà thờ họ cũng đã bị lũ giặc kia đốt hết. Mọi người chỉ còn biết an ủi nhau là may mà đã cất giấu trước được toàn bộ lương thực và một số vật dụng cần thiết để có thể sống được qua ngày đoạn tháng chờ cho hết nạn can qua.

*

*        *

Chiều muộn, từ phía hạ lưu có một chiếc thuyền nhỏ tiến vào neo đậu dưới bến thuyền, bốn người lính nhà Trần bước lên bờ rồi thủng thẳng tìm lối vào làng. Dân làng thoạt đầu thấy có bốn người từ xa đi đến thì lại định rủ nhau chạy trốn, song một số người tinh mắt đã kịp nhận ra đó là những người lính của quan quân triều đình thì bảo nhau không phải chạy nữa.

Bốn người lính đi thẳng đến chỗ dân làng đang đứng để chào hỏi trước:

-        Chúng tôi là quan quân nhà Trần tìm đến xin có lời chào các cụ và toàn thể dân làng!

-        Vâng chào các chú!

Một người lính trỏ vào những đám tro còn đang bốc khói nghi ngút hỏi:

-        Thưa các cụ! Chẳng hay cớ làm sao mà cả làng lại bị cháy rụi hết như vậy?

Một cụ già thay mặt mọi người nói:

-        Các chú biết không… Sáng nay lũ giặc Hồ đã đi qua đây… - Cụ già nói đến đây lại khóc - Chúng… chúng đốt hết nhà của chúng tôi rồi…!

Một người lính tỏ vẻ tức giận giậm chân xuống đất nói:

-        Quân chó má…!

Người khác cũng tỏ ra giận dữ không kém:

-        Bọn giặc này thật là quá đáng…!

Một người lính hỏi vẻ quan trọng:

-        Thưa các cụ…! Thế bọn giặc kia đã đi được lâu chưa?

-        Chúng đi từ lúc trưa rồi!

Người lính lại hỏi:

-        Vậy chúng đi về phía nào ạ?

-        Chúng đi về phía thượng lưu rồi.

Người lính ban đầu có vẻ là người chỉ huy lại hỏi:

-        Thế bọn chúng có bắt giết được người nào trong làng không?

-        Cũng may là dân làng tôi trốn kịp nên chúng không bắt được ai cả!

Người lính tỏ vẻ vui mừng:

-        Thế thì cũng còn may mắn lắm!

-        Vâng, quả là như vậy… - Một cụ đồng tình rồi hỏi - Vậy các chú lính đây là lính của ai vậy?

-        À… chúng tôi là lính của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư… Vừa rồi Nhân Huệ vương cũng bị bọn giặc kia đánh chiếm mất ải Vân Đồn…

Một cụ tỏ vẻ quan tâm:

-        Vậy nay Nhân Huệ vương đang ở đâu?

-        Nhân Huệ vương cùng quân sĩ thua chạy phải trốn trên một hoang đảo ở ngoài biển… - Người lính dừng lại một lúc nhìn chăm chăm vào mấy cụ già nói - Ở ngoài đảo có hơn một vạn người mà đã hơn mười ngày nay không có lương thực để ăn nên quân sĩ cũng đã có nhiều người chết đói… Nhân Huệ vương lo buồn lắm nên phải cho chúng tôi đây đi tìm người của quan quân để mà xin chu cấp cho một chút lương thực cứu đói, không ngờ Quốc công Tiết chế lại mới rút quân đi đâu mất nên không lấy được lương thực… Chúng tôi đây cũng đã mấy ngày nay không có gì để ăn nên phải lên đây tìm vào làng xin ăn… không ngờ lại phải chứng kiến cảnh đau xót này…

Mấy cụ già nghe vậy thì thương tình nói:

-        Ấy chết…! Sao các chú không nói ngay từ đầu…? Để chúng tôi cho người nấu cơm mời các chú xơi!

-        Vâng, chúng tôi thực làm phiền các cụ và dân làng quá!

-        Không có gì… nhưng giờ ở đây cũng chẳng có nồi niêu xoong chảo gì cả… Để mời các chú vào rừng với chúng tôi vậy!

-        Vào rừng? - Người lính tỏ vẻ ngạc nhiên - Cụ nói vào rừng là sao?

-        Thì… rừng là nơi chúng tôi ẩn náu để tránh quân giặc kia mà!

-        À… ra vậy!

Một người lính khác tỏ vẻ phân vân:

-        Nếu mà chỗ các cụ đây ở xa quá thì không được vì chúng tôi ăn xong còn phải đi tìm người của quan quân luôn… Nếu chậm quá thì Nhân Huệ vương và anh em ngoài đảo phải chờ đợi lâu quá…!

Cụ già vội xua tay nói:

-        Cũng không xa lắm đâu… mời các chú cứ đi theo chúng tôi.

Vậy là cả bốn người lính đi theo dân làng vào trong khu rừng phía đông, sau một hồi quanh co thì tới được chỗ dân làng ẩn náu. Trong lúc dân làng nấu cơm thì các cụ ngồi nói chuyện với bốn người lính. Khi cơm nước đã chín, đám đàn bà dọn cơm mời các cụ và bốn người lính cùng ăn. Những người lính có vẻ đói thực, họ ăn ngấu nghiến một lèo mỗi người tới năm sáu bát cơm. Mấy cụ già nhìn cảnh đó có vẻ thương lắm, cứ gắp thức ăn đầy bát cho các chú lính ăn.

-        Ăn đi để còn có sức đánh giặc… - Một cụ vừa tiếp thêm thức ăn cho mấy người lính vừa nói - rồi còn trả thù cho cả dân làng chúng tôi nữa nhé!

Mấy người lính mải ăn không trả lời chỉ gật đầu lia lịa… Cơm nước xong xuôi người chỉ huy nói:

-        Cảm ơn các cụ và dân làng đã cho chúng tôi ăn uống… Giờ chúng tôi phải xin phép đi ngay để tìm người của quan quân…

-        Sao các chú vội đi thế…? - Một cụ đứng lên giữ lại hỏi - Để sáng mai đi sớm không được sao?

Một người lính khác thấy cụ già nói như vậy thì cũng nói:

-        Đô trưởng…! Vừa nãy các cụ đây có nói là bọn giặc kia đã đi lên thượng lưu, chúng ta thì đi từ biển vào đây… nếu giờ đi tiếp thì chỉ có đụng thuyền giặc… có lẽ chúng ta phải trở về đảo thôi!

-        Không được! - Viên đô trưởng gắt lên - Ngươi không nghĩ là Nhân Huệ vương và anh em đang sắp chết đói hết cả hay sao?

-        Vâng, tôi cũng biết là như vậy, nhưng… đô trưởng thử xem nếu ta đi tiếp thì chỉ có nước đi vào chỗ chết thôi!

-        Chết cũng vẫn phải đi…! - Đô trưởng tỏ vẻ cương quyết - Ta không nỡ để Nhân Huệ vương và anh em phải chết đói như vậy!

Người lính kia nghĩ ngợi một lát, quay qua nhìn đô trưởng rồi lại nhìn các cụ già nói:

-        Hay là đô trưởng… hỏi xin các cụ đây một ít gạo để ta tạm mang về đảo cứu đói trước đã rồi lại tính sau…?

-        Không được! - Đô trưởng lại gạt đi - Ngươi không nghe lời căn dặn của Quốc công Tiết chế à…? Chúng ta không được động chạm đến tài sản, lương thực của nhân dân… thà chết đói chứ không được làm bừa như vậy!

Mấy cụ già nghe hai người tranh luận như vậy thì cùng nhìn nhau một lượt rồi gật gật đầu. Một cụ thay mặt mọi người đứng lên xua tay gàn hai người lính nói:

-        Chú lính đây nói phải đấy! Xin đô trưởng cứ lấy tạm một ít lương thực của dân làng chúng tôi mà dùng để cứu đói trước đã!

-        Xin lỗi các cụ… quân của tôi vô phép mà nói như vậy thôi… xin các cụ đừng để tâm.

-        Đô trưởng nói vậy không đúng rồi! - Một cụ khác lại đứng lên nói - Dẫu Quốc công Tiết chế đã có lệnh như vậy nhưng phải tùy lúc mà thực hiện… Nay Nhân Huệ vương và quân sĩ đã đói như vậy thì nếu có thể đến được chúng tôi còn cho người mang đến tận nơi để dâng lên quan quân. Song vì đường sá cách trở, chúng tôi không thể đến được nên coi như chúng tôi nhờ các chú mang giúp về cũng được chứ sao?

Các cụ khác gật đầu đồng tình:

-        Phải đấy…!

-        Xin đô trưởng cứ nhận ngay cho!

Viên đô trưởng nghe nói vậy thì có vẻ cũng xuôi xuôi song còn ngập ngừng:

-        Các cụ nói vậy thì tôi cũng chịu rồi… Song lương thực dân làng có được bao nhiêu mà lại dâng cho chúng tôi như vậy… Nếu chúng tôi cứ nhận thì dân làng lấy cái gì mà ăn? Rồi lại chết đói cả… Vậy nên chúng tôi không nỡ lòng mà lấy đi như vậy…

Cụ vừa nãy lại đứng lên đối đáp:

-        Năm vừa rồi nhờ mưa thuận gió hòa, cả hai vụ chiêm, vụ mùa đều được mùa cả nên thóc gạo dân làng chúng tôi cũng còn khá nhiều, nếu chia bớt cho quan quân thì cũng vẫn đủ dùng… Vả lại nếu có thiếu thốn một chút thì chúng tôi ở đây còn có thể vào rừng đào củ mài mà ăn thay cơm… chứ ở ngoài đảo thì biết kiếm cái gì ra để mà ăn?

Đô trưởng tỏ vẻ áy náy:

-        Cụ nói vậy thì tôi cũng thấy khó nghĩ quá!

-        Có gì đâu mà đô trưởng khó nghĩ…?

Người lính ban nãy lại ngập ngừng nói:

-        Hay là… đô trưởng bảo các cụ đây dẫn cho đi xem có bao nhiêu lương thực… nếu nhiều thì ta xin lấy một chút ít… còn nếu thấy ít quá thì thôi… chúng ta lại đi tìm quan quân vậy..!

Các cụ già đồng tình:

-        Phải đấy!

-        Cứ làm như vậy đi!

Viên đô trưởng gãi đầu gãi tai một lúc rồi nói:

-        Thôi thế cũng được…! Vậy phiền các cụ cho người dẫn chú lính đây đến kho kiểm tra xem sao, nếu nhiều thì chúng tôi mới dám xin! - Quay qua tên lính, viên đô trưởng lại dặn - Ngươi xem xét cho thật cẩn thận, nếu ít quá thì đừng có cố để mà lấy đấy!

-        Vâng, tôi biết rồi! - Tên lính lễ phép đáp.

Người lính được một cụ già trạc tuổi trung niên cầm đuốc dẫn đi vòng vèo quanh co một hồi nữa thì đến kho thứ nhất. Cụ già mở cửa ra cho người lính nhìn kỹ những bao gạo chất đống trong kho. Người lính tỏ vẻ không tin lắm còn đưa tay nắn sờ từng bao rồi mở cả mấy bao ra kiểm tra kỹ xong mới nói:

-        Ngần này lương thực cho cả làng dùng thì ít quá…! Chúng tôi không dám xin đâu!

-        Xin mời chú đi theo tôi - Ông già vừa khóa cửa kho vừa nói - Chúng tôi còn một kho nữa cơ.

Hai người lại đi vòng vèo thêm một quãng nữa thì đến một cái kho to tương tự cái ban nãy. Người lính cũng kiểm tra kỹ như ở kho trước rồi nói:

-        Cả hai kho này cũng chỉ đủ dân làng dùng thôi! Chúng tôi sao dám xin?

Ông già nói:

-        Quả thực chúng tôi chỉ có được như vậy…! Xin các chú cứ nhận cho!

-        Nhưng quả thực là các cụ có ít quá!

-        Thôi thì có ít thì cũng xin dâng cho quan quân một kho đây… cả làng tôi dùng chung một kho còn lại cũng đủ!

-        Tôi không dám quyết cứ về bẩm báo với đô tướng của tôi đã!

-        Vâng, có gì chú cứ nói giúp thêm cho!

Ông già lại khóa cửa kho, hai người quay về chỗ cũ. Khi về đến nơi người lính đi kiểm tra về báo cáo:

-        Thưa đô tướng! Lương thực cũng không có nhiều lắm, chỉ có hai kho chừng ba trăm thạch cả thảy… xin đô tướng quyết định?

-        Ba trăm thạch thì cũng không phải là nhiều lắm…! Đô trưởng tỏ vẻ phân vân một lúc rồi mới quyết định - Nhưng thôi các cụ đây đã có lòng thì chúng tôi cũng xin lấy một trăm thạch… còn thì để cả lại cho dân làng dùng.

Nghe viên đô tướng nói vậy, mấy cụ già vui lắm, một cụ còn cố nài:

-        Xin đô tướng cứ lấy thêm chút nữa đi…! Ngoài đó có hơn một vạn người cơ mà!

-        Thôi! Chúng tôi lấy thế cũng là nhiều rồi… chỉ xin chút cứu đói rồi thì vẫn phải đi tìm quan quân thôi.

Thấy viên đô tướng đã quyết như vậy thì các cụ già cũng thôi không cố ép thêm nữa, họ thầm cảm phục sự nghiêm khắc của quân pháp và tính kỷ luật của quân sĩ nhà Trần. Đêm cũng đã khuya, các cụ già thu xếp chỗ nghỉ tạm rồi mời mấy người lính đi nghỉ.

*

*        *

Sáng hôm sau, cả làng lại một phen giật mình sợ hãi bởi những tiếng la hét từ phía cửa rừng vọng tới. Mọi người còn đang ngỡ ngàng chưa kịp hiểu có chuyện gì đang xảy ra thì những tên giặc Hồ tay lăm lăm gương giáo đã xông tới bao vây khắp xung quanh không cho một ai kịp chạy thoát. Chúng dồn dân làng ra một khu đất trống rồi cho mời chủ tướng của chúng tới.

Tên tướng giặc Phàn Tiếp bước đến chỗ đám đông, hắn đưa mắt hằm hằm nhìn mọi người một lượt rồi cho lính lôi một ông già cao tuổi nhất ra ngoài rồi cất giọng lơ lớ quát hỏi:

-        Chúng mày cất giấu lương thực ở đâu?

Ông già lắc đầu:

-        Chúng tôi không có!

-        Không có hả - Phàn Tiếp thét lên - Chúng mày muốn giấu để nuôi quân Trần hay sao?

Ông già vẫn lắc đầu:

-        Quả thực là chúng tôi không có!

-        Ha… ha… ha - Phàn Tiếp cất giọng cười cao ngạo - Chúng bay không nói thì ta cũng biết rõ cả rồi - Y cất tiếng gọi:

-        Trần Xuân đâu?

Một tên tiểu tướng nhỏ con, da trắng, mắt ti hí bước đến cạnh Phàn Tiếp:

-        Tướng quân cho gọi tôi ạ!

Cả đám dân làng giật mình vì nghe tên tiểu tướng giặc cất giọng nói quen quen đúng chất giọng của một người Đại Việt chính cống. Mọi người nhìn kỹ thì giật thót mình bởi tên tiểu tướng của Phàn Tiếp kia chính là viên đô tướng quân Trần mà cả làng đã hết lòng đón tiếp cả chiều lẫn đêm hôm qua. Phàn Tiếp thấy Trần Xuân đến cạnh thì hỏi:

-        Trần Xuân! Ngươi hãy nói cho ta biết… bọn chúng có lương thực cất giấu ở đâu không?

-        Dạ, chúng có khoảng ba trăm thạch lương thực cất giấu ở hai kho trong rừng ạ!

Phàn Tiếp lại cất giọng cười đểu giả:

-        Ha… ha… ha… ngươi mau dẫn quân đến lấy hết chỗ lương thực đó mang xuống thuyền đi!

-        Dạ!

Trần Xuân quay ra vẫy cả mấy tên lính hôm qua cùng đi, bọn chúng lúc này đã hiện nguyên hình là đồng bọn của lũ giặc. Mấy cụ già gần như bị sốc nặng khi thấy mình già như vậy mà lại bị chúng lừa cho như thế. Phàn Tiếp không để cho các ông già phải nghĩ ngợi nhiều, y lệnh cho quân lính của mình chia đám dân làng ra làm hai, một bên toàn là lũ đàn bà con gái còn bên kia là các ông già, đàn ông và con trai.

Một cảnh tượng hết sức dã man diễn ra dưới tán lá rừng, đám lính của Phàn Tiếp được lệnh của chủ tướng cứ dùng giáo, dùng gươm ra sức đâm chém để giết sạch tất cả đám ông già, đàn ông và con trai. Tiếng người kêu la, xác người đổ xuống, máu bắn phọt lên mặt khiến cho lũ giặc như càng say thêm trong biển máu. Thương thay cho những chú bé loắt choắt kia… chỉ mới mấy hôm trước đây, các chú bé này còn cảm thấy thích thú khi cả làng mải mê chạy giặc, nay mới lơ mơ hiểu ra sự man rợ của lũ giặc kia thì hồn đã bị lìa khỏi xác. Đám đàn bà con gái nhìn thấy cảnh đó phần vừa sợ hãi, phần thì lo cho chồng, con và người thân nên khóc lóc và hét toáng cả lên…

Khi đám đàn ông gục xuống hết không còn một người nào nữa thì Phàn Tiếp lại lệnh cho quân lính của mình chia đám người còn lại ra làm hai, một bên là đàn bà và một bên là lũ con gái. Phàn Tiếp bước tới lũ con gái nhìn qua khắp lượt, y tự chọn ra ba người xinh và trẻ nhất để riêng ra cho mình, sau đó y cho các tướng dưới trướng ra chọn lựa tiếp… Sau khi đám tướng đã chọn xong, Phàn Tiếp đưa mắt nhìn đám lính còn đang say máu của mình, y khẽ vẫy tay một cái, đám lính đang đứng trực chờ sẵn vội lao vào đám đàn bà để mà tranh cướp. Chúng tranh giành và cãi chửi nhau như một bầy chó đói tranh nhau ăn vậy… Tiếng la hét, tiếng khóc lóc vang lên khắp cả khu rừng.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro