Chương 4: Một cuộc thi kỳ lạ
Việc quan trọng và cấp thiết của Quốc Tuấn sau khi được tận mắt nhìn thấy bãi cọc của Ngô vương là phải tìm cho ra cách thức để hạ được cọc gỗ xuống lòng sông. Ông đã suy nghĩ nhiều mà chưa biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng ông quyết định phải cho làm thử thực tế xem sao rồi mới tính tiếp. Nghĩ vậy ông bảo Yết Kiêu cho lính đi vào rừng tìm đốn một cây gỗ to chừng một người ôm, dài chừng hai trượng mang về để tìm cách đóng thử xuống đáy sông. Ông còn dặn khi nào làm thử nhớ phải báo cho ông biết để ông còn xuống mục sở thị.
Mấy tên lính được sai vào rừng tìm được ngay một cây gỗ thẳng tắp, chúng đo thấy vừa yêu cầu của chủ tướng bèn hò nhau đốn hạ rồi cho ngựa kéo về trại. Yết Kiêu cũng chạy ra kiểm tra thấy đủ kích cỡ như yêu cầu bèn sai lính đẽo vát nhọn một đầu rồi cho kéo ra mép sông chờ Tiết chế tới rồi mới hạ cọc.
Quốc Tuấn được Yết Kiêu báo mọi công tác chuẩn bị đã xong và mời ông xuống xem hạ cọc thì vội vàng thay quần áo rồi đi ngay. Khi đến bờ sông vừa đúng lúc thủy triều đang lên, dòng nước trong sông chảy ngược dòng một cách từ từ. Tốp lính được lệnh hạ cọc thì xúm nhau vào một chỗ, người đứng trên thuyền, kẻ bơi dưới nước, tất cả đang ra sức đánh vật với cây gỗ. Ai cũng ra sức cố để dìm đầu cọc vát nhọn xuống nhưng không cách nào dìm được. Quốc Tuấn thấy vậy quay sang hỏi Yết Kiêu:
- Gỗ cây cọc đó là gì vậy?
Yết Kiêu ấp úng mãi mà không trả lời được:
- Cái này… con… con…
Quốc Tuấn bực quá quát lên:
- Không biết chứ gì…?
- Dạ!
- Nhìn vỏ cây kia thì biết ngay đó là cây gỗ thông chứ còn gì nữa!
- Dạ… - Yết Kiêu nhìn ra sông thấy đúng là cây thông - vâng…. gỗ thông ạ!
Hóa ra mấy tên lính khi nghe thấy chủ tướng bảo đi đốn cho một cây gỗ thì ra ngay ven rừng gần thủy trại chặt ngay một cây thông mang về. Thông vốn nhẹ, thân lại chứa nhiều dầu nên nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Đã thế khi bảo đẽo vát nhọn một đầu thì chúng cũng lại nhanh tay chọn ngay phía đầu ngọn vì vừa nhỏ, vừa mềm để mà đẽo cho dễ. Bây giờ mang xuống nước thì phần gốc cây nặng hơn nên cứ chúi xuống còn phần mũi cọc là phần ngọn cây thì cứ nổi lên trên. Cả bọn ra sức mãi cũng không thể dìm cho mũi cọc chúi xuống được. Gốc cây thì cứ chổng ngược lên được một lúc như cái phao câu vịt rồi lại đổ ùm xuống. Chúng làu bàu cãi chửi nhau một hồi rồi quyết định kéo vào trong bờ.
Quốc Tuấn tỏ vẻ rất bực bội vì bị mất thời gian vô ích bởi một việc không đáng có. Ông hằm hằm nhìn Yết Kiêu nói:
- Bảo chúng nó vất ngay đi chứ kéo vào đây làm gì nữa?
- Dạ…! - Yết Kiêu cúi đầu nói lí nhí - Con xin lỗi vì đã không…
- Đúng ra ta phải giao việc này cho Dã Tượng làm mới phải! Nhà ngươi thì…! - Ông bỏ dở câu nói khi thấy Yết Kiêu đang cúi đầu vẻ hối lỗi. - Thôi! Ngươi mau bảo bọn chúng đi kiếm một cây cọc khác đi! Nhớ là phải chọn cây lim, cây táu gì đấy chứ đừng tha cái của nợ kia về nữa nhé!
- Vâng! Con sẽ cho chúng đi làm ngay.
- Việc quân rất gấp… giữa giờ Thân ta sẽ quay lại đấy!
- Vâng!
Quốc Tuấn lắc đầu rồi vẫy tay ra hiệu cho mấy người lính hộ vệ quay trở về đại trại. Trong khi đó Yết Kiêu gọi bọn lính lại bảo:
- Các người đã thấy Tiết chế giận như thế nào chưa?
Đám lính cũng tỏ vẻ lo sợ:
- Chúng tôi biết lỗi rồi!
- Đây cũng là lỗi của ta không dặn và kiểm tra kỹ… nên thôi không trách các người nữa. Bây giờ tất cả cùng theo ta vào rừng đốn cây, quyết không xong việc thì không ăn trưa nữa các người nghĩ sao?
- Vâng!
- Có thế may ra mới kịp!
- Vậy thì chúng ta đi thôi!
Cả bọn bàn bạc rồi lại hùng hổ kéo nhau vào rừng.
*
* *
Buổi chiều hôm đó, tuy đã được chuẩn bị kỹ càng hơn, nhưng cũng không đơn giản hơn buổi sáng là mấy! Cây gỗ lim khi được đám lính xúm vào giữ thì đứng thẳng được, nhưng cứ hễ vài người buông tay ra là lại đổ ùm xuống nước. Mấy tên lính tỏ vẻ nhanh trí cho ngay hai chiếc thuyền vào kẹp chặt hai mạn vào hai bên thân cây gỗ, sau đó chúng dùng dây thừng buộc chặt cây lim vào hai mạn thuyền để giữ cho cây gỗ đứng được thẳng. Các loại búa gỗ, búa sắt to nhỏ được mang tới, quân sĩ trên thuyền cởi trần trùng trục, họ thay nhau quai búa chan chát từng hồi vào đầu cọc. Nhưng than ôi! Quân sĩ thì cố hết sức, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà cọc thì cứ đứng ỳ ra không hề nhúc nhích một tẹo nào. Nhìn cảnh quân sĩ đóng cọc nhiều người liên tưởng đến câu “châu chấu đá voi”.
Quốc Tuấn để ý thấy mặt ngoài cây cọc gỗ trơn nhẵn lại có màu như màu gỗ cũ bèn quay sang hỏi Yết Kiêu:
- Kia có phải là gỗ lim không đấy?
- Dạ vâng, đúng là gỗ lim đấy ạ.
- Sao trông như gỗ cũ vậy?
- Vâng, vì gỗ lim mới chặt còn tươi nên nặng quá không nổi được dưới nước nên con phải lấy cây cột buồm cái của chiếc thuyền lớn đằng kia ra để dùng tạm rồi sẽ cho thay sau.
- Vậy à…! thế sao vẫn khó khăn thế nhỉ?
Yết Kiêu thấy khó khăn như vậy bèn cởi áo ra rồi nhảy xuống thuyền giằng lấy một chiếc búa to trong tay một tên lính để đóng thử. Viên gia tướng dùng hết sức mình để dồn xuống từng nhát búa nhưng quai được một lát cũng phải dừng tay lắc đầu:
- Ái chà chà…! Sao mà khó xuống thế chứ!
Nước triều bắt đầu rút dần, tốc độ nước chảy mỗi lúc một nhanh hơn. Trong lúc quân sĩ còn đang ngao ngán vì bất lực thì đột nhiên chiếc cọc đổ ùm xuống sông kéo vỡ tung cả hai chiếc thuyền. Quân sĩ trên thuyền cũng bị hất văng hết xuống nước.
- Lấy lại cây gỗ… mau lấy lại cây gỗ đi…!
Mấy tên lính trên các thuyền khác còn đang kéo mấy tên bị ngã lên thuyền thì nghe tiếng kêu ở trên bờ. Sau khi nhận ra người vừa kêu chính là Tiết chế thì không ai nói với ai một lời, tất cả cùng lao theo để lôi khúc gỗ lại.
Quốc Tuấn đứng trên bờ quan sát không bỏ qua một chi tiết nào! Ông hiểu rằng khi triều xuống, dòng nước chảy xiết sẽ cuốn trôi cây cọc đi. Như vậy việc đóng cọc khi triều đang rút là không thể được. Phải chuyển sang làm thử khi thủy triều xuống thấp xem sao! Nghĩ vậy ông gọi Yết Kiêu lại nói nhỏ vào tai mấy câu rồi lại quay bước trở về đại trại.
Yết Kiêu cúi chào rồi đợi cho Quốc Tuấn đi khuất hẳn rồi mới chạy ra chỗ mấy tên lính đang chằng buộc cây gỗ vào sát mép nước bảo:
- Cho các ngươi về nghỉ ngơi đi! Đợi sáng mai khi triều xuống thấp ta sẽ làm thử lại xem sao!
Đám lính vâng dạ xong bảo nhau thu cất đồ nghề rồi kéo về thủy trại. Quốc Tuấn vẻ mặt rất buồn, trong suốt quãng đường về đại trại ông không nói năng gì cả. Mấy người lính biết chủ tướng đang không vui cũng không dám tếu táo như mọi khi.
*
* *
Sáng hôm sau, khi Quốc Tuấn quay lại, con nước đang có vẻ ở mức gần như thấp nhất. Quân lính của Yết Kiêu cũng đã bắt đầu vật lộn ở dưới sông. Họ đã cho cắm chặt mấy cây cọc nhỏ xuống sông và neo chắc các thuyền vào đó. Mọi người chạy đi chạy lại trên thuyền để dựng cọc. Tuy nhiên công việc lúc này lại nảy sinh ra một khó khăn khác. Đó là khi thủy triều xuống thấp thì phần đầu cọc hở lên trên mặt nước sẽ lại càng nhiều nên càng chông chênh rất khó giữ cho cọc đứng thẳng được.
Mấy tên lính đã phải vất vả trèo lên thân cột buồm để giữ cho đầu cọc khỏi bị đổ xuống. Nhưng khó khăn không chỉ có như vậy! Đầu cọc quá cao tới mức không thể đứng vào đâu để mà quai búa. Mọi người phải dừng lại để làm một cái giá gỗ lấy chỗ đứng để đóng cọc. Một lúc sau thì chiếc tháp gỗ được hình thành, vài người thay nhau nhảy lên tháp đứng quai búa. Nhưng cũng như hôm qua mọi cố gắng cũng không làm cho cây cọc nhúc nhích thêm được một tí nào.
Yết Kiêu thấy vậy bảo thôi không dùng búa nữa mà sai lấy mấy thanh gỗ buộc ngang thân cây cọc dạng như hình chữ thập rồi hò nhau bám vào các thanh ngang vừa nhấn xuống vừa quay ngược rồi lại quay xuôi. Dưới sức nặng của thân cọc cộng với bị xoay đi xoay lại, cuối cùng cây gỗ cũng cắm được một đoạn xuống dưới lớp bùn đáy sông.
Mọi người trên bờ cùng vỗ tay reo hò khích lệ kết quả ban đầu của đám lính. Quốc Tuấn gọi Yết Kiêu lên khen:
- Ngươi cũng thông minh đấy!
- Dạ không phải đâu! - Viên gia tướng đưa tay lên gãi đầu - Cái này là con thấy ở quê con hay dùng để đóng cọc tre xuống sông làm đãy bắt cá nên đem ra dùng thử thôi.
- Vậy mà lại được…! - Quốc Tuấn quay ra sông nhìn chiếc cọc thấy đầu cọc hở ra trên mặt nước cứ rung lên trước dòng nước chảy, ông cảm thấy có gì đó chưa ổn - Cứ để cọc ở đó xem ngày mai nó có trụ nổi sức của thủy triều không đã. Bây giờ ngươi cứ cho quân sĩ đi nghỉ đi rồi đến gặp ta ngay nhé!
- Vâng!
Mất bao công sức mới có được thành công bước đầu nên Quốc Tuấn cảm thấy vui lắm. Ông nói chuyện cười đùa với mấy người lính hộ vệ của mình trên suốt quãng đường về trại. Về đến nơi, Quốc Tuấn sai lính pha trà rồi đợi Yết Kiêu đến. Một lát sau, khi vừa thấy viên gia tướng của mình xuất hiện trước cửa ông hỏi luôn:
- Ngươi thấy cách hạ cọc như vậy liệu có được không?
- Dạ! Đến giờ thì vẫn chỉ có cách đấy là khả dĩ hơn cả… nhưng con e là không thể áp dụng được.
- Đúng vậy…! Làm như thế thì mất quá nhiều sức lực và cả thời gian nữa.
- Vả lại cách này mới chỉ làm được mỗi khi con nước xuống thấp thôi.
- Mà vấn đề cốt yếu là nếu ta muốn hạ cọc nghiêng đi một chút thì làm thế nào được nhỉ? Đúng là cách này chưa thể gọi là ổn thỏa được... Nhưng bước đầu thu được kết quả như vậy cũng là tốt rồi. Chúng ta sẽ cùng suy nghĩ tiếp để tìm ra một cách thức hợp lý hơn.
- Con có một điều phân vân muốn hỏi?
- Ngươi cứ hỏi đi!
- Tiết chế đã tìm thử trong cổ sử xem có tài liệu thư tịch cổ nào nói về cách thức hạ cọc của người xưa hay chưa ạ?
- Ta cũng đã từng mất bao công sức để cố tìm tòi mà không tìm thấy tài liệu nào chép lại - Quốc Tuấn vừa trả lời vừa lắc đầu buồn bã - Chắc đó là bí mật mà chỉ vài người được biết nên không được cổ sử chép ra… Hoặc cũng có thể cũng có sách chép tới nhưng đã bị thiên tai, địch họa làm thất truyền đi rồi!
- Thật là đáng tiếc!
- Chúng ta phải tự nghĩ ra vậy.
…
*
* *
Chuyện trò thêm một lát, Yết Kiêu xin phép trở về thủy trại. Còn lại một mình, Quốc Tuấn hết đứng lại ngồi, ông cứ đi đi lại lại suy nghĩ miên man. Ngay khi hay tin Hốt Tất Liệt cho đóng nhiều chiến thuyền lớn để đánh phục thù Đại Việt, ông đã sớm nghĩ ngay đến một trận huyết chiến trên sông nước Bạch Đằng. Những hình ảnh về một trận chiến giả định với những con thuyền chiến xông xáo giữa những bãi cọc nhấp nhô trên đầu sóng luôn luôn ám ảnh trong tâm trí của ông. Chính vì vậy nên mỗi lần có dịp về kinh thành Thăng Long, ông thường dành thời gian lui tới Quốc sử viện vừa là để đàm đạo với Hàn lâm viện học sĩ Lê Văn Hưu vừa có mục đích chủ định là tìm tòi trong đống tàng thư của Quốc sử viện xem có tài liệu thư tịch cổ nào nói về những trận đánh trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất của Ngô vương hay trận đánh cũng trên khúc sông này năm Tân Tỵ của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn hay không.
Nhưng mọi tìm kiếm của ông đều trở nên vô vọng, cả hai trận đánh trên sông Bạch Đằng năm xưa đều chỉ được cổ sử ghi chép lại một cách sơ sài, đại khái. Những tin tức chung chung và ít ỏi đó không thể giúp được gì nhiều cho ông trong thực tế hiện tại. Ví dụ như vị trí bãi cọc nằm ở đâu, chiều dài cọc ra sao, mật độ cọc đóng như thế nào và đặc biệt là hạ cọc bằng cách nào mà lại còn đóng được cả theo phương xiên nghiêng nữa. Tất cả những tin tức cần thiết nhất thì tuyệt nhiên không thấy nói đến.
Ông đã đem sự thất vọng của mình tâm sự với Lê Văn Hưu và nhờ ông quan viết sử để ý trong quá trình sưu tập, nghiên cứu cổ sử hễ có bắt gặp tài liệu nào ghi chép chi tiết hơn về thế trận Bạch Đằng năm xưa thì tin tức cho ông biết. Nhưng lần nào gặp lại cũng vậy, ông chỉ nhận được cái lắc đầu của quan Hàn lâm học viện.
Khi biết hoàng tử nhà Tống là Triệu Trung sang hàng Đại Việt và đang được lưu trong phủ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, ông cũng đã tức tốc tìm đến để hỏi hắn xem cổ sử Trung Hoa có ghi chép gì về trận Bạch Đằng trên đất Đại Việt cách nay ba trăm năm về trước không, nhưng Triệu Trung cũng chỉ lắc đầu và bảo với ông là chưa từng nghe nói về một trận Bạch Đằng giang nào cả.
Thất vọng! Việc không tìm được gì khiến ông đã có lúc nghĩ rằng thế trận Bạch Đằng năm xưa không có thực mà đó chỉ là câu chuyện thêu dệt từ trí tưởng tượng phong phú của con người. Nhưng khi đến đây, được tận mắt nhìn thấy những dấu tích còn lưu sót lại thì chúng bắt ông phải tin rằng những trận đánh oai hùng kia của các bậc tiền nhân là hoàn toàn có thật.
Những câu hỏi ở trên lại hiện về bắt ông phải tìm ra câu trả lời chính xác. Trong số các câu hỏi trên thì cách thức hạ cọc như thế nào là điều quan trọng nhất. Đây chính là vấn đề chính yếu vì có chọn được vị trí, có biết chiều dài cũng như mật độ cọc mà không đóng được xuống sông thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa. Ta phải làm cách nào đây? Sao tiền nhân làm được mà ta lại không làm được? Quốc Tuấn đang miên man nghĩ ngợi thì người lính hộ vệ bước vào:
- Thưa Đức ông!
- Có việc gì đấy!
- Yết Kiêu xin vào gặp Đức ông ạ!
- Yết Kiêu à! - Quốc Tuấn ngạc nhiên - Hắn vừa ở đây lúc chiều mà? Mau cho hắn vào đây!
Khi Yết Kiêu bước vào Quốc Tuấn hỏi luôn:
- Ngươi có gì cấp báo à?
- Thưa Tiết chế! Chúng con vừa nghĩ ra một ý không biết có hợp với ý Tiết chế không nên muốn được xin vào bẩm báo!
- Ngươi ngồi xuống đi đã…! Thế ra ngươi cũng vẫn đang suy nghĩ về cách thức để hạ được cọc đấy à?
- Dạ…!
- Vậy… ngươi đã có cách?
- Dạ… không ạ! Nhưng chúng con có một ý tưởng…
- À…! Ờ…! Ý tưởng… ý tưởng cũng hay đấy chứ…! Ngươi mau nói ra ý tưởng của ngươi cho ta nghe đi!
- Dạ! Lúc chiều khi đóng cọc không xuống được nên con thử áp dụng theo cách ở quê con người ta vẫn hay dùng để làm đãy bắt cá không ngờ lại hạ cọc xuống được.
- Ờ! Cái đó ngươi cũng đã nói rồi.
- Vậy trong đất nước Đại Việt ta có hàng ngàn ngôi làng, biết đâu mỗi nơi có một cách làm hay hơn nào đó. Vậy sao Tiết chế không cho hỏi trong toàn bộ tướng sĩ xem ai có cách gì thì trình lên để mà theo đó ta cho làm thử rồi từ đó lựa chọn ra một cách hoàn hảo nhất.
Quốc Tuấn cười lớn, vẻ mặt vị tướng già dãn dần ra:
- Hay…! Một ý tưởng rất hay! Yết Kiêu ơi ngươi hay có những ý tưởng tuyệt vời như thế này không vậy?
- Dạ… con không dám giấu Tiết chế, đây chính là ý tưởng của một tên trong đám lính thủy của con đấy ạ.
- Một tên lính à?
- Vâng hắn là một tên lính thủy trong quân của con.
- Hắn là người có đầu óc đấy! Ngươi phải để ý nâng đỡ cho hắn mới được.
- Vâng con sẽ để tâm đến hắn ạ.
- Hay…! Ông cha ta phải nói là rất sáng tạo. Trong dân gian chắc sẽ có nhiều cách làm hay. Có khi ngày xưa Ngô vương với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cũng phải dùng tới cách này mới có được phương cách hạ cọc cũng nên… Này Yết Kiêu!
- Dạ!
- Sáng mai ta sẽ cho người thông báo cho toàn thể binh sĩ… mà không, ta cũng vừa nảy ra một ý tưởng.
Yết Kiêu tò mò hỏi:
- Tiết chế có ý tưởng gì vậy?
- Một cuộc thi…!
*
* *
Mấy hôm nay trong toàn thể quân sĩ ở trại Quảng Yên đâu đâu cũng thấy xôn xao bàn tán về một cuộc thi kỳ lạ mà chủ khảo là đích thân Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Nội dung cuộc thi thì nghe qua có vẻ rất đơn giản nhưng để đoạt giải quán quân lại vô cùng khó khăn. Đó là cho tất cả các quân sĩ trong trại Quảng Yên tự chọn và chia nhau ra thành từng nhóm, mỗi nhóm có mười người do một người đứng đầu làm tổ trưởng.
Nhiệm vụ của mỗi nhóm là bằng tất cả những phương tiện, vật lực và các chiến cụ hiện có phải làm sao đưa được một chiếc cọc gỗ lim to chừng một người ôm dài độ hai trượng từ trên bờ xuống cắm sâu ít nhất hai thước(1) xuống dưới lớp bùn đáy sông. Nhóm thắng cuộc là nhóm có thời gian hoàn thành nhanh nhất. Phần thưởng cho nhóm thắng cuộc là người trưởng nhóm sẽ được thăng chức vượt hai cấp còn các đội viên khác sẽ được thăng chức một cấp. Thời gian để cho các nhóm chuẩn bị và luyện tập là bảy ngày. Ngày mười tám tháng năm sẽ là ngày thi chung khảo.
Cuộc thi này chính là ý tưởng của Quốc Tuấn, vị tướng già không những muốn sưu tầm, học hỏi được kinh nghiệm trong dân gian mà còn muốn các phương pháp đó phải được thể hiện ra bằng thực tế. Ông nghĩ rằng phải có thi thố như thế thì mọi người mới đem hết tinh hoa, sức lực ra mà thể hiện. Một lý do nữa khiến ông quyết định tổ chức cuộc thi vì ông biết rằng có rất nhiều người không có khả năng trình bày, không biết thể hiện ý tưởng của mình ra bằng ngôn từ nhưng họ lại có thể làm rất tốt bằng thực tế.
Quân sĩ các đô thủy bộ tranh nhau đăng ký dự thi. Sau hai hôm chốt danh sách thì đã có hơn ba chục nhóm đăng ký tham dự. Số lượng các đội dự thi vượt quá dự kiến khiến Quốc Tuấn phải thay đổi lịch thi. Để khỏi phải mất nhiều công sức, Quốc Tuấn bảo Yết Kiêu tự cho thi tuyển sơ loại trước để chọn ra năm nhóm xuất sắc nhất vào vòng thi chung khảo. Ngày thi chung khảo sẽ lùi lại ba ngày, khi đó ông mới xuống xem và chấm giải.
Để chuẩn bị cọc gỗ cho cuộc thi, Dã Tượng đã phải cho lính và đàn voi chiến vào rừng tìm đủ mấy chục khúc gỗ đạt yêu cầu. Gỗ được chọn lọc kỹ để có thể chế tạo ra những chiếc cọc gần giống hệt như nhau. Sau đó cọc được chia xuống cho các đội tranh giải luyên tập.
Các đội đều đã bàn bạc kỹ lưỡng phương thức hạ cọc của mình nên ngay sau khi nhận được cọc đều bắt tay ngay vào luyện tập. Quốc Tuấn ngày ngày đi hết từ đội này sang đội kia xem quân lính luyện tập hạ cọc. Ông để ý thấy nhiều đội có cách hạ cọc rất hay và độc đáo. Đúng là sức sáng tạo của nhân dân quả là vô bờ vô bến!
Đến ngày thi sơ khảo, một số đội tự lượng thấy sức mình không có cơ hội giật giải nên đã xin được thôi không tham gia nữa để đỡ mất thời gian của hội thi. Chỉ còn hơn hai mươi đội tranh nhau năm suất vào vòng chung khảo.
Sau vòng sơ khảo, Yết Kiêu đã chọn ra được năm đội hay nhất vào chung khảo. Tuy nhiên có một đội có cách làm không hiệu quả nhưng đem lại tiếng cười rất nhiều cho quân sĩ chính là đội của Dã Tượng. Nghĩ rằng Tiết chế chắc cũng chẳng trách nên Yết Kiêu quyết định chọn thêm đội của Dã Tượng vào chung khảo để giúp vui cho hội thi.
Cuộc thi chung khảo ban đầu dự định vào buổi sáng nhưng hôm đó lại đúng vào lúc nước lớn nên được hoãn lại vào đầu giờ chiều. Ăn cơm trưa xong, toàn bộ tướng sĩ trại Quảng Yên nhao ra bến sông nơi diễn ra cuộc thi chờ đợi. Đến gần giờ Mùi, người ta thấy Quốc công Tiết chê Trần Quốc Tuấn được mấy người lính hộ vệ đưa đến ngồi ở vị trí chánh chủ khảo.
Một hồi trống khai hội vang lên, sáu đội bước ra sắp hàng trước bến chờ đợi. Quốc Tuấn nhìn thấy có sáu đội thì quay sang hỏi Yết Kiêu:
- Sao lại sáu đội cơ à? Ta dặn ngươi chọn ra năm đội thôi mà!
- Dạ… nhưng có một đội của Dã Tượng có cách làm rất buồn cười nên con cho thêm vào để cho hội thi thêm phần vui vẻ thôi ạ.
- Buồn cười à?
- Vâng! Rất buồn cười.
- Thế hiệu quả ra sao?
- Hiệu quả thì làm gì có… chỉ có vui vẻ thôi.
- Yết Kiêu ơi là Yết Kiêu…! - Quốc Tuấn có vẻ bực bội - Đây có phải là hội làng của ngươi đâu mà vui mới vẻ?
- Dạ…!
- Ngươi thừa biết là hội thi nhưng đây thực ra cũng là đại sự đấy. Ta cần phải tĩnh tâm để quan sát tỉ mỉ hành động của từng đội một…
- Dạ… thế thì để con xuống nói với Dã Tượng thôi không dự thi nữa.
- Thôi đi…! Chớ có làm vậy, hắn đã đứng ở dưới đấy rồi thì để hắn thi vậy.
- Dạ…!
- Lần sau nhớ phải biết chỗ nào vui chỗ nào không nên vui nhé!
- Vâng con nhớ rồi.
- Thôi bắt đầu cho thi đi!
Một hồi trống tiếp theo báo hiệu cuộc thi đã bắt đầu, tất cả các nhóm lao về phía cây cọc gỗ, họ nhanh tay vần về phía mép sông. Quân lính chạy đến đó thì chia nhau người chèo thuyền, người neo giữ để lai dắt cọc ra vị trí đóng. Lúc này con nước đang ở mức thấp vừa phải, sóng vỗ nhẹ rập rờn. Trên bờ đám lính cổ vũ hò reo rất náo nhiệt. Quốc Tuấn mải mê theo dõi chăm chú vào từng thao tác, từng cách thức của từng đội thi.
Lúc này mọi người mới để ý thấy có sáu đội thi nhưng lại chỉ có năm cái thuyền nhỏ kéo dắt cọc. Trong khi năm đội kia đang kéo cọc ra ngoài thì nhóm còn lại chỉ đẩy cọc ra xa khỏi bờ một chút. Quốc Tuấn chưa hiểu ra sao cả thì bỗng thấy phía đám quân bộ binh của Dã Tượng vang lên tiếng vỗ tay, hò hét vang trời! Mọi người đều phải ngoái cổ nhìn về phía ấy. Quốc Tuấn cũng đưa mắt nhìn sang thì thấy Dã Tượng đang dẫn một con voi chiến lớn xuống thuyền. Ông đang bực mình vì cái đội thi thứ sáu này nhưng cũng phải mỉm cười vì sự láu cá của anh ta. Dã Tượng đã lách quy chế của cuộc thi để sử dụng voi vào việc đóng cọc vì trong quy chế đã nói là cho phép sử dụng tất cả mọi phương tiện vật lực hiện có và tự tạo để đóng cọc.
Con voi chiến đã quá quen thuộc với sông nước vì mỗi khi hành quân xa hoặc phải qua sông nó cũng đều được đi bằng thuyền. Dã Tượng lại sử dụng đúng chiếc thuyền dành riêng chở voi vào cuộc thi nên con voi càng thêm bạo dạn. Khi thuyền tới sát chỗ cây cọc gỗ, con voi như đã quá quen bài, nó khẽ dùng vòi nhấc bổng cây cọc gỗ chuyển lên trên thuyền lớn. Dưới sự hỗ trợ của con voi nên đội của Dã Tượng nhanh chóng hạ được mũi nhọn của cây cọc xuống dưới đáy sông. Con voi lúc đó lại khẽ dùng vòi quấn chặt vào đầu cọc day đi day lại một hồi, thế là cây cọc đã tự đứng được dưới nước. Đội của Dã Tượng nhanh chóng kết thúc cuộc thi trong tiếng cười ngất ngưởng và tiếng hò reo cổ động của đám lính bộ binh.
Trong khi đó, cả năm đội còn lại mới đang bắt đầu chuẩn bị hạ cọc. Các đội chia nhau trải rộng theo chiều dài của con sông nên Quốc Tuấn và mọi người có thể quan sát được tất cả các đội thi thố cùng một lúc. Ông gật gù thầm khen sự bố trí hợp lý của Yết Kiêu.
Cứ gọi theo thứ tự hoàn thành bài thi của từng đội thì đội của Dã Tượng gọi là đội thứ nhất. Đội thứ hai thì dùng đến hai chiếc thuyền cho đặt song song cách nhau chừng ba thước. Hai chiếc thuyền này được gông rất chặt vào nhau bằng những thanh gỗ lớn và dây thừng loại to. Trên khoảng giữa của hai thuyền có dựng lên một cái giá treo bằng gỗ dùng để kéo cây cọc lên cao. Cây gỗ được đưa vào khe hở giữa hai chiếc thuyền sau đó đầu trên của cọc được buộc chặt bằng dây chão và kéo lên giá cao thông qua một cái ròng rọc. Đám lính sau khi chằng buộc xong hò nhau kéo cây cọc lên, khi đầu trên cọc chạm vào ròng rọc không lên được nữa thì dây chão được cột chặt vào chân giá. Lúc này cây cọc được treo hoàn toàn tự do, mũi cọc hướng thẳng xuống dưới cách mặt sông chừng gần một trượng. Bấy giờ một tên lính cầm đao đến chặt gọn một phát cho đứt lìa dây chão, cả cây cọc gỗ rơi tùm xuống cắm chặt mũi xuống lớp bùn đáy sông. Bọt nước dưới sông bắn lên tung tóe. Khi bọt nước rơi hết xuống, mọi người thấy một phần đầu cọc nhổ lên khỏi mặt nước chừng bốn thước. Quân sĩ trên bờ đồng loạt vỗ tay hò reo cổ vũ rầm trời.
Đội thứ ba lại chỉ sử dụng một chiếc thuyền cỡ vừa, phía đầu mũi thuyền có một máng gỗ rất cao được dựng nghiêng ngọn về phía lòng thuyền. Chiếc máng này được ghép từ những cây gỗ nhỏ thẳng tắp và được buộc chặt với nhau tạo thành hình lòng máng để đỡ cho cây cọc. Khi cây cọc gỗ được đưa đến sát mũi thuyền, nó được buộc chặt vào đầu bằng dây chão rồi được kéo trượt ngược lên trên đỉnh máng. Khi đầu cọc lên đến sát đỉnh máng thì dây treo được neo chặt lại. Lúc này một người lính liền cầm đao đi tới chặt đứt phăng sợi dây neo cọc. Tức thì cây cọc gỗ cứ trượt theo lòng máng mà ầm ầm lao xuống. Chỉ nghe tiếng ùm một cái, nước xung quanh bắn lên tung tóe, cây cọc đã nằm gọn dưới mặt sông, nghiêng một đầu về phía thượng lưu. Quân sĩ trên bờ cũng nhất loạt hò reo vang dậy.
Đội thứ tư cũng phải sử dụng đến hai chiếc thuyền gông chặt vào nhau, trên cả hai thuyền đươc chất rất nhiều đá để cho thuyền có sức nặng. Mấy tên lính dựng cho cây cọc gỗ đứng thẳng vào giữa hai chiếc thuyền. Khi đó họ dùng rất nhiều dây thừng buộc chặt cây gỗ với các thanh neo giữa hai thuyền. Sau đó họ không làm gì nữa mà chỉ việc ngồi chờ cho nước triều xuống thấp. Cây cọc lúc này như một người đang phải gánh hai chiếc thuyền ở hai đầu. Khi nước xuống thì thuyền cũng phải xuống theo, dưới sức đè nặng của cả hai chiếc thuyền, cây cọc phải dần dần cắm sâu xuống lớp bùn. Khi đó bọn lính xúm vào tháo hết dây chão ra hoàn thành bài thi. Đội này làm mà lặng lẽ như không nên đến khi xong rồi mà quân sĩ trên bờ cũng chẳng ai biết. Chỉ đến khi hai chiếc thuyền được rút ra thì mới thấy cây cọc đã được cắm xong ở đấy từ bao giờ.
Đội thứ năm thì áp dụng đúng theo phương pháp hạ cọc đã được Yết Kiêu cho làm thử bữa trước. Chỉ có điều mọi hành động phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và nhanh nhẹn do mọi người trong nhóm đã được luyện tập chung với nhau nhiều ngày. Đội này dựng cọc thì nhanh nhưng hạ cọc lại rất lâu và vất vả. Cả đám cứ hô nhau xoay ngược lại xoay xuôi để cho cây cọc đi xuống từng tí một. Cuối cùng thì họ cũng hoàn thành được bài thi của mình.
Còn đội thứ sáu sử dụng phương pháp giã gạo. Sở dĩ gọi là phương pháp giã gạo vì đám lính này tự làm ra một chiếc chày rất to phải mất tám người chung sức cùng một lúc mới đạp nổi cần giã. Sau khi dựng được cọc đứng sát mũi thuyền, đầu chày được định vị chính xác vào đầu cọc sau đó đám lính hò nhau giã liên hồi như giã gạo. Cái chày khổng lồ nhưng nện vào đầu cọc lại cũng không thấm tháp vào đâu cả. Nhóm này hoàn thành bài thi cuối cùng.
Buổi thi kết thúc, phần thắng đã có chủ. Khi Quốc Tuấn quyết định trao giải nhất cho đội về thứ nhì thì Dã Tượng đứng lên phản đối đòi cho mình phải được giải nhất do có thời gian hoàn thành bài thi nhanh nhất. Quốc Tuấn cả cười hỏi:
- Ngươi làm như vậy mà cũng gọi là đóng cọc à?
- Thưa Tiết chế! Thì cọc cũng cắm được xuống sông đấy thôi.
- Thế có sâu đủ hai thước như yêu cầu không?
- Dạ… - Dã Tượng quay nhìn ra sông trông thấy đầu cây cọc của mình nhô lên cao nhất trên mặt nước song vẫn quay lại vừa cười vừa nói - Thưa Tiết chế! Cọc của con ngập sâu hơn hai thước rưỡi đấy ạ.
- Ngươi thử nhìn xem đầu cọc của ngươi cao hơn của người khác bao nhiêu?
- Dạ… đấy là tại vì đáy sông chỗ cây cọc của con có một bãi đất ngầm nhô cao hơn các chỗ khác ba thước. Không tin Tiết chế cho người lặn xuống đo mới được!
Đám đông quân sĩ nghe vậy cười ầm lên. Vừa lúc đó, cây cọc của Dã Tượng do con voi nhấn xuống bùn được có một đoạn nên khi nước rút xuống thấp quá thì không thể đứng vững được nữa nên bị đổ ầm xuống sông. Mọi người mải cười nên không ai để ý, chỉ có Yết Kiêu đang nhìn ra sông bất chợt trông thấy bèn hỏi Dã Tượng:
- Hiền huynh có muốn nhận giải thì cũng phải biết cây cọc của mình đang ở đâu chứ?
Dã Tượng vội quay lại nhìn, đúng là không thấy cây cọc của mình đâu nữa:
- Cây cọc của ta đâu rồi nhỉ?
- Nó đang trôi ra biển kia kìa!
Yết Kiêu đưa tay chỉ theo một cây gỗ đang trôi lập lờ theo dòng nước. Dã Tượng giả bộ chạy theo gọi:
- Cọc của ta…! Cọc của ta…!
Mọi người lại ôm bụng rũ ra cười.
Quốc Tuấn tỏ ra rất hài lòng về cuộc thi, nó mang tới cho ông quá nhiều bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là tất cả các phương thức gọi là áp dụng từ kinh nghiệm dân gian đều đã bị loại ngay từ vòng thi sơ khảo do không đạt hiệu quả cao. Nhiều cách làm tuy rất độc đáo nhưng cũng phải bị loại do bị thua về mặt thời gian. Trừ nhóm của Dã Tượng coi như một nhóm biểu diễn gây cười ra thì bốn trong năm nhóm thi hôm nay đều áp dụng phương pháp mà họ tự sáng tạo ra.
Giải nhất ông đã công bố vì đảm bảo thời gian nhanh nhất đúng theo thể lệ. Nhưng ông lại có ấn tượng nhất với nhóm về thứ nhì. Sở dĩ ông có ấn tượng nhất là vì họ chỉ sử dụng đến một chiếc thuyền và điều quan trọng bậc nhất là cây cọc không thẳng đứng như những cây cọc của các nhóm khác mà lại nghiêng đi một góc.
Ông gọi Yết Kiêu bảo sửa soạn một chiếc thuyền nhỏ để đưa mình ra chỗ mấy cây cọc. Quốc Tuấn cho thuyền đi qua những cây cọc cắm thẳng trước, qua mỗi chỗ, ông chỉ dừng lại ngắm nghía một chút rồi lại lướt qua. Khi tới chỗ cây cọc cắm xiên, ông cho thuyền vòng đi vòng lại tới mấy lượt để ngắm nghía. Đầu cọc nghiêng chéo về phía thượng lưu gợi ra cho ông một loạt câu hỏi: Đây là sự vô tình hay hành động có chủ ý của viên đội trưởng…? Tại sao trong bài thi chỉ giao nhiệm vụ là đóng cọc, không nói rõ là thẳng hay xiên vậy mà người này lại cố tình đóng xiên dẫu biết sẽ mất nhiều thời gian hơn...? Sao viên đội trưởng này lại không quan tâm đến giải thưởng nhỉ…? Mà trông kìa…! Hướng xiên của đầu cọc lại còn hướng thẳng về thượng lưu nữa chứ...? Chà! Anh chàng này làm mình tò mò rồi đây! Nghĩ vậy Quốc Tuấn quay sang hỏi Yết Kiêu:
- Tên đội trưởng của nhóm này tên là gì vậy?
- Dạ thưa Tiết chế! - Yết Kiêu có vẻ biết khá rõ về tên lính này nên trả lời ngay - hắn tên là Vũ Trí Thắng ạ.
Quốc Tuấn ngạc nhiên, không lẽ hắn chính là chàng trai mà bà chủ quán nước nhắc tới bữa trước, sao hắn lại ở đây mà mình lại không biết. Quốc Tuấn hỏi lại:
- Sao…? Ngươi vừa nói là Vũ Trí Thắng à?
- Vâng…
- Hắn bao nhiêu tuổi?
- Năm nay hắn vừa đúng hai mươi ạ.
- Hắn quê ở đâu?
- Quê ở An Dương thuộc lộ Hải Đông.
Quốc Tuấn reo lên:
- Vậy đúng là hắn rồi…!
Đến lượt Yết Kiêu ngạc nhiên:
- Tiết chế bảo đúng… cái gì cơ?
Quốc Tuấn không trả lời mà hỏi tiếp:
- Hắn vào đội thủy quân của ngươi lâu chưa?
- Dạ! Hắn là lính thủy binh của lộ Hải Đông mới được bổ sung tăng cường vào quân của con tháng trước…
- Vậy à! Thật không ngờ là hắn…
Thấy chủ tướng đang có vẻ quan tâm đặc biệt đối với người lính của mình, Yết Kiêu nói rõ thêm:
- Hắn… chính là người đưa ra ý tưởng mà bữa đêm hôm trước con có đến nói với Tiết chế đấy ạ.
- Hôm nào…? - Quốc Tuấn nhiều việc nên chưa thể nhớ ra - À…! Có phải là ý tưởng về tìm kiếm kinh nghiệm dân gian từ trong tất cả binh sĩ trại Quảng Yên đó chăng?
- Vâng! Chính là hắn đấy ạ.
- Thật là tiếc…! Hôm đó ta không hỏi rõ ngươi thêm một chút…
- Tiết chế cần hỏi thêm gì về hắn nữa không?
- Không… nhưng tối nay ngươi phải đưa hắn đến chỗ ta, ta muốn hỏi hắn một vài điều.
- Vâng ạ!
- Thôi mau cho thuyền vào bờ đi!
Chiếc thuyền quay đầu nhằm bờ lướt tới, khi đã lên hẳn trên bờ, Quốc Tuấn định đi thẳng về trại. Song mới đi được mấy bước, vị tướng già chợt dừng lại, rồi có vẻ như vừa sực nhớ ra điều gì, ông quay lại gần bờ sông gọi với theo Yết Kiêu khi đó cũng đã cho thuyền chạy lui được một đoạn.
- Yết Kiêu này…!
- Dạ…!
- Không phải đợi đến tối nữa… ngươi mau dẫn tên Trí Thắng đó đến ngay chỗ ta nhé…
- Ngay bây giờ ạ…?
- Đúng vậy… ngay bây giờ…
- Vâng…! Vậy để con đi tìm hắn...
- Mau đi đi… ta sẽ chờ các ngươi...
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro