Chương 7: Tâm sự của vị tướng già

Hôm đó, do bị vấp ngã đã làm cho cái chân bên trái của Quốc Tuấn bị sưng tấy lên. Ông đành phải nghỉ lại một đêm trên đỉnh núi U Bò chờ lính gọi thêm người lên cáng xuống núi. Trí Thắng cho quân đi chặt cây để dựng lán ngủ tạm qua đêm. Trong lúc chờ dựng lán, Trí Thắng tìm lấy một chỗ quang đãng và khá bằng phẳng ngay dưới gốc một cây to rồi mời Quốc Tuấn tới ngồi nghỉ tạm. Anh dìu vị tướng già đến ngồi xuống rồi mới xin phép đi một lát để tìm cây thuốc rừng về đắp tạm vào vết đau cho Quốc công Tiết chế.

Khi Trí Thắng quay trở lại thì cũng vừa lúc trời gần tối hẳn, chiếc lán bằng cây rừng cũng cơ bản đã được dựng xong. Viên tướng trẻ vội mời vị tướng già vào ngồi nghỉ, anh lấy trong người ra một nhúm lá rừng bỏ vào mồm nhai nát rồi mang đắp lên chỗ chân đang sưng tấy lên của Quốc Tuấn.

Có vẻ cũng đúng thầy hợp thuốc, chừng một lát sau Quốc Tuấn đã cảm thấy đỡ nhức hơn nhiều. Vị tướng già cảm động trước hành xử của viên tướng trẻ. Trí Thắng đã làm ông đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ông thầm cảm ơn trời đất đã mang tới cho ông một vị tướng trẻ tài ba như vậy. Ông mỉm cười rồi tự hỏi xem liệu có còn bí mật gì nữa ở viên tướng trẻ này mà ông chưa hề được biết. Thấy Trí Thắng vẫn đang lúi húi dọn dẹp ông gọi lại:

-        Trí Thắng này!

-        Dạ! Quốc công vẫn còn đau lắm ạ?

-        Không! Ta đã đỡ hơn nhiều rồi… Thế ra ngươi cũng biết về thuốc à?

-        Dạ! Cha con có hành nghề bốc thuốc nên con cũng có biết qua được chút ít.

-        Vậy cây thuốc ngươi vừa dùng đắp chân cho ta là cây gì? Sao ta trông nó có vẻ giống như cây lưỡi hổ vậy?

-        Dạ đúng đó là cây lưỡi hổ đấy ạ! Cây này có rất nhiều tên phụ thuộc vào từng vùng miền có nơi gọi là Lô Hội, nơi thì gọi là Nha Đam, Du Thông, Long Miệt Thảo… Có nơi gọi là Long Tu. Còn dân gian thì thường quen gọi nó là cây lưỡi hổ ạ!

-        Cây lưỡi hổ này thì ta có lạ lẫm gì đâu! Trong kinh thành hiếm có vườn hoa nào mà không trồng loại cây này. Chỉ có điều hôm nay ta mới biết là nó lại có tác dụng làm thuốc nữa.

-        Cây Lô Hội này dễ trồng nhưng lại chữa được rất nhiều bệnh như viêm họng, đau đầu, chóng mặt, tiêu hóa kém, viêm loét tá tràng, viêm loét đại tràng, táo bón, quai bị và cả các bệnh ngoài da như trứng cá, mụn nhọt, viêm da thậm chí cả chữa bỏng nữa.

-        Chữa được nhiều bệnh thế cơ à?

-        Vâng! Cây Lô Hội này có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, cầm máu, nhuận tràng nên có thể chữa được khá nhiều loại bệnh mà con người chúng ta thường hay mắc phải.

Đã từ lâu, Quốc Tuấn biết rằng xung quanh con người có biết bao loài cây cỏ tưởng như là những cây dại mọc vô tình bên lối đi nhưng chính nó lại là những loại thuốc vô cùng quý giá mà không mấy người được biết. Ông cũng đã có ý định trồng một vườn thuốc quý ở thái ấp Vạn Kiếp để chữa trị bệnh tật cho người trong thái ấp và quân sĩ của mình. Song công việc bận rộn liên miên cuốn ông đi mãi nên ý định kia vẫn còn dang dở.

-        Ta vẫn muốn có một vườn thuốc nam ở tại thái ấp Vạn Kiếp… sau này có dịp, ngươi hãy giúp ta sưu tầm và gây dựng vườn thuốc quý đó nhé?

-        Vâng, con xin sẵn lòng làm công việc đó.

-        Nhưng việc đó để sau đã… - Quốc Tuấn nhớ đến công việc hiện tại thì lại nhìn xuống cái chân đau đang băng bó - Vậy ngươi đắp thuốc lá cho ta như thế này độ bao lâu thì khỏi được?

-        Dạ khoảng chừng chục hôm thì Quốc công có thể tự đi xuống núi được.

-        Chục hôm! Lâu đến thế cơ à?

-        Dạ vì xuống núi là việc cực kỳ nặng nhọc, nếu chân chưa khỏi hẳn mà cố đi thì vết thương sẽ càng lâu lành.

-        Trí Thắng à…! - Quốc Tuấn gần như kêu lên - Ngươi biết là ta không thể ở đây được quá ba hôm nói gì đến chục hôm?

-        Dạ! Con cũng biết là Tiết chế sẽ sốt ruột như vậy nên đã cho người về gọi thêm người lên cáng Quốc công xuống núi rồi ạ.

Quốc Tuấn ngẫm nghĩ trong giây lát thì lên tiếng phàn nàn:

-        Đường núi hiểm trở… đến đi người không còn khó nhọc như vậy thì làm sao mà cáng đi được? Nhỡ lại rơi cả cáng lẫn người khênh xuống núi thì còn khổ hơn…

Trí Thắng thấy vị tướng già than phiền như vậy thì ngập ngừng nói:

-        Con có một cách… để vết thương nhanh khỏi hơn nhưng… cũng phải mất ba hôm chứ không thể nhanh hơn được.

-        Cách gì vậy ngươi nói ra xem?

-        Dạ...! Quốc công phải uống một chút nước giã ra từ chính cây Lô Hội này. Mỗi ngày uống ba lần thì sau ba ngày mới có thể đi lại được.

-        Tưởng gì! - Quốc Tuấn thở phào nhẹ nhõm - Có như vậy mà sao ngươi không nói ngay từ đầu luôn đi?

-        Dạ… con không dám ạ! Chữa đắp bên ngoài da thì con làm chứ bảo Quốc công phải uống một loại thuốc lạ thì con không dám.

Quốc Tuấn ngớ người, quả thật ông vừa trách nhầm Trí Thắng. Việc thăm bệnh, bốc thuốc cho những người như ông phải do người của Thái y viện thậm chí là do Ngự y tận tay khám và cho thuốc. Một người bình thường không thể, thậm chí không dám tự tiện bốc thuốc cho những người có địa vị như ông, vì nếu chẳng may người bệnh hôm đó bị tử vong do một nguyên cớ nào khác thì người cho thuốc cũng sẽ bị khép vào tội mưu sát. Chính vì vậy ông hiểu tâm trạng lưỡng lự của Trí Thắng, viên tướng trẻ trong thâm tâm rất muốn ông mau chóng khỏi bệnh nhưng lại chỉ cho thuốc đắp mà không dám cho thuốc uống chỉ vì hắn không phải người của Thái y viện. Ngẫm nghĩ một lát Quốc Tuấn nói với Trí Thắng:

-        Ta tin ở ngươi! Hãy cho ta uống thuốc đi!

-        Con… quả thực không dám!

-        Vừa nãy ta đã thấy chính ngươi nhai những lá cây này rồi mà có sao đâu? Ngươi không sao thì ta cũng sẽ chẳng sao hết. Ngươi cứ mau mang thuốc đây cho ta uống.

Trí Thắng vẫn còn đang do dự thì Quốc Tuấn bảo:

-        Hay là ngươi không dám tin vào tay nghề của mình? Thế thì… thôi vậy!

-        Không phải là con không tin vào hiểu biết của mình mà là con… con…

-        Con con cái gì nữa! Ngươi chỉ vì sợ chết mà không dám quyết một việc cỏn con này thì làm sao làm tướng đánh giặc được?

-        Dạ! Nếu… Tiết chế cho phép thì con xin được dâng thuốc?

-        Không phải cho phép mà ta ra lệnh cho nhà ngươi mau đưa thuốc cho ta dùng. Vậy đã được chưa?

-        Dạ, vậy để con đi làm thuốc.

Trí Thắng mang một ít lá cây vào lều rồi tìm một chỗ ngồi ngay trước mặt vị tướng già để chế thuốc. Quốc Tuấn cười thầm vì hành động cẩn thận của viên tướng trẻ. Ông biết Trí Thắng muốn ngồi trước mặt ông là để cho ông được tận mắt chứng kiến việc chế thuốc từ đó mà yên tâm không sợ bị hạ độc. Nhìn Trí Thắng làm ông chợt nghĩ từ hôm biết Trí Thắng đến giờ, ông chưa có chút thời gian rảnh rỗi nào để hỏi thăm về gia cảnh của viên tướng này. Nhân hôm nay có dịp cùng nhau ở lại trên núi nên ông muốn hỏi han đôi chút.

-        Hôm trước ngươi nói là năm nay mới hai mươi tuổi có phải không nhỉ?

-        Dạ vâng… con năm nay tròn hai mươi ạ!

-        Hai mươi…! - Quốc Tuấn nhẩm tính nếu hai mươi tuổi thì người này đã phải đăng lính và tham gia đánh giặc từ lần trước mới phải - Vậy sao năm vừa rồi ngươi mới đăng lính?

-        Dạ… Tại ông nội con không… - Viên tướng trẻ ngập ngừng không nói.

-        Sao vậy? Có điều gì khó nói ra à?

-        Dạ! Là do ông nội con không cho đi ạ!

-        À ra vậy! Thế sao ông nội ngươi lại không cho ngươi đi?

-        Dạ tại vì… tại vì… con không dám nói đâu!

Quốc Tuấn chợt nhớ tới Trí Thắng đã một lần đã nhắc tới ông nội của hắn trước mặt ông. Hôm đó Trí Thắng có nói ông nội hắn chính là người xui hắn tìm hiểu về thế sông cũng như thế trận cọc ngầm của tiền nhân. Vừa tò mò, vừa nhận thấy vẻ ngập ngừng của viên tướng trẻ, Quốc Tuấn động viên:

-        Cứ nói ra đi… chớ có ngại!

-        Dạ! Tại ông nội con là một tín đồ của đạo Khổng nên ông có ấn tượng rất xấu đối với nhà Trần vì nhà Trần đã cướp đoạt ngôi của nhà Lý. Chính vì vậy ông nội con đã không cho con đăng lính. Ông cho rằng dù chỉ làm một tên lính tốt thôi thì cũng là giúp đỡ cho nhà Trần.

-        Chuyện có nhiều người chưa phục nhà Trần thì ta cũng dễ hiểu và thông cảm thôi! Phải cần có thêm thời gian để nhà Trần lấy được cảm tình của trăm họ.

-        Vâng! Con thấy qua mấy nạn giặc cướp nước vừa rồi thì lòng dân trăm họ đã phần lớn quay sang với nhà Trần rồi đấy ạ!

-        Ừ ta cũng cảm nhận rõ điều đó! À…! Mà làm sao ông nội ngươi lại thay đổi ý nghĩ? Hay là ngươi tự trốn đi?

-        Con không phải trốn đi mà chính ông nội con đã thay đổi suy nghĩ. Vừa rồi, khi triều đình có bố cáo mộ lính thế là con ghi tên ngay.

-        Ngươi có thể nói rõ lý do mà ông nội ngươi thay đổi suy nghĩ được không?

-        Dạ! Ông nội con bảo rằng đến ngay như Đức ông Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn kia còn bỏ qua thù nhà để lãnh chức Tiết chế cầm quân đánh giặc thì ta không nên giữ mãi một thành kiến cổ hủ nữa.

-        Ha… ha… ha… Ngươi nói sao? Ta có thù nhà ư?

-        Dạ..! Cái này thì con cũng không biết nhưng ở quê con toàn thấy mọi người truyền tai nhau là như vậy đấy ạ!

-        Hôm nay nói chuyện với ngươi ta mới biết có việc này đấy! Thế thiên hạ truyền nhau là ta có thù oán gì vậy?

-        Dạ! Họ bảo năm xưa khi phu nhân của phụ vương ngài là Thuận Thiên công chúa đang mang thai Tĩnh quốc vương Trần Quốc Khang lúc đó được ba tháng tuổi thì bị Thái sư Trần Thủ Độ bắt ép chuyển sang làm vợ cho Quan gia lúc đó là Trần Thái Tông. Từ đó phụ vương ngài có mối thâm thù với Quan gia và mối thù này cứ kéo dài mãi đến vừa rồi mới được chính ngài hóa giải hết.

-        Ra là vậy! Quả thực chuyện đó cũng có thực nhưng lúc xảy ra ta còn quá nhỏ nên không hiểu hết được nguyên do. Ta chỉ biết ban đầu phụ vương ta cũng rất bất bình nhưng sau này nhất là quãng thời gian cuối đời ông đã thanh thản chấp nhận và không oán hận quan Thái sư nữa. Ta tin chắc rằng bản thân phụ vương ta không hề có một chút cỏn con mâu thuẫn nào với Thượng hoàng Thái Tông, mà đó chỉ là chút bất mãn nhất thời với quan Thái sư Trần Thủ Độ mà thôi! Vậy mà thiên hạ lại nghĩ ra một mối thâm thù truyền lan sang cả tận đời sau nữa cơ đấy!

Quốc Tuấn chợt tặc lưỡi, nhíu mày rồi lại tiếp tục kể:

-        Khi phụ vương của ta hiểu ra rằng đằng sau việc làm của quan Thái sư kia tất cả cũng chỉ một lòng vì dòng họ Trần mà ra. Giả sử như Quan gia lúc đó mà không có con thật thì chính con trai ông sẽ là người nối dõi ngai vàng nhà Trần chứ còn ai vào đấy nữa! Ông hiểu ra nên trong thâm tâm ông rất thanh thản chỉ có điều vì sự tự tôn, tự trọng cá nhân nên bề ngoài ông vẫn không bao giờ tỏ ra chịu phục quan Thái sư. Chỉ đến khi Thái sư mất đi thì quan hệ giữa phụ vương ta với Thượng hoàng Thái Tông mới được tự nhiên như chưa hề có việc gì xảy ra trước đó.

-        Dạ! Con cũng nghĩ phải được như vậy thì quan hệ giữa đương kim Thượng hoàng Thánh Tông với Quốc công mới được thuận hòa như ngày hôm nay.

-        Đúng vậy! Hai bên gia đình chúng ta thực ra là một, này nhé Thượng hoàng Thánh Tông thì lấy em gái ta chính là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu đấy. Còn phu nhân của ta thì lại chính là Công chúa Thiên Thành, em gái của Thượng hoàng Thánh Tông… Sinh thời phụ vương ta đã rất vui vẻ trong suốt những ngày cử hành lễ thành hôn của ta và sau này là của em gái ta nữa. Vậy thì làm sao lại có mối thâm thù nào ở đây được cơ chứ?

-        Ồ…! Hóa ra hai gia đình Thượng hoàng và Quốc công còn có cả quan hệ thông gia nữa ạ? Nhưng con nghĩ là… là… phụ vương của Quốc công với Thượng hoàng Thái Tông là hai anh em ruột cơ mà?

-        Nhà Trần ta đã có lệ con trai, con gái chỉ được gả cho người trong hoàng tộc mà không gả ra ngoài. Chuyện này không hẳn là thâm cung bí sử gì nhưng cũng ít người được biết tới.

-        Lạ thế ạ? Quê con chẳng bao giờ có lệ như vậy!

-        Đúng là cũng lạ! Tục này không phải có từ lâu mà mới chỉ có sau khi nhà Trần tiếp ngôi nhà Lý. Trong một lần Trần Thái Tông khi đó vẫn đang là Quan gia gặp một thầy tướng số được ca tụng là rất giỏi trong việc đoán biết tương lai, ông thầy phán rằng nhà Trần sau này tất sẽ bị mất ngôi báu bởi tay của một người đàn bà. Trong quá khứ nhà Đinh mất cũng bởi tay bà Thái hậu Dương Vân Nga(1), rồi ngay như nhà Lý kia cũng bị mất ngai vàng bởi tay một người con gái họ Trần(2). Vậy nên Thái Tông đưa ra lệ rằng các hoàng tử chỉ được phép lấy con gái là chị em trong nội tộc.

Trí Thắng rất ngạc nhiên trước những câu chuyện mà Quốc công vừa kể cho anh nghe. Anh cảm thấy tự hào vì được Quốc công tin tưởng mà dốc bầu tâm sự. Trí Thắng vẫn đang còn phân vân suy nghĩ xem có nên nhân đây để hỏi rõ thêm một vài giai thoại về vị Quốc công già đáng kính này hay không thì chợt nghe Tiết chế gọi:

-        Này Trí Thắng!

-        Dạ!

-        Ta hỏi thực ngươi nhé…! Ngươi cũng phải trả lời thực đấy!

-        Dạ! Nếu biết điều gì Quốc công hỏi con xin trả lời hết…!

-        Thế trong thiên hạ còn đồn thổi, thêu dệt những chuyện gì về ta và gia đình ta nữa không?

-        Dạ quả thực cũng có nhiều chuyện khác nữa nhưng chỉ là dân gian thêu dệt nên con không dám nói ra đâu ạ!

-        Này Trí Thắng! Họ còn có giai thoại gì về gia đình ta nữa ngươi cứ kể hết ra cho ta biết với! Ta rất muốn được nghe mà…! Hôm nay có điều gì ta cũng sẽ tâm sự hết với ngươi Trí Thắng à…

Được vị tướng già khích lệ cộng thêm trí tò mò vốn có của tuổi trẻ, Trí Thắng hắng giọng hỏi:

-        Dạ! Thế thì Quốc công cho con hỏi, vậy có chuyện phụ vương của ngài trước khi nhắm mắt gọi ngài tới để gửi lời trăng trối là phải thay cha ngài trả thù bằng cách đoạt cướp ngôi báu của chi trưởng hay không?

-        Không có đâu! Nếu có thì phụ vương ta ắt phải trao gửi trách nhiệm đó cho huynh trưởng của ta là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung chứ! Năm Đinh Tỵ (1257), trước khi quân Mông Thát tiến đánh Đại Việt lần đầu, anh trai ta là Vũ Thành vương Trần Doãn đã bỏ đi theo hàng nhà Tống, nhưng thực ra thì sự đầu hàng đó cũng chỉ là sự ham sống sợ chết cố hữu của con người giống như trường hợp của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc sau này mà thôi!

-        Dạ! Thế… thế… ra không có chuyện như vậy ạ?

-        Làm sao có chuyện tày đình như vậy được chứ? - Thấy viên tướng trẻ cứ tròn mắt tỏ vẻ không tin, Quốc Tuấn nói thêm:

-        Tuy phụ vương ta trước đó có phạm tội với triều đình nhưng Thượng hoàng Thái Tông nể tình anh em nên đã không những tha hết tội cho phụ vương ta mà còn đối xử với anh em ta giống như những hoàng tử và công chúa do chính ngài sinh ra. Ngay như mấy chị em gái của ta và con gái ta bây giờ nữa vẫn được đặt hiệu danh là công chúa đấy thôi!

-        Thế ạ?

-        Đúng là như vậy đấy! Thế còn những chuyện gì nữa nào?

-        Con còn nghe rằng do thâm thù với Thượng hoàng Thái Tông nên ngay khi sinh ra ngài, phụ vương của ngài đã cho mời những người tài giỏi về dạy dỗ cho ngài để mong có ngày phục thù.

Quốc Tuấn có vẻ thích chuyện trò, nếu như cách đây mấy năm về trước, nếu có ai đó cố cậy răng ra thì ông cũng chẳng bao giờ nói ra những câu chuyện như thế này. Vậy mà giờ đây, tấm lòng ông cởi mở những điều sâu kín, có thể cũng là do ảnh hưởng phần nào của tâm lý người già là muốn được dốc bầu tâm sự về chuyện đời nhất là những chuyện có liên quan về cuộc đời của chính mình. Hôm nay cũng vậy, tâm trí Quốc Tuấn như bị một cơn lốc cuốn qua khiến ông không thể dừng lại được nữa. Ông quyết định sẽ kể hết những chuyện riêng tư của mình với viên tướng trẻ tài ba.

-        Không có chuyện đó! Ta sinh ra vào năm Mậu Tý (1228), trong khi đó xích mích giữa phụ vương ta với quan Thái sư xảy ra vào năm Đinh Dậu (1237). Nghĩa là lúc đó ta đã được chừng chín mười tuổi. Sau đó do sự phản kháng của phụ vương nên gia đình ta phải lâm vào cảnh ly tán. Bản thân ta được Thụy bà công chúa mang về nuôi trong cung cấm. Vậy nên không thể có chuyện ngay sau khi sinh ra ta phụ vương đã mời thầy giỏi về dạy dỗ để mong có ngày phục thù được đâu.

-        Con còn nghe là Thượng hoàng giao cho Quốc công lãnh chức Tiết chế với chủ ý là để dàn xếp mối bất hòa giữa hai ngành trưởng thứ của Hoàng tộc nhà Trần có phải vậy không ạ?

-        Cái này thì ta không được rõ lắm…! Nhưng chức Tiết chế thì cũng có gì đâu mà phải cân nhắc nhiều. Làm Tiết chế ai mà chẳng làm được! Trong tôn tộc nhà Trần có nhiều người có thể đảm đương được như Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải hay Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật… Nhưng Thượng hoàng và Quan gia chọn ta có thể cũng là do nể tình vì ta chính là anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu và cũng là bố đẻ của đương kim Bảo thánh Hoàng hậu(1) nữa kia… Ta cũng đáng để được có một chức vụ gì đó chứ…? Có phải vậy không Trí Thắng?

-        Con nghĩ Thượng hoàng và Quan gia chọn Quốc công làm Tiết chế không phải do nể tình thông gia mà chính bởi vì ngài là một vị tướng giỏi hiếm có trong thiên hạ.

-        Ngươi lại đề cao ta quá rồi…! Ta mà là võ tướng giỏi ư…? Cưỡi ngựa, cầm cung ta không bằng viên gia tướng của ta là Nguyễn Địa Lô. Múa đao, đánh kiếm ta không bằng được Điện súy Phạm Ngũ Lão… Vậy không thể gọi là một võ tướng tài ba được!

-        Nhưng Quốc công biết sử dụng những tướng tài như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng… và nhiều người khác nữa...

-        Vậy theo ngươi thế nào thì được gọi là một tướng giỏi?

-        Theo con tướng giỏi không nhất thiết là phải là người bách chiến bách thắng mà có thể để thua chín mươi chín trận nhưng chỉ cần thắng một trận thôi… đó là một trận cuối cùng.

-        Nhận định của ngươi về tướng giỏi cũng hay lắm, rất hợp với ý ta. Chỉ cần thắng một trận cuối cùng cũng đủ để lưu danh muôn thủa. Hy vọng lần này cả ta và ngươi sẽ giành chiến thắng trong trận đánh cuối cùng.

-        Vâng, con và tất cả mọi người rất mong được tham gia trong một trận đánh như vậy!

-        Chúng ta lại lạc đề mất rồi! Người xem còn thắc mắc gì nữa thì nói ra xem?

-        Vậy liệu có phải do không được phong chức Tiết chế nên Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc(2) đã bất mãn mà hàng giặc không ạ?

-        Cái đó ta không có đi giày trong bụng của Chiêu Quốc vương nên cũng không thể nào biết được. Nhưng ta nghĩ không phải vì việc cỏn con đó mà Chiêu Quốc vương lại ra hàng giặc đâu. Đó chẳng qua là hậu quả do sự khốc liệt của chiến tranh mà thôi. Ngay như Đức Thượng hoàng Thánh Tông cũng phải có lúc gạt lệ mà đem dâng em gái mình là An Tư công chúa cho Thoát Hoan(3) để làm kế hoãn binh thì mới biết mức độ tàn khốc của chiến tranh. Ai không có bản lĩnh, không chịu nổi sự hy sinh gian khổ thì ắt sẽ ra hàng giặc.

-        Dạ! Thế còn chuyện năm xưa khi Quốc công hộ giá hai vua trốn giặc ở vùng Tam Trĩ, khi đó ngài đang dùng cái gậy có đầu bịt sắt nhọn nên nhiều người sợ ngài có ý sát hại vua, nên để chứng tỏ lòng trung quân của mình, ngài đã bẻ đầu bịt sắt đó vứt đi để mọi người đỡ dị nghị?

-        Ha… ha… ha… - Quốc Tuấn lại phá lên cười rất sảng khoái. Ông không thể ngờ được thiên hạ lại thêu dệt lắm chuyện buồn cười đến vậy. Ông vẫn vừa cười vừa vớ lấy cây gậy đang dựa ở góc lán lên rồi giơ đầu gậy về phía Trí Thắng cho xem rồi hỏi:

-        Ha… ha… Thế cái này bịt bằng gì? Ngươi nhìn kỹ đi! Có phải vẫn bịt bằng sắt không?

-        Dạ đúng là bịt bằng sắt ạ!

-        Cây gậy này rất quý nên ta đã phải thuê thợ đánh bịt sắt lại để cho nó khỏi bị tòe hỏng mất mũi đấy.

-        Dạ! Thế cây gậy này vẫn chính là… cây gậy năm xưa đây ạ?

-        Đúng! Chính là nó đấy! Mà ta nhớ ra rồi! Năm đó bị giặc truy lùng ráo riết quá, ta theo Thượng hoàng và Quan gia đi chạy giặc liên miên suốt mấy tháng ròng. Lúc đó do tuổi cao, sức yếu nên phải dùng đến cây gậy thường xuyên làm cho miếng sắt bịt đầu bị mòn mà rơi đi đâu mất. Cái mũi bọc sắt này sau khi giặc chạy rồi ta mới đem cho thợ rèn bọc lại đấy.

-        Vậy chắc là có người chỉ trông thấy Quốc công bị mất chiếc mũi sắt đó thì suy diễn thành ra như vậy?

-        Ngươi thử ngẫm mà xem! Thượng hoàng đã tin tưởng giao cả chức Tiết chế vào tay ta thì còn lo lắng gì việc sợ bị ta làm phản nữa? Vả lại đường đường là một võ tướng đi hộ giá hai vua nên ta được phép đeo gươm đứng hầu. Vậy sao không lo sợ việc ta đeo gươm mà lại đi sợ một chiếc gậy cỏn con kia chứ?

-        Dạ! Quốc công dạy thế rất hợp lý ạ! Con cũng thấy rõ là cần phải đề phòng xem trong thâm tâm người ta thế nào chứ ai lại đi để ý đến một cây gậy bịt sắt!

-        Mà ngươi có biết chiếc gậy này từ đâu mà có không? Chính do tay Thượng hoàng ban tặng cho ta đấy! Ta cũng không biết cây gậy đó có xuất xứ từ đâu, chỉ biết Thượng hoàng ban cho ta ngay sau hôm Chiêm Thành cho người mang đồ cống nạp tới.

-        Vậy thì đúng là chẳng có lý gì mà Tiết chế phải e sợ những lời gièm pha kia cả!

-        Đúng vậy!

-        Con quả thật ngu dốt lại tin vào những lời đồn thổi vô căn cứ kia.

*

*        *

Sau đêm nói chuyện với Trí Thắng, Quốc Tuấn cảm thấy rất vui. Ông không ngờ rằng trong thiên hạ đã thêu dệt lên những câu chuyện rất kỳ thú về bản thân ông và gia đình. Ông cảm thấy vui vui vì những câu chuyện kia hầu như toàn là nói tốt về ông chứng tỏ nhân dân rất yêu quý ông thì mới có thể thêu dệt ra những câu chuyện tốt đẹp về ông đến như vậy.

Trí Thắng quả là đã có một nhận xét khá thích đáng! Bởi vì qua những cuộc kháng chiến chống lại giặc Hồ như vừa rồi, nhân dân trăm họ đã đồng lòng đứng về phía nhà Trần. Họ đã thực sự tin tưởng và dành nhiều tình cảm tốt đẹp hơn cho nhà Trần. Xét ngay như trong hoàng tộc nhà Trần cũng vậy, anh em trong họ ngày thường còn có xích mích, ghen tị lẫn nhau. Ấy vậy mà khi đất nước có nạn ngoại xâm thì mọi sự ghen ghét đố kỵ và mâu thuẫn cá nhân đều được dẹp bỏ sang một bên để cùng đồng lòng xả thân vì nước.

Qua hai lần cùng quân dân đứng lên đánh đuổi lũ giặc cướp nước, ông nhận ra rằng sự đoàn kết của anh em trong hoàng tộc cũng như của nhân dân trăm họ sẽ được củng cố và mạnh hơn bao giờ hết chính vào những lúc đất nước bị lâm nguy như thế này. Cũng chính bởi vậy nên một số kẻ bảo thủ tôn thờ nhà Lý vẫn thường rêu rao xuyên tạc là nhà Trần cố tình tạo ra mâu thuẫn với Bắc triều để gây ra nạn binh đao nhằm mục đích lôi kéo lòng dân. Chả ai đi tin vào những lời rêu rao láo lếu đó nhưng đúng là nếu xét về một khía cạnh nào đó thì lũ giặc Hồ kia đã góp phần vào việc làm cho nhà Trần chiếm được cảm tình của nhân dân trăm họ một cách nhanh chóng hơn. Điều này nếu trong cảnh thái bình thì có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn thì mới có thể đạt được.

Hôm nay ông đã tâm sự nhiều điều với viên tướng trẻ Trí Thắng. Nhưng có một điều ông vẫn giấu không nói ra đó là ông chính là con đẻ của Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu với cha ông An Sinh vương Trần Liễu. Tức là ông chính là anh trai cùng mẹ khác cha với đương kim Thượng hoàng Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Ông không kể chuyện này với Trí Thắng vì đó là một điều bí mật mà nhiều người trong hoàng tộc cũng không thể biết được.

Từ bé ông vẫn tưởng mình là con của bà Thiện đạo Quốc mẫu húy Nguyệt. Nhưng chính cha ông đã cho ông biết được sự thật vào đúng hôm Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu(1) mất. Hôm đó cha đã ôm lấy ông mà khóc như mưa khi hay tin bà đã mất. Nhìn cảnh cha khóc lịm đi, ông hiểu được cha mình đã thương yêu mẹ nhiều như thế nào.

Nhưng tại sao cha lại phải giấu giếm tông tích của con mình là câu hỏi làm ông mất nhiều đêm vắt óc suy nghĩ mà không ra. Ông biết ngoài cha mình ra thì không có ai có thể trả lời được thắc mắc này nên ông đem thắc mắc đó hỏi cha mình thì được biết rằng hồi đó cha ông có hai vợ. Vợ cả là bà Thuận Thiên lấy năm Giáp Thân (1224) và vợ hai là bà Trần Thị Nguyệt. Thật trùng hợp là vào năm Mậu Tý (1228), cả hai bà vợ đều sinh cho ông con trai. Ông chính là con của bà cả, còn Trần Doãn là con của bà hai. Đến năm Đinh Dậu (1237) quan Thái sư Trần Thủ Độ vì đại sự nhà Trần đã bắt ép mẹ ông khi đó đang có mang được ba tháng ép gả cho Quan gia lúc đó là Trần Thái Tông và cũng chính là em ruột của cha ông. Cha ông vì quá uất hận nên đã tập hợp gia binh, gia tướng làm phản định mưu đồ giết chết quan Thái sư Trần Thủ Độ. Song sự việc không thành, cha ông tuy được em trai thương tình huynh đệ mà tha cho tội chết nhưng phải bị đày đi Ái châu. Khi đó ông mới được chín mười tuổi, không muốn con mình phải chịu cảnh khổ ải nên cha đã phải nhờ chị ruột mình là công chúa Thụy bà chăm nuôi giúp. Nhưng để Trần Thủ Độ không nghi ngờ mà hãm hại con mình, ông phải nói dối mọi người đó là con của bà vợ hai Trần Thị Nguyệt. Còn Trần Doãn thì coi là con của bà Thuận Thiên và được cha mang đi theo.

Ông cũng từng hỏi cha là liệu quan Thái sư Trần Thủ Độ và Thượng hoàng Thái Tông có biết việc này không thì cha ông bảo: “Không biết quan Thái sư có biết không hay là có biết nhưng giả như không biết vì không thấy nói động đến việc đó. Còn Thượng hoàng Thái Tông hình như cũng mang máng biết chuyện nhưng ngài cũng không nói ra. Ngài chỉ đặt tên đứa con đầu của mình mà thực chất là con của cha là Trần Quốc Khang. Tức là có phần đệm giống với Quốc Tuấn như ngầm báo là ngài đã biết Quốc Tuấn chính là con đẻ của bà Thuận Thiên vậy”.

Hoàng hậu Thuận Thiên thì không thể không biết việc này! Song một phần vì cũng sợ quan Thái sư hãm hại con mình một phần phải lo giữ lễ nghĩa của hoàng triều nên không dám nhận con. Tuy nhiên bà vẫn ngầm cùng công chúa Thụy bà chăm nom cho con mình. Vậy nên, mặc dù cha bị đi đày nhưng trong cung Quốc Tuấn vẫn được chăm sóc đối xử như các vương tôn hoàng tử khác.

Ban đầu Quốc Tuấn cứ tưởng Thượng hoàng Thánh Tông và Thái sư Quang Khải không biết đến việc này vì ông nghĩ rằng nếu có người nói ra cho Thượng hoàng và Thái sư biết thì đó chỉ có thể là bà Thuận Thiên. Nhưng năm bà Thuận Thiên mất, Thượng hoàng lúc đó mới có tám tuổi, còn Thái sư thì mới bảy tuổi nên chắc chắn bà Thuận Thiên cũng không thể nào nói ra cho con mình biết được sự thật.Trong thâm tâm mình ông rất muốn được nhận anh nhận em nhưng lại rất sợ mọi người hiểu lầm rằng mình thuộc dạng thấy người sang bắt quàng làm họ. Ông sợ ngay cả Thượng hoàng và Thái sư cũng không tin điều đó. Tin làm sao được! Làm gì có ai có đủ tư cách để đứng ra làm chứng cho việc này!

Sau này khi đã được phong một chút tước vị trong triều đình thì ông lại thay đổi hẳn suy nghĩ, ông không muốn nói ra với bất kỳ ai câu chuyện này nữa. Ông chấp nhận chỉ một mình mình biết về điều bí mật đó và tự nhủ sống để bụng chết mang theo.

Nhưng ông đã nhầm! Còn một người nữa biết được việc này đó chính là Công chúa Thụy bà, người mà ông vô cùng yêu mến và kính trọng vì không những đã nuôi nấng dạy bảo ông từ thủa nhỏ mà còn là người đứng ra thu xếp nhân duyên cho ông với công chúa Thiên Thành. Nếu không có bà thì làm sao công chúa Thiên Thành có thể trở thành phu nhân của ông một cách dễ dàng đến như thế!(1)

Thụy bà rất thương yêu Quốc Tuấn, bà xem ông như con đẻ của chính mình. Lúc về già, sợ mình mất đi một cách đột ngột nên rất nhiều lần bà muốn nói cho Trần Hoảng và Trần Quang Khải biết nhưng vẫn còn e sợ Thượng hoàng Thái Tông. Chỉ đến khi Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà rồi thì bà mới dám nói ra sự thật.

Ngay sau hôm được nghe Thụy Bà công chúa kể lại sự việc, Thượng hoàng Thánh Tông cho gọi gấp ông từ Kiếp Bạc về Thăng Long để nhận anh nhận em. Thượng hoàng đã trách móc ông rất nhiều vì tội ông đã biết việc này từ lâu rồi mà giấu không chịu nói ra. Từ hôm đó ông với Thượng hoàng Thánh Tông trở nên gần gũi và khăng khít hơn bao giờ hết. Sự gắn kết bền chặt đó là kết quả của một mối quan hệ lằng nhằng có một không hai trong lịch sử. Ông với Thượng hoàng Thánh Tông vừa là anh em cùng mẹ khác cha vừa là anh em con chú con bác. Ông vừa là anh vợ của Thượng hoàng và Thượng hoàng lại là anh vợ của ông.

Vậy mà lạ thay trong thiên hạ lại đồn đại thêu dệt nên những câu chuyện ly kỳ về mối thâm thù giữa hai người.

*

*     *

Còn về phần Trí Thắng thì suốt mấy ngày sau khi đưa Quốc công Tiết chế xuống núi, anh vẫn cứ hình dung lại cảnh được ngồi hầu chuyện với Quốc công trên đỉnh núi U Bò. Anh đã được nghe những lời tâm sự từ chính miệng của vị tướng già. Hóa ra bao nhiêu câu chuyện về vị tướng này mà anh được ông nội và bố mình kể cho nghe từ tấm bé đến giờ hoàn toàn là những chuyện thêu dệt mà thành. Nay được nghe chính Quốc công nói ra anh mới biết rõ được sự thực. Anh tin là Quốc công nói đúng vì thấy ngài giải thích mọi chuyện rất hợp tình thấu lý. Qua đó anh thấy Quốc công không phải là một vị thánh mà cũng là một người bình thường bằng xương bằng thịt như bao con người khác.

Tuy nhiên sự kính trọng của anh đối với vị tướng già vẫn không hề thay đổi. Thậm chí sự kính trọng đó còn tăng lên gấp bội phần vì sự thật thà chân thành của vị tướng. Mọi chuyện thêu dệt kia toàn là nhằm mục đích nói tốt cho ông. Vậy mà ông đã không vì lợi ích cá nhân mà nhận xằng rằng những việc đó là có thực. Trí Thắng tự nhủ rằng những chuyện đã được nghe hôm đó anh sẽ giữ kín trong lòng và không bao giờ kể lại với bất cứ một ai khác. Hãy để cho nhân dân tôn thờ Quốc công như một vị Thánh nhân vì ngài xứng đáng được như vậy!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro