Sự hưng phấn tình dục của nạn nhân có thể được sử dụng như một sự biện minh?
Sự hưng phấn tình dục của nạn nhân có thể được sử dụng như một sự biện minh cho những kẻ hiếp dâm không?
Trên thực tế, khi bị cưỡng bức, nạn nhân thực sự có thể có hưng phấn tì.nh d.ục hoặc thậm chí cực khoái, điều này dựa trên sự thật khoa học. Tuy nhiên, một số người sử dụng phản ứng sinh lý để bảo vệ và biện minh cho những kẻ hiếp dâm là không đúng!
Để chứng minh điều này, mình sẽ dịch trích đoạn bài viết khoa học của tác giả Jenny Morber:
"Hiếp dâm. Đại đa số chúng ta không muốn đề cập đến nó, hoặc thậm chí chẳng muốn nghĩ về nó. Khi chúng ta (ít nhất là bản thân mình) nghĩ về nó, chúng ta luôn cảm thấy rất dữ dội. Đấu tranh, gào thét, vô vọng.
Khoảng 20% phụ nữ và 3% nam giới ở Hoa Kỳ đã trải qua các cuộc tấn công tình dục trong cuộc đời của họ. Hiếp dâm không phải lúc nào cũng đi kèm với bạo lực. Một số nạn nhân chọn cách vâng lời để bảo vệ bản thân hoặc những người họ yêu thương. Vẫn còn những người khác bị chuốc thuốc, đổ máu, mất khả năng chống lại (tinh thần/thể chất) hoặc ở trong một vị trí dễ bị tổn thương. Một số nạn nhân thậm chí là trẻ em... Đôi khi trong quá trình hiếp dâm (thường là bạo lực), nạn nhân có thể gặp phản ứng sinh lý ngày càng dữ dội, và sau đó đạt cực khoái. Vâng, nó thực sự xảy ra.
Dù thế nào đi nữa, đây không phải là một lý do để biện minh cho tội ác hiếp dâm!
Hiếp dâm và hưng phấn tình dục có thể xảy ra cùng một lúc, và cả hai không loại trừ lẫn nhau. Việc đem phản ứng sinh lý của nạn nhân để bao biện cũng phản ánh một quan niệm sai lầm phổ biến: nhầm lẫn hưng phấn tình dục với ý chí chủ quan. Ít nhất theo cách hiểu của công chúng, cực khoái là đỉnh cao của khoái cảm tình dục và khoái cảm tinh thần. Những người nắm giữ khái niệm này sẽ nói: Không phải một người đang bị hãm hiếp cũng có hứng thú sao? Không phải cơ thể của họ "muốn" tất cả những điều này ư?
Chúng ta hoàn toàn hiểu sai về sự hưng phấn tình dục và cực khoái khi bị hiếp dâm. Cho dù những kẻ hiếp dâm nghĩ gì, cực khoái của nạn nhân không có nghĩa bị tấn công tình dục là dễ chịu, cũng không có nghĩa là nạn nhân muốn. Vậy tại sao cơ thể nạn nhân lại có phản ứng sinh lý?
Rất đơn giản, cơ thể chúng ta phản ứng với tình dục và sợ hãi. Đó là lúc cơ thể phản ứng tự vệ không phụ thuộc ý chí hoặc sự cho phép của chúng ta.
Ướt, hoặc cực khoái trong khi bị hiếp dâm không phải là một biểu hiện của niềm vui, mà hoàn toàn là một phản ứng sinh lý tương tự như thở hoặc đổ mồ hôi (bất kể trạng thái tâm lý của họ) hoặc kích thích do adrenaline.
Giống như khi bị cù lét vậy. Bị cù lét có thể là một điều rất vui và buồn cười, nhưng nếu bạn bị cù do cưỡng ép, đó là một trải nghiệm rất khó chịu.
Việc kích hoạt phản ứng tình dục và cực khoái của cơ thể không cho thấy sự đồng ý của nạn nhân đối với kích thích tình dục. Thủ phạm thường bao biện dựa trên cơ sở rằng cực khoái tình dục của nạn nhân có thể chứng minh sự sẵn sàng của họ, về cơ bản là không đúng.
Sự hưng phấn tình dục của con người được thể hiện trong một trạng thái tâm lý và thể chất nhất định, và trong những trường hợp bình thường cả hai sẽ xảy ra cùng một lúc.
Nói cách khác, các thành phần tâm lý và thể chất tình dục của con người thường hài hòa, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Hưng phấn tình dục và cực khoái, như tim đập nhanh và đổ mồ hôi, có nguồn gốc từ hệ thống thần kinh tự trị được điều khiển bởi các phản xạ thần kinh tự do. Do đó, việc kiểm soát hưng phấn tình dục của con người không dễ hơn kiểm soát mức độ giãn đồng tử hoặc lượng mồ hôi. Trong quá trình bạo lực, phản ứng sinh lý mạnh do sợ hãi có thể làm tăng mức độ hưng phấn tình dục thông qua quá trình "chuyển kích thích". Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng sự lo lắng về mối đe dọa của điện giật có thể tăng cường phản ứng cương dương của những người tham gia nam khi xem hình ảnh khiêu dâm. Họ không muốn bị sốc, nhưng sự lo lắng xuất hiện khi họ bị đe dọa với cơn đau sẽ kích thích thể chất hoặc tăng hưng phấn.
Một số nạn nhân mô tả rằng ý thức của họ "biến mất" tại thời điểm đó. Rõ ràng tại thời điểm này tâm lý và sinh lý của họ bị ngắt kết nối. Các nghiên cứu thực nghiệm gần đây đã chỉ ra rằng việc cơ thể tự tiết ra chất nhờn âm đạo ở phụ nữ chính là một phản ứng thích nghi để giảm tổn thương do giao hợp. Cơ thể con người không hưởng thụ, nó đang cố gắng tự bảo vệ mình.
Điều đáng sợ là một số kẻ hiếp thao túng và kiểm soát tâm lý nạn nhân bằng cách cố gắng kích thích phản ứng sinh lý của nạn nhân. Chúng biết rằng khi nỗi sợ hãi và lo lắng tăng cường, nạn nhân cảm thấy khó chịu và xấu hổ. Họ có thể tự hỏi: "Tôi thực sự muốn nó trong tiềm thức? Tôi có một phản ứng sinh lý như vậy, thật đáng xấu hổ" - lúc này, nạn nhân tự nhận lỗi về phía mình và không dám tố cáo thủ phạm.
Không chỉ xảy ra với nữ giới, các nạn nhân nam cũng trải qua sự thất vọng và mặc cảm vì kết quả của phản ứng sinh lý khó hiểu này. Trong nhiều trường hợp, sự nhầm lẫn này có thể ngăn nạn nhân nói lên sự thật về tấn công tình dục."
Vậy, trên phương diện khoa học, phản ứng sinh lý của con người khi bị hiếp dâm không đại diện cho ý chí của họ.
Trên phương diện pháp luật, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: "Hiếp dâm là hành vi của một người hoặc một số người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác TRÁI VỚI Ý MUỐN của họ."
Hành vi dùng vũ lực có thể là vật ngã, giữ chân tay, bịt miệng, trói... Đe dọa dùng vũ lực là dùng lời nói hoặc cử chỉ, động tác nhưng chưa tác động trực tiếp vào người nạn nhân khiến họ hiểu rằng nếu không cho giao cấu có thể bị dùng vũ lực ngay. Tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là khi họ ở trong tình huống không thể kháng cự, bị bệnh hoặc say rượu, mất nhận thức...
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, ngoài ra còn có thể xâm phạm đến sức khỏe gồm sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần hoặc gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân.
Cre: Nhóm tâm lý - pháp lý Tổ Kén.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro