Chương 16: Huyền Cơ 9

Bí ẩn 9

Mưa sa rả rích một hồi rồi lặng dần, phố xá ẩm ướt. Tần Ngôn cầm dù, Thẩm A Kim nắm ngón tay út của cô, ban đầu hai người chạm mu bàn tay rồi đan ngón vào nhau, sau lại buông lỏng nắm nhẹ.

Kẽ ngón tay tê tê, như mèo con đang liếm láp.

Nhẹ hơn cả tiếng liếm ấy là giọng Thẩm A Kim: "Cô A Ngôn đang nghĩ gì thế?"

Thẩm A Kim giỏi dùng chiêu "Dĩ thoái vi tiến" (1), mỗi lần hỏi vậy là nàng có điều muốn nói.

(1) Dĩ thoái vi tiến: Lùi một bước tiến hai bước

Tần Ngôn khẽ móc ngón út, kéo đầu ngón tay nàng lại, hỏi: "Muốn nói gì?"

Thẩm A Kim mỉm cười mềm mại, cười vì Tần Ngôn hiểu mình, lát sau thu lại nụ cười rồi thở dài: "Cô A Ngôn có thấy, phải chăng bà Du quả nhiên đã quên hết rồi sao?"

Tần Ngôn không trả lời, chỉ ôn nhu đáp: "Với nhiều người, nhớ và sống, chỉ có thể chọn một."

"Ý cô là sao?"

"Đứt đường sống, mất hết gia sản, đứa trẻ yểu mệnh, bà ấy cũng không sống nổi." Tần Ngôn nhớ lại lúc rời phòng bà Du, trong căn phòng tồi tàn, ánh nắng vẫn len lỏi qua cửa sổ. Trên góc bệ, một đóa bách hợp đơn độc đứng trong bình nước trong veo, hẳn nước vừa được thay.

Bà Du vốn chẳng nhớ gì, ắt hẳn là do Du Như thay.

"Vậy bà Du tự thuyết phục mình, Du Như chính là Du Như." Thẩm A Kim tiếp lời, trầm ngâm: "Nhưng nếu bà ấy tự lừa dối mình, sao đôi lúc vẫn nhớ?"

"Bởi vì quên và yêu, cũng chỉ được chọn một." Tần Ngôn đáp.

Thẩm A Kim lặng thinh.

Tần Ngôn liếc nàng: "Tôi kể em nghe một câu chuyện."

Tai Thẩm A Kim dựng lên, nàng nhạy cảm nhận ra mong muốn giãi bày hiếm hoi của Tần Ngôn. Điều này khiến gương mặt Tần Ngôn khác lạ, hàng mi cô dịu dàng rủ xuống, xua đi vẻ lãnh đạm thường ngày.

"Ừm." Thẩm A Kim gật đầu.

Phía sau vọng lại giọng nói nhàn nhạt: "Em nghe có tiện không?"

Tần Ngôn ngoảnh mặt, thấy Liễu Trà thò đầu ra, mắt nhìn chằm chằm xuống đất giữa hai người. Thật thừa thãi, cô ước gì có đạo sĩ nào đó xuất hiện thu phục mình, nhưng trí tò mò lại thắng thế, khiến Tần Ngôn đành lên tiếng: "Tiện."

"Cảm ơn." Liễu Trà rụt đầu lại.

Tần Ngôn không đáp thêm, chỉ suy nghĩ giây lát rồi thong thả kể:

"Cuối thời nhà Đường từng có một nữ thi sĩ, lớn lên ở Tây Kinh, dung mạo tuyệt trần, tài hoa hơn người. Cô gái này họ Ngư."

"Ban đầu nàng làm thiếp, nhưng bị vợ cả ghen ghét, đành vào đạo quán tu hành."

"Nàng tính tình phóng khoáng, kết giao với nhiều văn nhân tài tử, ngâm thơ đối đáp, sống một đời tự do tự tại."

"Nàng có một tỳ nữ, thân thiết như chị em. Tỳ nữ theo nàng lâu ngày, dần cũng thông minh lanh lợi, tâm tư tinh tế."

Thẩm A Kim nghe chuyện, trong đầu hiện lên hình ảnh hai cô gái trong đạo quán: Một áo xanh dài thướt tha, một áo ngắn giản dị. Hai người ngồi dưới đất uống rượu kích phữu (2), ánh mắt đan vào nhau, nụ cười rạng rỡ.

(2) Kích phữu: Cái phữu (cái vò dùng làm nhạc khí của nước Tần thời xưa) gõ phữu để làm nhịp hát (từ điển Trần Văn Chánh)

"Về sau thì sao?" Nàng không nhịn được hỏi.

"Về sau, tỳ nữ tư thông với một tình lang của nữ tử. Nữ tử vì ghen tuông đã chém chết tỳ nữ, bị quan phủ bắt, kết án trảm quyết. Cả hai cùng xuống Hoàng Tuyền, hồn về phủ Thái Sơn."

Thẩm A Kim rùng mình, cắn môi, ánh mắt ngập ngừng nhìn Tần Ngôn.

Tần Ngôn khép mắt, tiếp tục: " Phủ Thái Sơn xử vụ án này ba lần."

Nữ tử quỳ dưới đại đường, khóe miệng vẫn phảng phất vẻ khinh bạc, phong thái như thơ nàng từng làm.

Lần đầu, nàng cười nhạt: "Bởi ghen."

Nói y như lời khai với quan lại nhân gian: Ghen vì tỳ nữ chia sẻ ánh mắt tình lang, ghen vì khuôn mặt trẻ trung tươi mới của nàng ta.

Lần hai, nàng bị ký ức giày vò đến điên loạn, vật vã trên đất, cổ không còn ngẩng cao, vẫn đáp: "Ghen."

Nhưng ghen cái gì, không nói rõ.

Lần ba, quỷ sai lấy giọt máu tim nàng nắm chặt lúc tuốt kiếm (3), bắt nàng trở lại ngày ấy, trong huyễn cảnh giết tỳ nữ bảy bảy bốn chín lần. Đến lần cuối, nàng hoàn toàn sụp đổ, nuốt máu tươi, ôm lấy tỳ nữ trúng kiếm, giọng nghẹn ngào: "Đừng bỏ ta."

(3) Chỗ này theo mình hiểu có lẽ là lúc rút kiếm ra giết người thương thì cô ấy cảm thấy đau đớn trong tim, tim bị bóp nghẹt, nên mới là quỷ sai lấy máu tim lúc đấy, bắt trở lại đúng cái cảnh cô ấy giết tỳ nữ để giày vò cô ấy. Mình cũng không biết phải dịch ra thế nào nên giải thích thêm bên dưới=)). Nếu hiểu sai mong được góp ý nhẹ nhàng ạ.

Những tình lang đi đi lại lại như bóng ma, sự phóng khoáng của nàng chỉ vì chưa từng thực sự để ai vào tim. Thứ nàng trân trọng là bàn tay nắm bên gối khi đêm về, là vòng tay tựa vào lúc nghe mưa rơi.

"Đừng bỏ ta."

Không thể mất. Nếu phải mất, thì người khác cũng đừng hòng có được.

"Xử xong, nữ tử quỳ thẳng, chỉ nói mọi hình phạt nàng đều nhận, kiếp sau khổ ải cũng sớm đoán trước, chỉ xin trên điện hai điều."

"Một, nguyện không biết chữ, làm kẻ ngu si, chẳng hiểu tứ thư ngũ kinh, chẳng cần lanh lợi."

"Hai, nguyện không biết yêu, làm kẻ mê muội, chẳng phân biệt thất tình lục dục, chẳng còn tâm đầu ý hợp."
Tần Ngôn thở dài.

Thẩm A Kim nhíu mày: "Phủ Thái Sơn có chấp nhận không?"

"Chấp nhận."

"Nhưng..."

"Cũng chấp nhận nguyện ước của tỳ nữ."

"Tỳ nữ nguyện gì?"

"Được ở bên nàng."

Thẩm A Kim nghi hoặc: "Tỳ nữ... chẳng phải tư thông với tình lang, định bỏ trốn sao?"

"Không phải." Tần Ngôn lắc đầu.

"Vậy là sao?" Thẩm A Kim trong lòng linh cảm điều gì.

Chẳng lẽ... tỳ nữ cũng có tình ý khác thường, không chịu nổi cảnh chủ nhân ngày ngày đàm phong thưởng nguyệt với bằng hữu, mới mượn cớ ra đi? Và khi lưỡi kiếm của chủ nhân đâm vào mình, tỳ nữ mới hiểu được tấm lòng nàng.

Tần Ngôn không giải thích, chỉ nói: "Phần còn lại, tự nghĩ đi."

"Tại sao?" Thẩm A Kim không hiểu. Sao cô chỉ kể nửa vời?

"Bởi câu chuyện này tên là Huyền Cơ." Tần Ngôn mỉm cười, ánh mắt nhìn nàng thâm trầm.

Huyền Cơ... Huyền Cơ. Thẩm A Kim lẩm nhẩm vài lần, dừng bước, đờ đẫn.

Ý nghĩ trong đầu bám víu như khúc gỗ trôi, khiến nàng nảy ra suy đoán hoang đường hơn, giấu trong ngõ hẻm vừa rồi.

Nàng vội vàng đuổi theo, hỏi Tần Ngôn: "Cô A Ngôn, chúng ta đã từ biệt bà Du và Du Như rồi sao?"

"Ừ."

"Bà Du khổ thế, nếu có thể kiếm kế sinh nhai tử tế..."

"Lúc đi, tôi để lại một túi tiền trên bàn." Tần Ngôn ngắt lời, giọng dịu dàng hơn, không khiến người nghe phật ý.

Túi tiền ấy vừa là thù lao, cũng là một lựa chọn.

Thẩm A Kim hiểu ra, chợt nhớ điều gì hệ trọng. Nàng liếc Tần Ngôn, khẽ hỏi: "Cô A Ngôn trước đây không phải bảo theo tục quê, không được can dự chuyện nhân gian sao?"

"Ừ." Tần Ngôn gật đầu.

"Vậy thì..."

"Vậy nên đừng nói."

Thẩm A Kim sững người, rồi bật cười một tiếng, vòng tay qua cánh tay Tần Ngôn, giọng mềm mại: "Ừm."

"Em sẽ không nói đâu." Nàng thều thào, như một lời hứa.

Lời tác giả:

Câu chuyện Tần Ngôn kể dựa theo "Tam Thủy Tiểu Độc" cuối thời Đường, ghi chép về Ngư Huyền Cơ và tỳ nữ Lục Kiều. Sử sách chép Ngư Huyền Cơ vì ghen giết Lục Kiều, cũng có giai thoại cho rằng hai người có tình ý, dẫn đến án mạng tình ái.

Tìm hiểu thêm:

Tam Thủy Tiểu Độc (三水小牍): Ghi chép kỳ lạ cuối thời Đường

Thể loại: Tiểu thuyết thần quái

Tác giả: Hoàng Phủ Mai

Tam Thủy Tiểu Độc là tập truyện kỳ ảo được sáng tác vào cuối thời Đường và Ngũ Đại, do Hoàng Phủ Mai viết.

Nguyên tác gồm ba quyển, nhưng bản hiện nay chỉ còn hai. Tác phẩm chủ yếu ghi chép những chuyện kỳ lạ và giai thoại cuối đời Đường, nhiều câu chuyện mang màu sắc thần quái.

Các truyện nổi tiếng như Phi Yên truyện với cốt truyện bi thương cảm động, từng được lưu hành độc lập. Những truyện khác như Vương Tri Cổ phản ánh sự kiêu ngạo và tàn bạo của tướng quân phiên trấn Trương Trực Phương; Khước Yêu miêu tả sự thông minh lanh lợi của nữ tỳ và sự dâm đãng của con nhà quyền quý; Ngư Huyền Cơ kể về đạo sĩ nữ Ngư Huyền Cơ với tính cách hung dữ, khắc họa nhân vật đậm cá tính.

Tác phẩm thường đan xen thơ ca và biền ngẫu, văn phong hoa mỹ, mang nét độc đáo trong văn học kỳ ảo cuối đời Đường.

Trích đoạn truyện Ngư Huyền Cơ:

Nữ đồng tên Lục Kiều, thông minh xinh đẹp.

Một hôm, Huyền Cơ được mời sang viện bên cạnh, trước khi đi dặn Lục Kiều: "Đừng ra ngoài. Nếu có khách quen đến, chỉ nói ta đang ở nơi nào đó." Huyền Cơ bị bạn giữ lại, đến tối mới về. Lục Kiều ra đón cửa nói: "Vừa có khách đến, biết đạo sư không có nhà, liền rời đi ngay." Vị khách này vốn thân thiết với Huyền Cơ, nàng nghi Lục Kiều tư thông với hắn.

Đêm đến, Huyền Cơ đóng cửa thắp đèn, gọi Lục Kiều vào phòng tra hỏi. Lục Kiều thưa: "Con hầu hạ đạo sư nhiều năm, luôn giữ mình, không dám phạm lỗi. Khách đến gõ cửa, con chỉ đáp 'đạo sư không có nhà', hắn im lặng rời đi. Tình cảm ấy con không dám nghĩ đến, xin đạo sư đừng nghi ngờ."

Huyền Cơ càng giận, lột áo Lục Kiều rồi đánh hàng trăm roi, nhưng Lục Kiều vẫn khăng khăng phủ nhận.

Lục Kiều kiệt sức, xin chén nước tưới đất mà nói: "Đạo sư tu đạo trường sinh, nhưng vẫn vướng dục tình. Nay lại đổ oan cho kẻ trinh tiết. Con chết dưới tay đạo sư, nếu không có trời thì không biết kêu ai. Nếu có, hồn con sẽ không ngừng tố cáo tội dâm loạn của người!" Nói xong, Lục Kiều gục chết.

Huyền Cơ sợ hãi, chôn Lục Kiều ở sân sau, nghĩ không ai biết. Đó là tháng Giêng năm Mậu Tý niên hiệu Hàm Thông (868). Ai hỏi đến Lục Kiều, Huyền Cơ đáp: "Trời mưa xong, nó bỏ trốn rồi."

Một hôm, có khách đến nhà Huyền Cơ dự tiệc, đi tiểu ở sân sau, thấy đàn ruồi xanh bu đất, đuổi đi lại về. Xem kỹ, thấy vết máu và mùi tanh. Khách về nói với đầy tớ, người này lại kể với anh trai - vốn là lính tuần phố. Trước đây, anh ta từng xin tiền Huyền Cơ nhưng bị từ chối, nên căm hận. Nghe chuyện, anh ta đến đạo quán dò xét, phát hiện không thấy Lục Kiều ra vào. Lập tức dẫn người xông vào đào sân sau, thi thể Lục Kiều vẫn nguyên vẹn như sống.

Huyền Cơ bị giải lên phủ Kinh Triệu, nhận tội. Tuy nhiên, nhiều quan lại trong triều biện hộ cho nàng. Đến mùa thu, nàng vẫn bị xử tử.

Trong ngục, Huyền Cơ có làm thơ:

"Dễ cầu vô giá bảo,
Khó được lang tử tình.
Trăng sáng soi khe tối,
Gió lành thổi áo bình."

Đây là những câu thơ đẹp nhất của bà.

Nguồn: Baidu

À thì hơi dài dòng nhưng mà mình tìm hiểu thấy hay hay nên chia sẻ với mọi người=)))

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro