Khúc dạo đầu: Lý Hậu Chủ

Hồng Kông, năm 1968

Vở phim kịch Quảng Đông <Lý Hậu Chủ> do Nhâm Kiến Huy và Bạch Tuyết Tiên đóng chính thức công chiếu. Bộ phim mất tròn 3 năm để quay, huy động hơn một nghìn diễn viên tham gia với mức kinh phí lên tới 1,2 triệu đô la [1]. Vừa công chiếu, liền gây nên cơn sốt chưa từng thấy, rạp ngồi kín người, phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé Hồng Kông.

Trong buổi công chiếu đầu tiên, Trần Vân Sinh cũng đi xem.

Xuyên suốt buổi chiếu, vài khán giả ngồi cạnh cô thi thoảng bàn tán: "Chuyện buồn như này, sao lại chọn công chiếu đúng mùng Một Tết?", hoặc bình phẩm: "Chị Nhâm dù sao cũng có chút tuổi rồi..." — Có điều Trần Vân Sinh hoàn toàn chẳng để tâm.

Khiến cô bận lòng, rốt cuộc vẫn là những cảnh bi hoan ly hợp trên màn ảnh.

"Chúc quân hoàng, an lạc thọ khang, giang sơn vững bền..."

Thuở nào, cô cũng từng có một vị quân vương như thế. Nguyện vì nàng mà thoa phấn lên đài, cũng nguyện vì nàng mà mai danh ẩn tích, rửa tay nấu cơm.

Hẳn là tuổi tác ngày một cao, cô xem không nổi kết cục bi thương ấy. Bộ phim mới diễn đến cảnh cố quốc quy hàng, Trần Vân Sinh đã đứng dậy bỏ về.

Đây vốn là phân cảnh trọng tâm của phim, hiếm người sẽ rời rạp vào đoạn cao trào. Hơn nữa, việc cô bỏ về khó tránh làm phiền tới những khán giả khác đang đắm chìm trong từng thước phim. Khi cô lướt qua một người đàn ông đeo kính, người ấy "hừ" nhẹ một tiếng.

"Ngại quá." Trần Vân Sinh khẽ thốt lời xin lỗi, vội vàng len qua khe hở trước mặt người đàn ông.

Vừa rời phòng chiếu, còn chưa kịp đi hết hành lang thì đã bị người gọi giật lại: "Xin hỏi có phải là cô Trần Vân Sinh không?"

Trần Vân Sinh ngoái đầu, mơ hồ nhận ra là người đàn ông đeo kính ban nãy, đang độ năm mươi, bộ đồ tây ôm lấy thân hình mập mạp nhưng lại toát nên khí chất nho nhã, có thể đoán lúc trẻ hẳn là một người đàn ông phong độ.

"Là tôi," Trần Vân Sinh hơi ngạc nhiên, "xin hỏi ngài là...?"

Người ấy mỉm cười, rút ra một tấm danh thiếp: "Tôi là Vương Thiệu Kiệt, trước từng làm phóng viên ở Thượng Hải, hai mươi năm về trước từng phỏng vấn qua cô và cô Ngu đấy."

Trần Vân Sinh bỗng vỡ lẽ: "Tôi nhớ ra rồi. Khi đó ngài còn chụp giúp chúng tôi một tấm ảnh. Chị Mai rất thích, đến giờ vẫn treo trong nhà.

Vương Thiệu Kiệt cười nói: Năm 48 hai vị đến Hồng Kông liền biệt vô âm tín, không ngờ hôm nay lại có duyên gặp lại. Hóa ra cô Trần sau khi đến Hồng Kông cũng thích xem kịch Quảng?"

Trần Vân Sinh lắc đầu: "Thật ra đến giờ tôi vẫn nghe tiếng Quảng chưa thông. Có điều chị Mai thích, ngày trước tôi cũng thường đi cùng chị."

Từ khi đến Hồng Kông, Ngu Mạnh Mai vẫn thi thoảng đi xem hát, không phân biệt Kinh kịch, Quảng Kịch hay Hoàng Mai kịch. Vở nàng yêu thích nhất là <Đế Nữ Hoa>, lúc đánh mạt chược đôi khi còn dùng tiếng Quảng bập bẹ ngân nga mấy câu quán hoa [2]: "Ngọc bích Lận Tương Như còn giữ trọn, nữ đế Chu phò mã còn bảo toàn. Thà để máu nhuộm đỏ long đình, tiết khí xung thiên phá ngân hà." [3]

"Cô Ngu không đến sao?" Vương Thiếu Kiệt có chút ngạc nhiên. Năm đó hai vị này chẳng rời nhau nửa bước, kẻ trước người sau như hình với bóng. Hôm nay sao lại chỉ có một mình Trần Vân Sinh?

Trần Vân Sinh nói: "Chị Mai năm ngoái đã mất rồi."

"Xin lỗi, tôi không biết..." Vương Thiếu Kiệt có chút ngượng ngùng.

"Không sao," Trần Vân Sinh lắc đầu, "lúc chị ấy đi rất bình yên."

Lúc hấp hối, Ngu Mạnh Mai còn khẽ cười mà vuốt ve khuôn mặt Trần Vân Sinh: "Xem ra Lương Sơn Bá phải bay đi trước rồi."

Vương Thiếu Kiệt thận trọng đề nghị: "Năm đó hai vị đột ngột giải nghệ, biệt vô âm tín, khiến không ít khán giả đến giờ vẫn còn thương nhớ, mười phần hiếu kỳ về cuộc sống của hai vị sau khi rời sân khấu. Nếu tiện, tôi muốn mời cô Trần dùng tách cà phê, ôn lại chuyện xưa."

Trần Vân Sinh cười: "Vương tiên sinh vẫn còn làm phóng viên à?"

"Sau khi đến Hồng Kông đã chuyển nghề rồi, bất quá vẫn còn chút bệnh nghề nghiệp," Vương Thiếu Kiệt đùa, "vả lại, tôi dù gì cũng là khán giả trung thành của hai vị suốt nhiều năm."

Trần Vân Sinh nghĩ nghĩ, nói: "Năm đó chị Mai cùng Vương tiên sinh trò chuyện rất ăn ý. Tôi ở Hồng Kông gặp lại ngài cũng là duyên phận. Thế này đi, tiên sinh ngày khác nếu có thời gian, mời lại nhà tôi ngồi, những chuyện mấy chục năm nay... tôi sẽ kể lại cho ngài nghe."

***

Hơn mười ngày sau, Vương Thiếu Kiệt đúng hẹn đến thăm nhà Trần Vân Sinh.

Trần Vân Sinh sống tại khu Cửu Long Đường. Tòa biệt thự hai tầng màu trắng, trước cổng trải dài thảm cỏ xanh mướt. Lần đầu nhìn thấy ngôi nhà, Vương Thiệu Kiệt thoáng ngạc nhiên, nhưng chợt nghĩ tới chuyện cả Ngu Mạnh Mai lẫn Trần Vân Sinh đều từng là minh tinh Thượng Hải một thời, mà Ngu Mạnh Mai lại nổi tiếng có tài quản lý tài chính khéo léo - cuộc sống sung túc thế này cũng chẳng có gì là lạ.

Khi được người giúp việc mời vào phòng khách, Trần Vân Sinh đang quay lưng lại phía ông, điện thoại áp tai: "Ừm, được, tôi biết rồi." Vẫn rặt một giọng khẩu âm Giang Nam.

Vương Thiếu Kiệt không tiện làm phiền, lặng lẽ đảo mắt quanh phòng. Trên bàn trà đặt một xấp ảnh, có lẽ là Trần Vân Sinh đã đặc biệt chuẩn bị sẵn cho cuộc gặp hôm nay. Tấm nằm trên cùng chính là bức năm đó ông đã từng chụp cho Ngu Mạnh Mai và Trần Vân Sinh.

Trong tấm ảnh đen trắng, hai người phụ nữ xinh đẹp ngồi cạnh nhau. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt hơi dài, mái tóc ngắn gọn gàng, khoác trên người bộ sườn xám sẫm màu. Thiếu nữ bên cạnh mặt trái xoan, tóc uốn gợn sóng, một thân sườn xám vải kẻ ô đơn giản, nàng hơi nghiêng đầu, chăm chú ngắm nhìn người phụ nữ tóc ngắn. Trên khuôn mặt cả hai đều nở một nụ cười xán lạn.

Tấm ảnh được giữ gìn cẩn thận, chỉ có phần giấy ảnh theo năm tháng đã ngả màu vàng nhạt. Lật mặt sau, viết một hàng chữ nhỏ màu đen: "Xin chuộc mạng người, bằng trăm thân này. [4]"

Chữ viết tuy không đẹp, nhưng sự nâng niu cẩn trọng lại hiện rõ trong từng nét bút. Nhìn từ màu mực, có thể đoán thời gian những chữ này được viết cách đây không lâu. Vương Thiếu Kiệt nhìn dòng chữ suy luận, có lẽ là sau khi Ngu Mạnh Mai qua đời mới được thêm vào.

Tám chữ này bắt nguồn từ <Kinh Thi>, 'nếu có thể đổi người sống lại, dẫu có chết trăm lần ta cũng nguyện ý.' Có thể thấy, người đề chữ quả thật đang khắc xuống nỗi thương nhớ vong nhân. Đối mặt với bức ảnh chính mình chụp từ nhiều năm trước, Vương Thiếu Kiệt trong đầu bỗng văng vẳng câu hát từ buổi xem phim hôm trước: "Sợ là thần tiên quyến thuộc, cũng không thoát khỏi tang thương."

Tình cảm dẫu sâu nặng đến đâu, cuối cùng cũng không thoát được cảnh sinh ly tử biệt.

Ngoài chiếc bàn trà, bức tường trắng trong phòng khách cũng trang trí những tấm ảnh của Ngu Mạnh Mai và Trần Vân Sinh, chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc đời thường của hai người. Góc trên bên phải lộ ra một khoảng trống, chỉ còn lại một chiếc đinh đóng. Vương Thiếu Kiệt chợt nhớ Trần Vân Sinh từng nói Ngu Mạnh Mai vẫn luôn treo bức ảnh ông chụp ở trong nhà, đoán rằng khoảng trống đó chính là vị trí từng treo tấm hình ấy. Dưới tấm hình lặng lẽ đặt một chiếc máy hát cùng chồng đĩa được xếp ngay ngắn trên giá.

Vương Thiếu Kiệt lần lượt xem xét từng chiếc đĩa.

"Thật ngại quá, để Vương tiên sinh phải đợi lâu rồi." Trần Vân Sinh cúp điện thoại, đi lại gần.

Vương Thiếu Kiệt một bên cười bảo "không sao", một bên thầm đánh giá Trần Vân Sinh.

Mái tóc cô được buộc gọn sau gáy, khoác trên người bộ sườn xám nhung đen, cổ áo cài chiếc trâm bạc giản dị phớt tua rủ. Gió xuân se lạnh, trên đôi vai gầy còn choàng thêm tấm khăn lông trắng mịn.

Trần Vân Sinh nhìn thấy chiếc đĩa hát trong tay Vương Thiếu Kiệt, khẽ mỉm cười: "Năm 43 ở Đại Lục, chị Mai có dẫn tôi đi thu âm đĩa hát đầu tiên. Hồi ấy vẫn còn hát theo điệu Tứ Công cơ." [5]

Người giúp việc đúng lúc dâng cà phê lên. Bộ tách và đĩa lót bằng bạc nguyên chất khắc họa tiết hoa điểu tinh xảo, mang đậm dấu ấn những tòa lầu son thời xưa của Thượng Hải.

Trần Vân Sinh nhẹ nhàng tiếp lấy chiếc đĩa từ tay Vương Thiếu Kiệt, đặt vào máy hát, khúc điệu Việt kịch rè rè phát lên: "Trước cửa thư phòng có nhành mai, chim đậu trên cành thành đôi thành cặp. Hỉ Thước khắp cây thầm thì to nhỏ, nhảy nhót qua lại khắp cành cây." [6]

"Tôi nhớ cô Trần hình như là người Tân Xương?" Trong tiếng nhạc, Vương Thiệu Kiệt mở lời.

"Ừm, có điều lúc 9 tuổi đã vào ban học hí ở huyện Thặng rồi."

"Cô học bao lâu?"

"Ba năm, sau đó có đi biểu diễn ở vài vùng quê lân cận."

"Nếu tôi nhớ không lầm, cô Trần đến Thượng Hải khoảng đầu thập niên 40?"

Trần Vân Sinh gật đầu: "Năm Dân Quốc 29, tôi lên tàu từ Ninh Ba."

"Hẳn là lúc đó còn rất trẻ nhỉ?"

"Mười lăm tuổi, vẫn còn là tiểu nha đầu ngờ ngờ nghệch nghệch."

"Vậy cô và cô Ngu gặp nhau vào năm nào?"

Trần Vân Sinh cười lên: "Vương tiên sinh, những câu này ngài đều từng hỏi tôi rồi."

Vương Thiếu Kiệt ngượng ngùng. Ông có quá nhiều câu hỏi, lại không biết bắt đầu từ đâu, trong vô thức liền lặp lại những câu phỏng vấn năm xưa. Ông trong lòng thầm tính toán, hiện giờ Trần Vân Sinh chưa đầy bốn mươi lăm tuổi, lẽ ra vẫn đang ở thời hoàng kim của diễn viên hí khúc.

"Đến Hồng Kông rồi, hai vị có còn lên sân khấu hát Việt kịch nữa không?"

Trần Vân Sinh lắc đầu, lại nói: "Tám năm trước viện Việt kịch Thượng Hải có đến Hồng Kông lưu diễn, một số chị em cũ cố gắng liên lạc, mong chúng tôi trở về. Nhưng lúc đó sức khỏe chị Mai không tốt nên tôi đã từ chối. Nghe nói nội địa bây giờ loạn lắm, chắc là không thể quay về được nữa."

"Ở Thượng Hải không thiếu người Hồng Kông, Chiết Giang, mấy năm trước Trường Thành có phát hành vài bộ phim Việt kịch [7], cũng được khán giả hưởng ứng không ít, tôi liền nghĩ Việt kịch vẫn còn chỗ đứng ở thị trường Hồng Kông. Chỉ là không biết cô Trần có còn muốn bước lên sân khấu nữa hay không?"

Nghe lời đề nghị của ông, sắc mặt Trần Vân Sinh thoáng phức tạp. Cô trầm tư hồi lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu: "Chị ấy không còn, sân khấu cũng mất đi màu sắc của nó rồi."

------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

[1]: Theo phỏng vấn của chính Bạch Tuyết Tiên, chi phí sản xuất trung bình một bộ phim tại Hồng Kông thời đó chỉ khoảng 6-7 vạn HKD (tương đương 60,000-70,000 đô la Hồng Kông). Riêng Lý Hậu Chủ có kinh phí lên tới 1.2 triệu HKD, được coi là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử điện ảnh đương thời.

Quán hoa [2]: Thuật ngữ trong Quảng kịch, diễn tả cách hát nhanh, tiết tấu dồn dập như hoa nở xoáy, thường dùng trong phân đoạn kịch tính cao trào.

Ngọc bích Lận Tương Như còn giữ trọn,

Nữ đế Chu phò mã còn bảo toàn

Thà để máu nhuộm đỏ long đình,

Tiết khí xung thiên phá ngân hà [3]:

Lận Tương Như: Danh thần nước Triệu thời Chiến Quốc nổi tiếng với điển tích "hoàn bích quy Triệu" (ngọc trả về nước Triệu)

Chu phò mã: Chu Thế Hiển, phò mã, cũng là nhân vật chính trong vở Đế Nữ Hoa.

4 dòng câu hát thể hiện khí phách anh hùng, dùng điển tích bảo vệ ngọc để ví von việc Chu Thế HIển bảo vệ nữ đế.

Xin chuộc mạng người, bằng trăm thân này [4]: Câu thơ cổ trích trong Hoàng Điểu - Kinh Thi, mang ý nghĩa về sự hy sinh và tiếc thương. Dịch Hán Việt là: "Như khả thục hề, nhân bách kỳ thân."

Điệu Tứ Công [5]: Lối hát kịch truyền thống, có tiết tấu chậm, âm vực cao, chủ yếu thích hợp với các vai hoa đán.

Trước cửa thư phòng có nhành mai,

chim đậu trên cành thành đôi thành cặp.

Hỉ Thước khắp cây thầm thì to nhỏ,

nhảy nhót qua lại khắp cành cây. [6]:

4 câu trong trích đoạn <Thập Bát Tương Tống>, dịch sang Tiếng Việt là <Mười Tám Dặm Tiễn Đưa> từ vở <Lương Chúc>. Lời ca mô tả cảnh xuân tươi sáng, ám chỉ mối tình trong trẻo giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Hỉ Thước, còn được gọi là chim khách, tượng trưng cho tình yêu và mang đến điềm vui ý lành.

[7]: Vào những năm 1960, hãng phim Trường Thành của Hồng Kông có sản xuất một số bộ phim Việt kịch: <Vương Lão Hổ cưới vợ>, <Tam Khánh Ngự Muội>, <Kim Chi Ngọc Diệp>, đều do Hạ Mộng diễn chính.

------------------------------------------------------------------------------------

Lời tác giả:

Nguồn cảm hứng ban đầu của câu chuyện này xuất phát từ Nhâm Kiếm Huy và Bạch Tuyết Tiên, vì thế phần mở đầu được khơi gợi từ hình ảnh "Nhâm Bạch" ở Hồng Kông. Tuy nhiên, sau khi được tôi cải biên, câu chuyện này đã không còn mấy liên quan đến Nhâm Bạch (thực chất là hoàn toàn OOC*), nghĩa là tác phẩm thuần là hư cấu, địa điểm và loại hình kịch cũng đã được tôi thay đổi, nhân vật chính cũng là nguyên bản.

Dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng vì nguồn gốc lấy cảm hứng từ Nhâm Bạch, tôi nghĩ màu sắc câu chuyện vẫn tương đối nhẹ nhàng, nhiều đường ngọt, cũng không có quá nhiều quốc thù gia hận (trong khi những tác phẩm hạn chế tôi từng đọc về kịch thời Dân Quốc hầu như đều rất buồn thảm). Mọi người có thể yên tâm "thưởng thức".

Nghe nói thể loại bách hợp rất ít người quan tâm, đề tài này lại càng bị mọi người ghẻ lạnh hơn nữa. Tôi thực sự đã chuẩn bị tinh thần... thất bại. Nhưng nếu mọi người cảm thấy câu chuyện còn khá ổn, xin hãy dành chút động viên. Bởi chỉ dựa vào tình yêu đơn phương của tác giả thì rất có thể sẽ "mất điện" giữa chừng :)

------------------------------------------------------------------------------------

Lời editor:

Tác giả sợ "mất điện", editor cũng sợ TvT mới chương đầu mà dịch mệt luôn á mọi người, mình phải đi đọc tài liệu về Kinh Thi đồ để chú thích cho rõ. Mọi người nhớ vote ủng hộ cho mình có động lực làm tiếp nha mình cảm ơn :>>>

Nhân tiện thì mình có gắn link trích đoạn <Thập Bát Tương Tống> do Trần Lệ Quân và Lý Vân Tiêu diễn, bạn nào có hứng thú thì xem thử ha. Hai bạn nhỏ dễ thương quá chời.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro