Song Châu Phụng - Tống Hoa Lâu Hội [1]

Thượng Hải, đầu xuân năm 1940.

Chiến tranh Trung-Nhật đã bước sang năm thứ ba. Dù tháng 11 năm 37 Thượng Hải đã thất thủ, nhưng đến nay Nhật Bản vẫn chưa tiến quân vào khu Tô giới Quốc Tế và Tô giới Pháp. Dòng người đổ về phía khu vực này ngày một đông, ở giữa vùng lãnh thổ bị bao vây chiếm đóng, dần hình thành một tòa ốc đảo phồn vinh.

Người dân trên đảo ấy khát khao xóa tan nỗi kinh hoàng do chiến tranh gây ra, vì thế các đoàn hát kịch đua nhau mọc lên khắp Thượng Hải, trong đó Việt kịch phát triển rực rỡ nhất. Không chỉ tụ hội những đại minh tinh, mà còn có cả những diễn viên tiểu tốt ôm mộng một đêm thành danh, bước vào tòa thành đắm chìm trong hư vinh này.

Một con tàu lặng lẽ áp sát bến cảng Thượng Hải. Cập bờ xong, một Trần Vân Sanh mười lăm tuổi bước xuống theo sau ông bầu già. Bến tàu nhộn nhịp kẻ qua người lại, chẳng ai chú ý tới một đứa bé tóc tết hai bím, áo vải hoa lam nền trắng, quần xanh đậm, trên lưng đeo gói hành lý vải hoa sặc sỡ.

Ông bầu già nhanh chóng thuê hai chiếc xe kéo, quay đầu gọi: "A Sinh, mau lên xe đi!"

Xe kéo lướt qua những con phố, Trần Vân Sinh hiếu kỳ mà đánh giá tòa cô thành phồn hoa này. Ở quê, cô thường nghe người ta nhắc đến "mười dặm Dương Trường" [2], mãi đến hôm nay mới hiểu ý nghĩa thực sự: đường phố rộng thênh thang, những tòa nhà Tây dương san sát, cửa hiệu nối tiếp cửa hiệu, nam nữ ăn vận theo mô đen kiểu Tây,... Từng chút từng chút đều khiến Trần Vân Sinh vừa thích thú vừa bồn chồn.

Chiếc xe đi ngang qua một tòa kiến trúc đồ sộ, Trần Vân Sinh đột nhiên lớn tiếng ngừng xe.

"Sao vậy, A Sinh?" Ông bầu già cũng dừng xe hỏi.

Trần Vân Sinh đã nhảy xuống, chạy tới gần tấm áp phích dán trước cửa. Mặt trên vẽ một chàng tiểu sinh tuấn lãng, dưới góc phải đề ba chữ lớn bằng nét mực đậm. Cửa kính bên cạnh cũng dán vài tấm ảnh kịch đen trắng, tạo hình khác nhau, nhưng đều cùng là một người: mày dài như liễu, mắt sáng như gương, thân hình phóng khoáng, anh khí bức người.

"Đây là ai vậy ạ?" Trần Vân Sinh không đọc được ba chữ kia, quay sang hỏi ông bầu. "Hóa trang đẹp quá!"

Ông bầu liếc nhìn, bất ngờ thốt lên: "Ôi giời, đây chẳng phải Ngu Mạnh Mai sao?"

Trần Vân Sinh lẩm nhẩm lặp lại ba chữ "Ngu Mạnh Mai", rồi háo hức hỏi tiếp: "Sư phụ quen cô ấy hả?"

Ông bầu gật đầu: "Gặp lúc y còn ở quê tập hát. Nói đi nói lại, cái nghệ danh này là lão đặt giúp cho đấy. Nhớ lại thì là một đứa nhóc rất có thiên phú."

Ông đưa mắt đánh giá rạp hát. Quy mô nhà hát ở Thượng Hải đương nhiên không thể đem ra so sánh với sân khấu làng được, hơn nữa đây lại còn là một trong những rạp sang trọng nhất nhì Thượng Hải. Trên cổng nhà hát treo một tấm biển lớn viền đèn nhấp nháy, lấp lánh chiếu sáng từng dòng tên nghệ sĩ. Đứng đầu danh sách chính là Ngu Mạnh Mai.

"Không thể tin nổi!" Ông bầu lắc đầu thán phục. "Hồi ta đến Thượng Hải bốn năm năm trước, y còn hát ở cái trà lâu bé tí, giờ lại được treo đầu bảng [3] ở nhà hát lớn thế này cơ."

"Con mà được hát ở nơi như này một lần, chết cũng đáng." Trần Vân Sinh than.

"Không có chí khí!" Ông bầu bắt đầu giáo huấn, "Con phải nói là: 'Nhất định có một ngày, ta cũng sẽ đứng hát ở đây! A Sinh ơi là A Sinh, con đừng tưởng Ngu Mạnh Mai bây giờ được treo đầu bảng là phong quang bất tận. Vài năm trước y cũng chỉ là đứa nhóc nhà quê như con thôi! Con nhìn đi, cái Thượng Hải mênh mông này, cơ hội đầy đất, chỉ xem con có bản lĩnh nắm bắt hay không. Trong đám học trò của ta, con là đứa có tố chất nhất, phải phấn đấu cho ta nở mày nở mặt, hiểu chưa!"

Nghe xong những lời ấy, Trần Vân Sinh bỗng thấy trong lòng phơi phới, cất giọng dõng dạc đáp: "Con hiểu rồi ạ!"

Ông bầu rất hài lòng với thái độ này: "Lại đây, ta dẫn con đi tìm sư tỷ con."

Lúc trên thuyền, ông bầu mới nói cho cô, cô có một vị sư tỷ đang đảm nhiệm vai 'đầu kiên tiểu sinh'. Lần này họ tới Thượng Hải, chính là do vị sư tỷ ấy mời.

Trần Vân Sinh phảng phất nhìn thấy một tương lai rực rỡ đang vẫy gọi cô. Bất quá dù đang vui mừng khôn xiết, cô vẫn vô thức ngoài đầu liếc nhìn tấm biển treo trước cửa nhà hát lần nữa.

"Ngu Mạnh Mai..." Cô lẳng lặng ghi nhớ cái tên này trong lòng.

Thấy cô còn lần lữa, ông bầu sốt ruột giục: "A Sinh, đi thôi đi thôi."

"Dạ, con đến đây." Trần Vân Sinh ngoài miệng đáp lời, nhưng chân vẫn chưa xê dịch một phân, mắt vẫn dán vào tấm ảnh của Ngu Mạnh Mai.

Vân Sanh miệng đáp nhưng chân vẫn chưa nhúc nhích, mắt vẫn dán vào tấm ảnh của Ngu Mạnh Mai.

Đúng lúc ấy, một chiếc xe kéo xuất hiện ở đầu phố, không nhanh không chậm mà di chuyển lại phía Trần Vân Sinh.

Đang ngồi trên xe là một thiếu nữ trẻ, tóc uốn kiểu đuôi én, mình khoác bộ sườn xám nhung xanh lục huyền, chân đi đôi giày cao gót trắng. Khi chạy ngang qua Trần Vân Sinh, nàng lơ đãng ngước mắt, mục quang lướt qua thân hình Trần Vân Sinh. Rõ ràng, tiểu cô nương quê mùa này chẳng thu hút nổi sự chú ý của nàng. Còn Trần Vân Sinh lại đang vội đuổi theo ông bầu, cũng chẳng nhận ra người phụ nữ thời thượng trên xe chính là vị tiểu sinh tuấn tú trên tấm áp phích. Hai người cứ trong vô thức mà lướt qua nhau, lại chẳng biết đó là lần đầu vận mệnh họ giao cắt

***

Chiếc xe kéo dừng lại ở cổng sau nhà hát. Người phụ nữ trả tiền rồi bước xuống, hướng thẳng về phía hậu trường. Lúc này, trước cửa hậu trường đã có không ít thiếu nữ túm tụm chờ đợi. Thấy bóng dáng nàng xuất hiện, liền đồng loạt reo hò vang dội. Một vị tiểu thư ăn mặc cực kỳ cầu kỳ trong đám người thậm chí còn lấy từ trong túi xách ra một nắm ngân lượng, cố hết sức nhét vào tay người phụ nữ ấy.

Các diễn viên đang hóa trang trong hậu trường nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài, đều mỉm cười hiểu ý. Không cần phải nói, tình cảnh này chắc chắn là Ngu Mạnh Mai đã tới rồi.

Quả nhiên, chỉ một lát sau, một bóng hình cao ráo đã xuất hiện trước cửa.

Cô tiểu thư hay tặng vàng hôm nay lại đến rồi à?" Có người cười hỏi.

Ngu Mạnh Mai khẽ "ừm" một tiếng qua loa, tự thay trang phục rồi quay lại bắt đầu hóa trang. Mãi đến khi lớp trang điểm gần hoàn tất, nàng mới chính thức hỏi một câu: "A Lương tới chưa?"

"A Lương" trong miệng nàng chính là Lương Diễm Phương, người hát 'đầu kiên đán'.

Phương Tú Quỳnh diễn viên vai 'lão sinh', đáp: "Vẫn chưa thấy."

Ngu Mạnh Mai nhíu mày: "Sắp diễn rồi mà cô ấy vẫn chưa tới?"

"Chị còn lạ gì tính cô ấy sao? Sếp Trương giờ đang ra sức đẩy cô ấy lên, đẩy đến nỗi đầu óc cô ấy lâng lâng cả rồi, đến trễ còn không phải là chuyện như cơm bữa hay sao?" Phương Tú Quỳnh cười nói.

Nhắc đến ông chủ nhà hát, Ngu Mạnh Mai liền không tiện tiếp lời.

Nhưng Phương Tú Quỳnh vẫn chưa nói đã thỏa, ghé sát lại cười cười: "Bất quá nói đi nói lại, vẫn là chị Ngu đây lợi hại. Ông chủ có cố nâng đỡ Lương Diễm Phương thế nào, cuối cùng vẫn phải treo tên chị làm đầu bảng..."

Ngu Mạnh Mai chưa kịp lên tiếng, từ phía cửa đã vẳng tới tiếng hừ lạnh: "Phương Tú Quỳnh, lại đang nói xấu tôi đấy à?"

Lương Diễm Phương một thân sườn xám đỏ thắm uyển chuyển bước vào: "Em cũng chỉ theo ông chủ đi tiếp khách thôi mà." Nàng nghiêng người tựa vào bàn trang điểm của Ngu Mạnh Mai, lười biếng ngáp dài: "Bây giờ khán giả chuộng vai tiểu sinh nên mới treo tiểu sinh làm đầu bảng. Mấy năm trước khi mọi người thích hoa đán, chẳng phải vai hoa đán nào cũng chiếm đầu bảng đó sao? 'Tam Hoa Nhất Quyên' [4], chẳng phải kinh điển một thời sao... Hồi đó làm gì có ai nghe nói đến 'tiểu sinh đầu bản' [5] bao giờ."

Ngu Mạnh Mai chẳng nói gì, chăm chú kẻ lại đường chân mày.

Lương Diễm Phương cảm thấy nhạt nhẽo, bực dọc quay về chỗ ngồi, miệng lẩm bẩm không vui: "Triệu gia mẫu nhắn em chuyển lời, mời chị tối nay diễn xong đến nhà bà đánh bài."

"Biết rồi." Ngu Mạnh Mai đầu cũng chẳng thèm ngẩng lên.

***

Vở đại kịch của Ngu Mạnh Mai nhanh chóng khai diễn tại nhà hát. Ấy thế mà lúc này, Trần Vân Sinh lại đang đứng ngồi không yên giữa gian phòng khách.

Bên chiếc bàn tròn, sư tỷ Vương Quế Hoa, xuất sư nghiệp trước cô vài năm, đang ngồi nhấm nháp hạt dưa, ánh mắt đảo lên đảo xuống dò xét Vân Sinh từ đầu đến chân.

Trần Vân Sinh bị cô nhìn đến dựng cả tóc, chân tay ngại ngùng luống cuống chẳng biết để đâu.

Vương Quế Hoa nhìn ra cô đang căng thẳng, cười khanh khách: "Tiểu sư muội lớn lên xinh xắn nha, chỉ có điều hơi nhút nhát. Em hát được mấy năm rồi?"

Trần Vân Sinh đáp: "Tính từ lúc học hát đến giờ được sáu năm rồi ạ."

Ông bầu vội bổ sung: "Nó trước giờ chỉ hát ở quê, chưa trải sự đời. Quế Hoa thân làm sư tỷ, sau này phải chỉ bảo cho nó nhiều vào."

Vương Quế Hoa gật đầu: "Thầy yên tâm. Rạp chúng con đang cần thêm hoa đán. Con cũng có ý giúp đỡ đồng môn nên mới nhắn thầy giới thiệu sư muội tới. Hôm nay hai người cứ tạm nghỉ ở đây, ngày mai con sẽ dẫn tiểu sư muội đến gặp quản lý nhà hát."

Ông bầu vui mừng khôn xiết, vội đẩy Trần Vân Sinh: "Còn không mau cảm ơn sư tỷ!"

Trần Vân Sinh ngoan ngoãn cúi đầu: "Cảm ơn sư tỷ."

Vương Quế Hoa tối nay còn có suất diễn đêm, sau khi dặn dò đôi câu liền vội vã ra đi. Trần Vân Sinh muốn báo đáp ân tình, thấy sư tỷ lịch diễn dày đặc, đoán chừng không có thời gian dọn dẹp nhà cửa, nên sau khi ổn định chỗ ở liền chủ động giúp sư tỷ thu xếp mọi thứ. Cô làm việc tỉ mỉ, dù tay chân nhanh nhẹn nhưng cũng phải dọn đến tối mịt mới xong.

Vốn là người không chịu ngồi không, dọn nhà xong, cô lại giặt giũ quần áo. Khi bưng chậu quần áo vừa giặt xong ra sân phơi, cô bỗng nhớ đến lời dặn "phải phấn đấu" của ông bầu, liền quyết định vừa phơi đồ vừa luyện giọng: "Trước cửa thư phòng có nhành mai, chim đậu trên cành thành đôi thành cặp. Hỉ Thước khắp cây thầm thì to nhỏ, nhảy nhót qua lại khắp cành cây."

Tiếng hát cất lên càng lúc càng say mê. Trần Vân Sinh hát hết đoạn này sang đoạn khác, giọng ca càng lúc càng vang, hoàn toàn chẳng nghĩ đến việc sẽ làm phiền giấc ngủ người khác, hay liệu ngoài bức tường có người đang lắng nghe.

Ngu Mạnh Mai vừa kết thúc suất diễn đêm, cùng một vị thái thái họ Ngô đi xe kéo đến nhà họ Triệu chơi bài. Vừa tới ngã rẽ, nàng chợt nghe thấy âm điệu Việt kịch vọng ra từ con hẻm nhỏ, lập tức bảo phu xe dừng lại.

"Hát cũng được đấy chứ." Bà Ngô vốn là người sành nghe kịch, chỉ qua vài câu đã đánh giá được.

Trên chiếc xe khác, Ngu Mạnh Mai gật đầu rồi chăm chú lắng nghe. Chất giọng sáng trong, tròn vành rõ tiếng, luyến láy uyển chuyển mà ngọt ngào, quả là một giọng ca triển vọng.

Hai người cứ thế dừng bên lề đường lắng nghe. Giọng hát khi nam khi nữ, lúc thì làm Chúc Anh Đài, khi lại hóa Lương Sơn Bá. Dù là hoa đán hay tiểu sinh, đều thể hiện vô cùng chuẩn xác. Vừa nghe xong trích đoạn <Thập Bát Tương Tống>, Ngu Mạnh Mai định bảo phu xe tiếp tục đi thì từ con hẻm lại vọng ra. Lần này là điệu <Tam Cái Y> trong vở <Bích Ngọc Trâm>.

"Bích Ngọc Trâm" là một vở tuồng cổ, thường được các đoàn hát biểu diễn. Rạp hát của Ngu Mạnh Mai cũng không ngoại lệ, có điều, lần nào cô cũng đều đóng vai Vương Ngọc Lâm. Trích đoạn "Tam Cái Y" kể về Lý Tú Anh sau khi về nhà họ Vương, liên tục bị chồng là Vương Ngọc Lâm hiểu lầm, hờ hững. Một buổi tối, thấy Vương Ngọc Lâm ngủ gục trên bàn, nàng vừa lo chàng bị lạnh, vừa oán trách sự bạc tình của chàng, cầm chiếc áo ấm trong tay lật qua lật lại, phân vân không biết có nên đắp cho chàng hay không. Vốn là một trích đoạn đầy uẩn khúc, thế mà giọng hát này lại vô cùng tươi vui, khiến Ngu Mạnh Mai vừa buồn cười vừa bất ngờ. Có thể đem "Tam Cái Y" hát ra kiểu này, chỉ sợ người này vẫn chỉ là một tiểu nha đầu ngốc nghếch.

Tuy cách xử lý cảm xúc chưa thật sự tinh tế, nhưng khẩu hình cùng nhịp lấy hơi lại được kiểm soát rất chuẩn, từng chữ từng chữ đều rõ ràng, từng câu từng câu đều chạm đến người nghe. Trong mắt Ngu Mạnh Mai, đây đúng là một viên ngọc thô, chưa được mài giũa, nhưng lại ẩn chứa vô vàn khả năng.

Ngô thái thái nhận ra ánh mắt tán thưởng của cô, liền cười đề nghị: 'Nghe tiếng là từ trong ngõ vọng ra. Hay chúng ta vào nghe thử, biết đâu là người của đoàn hát nào đó?'

'Không cần đâu.' Ngu Mạnh Mai lắc đầu. 'Đi thôi.'

'Thật sự không đi sao?' Ngô thái thái có chút tiếc rẻ. 'Tôi còn định hỏi rõ để sau này đến ủng hộ nữa kia.'

'Ngô thái thái đừng gấp.' Ngu Mạnh Mai an ủi, 'Rồi bà sẽ biết cô ấy là ai thôi. Cứ chờ là được.'

Với chất giọng này, nổi tiếng chỉ là vấn đề thời gian. Ngu Mạnh Mai cười nhẹ, vậy nên, cứ chờ là được. Giọng hát này, con người này, sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện trước mặt cô.

------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

<Song Châu Phụng - Tống Hoa Lâu Hội> [1]: Vở kịch kể về mối tình giữa Văn Bính và Hoắc Kim Điệp, với tình tiết trao đổi kỷ vật là trâm phượng. Trích đoạn <Tống Hoa Lâu Hội> là trọng tâm của vở kịch, với những màn đối hát tình tứ, thể hiện tâm trạng e ấp nhưng tha thiết của hai người. Kịch có nét tương đồng với <Lương Chúc> ở chủ đề tình yêu vượt lễ giáo, nhưng Song Châu Phụng nhẹ nhàng và ít bi kịch hơn.

Mười dặm Dương Trường [2]: "Dương" trong Tây Dương, "Trường" nghĩa là khu vực. Ám chỉ khu Tô giới Quốc Tế sầm uất của Thượng Hải nhưng thập niên 20-40.

Treo đầu bảng [3]: Trước thời kỳ giải phóng, Việt Kịch dùng khái niệm "kiên" (vai) để chỉ thứ bậc đảm nhiệm vai diễn, phân theo hàng đào kép (sinh/đán/v.v.). Trong khi đó, "bài" dùng để chỉ vị trí quảng bá đối ngoại, không phân hàng đào kép, mà dành cho diễn viên có sức hút lớn nhất trong đoàn. Ví dụ so sánh với làng giải trí hiện đại:

Đầu kiên sinh/đán ~ Nam chính/Nữ chính

Nhị kiên sinh/đán ~ Nam phụ/Nữ phụ

Đầu bài/Nhị bài ~ Diễn viên "nhất phiên/nhị phiên

'Tam Hoa Nhất Quyên' [4]: "Tam Hoa" chỉ ba nghệ sĩ hoa đán: Thi Ngân Hoa, Triệu Thụy Hoa, Vương Hạnh Hoa. "Nhất Quyên" là Diêu Thủy Quyên. Thời đó có câu: "Tam Hoa không bằng Nhất Quyên". Về sau, khi Tiêu Đan Quế nổi tiếng, lại thành: "Tam Hoa không bằng Nhất Quyên, Nhất Quyên không bằng Nhất Quế".

Tiểu sinh đầu bản [5]: Trước năm 1938, trụ cột Việt kịch chủ yếu là vai hoa đán. Từ 1938 đến 1940, vai tiểu sinh dần trỗi dậy, bắt đầu thời kỳ chuyển đổi trụ cột sang tiểu sinh.

------------------------------------------------------------------------------------

Lời tác giả:

Giải thích thêm một chút: Thời đó, diễn viên Việt kịch chắc hẳn nói bằng tiếng địa phương Thặng Châu. Nhưng tác giả không thuộc vùng phương ngữ Triết Giang, hơn nữa việc dùng phương ngữ sẽ khiến độc giả ngoài khu vực khó hiểu, nên trong truyện vẫn dùng tiếng Phổ thông. Chỉ một số câu thoại nhỏ hoặc vài vai phụ mới nói giọng địa phương.

Chuyện khán giả nhét vàng bạc ở cửa hậu trường là nghe từ người hâm mộ kể lại, nhân vật được nhắc đến là Doãn Quế Phương. Bà chính là 'Hoàng đế Kịch Việt' được bầu chọn ở Thượng Hải năm 1948. Đến thập niên 50, khi Doãn lão sư dẫn đoàn kịch Phương Hoa vào Phúc Kiến, fan Thượng Hải đã có người nằm lên đường ray để cản tàu, mong giữ bà lại. Cảm giác lúc ấy, sự cuồng nhiệt của fan cũng chẳng kém gì thời hiện đại chúng ta đâu :)

------------------------------------------------------------------------------------

Lời editor:

Cảm giác editor cũng đu idol cuồng nhiệt quá nên mới ngồi dịch quyển này nè TvT

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro