Tây Sương Ký - Khảo hồng [1]

Tây Sương Ký - Khảo hồng [1]

Buổi tối, Ngu Mạnh Mai ở dưới ánh đèn lật giở tờ chương trình biểu diễn đó.

Lúc chiều ở nhà Ngô thái thái, bà nói: "Dạo này tôi chán quá, nghe người ta bảo Lý Ngọc Lâm bắt chước giống cô lắm, liền tiện tay mua vé xem thử. Thực ra Lý Ngọc Lâm cũng tạm thôi, so với cô thế nào được. Nhưng tiểu hoa đán diễn Trần Thúy Nga ấy, tôi nghe có chút quen tai, lại nghĩ không ra nghe ở đâu rồi. Sau đó lại đi đến nhà Triệu gia, ngang qua con hẻm đó, tôi mới chợt nhớ, chẳng phải chính là thanh âm chúng ta năm trước nghe được sao!"

Trần Vân Sinh... Ngón tay Ngu Mạnh Mai lướt nhẹ qua cái tên in trên trang giấy. Theo lời Ngô thái thái, tiểu cô nương này đã luyện giọng, hát hình như còn hay hơn cả năm ngoái, diễn xuất cũng không tệ. Bất quá Ngô thái thái cũng nói, dù gì cũng đã là chuyện hơn một năm về trước, bà cũng không chắc lắm. Trần Vân Sinh cuối cùng có phải là giọng hát họ nghe ngày ấy không, còn cần một đại hành gia như nàng xác nhận qua.

Ngu Mạnh Mai lật qua lật lại tờ giấy xem kĩ vài lần. Vốn tưởng tiểu nha đầu kia phải cần đến hai ba năm nữa mới hát ra chút tiếng tăm, ai ngờ cô tiến bộ thần tốc, hiện tại đã dám khiêu chiến đại Lương. Nàng lại lần nữa vuốt ve ba chữ Trần Vân Sinh, phải gặp một lần mới được, xem viên ngọc thô này giờ đã được mài dũa thành hình dáng gì.

Hai ngày sau, Ngô thái thái đến kéo Ngu Mạnh Mai đi xem kịch. Vì người biết Ngu Mạnh Mai quá nhiều, Ngô thái thái đặc biệt mượn một chiếc xe hơi nhỏ. Hai người một mực ngồi trong xe đợi đến khi vở diễn bắt đầu mới lén đi vào.

Vở <Trân Châu Tháp> này, đối với Ngu Mạnh Mai chẳng có gì lạ, huống chi Lý Ngọc Lâm còn mô phỏng cách hát của nàng. Nghe một lúc, cảm thấy người bắt chước này khá cũng dụng công, không đến nỗi tệ như lời Ngô thái thái nói. Bất quá bắt chước minh tinh chỉ là con đường tắt, muốn nổi tiếng dài lâu, còn cần phải tự định hình phong cách cá nhân. Ngu Mạnh Mai có chút lo lắng cho Trần Vân Sinh. Nếu cô quả thật là giọng hát họ nghe năm ngoái, đó là chất giọng hiếm có, nếu cố ép giọng học theo Lương Diễm Phương thì thật đáng tiếc.

Tình tiết rất nhanh đã diễn đến đoạn Phương Khanh gặp Trần Thúy Nga. Ngu Mạnh Mai biết trọng tâm hôm nay của nàng đã đến, xốc lại tinh thần, chuyên tâm đợi Trần Vân Sinh xuất sân. Trần Thúy Nga vừa bước ra, Ngu Mạnh Mai trước tiên thầm thốt lên tiếng cảm thán: Thật là một tiểu hoa đán tươi tắn xinh đẹp!

Gần như ngay khi Trần Vân Sinh vừa cất giọng, Ngu Mạnh Mai đã xác nhận. Là cô! Cô là người lúc đó trong hẻm nhỏ hát <Thập Bát Tương Tống> và <Tam Cái Y>. Đồng thời Ngu Mạnh Mai cũng thở phào nhẹ nhõm. Lý Ngọc Lâm bắt chước nàng, nhưng Trần Vân Sinh không học theo Lương Diễm Phương. Tiểu cô nương này tuổi còn nhỏ, vẫn chưa định hình phong cách rõ rệt, nhưng có thể nhìn ra, cô đang tự khám phá.

Nhận thức này khiến Ngu Mạnh Mai vô cùng hài lòng. Nàng thoải mái tựa lưng vào ghế, tiếp tục quan sát Trần Vân Sinh.

Phân đoạn quan trọng nhất của Trần Thúy Nga là hai đoạn <Tặng Tháp> và <Khóc Tháp>. Khi tặng tháp, Phương Khanh vì bị sỉ nhục, không muốn nhận đồ vật từ nhà họ Trần. Trần Thúy Nga liền giấu trân châu tháp trong hộp điểm tâm. Cô không thể nói rõ bên trong có bảo tháp, lại sợ biểu đệ vô ý đánh rơi, nhiều lần đưa qua rồi lại lấy lại, ôm lấy hộp điểm tâm, tỉ mỉ dặn dò Phương Khanh, bảo hắn nhất định phải cẩn thận mang gói điểm tâm này về. Tâm tình thiên biến vạn hóa đều giấu trong mấy lần đưa đẩy. Ngu Mạnh Mai cực kì tò mò, một tiểu cô nương hát <Tam Cái Y> ngây ngô như vậy, sẽ diễn vai người biểu tỷ tâm tư tinh tế này ra sao?

Kết quả đúng như Ngô thái thái nói, tiểu cô nương đã tiến bộ rất nhiều. Tuy còn chút non nớt, nhưng những cảm xúc cần thiết, cô căn bản đều thể hiện ra hết.

"Thế nào?" Ngô thái thái nhỏ tiếng hỏi.

"Là cô bé đó." Ngu Mạnh Mai đáp.

Ngô thái thái liếc nàng một cái: "Cái này cũng cần cô nói? Nhìn biểu cảm của cô ban nãy tôi đã biết rồi. Tôi hỏi là, cô cảm thấy tiểu cô nương này như thế nào?"

Ngu Mạnh Mai nghĩ nghĩ, bình luận bốn chữ: "Tiền đồ vô lượng."

***

Mùa hè của Trần Vân Sinh kết thúc viên mãn trong tiếng huyên náo.

Gần đến tháng Chín, các minh tinh cũng lần lượt trở lại. Màn hợp tác tạm thời của Trần Vân Sinh và Lý Ngọc Lâm cũng kết thúc, mỗi người trở về đoàn kịch của mình. Mọi thứ trở về như cũ.

Trần Vân Sinh không biết Ngu Mạnh Mai đã xem cô biểu diễn, vẫn đang cố gắng tìm cơ hội tiếp cận Ngu Mạnh Mai. Bây giờ chỉ cần Ngu Mạnh Mai có lịch diễn, nếu cô sắp xếp được thời gian, đều sẽ đi ủng hộ. Cô tuy không còn đến chặn ở sau hậu trường nữa, nhưng đã thử kết thân với nhân viên nhà hát của Ngu Mạnh Mai. Cảm thấy có khi sau khi thân thiết với bọn họ, bản thân sẽ được giới thiệu với Ngu Mạnh Mai. Có điều trước mắt, kế hoạch này vẫn chưa thành công.

Có lẽ nhờ chút danh tiếng trong mùa hè, lúc đầu thu Trần Vân Sinh nhận được lời mời trên đài phát thanh. Trần Vân Sinh vừa thử tra ngày, liền phát hiện hôm đó cũng là ngày Ngu Mạnh Mai và Lương Diễm Phương đến đài. Cô cao hứng đến mất ngủ liền mấy đêm, cuối cùng đem hai mắt thâm quầng đến nhà đài.

Danh tiếng cô còn nhỏ, thời lượng chỉ đủ hát một đoạn ngắn <Phương Ngọc Nương Tế Tháp>. Hát xong bước ra, vừa vặn thấy nhân viên đài đang đón hai người phụ nữ trẻ ở cửa. Một người mặc sườn xám đào hồng, người còn lại tóc ngắn, khoác sườn xám lụa màu thanh tú. Nhân viên đài tươi cười chào người tóc ngắn: "Ngu tiểu thư!"

Ấn tượng đầu tiên của Trần Vân Sinh về Ngu Mạnh Mai lúc không mặc hí phục là xinh đẹp cao ráo. Nhìn nàng tiến lại gần, Trần Vân Sinh nghĩ, hóa ra khi không hóa trang, Ngu Mạnh Mai trông như thế này.

Lương Diễm Phương liên tục nói chuyện với Ngu Mạnh Mai. Ngu Mạnh Mai dường như kiệm lời, thỉnh thoảng đáp một hai câu. Hai người đều không để ý đến Trần Vân Sinh đang đứng ở hành lang. Cô cũng không dám làm phiền, chỉ buồn bã nhìn họ đi qua, mũi ngửi thấy mùi hương thoang thoảng bọn họ lưu lại.

Tuy không có cơ hội trò chuyện, nhưng chung quy đã được nhìn thấy Ngu Mạnh Mai ở khoảng cách gần, Trần Vân Sinh cảm thấy tâm ý đã được mãn nguyện. Chỉ cần cô tiếp tục nỗ lực, sẽ có nhiều cơ hội hơn để gặp Ngu Mạnh Mai. Lần sau, có lẽ cô sẽ được nói chuyện với Ngu Mạnh Mai rồi! Vì thế, những ngày sau đó, cô dồn hết mười hai phần nhiệt huyết vào sự nghiệp Việt kịch.

***

Sang thu, lịch diễn của Ngu Mạnh Mai dần dần dày đặc. Mặt khác nàng cũng muốn dàn dựng vài vở kịch mới, bận đến mức chân không chạm đất. Nàng lần này muốn diễn một vở kịch không giống với những lần trước. Thì ra trước đây Việt kịch thông thường không có kịch bản cố định, chủ yếu dựa vào sư phụ phân cảnh trước khi lên sân khấu, diễn viên sẽ áng những phú tử [1] đã học trước đó mà tùy ý phát huy. Tuy bây giờ đã có một vài đoàn kịch bắt đầu mời biên kịch, nhưng vẫn chưa đủ quy củ. Ngu Mạnh Mai lần này định mời biên kịch và đạo diễn chuyên nghiệp, kiểm soát chất lượng kịch bản. Nhưng chủ rạp lại lo sẽ tăng chi phí, nên một mực không ủng hộ. Ngay cả Lương Diễm Phương cũng cho rằng họ đang rất được yêu thích, không cần phải thay đổi.

Ngu Mạnh Mai đàm phán nhiều lần nhưng đều không có tiến triển, sốt ruột đến phát bực. Hôm nay nàng và Trương lão bản lại tan rã không vui, tâm trạng chán nản vô cùng. Dù sao hôm nay nàng cũng không có lịch diễn, một mình tùy hứng mà thuê một cỗ xe kéo, lang thang trên đường phố. Xe đi ngang một nhà hát nhỏ. Không hiểu sao, nàng bỗng bảo dừng, xuống mua vé, vào rạp xem kịch.

Bởi vì tâm trạng không vui, ban đầu nàng nghe chẳng tập trung, thậm chí còn không biết đang diễn vở gì. Mãi đến khi hát được mấy phút, nàng mới nhận ra trên sân khấu đang diễn <Tây Sương Ký>.

Người diễn Trương sinh, Ngu Mạnh Mai có quen biết. Vài mùa hè trước, người này từng diễn chung với nàng, hình như là Vương Quế Hoa. Chỉ là không biết bây giờ đóng cặp với ai?

Đang nghĩ, Oanh Oanh và Hồng Nương cũng xuất hiện. Người đóng Oanh Oanh Ngu Mạnh Mai không có chút ấn tượng, nhưng khi Hồng Nương bước ra, nàng nhịn không được mà bật cười. Hóa ra là tiểu hoa đán tên Trần Vân Sinh kia!

Bản thân Trần Vân Sinh vẫn là một tiểu cô nương, vai Hồng Nương lanh lợi hoạt bát rõ ràng hợp với cô hơn Trần Thúy Nga. Khi đối thoại với Oanh Oanh và Trương sinh, đôi mắt tròn của cô không ngừng liếc qua liếc lại, linh động vô cùng. Động tác nhẹ nhàng linh động, lời thoại ngọt ngào, vừa cất tiếng xướng, thanh âm thanh tú trong trẻo, diễn một tiểu Hồng Nương linh hoạt sống động. Khán giả rõ ràng rất thích Hồng Nương vui tươi thế này, dành cho cô không ít tràng pháo tay.

Dáng vẻ tiểu cô nương tung tăng khắp sân khấu khiến Ngu Mạnh Mai cảm thấy mười phần đáng yêu. Đặc biệt trong phân đoạn <Khảo Hồng>, cô quỳ trên mặt đất, vừa né roi vừa nói "Phu nhân đừng làm đau tay quý", rồi xướng tiếp một câu "Xin nghe Hồng Nương nói rõ", giọng điệu tinh nghịch. Có lẽ bị cô ảnh hưởng, nỗi bực dọc trong lòng Ngu Mạnh Mai cũng theo phân đoạn <Khảo Hồng> này, bất giác mà tiêu tán.

Trần Vân Sinh không biết thần tượng mình si mê đang ngồi dưới khán đài, vẫn hết mình diễn vai Hồng Nương.

"Đêm khuya càng khuya ngừng kim chỉ, tiểu thư bi thương nhíu đôi mày. Nghe ca ca lâm bệnh nặng, hai ta tránh phu nhân đến thăm hỏi..."

Thôi phu nhân hỏi: "Hai người đến thư phòng, Trương sinh nói gì?"

Trần Vân Sinh tiếp tục hát: "Chàng bảo, phu nhân lấy ân báo oán, hại chàng một trường hỉ hoan hóa ưu sầu, bảo Hồng Nương ra ngoài thư phòng trước, tiểu thư lưu luyến lưu lại đằng sau. [2]"

Phu nhân nghe xong liền sốt ruột: "Ôi dao, tiểu tiện nhân này, thân là nữ tử, sao có thể lưu lại một mình?"

Trần Vân Sinh hơi ngừng một chút, ngẩng lên nhìn phu nhân, rồi hát tiếp: "Hai người thân mật tâm sự khó phân, uyên ương chắp cánh tình sâu ý dài. Ngày qua đêm lại đã được hai tháng, đêm đêm thư phòng quấn quýt không rời. Một đôi tâm ý đã tương hợp, phu nhân ơi, người buông tha cho họ đi thôi..."

Tiếp sau đó, Hồng Nương phát huy ba tấc lưỡi thuyết phục phu nhân. Cô nhắc lại chuyện năm xưa quân giặc vây chùa Phổ Cứu, phu nhân bất lực, đã chính miệng hứa hôn. Sau nhờ một phong thư của Trương Sinh đánh lui quân giặc, phu nhân lại nuốt lời, là vong ân phụ nghĩa. Nếu đã không muốn gả con, ít ra nên lấy vàng lụa đền ơn, để Trương Sinh mau chóng rời đi, chứ không nên để chàng ở lại chùa, khiến trai gái lỡ làng gặp nhau. Giờ sự đã thành, chỉ còn cách gả tiểu thư cho Trương Sinh thôi.

Nhưng lão phu nhân đâu dễ dàng bị thuyết phục? Nghe tin con gái và Trương sinh ván đã đóng thành thuyền, lão phu nhân giận dữ không thôi, tuyên bố sẽ kiện Trương sinh lên quan phủ. Đúng lúc này, Hồng Nương có động tác vội vàng đứng dậy, nên Trần Vân Sinh vội đứng lên nói: "Kiện lên quan, phu nhân trước hết cũng phạm tội quản gia không nghiêm!"

Nửa sau câu "Quản gia không nghiêm" lại là một phần hí xướng. Thông thường khi hát câu này, Trần Vân Sinh chỉ quay mặt về phía lão phu nhân trên sân khấu. Hôm nay, khi đứng lên, cô khẽ nghiêng người, tầm mắt có thể nhìn thấy khán giả bên dưới. Khi chỉ tay về phía lão phu nhân, ánh mắt cô vô tình lướt qua hàng ghế khán giả. Vốn chỉ là một cái liếc mắt vô tình, nào ngờ lại trông thấy một bóng hình khiến tim cô như ngừng đập.

------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

Phú tử [1]: (赋子) là thuật ngữ trong Việt kịch giai đoạn đầu, chỉ những mẫu ca từ có sẵn được sử dụng linh hoạt. Diễn viên có thể ứng tác dựa trên tình huống kịch và các "phú tử" đã học.

[2]: Đoạn "Khảo Hồng" này không sử dụng bản phổ biến của Lã Thụy Anh, mà theo phiên bản Tứ Cung điệu trong bản thu âm năm 1939 của Tiểu Đan Quế.

------------------------------------------------------------------------------------

Lời tác giả:

Phiên bản "Khảo Hồng" của Tiểu Đan Quế trước đây từng có bản âm phối ảnh, nhưng lần này tôi không tìm thấy. Đoạn trích này do Vương Chí Bình trình diễn năm 2006 trong đêm nhạc kỷ niệm 100 năm Việt kịch, sử dụng lối hát của Tiểu Đan Quế. Giai đoạn những năm 1930 đến đầu 1940, Việt kịch chủ yếu dùng Tứ Cung điệu, khác xa với hình ảnh Việt kịch uyển chuyển mềm mại mà mọi người thường biết hiện nay. Vương Chí Bình là diễn viên Việt kịch xuất sắc, nhưng cá nhân tôi thấy đoạn này vẫn kém phần linh hoạt so với Tiểu Đan Quế.

Dưới đây là hai phiên bản "Khảo Hồng" của Lã Thụy Anh. Bản thứ nhất trích từ buổi diễn trực tiếp năm 1979. Bản thứ hai trích từ phim truyền hình năm 1982. Hồng Nương do Lã sư thể hiện được xem là phiên bản kinh điển nhất cho đến nay.

------------------------------------------------------------------------------------

Lời editor:

Hem liên quan lắm nhưng mà ở trong vở kịch nguyên tác của Trần Lệ Quân <Đại Quan Viên của Ta> thì có phân cảnh <Bảo - Đại đọc Tây Sương Ký> ó. Đã gắn link trên đầu, cảm ơn 1st fanpage đã dịch.

Một Bảo Ngọc hồng hồng trắng trắng cứ thích ghẹo Đại Ngọc :D 

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro