CHƯƠNG 10

Đêm ấy, Công chúa hồi phủ, tôi đứng đợi trước cửa phòng. Đinh Lan phúc lễ [1] với tôi, tôi cũng đáp lễ lại. Sau khi thấy Công chúa vào trong mà không có căn dặn gì, khoảng một khắc sau, Đinh Lan mới ra khỏi phòng gọi tôi vào, nói rằng Công chúa muốn tôi đến gần hầu hạ. Đôi chân tôi như đeo chì, nặng trĩu khó đi.

[1] Một kiểu hành lễ của phụ nữ thời xưa. Người thực hiện sẽ hơi chùng gối, hai tay đặt lên nhau ở một bên hông để thể hiện sự kính trọng hoặc chào hỏi.

Một ngày trôi qua cũng không thể nào đè nén được nội tâm rối bời. Đinh Lan nhìn vẻ mặt của tôi, hỏi: "Nương tử căng thẳng à?"

Bị nói trúng tim đen, tôi vẫn cố giữ bình tĩnh, đáp: "Đúng là có căng thẳng. Thân phận nô tỳ thấp hèn, chưa từng hầu hạ Đại trưởng công chúa bao giờ."

Dường như bị lời nói dối của tôi làm cho nghẹn lời, Đinh Lan không đôi co với tôi nữa, chỉ làm một động tác mời. Tôi hết cách, đành thuận thế từ từ bước vào phòng. Lúc này lòng đã tĩnh hơn, tôi liền ngửi thấy trong phòng có mùi hương hoa mai, thấy trên bàn để một chiếc lư vàng hình giao long cuộn đang lượn lờ tỏa ra mấy làn khói, có lẽ đó là mùi của hương này.

Trong phòng yên tĩnh, tôi dừng lại một chút mới dám đưa mắt nhìn về phía Công chúa.

Nàng đang ở phía đông gian phòng, khoác một chiếc áo choàng trắng, tựa thân trên chiếc sập nhỏ, tay cầm một quân cờ đen, đương trầm tư suy nghĩ nước đi. Tôi nhìn lên bàn cờ đặt trên kỷ trà, thấy quân đen trắng xen kẽ, là một ván cờ tàn [2].

[2] Thuật ngữ trong cờ vây (hoặc các loại cờ khác), chỉ một ván cờ đã đến giai đoạn cuối, thế cờ phức tạp và thường được dùng để các kỳ thủ nghiên cứu, giải thế.

Công chúa cầm quân đen, đang ở thế thắng lớn, nhưng ván cờ tàn này, thế thắng càng rõ rệt thì nguy cơ càng ẩn tàng, nàng không dám tùy tiện đi quân.

Tôi vào rồi, Công chúa không có động tĩnh gì, dường như không để ý đến tôi. Tôi hơi do dự, chẳng dám tiến lên, chỉ đứng ở một góc tối mà ánh nến khó chiếu tới, im lặng không tiếng động.

Một lúc sau, tôi nghe thấy Công chúa nói: "Tối quá."

Lời của nàng ý tứ không rõ ràng, dầu trong đèn vẫn còn đầy. Tôi suy nghĩ một lát, rồi dời chân đèn về phía chiếc sập nhỏ, ánh sáng liền nghiêng cả về phía Công chúa, quân cờ đen cũng được phản chiếu mấy vệt lửa đèn.

Nhưng Công chúa vẫn nói: "Tối quá."

Tôi cúi mắt đứng yên, rồi bưng chân đèn lên, đi về phía chiếc sập, dừng lại cách nàng vài bước. Không có chỗ để đặt chân đèn, tôi đành đứng như vậy.

Ánh nến soi lên mặt Công chúa, có thể thấy rõ từng tấc da thịt. Nàng khẽ nhướng mày, đặt một quân cờ đen xuống bàn, ngay sau đó lại cầm một quân trắng đặt xuống, quân đen tức khắc mất đi một mảng thế lớn ở Thiên Nguyên [3], bị ăn mất mấy quân.

[3] Tên gọi của giao điểm chính giữa trên bàn cờ vây. Đây là vị trí trung tâm, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc kiểm soát toàn bộ bàn cờ.

Công chúa lại cầm một quân cờ đen, gõ gõ hai cái lên quân cờ đã mất thế, rồi nhìn về phía tôi: "Mảng cờ này đã chết rồi."

Tôi vội cúi đầu đáp: "Bẩm Đại trưởng công chúa, nô tỳ không hiểu cờ."

Công chúa lặng lẽ nhìn tôi, không vạch trần, chỉ "ừm" một tiếng, rồi nhặt từng quân cờ chết bỏ vào hộp, đoạn đặt quân đen trong tay xuống, mở ra một thế cờ mới – đó là một nước xoay chuyển cục diện. Cứ thế này, quân trắng ngược lại rơi vào thế yếu.

Và lúc này, Công chúa cầm quân trắng, cũng trầm tư suy tính như khi cầm quân đen.

Xem ra nàng vốn là người từng bước tính toán, cẩn thận dè dặt như vậy.

Tôi vẫn còn nhớ có một năm, Phạm Khiêm có kể với tôi chuyện hắn tình cờ gặp được kỳ đãi chiếu [4] trong cung, hai người trò chuyện rất hợp ý. Sau vài lần so tài, vị kỳ đãi chiếu đó đã tặng hắn một cuốn kỳ phổ [5]. Các thế cờ trong đó vô cùng tinh diệu, nhưng phần lớn đều là tàn cuộc, mà Phạm Khiêm lại không thích chơi, thế là tôi bèn mượn về xem nửa tháng.

[4] Chức quan chuyên về cờ vây trong cung, có nhiệm vụ hầu cờ, giảng dạy hoặc nghiên cứu cờ cho hoàng đế và triều đình.

[5] Sách ghi chép lại các ván cờ, thế cờ hoặc chiến thuật cờ vây.

Tôi cũng không thích cờ tàn, nhưng cái thế tiến thoái lưỡng nan trong cờ tàn lại giống lòng người nhất. Khi ấy tôi đã không còn tương lai gì ở đường thi họa, liền nghĩ, biết đâu mình lại có thiên phú về cờ thì sao.

Nhưng chỉ sau một ván, tôi đã xác định mình chẳng có tài năng cờ quạt gì, bèn định trả lại kỳ phổ cho Phạm Khiêm. Vừa hay Công chúa đến chơi, thấy thế cờ tôi bày ra, bèn hỏi: "Cờ tàn à?"

Tôi đáp phải.

Công chúa liền nói: "Phạm Bình, ngươi đến chơi với ta."

Tôi dĩ nhiên không thể từ chối. Nửa tháng sau đó, nàng đã thuộc lòng tất cả các thế cờ trong kỳ phổ, và vận dụng chúng vào những ván cờ thường ngày với tôi, khiến tôi hoàn toàn không thể chống đỡ.

Khi ấy, nàng cầm một quân cờ đen, dưới cành cây bào đồng khô héo, giữa làn tuyết mịn, đã đưa ra kết luận về tôi: "Phạm Bình, nước cờ của ngươi dở tệ thật."

Tôi không đáp, chỉ đứng dậy quay lưng về phía Công chúa, từ trong Thanh Vân Đình nhìn ra trời tuyết bay, não nề than một tiếng: "Ôi, Công chúa minh xét, ta quả là kẻ vô dụng."

Hồi lâu sau, tôi nghe thấy tiếng quân cờ rơi lách tách trên bàn cờ sau lưng, khẽ rung động trong lòng tôi.

Tôi quay đầu lại, thấy Công chúa cúi mày, trong mắt dường như có chút không nỡ. Dần dần, nàng mấp máy môi an ủi tôi: "Phạm Bình, ít ra ngươi cũng biết mình biết ta."

Tuyết mịn lướt qua gò má, tôi dở khóc dở cười.

Còn lúc này, cái sự biết mình biết ta của tôi có lẽ chính là bưng đèn cho Công chúa, xem nàng tự chơi ván cờ tàn.

Ánh nến dần tối, dầu trong đĩa đèn cũng vơi đi. Công chúa lại không có ý định đi nghỉ, hai tay tôi đã mỏi nhừ.

Công chúa dường như nhận ra, liếc nhìn tôi: "Thêm dầu."

Tôi nhân cơ hội này lén xoa nắn cánh tay, rồi lại tiếp tục bưng đèn cho Công chúa. Cứ lặp đi lặp lại như vậy bốn lần, trời đã hửng sáng, đã là giờ Mão.

Chúng tôi cứ thế mà qua một đêm. Đến khi ánh bình minh chiếu vào khung cửa sổ, Công chúa quay đầu nhìn ra, cúi mắt đặt xuống một quân cờ, rồi nói: "Không chơi nữa."

Lòng tôi bất lực tột cùng, nhưng không thể trách nửa lời, chỉ hỏi: "Đại chủ có phải muốn đi nghỉ rồi không?"

Công chúa liếc tôi một cái, không đáp, chỉ khoác chiếc áo choàng trắng đi vào gian trong. Tôi đứng nguyên tại chỗ, chả biết phải làm sao, chỉ nghe sau tấm bình phong nàng quay lưng gọi tôi: "Thay y phục."

Tôi do dự mãi mới đi ra sau tấm bình phong. Dưới lớp áo choàng trắng, nàng chỉ mặc một lớp trung y. Trên giá áo đã treo sẵn y phục chuẩn bị từ trước, dường như nàng đã chờ cả đêm, chính là chờ đến lúc này, muốn tôi thay y phục cho nàng.

Tôi chưa từng mặc váy của Công chúa, nhất thời không biết bắt đầu từ đâu, không biết nên mặc chiếc nào trước.

Lén nhìn Công chúa, tôi phát hiện nàng đang lặng lẽ dõi theo tôi, vẻ mặt thản nhiên, không thúc giục, cũng không có nét tức giận. Tôi trấn tĩnh lại, cẩn thận phân biệt từng chiếc váy, dè dặt mặc cho nàng.

Giữa chừng có vài lần mặc sai, lại phải để nàng cởi ra. Nàng vẫn thần sắc như thường, không vui không giận, ngược lại khiến tai tôi nóng bừng, chỉ muốn tìm một cái lỗ để chui xuống.

Đến cuối giờ Mão, cuối cùng cũng mặc xong cho nàng, song trông khá lộn xộn, không thể gặp người. Nghĩ rằng lại sắp bị nàng chê trách.

Quả nhiên, Công chúa liếc lên y phục, hỏi: "Ngươi cứ để ta mặc thế này ra ngoài à?"

Tôi nhắm mắt làm liều, hai gối chạm đất, quỳ xuống trước mặt nàng nói: "Đại trưởng công chúa tha mạng, nô tỳ thực sự vụng về, không làm được những việc tinh tế thế này."

Tôi loáng thoáng nghe thấy Công chúa dường như "hừ" một tiếng, nhưng không dám ngẩng đầu. Một lát sau, nàng đi vòng qua tôi, thẳng bước ra ngoài, tôi không biết nàng nghĩ gì, chỉ nghe sau lưng vẳng lại một câu: "Vậy thì cứ quỳ đi."

Đây là phạt tôi vì chuyện mặc đồ rồi. Tôi hết cách, đành phải quỳ sau tấm bình phong.

Lại một cảm giác tủi thân dâng lên khó tả. Từ đầu đến cuối, tôi không biết làm sao để chiều lòng Công chúa, mọi việc tôi làm dường như đều khiến Công chúa không hài lòng.

Xuân hạ thu đông, chẳng qua là bốn mùa. Sớm tối chuyển dời, bảy năm cũng chỉ hơn hai ngàn ngày đêm, vậy mà tâm tư của Công chúa, tôi lại chưa bao giờ đoán thấu, chưa từng đến gần.

Hai tay mỏi nhừ, xương gối quỳ trên sàn nhà lạnh lẽo cũng bị cấn đến đau buốt. Từ khi gặp Công chúa đến nay, dường như chẳng có chuyện gì tốt đẹp, tôi rốt cuộc tại sao cứ phải răm rắp nghe lời nàng, để mình rơi vào tình cảnh không thể tự chủ này.

Phạm Bình ơi Phạm Bình, Công chúa có gì tốt, đáng để ngươi phải... khúm núm hạ mình, chết không hối cải thế này.

Két...

Tiếng cửa mở vang lên bên tai, tôi vội vàng lau đi nước mắt, úp mặt vào tay.

Không lâu sau, tiếng bước chân lại gần, giọng Công chúa truyền đến: "Đứng dậy."

Tôi đáp lời cảm ơn, cúi mắt kính cẩn đứng sang một bên, chỉ dùng khóe mắt nhìn nàng. Công chúa liếc tôi một cái, ra hiệu cho tôi ra ngoài gian, tôi cũng răm rắp đi theo.

Sau đó Công chúa ngồi xuống, tôi thấy trên bàn đặt hai hộp thức ăn, nhưng xung quanh không có thị nữ nào đi cùng. Trong lúc ngạc nhiên, tôi vô tình chạm phải ánh mắt của Công chúa.

Công chúa dường như ngẩn ra, rồi nơi mắt hiện lên vẻ nghi hoặc, khẽ nhíu mày: "Sao mắt ngươi đỏ thế?"

Tôi giật mình, vội nâng tay áo lên dụi, giả vờ như có bụi bay vào, dụi xong liền ra hiệu cho nàng xem: "Là lúc nãy quỳ lạy bụi bay vào mắt, nô tỳ đa tạ Đại trưởng công chúa đã quan tâm."

Công chúa lặng lẽ nhìn tôi, không hỏi thêm, chỉ bảo tôi lấy bữa sáng trong hộp thức ăn ra. Sau đó, nàng nói: "Ngồi xuống."

Tôi do dự một lát, rồi thuận theo ý nàng ngồi xuống đối diện. Nàng đẩy một bát cháo đến trước mặt tôi, lặng lẽ nhìn tôi chằm chằm, có lẽ là muốn tôi cùng ăn với nàng.

Tôi rất muốn nói, cả tôi và Công chúa đều chưa rửa mặt, nhưng nghĩ lại, cả hai đều đã thức trắng một đêm, đây thậm chí không thể coi là bữa sáng, mà là bữa khuya.

Nhưng tôi đã không thể cùng Công chúa dùng chung một bữa ăn được nữa.

Công chúa thấy tôi hồi lâu không động đũa, khó hiểu hỏi tôi: "Ngươi không đói sao?"

Ta thưa: "Được ngồi cùng Đại trưởng công chúa đã là vượt quá phận mình, nay lại được dùng bữa cùng Đại trưởng công chúa, nô tỳ vô cùng sợ hãi, thực sự không dám."

Công chúa nghĩ một lát, rồi nhìn thẳng vào tôi: "Ta không trách ngươi."

Tôi khựng lại, mơ hồ cảm thấy câu nói này dường như mang một ý nghĩa khác, nhưng lại thấy mình nhạy cảm, bèn cúi mắt nói: "Nhưng nô tỳ sẽ tự trách mình."

Công chúa khẽ sững sờ, nhíu mày như không thể hiểu nổi. Nàng nắm chặt đôi đũa ngà trong tay, đầu ngón tay trắng bệch. Một lát sau, nàng nói: "Ta biết rồi, ngươi lui ra đi."

Tôi như được đại xá, lập tức đứng dậy hành lễ với nàng, rồi nhanh chóng lui ra ngoài. Khi đóng cửa lại, vừa quay người đã thấy Đinh Lan đứng dưới mái hiên, lặng lẽ nhìn tôi.

Tôi thậm chí còn nghi ngờ, có phải nàng cũng đã thức trắng một đêm để canh chừng tôi và Công chúa. Nhưng thực ra tôi cũng chẳng đi đâu được, nơi ở của tôi trong nội viện ngay cạnh phòng Công chúa, dù có trốn được nhất thời, lần sau lại không biết phải đối mặt với nàng thế nào.

Đinh Lan nhìn tôi, giọng điệu như có chút oán trách, hỏi: "Trương nương tử là kẻ vô tâm sao?"

Tôi bất giác bật cười, nếu tôi là kẻ vô tâm, thì trên đời này còn ai là người hữu tâm nữa. Tôi không hiểu tại sao Đinh Lan hỏi tôi như vậy, có phải vì cô ấy hầu hạ bên cạnh Công chúa, nên có thể không phân biệt trắng đen, đổ mọi lỗi lầm lên đầu tôi không?

Tôi cúi người với Đinh Lan, nói: "Đinh Lan nương tử hiểu lầm rồi, nô tỳ chỉ là người cẩn thận mà thôi."

Đinh Lan nghe vậy, nhíu mày kèm theo tiếng thở dài khẽ. Cùng lúc đó, trong phòng có âm thanh bát đũa rơi vỡ. Tôi đứng lại một chút, nhưng cuối cùng vẫn không chọn bước vào trong lần nữa.

"Nô tỳ vụng về, làm Đại chủ không vui, bây giờ càng không dám vào, mong Đinh Lan nương tử thay tôi giải vây." Tôi hành lễ, nhờ cô ấy để ý đến Công chúa.

Là tôi nhỏ nhen, không chịu tha thứ, nhưng lại hèn hạ, khao khát dùng cách này để Công chúa có thể liếc nhìn tôi một cái.

Đinh Lan thấy không khuyên được tôi, cuối cùng cũng từ bỏ, đẩy cửa bước vào phòng. Khóe mắt tôi liếc thấy trên sàn một mớ hỗn độn, hộp thức ăn, bát đũa cùng thức ăn ngon hết thảy vương vãi thành một đống. Công chúa quay lưng lại, cảm xúc không rõ.

Tôi đứng ngoài một lúc, rồi nhanh bước đi, lòng trồi sụt không yên, hốc mắt dường như lại bị gió lạnh thổi bụi vào, nhưng lại cảm thấy một thoáng hả hê khó tả.

Ha!



#



Sau đó hai ngày, Công chúa không gặp tôi nữa, chỉ để Đinh Lan cùng quản sự trong phủ chuẩn bị cho tiệc xuân. Tôi cung kính vâng lời.

Trong phủ vừa mới có hỏa hoạn, vẫn chưa kiểm kê thiệt hại ra sao. Còn về chuyện thích khách, ở nội viện tôi chỉ nghe nói hôm ấy trên điện, Thánh nhân [6] nổi trận lôi đình, hạ lệnh phải điều tra kỹ vụ này, xử bằng trọng hình để xoa dịu lòng Đại trưởng công chúa.

[6] Cách gọi tôn kính dành cho bậc Đế vương, Hoàng đế đang tại vị (tương đương với Thánh thượng).

Nghĩ đến bấy giờ Công chúa quyền thế ngút trời, chuyện thích khách, có thể to cũng có thể nhỏ.

Nhân cơ hội này, tôi cũng đoán được mục đích của Công chúa khi mời tiệc, chẳng qua là để dằn mặt răn đe, hoặc là, lại mưu tính cho bản thân mình.

Tôi bưng vò rượu cũ lấy từ trong kho ra, đi theo thị nữ ra khỏi hầm rượu, thấy trời trong mây trắng, bỗng dưng cảm giác mình lo lắng những chuyện này thật vô lý. Tôi là thị nữ nội viện, không còn là Phò mã Phạm Bình, cũng không cần phải đi dò la tin tức gì cho Công chúa nữa.

Mẹ tôi thường nói, cây cao hơn rừng, gió ắt sẽ quật đổ. Tôi đã đi sai một bước, không nên sai càng thêm sai.

Tôi ghi nhớ lời bà, lúc nào cũng nhẩm đi nhẩm lại trong lòng, nuốt xuống, đè nén cái nhiệt huyết sôi sục đó, tự nhắc nhở mình phải tuân theo khuôn khổ, không được sai sót, mới có thể sống yên ổn qua ngày.

Nhưng mẹ tôi đi quá sớm, đến nỗi chỉ một câu nói bâng quơ của Công chúa, cũng khiến tôi chìm đắm đến điên cuồng—

"Phạm Bình, chỉ còn lại ngươi và ta."

Trong đêm tối, nàng mặc áo trắng, chìa tay về phía tôi, người đang khóc thương vì mất mẹ, không nơi nương tựa. Nét mày nàng ẩn chứa nụ cười bất đắc dĩ, vừa như an ủi vừa như hứa hẹn, khiến tim tôi đập như trống dồn, bất giác lại gần.

Dù cho đó là lời nói dối, nhưng ngay tại thời khắc đó, tôi đã tin không chút nghi ngờ.


Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro