CHƯƠNG 11

Là ngày, trời quang mây tạnh, Công chúa mở tiệc trong phủ, mời quyến thuộc của các quan viên từ ngũ phẩm trở lên trong triều đến dự. Lấy cớ trong phủ vừa xảy ra hỏa hoạn, lại có thích khách đột nhập khiến lòng người bất an, nên mời các vị nương tử đến cùng chung vui.

Tôi được Đinh Lan phân công, theo hầu một bên nhưng không được lại gần Công chúa. Chắc là do hôm đó tôi từ chối dùng bữa cùng nàng, khiến nàng không vui.

Công chúa trước nay vẫn thường không hài lòng với việc tôi làm, đây cũng chẳng phải chuyện lạ. Vốn dĩ nàng có rất nhiều cách để bắt tôi nhận lỗi, nhưng bây giờ, chỉ đơn thuần bắt tôi đứng cách xa mười bước, nhìn nàng cùng các vị nương tử hân hoan thưởng rượu, đã là một sự trừng phạt to lớn rồi.

Những nương tử kia có không ít người trông quen mặt, đều là người tôi từng gặp khi cùng Công chúa đến dự yến ở phủ Thái tử năm nào. Vậy mà nay, những tân khách của Thái tử này đều đã trở nên thân thiết với Công chúa cả rồi.

Trong số đó, người khiến tôi bất ngờ nhất chính là phu nhân của An Viễn Hầu, Lâm đại gia [1].

[1] Đại gia là một danh xưng, một kính ngữ dùng để gọi những người phụ nữ có xuất thân hoặc địa vị cao quý trong xã hội xưa, thường là vợ cả của quan lại, gia chủ.

Thời Tiên đế, Tề Vương và Thái tử tranh đấu, An Viễn Hầu qua lại khá thân với Tề Vương, đã gây không ít trở ngại cho Thái tử. Vì tôi đã chết nên không thể biết Tề Vương rốt cuộc thất thế ra sao, nhưng việc Lâm đại gia bây giờ có thể xuất hiện trong yến tiệc của Công chúa quả thực làm tôi có chút ngạc nhiên.

Dù sao thì vị Lâm đại gia đó trước kia chẳng hề coi trọng Công chúa.

Còn nhớ Công chúa từng nói: "Lâm đại gia rất khéo vun vén các mối quan hệ của nữ quyến trong nội trạch [2], lại thân thiết với các phi tần trong cung. Khi ấy, mẫu thân của Tề Vương là Trương Quý phi được sủng ái, thường bất hòa với Hoàng hậu, thế mà cũng được Lâm đại gia hóa giải, còn xem bà ấy như tỷ muội khuê các, thường xuyên ban thưởng."

[2] Là khu vực sinh hoạt riêng tư dành cho nữ quyến (chủ mẫu, tiểu thư, thê thiếp,...) và các nữ tỳ, thường nằm ở phía sau các phủ đệ, đối lập với "ngoại viện" là nơi dành cho nam giới tiếp khách và làm việc. Đàn ông không có phận sự thường không được phép vào.

Lúc ấy, tôi dự tiệc thường ở cùng các triều thần, không có dịp gặp Lâm đại gia, bây giờ mới có thể nhìn kỹ.

Lâm đại gia khoảng chừng bốn mươi, nhưng dung mạo và trang điểm đều tinh tế, chỉn chu, không một chút sơ sài. Cách ăn mặc cũng vô cùng trang nhã, màu sắc tuy nền nã nhưng không hề nhạt nhòa, vừa không khiến người ta cảm thấy nhàm chán, lại chẳng đến mức bị lu mờ.

Người mở lời hỏi thăm Công chúa đầu tiên trong bữa tiệc cũng là bà, sau đó các vị phu nhân khác mới tiếp lời, cùng hỏi thăm Công chúa có an toàn không.

Công chúa lúc này cử chỉ, lời nói đã khác hẳn so với khi ở cùng tôi, khẽ cười tỏ vẻ yếu đuối, toát nét hiền hòa: "Đêm đó quả thực có chút đáng sợ. Chưa kể đến thích khách, chỉ riêng việc hỏa hoạn đã xảy ra ngay gần phòng ngủ của ta, nếu không nhờ có thị nữ cõng ta ra ngoài, e là lửa đã cháy lan đến viện của ta rồi."

Nói đoạn, ánh mắt nàng lướt qua má tôi, tôi vội cúi đầu né tránh. Những lời giả dối này, nàng nói ra thật thuận miệng.

Lâm đại gia cau mày, trông khá căng thẳng: "May mà Đại trưởng công chúa vô sự, thần phụ ở nhà nghe tin cũng vô cùng kinh hãi, chỉ muốn ngay đêm đó thúc ngựa đến phủ hỏi thăm, nhưng lại bị lang quân cản lại, nói là đừng đến thêm phiền. Giữa lúc ấy cũng đã cho người hỏi han an nguy của Đại trưởng công chúa, nhưng lại nghe nói Quý chủ đã vào cung. Mãi đến hôm nay mới có thể tới thăm, lòng này mới tạm yên được."

Các vị nương tử khác cũng nói rằng đã yên tâm. Công chúa chỉ cười nhẹ không đáp, nhấp một ngụm rượu trong chén, giọng thản nhiên: "Trước đây, phủ đại trưởng công chúa là do An Viễn Hầu cho người giám sát xây dựng, ta xưa nay vẫn luôn tin tưởng ngài ấy, vì vậy đã xin Thánh thượng giao phó trọng trách, đến cả việc chủ trì xây dựng Phụng Thiên Quan cũng do ngài ấy giám sát."

Sắc mặt Lâm đại gia cứng lại, môi mấp máy, chưa kịp nói gì, Công chúa đã tiếp: "Chỉ là mấy hôm trước ta nghe nói, Phụng Thiên Quan xây cho Tiên hoàng, mới được một năm đã sụp đổ vì mưa lớn, đá núi theo nước mưa trôi xuống, đè chết mấy hộ dân dưới núi, vậy mà lại không được bẩm báo lên trên, là vì sao?"

Lâm đại gia sững người, giữa hàng mày thoáng vẻ hoảng hốt nhưng đã vội lấy khăn tay che đi: "Chuyện của lang quân, thần phụ chỉ ở trong nội trạch, làm sao tường tận. Phụng Thiên Quan và phủ đại trưởng công chúa đều do Công bộ [3] phụ trách xây dựng, lang quân không am hiểu nội tình, nếu Đại trưởng công chúa có điều nghi vấn, chi bằng hỏi họ thử xem?"

[3] Một trong sáu bộ của triều đình phong kiến, chịu trách nhiệm về các công trình xây dựng công cộng như cung điện, thành trì, đê điều.

Công chúa không bày tỏ ý kiến, chỉ nhẹ nhàng "ồ" một tiếng, rồi lại nói: "Hôm qua ta vào cung cũng có nhắc chuyện này với Thái hậu. Thái hậu nói di nguyện của Tiên hoàng là xây Phụng Thiên Quan để cầu tiên gia phù hộ hoàng tộc, là chuyện phúc đức trăm đời, không thể xem nhẹ. Nếu có sai sót, Công bộ tất biết mình gánh tội đầu tiên. Dù có lơ là, cũng không đến mức khiến Phụng Thiên Quan mới một năm đã thành ra thế này. Lâm đại gia, An Viễn Hầu gần đây có cùng Hộ bộ [4] Vương Thị lang [5] ra ngoại ô lên thuyền du ngoạn nữa không?"

[4] Một trong sáu bộ của triều đình, quản lý về đất đai, hộ khẩu, thuế khóa và ngân khố quốc gia.

[5] Chức quan cao cấp trong các bộ của triều đình phong kiến, vị trí chỉ sau Thượng thư.

Lâm đại gia lúc này ngồi không yên, vẻ mặt đã chẳng kiểm soát được nữa. Xem ra yến tiệc hôm nay là để gây khó dễ cho An Viễn Hầu.

"Lang quân gần đây quả thực có đi lại gần gũi với Vương Thị lang hơn," Lâm đại gia nói, "Đó cũng là do Bệ hạ giao phó, mọi việc ở Thái Phủ Tự [6], suy cho cùng cũng không thể không liên quan đến Hộ bộ."

[6] Một cơ quan trung ương trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, chịu trách nhiệm quản lý kho tàng, tài chính của nhà nước và hoàng gia, đôi khi bao gồm cả việc quản lý thương mại và thu thuế.

Thái Phủ Tự quản lý và xuất nhập quốc khố, giám sát giao thương trong kinh thành, Thường Bình Thự [7] lại càng là cơ quan trọng yếu nắm quyền kiểm soát giá lương thực.

[7] Cơ quan thực hiện chính sách bình ổn giá cả. Nhiệm vụ chính là thu mua lúa gạo dự trữ vào những năm được mùa giá rẻ và bán ra vào những năm mất mùa giá cao để ổn định thị trường, cứu tế cho dân chúng.

Công chúa khẽ gật đầu: "Quả thực như vậy, chỉ là ta thấy lạ một điều, năm nay lương thực nhập vào quốc khố của Hộ bộ đã giảm ba phần, trừ kinh thành và Sóc Dương ra, giá gạo ở những nơi khác lại cao gấp bốn lần. Ta lấy làm lạ, tại sao chỉ có hai nơi này giá gạo vẫn như cũ?"

Nếu có kẻ nào đó cố tình ép giá gạo ở kinh thành, rồi lại mang ra các thành khác bên ngoài để bán, thì đó cũng là một món hời lớn.

Sắc mặt các vị nương tử đều hơi thay đổi, ngược lại, vẻ mặt Lâm đại gia dần bình tĩnh lại: "Đại trưởng công chúa hỏi những chuyện này, thần phụ làm sao mà tỏ tường. Trong triều có trăm quan, trên Minh Đường [8] có Bệ hạ, hẳn là nhờ Bệ hạ thánh minh nên mới giữ được giá gạo trong kinh thành, còn những nơi khác, thần phụ quả thực không hiểu."

[8] Sảnh đường chính trong cung điện, nơi Thiên tử cử hành các đại lễ hoặc triều kiến quần thần.

Sắc mặt Công chúa điềm nhiên: "Lâm đại gia biết trên Minh Đường là Thiên tử ngự trị, trong triều cũng có trăm quan vì Thiên tử mà lo liệu, vậy mà lại thường xuyên ra vào nội đình [9], mấy tháng trước còn dâng tặng Thái hậu lễ vật hậu hĩnh. Lâm đại gia và An Viễn Hầu quả là hào phóng."

[9] Chỉ khu vực sinh hoạt riêng của hoàng tộc trong hoàng cung.

Đang nói, thì thấy một người hầu từ ngoài sân chạy vào, báo rằng có nữ quan trong cung đến thăm.

Đầu ngón tay Lâm đại gia khẽ run, Công chúa liếc một cái rồi cho mời người vào. Tôi vô tình nhác thấy, cũng là người quen cũ — một vị học trò nữ cải nam trang ở Thái Học ngày trước, Tiết Cô, Tiết Tam nương tử.

Cả đời này, người khiến tôi vừa kính phục vừa tiếc nuối không nhiều, Tiết Tam nương tử là một trong số đó.

Trong Quốc Tử Giám, Quốc Tử Học và Thái Học phần lớn tuyển chọn con nhà quan lại quyền quý, con thường dân và con quan lại không có tước vị thì vào Tứ Môn Học. Cuối mỗi năm, sẽ có các bác sĩ sát hạch bài vở, người xuất sắc nhất trong kỳ thi ở Tứ Môn Học có thể được vào Quốc Tử Học và Thái Học [10].

[10] Quốc Tử Học, Thái Học và Tứ Môn Học là các trường học trực thuộc Quốc Tử Giám thời xưa. Việc phân chia các trường này thường dựa trên xuất thân của học trò

Năm Thừa An thứ mười chín, năm thứ hai tôi nhậm chức giám chính Quốc Tử Giám, năm đó Tiết Cô hiên ngang đỗ đầu vào Thái Học, được các vị bác sĩ [11], trực giảng [12] hết lời khen ngợi.

[11] Chức danh học thuật trong Quốc Tử Giám, tương đương với các học giả, giảng sư cấp cao.

[12] Một chức danh học thuật, giảng viên trong Quốc Tử Giám.

Tôi tuy là giám chính, nhưng thực ra không liên quan nhiều đến việc sát hạch học vấn.. Sở dĩ tôi chú ý đến Tiết Cô chỉ vì vô tình thoáng thấy người đó là một nữ nhi, điều này làm tôi khá chấn động, tựa như nhớ lại vài chuyện cũ không muốn nhớ.

Con cháu nhà quyền quý phần lớn đều mang khí chất kiêu ngạo, xa hoa, thường nhân dịp nghỉ lễ để cùng nhau du ngoạn bàn luận, nhưng chẳng hoàn toàn là thơ văn kinh nghĩa. Tiết Cô thường bị cho ra rìa, nhưng cô ấy chỉ đắm chìm vào việc học, cũng chưa từng đắc tội với ai, tôi bèn hơi yên tâm.

Nhưng xem ra, con đường học ở Thái Học của Tiết Cô không hề thuận lợi. Phòng ở Thái Học bốn người ở chung, Tiết Cô có lẽ sợ thân phận bại lộ nên thường dậy sớm nhất, ngủ muộn nhất. Khoảng thời gian không dám ngủ ấy đối với cô ấy vô cùng quý giá, bèn lén thắp đèn học bài. Có lẽ vì làm phiền người khác nghỉ ngơi, không lâu sau liền bị bạn cùng phòng tố cáo với tôi.

Vì mấy năm trước, trong Quốc Tử Giám xảy ra một vụ giám sinh [13] làm người khác bị thương, liên lụy rất rộng. Thái tử bởi thế mà vô cùng tức giận, cầu xin Tiên đế điều tra triệt để, nói rằng Quốc Tử Giám là học phủ hàng đầu thiên hạ, trong đó đều là môn sinh của Thiên tử, sao có thể có kẻ vô đức âm hiểm như vậy ở lại. Vì thế sau khi điều tra, đã đuổi mười hai giám sinh ra khỏi trường, trong vòng mười năm không được hưởng đặc ân vào triều làm quan, cũng không được dự thi ân khoa. Quan viên trong Giám cũng bị phạt và biếm chức toàn bộ, từ đó về sau, ban đêm không được phép đốt đèn lửa, giám sinh cũng không được ra khỏi phòng ở. Việc bị tố cáo này cũng nằm trong dự liệu của tôi.

[13] Tên gọi chung cho học trò theo học tại Quốc Tử Giám.

Tôi không nỡ nhìn Tiết Cô như vậy, bèn cho cô ấy đến phòng của tôi, thắp đèn học bài. May mà tôi không phải người sợ ánh sáng, dù ban đêm có đèn đuốc vẫn ngủ yên được.

Tiết Cô khá do dự, hỏi tôi: "Tiên sinh tại sao lại làm vậy, không sợ bị người đời gièm pha sao?"

Tôi nghĩ điều duy nhất có thể bị người đời gièm pha có lẽ là sau này khi thân phận cô ấy bại lộ, sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của tôi, nhưng lúc ấy tôi đã không còn để tâm nhiều nữa.

Khẽ cười một tiếng, tôi trả lời: "Ta vốn dĩ chẳng có danh tiếng gì tốt đẹp, có gì mà phải sợ."

Tiết Cô chau mày, vô cùng khó hiểu: "Tiên sinh quản học quy... lại châm chước cho học trò một lối riêng thế này, e rằng sẽ tổn hại đến thanh danh của tiên sinh."

Cô ấy thật có lòng tốt.

Nếu cô ấy có thể có chỗ đứng trong triều, đó là điều tôi vui mừng được thấy, nhưng tôi biết rõ khả năng đó vô cùng mong manh.

Tôi khẽ thở dài, an ủi: "Cô cứ xem như ta ngưỡng mộ cô đi, thấy cô hiếu học cầu tiến như vậy, người đọc sách học văn nào mà không quý trọng tài năng chứ?"

Tiết Cô từ đó chẳng từ chối nữa. Trong thời gian ấy, tôi có vài lần đề nghị, nếu không ngại, có thể ở lại phòng của tôi, rộng rãi hơn nhiều, song đều bị Tiết Cô từ chối, mỗi ngày đều đúng giờ trở về phòng của mình.

Tôi không giữ cô ấy lại, cũng chưa từng nhắc đến việc mình đã nhìn thấu thân phận của cô ấy.

Nhưng dù tôi không nhắc nhở, cô ấy cũng đâu thể qua được vòng khám thân khoa cử. Triều ta tuy không đến mức bắt cởi y phục ngay tại chỗ, nhưng trước khi vào trường thi cũng phải tắm rửa thay đồ, vì thế, thân phận của cô ấy rất nhanh đã bị bại lộ trước mắt người đời.

Trong Quốc Tử Giám một phen xôn xao, kinh ngạc vì bạn học là nữ nhi mà mình lại không hề hay biết. Có điều theo sau đó là lời can gián của Ngự Sử Đài [14] và những lời chỉ trích nhắm vào tôi, nói rằng tôi sớm đã biết Tiết Cô là nữ nhi, cố tình tạo điều kiện cho cô ấy. Trong đám giám sinh cũng có người chỉ trích tôi và Tiết Cô ở chung một phòng, ắt hẳn có chuyện không trong sạch.

[14] Cơ quan giám sát cao nhất trong triều đình phong kiến, có chức năng giám sát, hặc tội các quan lại.

Tôi lại một lần nữa rơi vào những lời đồn đại đầy tổn thương này.

Đó là một lần hiếm hoi tôi bước vào Sùng Minh Điện diện kiến bá quan. Khi ấy Tiên đế vẫn còn, Thái tử và Tề Vương đứng hai bên, tôi chính là con bài mặc cả bị kẹp giữa cuộc tranh giành phe phái của họ. Kết cục của tôi đủ để thấy được thái độ của Tiên đế – vì chức giám sinh của tôi chính là do Thái tử thuận thế cầu xin mà có, trong mắt người đời, tôi thuộc về phe Thái tử.

Trên điện, những lời chất vấn dồn dập kéo đến, tôi im lặng không nói. Trong đấy có lời nói rằng tôi và Tiết Cô cấu kết, là làm nhục Công chúa, coi thường hoàng gia, tội rất nặng.

Mặt Thái tử có vẻ tức giận, tôi cúi đầu hành lễ, quỳ trước mặt Thiên tử, thưa với ngài: "Thần không biết Tiết Cô vốn là nữ nhi, thần chỉ thấy cô ấy đáng thương, bị các giám sinh khác xa lánh, nhớ lại hoàn cảnh của mình năm xưa mà đồng cảm, không nỡ nhìn chuyện như thế lại xảy ra với một học sinh, do đó mới chăm sóc cô ấy nhiều hơn. Thần không chỉ một lần nghĩ rằng, nếu năm đó cũng có một vị giám chính lên tiếng vì thần, thì thần cũng có cơ hội được đứng vào hàng ngũ triều thần."

Trong điện chìm vào tĩnh lặng, tiếp đến là những tiếng xì xào bàn tán. Tôi nghe được vài câu, nói rằng: "Giám sinh bị thương đó tên là gì ấy nhỉ?"

"Tên là... Phạm Bình?"

"Phạm Bình?!"

"...Là Phạm Phò mã?!"

Vụ giám sinh làm người khác bị thương ở Quốc Tử Giám năm đó, tôi tự thấy mình không thẹn với lòng, nhưng trong số mười hai giám sinh bị đuổi học, cũng có cả tôi, một người bị hại.

Tôi quỳ trên Sùng Minh Điện, lưng hơi cứng lại, hàng trăm ánh mắt lại đổ dồn về phía tôi, tựa như gươm đao, muốn chém nát, hành hạ tôi.

Cùng lúc đấy, Thái tử bước ra khỏi hàng quan lại, giọng đầy phẫn nộ, tâu với Tiên đế: "Bệ hạ, chuyện giám sinh gây thương tích năm xưa liên lụy rất rộng, Phạm Phò mã là người có tư cách phán xét việc này hơn ai hết. Suy bụng ta ra bụng người, hành động này của Phạm Phò mã không có gì sai trái, trái lại còn đáng được khen thưởng bởi tấm lòng nhân đức mới phải."

Bấy giờ, bá quan trong triều không ai dám lên tiếng. Đợi tôi đứng dậy, những ánh mắt đó đều biến thành thương hại và tiếc nuối. Tôi thu tay vào trong ống tay áo, sau khi Tiên đế phán vô tội thì cúi đầu rời khỏi Sùng Minh Điện, đôi chân nặng trĩu như sa vào vũng lầy, chật vật bước đi.

Tôi không biết họ nhìn tôi thế nào, nhưng tôi nghĩ, tôi trước sau vẫn chỉ là một giám sinh cỏn con, một vị phò mã bất tài được đội ơn trời.

Đợi đến khi ra khỏi hoàng cung, về nội viện Phạm phủ, vừa hay Công chúa đến thăm, thấy tôi đến thì thoạt tiên gọi một tiếng: "Phạm Bình."

Nhưng có lẽ sắc mặt tôi quá khó coi, Công chúa hơi sững lại, chau mày hỏi: "Phạm Bình, ngươi sao vậy?"

Bàn tay giấu trong ống tay áo vì xúc động mà hơi run rẩy, cơn đau từ móng tay bấm vào lòng bàn tay khiến tôi không phân biệt được đó là cơn giận dữ từ vết thương cũ hay là sự bối rối khi bị Công chúa bắt gặp lúc này.

Tôi sợ mình không kiềm chế được sẽ trút giận lên Công chúa, nên đành quay lưng lại, dùng dáng vẻ gần như van nài để nàng rời đi: "Công chúa, xin hãy để ta một mình... một lát thôi."


---

*editor: biết edit thể loại cung đình là kinh khủng khiếp nhưng vẫn cố đâm đầu, ai ngờ giờ nó thành khủng bố luôn rồi😓

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro