Chương 14

Đẩy cửa vào, tôi liền thấy Công chúa đang cầm bút trước án thư [1], trên bàn chất đầy thư từ.

[1] Loại bàn dùng để đọc sách, viết chữ hoặc xử lý công văn thời xưa.

Tôi đứng bên cửa, chần chừ không dám bước tới, từ những ngày này có thể đoán được rằng, mối liên hệ giữa nàng và triều đình chắc chắn không ít, những nhà quyền quý tới bái kiến kia nắm trong tay vận mệnh dân sinh của cả triều đại này.

Nàng chuyên tâm đến vậy, lúc thì nhíu mày, lúc lại hờ hững gạch xóa, giống hệt như dáng vẻ say mê và khao khát khi tôi giải thích kinh nghĩa trong sách cho nàng thuở trước.

Tôi không muốn làm phiền nàng, trong lòng nàng, quyền lực trước nay vẫn luôn quan trọng hơn tôi rất nhiều.

Đồng thời tôi cũng ngưỡng mộ nàng, giống như tôi ngưỡng mộ Tiết Cô vậy.

Đợi một lúc, Công chúa rốt cuộc cũng ngẩng đầu lên khỏi án thư, ánh mắt dời về phía tôi, vẫn là dáng vẻ bình thản lãnh đạm đó, dù chỉ là lặng lẽ nhìn tôi như vậy, cũng đủ khiến toàn thân tôi cứng đờ như đá.

Tôi đang đắn đo không biết thoạt tiên nên hành lễ với nàng, hay là nên xin lỗi về hành vi trước đó của mình, thì Công chúa đã cất lời trước: "Lại đây."

Tim tôi lại khẽ run lên, ngoan ngoãn bước tới bên cạnh nàng, lướt qua chồng thư trên bàn, vội vàng liếc thấy hai chữ "Sở Vương".

Sở Vương là con trai thứ bảy của Tiên đế, một vị hiền vương, từng quỳ dưới thềm son xin Tiên đế tha cho Thái tử khi người vướng vào tội mưu nghịch, nhưng bị Tiên đế nổi giận trách mắng rồi cấm túc, sau đó thế nào tôi cũng không rõ.

Tôi nhanh chóng dời mắt đi, không muốn đặt quá nhiều tâm tư vào đấy, Công chúa thấy tôi như vậy, bèn xếp chồng thư trên bàn xuống dưới một cuốn sách khác, rút ra một tập văn, hỏi: "Đọc qua chưa?"

Quốc Tử Giám có rất nhiều sách, thu thập các tác phẩm nổi tiếng kim cổ trong thiên hạ, nhưng vẫn có một số không được đưa vào, mà được cất giữ trong thư các của những gia tộc quyền quý, không được sao chép, gọi là sách hiếm, vô cùng khó có được.

Tôi cúi đầu đáp: "Nô tỳ không biết chữ."

Muốn dùng lời nói dối này để kéo giãn khoảng cách với Công chúa, hàng mi nàng khẽ run: "Mài mực."

Tôi đứng im một lát, ngoan ngoãn vâng lời, trong nghiên thực ra vẫn còn mực, chắc là nàng chỉ muốn tôi có việc để làm, tôi không rõ suy nghĩ của nàng, song cũng không muốn từ chối.

Đợi mực mới phủ lên lớp mực cũ, soi cả bóng dáng có phần hoảng hốt của tôi, thì Công chúa lấy một cây bút lông sói Huệ Châu từ giá bút, đưa phần đuôi bút cho tôi, ánh mắt sâu thẳm dò xét: "Ngươi tới chép."

Tôi ngây người nhìn nàng, không nhận lấy cây bút lông, môi có hơi khô khốc: "Nô tỳ... không biết viết."

Công chúa im lặng không nói, động tác đưa bút dừng lại ở đó, như thể tôi không nhận thì nàng sẽ đứng như vậy đến thiên hoang địa lão [2].

[2] Một thành ngữ chỉ sự vĩnh cửu, mãi mãi, cho đến khi trời đất hoang tàn, già cỗi.

Nàng luôn có khả năng khiến tôi khuất phục như vậy, tôi cúi đầu kính cẩn nhận lấy bút, nói: "Nô tỳ chép không đẹp."

Công chúa thu lại ánh mắt, đứng dậy khỏi án thư, dáng vẻ đó, dường như là muốn tôi ngồi xuống, tôi sợ nhất là sự im lặng này, nó đại diện cho sự mạnh mẽ không lời của Công chúa, rất nhiều lần nàng yêu cầu tôi làm gì đó, không cần yêu cầu lần hai, chỉ cần chờ đợi là có thể khiến tôi vui vẻ làm theo.

Phần lớn thời gian, thực ra tôi lại vui vì điều này, nó cho thấy Công chúa có điều cần đến tôi, mà tôi lại chẳng có gì để cho nàng, việc ấy khiến tôi cảm thấy mình có tầm quan trọng cỏn con.

Ngồi trước án thư, Công chúa mở tập văn ra, trải giấy Tuyên mới cho tôi, dùng chặn giấy đè lên, ngón tay thanh mảnh trắng ngần của nàng như khẽ lướt qua tim tôi, sống lưng tôi lại lần nữa trở nên đông cứng.

Công chúa chỉ vào một trang trong tập văn: "Bắt đầu từ đây."

Tôi cúi đầu vâng lời, không kìm được hỏi: "Xin hỏi Đại chủ, phải chép bao nhiêu ạ?"

Công chúa không nói gì, chỉ xoay người thong thả bước đến chiếc giường nhỏ bên cạnh rồi nghiêng mình nằm xuống, lại chọn một cuốn sách khác để đọc, dáng vẻ đó, dường như là chỉ cần nàng không nói dừng, tôi sẽ phải chép mãi như thế.

Khoảng nửa khắc sau, trong phòng chỉ còn mùi hương trầm và sự tĩnh lặng, thời gian như ngừng lại vào lúc này, ánh mắt tôi không thể rời khỏi nàng, đợi đến khi nàng lật mấy trang sách mới lại nhìn tôi: "Còn không chép?"

Tôi dường như cảm nhận được vài phần tinh ranh và khoái trá trong giọng nói của nàng.

Tai tôi đỏ bừng, lúng túng cúi đầu, dùng nét bút của người mới học mà nguệch ngoạc chép lại những câu chữ trong tập văn lên giấy.

Tôi không biết Công chúa còn nhớ những chuyện đó không, nhưng tôi nghĩ đó là những khung cảnh vui vẻ mà cả đời này tôi không thể nào quên.

Sờ lên lồng ngực, có hơi chua xót.

Đây là khung cảnh tôi đã hoài niệm suốt cả ngàn ngày đêm, nhưng tôi lại chẳng phân biệt được đây rốt cục là trải nghiệm gì, vừa mong chờ, vừa sợ hãi, tôi sợ khoảnh khắc tôi thừa nhận mình chính là Phạm Bình, Công chúa sẽ lại ruồng bỏ tôi như thuở trước.

Nàng có lẽ đang thử lòng trung thành của tôi chăng.

Nét chữ dưới tay dần trở nên xiêu vẹo, chữ của tôi xưa nay vốn đã rất xấu, vì thế muốn viết ra chữ của người không biết viết là chuyện vô cùng dễ dàng.



#



Đó là khoảng năm thứ hai sau khi Công chúa hạ giá, cũng là một mùa xuân, hoa bào đồng sắp nở, tôi đang đọc sách trong Thanh Vân Đình, mà khi ấy tôi còn chưa vào Quốc Tử Giám nhậm chức giám chính.

Phò mã là một chức quan nhàn rỗi, tác dụng quan trọng nhất có lẽ là làm vui lòng Công chúa, đó cũng là lần đầu tiên, Công chúa chủ động tìm tôi.

Nàng mặc bộ y phục màu xanh, tương phản với hoa bào đồng, trông đặc biệt nổi bật.

Lúc ấy tôi đang chìm đắm trong sách nên không phát hiện, đến khi ngẩng đầu thấy nàng, tôi vô cùng áy náy, đặt sách xuống chạy tới hỏi thăm nàng, nàng lãnh đạm nhìn tôi, ánh mắt dừng lại trên cuốn sách nơi bàn đá, hỏi: "Phạm Bình, trước đây ngươi làm gì?"

Tôi đắn đo ý trong lời nàng, có lẽ là đang hỏi về công việc của tôi trước khi cưới Công chúa, bèn đáp: "Trước đây ở Thư viện Bạch Lộc, Lạc Châu, ta được mời làm giáo tập, dạy bọn trẻ đọc sách."

Công chúa mời tôi vào Thanh Vân Đình, cầm lấy cuốn sách tôi đang đọc, xem hai lượt, hỏi: "Sao không đi nữa?"

Tôi đương nhiên không thể nói là vì cưới Công chúa, bèn đáp: "Chẳng có tiền đồ gì, bổng lộc lại quá ít."

Công chúa khẽ liếc tôi một cái, chả hay có nhìn thấu lời nói dối của tôi không: "Dạy những gì?"

Đáp: "Chỉ là một vài thứ vỡ lòng cho học trò, ta tài hèn sức mọn, không phải danh gia gì, hiển nhiên cũng không dạy được nhiều."

Công chúa không tỏ ý kiến, lại lật xem cuốn sách mấy lượt, bỗng chỉ vào một trang hỏi tôi: "Câu này nghĩa là gì?"

Nàng quá đỗi tự nhiên, khiến tôi thoáng ngẩn ngơ, vội bước lên giải thích ý nghĩa trong sách cho nàng. Nàng khẽ nhíu mày, dường như đang suy tư về những lời giải thích đó, một lúc lâu sau thì lộ vẻ vỡ lẽ, khen tôi: "Phạm Bình, đám học trò e là không hiểu được những thứ này đâu."

Tôi cười đón nhận lời lẽ tựa như khen ngợi này, đáp: "Bọn trẻ tuổi còn nhỏ, cũng không cần hiểu những thứ này."

Nàng khẽ gật đầu, ánh mắt nhuốm chút sắc xuân rực rỡ, hỏi: "Phạm Bình, nếu ta muốn học thì sao, ngươi sẽ dạy ta chứ?"

Tôi kinh ngạc nhìn nàng, cuốn sách đó, thực ra có liên quan đến rất nhiều luận bàn quốc sự, có những thứ, e là nữ quyến lớn lên trong thâm cung không được phép đọc. Dẫu vậy, năm đấy tôi thấy thần sắc của Công chúa dường như vô cùng mong đợi, giống như có thứ gì đang nảy mầm trong lòng tôi, song tôi lại chẳng nhìn rõ được.

"Công chúa muốn học, Phạm Bình tự nhiên bằng lòng, chỉ là Phạm Bình e không bằng được các bác sĩ Thái Học, nếu nói sai, công chúa đừng trách tội." Tôi cúi đầu đồng ý với nàng, lại sợ năng lực mình không đủ, khiến Công chúa chê cười.

Công chúa không cho là vậy, nói: "Nếu ngươi không biết, cũng có thể học rồi dạy ta."

Tôi bỗng bật cười, lần đầu tiên vượt qua lễ quân thần mà trêu nàng: "Vậy ta được tính là thầy của Công chúa, hay là thị độc [3] của Công chúa?"

[3] Một chức quan thời xưa, có nhiệm vụ hầu cận và cùng học tập, đọc sách với vua, hoàng tử hoặc các nhân vật hoàng gia khác. Người giữ chức vụ này thường là các học giả uyên bác, không chỉ giảng giải kinh sách mà còn thảo luận văn chương, lịch sử.

Công chúa bình thản nói: "Ngươi là Phạm Bình."

Tôi ngẩn người tại chỗ, cố gắng phân tích lời của nàng, nhưng điều này dường như còn khó giải thích hơn cả những câu chữ khó hiểu trong sách, tôi bèn quy nó cho sự trêu đùa nhất thời của Công chúa.

Sau đó, Công chúa quả nhiên thường đến nội viện của tôi, nhờ tôi giải thích kinh luận trong sách.

Tôi vui vì điều này, bởi tôi cả đời cô độc, chẳng có gì cho nàng, nên đã tìm cho nàng không ít sách, đều là của Phạm Khiêm.

Cha rất chịu chi cho việc học của Phạm Khiêm, điểm này khác với tôi.

Một hôm, nàng hỏi tôi: "Ta nghe nói 《Thế Phú》 mưu lược sâu sắc. Phạm Bình, ngươi đọc qua chưa?"

《Thế Phú》 là sách hiếm, được cất giữ trong bí các của Hàn Lâm Viện, tôi dĩ nhiên không thể tiếp xúc được, bèn tỏ ý xin lỗi nàng, lúc đó nàng dường như có chút thất vọng, song vẫn bảo rằng: "Không sao."

Câu "không sao" của nàng, lại cắm rễ trong lòng tôi, sau đó rất nhiều lần, nàng đều hỏi đến một vài cuốn sách, có sách hiếm cũng có tàn quyển [4], phần lớn được cất giữ trong thư các của các gia tộc quyền quý, là thứ cầu cũng không được.

[4] Chỉ những bản sách, bản thảo hoặc cuộn tranh cổ không còn nguyên vẹn, bị hư hại, rách nát hoặc thiếu trang.

Mãi đến sau này Phạm Khiêm vào Hàn Lâm Viện, tôi nhậm chức giám chính Quốc Tử mới tìm mọi cách để kiếm cho nàng, nhưng những sách hiếm như vậy không được mang ra khỏi bí các, tôi bèn nhờ Phạm Khiêm cho tôi vào phòng của hắn để sao chép.

Công chúa đọc sách rất nhanh, chữ của tôi lại viết không đẹp, lâu ngày thì bệnh cũ tái phát, chữ run đến mức chính tôi còn không nhận ra, cho nên thường phải chép bốn năm ngày mới xong một quyển.

Công chúa thì chẳng để tâm chữ tôi xấu hay không, chỉ có tôi là thấy xấu hổ mà thôi.

Có lần nàng chỉ vào cuốn sách hỏi tôi, có phải là trốn dưới gầm bàn bị Phạm Khiêm giẫm lên tay để chép không, tôi sững người, bị chặn họng đến nửa ngày không nói được lời nào.

Công chúa dường như không nỡ, nhìn tôi một cái, an ủi: "Ít nhất vẫn đọc được."

Những sách hiếm này, giờ đây nàng đã tự mình có được, mà tôi lại chẳng vui vẻ gì. Tôi nghĩ, mối liên hệ giữa tôi và Công chúa sau này sẽ ngày càng mờ nhạt chăng.



#



Trời dần nghiêng bóng, tôi không biết đã chép bao lâu, nét chữ trên giấy Tuyên đã chả nhận ra được là bút tích của ai, nghĩ thầm mình về khoản nói dối, đúng là có chút thiên phú.

Đang nghĩ, tờ giấy bỗng bị ai đó rút đi, tôi giật mình nhìn qua, liền thấy thần sắc Công chúa hờ hững lướt qua nét chữ trên giấy, không có cảm xúc gì. Tôi ngồi không yên, một lúc sau, nghe thấy lời nhận xét của Công chúa.

"Xấu thật," nàng nói, ném tờ giấy về trước mặt tôi, "Luyện thêm đi."

Tai tôi lập tức nóng bừng, không biết nàng đang nói Phạm Bình, hay là Trương Bình Nhi, đương đắn đo thì Công chúa lại lên tiếng: "Hôm khác chép tiếp đi."

Đây là lệnh đuổi khách, tôi vội đứng dậy hành lễ với nàng, không kịp chờ nàng trả lời đã vội vàng ra ngoài, mãi tới khi đi nhanh được mấy chục bước khỏi viện, tôi mới miễn cưỡng đè nén được sóng lòng.

Dù tôi vẫn không chịu thừa nhận mình chính là Phạm Bình, nhưng những lời đó của Công chúa, vẫn khiến tôi đỏ mặt. Tôi quy nó cho cảm giác tự tôn vô cớ nổi lên. Phò mã tầm thường trong mắt người đời, tôi thực ra không muốn Công chúa cũng nghĩ vậy.

Gió bất chợt cuộn, vài đóa hoa quét qua thềm đá, giữa lúc thẫn thờ lướt qua, tôi bỗng thấy hai bóng người đang tựa vào nhau dưới khóm hoa cách đó không xa.

Tôi nhìn kỹ lại, ngạc nhiên vô cùng. Dưới gốc cây, Đinh Lan đang ôm eo Triệu nương tử, khiến tôi càng thêm lúng túng.

Bọn họ... lại đang ôm nhau sao?


Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro