Chương 15
Họ ôm nhau như chốn không người, ánh mắt quyến luyến, gò má ửng hồng dưới ánh sáng ban ngày. Ngón tay họ nhẹ nhàng mơn trớn bên hông đối phương, tựa như đang vuốt ve một món chí bảo.
Tôi có phần ngượng ngùng khi chứng kiến cảnh tượng này, sợ sẽ khiến Đinh Lan khó xử. Bất giác, những bí mật chôn giấu trong lòng lại ùa về không đúng lúc. Tôi định lặng lẽ rời đi, ngặt nỗi Đinh Lan đã thoáng thấy bóng dáng tôi và cất tiếng gọi.
Bất đắc dĩ, tôi phải bước lên, vờ như không biết gì, cố tình lờ đi những tình ý đang vấn vít giữa hai người họ, rồi nói với Đinh Lan: "Nô tỳ vừa từ thư phòng của Đại trưởng công chúa ra, không phải cố ý nhìn trộm."
Ánh mắt Đinh Lan thoáng thăm dò, khóe môi khẽ nét cười. Triệu nương tử bên cạnh thì thần sắc vẫn như thường, không coi đây là chuyện đáng ngượng, chỉ là cô ấy hơi ngoảnh đầu đi, hơi chút bẽn lẽn. Tôi chưa từng nhìn kỹ dung mạo của Triệu nương tử, cô ấy không phải kiểu người đẹp như họa, mà chỉ dịu dàng như dòng suối tĩnh lặng, tôi cũng không nhìn ra cô ấy có xu hướng như vậy.
Ánh mắt Đinh Lan dòm thẳng vào tôi, không còn vẻ cung kính như trước : "Nương tử không tò mò sao?"
Tôi vờ không hiểu, hỏi lại: "Tò mò chuyện gì?"
Nhưng Đinh Lan dường như quyết bắt tôi phải trả lời: "Tò mò về mối quan hệ của bọn ta."
Bên tai Triệu nương tử hơi ửng đỏ, có lẽ vì chưa từng đem chuyện riêng tư của mình nói cho người khác biết, nhưng Đinh Lan xưa nay vẫn là một cô gái can đảm. Từ việc đối chất với quản sự [1] về chuyện tiền lương bị cắt xén ngày trước, đến việc thẳng thắn nói ra chuyện này hiện tại, cô ấy dường như rất ít khi che giấu điều gì, mà chỉ thản nhiên đối mặt với thế gian. Tôi chợt hiểu vì sao Công chúa lại giữ cô ấy bên mình. Người như vậy, dẫu chỉ đứng nhìn từ xa thôi, cũng khiến người ta được cổ vũ một cách lạ kỳ, tìm lại được chút dũng khí đã đánh mất.
[1] Chức vụ quản lý các công việc và nhân sự trong phủ, tương đương với quản gia hoặc người trông coi.
Nhưng tôi không phải người như vậy, đây cũng không phải là chuyện có thể công khai với bàn dân thiên hạ.
Thế nên tôi đáp: "Là tri kỷ."
Đinh Lan cười khẽ, không hài lòng với câu trả lời của tôi: "Nương tử giỏi giả ngốc thật, thảo nào luôn khiến Quý chủ không vui."
Đây là đang oán trách và chỉ trích tôi rồi. Dù bây giờ tôi không phải Phạm Bình, chỉ là một tỳ nữ nhỏ bé dưới trướng cô ấy, song những lời đấy chẳng lọt tai tí nào.
Tôi cố tình lờ đi vế sau trong câu nói của đối phương, trầm ngâm một lát rồi đáp: "Nô tỳ chỉ tình cờ đi ngang qua, cũng không có ý định tìm hiểu sâu, Đinh Lan nương tử hà cớ gì phải gán cho nô tỳ những tội danh không đâu như vậy."
Đinh Lan khẽ nhíu mày, trông thoáng qua một nơi nào đó sau lưng tôi rồi bảo: "Ta và Triệu nương tử tình đầu ý hợp."
Tôi "a" một tiếng, đáp: "Chuyện này thì quả thực nô tỳ chưa từng nghĩ tới."
Đinh Lan khẽ chớp mắt, đưa tay nắm lấy nửa bàn tay của Triệu nương tử bên cạnh, kéo cô ấy lại gần mình hơn, như thể đang cố để tôi nhìn cho rõ và đưa ra ý kiến: "Vậy nương tử nghĩ thế nào về chuyện này, có phải cũng cảm thấy chuyện này trái với luân thường đạo lý, không được thế gian dung thứ không?"
Tôi kinh ngạc vì câu hỏi táo bạo ấy, nhận ra mình thật sự không thể lảng tránh cho qua được.
Thực lòng tôi không thường chỉ trích chuyện thế gian, có lẽ vì tôi luôn ở trong tình cảnh thân bất do kỷ, do đó đối với những chuyện như thế này cũng chỉ hơi chút cảm khái mà thôi.
Suy nghĩ một lúc, tôi nói: "Thời trẻ khi đi du ngoạn, nô tỳ từng ghé qua Sóc Châu. Một hôm ngồi trong quán trà, nghe khách trà bàn tán, ở đó có hai người phụ nữ, mỗi người đều từng có một cuộc hôn nhân. Một người họ Lâm, trượng phu mất, mang theo một đứa con gái, trông coi một mẫu ruộng ở quê. Người kia họ Lưu, bị vu cho tư thông với người khác nên bị nhà chồng đuổi đi, lưu lạc bên ngoài, được Lâm nương tử cứu giúp, hai người từ đó sống cùng nhau. Lưu nương tử rất chịu thương chịu khó, chăm lo mẫu ruộng đó cho Lâm nương tử. Cả hai dần nảy sinh tình cảm trong quá trình chung sống, rồi bầu bạn với nhau từ đó."
"Đứa con gái kia gọi Lâm nương tử là mẹ, cũng gọi Lưu nương tử là mẫu thân. Mãi đến khi cô con gái đi xa tu đạo, hai người họ Lâm và Lưu cũng chưa từng chia lìa, người ta thường thấy họ tay trong tay nhìn nhau trên bờ ruộng, như một đôi phu thê. Ban đầu người đời cũng có lời ra tiếng vào, song dần dà lại thấy ngưỡng mộ. Đây chẳng phải cũng là đầu bạc răng long sao?"
Đinh Lan nắm chặt tay Triệu nương tử hơn, dường như thoáng mong đợi.
Tôi tiếp: "Có câu nói cũ là, chưa trải qua nỗi khổ của người khác, đừng khuyên người khác lương thiện. Theo nô tỳ thấy, chưa biết tình cảm của người khác, đừng bàn luận chuyện đúng sai của họ. Mối quan hệ của họ thế nào, thực ra không liên quan đến người đời, chỉ cần lòng không hổ thẹn, có thể sống an ổn vui vẻ một đời đã đủ khiến người ta ngưỡng mộ rồi. Đinh Lan nương tử trong mắt nô tỳ xưa nay vẫn là người vô cùng quả cảm, không cần phải để tâm đến cái nhìn của người khác."
Đinh Lan nghe vậy thì mỉm cười, Triệu nương tử cũng cong cong mày mắt.
Đinh Lan hỏi: "Nương tử đang chúc phúc cho bọn ta sao?"
"Nô tỳ luôn mong người có tình sẽ về với nhau," tôi nói, rồi hơi do dự hỏi, "Công chúa có biết chuyện này chưa?"
Trong nội trạch không thiếu những người mập mờ với nhau, truyền ra ngoài thật không hay, khó tránh khỏi bị phạt.
Đinh Lan chớp mắt, giọng rất thành khẩn: "Vẫn chưa cho Quý chủ biết. Nương tử đã được sủng ái như vậy, hay là nói giúp bọn ta vài lời tốt đẹp đi?"
Tôi không rõ lời cô ấy là thật hay giả, bèn hỏi: "Hai người như vậy bao lâu rồi?"
Đinh Lan đáp: "Hai năm."
Hai năm không phải dài, nhưng tôi thực tình đâu thể vì chuyện này mà đi dò la thái độ của Công chúa, vì tôi sợ câu trả lời sẽ khiến mình thất vọng, bèn uyển chuyển từ chối: "Nếu đã hai năm, chắc hẳn Công chúa cũng đã nghe phong thanh. Nói về được sủng ái, nô tỳ hiển nhiên không thể sánh bằng Đinh Lan nương tử được."
Dẫu vậy Đinh Lan vẫn hết lời khẩn cầu: "Xin nương tử cứ đi hỏi giúp đi!"
Bấy giờ Triệu nương tử không còn im lặng nữa, cũng khẩn khoản nói với tôi: "Xin nương tử hãy nói giúp một lời."
Tôi lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ ước gì mình là kẻ mù người điếc, đành phải miễn cưỡng nhận lời, một là vì Đinh Lan đã chăm sóc tôi, hai là vì cô ấy đã kể cho tôi nghe những chuyện riêng tư của Công chúa.
"Thôi được," tôi đồng ý, rồi lo lắng hỏi, "Nếu Công chúa không ưng thuận, hai người tính thế nào?"
Hai người họ nhìn nhau, khẽ cười, niềm vui ánh lên trong mắt Đinh Lan: "Nương tử cứ đi hỏi là biết."
Tôi hoài nghi về thái độ của hai người, trông thì có vẻ lo lắng, song ngầm cảm thấy họ chẳng quan tâm đến ý kiến của Công chúa, làm tôi có cảm giác như bị đặt trên đống lửa.
Nhưng tôi cũng chả tìm hiểu sâu, chỉ nói lần sau gặp Công chúa sẽ thưa với nàng về chuyện này, rồi từ biệt hai người họ.
Lúc đang định đi, tôi bỗng liếc thấy một tấm thẻ gỗ bên hông Đinh Lan, kinh ngạc chặn nàng lại, hỏi: "Đinh Lan nương tử, đây là?"
Đinh Lan men theo ánh mắt tôi, tháo tấm thẻ bên hông xuống, đưa ra trước mặt tôi: "Cái này sao?"
Quả nhiên không nhìn lầm, nó giống hệt tấm thẻ mà Trương Bình Nhi tặng cho Đào Đào, chỉ là trên thẻ của Đinh Lan có khắc hai chữ "Triệu Hương".
Tôi vội hỏi dồn: "Đinh Lan nương tử, đây là gì vậy?"
Đinh Lan liếc nhìn Triệu nương tử, cười đáp: "Nương tử hỏi tên hay hỏi lai lịch của tấm thẻ gỗ này?"
Nhìn sắc mặt ấy, tôi chợt hiểu ra. Hóa ra đó là tên của Triệu nương tử, trách tôi chưa từng hỏi tên đối phương nên cũng không biết, bèn hỏi tiếp: "Tấm thẻ này có ý nghĩa gì đặc biệt sao?"
Đinh Lan đáp: "Nương tử có còn nhớ trong phủ có một vị đạo trưởng không?"
Tôi gật đầu: "Nhớ, nhưng chưa từng gặp."
Đinh Lan giải thích: "Đạo trưởng không thích ra ngoài, chỉ thích tu hành trong nội viện của mình, cũng ít người đến làm phiền. Nhưng đạo trưởng rất có bản lĩnh, được Quý chủ trọng dụng, cũng thích làm một vài món đồ gỗ. Trước đây đạo trưởng có nhắc đến, thẻ gỗ của đạo trưởng là làm từ cây hợp hoan, chỉ cần khắc tên người mình thương lên là có thể khiến nhân duyên bền lâu, dù âm dương cách biệt cũng có thể tâm ý tương thông, vì thế rất nhiều người trong phủ đến xin thẻ."
Cây hợp hoan còn gọi là cây quỷ, tương truyền xưa có một người phụ nữ tên Hợp Hoan, vì thân thể yếu ớt mà qua đời, do nhớ thương chồng con nên đã gửi hồn vào một cái cây trước cửa nhà, để đêm đêm có thể gặp lại họ, từ đó cây này cũng được gọi là cây tương tư.
Dầu ý tưởng này thật khéo, tôi vẫn không khỏi lặng người, khó khăn lắm mới hỏi được một câu: "Chẳng lẽ còn phải trả tiền nữa sao?".
Đinh Lan gật đầu, tôi nhíu mày không nói gì, tuy vậy cũng không tiện nói vị đạo trưởng kia lừa đảo, dù sao người như tôi mượn xác hoàn hồn cũng có, chỉ là khó kiềm được câu hỏi: "Bán đắt không?"
Đinh Lan và Triệu Hương bật cười, Đinh Lan nói: "Nương tử thật là ham tiền, nhưng... đúng là rất đắt."
Lòng tôi lại đau như cắt, một tấm thẻ gỗ khắc tên mà cũng bán được giá như vậy, tôi còn làm giáo tập dạy trẻ làm chi nữa!
Đinh Lan nhìn sắc mặt tôi, hỏi: "Nương tử hỏi chuyện này làm gì, chẳng lẽ cũng muốn tặng Quý chủ cái này sao?"
Tôi khựng lại, nhận ra một ý nghĩa bất ngờ trong lời ấy. Triệu Hương khẽ giật tay áo Đinh Lan, Đinh Lan bấy giờ mới sực tỉnh, cúi đầu thốt: "Ta lỡ lời rồi."
Lỡ lời, nhưng đó lại là chuyện tôi không dám nghĩ tới. Tôi cố gắng quan sát thêm điều gì đó từ sắc mặt nọ, nhưng Đinh Lan đã đổi chủ đề: "Xin nương tử đừng quên. Ta và Triệu nương tử còn có việc bận, xin cáo lui trước."
Tôi không giữ cô ấy lại được, đành để hai người họ đi. Phớt lờ câu nói vẩn vơ kia, tôi quay về với dòng suy nghĩ về tấm thẻ gỗ.
Trước đây nghe nói Trương Bình Nhi có người trong lòng, xem ra không phải lời giả, mà trên tấm thẻ gỗ đó không khắc tên, Trương Bình Nhi lại vẫn tặng nó cho Đào Đào, phải chăng điều đó có nghĩa là cô ấy thật sự có tình cảm với Đào Đào, tuy nhiên không cầu mong đối phương cũng giống như mình?
Đột nhiên biết được chuyện riêng tư của bốn nữ nhân, tôi thoáng thấy ngỡ ngàng, không tả được cảm giác trong lòng là gì nữa, chỉ thấy một cách lạ kỳ rằng, trong chuyện tình cảm, họ thẳng thắn và táo bạo làm sao, càng làm nổi bật sự hèn nhát và vô dụng của tôi.
Nghĩ đến đây, tôi không khỏi vội vã tìm Đào Đào. Cô ấy đương cho vẹt ăn, nhưng không nói gì, hai con vẹt trên giá đang rỉa lông cho nhau, thỉnh thoảng lại gọi nhau.
"Công chúa, Công chúa."
"Chất Nô, Chất Nô."
Tôi đứng bên cạnh nhìn, vừa chua xót vừa buồn cười.
Con vẹt chỉ biết gọi Công chúa, là món quà tôi mua để dỗ Công chúa vui lòng khi tôi mới vào Quốc Tử Giám.
Nhưng có lẽ tôi đã bị lừa, người bán chim nói rằng loài vẹt này rất thông minh, giỏi bắt chước nhất, lớn lên chưa đầy ba ngày là có thể học được.
Đó là một con vẹt cổ hồng non, lông màu xanh biển trong veo, hai mắt tròn xoe, đầu gật gật, trong tay người bán trông vô cùng ngây ngô đáng yêu, thế là tôi mua nó.
Sở dĩ tôi chọn vẹt là vì nó sống lâu, có con sống được tới ba mươi năm. Cõi đời này ly biệt vốn đã nhiều đau khổ, huống chi là tử biệt.
Lúc đó tôi nghĩ, nếu có một con chim sống lâu bầu bạn với nàng, thì những ngày tháng làm Công chúa hạ giá sẽ không cô đơn đến thế. Hơn nữa Công chúa yêu hoa, chim và hoa là hợp nhau nhất.
Chỉ là tôi không ngờ con vẹt này lại đần đến thế, tôi cố dạy nó rất nhiều lời chúc may mắn, nhưng ba tháng trôi qua nó cũng chỉ học được cách gọi "Công chúa".
Trong thời gian đó, để làm Công chúa bất ngờ, tôi còn phải lén lút, thậm thụt không để nàng phát hiện, lại vì thế mà khiến Công chúa không vui, phạt tôi làm rất nhiều việc.
Sau đó thấy con vẹt cổ hồng kia mãi không học được, đành cứ để vậy tặng cho Công chúa, may mà Công chúa không để tâm đến sự ngờ nghệch của nó, chỉ vuốt ve lông nó, nói với tôi: "Phạm Bình, nó hơi giống ngươi."
Tôi á khẩu cười khổ: "Công chúa..."
Lời chưa kịp thốt, con vẹt kia đã vỗ cánh, cũng gọi theo một tiếng: "Công chúa!"
Lúc đó Công chúa bỗng cong mày mắt, tựa như vì sao trên mây chợt lóe sáng, nụ cười hiện rõ. Tôi bị nụ cười đó làm cho lóa mắt, đến nhịp tim dường như cũng quên mất, chỉ nhớ nàng nói: "Ngươi xem đi, Phạm Bình, nó quả nhiên giống ngươi."
Bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng trêu chọc đó, nhưng dần dần lại bị kéo về thực tại, ngước mắt lên thấy Đào Đào đang khó hiểu dòm tôi, hỏi: "Bình Nhi, cô đang nghĩ gì mà thất thần vậy?"
Tôi trông khuôn mặt Đào Đào trước mắt, bình ổn lại tâm trạng, hỏi dò: "Đào Đào, cô có còn nhớ tấm thẻ gỗ ta tặng cô không?"
Đào Đào nghệch mặt, đứng im một lát, rồi kéo tôi sang một bên. Tôi ngơ ngác nhìn người nọ: "Cô làm gì vậy?"
Đào Đào "suỵt" một tiếng, nói: "Đại chủ không cho người khác nói chuyện bên cạnh vẹt."
Tôi bật cười: "Tại sao vậy?"
Đào Đào đáp: "Sợ chúng học từ khác, sẽ không gọi Công chúa và Chất Nô nữa."
Tôi ngẩn ra, lại thấy vừa buồn cười vừa chua xót, quy củ của Công chúa thật là kỳ lạ.
Lờ đi những chuyện đó, tôi lại hỏi Đào Đào về tấm thẻ gỗ: "Cô có biết ý nghĩa của tấm thẻ đó không?"
Trước đây, tôi từng nghi ngờ rằng Đào Đào thực ra biết hàm ý của chúng, vì vị đạo trưởng kia được Công chúa trọng dụng như vậy, chuyện về tấm thẻ gỗ Đào Đào không thể nào không nghe thấy chút phong thanh nào, nhưng lúc nó cô ấy lại tỏ ra không biết gì, thật khiến tôi thắc mắc, không khỏi nghĩ rằng, Đào Đào thực ra...
"Ta biết chứ," Đào Đào cười rạng rỡ, "nhưng cô không phải Bình Nhi, nên cô không biết, đúng không?"
Tôi há hốc mồm, kinh ngạc chết sững tại chỗ, không nói được lời nào.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro