Chương 17

Ngày thứ hai Công chúa tỉnh lại, ánh mắt trong veo lại trở về vẻ lạnh nhạt trong ký ức tôi, dường như đêm qua người gọi tên tôi chỉ là ảo giác, hoặc có lẽ, chỉ khi say nàng mới mềm yếu hơn đôi phần.

Nàng vẫn bắt tôi thay y phục cho nàng, và đến hôm nay, tôi đã rất quen tay, dù việc này thường khiến tôi đỏ mặt tía tai, nhưng một khi đã quen, tôi liền biết chỗ nào trên người nàng không vừa vặn, chỗ nào không thoải mái, thường đeo trâm cài nào, dán hoa điền [1] ra sao, phối màu sắc thế nào, những điều này đều là những thứ khi còn làm Phạm Bình tôi không thể nào biết được.

[1] Một loại trang sức trang điểm cổ đại của phụ nữ, thường được dán ở giữa trán, hai bên thái dương hoặc khóe miệng.

Tôi chẳng biết sự gần gũi này có phải nàng cố ý hay không, nhưng những lần vô tình chạm vào cánh tay, ngón tay, hay cổ nàng đều khiến tim tôi run lên liên hồi. Sau đêm nàng bắt tôi trông nàng ngủ, tôi bất giác nghĩ, có lẽ đây mới là sự dày vò dành cho mình.

Sau khi thay y phục xong, Công chúa liếc nhìn tôi, nói bâng quơ: "Ít nhất có thể gặp người rồi."

Tôi cúi đầu, thấy hơi ngượng, nàng vẫn luôn như vậy, dùng những từ như "ít nhất", "tối thiểu", "cũng được" không rõ vui giận, khiến tôi chẳng phân biệt nổi rốt cuộc nàng hài lòng hay ghét bỏ.

Thế nên cũng tương tự, khiến tôi không dám lại quá gần.



#



Từ lúc tôi sống lại đến nay đã gần một tháng, đang tiết Đoan Ngọ. Kể từ ngày mùng một tháng năm, trước cửa phủ Đại trưởng công chúa đã bắt đầu bày biện cành đào, cành liễu, hướng dương, lá xương bồ và phật đạo ngải [2], đồng thời cúng bánh ú, trà rượu. Trên cửa còn đóng túi ngải cứu hình con hổ để trấn tà đuổi ma, chào đón ngày lễ này.

[2] Là một tên gọi khác của "phục đạo ngải". Tên gọi này bắt nguồn từ nơi sản xuất là khu vực Phục Đạo, huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam. Vào thời Tống, nó được công nhận là dược liệu quý trong các loại ngải cứu vì có chất lượng vượt trội, nó cũng là một vật mang ý nghĩa quan trọng trong các phong tục trừ tà của dân gian vào dịp Tết Đoan Ngọ thời xưa.

Mọi người trong phủ thì đeo trên thân những dải lụa ngũ sắc, gọi là chỉ ngũ sắc, hay còn gọi là chỉ trường mệnh, chỉ tục mệnh [3].

[3] Nghĩa là nối dài sinh mệnh.

Đào Đào thì thấy, tôi nên đeo thêm mấy sợi để cầu trường thọ.

Từ khi biết chuyện tôi sống lại, cô ấy cũng thường hỏi về sở thích và cuộc sống trước đây của tôi, so sánh với bây giờ xem có chỗ nào không quen không, luôn cố gắng hết sức để giải tỏa nỗi lo cho tôi.

Nhưng Đào Đào chưa bao giờ hỏi vì sao tôi chết, điều này khiến tôi rất cảm động, có lẽ do duyên cớ cái chết của tôi sẽ khiến cô ấy chê cười, hoặc chỉ vì mỗi lần nhớ lại, đều như giẫm lên vết xe đổ.

Chiều hôm đó, tôi lại gặp Đào Đào, cô ấy đang đứng dưới mái hiên đăm chiêu, vẻ mặt vô cùng đau khổ, tôi không khỏi bước tới hỏi: "Có chuyện gì sao?"

Đào Đào chau mày ủ rũ: "Đại chủ hạ lệnh, để mừng Tết Đoan Ngọ, muốn mọi người trong phủ đều làm một bài thơ, do người chấm điểm, ai làm hay sẽ có thưởng."

Tôi phì cười: "Xem ra cô rất muốn được thưởng nhỉ."

Đào Đào gật đầu lia lịa: "Dĩ nhiên rồi! Thưởng của phủ Đại trưởng công chúa chắc chắn rất hậu hĩnh, biết đâu bán được cả một khoản tiền lớn, ai mà không ham chứ!"

Tính ham tiền của Đào Đào đúng là rất giống tôi, tôi không khỏi hỏi: "Vậy cô làm được chưa?"

Đào Đào thở dài: "Ta đến sách còn chưa đọc, làm thơ phú nỗi gì. Nhưng Đại chủ bảo, không nhất thiết phải văn hay chữ tốt, chỉ cần hợp tình hợp cảnh, làm người vui là được, biết đâu lại được giải nhất, thế nên ta mới đứng đây nghĩ ngợi. Nhưng mà ta thấy, người đứng đầu chắc chắn là Triệu nương tử rồi."

Tôi hơi ngạc nhiên: "Triệu Hương nương tử?"

Đào Đào gật đầu: "Triệu nương tử xuất thân từ nhà thư hương [4] đấy, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, chỉ là sau này nhà bị tội liên lụy, thành nô tịch [5], là Đại chủ đích thân cho người vào phủ, tài học của Đinh Lan nương tử và nhiều thị nữ trong phủ cũng phần lớn do cô ấy dạy."

[4] Chỉ những gia đình có truyền thống học vấn, nhiều đời có người đọc sách, làm quan, coi trọng tri thức và lễ giáo.

[5] Chỉ thân phận nô tỳ, người hầu trong xã hội cũ. Một khi đã mang nô tịch, người đó sẽ mất đi tự do, thuộc quyền sở hữu của chủ nhân, con cái sinh ra cũng có thể phải kế thừa thân phận này.

Tôi cúi đầu mỉm cười, thì ra còn có chuyện như vậy, thảo nào, sớm chiều bên nhau, sao có thể không sinh chút tình ý.

Đào Đào liếc tôi một cái, lại hỏi: "Triệu nương tử không dạy cô à? Nghe nói người được Đại chủ trọng dụng, Triệu nương tử đều sẽ dạy học vấn cho họ."

Tôi lắc đầu: "Chắc là ta không được Đại chủ trọng dụng."

Đào Đào ngẫm một lúc, thấy lời này cũng có lý, bỗng nhớ ra điều gì, hỏi: "Vậy trước đây cô có làm thơ không?"

Tôi khẽ sững người, đáp: "Có làm."

Cô ấy lập tức nở nụ cười, kéo cổ tay tôi lắc nhẹ: "Vậy cô dạy ta đi! Ta chẳng biết gì cả, đến lúc đó có khi chỉ biết 'một hai ba bốn năm', làm người ta cười ra nước mắt!"

Tôi không khỏi phì cười: "Cô cũng biết vần điệu đấy chứ."

Đào Đào cong cong mắt, nụ cười rạng rỡ, khiến tôi cũng thấy vui vẻ hơn nhiều, buông nhẹ giọng: "Nếu cô không chê, ta có thể giúp cô viết vài câu, nếu được thưởng, cũng chia cho ta một ít, được chứ?"

Đào Đào ngạc nhiên hỏi tôi: "Cô đã biết làm thơ, sao không tự mình làm, như vậy chẳng phải cả hai chúng ta đều có thưởng sao?"

Cúi đầu giấu đi nỗi cay đắng trong lòng, tôi từng làm thơ, cũng từng nghịch bút mực đan thanh, nhưng đó đều là quá khứ, không cần phải tranh cái danh này, nếu có thể giúp Đào Đào được thưởng, cũng coi như báo đáp sự chăm sóc của cô ấy dành cho tôi.

"Ta không muốn gây chuyện," tôi nói, "Hiện giờ chỉ có cô biết ta không phải là Trương Bình Nhi, nếu quá nổi bật, bị xem là yêu ma bắt đi thì làm sao bây giờ?"

Đào Đào thình lình vỡ lẽ, lại vỗ vai tôi: "Vậy cô không được làm hay quá đâu nhé, ta không có tài học đến thế đâu."

Tôi mỉm cười gật đầu: "Ta tài hèn sức mọn, cũng chẳng có tài học gì."

Đào Đào tỏ vẻ rất hài lòng, từ trong lòng lấy ra một hộp phấn, đưa đến trước mặt tôi, cười nói: "Ta thấy cô chẳng bao giờ trang điểm, trông lại cứ hay lo lắng, chắc là không vui vẻ gì, cô tuy không phải Bình Nhi, nhưng hộp phấn này ta vẫn muốn tặng cô, hy vọng cô sẽ vui hơn."

Tôi ngạc nhiên nhận lấy, Đào Đào mở nắp hộp, giải thích: "Ta đã hỏi thăm rồi, đây là loại phấn mà ai ở kinh thành cũng thích, trước kia ta nhờ người đi mua, đợi mấy ngày mới mua được, nhưng Bình Nhi đã không nhận được nữa rồi, nên tặng cho cô vậy!"

Tôi mỉm cười nhìn hộp phấn đỏ thắm: "Có một câu quả là cô nói không sai, ta chưa từng dùng."

Đào Đào hơi nhíu mày, chu môi trầm tư một hồi rồi đưa ngón út quệt một ít phấn, tiến lại gần tôi, tôi né không kịp, liền cảm nhận ngón tay nhỏ của cô ấy khẽ thoa lên má mình.

Hoàn hồn lại, cơ thể tôi bất giác lùi về sau, cô ấy lại níu lấy tay tôi: "Đừng động đậy."

Tôi không khỏi bất động, ngón tay nhỏ ấy từ một bên má di sang bên kia, xoay tròn trên má tôi, khiến tôi không khỏi nóng mặt đỏ tai, vô cùng khổ sở.

Một lúc sau, Đào Đào thu tay lại, cười mà rằng: "Xong rồi!" Sau ngạc nhiên nhìn tôi một cái: "Thoa nhiều quá sao, sao đột nhiên lại đỏ thế?"

Tôi khẽ ho hai tiếng: "Chắc là trời nóng lên rồi."

Đào Đào thấy vậy cũng tin, giơ ngón út lên trước mắt tôi huơ huơ: "Cứ như thế này, thoa đều lên má, đuôi mắt cũng có thể thoa một ít, nhớ đừng thoa nhiều quá, nếu không sẽ thành đít khỉ đấy!"

Tôi bị cô ấy chọc cười, không biết mặt mình trông ra sao nữa, nhưng nghĩ chắc Đào Đào cho rằng tôi trước kia cũng là thân nữ, nên mới tặng phấn cho tôi.

Khẽ vuốt nhẹ lớp phấn trên má, thấy hơi nóng nóng, dù là nữ cải nam trang nhưng tôi suy cho cùng cũng đâu phải đàn ông, có lúc cũng tò mò, không biết mình thoa phấn sẽ trông thế nào, tiếc là thân xác tôi đã sớm vùi vào đất vàng, chẳng tài nào biết được nữa rồi.

"Đào Đào, cảm ơn cô." Tôi buông tiếng, "Nếu nói sống lại có lợi ích gì, thì chính là gặp được cô."

Đào Đào vỗ vai tôi: "Đó là dĩ nhiên, ta giỏi làm người khác vui nhất mà!"

Tôi không khỏi trêu: "Thật không biết xấu hổ."

Đào Đào nhíu mày, giả vờ tức giận: "Cô mắng ta! Bình Nhi, cô hư rồi!"

Tôi lắc đầu cười, nhận lấy lời trách móc đùa cợt ấy, hiếm khi thấy vui vẻ nhường này, lòng cũng vì thế mà làm cho Đào Đào một bài thơ để thi ——

Trùng Ngũ trướng hoài cổ, canh hệ trường mệnh lũ.

Cảm thì như đối tửu, phác phấn tiểu song ngọ.

Trầm tương nhân khứ viễn, dục trụ hám vô nhân.

Dư sinh hà khả tục, tịch mịch tam đồ lâm. [6]

[6] Dịch nghĩa: Tết Trùng Ngũ (Đoan Ngọ) buồn bã nhớ chuyện xưa, lại được buộc cho thêm sợi trường thọ.

Lòng cảm khái thời thế như lúc ngồi đối ẩm, bên cửa sổ nhỏ ban trưa được điểm tô thoa phấn.

Người chìm sông Tương đã đi xa rồi, muốn ở lại mà tiếc rằng không lý do.

Đời thừa mai sau làm sao tiếp nối, chỉ còn rừng Tam Đồ (chốn địa phủ) tịch mịch cô liêu.

Đào Đào tán thưởng một tiếng, rồi nói: "Dài thế này? Ta không nhớ được đâu, nhưng bốn câu đầu ta còn nhớ, có phải đang nói chuyện ta thắt chỉ trường mệnh cho cô, lại còn thoa phấn cho cô không?"

Tôi mỉm cười: "Đúng rồi, chỉ sợ câu thơ nông cạn thế này không lọt vào mắt xanh của Đại chủ, chắc chắn người xưa đã có tác phẩm hay rồi."

Đào Đào lắc đầu: "Làm gì có tác phẩm hay nào, đây là lần đầu tiên Đại chủ bắt chúng ta làm thơ đấy chứ, trước kia người đâu có tâm tư đó. Nghe nói Phạm phò mã qua đời, Đại chủ vì thế mà đau buồn hơn ba năm, chỉ quanh quẩn ở biệt viện Phò mã, ngoài dự tiệc trong cung ra thì chẳng đón lễ lạt nào."

Tim tôi chợt thắt lại, một lần nữa vì những lời này mà xúc động, không khỏi hỏi Đào Đào: "Vậy tại sao bây giờ lại đón Tết Đoan Ngọ?"

Đào Đào nhíu mày nhìn tôi: "Cô xem kìa, là ta hầu hạ bên cạnh Đại chủ hay là cô hầu bên cạnh Đại chủ vậy? Dĩ nhiên là Đại chủ vui rồi. Nghe nói, gần đây Đại chủ tinh thần rất tốt, không còn như trước, sức khỏe yếu kém, hay đau ốm, trước kia Giang y nữ khám bệnh cho cô, là Thái hậu và Hoàng thượng đặc biệt sắp xếp, chỉ để khám cho một mình Đại chủ, ta còn tưởng cô biết rồi chứ."

Tôi há miệng, sững sờ tại chỗ, Công chúa, nàng là mắc bệnh gì?

Đào Đào không biết tôi đang nghĩ gì, chỉ giãn mày, nói: "Nhưng Đại chủ vui rồi, chúng ta cũng sống tốt hơn nhiều, người chắc là đã vượt qua được rồi, dù sao vị Phạm phò mã đó cũng không thể giống cô, chết đi sống lại được."

Tim tôi đập thình thịch, gượng cười một tiếng: "Đúng, làm gì có nhiều người chết đi sống lại được thế cơ chứ?"



---

Tác giả: Thơ là phỏng theo, viết bừa, tưởng có thể viết xong chương Đoan Ngọ này, kết quả còn phải đến chương sau!!!!!

Editor: Giải thích bài thơ của Phạm Bình (lưu ý là editor không phải kiến thức bao la gì, cái gì cũng phải mò mẫm nên có thể sẽ hiểu sai, khi nào thấy sai sẽ sửa).

Đầu tiên, bài thơ này có liên quan đến Khuất Nguyên nên sơ lược một chút về Khuất Nguyên:

Khuất Nguyên là một nhà thơ, một trung thần yêu nước sống ở nước Sở thời Chiến Quốc. Ông hết lòng phò tá vua Sở nhưng bị gian thần gièm pha, hãm hại nên bị vua đày đi xa. Quá đau buồn và tuyệt vọng khi thấy đất nước suy vong, vào đúng ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch (Tết Đoan Ngọ), ông đã ôm một tảng đá và gieo mình xuống sông Mịch La (thuộc lưu vực sông Tương) tự vẫn. Vì vậy, khi nhắc đến Tết Đoan Ngọ, người ta thường liên tưởng ngay đến điển cố về Khuất Nguyên.

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch nên còn có tên khác là Tết Trùng Ngũ, nghĩa là "hai số năm lặp lại".


Giải thích thơ:

"Tết Trùng Ngũ (Đoan Ngọ) buồn bã nhớ chuyện xưa,"

Bề ngoài là câu thơ gợi nhớ truyền thống kỷ niệm Khuất Nguyên của Tết Đoan Ngọ, nhưng cũng đang mượn ngày lễ này để bày tỏ nỗi buồn cho kiếp trước của Phạm Bình.

"lại được buộc cho thêm sợi trường thọ."

Ở đây vừa mang nghĩa tả thực, mọi người trong phủ đều đeo sợi trường thọ, vừa ẩn chứa sự châm biếm, vì Phạm Bình vừa mới thoát khỏi một kiếp khổ, giờ lại được chúc phúc để tiếp tục một kiếp khác cũng dằng dặc và đầy dằn vặt.

"Lòng cảm khái thời thế như lúc ngồi đối ẩm,"

Sau khi tái sinh, cảm xúc Phạm Bình ngổn ngang trước cảnh ngộ hiện tại khiến lòng quay cuồng như đang uống rượu (đối ẩm) một mình.

"bên cửa sổ nhỏ ban trưa được điểm tô thoa phấn."

Cửa sổ nhỏ gợi cảm giác về không gian tù túng, khép kín, phản ánh thân phận tôi tớ và cảnh ngộ bị giam cầm trong chính cuộc đời của Phạm Bình. Hành động "thoa phấn" như đeo mặt nạ che giấu đi con người thật, thân phận thật và cả đau khổ không thể bộc bạch của Phạm Bình.

"Người chìm sông Tương đã đi xa rồi, muốn ở lại mà tiếc rằng không lý do."

Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Tương cũng giống như Phạm Bình xưa đã chết. Khuất Nguyên muốn níu giữ thời đại của mình nhưng không được cũng như Phạm Bình muốn ở bên Công chúa nhưng với thân phận là tỳ nữ và khúc mắc trong quá khứ thì Phạm Bình cảm thấy mình không có bất kỳ lý do nào ở lại nữa.

"Đời thừa mai sau làm sao tiếp nối, chỉ còn rừng Tam Đồ (chốn địa phủ) tịch mịch cô liêu."

Phần đời còn lại không biết tiếp diễn ra sao, khi trước mắt là sự mờ mịt về tương lai, cô độc và đau khổ như rừng Tam Đồ.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro