Chương 18
Tôi không biết đây là trùng hợp hay hữu ý, Công chúa chưa từng là người lắm lời, thế gian này có lẽ chẳng ai có thể nhìn thấu được suy nghĩ của nàng.
Nhưng lời của Đào Đào lại như một lời nguyền, cứ lởn vởn mãi trong lòng tôi.
Việc bình thơ thưởng chữ từng là lệ thường mỗi dịp Đoan Ngọ ở Phạm phủ, là quy củ do cha đặt ra. Ông thân ở địa vị cao, xuất thân văn nhân hàn sĩ [1] nên rất trọng thể diện, chủ mẫu lại là con gái của tể tướng, cha tự nhiên không muốn bị người khác xem thường, trong phủ từ thị nữ đến đầu bếp mà ai cũng thông văn biết chữ thì ông mới vui lòng nhất.
[1] Chỉ những người có học thức, giới học giả nhưng xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, không có địa vị hoặc gia thế vững chắc.
Thuở nhỏ tôi rất ham thích những hoạt động thế này, bởi khi ấy tôi vẫn còn đôi chút tài khí [2]. Mỗi khi làm ra những vần thơ, bài văn hay hơn Phạm Khiêm, trong mắt cha, tôi sẽ nhận được sự quan tâm và tán thưởng nhiều hơn thường lệ gấp bội phần.
[2] Khí chất của người có tài, không chỉ là tài năng đơn thuần mà còn là phong thái, cốt cách toát ra từ tài hoa thiên bẩm. Từ này thường mang hàm ý về một tài năng xuất chúng, tự nhiên và khó che giấu.
Việc này thỏa mãn lòng hư vinh của tôi, khiến tôi nảy sinh một cảm giác tự hào rằng mình không gì là không thể.
Nhưng mẹ tôi lại vô cùng lo lắng về điều đó, bà thường yêu cầu tôi giấu tài, răn dạy tôi không nên quá phô trương. Tôi luôn miệng vâng dạ, nhưng chưa bao giờ thực sự làm theo ý bà, mãi cho đến khi trải qua chuyện đó, tôi mới buộc phải tỉnh ngộ, rồi bật khóc hối hận, lẽ ra nên sớm xem lời mẹ là chân lý.
Sau năm mười bảy tuổi, tôi chưa từng làm ra một bài thơ hay áng văn nào ra hồn, còn Phạm Khiêm, gánh trên vai kỳ vọng và danh tiếng của cháu ngoại tể tướng và con trai của Lễ bộ thượng thư, ngày càng tiến xa trên con đường thành danh sĩ thiên hạ [3].
[3] "Danh sĩ" chỉ những người có danh tiếng, địa vị và uy tín lớn trong xã hội, thường là giới trí thức, quan lại hoặc văn nhân nổi tiếng. Cả cụm "danh sĩ thiên hạ" từ mang ý nghĩa là con đường để trở thành một nhân vật danh giá, được cả thiên hạ biết đến và kính trọng.
Kể từ đó, hai chữ "bất tài" cứ mãi lẽo đẽo theo sau Phạm Bình. Lần duy nhất khiến mọi người nhớ đến tôi, là trong buổi cung yến [4] Tết Đoan Ngọ năm Thừa An thứ mười tám.
[4] Là tiệc rượu trong cung đình.
Tháng ba năm ấy, Ý An Công chúa hạ giá lấy con trai thứ ba của Lễ bộ Chu Thượng thư, thiên hạ cùng chúc mừng.
Ý An Công chúa và Thái tử đều do Hoàng hậu sinh ra, khác với một vị công chúa được nhận nuôi, cô ấy được sủng ái bậc nhất. Khi hạ giá, Tiên đế sợ cô ấy chịu ấm ức nên đã ban thưởng nhiều lần, cử hành sách lễ [5], phong làm Lương Quốc Công chúa. Phủ công chúa được ban cho cũng vô cùng xa hoa, khiến thiên hạ phải cảm thán, từ xưa đến nay, chưa từng có vị công chúa nào được sủng ái đến thế.
[5] Một nghi lễ sắc phong chính thức và trọng thể trong cung đình, thường được cử hành khi tấn phong tước vị cho các thành viên hoàng tộc hoặc quan lại cấp cao. Trong buổi lễ sẽ có nghi thức ban "sách" (quyển chiếu chỉ được viết trên thẻ tre hoặc lụa) và "ấn" (con dấu), tượng trưng cho việc công nhận danh vị.
Người được chọn làm phò mã cho Lương Quốc Công chúa cũng là một tài tử nổi danh thi thư, hơn nữa, so với việc tôi bị buộc phải rời Quốc Tử Giám, Châu Phò mã lại là người không muốn vào Quốc Tử Giám, hắn chỉ mê say bút mực đan thanh, chẳng màng quốc sự.
Người như hắn, thích hợp nhất để làm con rể của thiên tử, xứng đôi với Lương Quốc Công chúa.
Thế nhưng, duyên gặp gỡ giữa tôi và Châu Phò mã lại là dịp dâng thơ trong buổi cung yến ngày Đoan ngọ. Trong hai năm trước đó, tôi và Công chúa chỉ là khách dự tiệc, chẳng hề gây chú ý, nhưng năm ấy Lương Quốc Công chúa lại đề nghị tất cả phò mã đều phải dâng bút mực trước tiệc, mời Tiên đế bình phẩm.
Khi đấy, Lương Quốc Công chúa ngồi trên cao liếc mắt về phía tôi và Công chúa, trong mắt nàng có sự đắc ý, có sự không cam lòng, có sự tự phụ, và cũng có cả sự phẫn nộ mơ hồ.
Từ đó tôi đoán ra, hành động của Lương Quốc Công chúa thực chất là để so sánh tôi và Châu Phò mã, người cô ấy nhắm đến, chính là Công chúa.
Chuyện xảy ra trong cung cấm, tôi không hề hay biết, nhưng có lẽ những năm tháng lớn lên trong thâm cung đã khiến Công chúa và Lương Quốc Công chúa bất hòa, mới dẫn đến màn gây khó dễ này.
Tôi lo Công chúa vì thế mà không vui, định nói vài lời an ủi nàng, nhưng thấy Công chúa quay đầu nhìn tôi, vẻ mặt vẫn dửng dưng, không hề vì thế mà nổi giận, chỉ nói: "Phạm Bình, không sao."
Trong lòng như có cành liễu khẽ lướt qua, khiến tôi nhẹ rung động. Tôi chợt nhận ra, tôi hy vọng Công chúa được vui, cũng nguyện rằng mình có thể khiến nàng hạnh phúc.
Chẳng bao lâu, Tiên đế đã chấp thuận yêu cầu của Lương Quốc Công chúa, lệnh cho người dâng bút mực lên. Dưới ánh mắt soi xét của bá quan, những người làm phò mã như chúng tôi bị buộc phải nhận bút, nhưng có lẽ ai cũng hiểu, người đứng đầu chắc chắn sẽ là Châu Phò mã.
Bất kể là chữ viết hay thi văn, vị Châu Phò mã ấy đều mang trên mình kỳ vọng to lớn.
Còn tôi một lần nữa cầm bút, chấp nhận sự phán xét của mọi người. Chuyện này khiến tôi sợ hãi và kinh hoàng. Khi ấy, tôi đã không còn muốn so tài với bất kỳ ai nữa, trong miệng những văn nhân danh sĩ kia, giữa những quán rượu trà phường, tôi đã là một kẻ bất tài không đáng để bàn luận.
Tôi cố gắng rũ bỏ những lời bình phẩm đó, nhưng chúng như giòi trong xương, khiến tôi ngay từ nét chữ đầu tiên đã run rẩy.
Ánh mắt của Lương Quốc Công chúa và bá quan đều đổ dồn vào tôi, dường như ai cũng biết, việc này là để làm tôi bẽ mặt.
Trong lúc thất thần, giấy trên bàn bị rút đi, tôi liếc mắt nhìn sang, bắt gặp ánh mắt của Công chúa. Nàng lại một lần nữa nói: "Phạm Bình, không sao."
Tôi bỗng bật cười, dường như nhờ đó mà có thêm dũng khí, có thêm ý chí tranh tài. Tôi đáp lại nàng: "Công chúa thấy không sao, nhưng Phạm Bình lại thấy có sao."
Lần nữa hạ bút, dường như tôi lại quay về cái thời mười bốn tuổi hăng hái ngút trời. Tôi gạt đi lời khuyên của mẹ, xem thường những lời xu nịnh của mọi người, coi tất cả tiếng tâng bốc đều là sự sỉ nhục. Giống như năm xưa ở Quốc Tử Giám, tôi cũng từng là một tài năng xuất chúng trong miệng các bác sĩ Thái Học.
Dù cho chữ của tôi đã không còn coi được, tranh của tôi từ lâu cũng thảm hại khôn tả, nhưng vào lúc đó, vì Công chúa, tôi đã viết nên cốt khí cuối cùng của mình.
Sau đấy, thi văn của các phò mã được trình lên trước mặt Tiên đế. Tiên đế xem qua, rồi tới các phi tần và quần thần xem xét.
Mọi người thưởng lãm xong, ý kiến được nội thị truyền đạt lại cho quần thần, Tiên đế trầm ngâm hồi lâu rồi mới đưa ra kết luận: "Nếu luận về thư pháp, Châu Phò mã đứng đầu, nhưng nếu luận về thi văn, thì phải là Phạm Phò mã đứng đầu."
Trong tiệc vang lên tiếng xôn xao, Lương Quốc Công chúa tức giận đứng dậy, nàng trừng mắt nhìn Châu Phò mã, rồi chỉ vào tôi nói: "Không thể nào! Ai cũng biết Phạm Bình bất tài, thi văn của hắn sao có thể đứng đầu được!"
Quần thần liếc nhìn nhau, một người đứng dậy thưa: "Bẩm công chúa, thi văn của Phạm Phò mã, thần và mọi người đều đã thưởng lãm qua, tuy chữ của Phạm Phò mã có phần xấu xí, nhưng về văn tài, quả thực ngài ấy tốt nhất."
Lương Quốc Công chúa mặt mày lo lắng, vừa ấm ức vừa không cam lòng: "Nhưng, nhưng ngoại cung nội cung đều nói như vậy mà!"
"Lời đồn không thể tin hết được," người thốt câu này lại chính là Thái tử, huynh trưởng cùng mẹ của Lương Quốc Công chúa. Thái tử liếc tôi một cái, rồi cúi mình hành lễ với Tiên đế: "Quần thần có lẽ không biết, mấy năm trước, Phạm Phò mã cũng là một học trò khá có tài danh trong Quốc Tử Giám, rất được các bác sĩ Thái Học khen ngợi. Tuy sau này vì cớ sự mà thôi học, nhưng xem ra Phạm Phò mã là người hiếu học, chưa từng hoang phí việc học hành."
Tiên đế nhìn về phía tôi, lại xem xét tờ giấy trong tay, hỏi: "Phạm Bình, bài thơ này quả thực là do ngươi làm, không phải người khác làm thay chứ?"
Tôi cúi mình bái lễ: "Thần tuyệt không dám lừa gạt Bệ hạ."
Tiên đế lại khẽ thở dài: "Tiếc quá, nếu chữ của ngươi tốt hơn một chút, phần thưởng hôm nay đã là của ngươi rồi."
Ánh mắt Lương Quốc Công chúa sáng lên.
Tôi cúi đầu đáp: "Chữ của thần quả thực khó coi, cũng không dám so bì với Châu Phò mã. Chỉ là dốc hết tâm sức, để thi văn có thể lọt vào mắt thiên tử, vào mắt quần thần, được tạm gọi là đứng đầu đã là phần thưởng tốt nhất với Phạm Bình rồi."
Tiên đế vuốt râu, tỏ vẻ tán thưởng. Ngài liếc nhìn Lương Quốc Công chúa, nói: "Nhu Viễn, con cãi cọ làm gì, phu quân trẫm tìm cho con, chắc chắn sẽ không thua kém bất kỳ ai."
Đó là tên của Lương Quốc Công chúa. Nhu viễn năng nhĩ, đôn đức duẫn nguyên [6]. Mang theo kỳ vọng tốt đẹp của thiên tử, và dĩ nhiên, cũng là ân sủng vô song.
[6] Đây là một câu trích từ kinh điển của Nho giáo. "Nhu viễn": đối đãi khoan dung, nhân hậu với người ở phương xa (các nước chư hầu, ngoại bang); "năng nhĩ" nghĩa là có năng lực cai quản, đối đãi tốt với người ở gần (bách tính trong nước). Cả câu có nghĩa là dùng đức nhân để vỗ về người ở xa và cai trị tốt người ở gần, khiến thiên hạ quy thuận.
"Đôn đức": coi trọng, sùng bái đức hạnh; "duẫn nguyên": tin dùng người đứng đầu, người hiền tài. Cả câu có nghĩa là tôn sùng đạo đức và tin dùng người hiền tài.
Cả hai câu là lời ca ngợi hoặc lời khuyên dành cho một vị vua: dùng sự ôn hòa để đối đãi với người nơi xa, dùng năng lực để cai quản người ở gần, luôn coi trọng đạo đức và tin dùng bậc hiền tài.
Điểm này, khác với Công chúa.
Sắc mặt Lương Quốc Công chúa dịu đi đôi chút, nhưng ánh nhìn cô ấy hướng về tôi vẫn mang theo vài phần tức giận.
Tôi tránh ánh mắt đó, định hỏi ý kiến Công chúa, thì lại thấy Thái tử bước ra khỏi hàng, thưa với Tiên đế: "Bệ hạ, tuy tài thư họa của Châu Phò mã đứng đầu, nhưng hôm nay Phạm Phò mã đã thể hiện tài năng, thần cũng muốn xin cho Phạm Phò mã một phần ân điển."
Tôi kinh ngạc vô cùng, Tiên đế cũng khó hiểu: "Ân điển gì?"
Thái tử cúi mình quỳ lạy: "Thần nghe nói trong Quốc Tử Giám thường có chuyện bất công, là do các giám chính thấy học trò xuất thân cao quý nên không dám quản giáo. Phò mã Phạm Bình cũng vì thế mà chịu nhục. Thần khẩn cầu Bệ hạ ban ân điển, để Phạm Phò mã nhậm chức giám chính, để tỏ rõ ân đức bao la của thiên tử, và sự công chính của Quốc Tử Giám."
Tôi biết thừa đấy không phải là ân điển xin cho tôi, mà là cho cha tôi, Lễ bộ Thượng thư Phạm Trạch Dân. Trong cuộc tranh giành bè phái, bất kỳ ân sủng nào cũng là thủ đoạn để thu phục lòng người.
Cùng lúc ấy, cũng có vài vị đại thần xin ân điển cho tôi. Tiên đế suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng chấp thuận, và ra lệnh ban cho tôi một viên Phù Vân Huyết Kê Huyết Thạch [7] để làm đá khắc ấn [8].
[7] Là một loại đá gọi là đá máu gà (kê huyết thạch) cực kỳ quý hiếm và có giá trị, nổi tiếng vì có những vệt màu đỏ tươi như máu gà. "Phù Vân Huyết" không phải là thuật ngữ phân loại đá chính thức mà là một cái tên tác giả đặt ra để mô tả hoa văn của đá, tựa như những áng mây đỏ trôi nổi (phù vân).
[8] Là dùng đá để khắc triện (con dấu). Trong văn hóa xưa, văn nhân, quan lại hoặc nghệ nhân thường sử dụng con dấu riêng được khắc từ các loại đá quý để đóng lên tranh, thư pháp hoặc văn thư.
Mặc dù cuối cùng, lời đồn truyền ra ngoài cung chẳng liên quan gì đến bài thơ của tôi, mà chỉ có lòng nhân từ của Thái tử đã xin lại công bằng cho tôi, và lòng khoan dung, tiếc tài của Thiên tử.
Nhưng những điều đó, tôi đã không còn bận tâm, chỉ nhớ sau khi tạ ơn Thiên tử, tôi liếc mắt nhìn Công chúa, muốn xin lỗi nàng, muốn nói với nàng một câu, xin lỗi, Phạm Bình vẫn không thể làm Công chúa vui lòng.
Nhưng Công chúa không đợi tôi mở lời, nàng giơ ngón tay gõ nhẹ hai lần lên cằm tôi: "Phạm Bình, mực."
Khi ấy nàng khẽ cong mày cong mắt, dường như thật lòng mỉm cười với tôi. Tôi sững sờ trong thoáng chốc, tim tựa nai con lướt qua khe núi, suối rừng, cứ để khóe môi mặc sức cong lên, rồi lại thấy không nên, bèn cụp mi giấu đi vẻ thẹn thùng, vội lau vệt mực trên cằm: "... Đa tạ Công chúa."
Công chúa không trả lời, ánh mắt chẳng còn ở trên người tôi nữa, nhưng tôi lại thấy má mình nóng bừng, sau đó trằn trọc không yên, hân hoan khôn xiết.
Sau này, tôi đem viên Kê Huyết Thạch đó tặng lại cho Công chúa, ấy là lòng riêng của tôi, hy vọng Công chúa nhờ nó mà nhớ đến tôi.
Công chúa khẽ vuốt viên Kê Huyết Thạch trong hộp, cúi đầu hỏi: "Tại sao lại tặng ta?"
Tôi thoáng thẹn, đáp: "Cảm tạ Công chúa đã nhắc nhở chuyện mực dính trên cằm Phạm Bình, để ta không phải xấu hổ thêm nữa."
Công chúa chớp chớp mắt, cầm viên Kê Huyết Thạch trong lòng bàn tay. Ánh sáng trời xuyên qua, những vệt máu như mây trôi lững lờ trong đó, nàng dường như hài lòng, thản nhiên bảo: "Xem ra, ngươi đúng là nên cảm ơn ta."
Tôi không khỏi bật cười, nàng vẫn là vị Công chúa như thế, khó lòng suy đoán.
---
Tác giả: Tên của công chúa không phải tôi qua loa cho xong đâu nhé, là vì tên của Công chúa cũng là một tình tiết ẩn, chương này có miêu tả chi tiết liên quan xuất hiện đó~
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro