CHƯƠNG 6

Sau mười một trượng, tôi dường như đã ngất đi một lần, kế đến là bị một chậu nước lạnh giội tỉnh, bấy giờ đã không còn thấy bóng dáng Công chúa nữa, chỉ có Đào Đào liên tục nức nở bên tai tôi.

Tôi có hơi hối hận, chẳng nên hành động như vậy, thậm chí không nên mượn xác hoàn hồn, thế này thì thân thể của Trương Bình Nhi đâu phải chịu tai ương ấy, người thân và bạn bè của cô ấy cũng chả đau lòng nhường này.

Hai mươi gậy nhanh chóng kết thúc. Ngô gia lệnh đưa tờ cung ra trước mặt tôi, sai người ghì tay tôi ấn vào.

Tôi bỗng nhớ đến cảnh tượng ở thiên lao ngày trước, cũng bị ép cung như vậy. Trong lòng dâng lên lửa giận, tôi vùng vẫy nắm chặt tay, không chịu ấn.

Ngô gia lệnh thở dài: "Nếu không muốn điểm chỉ, sao lúc nãy lại nhận tội? Biết rõ Đại chủ đối với Phạm Phò mã luôn khác thường, sao còn cố ý chạm vào vảy ngược [1] của người, khiến bản thân rơi vào cảnh tù tội?"

[1] Vảy ngược vừa là niềm kiêu ngạo vừa là điểm yếu chí mạng của rồng, chạm vào sẽ khiến rồng tức giận nổi điên, song nhổ ra thì rồng sẽ chết. Hai từ "vảy ngược" chính là để chỉ những "vùng cấm" ở mỗi người, nếu người khác cố ý hay vô tình đụng vào sẽ khiến chúng ta phản ứng dữ dội.

Bởi vì tức giận, bởi vì căm hận, bởi vì... không muốn cúi đầu trước Công chúa.

Tôi kính trọng Công chúa, nhưng chỉ khi Công chúa không có mặt, tôi mới dám thể hiện chút khí tiết vô dụng của mình.

Ngô gia lệnh thở dài, khuyên tôi: "Trương Bình Nhi, ngươi có giãy giụa cũng vô ích. Những việc Đại chủ đã quyết, chưa bao giờ thay đổi được."

Bà ấy ra hiệu cho hai bên giữ chặt tôi, không cho tôi có điểm tựa nào, rồi sai người bẻ từng ngón tay tôi ra. Đúng lúc sắp ấn xuống, bỗng nghe thấy có kẻ quát lớn: "Dừng tay!"

Là Đinh Lan quay trở lại, hết thảy đều kinh ngạc.

Ngô gia lệnh vội vàng sai người dừng lại, hỏi: "Đình Lan nương tử có ý gì?"

Gương mặt Đinh Lan ửng đỏ, hình như vì chạy vội nên hơi thở gấp gáp. Cô ấy nói: "Quý chủ dặn, không cần điểm chỉ giải đi nữa, chỉ cần giam cô ta bảy ngày, coi như trừng phạt."

Đào Đào vội chen qua đám đông, nhào đến trước mặt tôi: "Bình Nhi, Bình Nhi! Mau cảm tạ Đại chủ đi!"

Tôi gần như kiệt sức, chả biết là không muốn nói hay không còn sức để nói, chỉ cắn chặt răng, sợ mình lại ngất đi.

Thấy tôi cứng đầu, Ngô gia lệnh không khỏi xót, bèn bảo với Đinh Lan: "Cảm tạ Đinh Lan nương tử, tôi sẽ đưa cô ấy xuống dưới."

Đinh Lan ngập ngừng một hồi thì lên tiếng: "Quý chủ còn dặn, phái người đến Thái Y Viện mời Giang y nữ đến chữa trị cho cô ta. Dù sao cũng là nữ tử, để đám lão già ở Thái Y Viện khám thì không hay."

Bấy giờ, mọi người càng kinh ngạc hơn, ngay cả tôi cũng ngạc nhiên. Một nha hoàn nhỏ bé, vậy mà lại phải nhờ đến Thái Y Viện. Nếu bây giờ tôi không phải Phạm Bình, gần như sẽ cho rằng Công chúa đã nhận ra tôi rồi.

Nhưng cho dù nhận ra thì sao? Đối với Công chúa, Phạm Bình và Trương Bình Nhi cũng chẳng khác là bao.

Chả mấy chốc, tôi bị đưa đến một phòng giam riêng trong phủ, rộng rãi và sạch sẽ hơn chỗ ở của tôi và Đào Đào. Có thị vệ canh giữ, không cho bất kỳ ai đến gần, khiến tôi không khỏi hoài nghi đây rốt cuộc là nơi giam cầm hay thánh địa dưỡng thương.

Khoảng nửa canh giờ sau, vị Giang y nữ kia được Đinh Lan dẫn vào, xem vết thương và bôi thuốc cho tôi.

Quá trình điều trị khá đau đớn, song cô ấy rất lịch thiệp, tôi cũng rất giỏi chịu đựng.

Sau khi mọi thứ xong xuôi, cảm giác mát lạnh của thảo dược hòa quyện với cơn đau trên lưng gần như đưa tôi vào cảnh giới băng hỏa giao tranh. Cô ấy hỏi tôi: "Có đau không?"

Đinh Lan đang ở đó, tôi chỉ đành nghiến răng nghiến lợi trả lời: "Vẫn chịu được."

Giang y nữ dòm tôi với ánh mắt thương cảm, lại dặn dò thêm vài câu không được dính nước này nọ, rồi kéo Đình Lan sang một bên.

Đình Lan có vẻ lo lắng, hỏi: "Đánh nặng lắm sao?"

Giang y nữ lộ vẻ khó xử: "Quá nặng. Hai mươi trượng, thân thể cô ấy vốn yếu ớt, nghe nói trước đó không lâu mới bị cảm lạnh, bệnh cũ chưa khỏi, nếu không điều dưỡng cẩn thận, e là sẽ để lại di chứng, thậm chí có thể mất mạng."

Sắc mặt Đinh Lan nghiêm trọng, suy nghĩ một hồi rồi bảo với Giang y nữ: "Chuyện này không cần báo với Quý chủ, cô chỉ cần nói cho tôi biết phải điều dưỡng thế nào. Còn chỗ Quý chủ, cứ bảo người yên tâm là được."

Giang y nữ đáp một câu, rồi nhìn tôi thật sâu, cuối cùng lui ra khỏi phòng. Chỉ còn Đinh Lan đứng đó, im lặng không hó hé một tiếng.

Từ khi quen biết Đinh Lan, tôi đã cảm giác cô ấy là người thông minh, dũng cảm. Tuy tuổi còn trẻ song tâm tư rất nhạy, thường có thể nhận ra nhiều điều nhỏ nhặt.

Trước đây, cô ấy hầu hạ bên cạnh Công chúa, có nhiều chuyện Công chúa không bày tỏ nhưng cô ấy lại rất nhanh chóng hiểu ý.

Tôi suy đoán, lúc này là Công chúa động lòng trắc ẩn, tha cho tôi một mạng, hay là phát hiện kẻ trộm trâm không phải là tôi, nên mới tìm Giang y nữ đến chữa trị cho tôi, vừa hay để thể hiện danh tiếng nhân từ của mình?

"Khụ khụ, phì." Nước bọt lẫn máu mà tôi nuốt vào lúc bị đánh, cuối cùng không kiềm được nữa, trào ra.

Trước mặt Đinh Lan, tôi thực sự không còn sức để diễn trò khí phách, dẫu sao hình tượng của tôi trong mắt mọi người đã đủ tệ rồi.

Yếu đuối, bất tài, vô dụng, trò cười. Phò mã Phạm Bình, từ xưa đến nay đều mang tiếng xấu như vậy.

Đinh Lan đứng một lúc, bước tới đưa tay áo lau vết máu trên khóe miệng tôi, trong mắt lộ vẻ thương xót.

Tôi ngẩn ra, ngước nhìn cô ấy, cười mà rằng: "Đinh Lan nương tử, bẩn lắm."

Đinh Lan cau mày: "Quý chủ... người rất khổ sở, người chỉ là quá tức giận, xin đừng trách người."

Tôi bỗng bật cười. Công chúa khổ sở, chẳng lẽ tôi không khổ sở sao? Nói như vậy thật vô lý. Có đau khổ cũng đâu phải nàng gánh chịu thay tôi, cứ thể như chỉ cần so sánh một chút thì nỗi đau khổ này có thể biệt tăm biệt tích vậy. Thật chẳng có lý lẽ nào cả.



#



Tôi đối với công chúa, không tính là tốt. Những việc mà vợ chồng bình thường nên làm, tôi đều không thể làm được. Có lẽ đây chính là cái gọi là "lan nhân nhứ quả" [2] chăng.

[2] Thành ngữ chỉ mối duyên ban đầu đẹp như hoa lan nhưng kết cục lại tan tác, ly tán như hoa tơ liễu bay trong gió. Đây là một cách nói để mô tả một mối tình có khởi đầu đẹp đẽ nhưng kết thúc bi thương..

Năm Công chúa hạ giá [3], mới mười bốn tuổi, Phạm Khiêm mười bảy tuổi, họ mới là tuổi tác xứng đôi vừa lứa. Năm ấy ta đã hai mươi, đã rong ruổi bên ngoài hai năm, vừa hay xin được một chức giáo tập [4] ở Thư viện Bạch Lộc tại Lạc Châu.

[3] Chỉ việc công chúa hạ giá lấy chồng là quan lại hoặc thường dân.

[4] Chức danh cũ, chỉ người dạy học trong các thư viện (trường học tư), trong phủ riêng của quan lại, quý tộc hoặc dạy cho con em hoàng tộc.

Sơn trưởng [5] rất coi trọng tôi, hỏi tôi khi nào có thể nhậm chức. Tôi rất vui mừng, nói là trong vòng hai tháng, rồi bái biệt, chuẩn bị về nhà đón mẹ đi cùng, sau này không phải nhìn sắc mặt kẻ nào ở Phạm phủ nữa.

[5] Chức danh dành cho người đứng đầu, người quản lý một thư viện thời xưa.

Nhưng trời không chiều lòng người, một đạo thánh chỉ đã trói chặt tôi vào chức quan hư vị [6] Phò Mã Đô Úy này, đến chết cũng không thoát khỏi.

[6] Chức vị chỉ có trên danh nghĩa, không có thực quyền.

Lúc đó, cha tôi ủng hộ Thái tử, mà vị Thái tử ấy rất giỏi mưu tính, muốn nâng đỡ nhà tôi nên đã đến cầu Tiên đế ban hôn.

Ban đầu, người được hứa gả không phải là Nhu Gia công chúa, mà là muội muội ruột của Thái tử - Ý An Công chúa. Chỉ là vị Công chúa kia kiêu căng, được nuông chiều quen rồi, không đồng ý, cho nên mới đến lượt Nhu Gia Công chúa - người được nuôi dưỡng bên cạnh Hoàng hậu và không được sủng ái, hạ giá ban hôn.

Thái tử lấy cớ Công chúa tuổi tác đã lớn, nên tìm một gia đình tốt mới phải, rồi khóc lóc trước mặt Tiên đế, bảo rằng chỉ muốn nhìn thấy muội muội cùng lớn lên từ nhỏ được sống hạnh phúc cả đời.

Bấy giờ, tôi quả thực có tin lời đó vài phần, song sau này mới tỉnh ngộ, những câu chữ của đám hoàng thất, triều đình và quyền quý, nghe cho vui tai là được, không thể coi là thật.

Nhưng dù được sủng ái hay không, Công chúa rút cuộc vẫn là Công chúa, có dính dáng đến hoàng thân quốc thích, trên quan trường làm sao không nể mặt vài phần. Món hời này, người cha mắt cao hơn trời của tôi hiển nhiên là không bỏ qua.

Chức phò mã này vốn không phải tôi nên đảm nhận, chỉ vì theo lệ của triều ta, phò mã không được giữ chức quan thực, làm phò mã đồng nghĩa với việc đường làm quan coi như hủy hoại, cho nên mới rơi vào đầu tôi.

Cha tôi biết tôi không có ý với quan trường, còn vị đệ đệ Phạm Khiêm của tôi, văn hay chữ tốt, tương lai chắc chắn là tên tuổi nổi bật trong Hàn Lâm Viện, một trụ cột vững chắc, sao có thể bỏ được?

Người đời ai cũng yêu quý hiền tài, cho nên kẻ bất tài thì như thế nào, họ không quan tâm.

Người đương thời nhận xét: Phạm Bình kẻ này bụng không có tài lớn, học thức không tốt, lại thêm bút pháp gà bới, nguệch ngoạc tựa hồ say túy lúy. Ân khoa [7] chẳng màng ứng thí, nghe đâu hoài bão chỉ là một chức giáo tập, đường làm quan coi như vô vọng. Bù lại, bản tính trung hậu, chưa từng thấy nổi trận lôi đình với ai, thấy bạn học hàn vi cũng hay giúp đỡ, nhân duyên bởi thế cực tốt.

[7] Trong thời nhà Tống, những sĩ tử đã thi đỗ kỳ thi Hương, nhưng nhiều lần thi Lễ Bộ hoặc thi Đình vẫn chưa đỗ, khi gặp kỳ thi do Hoàng đế đích thân chủ trì, có thể lập danh sách riêng trình tấu, đặc cách cho dự thi, gọi là "Đặc Tấu Danh", thường đều có thể đỗ, nên gọi là "ân khoa".

Những lời này, tôi nghe nhiều rồi, cũng thành quen.



#



Ngày Công chúa hạ giá, mẹ tôi dặn dò: "Công chúa là người đáng thương, gả cho con, dù hai đứa không phải phu thê thực, cũng chớ lạnh nhạt người ta."

Tôi ghi nhớ trong lòng, cố hết sức đối xử tốt với Công chúa, còn nàng sống cùng tôi trong phủ cũng không hề kiêu căng, ngạo mạn gì, rất khách sáo với tôi.

Tôi liền nghĩ, dù cho không có việc vợ chồng, sống như vầy cả đời cũng đâu coi là thiệt.

Chỉ là vạn vạn lần không ngờ rằng nàng lại cấu kết với Tề Vương, đưa cả Phạm gia, vốn là một phe của Thái tử, vào lao ngục.

Tranh đấu quyền lực từ xưa đến nay luôn là ngươi đào hố cho ta, ta lại đào thêm cho ngươi một cái hố. Cha tôi chỉ là theo nhầm người, thời vận không tốt, không còn đường lựa chọn.

Dẫu ruột gan tôi rối bời, hận thân trách phận đến đâu cũng chả thay đổi được sự thật là mình đã chết. Nay nhìn nàng trở thành Tấn Dương Đại trưởng công chúa, nắm trong tay thực ấp [8] ba nghìn hộ, cuộc giao dịch này, nếu đổi lại là tôi ở vị trí đó, cũng đâu thể cưỡng lại cám dỗ.

[8] Vùng đất được vua ban cho quý tộc, công thần làm bổng lộc. Người được ban hưởng hoa lợi, thuế má từ vùng đất đó. Số lượng thực ấp thể hiện địa vị và quyền lực.

Tôi không trách nàng, tôi... không trách nàng nữa.



#



Phòng giam tuy khá rộng rãi, nhưng dù sao cũng là nơi giam giữ nghi phạm, chỉ có một cửa sổ nhỏ, ánh sáng khó lọt vào, tôi không khỏi nhớ lại những ngày tháng cay đắng ở thiên lao.

"Đinh Lan nương tử quá lời rồi," tôi nói, "Nô tỳ chỉ là một thị nữ nhỏ bé, làm sao dám trách tội Đại trưởng công chúa, chẳng muốn sống nữa sao?"

Nghe vậy, Đinh Lan nhíu mày, lườm tôi một cái: "Sau này đừng nói những lời như vậy nữa!"

Tôi hơi sững sờ: "Vâng, sau này không dám nói nữa."

Hồi sau, Đinh Lan thở dài, hỏi tôi: "Nương tử có cần gì không? Quý chủ nói rõ là giam bảy ngày, e rằng nương tử không ra ngoài được. Nếu cần gì, cứ nhắn với ta."

Tôi không cần gì, chỉ là chợt nhớ đến nồi canh gà đang hầm trong bếp, chưa kịp uống miếng nào đã bị đưa đến đây, bèn hỏi: "Trước đó nô tỳ có hầm một nồi canh gà trong bếp, nếu được, nô tỳ muốn uống một bát."

Đinh Lan lộ vẻ khó xử, tôi cúi đầu: "Không được cũng không sao."

Đinh Lan nói: "Thực xin lỗi, canh gà nương tử hầm, đã bị một vị đạo trưởng trong phủ uống hết rồi. Ta sẽ tìm một ít thuốc bổ khác cho nương tử vậy."

Thật quái lạ, một vị đạo trưởng, mà lại muốn uống canh gà của tôi?

Xong chợt nghĩ lại, phụng sự đạo trưởng cũng tương đương phụng thờ tiên gia đạo giáo, chẳng hay vị đạo trưởng ấy có thể làm phép cầu phúc cho tôi được chăng? Suy cho cùng, từ khi hoàn hồn đến giờ, tôi sống thực chẳng được hanh thông tẹo nào, trái lại cứ như đến để độ kiếp vậy.

"Không cần đâu," tôi nói, "Đa tạ Đình Lan nương tử, nô tỳ không sao."

Đinh Lan dường như còn muốn nói thêm điều gì thì ngoài cửa có tiếng động, cửa lao được hé ra một nửa, tôi thấy Uy Nhuy đứng đó, hình như đương giục Đinh Lan.

Quả nhiên, vừa trông thấy cô ta, Đinh Lan bèn nói: "Nương tử hãy nghỉ ngơi cho tốt, đừng lo lắng, Quý chủ tinh tường mọi việc, sẽ không trách phạt nương tử nữa."

Tôi đáp một tiếng "vâng", đợi Đình Lan lui ra, cửa lao được đóng, tôi bỗng nhiên cảm giác thời gian như đảo ngược, tôi lại hóa thành Phạm Bình, kẻ phản nghịch trong thiên lao, chịu muôn vàn sỉ vả xung quanh, cuối cùng không chịu nổi gánh nặng, vội kết liễu cuộc đời.

Thật là một giấc mộng dài, chỉ tiếc rằng giấc mộng này, dường như không có hồi tỉnh dậy.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro