Chương 8: Ngươi bén rễ si tình với ta đến vậy sao?

Người đầu tiên mất bình tĩnh lại là Mai Nhân. Nàng bị dọa sợ đến kinh hồn bạt vía, bị trói trước cáng, đứng không vững nổi nữa. Khó khăn lắm nàng mới đứng yên được, vừa cúi đầu xuống, gương mặt vị hôn phu của mình lại đập ngay vào mắt.

......Xác định rồi, người chết đúng là vị hôn phu chưa qua cửa của nàng.

Tính cả người trước, đây đã là vị hôn phu thứ hai của nàng chết yểu.

Mai Nhân hít sâu một hơi, quay sang hỏi Thẩm Liệm đứng bên cạnh, mặt mày người kia vừa uất ức lại ngơ ngác:

"......Ngươi bén rễ si tình với ta đến mức ấy sao?"

Vì muốn làm rể nhà nàng, tên tú tài nghèo vai không thể gánh, tay không thể vác này thực sự giết người rồi?

Mai Nhân lần đầu tiên cảm thấy bản thân hình như được xem trọng hơi quá.

Nhưng nghĩ lại, với gương mặt này của mình, được người ta si mê đến cực đoan thế này cũng không phải chuyện lạ. Tự thấy chẳng có gì sai, lòng nàng lại bình thản hơn.

Những ngày ở chung, nàng quả thực chẳng ngờ tên tú tài này lại gan lớn đến vậy, giờ nhìn Thẩm Liệm cũng thêm vài phần tán thưởng.

Có điều tán thưởng không được bao lâu, bởi ngay sau đó, Đại đương gia Vinh Nương ngồi ngay trên chính đường đã lạnh lùng hỏi:

"Nếu đã vậy, các ngươi nhận mình làm rồi phải không?"

Dứt lời liền vẫy tay, gọi một tên đại hán mặt dài cầm đao bên ngoài tiến lên:

"Giang hồ cũng có quy củ giang hồ, Mai tiểu thư, bọn ta tuy là thổ phỉ, nhưng cũng xem như hiểu đạo lý, chưa từng cưỡng ép ngươi làm điều gì. Huống hồ mối hôn sự này, trước kia chính ngươi cũng đã gật đầu tán thành. Nay ngươi lật lọng trở mặt chưa tính, còn cấu kết với tên tú tài này sát hại đệ đệ của ta. Nếu đã thế, hai người chỉ có thể lấy mạng đền mạng."

"Người đâu, kéo ra sau núi, chém!"

Còn chưa hiểu đây là tình huống gì mà cái mạng nhỏ này sắp mất luôn rồi, Thẩm Liệm lập tức hét lớn:

"Khoan đã!!!"

Nhưng Vinh Nương chẳng thèm liếc nàng một cái.

Trong lúc cấp bách, không biết lấy đâu ra sức, Thẩm Liệm vùng khỏi tay tên đại hán phía sau, lao lên một bước rồi "phịch" một tiếng, quỳ sụp xuống trước thi thể Vinh Khánh.

Mai Nhân bàng hoàng:

"......Chẳng phải người đọc sách các ngươi không khuất phục trước uy quyền sao?"

Bảo quỳ là quỳ luôn hả?

Nghe vậy, Thẩm Liệm ngẩng phắt đầu, ném cho nàng một ánh mắt sắc lẹm, nghiến răng nghiến lợi:

"Đại tiểu thư, ngươi có thể nói cho rõ ràng không? Sao tự dưng lại lôi đâu ra chuyện si tình bén rễ gì đấy? Chẳng lẽ ngươi cho rằng ta vì ngươi mà đi giết Nhị đương gia à??"

"Chẳng lẽ không phải?" Mai Nhân vẻ mặt ngơ ngác vô tội. "Hôm đó vừa nghe ta nói sẽ đưa Khánh lang năm mươi lượng bạc tiền sính lễ, ngươi đã nổi điên vì ghen, còn bảo muốn đào tường[1] của hắn......"

[1] Đào tường: Từ lóng, mang nghĩa cướp người yêu, chen ngang, phá đám chuyện tình cảm của người khác.

Nghe tới đó, Vinh Nương ngồi trên cao tức đến bật cười:

"Hay rồi hay rồi, mạng của đệ ta chỉ đáng năm mươi lượng."

Thấy lửa giận trong người Vinh Nương càng lúc càng tích tụ, Thẩm Liệm cuống cuồng lục lại đầu óc, lướt nhanh đến chuyện tối qua rồi hét lớn:

"Đợi đã Đại đương gia, ta với Nhị đương gia không thù không oán, ta giết hắn làm gì? Hơn nữa ta chỉ là một tú tài nghèo, bảo giết gà ta còn vật vã, sao mà ta giết nổi người!?"

Vinh Nương lạnh lùng quát:

"Tư tình của ngươi chẳng phải vừa nói rồi sao? Ngươi bén rễ si tình với nàng, thấy nàng sắp gả cho người khác thì lòng sinh bất mãn, thừa lúc đêm tối lấy mạng đệ đệ ta."

Thẩm Liệm nghe vậy lại gào lên:

"Oan uổng! Dù có si mê nàng đi chăng nữa, thì ta sao có thể biết giết người kiểu này?"

Nàng rướn cổ, dùng đầu ra dấu chỉ vào xác:

"Lệnh đệ là nam nhân trưởng thành, người thường nào dễ tiếp cận? Mà trên người hắn còn có mùi rượu, lại đang mặc trung y, rõ là chết trong phòng, hẳn là sau khi ngủ."

Giữa lúc hiểm nguy, đầu óc Thẩm Liệm xoay vù vù như chong chóng, chỉ sợ chậm nửa câu là toi mạng tại chỗ. Nàng chẳng cần biết đúng sai gì nữa, tuôn ra một tràng:

"Ngươi xem, Nhị đương gia lúc chết môi tím, thân cứng, ngoài không có thương tích — chẳng phải trúng độc thì cũng là bị ám khí đả thương. Đại đương gia, Đại cô nương! Ta ta ta ta... Ta không biết võ mà!"

Câu cuối cùng nàng hét đến suýt rách họng, đủ để thấy trong lòng oan ức cỡ nào.

"Tên tú tài nhà ngươi, ngày nào không phải trêu mèo ghẹo chó thì cũng là bày trò thị phi, mới tới trại ta được chục ngày mà chuyện trong núi đã bị ngươi nghe ngóng hết rồi." Đại đương gia dường như chẳng tin lời nàng, giọng nói lạnh lùng lại cất lên. "Ngươi bảo ngươi không biết võ, nhìn cái thân trông như cây sào của ngươi, ta cũng tạm tin ba phần. Nhưng ngươi nói ngươi trong sạch, tay chưa từng nhúng vào chuyện bẩn thỉu, thế thì Đại đương gia ta đây cũng quá dễ bị xỏ mũi rồi."

Nói đi nói lại, Đại đương gia này cũng chỉ là một lòng muốn báo thù cho đệ mình, theo đúng cái lý "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", quyết đòi hai người họ đền mạng.

Thẩm Liệm hận Mai Nhân thấu xương. Biết bao lời không nói, vừa mở miệng đã nói tới cái gì mà năm mươi lượng bạc thuê người giết.

Nếu thật có chuyện đó thì cũng thôi đi, Thẩm Liệm nàng sống tới giờ chưa từng thấy nhiều bạc đến thế, vì tiền mà chết thì cũng coi như chết đáng.

Nhưng ngặt nỗi một đồng nàng còn chưa thấy nữa!

— Thế này không phải oan uổng quá rồi sao?

Biết có kêu oan cũng vô dụng, Thẩm Liệm vì giữ cái mạng nhỏ, đầu lại nảy ra một kế, ngẩng đầu nhìn Vinh Nương:

"Đại đương gia muốn giết ta để bồi táng lệnh đệ, ta đương nhiên chẳng dám từ. Nhị đương gia dung mạo tựa Phan An, anh tuấn tiêu sái, chết rồi mà ta còn được bồi táng bên người như thế, cũng là đại phúc đời này của ta."

Nàng càng nói càng giống kẻ chó săn, chẳng hề thấy mình thân tú tài mà nịnh bợ như thế là bại hoại danh tiết, chỉ nói tiếp:

"Chỉ có điều, tại hạ vẫn còn cảm niệm ơn Đại đương gia đã thu nhận mấy ngày qua. Đại ân chưa báo, vậy nên trước khi chết, tại hạ mạo muội nhắc Đại đương gia một lời: Nếu thật sự kẻ sát hại Nhị đương gia là người khác, còn đang ẩn nấp trong trại, thủ pháp giết người lại âm hiểm như vậy, quả thật vô cùng nguy hiểm. Đại đương gia còn đang hoài thai, đêm tới sao có thể yên giấc?"

Lời vừa dứt, người xung quanh còn chưa ai phản ứng, Mai Nhân đứng gần đó đã nhỏ giọng hỏi nàng:

"Ngươi thế này... thật sự là tú tài sao?"

Văn nhân cốt khí chẳng khác nào phân chó, rõ ràng là một kẻ hèn nịnh.

Thẩm Liệm nghe thấy mà giả câm giả điếc, vẻ mặt chân thành, ánh mắt đầy kiên định nhìn Đại đương gia đang ngồi trên cao, như thể chỉ chờ lấy chết minh oan.

Lời nàng nói tuy toàn nịnh bợ, nhưng quả thật lại trúng ngay chỗ yếu.

Vinh Nương vốn chẳng mấy cảm tình với đệ đệ này, báo thù cho hắn cũng chỉ là chuyện dễ như trở bàn tay. Bốn chữ "tra rõ chân tướng" chẳng qua chỉ để làm yên lòng người. Tra thế nào, tra ra ai, đều do nàng định đoạt.

Chuyện khác thì dễ, nhưng nếu dính đến bản thân, nhất là đứa nhỏ trong bụng, vậy phải cần cẩn trọng hơn một chút.

Suy cho cùng nếu hung thủ có thể không một kẽ hở, tùy ý giết chết Nhị đương gia trong trại, vậy chẳng phải cũng có khả năng giết Đại đương gia là nàng đây sao?

Vả lại, xem hai tên dưới kia, người thì yếu ớt chẳng dám ra gió, kẻ thì yếu đuối vô năng, nói bọn chúng cấu kết với nhau, đêm hôm khuya khoắt chạy đi giết Vinh Khánh, trong lòng Vinh Nương cũng thấy lấn cấn.

Nhưng cả trại này cũng chỉ có hai người họ là người ngoài, giờ trại xảy ra chuyện, dĩ nhiên trước tiên phải tìm bọn họ hỏi cho ra lẽ.

Chỉ là tên tú tài kia... lời nói tuy toàn nịnh nọt, nhưng cứ như mọc chân chạy thẳng vào lòng người, khiến người ta không khỏi nghĩ thêm.

Suy đi tính lại một lượt, Vinh Nương nói với Thẩm Liệm:

"Với cái tướng mạo và phẩm hạnh này của ngươi mà cũng đòi bồi táng đệ đệ ta? Ngươi nằm mơ giữa ban ngày chắc?"

Nghe vậy, Thẩm Liệm thở phào nhẹ nhõm. Nàng biết cái mạng nhỏ này tạm thời coi như giữ được, liền nói tiếp, rón rén như đang giẫm lên lớp băng mỏng:

"Đại đương gia nói chí phải, là ta đã vọng tưởng rồi."

Dứt lời, nàng lại cúi người hành lễ với Đại đương gia.

Nàng thân có công danh, gặp quan còn chẳng phải quỳ, nhưng giờ vì giữ mạng, nàng đã liều hết mọi giá, mặt mũi cũng chẳng cần nữa, liên tục hành đại lễ với kẻ đầu sỏ của đám thổ phỉ, chỉ thiếu nước dập đầu bái lạy.

Bộ dạng hèn kém này khiến Mai Nhân trông mà chán ghét, nhưng nàng cũng biết khi nãy mình nói bậy bạ mới khiến Thẩm Liệm rơi vào tình cảnh này, nên cũng chẳng nói gì thêm, chỉ nhìn trừng trừng về phía người kia.

Nàng cũng muốn xem cái miệng chó của Thẩm Liệm làm sao phun ra được ngà voi.

Thẩm Liệm trong lòng khóc không ra nước mắt, nhưng trên mặt vẫn phải cố rặn ra nụ cười, hết lượt này đến lượt khác vuốt đuôi của Vinh Nương.

Từ khi còn trẻ dưới thôn làng, Đại đương gia đã anh dũng trượng nghĩa, đến giờ đã cai quản cả sơn trại đâu vào đấy.

Văn nhân khen người quả thật không giống thường nhân. Nào là "nữ trung hào kiệt", "ngạo nghễ phong nguyệt", "phúc tuệ song tu", "dân khang vật phụ", hàng loạt lời hay ý đẹp tuôn ra ào ào, cứ như thể chẳng tốn phí gì, nghe đến nỗi Vinh Nương xưa nay không ưa kẻ nịnh cũng hơi giãn mặt, không còn bộ dạng sát khí đằng đằng nữa:

"Thôi đủ rồi, đừng nói mấy lời vớ vẩn đó nữa. Không phải ngươi bảo kẻ giết đệ ta là người khác sao? Là ai?"

Có bao bài vuốt đuôi thì cũng dùng hết rồi, nhưng xem ra chỉ vậy là không đủ, không thì Vinh Nương cũng sẽ chẳng còn lăm lăm đòi Thẩm Liệm phải đền mạng:

"Hôm nay nếu như ngươi không nói cho ta rõ ràng, thì đừng trách ra trở mặt không nhận người."

Nghe vậy, Thẩm Liệm dè dặt đáp:

"Ta cũng không biết là ai, chuyện này, phải nghiệm thi tìm chứng cứ, dùng chứng cứ nói chuyện."

Vinh Nương nhếch cằm:

"Người bên kia kìa, nghiệm đi."

"Nhưng... nghiệm thi tìm chứng cứ, đây, đây đều là việc của nha môn mà."

Nàng chỉ là kẻ tú tài hèn, biết gì cơ chứ?

Vinh Nương nghe vậy cười lạnh một tiếng:

"Nhà ngươi chẳng phải làm thợ hai da[2] sao? Cũng coi như là nửa chân làm hành nhân[3]. Thế nào, chuyện nghiệm thi này ngươi lại không biết?"

Thợ khâu xác và hành nhân, cũng chính là ngỗ tác[4], tuy là hai nghề khác nhau, một chuyên khâu liệm xác, một chuyên khám nghiệm, nhưng cũng có thể xem là đệ tử đồng môn.

Hành nhân giỏi sẽ biết chút nghề khâu xác, ngược lại cũng vậy, nên Vinh Nương hỏi thế cũng chẳng có gì lạ.

[2] Thợ hai da: Cách gọi khác của thợ khâu xác.

[3] Hành nhân: Cách gọi dân gian của người hành nghề khám nghiệm tử thi xưa.

[4] Ngỗ tác: Cách gọi chính thức của nghề khám nghiệm tử thi.

Nhưng Thẩm Liệm vẫn tỏ ra lưỡng lự:

"...Không phải ta thoái thác, nếu bảo ta khâu xác thì ta đương nhiên không từ, không khâu đẹp cho lệnh đệ ta cũng sẽ ngại xuống núi mất...... Nhưng mà chuyện nghiệm thi, ta thực sự không biết đâu, vẫn nên để người chuyên nghiệp làm thì hơn."

Vòng vo một hồi, ý cũng chỉ là muốn Đại đương gia đi báo quan, tìm ngỗ tác thật sự tới.

Nhưng nàng tính sai rồi, Vinh Nương bất ngờ hỏi:

"Tú tài, ngươi có phải hồ đồ rồi không, quên đây là đâu rồi à?"

Có thổ phỉ nào lại đi mời quan phủ lên núi?

Đầu bị chèn cửa mới tin được.

Thẩm Liệm: "......"

Quên mất tiêu.

Biết mình không còn đường thoát, Thẩm Liệm chỉ đành nhắm mắt chấp nhận số phận:

"Vậy, vậy tại hạ đành đắc tội với Nhị đương gia rồi......"

Nói xong nàng còn nghiêm túc cúi đầu thật sâu trước thi thể Vinh Khánh.

Thực ra Thẩm Liệm cũng không phải hoàn toàn không biết nghiệm thi, dù sao nhà nàng cũng ở ngay cạnh bãi tha ma, phụ thân lại là thợ khâu xác nổi danh mấy vùng, việc nghiệm thi, nàng cũng biết chút đỉnh.

Nhưng quả thật chỉ là chút đỉnh mà thôi. Hồi nhỏ nàng chỉ học qua loa, một lòng muốn đỗ đạt công danh, nào có nghĩ sẽ dùng cái nghề này mà kiếm cơm? Ai mà ngờ được có ngày rơi vào cảnh này?

Chẳng trách cha nàng hay nói cái gì mà "biết nhiều không bao giờ thừa", giờ nghĩ lại đúng là có mắt nhìn xa.

Thẩm Liệm ổn định tinh thần, dùng rễ trương thuật và bồ mễ đốt gần thi thể, lại xin Đại đương gia chuẩn bị đầy đủ rượu, giấm, giấy, chiếu, hành, tiêu, muối, mơ trắng, sau cùng còn bảo người mang thêm một chậu nước sạch để rửa tay cẩn thận.

Đại đương gia tuy cho người làm theo, nhưng trong lòng vẫn thấy khó hiểu, chỉ là vì thân phận và địa vị, cũng không tiện hạ mình hỏi nhiều.

Nhưng A Quế tẩu tính tình bộc trực lại không như thế. Thấy Thẩm Liệm đòi mấy thứ như chuẩn bị nấu cơm, bà không nhịn được hỏi:

"Ta bảo này tú tài, Đại cô nương bảo ngươi đi xem Nhị đương gia chết thế nào, sao ngươi lại đòi nhiều gia vị vậy?"

Không biết còn tưởng ngươi định muối thịt làm lạp xưởng ấy chứ.

Ấy phì phì phì, người chết phải kính, người chết phải kính, không thể nói như vậy được.

A Quế tẩu trong lòng hối hận vì miệng nhanh hơn não, cuống quýt thầm niệm mấy câu "A Di Đà Phật".

Nhưng lời đã ra khỏi miệng rồi, giờ cũng chỉ đành cắn răng chờ Thẩm Liệm trả lời.

[Hết chương 8]

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro