Sự cố ngân sách tu sửa xảy ra lúc sáng kia khiến cho Ôn Chủy Vũ nhận ra mình thiếu hụt kiến thức kinh tế cơ bản đến nhường nào, ngay cả kiến thức thông thường nhất cũng không nắm rõ. Cô mở phòng tranh, có ở trước mặt chị họ mình làm chút chuyện xấu hổ thì cũng chẳng sao, nhưng đổi lại ở trước mặt người ngoài có lẽ hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Vì cẩn thận cho nên Ôn Chủy Vũ không dám tùy tiện đi tìm mấy vị họa sĩ lão làng kia để mời họ vẽ bản thảo.
Cô viết danh sách ra trước, tự mình sắp xếp quá trình đến thăm viếng nhà người ta, sau đó đi ra nhà kho nhỏ lục tìm trà, mực, rượu, bút,... mang theo làm quà.
Đến khi chạng vạng tối, cụ Ôn Nho ra ngoài từ buổi sớm cũng đã trở về. Ông vừa bước vào phòng khách thì nhìn thấy trên bàn trà chất đầy một đống hộp to hộp nhỏ, trên hộp mỗi hộp còn dán theo một tờ giấy nhỏ, mà Ôn Chủy Vũ thì đang nhoài người bận bịu cái gì đó bên cạnh bàn trà.
Ôn Nho tò mò đi tới bên cạnh Ôn Chủy Vũ, thò đầu xem thử: "Đang bận gì thế?"
Ông liếc mắt thấy hộp trà Vũ Tiền Long Tỉnh mà mình hằng trân quý, lòng đau như cắt nhưng vẫn giữ bình tĩnh nhìn mấy hộp quà hết một lượt, kiểm tra từng cái tên được dán lên đấy thì lập tức sáng tỏ. Đứa cháu gái này của ông đang lên danh sách quà biếu đây mà! Giả dụ như Tiếu Sơn tiên sinh thích uống trà, thích độc nhất mỗi trà Long Tỉnh, thế nên cháu gái bảo bối của ông bới ra hộp trà Vũ Tiền Long Tỉnh mà ông cất giấu bấy lâu; Quy Hạc Sơn Nhân thích sưu tầm nghiên mực, cháu gái ông bèn lục lọi được cái nghiên Long Vĩ của ông sưu tầm để đem tặng người ta.
Ôn Nho mở hộp quà lấy nghiên mực Long Vĩ ở bên trong ra săm soi, sau đó lại đặt vào, tim ông đau đến mức "xoẹt" một tiếng. Mấy năm gần đây nghiên Long Vĩ cũng đắt giá theo thời, lúc xưa ông mua cái nghiên này tốn hết mấy nghìn tệ, bây giờ dựa theo giá thị trường cầm theo hai trăm nghìn chưa chắc đã mua được.
Ôn Chủy Vũ thấy ông nội trở về bèn vội vàng đưa danh sách cùng quà cáp mình đã chuẩn bị xong cho ông xem thử. Cô nói rõ dự định của mình: "Lần này đến cửa nhờ vả người ta đâu thể đi tay không được! Cho nên con muốn chuẩn bị ít quà dựa theo sở thích của mấy ông mấy bác, còn kèm một lá thư tay để mang qua đó. Nội thấy danh sách quà biếu này có hợp không? Nội giúp con xem thử danh sách này với."
Cụ Ôn Nho lật danh sách ra, nhìn thấy trên đó liệt kê một dọc những cái tên dài loằng ngoằng bỗng có chút choáng váng. Ông trợn to mắt nhìn Ôn Chủy Vũ, nghi rằng cháu gái ông đang chuẩn bị đi thăm hết cái đất Giang Nam này. Những cái tên nằm trong danh sách kia đều là những người đứng đầu hiệp hội mĩ thuật. Trong đó, người bán tranh với giá thấp nhất cũng lên tới vài nghìn tệ một mét vuông, đắt nhất là mấy trăm nghìn. Ôn Nho lão sinh bất chợt lo lắng, chuyện buôn bán còn chưa phất lên thì cháu gái của ông đã tiêu sạch hết tiền. Ông dằn lại chua xót ở trong lòng, hỏi trước một câu: "Con định dùng bao nhiêu tiền để mua tranh?"
Ông lấy danh sách tên và quà tặng ra đối chiếu, phát hiện cháu gái ông thế nhưng lại nắm rõ sở thích của hơn quá nửa người trong số họ. Những người đó đều là người mà ông đã từng dắt Ôn Chủy Vũ đi gặp gỡ chào hỏi qua, còn số ít những người còn lại, bởi vì Ôn Chủy Vũ chưa từng tiếp xúc với họ nên cũng không biết người ta thích gì.
Ôn Chủy Vũ nói: "Con đã nghĩ kỹ rồi, đi đặt tranh lần này chưa hẳn người ta đồng ý vẽ cho con, chắc sẽ có chuyến chạy vạy không công. Danh sách dài như thế, có thể đặt mua được một nửa cũng không tệ lắm, đó là còn giữ lại thể diện cho lão tiên sinh ngài đây. Con sẽ đặt mua trước một bức. Nếu đặt được thì tốt, còn như không được thì mình tặng người ta chút quà biếu này cũng coi như để lại ấn tượng tốt. Đợi sau này mở phòng tranh thì con lại qua đó gửi thiệp mời, họ đã từ chối con một lần rồi, lỡ như ngại từ chối con thêm lần nữa thì sao? Thêm cả việc thấy đồng nghiệp đến tham dự nhiều, nói không chừng tới lúc phòng tranh của con khai trương thì bọn họ cũng sẽ đến phải không nội? Ngộ nhỡ bị từ chối tận hai lần thì sau khi khai trương con vẫn có thể đi tìm bọn họ đặt tranh thêm lần nữa, điều đấy sẽ chứng minh được thành ý của con. Đúng không? Đã mở xưởng vẽ thì thế nào cũng phải bán tranh, không sợ thu mua quá nhiều tranh, chỉ sợ không đủ tranh để bán. Phải đặt mua nhiều bức một chút để giữ lại bán hoặc mang đi triển lãm, đấu giá lấy tiếng cho phòng tranh. Mang tiếng là tranh của họa sĩ lớn thì còn sợ bán không được sao?"
Ôn Nho "chà" một tiếng, nói Ôn Chủy Vũ: "Đại tiểu thư mơ thật đẹp."
Ôn Chủy Vũ thấp thỏm: "Ý là phải để cho lão tiên sinh ngài mất thêm ít máu." Sau trận lục lọi này của cô, chút đồ sưu tầm không mấy giá trị còn sót lại của ông nội lại vơi đi cả đống. Cô bồi thêm: "Cùng lắm thì con sẽ ghi lại số tiền này vào sổ sách của phòng tranh, sau này nhất định trả lại cho ông."
Ôn Nho thấy cháu gái nhà mình biết ghi tiền tính sổ, trái tim già nua đang đau sợ bỗng cảm thấy được an ủi đôi chút. Ông ngắm nghía chiếc nghiên Long Vĩ của mình, nghĩ nghĩ suy suy, trông cậy nói với Ôn Chủy Vũ: "Được, cứ làm như vậy đi." Sau đó nhìn lại danh sách tên và quà biếu rồi đứng dậy đi vào nhà bếp.
Ông dùng xong bữa tối, cầm danh mục quà tặng của Ôn Chủy Vũ đi lên lầu, độ chừng một tiếng sau ông mang danh sách ấy đến tìm Ôn Chủy Vũ: "Giá cả nội đã viết vào đây cho con rồi, sau này tìm được đầu tư thì nhớ trả khoản hao phí này lại cho nội trước."
Ôn Chủy Vũ chăm chú nhìn vào danh sách, khi trông thấy giá của chiếc nghiên mực kia thì vội kêu lên: "Ông nội, con muốn đổi cái nghiên mực khác." Rồi xé tờ giấy nhỏ dán trên cái nghiên xuống, gói nó lại chuẩn bị cất vào nhà kho. Cô chép miệng: "Lão tiên sinh chọn giúp con cái nghiên nào giá dưới năm mươi nghìn tệ nha."
Ôn Nho bình tĩnh đáp: "Cứ tặng cái này đi. Lão già đó, nếu chọn ngay thứ không tốt thì chẳng lọt nổi vào mắt lão đâu."
Ôn Chủy Vũ suy nghĩ, chuẩn bị tìm hiểu loại trà mà vị tiên sinh kia thích nhất. Nếu như ông ấy không bằng lòng vẽ tranh cho cô thì cô sẽ đổi quà thành loại trà giá vài nghìn tệ một cân. Nghiên mực này đắt như vậy, cô không muốn tặng không nó cho người khác. Dùng thứ giá vài nghìn tệ làm quà biếu thì vẫn coi như phải phép.
Cô nhờ ông nội giúp cô xem lại danh sách thêm lần nữa, sau khi xác nhận không có sơ suất gì thì mượn điện thoại của Ôn Nho, mở danh bạ ra lục tìm số điện thoại.
Cụ Ôn Nho là người giao thiệp rộng rãi, mấy vị được liệt kê trong danh sách kia và ông nội cô đều là họa sĩ thuộc cùng một hiệp hội nên có thể tìm được số điện thoại liên lạc với họ trong danh bạ điện thoại của ông. Cô cẩn thận đối chiếu từng cái tên, biệt hiệu, rồi chép số điện thoại lên danh sách. Nếu Ôn Chủy Vũ đánh liều liên hệ trước với những người đó thì không thích hợp cho lắm, cô bèn nhờ cụ Ôn Nho giúp cô làm trung gian, gọi điện hẹn ngày giờ đến thăm hỏi xong lại kêu ông cùng cô đi tìm tranh.
Cô mở phòng tranh làm ăn nhưng trong lòng luôn đặt một dấu chấm hỏi cực lớn đối với chính mình. Sự hiện diện của Ôn Lê giống như một liều thuốc an thần, độ tin cậy trực tiếp tăng lên, đến độ cả hai có thể hợp tác với nhau.
Có giao tình và mặt mũi của ông nội, có nhân sĩ giới thương nghiệp tên Ôn Lê làm cổ đông, việc đặt tranh trở nên suôn sẻ hơn mong đợi.
Hơn hai mươi bản hợp đồng nằm trong tay, thậm chí đến cả Ôn Chủy Vũ còn cảm thấy khó tin.
Nhiều tranh của họa sĩ nổi tiếng như vậy, đủ cho cô mở một triển lãm tranh tầm cỡ.
Ôn Lê ngồi trên xe, sau khi trông thấy hợp đồng thì há miệng đầy kinh ngạc nhìn Ôn Chủy Vũ, rất lâu sau mới mở lời: "Thật không uổng công chị đây cực khổ đi với em suốt một tuần." Cô véo véo gương mặt trắng tựa sứ xương của Ôn Chủy Vũ, bảo: "Đi, hôm nay chị mời em bữa cơm."
Lúc ăn cơm, Ôn Lê nói với Ôn Chuy Vũ rằng các cô có thể dựa vào mớ hợp đồng này để nâng giới hạn cổ phần thấp nhất lên năm mươi lăm phần trăm.
Ôn Chủy Vũ sửng sốt hỏi: "Lại tăng?"
Ôn Lê đáp: "Nước nổi thì bèo nổi, hợp tình hợp lí." Cô giương khóe môi cười một cái, mày hơi nhướng cao, lộ ra mấy phần xuân phong đắc ý(1): "Trên tay chúng ta phải giữ thêm năm phần trăm cổ phần thì mới có thể nắm chắc quyền được phát biểu, được ý kiến ở trong tay. Đó mới là điều quan trọng nhất."
Ôn Chủy Vũ nghĩ tới mấy bức tranh đã đặt mua cùng chi phí phải bỏ ra, lại nhớ đến Ôn Lê là người sành sỏi công việc kinh doanh, quả thật tìm không ra lí do phản bác nào. Thế nên cô đã gật đầu đồng ý.
Ôn Lê nói: "Tốt! Theo chị đoán ông Mục bên kia chắc đã nhận được tin rồi, hai ngày này ông ấy hẳn sẽ đến tìm em. Lúc đầu hai bên bàn tính chia cổ phần thành bốn sáu sao? Em bốn ông ấy sáu?"
Ôn Chủy Vũ gật đầu.
Ôn Lê dứt khoát: "Năm - năm. Lúc thương lượng, thái độ phải cứng rắn thêm một chút, có lẽ ông ta sẽ đồng ý. Chia thành năm phần rưỡi và bốn phần rưỡi thì lần đàm phán này sẽ có chút khó nhằn. Nếu ông Mục hẹn em bàn thêm lần nữa, cứ gọi chị theo."
Ôn Chủy Vũ gật đồng đồng ý. Giá cả tăng chóng mặt như thế, cô cũng không biết nên nói với ông Mục ra sao, thật sự phải trông cậy vào Ôn Lê.
Qua bữa cơm Ôn Lê đưa cô về nhà, tiện thể tìm ông nội cô để lấy chìa khóa căn lầu nhỏ được thuê làm phòng tranh ấy, chuẩn bị bắt tay vào việc tu sửa.
Sau khi tìm mấy vị tiền bối có tiếng trong nghề đặt tranh xong, Ôn Chủy Vũ lại tìm đến chỗ sư huynh muội của mình. Huynh đệ tỷ muội đồng trang lứa đều thích liên lạc qua mạng internet hoặc dùng điện thoại. Cô gọi video cho họ, thành công chốt được mấy đơn. Do việc phân chia cổ phần cần đến hợp đồng mua tranh để thương thảo nên vẫn phải lập hợp đồng, sau đó gọi chuyển phát nhanh gửi qua.
Tiết kiệm được thời gian chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mấy sư huynh muội đặt tranh lẫn cả lập hợp đồng, hết thảy mất đến hai ngày mới làm xong.
Cô cảm thấy Ôn Lê quả thật có chút năng lực thần cơ diệu toán, chị nói "hai ngày này họ hẳn sẽ đến tìm em", kết quả vừa mới qua hai ngày, cô mới vừa đặt tranh từ mấy huynh đệ tỷ muội xong thì Mục Yểu lão tiên sinh đã gọi điện cho cô. Ông ta nói bằng lòng chia bốn sáu, hỏi Ôn Chủy Vũ khi nào bàn chuyện kí hợp đồng.
Ông Chủy Vũ không dám thuận theo, chỉ nói: "Ông Mục. Chỗ con có vài thứ muốn ông xem qua trước rồi chúng ta mới bàn chuyện sau, chắc sẽ thích hợp hơn. Không biết ngày nào ông tiện để con và chị họ Ôn Lê qua đó tìm ông?"
Mục Yểu lão tiên sinh hỏi: "Ôn Lê?"
Ôn Chủy Vũ đáp: "Dạ phải. Ở bên này con và chị ấy đã bàn xong chuyện hợp tác rồi, con quyết định chia một nửa cổ phần của mình cho chị ấy. Nếu như không có Ôn Lê, con nghĩ bản thân sẽ không dám mở phòng tranh này."
Mục Yểu lão tiên sinh ở đầu dây bên kia trầm ngâm, qua mấy giây sau mới truyền đến tiếng thở dài nặng nề: "Aizzz!" Ông lên tiếng: "Tiểu Vũ à, bàn chuyện làm ăn sao có thể mỗi lần mỗi khác được chứ?"
Ôn Chủy Vũ khéo léo đáp lời: "Trước khi ngài đến, con chỉ có hai bàn tay trắng, lúc ấy ông còn định chia cổ phần thành ông tám con hai, còn lo sợ con thua lỗ. Sông có khúc, người có lúc. Ông cứ xem thử đồ trong tay con xong, đợi đến khi trong lòng ông biết phải làm như thế nào thì chúng ta thương lượng lại. Ông thấy sao?"
Ông Mục hít mấy hơi, gượng gạo tỏ vẻ hòa nhã: "Được rồi, con cũng không cần lặn lội chi cho vất vả. Chiều mai ông qua đó tìm con."
Ôn Chủy Vũ nhận lời: "Dạ, vậy con và chị họ sẽ ở nhà đợi ông."
Sau khi Ôn Chủy Vũ và Mục Yểu kết thúc cuộc trò chuyện, cô lập tức gọi điện tìm Ôn Lê nói với chị họ mình rằng ngày mai Mục Yểu lão tiên sinh sẽ đến bàn chuyện hợp tác.
Ôn Lê đáp: "Được, mai chị sẽ qua."
Ôn Lê đến trước giờ cơm trưa, dùng cơm tại nhà Ôn Chủy Vũ, còn mượn giường của cô đánh một giấc.
Vừa mới ngủ trưa dậy chưa được bao lâu thì Mục Yểu đã tới.
Ôn Lê mang xấp hợp đồng mua tranh do cô vất vả chạy hai vòng, tốn cả tuần trời mới kí được đưa cho Mục Yểu xem trước.
Đợi cụ Mục cẩn thận lật xem hết hơn hai mươi bản hợp đồng kia, Ôn Lê lại cho ông Mục coi tiếp mấy tờ hợp đồng của sư huynh sư muội Ôn Chủy Vũ vừa được chuyển phát nhanh giao tới ban sáng. Lúc này cô mới hỏi: "Ông Mục cảm thấy mớ hợp đồng này đáng giá bao nhiêu?"
Sắc mặt Mục Yểu dần nghiêm trọng, tay nhẹ nhàng gõ lên mặt bàn, suy nghĩ chốc lát mới hỏi: "Bây giờ lại muốn bàn chuyện gì?"
Ôn Lê dựng thẳng năm ngón tay: "Mười triệu, bốn phần rưỡi cổ phần."
Chân mày của cụ Mục bèn chau lại, hỏi: "Bao nhiêu? Mười triệu đổi lấy bốn phần rưỡi cổ phần? Bốn phần rưỡi?" Ông đưa tay chỉ vào Ôn Chủy Vũ và Ôn Lê: "Mấy người chiếm năm phần rưỡi còn lại?" Sau đó trỏ ngón tay về phía mình và hỏi: "Lão già này chỉ giữ có bốn phần hơn?" Biểu cảm như thể mình có nghe lầm hay không.
Ôn Lê gật đầu nói: "Phải." Cô thở dài một hơi, mặt mày đau khổ: "Ông Mục, nếu lúc trước ông không đến tìm Tiểu Vũ thì con thật sự không biết em ấy muốn mở phòng tranh, cũng không biết Tiểu Vũ có khả năng như vậy. Không ấy..."
Ôn Lê thất vọng xoa trán, tiếp tục nói: "Nhưng làm người hay làm việc đều phải coi trọng thứ tự trước sau, nếu ông đã đến trước, con cũng chẳng có gì để nói. Hay là, ông cân nhắc kỹ càng hơn xem?"
Mục Yểu suy nghĩ nửa ngày trời, trong lòng nặng trĩu: "Cô phải để cho tôi suy nghĩ thêm hai ngày nữa đã." Ông ngẫm tới ngẫm lui, lại hỏi: "Nếu như tôi muốn giữ hơn năm phần thì giá là bao nhiêu?"
Ôn Lê trả lời: "Ông Mục, ông biết nửa phần cổ phần này mang ý nghĩa gì mà. Nửa phần này, bọn con không thể nhượng bộ."
Mục Yểu lão tiên sinh lại suy nghĩ thêm một lát, nặng nề thở dài một hơi: "Tôi sẽ cân nhắc thêm." Ông không yên tâm hỏi: "Trong vòng hai ngày này, sẽ không giở quẻ gì nữa chứ?"
"Nếu không phát sinh tình huống đặc biệt thì sẽ không có thay đổi gì ."
Cụ Mục trợn tròn mắt, râu ria đều muốn vểnh hết cả lên: "Cái gì gọi là tình huống đặc biệt? Còn thay đổi gì nữa?"
Ôn Chủy Vũ rót cho Mục Yểu một tách trà: "Ông Mục, ông uống trà đi." Cô nói rằng: "Mười triệu đổi lấy bốn phần rưỡi cổ phần, thời gian này ông cứ xem xét, tụi con tuyệt đối sẽ không thay đổi nữa. Nếu như ông không đồng ý, tụi con lại lập kế hoạch khác. Chúng con đợi câu trả lời của ông."
Mục Yểu lão tiên sinh nhận được lời cam đoan của Ôn Chủy Vũ, lúc này mới thở dài thườn thượt, lắc đầu rời khỏi.
Ôn Chủy Vũ tiễn Mục Yểu lão tiên sinh ra đến cửa, sau khi tiễn ông ấy xong thì quay lại phòng khách.
Ôn Lê chống cằm uể oải nói: "Thở dài cái gì, chị đây mới là người muốn thở dài, ok? Bây giờ chỗ tiền đó để chị tự đầu tư có được không?" Cô ai oán nhìn Ôn Chủy Vũ.
Ôn Chủy Vũ dỗ dành: "Chị có 27.5% cổ phần an ủi rồi, không cần than vãn nữa đâu."
Ôn Lê hỏi: "Ơ? Không phải cho chị 20% sao?"
Ôn Chủy Vũ ngồi xuống cạnh Ôn Lê, bảo: "Mỗi người một nửa, dễ tính sổ sách. Giá là do chị nâng, đương nhiên phải cộng thêm cho chị."
Ôn Lê thấy cũng đúng. Cô giơ ngón tay lên, nhẹ nâng cằm của Ôn Chủy Vũ: "Em bé nhà chúng ta cũng rất hiểu chuyện đó chứ." Rồi đứng dậy xách lấy túi của mình: "Được rồi, chị về trước đây." Cô lại căn dặn: "Hai mươi bản hợp đồng này của em chính là định hải thần châm(2). Có chúng ở đây, dù có tốn kém mấy thì ông Mục cũng sẽ nhập cổ phần với em thôi. Đợi ông ấy hai ngày đi, đến lúc đó mọi người cùng kí hợp đồng. Chờ có tiền, em nên đi đăng ký và xin giấy phép kinh doanh sớm thì hơn."
Cô nói xong, vẫy vẫy tay với Ôn Chủy Vũ rồi rời đi.
----------
Chú thích:
(1) Xuân phong đắc ý (春风得意): Là thành ngữ Trung Quốc có xuất xứ từ bài Đăng Khoa Hậu của Mạnh Giao. Ý chỉ sự vui mừng, đắc ý trước thành công của mình. Có diễn giải khác cho rằng câu này chỉ sự thăng quan tiến chức thuận lợi, quan lộ hanh thông.
(2) Định hải thần châm (定海神针): Trong Tây Du Kí, Định hải thần châm là cột trụ to lớn bị bỏ không dưới đáy biển Hoa Đông, khi xưa từng được Đại Vũ dùng để trị thủy, về sau trở thành vũ khí của Tôn Ngộ Không – Gậy Như Ý. Nghĩa bóng dùng để ám chỉ đến người hoặc thứ có khả năng ổn định tình hình, giải quyết vấn đề.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro