#20.

Trời miền Tây đã bắt đầu nhạt dần những tia nắng gắt của mùa Tết. Tán dừa thôi rì rào, mương nước thôi róc rách, và những cánh mai cuối mùa như cũng lưu luyến không muốn rụng. Sáng hôm ấy, Thái Anh gói ghém hành lý, kiểm tra lại vé xe, từng món quà nhỏ mà hàng xóm gửi biếu cho "cô chủ tiệm Tơ Duyên", từ bó cải ngồng xanh mướt đến mấy hũ mứt dừa thơm béo. Lệ Sa đứng bên cửa, tay ôm chiếc khăn tay được một bà cụ trong làng thêu tặng. Cô không nói gì, chỉ lặng yên nhìn từng động tác của Thái Anh, trong lòng vừa ấm áp, vừa ngổn ngang.

"Mình sắp rời khỏi nơi này rồi..." - chị thầm nghĩ.
"Nơi mình lần đầu biết thế nào là một gia đình giản dị. Biết thế nào là yêu một người con gái, một cách thuần khiết đến mức chỉ cần ngồi cùng nhau bên bếp lửa cũng thấy đời bình yên."

Chuyến xe từ Bến Tre lên Sài Gòn kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Trên xe, Thái Anh ngủ gục trên vai chị. Lệ Sa nhìn mái tóc mềm của em, khẽ mỉm cười. Nhưng càng gần thành phố, tim chị lại càng thắt lại. Sài Gòn hiện ra trước mắt không còn là chốn náo nhiệt thuở ban đầu, mà giống như một bức tường cao nơi bao lần chị phải giấu đi bản thân mình, sống trong những lời dặn dò, ánh nhìn kiểm soát từ cha mẹ, một gia đình danh giá bậc nhất khu Chợ Lớn. Vừa đặt chân xuống bến xe, điện thoại của Lệ Sa reo lên. Là từ bà nội, người giữ vai trò "trụ cột" trong họ Lạp.

"Sa về rồi à? Về ngay nhà lớn đi, chiều nay có bữa cơm gia đình." - giọng bà vẫn nghiêm nghị như thường lệ.

Lệ Sa gật đầu, dù chẳng ai nhìn thấy. Cô quay sang Thái Anh, khẽ nói:

"Chiều chị phải về nhà lớn, chắc em về tiệm trước với dì Tư nhé. Tối chị sẽ quay về sau."

Thái Anh gật đầu, nhưng không giấu được ánh nhìn lo lắng. Trong lòng em, cảm giác chia cắt lại trỗi dậy, như lần đầu chị rời tiệm Tơ Duyên đi đâu đó mà không nói.

Buổi cơm tại nhà họ Lạp như thường lệ diễn ra trong không khí nặng nề và chỉn chu đến mức nghẹt thở. Bàn ăn lớn, đèn chùm pha lê, tiếng dao muỗng vang lên đều đặn như đồng hồ. Lệ Sa ngồi vào đúng vị trí thường ngày, bên phải cha, đối diện bà. Những câu hỏi quen thuộc lần lượt được đưa ra:

"Chuyện học hành ra sao?"
"Tiệm Tơ Duyên ổn chứ?"
"Dạo này con có quen thêm ai không?"

Và rồi... bà chậm rãi buông một câu:
"Con trai bà Trịnh nhà bên Q.5, vừa du học về đấy. Ta tính sau Tết cho hai đứa gặp nhau một bữa. Ý con sao?"

Lệ Sa ngẩng lên. Ánh mắt chị thoáng lạnh, nhưng môi vẫn giữ nụ cười nhạt:
"Dạ, để con sắp xếp."

Bữa cơm kết thúc trong sự yên lặng dày đặc. Nhưng sau đó, Lệ Sa trở về tiệm Tơ Duyên, lòng nặng trĩu. Chị bước vào phòng, thấy Thái Anh đang ngủ gục trên bàn, tay còn cầm cây kéo nhỏ và tấm vải đang may dang dở. Lệ Sa đến gần, khẽ gỡ chiếc kéo khỏi tay em, rồi cúi xuống, đặt một nụ hôn lên trán.

"Chị xin lỗi... Vì thế giới của chị chưa đủ rộng rãi để em bước vào một cách an toàn. Nhưng chị hứa, chị sẽ làm nó khác đi."

Sáng hôm sau, Thái Anh mở mắt dậy thì thấy chị đang pha cà phê, bên cửa sổ nơi nắng xiên xiên chiếu vào. Gương mặt chị hơi mệt, nhưng ánh mắt lại rất dịu dàng. "Em dậy rồi à? Lại ngủ gục nữa đó nha, thợ may gì mà yếu quá trời." - Lệ Sa trêu.

"Tại... nhớ chị về trễ." - Thái Anh bĩu môi.

Lệ Sa cười, đưa tách cà phê cho em:
"Sài Gòn bắt đầu khó thở rồi đó. Nhưng mình ở đây, thì mình cùng thở với nhau. Được không?"

Thái Anh không trả lời. Em chỉ ôm chị từ phía sau, thật lâu.
_

Sài Gòn chuyển mình sang tháng Hai bằng một cơn mưa trái mùa, rơi rớt trên mái ngói cũ của căn nhà họ Lạp như từng nhịp đập đau đớn.

Sau buổi cơm hôm đó, khi bà nội Lệ Sa tình cờ sai người kiểm tra sổ nhật ký tiệm "Tơ Duyên",vốn là thói quen kiểm soát của bà với những gì liên quan đến công việc và đời sống của cháu gái mình. Bà đã nhìn thấy một bức thư tay, gấp gọn gàng, kẹp trong tấm vải voan trắng, nét chữ mềm mại của Thái Anh:

"Gửi Lệ Sa,
Em không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng có một điều em biết chắc, nếu có kiếp sau, em vẫn sẽ tìm chị giữa muôn người."

Bà im lặng. Đôi mắt đã mờ theo năm tháng nhưng vẫn đủ sáng để hiểu. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, bà nổi giận thật sự. Tối hôm đó, Lệ Sa bị gọi về nhà lớn. Không ai nói cho chị biết điều gì. Chị chỉ kịp để lại mảnh giấy nhỏ trong ngăn kéo tiệm Tơ Duyên:

"Nếu tối chị không về, đừng đợi. Nhưng hãy tin chị sẽ quay lại."

Chị vừa bước vào đại sảnh, cửa đã đóng sập lại sau lưng. Hai người làm giữ chặt tay chị, đẩy chị quỳ xuống chiếu giữa gian nhà thờ tổ. Trên cao, bà nội ngồi sẵn, bên cạnh là chiếc roi mây dài được đặt nghiêng trên bàn. Không gian im phăng phắc, chỉ nghe tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ cổ.

"Sa. Ta đã nuôi dạy con thế nào? Con gái của nhà họ Lạp lại đi yêu... một đứa con gái nghèo, vô danh tiểu tốt? Con không thấy nhục sao?"

Lệ Sa ngẩng đầu, ánh mắt không hề né tránh.
"Con không thấy nhục. Vì con yêu thật lòng."

Tiếng roi quất chát chúa vào không khí, rồi rít lên lưng áo lụa của chị, để lại vệt đỏ hằn rớm máu.

Yêu thật lòng? Đồ bệnh hoạn! Ta không cho phép thứ tình cảm dơ bẩn đó tồn tại trong nhà này!"

Một roi nữa. Rồi một roi nữa. Nhưng Lệ Sa không rên la. Không van xin. Không né tránh. Chị cắn chặt môi đến bật máu. Mỗi nhát roi là một lần da thịt bật lên, nhưng trong mắt chị chỉ có Thái Anh, là nụ cười hay quên kéo cao cổ áo, là tay em hay run khi uống trà nóng, là tiếng "chị ơi" nhỏ như gió thoảng, nhưng lại đủ làm chị kiên cường cả đời.

Ba ngày sau, Thái Anh không thấy tin tức gì của Lệ Sa. Điện thoại không liên lạc được. Tiệm "Tơ Duyên" vắng bóng chị. Em đi khắp nơi tìm hỏi, từ cửa hàng vải, nhà xưởng. Mọi người chỉ biết một điều, Lệ Sa đã về nhà lớn, và chưa quay lại. Chiều hôm ấy, trời đổ mưa lớn. Em chạy đến đứng trước cánh cổng sắt đen ngầu của nhà họ Lạp, gọi tên chị như kẻ vô vọng:

"Lệ Sa! Chị có nghe em không? Em ở đây nè! Là em, Thái Anh đây! Chị đừng sợ... đừng im lặng mà... đừng bỏ em."

Bên trong, Lệ Sa đứng sau bức rèm dày, thân thể đầy vết thương, nhưng trái tim chị đau hơn tất cả.
Chị không thể mở cửa. Không thể chạy ra. Không thể hét lên "chị ở đây". Chị chỉ có thể nắm chặt mảnh khăn tay Thái Anh từng để lại, nước mắt rơi xuống lặng lẽ. Tối đó, trong phòng, chị ngồi một mình, nhìn ánh đèn hắt qua ô cửa. Bà nội đã nhốt chị lại bằng cả rào cản vô hình lẫn xiềng xích truyền thống. Nhưng trái tim chị không thể bị khóa kín.

Chị tự hỏi:
"Mình đã từng đi qua tuổi trẻ bằng những quy tắc người khác định đoạt. Nhưng hôm nay... nếu không thể tự sống vì một người mình thương, thì sống để làm gì?"
Lệ Sa đứng dậy. Gương mặt chị không còn sợ hãi, mà chỉ còn lại ý chí.

Đêm đó, Sài Gòn mưa trắng trời. Trong căn nhà cổ, có một cô gái ngồi vẽ phác thảo mẫu áo dài mới. Trên vai cô, vết roi còn rớm máu. Nhưng mỗi nét vẽ, là một lời hứa với tình yêu. Rằng dù có bị trói buộc, dù có đau đớn đến đâu, chị vẫn sẽ tìm cách trở về bên em. Bằng tất cả những gì mình có.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro