Chương 2 - Vân Dao Dao cảm thấy tim đập rối loạn

Vân Dao Dao còn chưa kịp thoát ra khỏi dòng suy tư hỗn loạn thì chợt nghe một giọng nữ vang lên ngoài màn kiệu, âm sắc cao vút, xen lẫn hưng phấn:

"Đến rồi! Đến rồi kìa!"

Ngay sau đó là tiếng hô dõng dạc của Lý chính Lưu Bái – người đã ngoài lục tuần nhưng lưng vẫn thẳng như tùng, giọng nói trầm vang như chuông đồng:

"Chuẩn bị đón tân nương xuống kiệu!"

Một luồng ánh sáng bất ngờ len qua khe rèm đỏ, hắt vào mắt nàng. Vân Dao Dao nhắm hờ mắt lại, lồng ngực đập loạn liên hồi vì lo lắng, đời trước tối ngày cắm mặt trong phòng nghiên cứu, một bàn tay còn chưa từng nắm, vậy mà sống lại một đời, nàng cư nhiên...sắp thành thân a?

Từ trong kiệu nhìn ra, phía trước ngõ nhà tranh, một tân lang đã đứng sẵn. Bộ hỉ phục trên người là màu đỏ sẫm đã phai theo năm tháng, vạt áo nơi lưng còn lộ ra mấy chỗ chắp vá vụng về. Thế nhưng, người ấy lại đứng thẳng như tùng bách, hai tay xuôi bên sườn, mười phần cung kính mà vẫn lộ ra mấy phần bất khuất. Ngũ quan nhu hoà, sống mũi thẳng, đường nét mày mắt sắc sảo, nhưng lại có phần thanh tú. Đôi mắt phượng dài, đuôi mắt hơi cong nhìn không rõ biểu cảm.

Vì trong nhà Trình Vãn Tịch đã sớm không còn thân nhân, nên hôn lễ này do Lý chính Lưu Bái cùng vài vị trưởng bối trong thôn Thanh Hà đứng ra chủ trì. Bên cạnh ông là thím Trương – người phụ nữ trung niên góa chồng sớm, tính tình thẳng thắn nhưng hiền hậu, đang khum người loay hoay cầm khay trầu cau đã ngả màu và bó nhang cháy dở khói lững lờ.

Từ huyện thành khởi kiệu về đến thôn Thanh Hà, quãng đường chừng một canh giờ. Suốt quãng đường ấy, Vân Dao Dao cứ như người mộng du, tay chân cứng đờ, đầu óc mờ mịt, từng khúc kí ức của "nguyên chủ" như những mảnh lưỡi dao cùn cứa dọc suy nghĩ nàng.

Còn ở thôn Thanh Hà, từ tờ mờ sáng, nhà nhà đã lục đục nhóm lửa bày mâm. Người góp đôi đũa, kẻ mang bó hoa dại, có nhà còn cho mượn bộ ấm chén cũ lâu lắm không dùng. Dù nghèo, nhưng tình nghĩa xóm giềng lại chẳng thiếu.

Nhà Trình Vãn Tịch vốn chỉ là căn nhà tranh ba gian thấp bé, quanh năm cửa sổ vá bằng giấy dầu, mái ngói lợp rơm khô chỗ hở chỗ lành. Từ sau khi thúc thúc Trần Tô qua đời vì bệnh, trong nhà chỉ còn mình hắn. Mảnh vườn phía sau cỏ mọc um tùm, vài mẫu ruộng khô cằn bỏ hoang nằm trơ trọi giữa đồng, đất đai ở mấy mẫu ruộng này khô cằn đến mức thê thảm, dù trồng thứ gì cũng chẳng ra hoa kết trái. Vì thế, thường ngày Trình Vãn Tịch sẽ đi làm ruộng thuê cho hộ khác trong thôn, hoặc lên núi đặt bẫy, hái thuốc. Quanh năm áo lam vá chằng vá đụp, thế nhưng lưng vẫn thẳng, ánh mắt vẫn sáng.

Người trong thôn thương hắn. Tuy ít lời, nhưng mỗi khi có ai cần nhờ vả, hắn chưa từng từ chối. Khiêng nước, vá tường, sửa cổng, có lần còn cõng bà cụ Mã lên huyện trên xem bệnh, đi về mất hơn nửa ngày đường núi. Dần dà, dù là nông phu chân đất, nhưng trong mắt mọi người, Trình Vãn Tịch rất vững chãi, đáng tin, thậm chí không biết có phải ảo giác hay không nhưng người trong thôn đều cảm thấy hắn hiểu lễ nghĩa, cư xử ổn trọng hơn cả mấy kẻ học chữ trên huyện.

Dù ai cũng biết đây là cuộc hôn nhân bị ép buộc, thế nhưng có mặt không ít người đến xem, hoặc giúp, hoặc vì hiếu kỳ, hoặc đơn giản vì muốn nhìn xem một kẻ đau yếu bệnh tật như Trình Vãn Tịch lại sắp cưới một "nữ khắc phu" tai tiếng thì sẽ như thế nào.

Khi tiếng gọi "Chuẩn bị đón tân nương!" vang lên, mọi ánh mắt đều dồn về phía chiếc kiệu đỏ cũ kỹ vừa dừng lại trước cửa nhà tranh.

Màn kiệu khẽ vén, từ trong ấy, một bàn tay trắng muốt chậm rãi đưa ra, thon dài mà yếu ớt, như cánh hoa bị gió táp mưa sa. Đôi chân nhỏ chạm xuống đất. Dưới lớp khăn voan mỏng, tân nương đứng lặng một khắc.

Không ai biết kẻ đang cúi đầu kia, không còn là Vân Dao Dao từng bị áp bức, chà đạp trong tiểu viện nữa.

Mà là một "Vân Dao Dao" khác, từ một nơi khác, mang theo ánh mắt của người từng trải và trái tim... chưa kịp định hình mình đang ở đâu.

Khi màn kiệu được vén lên, lão Lưu chống gậy bước ra trước, râu tóc bạc trắng, cười hiền hòa, cao giọng hô:

"Tân nương đến, tân lang đón tân nương vào bái đường."

Vân Dao Dao cúi đầu, nhìn bàn tay gầy gò, khớp xương rõ mồn một đang đưa ra trước mặt. Nàng chậm rãi đưa tay mình đặt vào đó. Lòng bàn tay đối phương ấm áp, không thô ráp như nàng tưởng tượng, mà có chút mềm mại, tựa như bàn tay của một nữ tử. Nàng bước xuống kiệu, từng bước nhỏ chậm rãi, theo người trước mặt đi vào nhà.

Giữa căn nhà tranh cũ nát, bàn bái đường được kê vội bằng một chiếc bàn gỗ lỏng chân, khói nhang lững lờ bốc lên, vẽ thành một dải khói u uẩn dưới mái cỏ. Một vài tấm vải đỏ loang màu treo nghiêng lệch trên xà gỗ.

Lý chính Lưu Bái cao giọng đọc từng chữ, như đang lật lại một trang sách cũ mèm của tổ tiên để lại:

"Nhất bái thiên địa"

"Nhị bái cao đường—à, cha mẹ không còn, thì bái tổ tiên thay."

" Tam bái phu thê giao bái."

Vân Dao Dao và người trước mắt quỳ song song, đầu chạm đất ba lần. Nền đất nứt nẻ, khô cứng, mùi nhang hương, mùi đất, mùi bụi và mùi thời gian quấn lấy nhau trong từng nhịp thở.

Lão Lưu gật đầu, nở nụ cười chân thành hiếm hoi:

Sau ba lạy, lão Lưu gật đầu cười:
"Từ nay thành vợ thành chồng. Không có mâm lớn mâm cao, nhưng có người làm chứng, có dân làng chúc phúc. Sống với nhau phải quý nghĩa trọng tình, nghèo thì nghèo, chớ phụ lòng nhau."

Trình Vãn Tịch cúi đầu, giọng trầm thấp mà rõ ràng: "Đa tạ lý chính."

Sau một hồi tiếp khách, người trong thôn lần lượt cáo lui. Trình Vãn Tịch bước vào phòng, đẩy nhẹ cánh cửa cũ kỹ khép hờ. Ánh chiều tàn nghiêng nghiêng lọt qua song cửa, chiếu lên vách đất một vệt sáng nhạt như tơ rối. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn nhỏ, một cái ghế gỗ ọp ẹp và một chiếc giường đơn, trải nệm cũ bạc màu, đầu giường kê một chiếc rương gỗ đóng lỏng tay.

Trên giường, tân nương mặc hồng y ngồi yên tĩnh, đôi tay đặt quy củ trên đùi, lưng thẳng, đầu hơi cúi, khăn voan mỏng phủ nhẹ, thân thể không nhúc nhích như một pho tượng vừa đặt lên hương án.

Vân Dao Dao cảm thấy tim đập rối loạn.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro