chương 2

Ngọc Trân được đặt nằm trên chiếc giường nhỏ trong buồng khách, bên tấm màn trắng tinh mùi thuốc nam còn ngai ngái. Con Mùi và bà Lệ đang thay gạc vết bỏng cho nàng, miệng thì thào dỗ ngọt như với con nít.

"Một chút nữa thôi nghen, con ráng nghe... sắp xong rồi..."

Ngọc Trân chỉ ú ớ khẽ, mắt mơ mơ màng màng, tay siết lấy mép gối như bấu vào cõi nào khác – một thế giới chỉ nàng mới thấy, nơi lửa vẫn cháy và tiếng mẹ vẫn gọi trong hư không.

Tiếng dép guốc vang lên gấp gáp từ đầu hành lang. Cánh cửa chợt bật mở.

"Cha!" – tiếng một cô gái hét lớn.

Tôn Nữ Ngọc Châu, con gái duy nhất của bá hộ Tôn, sải bước vào với gương mặt đỏ bừng vì giận dữ. Áo đầm Tây dài tới bắp chân bay phấp phới, cổ cao, cằm hất lên. Cả người cô như một ngọn roi sắp quất vào mặt người khác.

"Sao cha dám... dám đem con nhỏ đó về nhà này?"

Ông Tôn ngồi bên mép giường, không quay đầu lại. Giọng ông mỏi mệt:

"Nó là con của bác Lý bây, bây không được hỗn!"

"Con không cần biết! Đây là nhà con, con không sống chung với thứ... khùng khùng dại dại này đâu!"

Bà Lệ bước tới, quát: "bây càng lớn càng quá lắm đa!"

"Mẹ im đi!"

cô mắt trừng trừng nhìn người con gái đang nằm thiêm thiếp trên giường.

"Coi nó kìa! Mặt như ma, tóc tai như rơm rạ, nó là thứ gì mà cha thương hại dữ vậy? Con gái nhà danh giá mà thành ra như vầy thì..."

"Châu!" – ông Tôn quát lớn, tiếng gắt lạ lùng vang vọng cả phòng.

Ngọc Châu đứng sững lại. Đây là lần đầu tiên cha cô to tiếng đến vậy.

Ông quay lại, đôi mắt ánh lên sự cương quyết:

"Nó là người cha mang ơn. Là cốt nhục của người từng cứu mạng cha trong đợt bạo loạn năm xưa. Nếu không có ông Lý, cha đã chết giữa đồng loạn, lấy đâu có vợ con, có nhà cửa hôm nay? Cha không cần con đồng ý. Từ giờ, Ngọc Trân là một phần của nhà này."

Ngọc Châu siết nắm tay đến trắng cả khớp.

Trong phút chốc, ánh mắt cô lướt qua Ngọc Trân – cô gái gầy gò đang nằm mơ hồ, ánh nhìn rỗng tuếch, miệng mấp máy gọi mẹ. Từ sâu trong lòng, một thứ cảm xúc lạ lẫm dâng lên – không phải thương xót, cũng không hẳn khinh bỉ – mà là mối hận vô hình, như ai đó vừa xâm phạm vùng lãnh thổ thiêng liêng của riêng cô.

"Rồi coi, con nhỏ đó sẽ làm tanh bành hết mọi thứ trong nhà này," cô lẩm bẩm, rồi quay phắt đi, tà áo đầm Tây lướt đi như vũ bão, như ngầm thông báo sẽ không để yên cho Ngọc Trân!

Bóng cô khuất sau bức bình phong khảm xà cừ, để lại khoảng không lạnh tanh trong căn buồng rộng lớn.

Trưa hôm ấy, mặt trời lửng lơ giữa đỉnh đầu, nắng tràn qua khung cửa sổ gỗ mở hé, lặng lẽ trườn trên sàn gạch tàu đỏ au. Trong căn buồng nhỏ phía sau nhà lớn của bá hộ Tôn, tiếng gió lùa qua kẽ lá chuối sau hè nghe như tiếng thở dài của người khuất mặt.

Ngọc Trân khẽ cựa mình.

Một cảm giác lạ lẫm lạnh buốt chạy dọc sống lưng khiến nàng rùng mình. Đôi mắt nặng trĩu như chưa từng mở suốt trăm năm, nay chỉ he hé, rồi dần dần mở lớn, hoang mang nhìn quanh.

Mái nhà không quen. Cửa sổ không quen. Tường vôi vằn vện loang lổ. Tấm màn mỏng trắng bay nhẹ theo gió như linh hồn đang lẩn quất.

Mùi – cái mùi ngai ngái của thuốc nam trộn lẫn mùi khói hương và lá bồ kết – lạ lẫm đến mức khiến nàng bật dậy.

"Má... má ơi...?"

Tiếng gọi yếu như tiếng muỗi kêu, run rẩy như lá rụng.

Không có ai trả lời.

Nàng quay đầu, tay vịn mép giường tre, thân thể run lên vì đau. Lưng nàng nhức nhối như bị kim đâm, lớp da bị bỏng vẫn còn quấn băng, ẩm ướt và ngứa rát.

"Má... má đâu rồi..."

Nàng lết xuống đất, đôi chân trần dẫm lên nền gạch mát lạnh. Bàn tay run rẩy bám lấy cánh cửa buồng khép hờ, đẩy mạnh ra.

Ngoài sân, nắng chang chang, con Mùi đang lom khom giặt quần áo ở cái lu lớn. Nó ngoái đầu thấy nàng thì hốt hoảng:

"Trời đất ơi, cô Hai! Cô dậy chi vậy! Trời ơi bà ơi, cô Hai dậy rồi nè!"

Ngọc Trân giật mình, mặt tái nhợt.

"Cô Hai"... ai đang gọi mình vậy?

Nàng lùi lại, ánh mắt dại đi. Miệng nàng mấp máy, thì thào: "Tui... tui hổng biết ai hết... tui... tui là... ai vậy?"

Rồi như bị thứ gì ghim vào lòng, nàng ú ớ bật khóc, tay bưng mặt:

"Má ơi, má ơi, má đâu rồi má ơi! Con lạnh quá má ơi... Con hổng biết ai hết... Hổng nhớ gì hết..."

Cả người nàng khuỵu xuống, co quắp như một con chim non rơi khỏi tổ.

Bà Lệ chạy tới, ôm nàng từ sau lưng, vỗ nhẹ:
"Thôi mà, nín đi con. Đừng sợ, có má đây, má nuôi đây..."

Nhưng Ngọc Trân càng vùng vẫy, càng khóc thảm hơn. Ánh mắt nàng mờ đục, nửa mê nửa tỉnh, như con thú nhỏ bị lùa vào chốn lạ, chẳng còn nơi nào để chạy.

"Má... má ơi nhà cháy rồi...con thấy má... con thấy má trong lửa... lửa cháy...!"

Bà Lệ nhìn con Mùi, nước mắt rịn ra.

Ngọc Trân cứ vậy, khóc mãi, gọi mãi, cho đến khi kiệt sức, thiếp đi trong lòng bà như một đứa bé chưa từng lớn.

Từ xa, trong bóng râm hiên nhà, ông Tôn đứng lặng, mắt nặng trĩu suy tư.

Ông biết, từ nay trong nhà mình, sẽ có một linh hồn mỏng manh như sương, đi qua những ngày tháng còn lại với trái tim đã rạn vỡ, và ký ức thì chẳng còn nguyên vẹn.

Ngọc Trân còn đang co rúm trên nền gạch, đầu gục vào lòng bà Lệ, hai tay bấu chặt vạt áo như đứa trẻ sắp chết đuối, thì từ ngoài cửa lớn vang lên tiếng guốc khua nhịp chát chúa trên bậc tam cấp.

Tôn Nữ Ngọc Châu bước vào.

ánh mắt lại sắc như mũi kim, quét một lượt khinh bỉ.

Cô dừng lại giữa ngưỡng cửa, tay khoanh trước ngực, đầu hơi nghiêng, môi khẽ nhếch:

"Ồ... Tỉnh rồi à? đồ điên?"

Ngọc Trân ngước lên.

Ánh mắt nàng mờ đục, long lanh nước, như người vừa tỉnh từ một giấc chiêm bao không lối thoát. Khuôn mặt trắng bệch, dính lem vài giọt nước mắt và mồ hôi. Nàng run rẩy nhìn cô gái trước mặt – dáng người cao, tóc búi gọn, gương mặt kiêu kỳ, đôi mắt như biết rõ mọi thứ trên đời, trừ lòng thương xót.

Ngọc Trân thốt lên, giọng thều thào:
"Má ơi... má đâu... má đâu rồi..."

Ngọc Châu bật cười khẽ, tiếng cười lạnh tanh.

"Má mày chết rồi. Bị cháy rồi. Còn nhà thì chỉ còn mớ tro. Nhớ chưa?"

Bà Lệ hốt hoảng quay đầu:
"Châu! Con ăn nói cái gì vậy! Nó còn bệnh, nó chưa tỉnh hẳn!"

"Bệnh hay khùng thì cũng giống nhau thôi." – Ngọc Châu vẫn thản nhiên, giọng đều đều – "Nhà này không phải nhà tế bần, nuôi thứ dở hơi cả ngày gào khóc gọi má. Ở đây là nhà của người biết lễ nghĩa, không phải nhà dành cho mấy đứa... thất thần như ma vất vưởng."

Ngọc Trân gập người lại, hai tay bịt tai, miệng mếu máo:
"Đừng... đừng nói nữa... con xin mà... má ơi..."

Nàng co mình như một con mèo bị xua đuổi.

Ngọc Châu nhìn nàng chán ngán như nhìn một đống rác bị quăng vào giữa phòng khách. Cô nói thêm, lần này lạnh hơn cả gió chiều tháng chạp:

"Cứ khóc đi. Nhưng nhớ, từ nay, ở đây, đừng mong ai thương hại. Tao không có chị em. Mày cũng đừng mơ được làm em tao."

Cô xoay người bỏ đi, tiếng guốc lộc cộc vang đều như nhát gõ của chiếc búa niêm phong cánh cửa số phận.

Ngọc Trân nằm yên, không dám rên nữa.

Chỉ còn tiếng nấc nhỏ, khe khẽ, lịm dần vào ngực áo bà Lệ – người đàn bà đứng giữa hai thế giới, không biết phải che chở ai, và phải làm gì với mớ hỗn độn vừa được thổi tới giữa mái nhà vốn đã yên ổn bấy lâu.

Một tháng trôi qua kể từ đêm định mệnh ấy, mái nhà ba gian hai chái của bá hộ Tôn dần quen thuộc với bóng dáng một cô gái khờ khạo lặng lẽ bước đi giữa vườn cau giàn bí. Ngọc Trân – tên nàng, hay ít ra, người ta bảo thế – giờ đây như một đứa trẻ năm sáu tuổi, ánh mắt trong veo nhưng thường ngập ngừng, luôn nhìn quanh như sợ một thứ gì đó ẩn nấp đâu đó trong gió.

Cái vết bỏng lớn sau lưng đã liền da, nhưng tâm trí nàng thì chưa lành.

Không nhớ mình là ai. Không nhớ tại sao lại ở đây. Không gọi được cha, cũng không nhớ mẹ. Lúc tỉnh dậy, chỉ có một mớ âm thanh mơ hồ trong đầu: tiếng người la hét, tiếng mái ngói rơi, tiếng lửa gào như quái vật xé toạc cả bầu trời.

Nay, mỗi sớm, khi mặt trời vừa lên khỏi rặng tre, Trân lại ngồi xếp bông trang ngoài sân, tay vụng về mà mắt thì chăm chú như thể đó là điều quan trọng nhất đời. Có khi nàng lội xuống mương, vọc nước chơi như trẻ nhỏ, chân lấm bùn, mặt mũi lấm tèm nhem mà cười khúc khích.

Người trong nhà thương nàng lắm.

Bà Lệ dịu dàng như một người mẹ thật sự, ngày nào cũng tự tay chải tóc, nấu cháo hành, dỗ dành từng giấc ngủ trưa cho Trân. Ông bá hộ Tôn thì thường gọi nàng lên bộ ván giữa nhà, nhét vào tay mấy trái mận đỏ, rồi lặng lẽ thở dài nhìn đứa bé gái không máu mủ mà ông thương như con ruột.

Cả con Mùi, thằng Tèo, con Yến – đều yêu quý nàng. Ai cũng nói: "cô hai hiền như đất, tội nghiệp cô hai quá đa."

Duy chỉ có một người – không yêu thương, cũng không thương hại – là Tôn Nữ Ngọc Châu.

Châu hầu như không về nhà ban ngày. Sáng sớm đi miết đến tối mịt. Bữa nào chẳng phải học thầy, thì cũng kiếm cớ ra chợ tỉnh, thậm chí sang bên Vàm Cống thăm mấy cô bạn trong nhóm đọc sách Tây.

Bà Lệ có khi rầy:
"Con gái con đứa mà suốt ngày đi ngoài đường, bộ nhà không còn chỗ thở sao?"

Châu chỉ cười, mắt nhìn về phía nhà sau:
"Không phải không có chỗ thở. Mà thở không nổi, má à."

Nhà sau – nơi có một người con gái khờ dại vẫn hay lom khom lượm bông rơi, hay ngồi yên nghe tiếng gió qua hàng cau mà mắt ngấn nước, mỗi khi thấy bóng ai đó thoáng qua.

Ngọc Trân rất sợ Ngọc Châu.

Nàng không dám lại gần. Mỗi lần nghe tiếng guốc Châu gõ trên nền gạch tàu là nàng trốn ngay sau cánh cửa. Có hôm, vô tình va phải Châu ngoài giếng, nàng sợ đến nỗi rơi cả thau nước, quỳ thụp xuống đất lắp bắp:
"Con... con xin lỗi... con không cố ý..."

Châu không mắng. Nhưng ánh mắt cô lướt qua như dao lạnh. Rồi lặng lẽ bước đi, để lại sau lưng một Ngọc Trân run lẩy bẩy như con chim bị rượt.

Thế nhưng, không hiểu vì sao, những lúc Châu không có ở nhà, Trân thường lén nhìn về phía gian buồng lớn bên gian chánh, nơi Châu ngủ. Như thể trong lòng nàng vẫn có một mảnh ký ức nào đó gợn lên mỗi khi nghe tiếng Châu nói, dù là nói người khác.

Dẫu khờ, nhưng Trân vẫn biết sợ. Và trong lòng người khờ khạo ấy, nỗi sợ mang tên Châu – vừa như bóng đêm, vừa như lưỡi dao sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro