Chương 1: Liên Minh ra đời
Đất nước Nam Phổ năm 1942, tại văn phòng hội nghị quốc gia Nam Châu tọa lạc tại thủ đô của Nam Phổ bấy giờ, sau nhiều canh giờ đàm phán căng thẳng với đại sứ nước ngoài Edward Harrison về sự "hợp tác" giữa Nam Phổ và đế quốc Anh Phong, trong khoảng nghỉ ngơi tại phòng riêng của đoàn đàm phán Nam Phổ, Bộ trưởng Quốc lúc bấy giờ, Phan Minh Tuyên, gương mặt mặt chữ điền, tóc lắm tắm vài sợi bạc được chải chuốc gọn gàng, đôi mắt nghiêm nghị, cặp mài sắc bén đang nhíu chặt lại, cất giọng:
"Thật sự hiệp ước này tôi không thể ký được anh Bình à..." - Phan Minh Tuyên hướng mắt khẽ nhìn sang Thủ tướng lúc bấy giờ - ông Đặng Văn Bình.
Phan Minh Tuyên nhíu chặt mày, tay cầm điếu thuốc rít một hơi dài, giọng ông trầm đục, chứa đầy bức bối.
"Việc để Anh Phong đặt căn cứ quân sự và khai thác tài nguyên, kinh doanh với mức thuế thấp như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đất nước ta, nhất là khi nước ta vừa trải qua trận chiến dài, nội lực kinh tế và quân sự đang mệt mỏi."
Bầu không khí trong phòng nặng trịch, như tường vôi đổ xuống đầu.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Hữu Lâm ngồi cách đó hai ghế, khẽ gõ nhịp đầu ngón tay lên mặt bàn gỗ, ánh mắt trầm tư sau cặp kính tròn nhỏ. Ông ta không phản bác ngay, nhưng cũng không giấu vẻ đồng tình với Phan Minh Tuyên.
"Chúng ta thực sự đang ở thế kẹt," Vũ Hữu Lâm chậm rãi lên tiếng, giọng nói nhỏ mà rõ ràng. "Nền kinh tế cần nguồn vốn để phục hồi. Nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài, e rằng nội bộ còn chưa kịp ổn định đã vỡ trận."
Đặng Văn Bình – Thủ tướng, người quyền lực nhất trong phòng – vẫn lặng thinh, hai tay đan vào nhau đặt trên mặt bàn. Ông ngả người ra ghế, đôi mắt thâm quầng ánh lên vẻ đăm chiêu khó lường.
Bên cạnh ông, Bộ trưởng Ngoại giao Trịnh Ngọc Bái – kẻ nổi tiếng dẻo miệng và tinh quái – nhẹ nhàng rót thêm trà vào tách, rồi cười nhạt.
"Quốc phòng yếu, kinh tế yếu, bây giờ chúng ta còn muốn giữ cái gì?" , Ngọc Bái nheo mắt, giọng nói trầm bổng như thể chuyện đang bàn chỉ là trò cờ bạc ngoài chợ.
"Ít nhất ký xong hiệp ước, chúng ta còn giữ được quyền kiểm soát nội bộ. Còn hơn để mấy nước lớn lấy cớ nhảy vào chia năm xẻ bảy. Các anh đều biết, địa chính trị nước ta biết bao kẻ dòm ngó. Tôi biết Anh Phong ký hiệp ước này mà không tiến đánh nước ta cũng chỉ vì áp lực dư luận quốc tế"
Cố vấn pháp lý Lưu Văn Tòng ngồi ở góc bàn, đẩy gọng kính lên sống mũi, lật từng trang tài liệu.
"Tôi chỉ xin nhắc rằng," ông nói, giọng đều đều như tiếng đồng hồ gõ nhịp, "nếu ký, theo điều khoản, chúng ta buộc phải trao cho Anh Phong quyền khai thác ưu tiên trong vòng 99 năm. Không hề có điều khoản ràng buộc về chia sẻ lợi nhuận."
Lại một khoảng lặng nặng nề. Bên ngoài khung cửa, nắng chiều vàng vọt quét qua quảng trường Nam Châu rộng lớn, ánh sáng lờ mờ hắt vào phòng họp, càng khiến từng khuôn mặt trong phòng thêm phần căng thẳng.
Trần Khánh An – trợ lý đặc biệt, trẻ tuổi nhất đoàn – nãy giờ đứng nép ở một góc, cẩn thận ghi chép. Cậu ta nhìn từng người trong phòng, thấy rõ sự bế tắc dâng lên như thủy triều.
Bất chợt, Khánh An buông bút, cất giọng nhỏ nhưng dứt khoát:
"Thưa các anh, nếu chúng ta từ chối... các anhcó nghĩ Anh Phong sẽ đơn giản bỏ đi không? Hay họ sẽ liên minh với một nhóm đối lập khác để gây áp lực từ bên trong?"
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cậu.
Khánh An bước tới, hơi cúi mình – một động tác lịch sự đầy tính toán – rồi tiếp lời:
"Nam Phổ chúng ta bây giờ không chịu nổi một cuộc chiến thứ hai, kể cả là nội chiến. Ký hiệp ước, ít ra còn giữ được bộ máy hiện tại. Không ký... đất nước sẽ là miếng mồi cho những kẻ tham tàn cả trong lẫn ngoài."
Cả phòng im phăng phắc. Đặng Văn Bình thở dài một hơi rất nhẹ. Ông khẽ nghiêng đầu, trao cho Trịnh Ngọc Bái một cái nhìn ngầm hiểu. Ngoại trưởng Ngọc Bái mỉm cười, nhấc tách trà lên, quay sang những người còn lại.
"Thôi thì," Ngọc Bái nói, giọng mang vẻ ngạo nghễ quen thuộc, "thà chịu đau một lần còn hơn mất cả mạng. Các vị đồng ý chứ?"
Phan Minh Tuyên cắn chặt răng, vết nhăn giữa trán sâu thêm. Vũ Hữu Lâm nhắm mắt lại, như tính toán nhanh trong đầu những con số ngân sách trống rỗng. Cuối cùng, từng người một, rất chậm rãi, gật đầu.
Hiệp ước Phú Quang – khởi nguồn của những bất hạnh sau này – được quyết định trong khoảnh khắc đó.
...
Buổi chiều hôm ấy, tại đại sảnh chính của Văn phòng Hội nghị Quốc gia Nam Châu, không khí bên ngoài như một vở kịch tráng lệ được dàn dựng chỉn chu. Những tấm thảm đỏ trải dài từ bậc thềm tới bục ký kết, quốc kỳ hai nước treo cao bên tường, lấp lánh dưới ánh đèn pha lê rực rỡ. Các phóng viên, ký giả mặc vest chỉnh tề chen chân ở các góc phòng, máy ảnh lấp loáng ánh sáng.
Đoàn đàm phán Nam Phổ, sáu người trong bộ quốc phục thêu chỉ bạc, bước ra với những nụ cười vừa phải, nghiêm cẩn nhưng lịch thiệp. Không ai để lộ vẻ gì khác ngoài sự trang trọng, ngay cả Phan Minh Tuyên – người vừa phản đối quyết liệt nhất – cũng giữ cho khuôn mặt mình bình thản như tượng đá.
Phía bên kia, Đại sứ Anh Phong, Edward Harrison, đứng chờ với nụ cười lạnh lùng mang sắc thái ngoại giao thuần thục. Edward cao lớn, tóc vàng óng mượt, bộ complet trắng cài hoa lam, toát ra vẻ kiêu ngạo bất khả xâm phạm.
Hai bên trao nhau những cái bắt tay, những cái gật đầu, những lời xã giao trơn tru như bôi mỡ.
"Vì tương lai hòa bình và phát triển thịnh vượng của đôi bên." Edward Harrison cất giọng như thể đang ban tặng ân huệ. Bàn tay hắn vững vàng chìa ra trước tiên.
Đặng Văn Bình – Thủ tướng – cũng nở một nụ cười không khác gì nụ cười trong ảnh chụp lễ cưới: lịch thiệp, đúng mực, và lạnh lẽo tận xương.
"Tất nhiên," ông đáp, "Nam Phổ luôn trân trọng hòa bình và tình hữu nghị."
Hai bàn tay siết lấy nhau, cứng nhắc.
Máy ảnh chớp đèn loá liên hồi. Phóng viên ghi chép lia lịa, những nét mặt rạng rỡ gượng gạo bên những bó hoa và dải băng trang trí lộng lẫy.
Tiếng người dẫn chương trình vang lên, dõng dạc nhưng trống rỗng:
"Chúng ta trân trọng tuyên bố: Hiệp ước Phú Quang chính thức được ký kết giữa Nam Phổ và Đế quốc Anh Phong!"
Trịnh Ngọc Bái, với gương mặt tươi cười như diễn viên sân khấu, là người đầu tiên đặt bút ký tên.
Mực đen chảy ra trên trang giấy dày màu kem – đẹp đẽ, sạch sẽ, và nặng như đá tảng đè lên ngực mỗi người.
Lần lượt, Phan Minh Tuyên, Vũ Hữu Lâm, Lưu Văn Tòng, rồi Đặng Văn Bình... từng người, từng nét bút, như đóng những chiếc đinh không thể rút ra trên cỗ quan tài chính trị.
Edward Harrison ký tên cuối cùng, nét chữ gọn ghẽ, dứt khoát, rồi mỉm cười vẫy tay về phía các nhiếp ảnh gia.
Một lần nữa, tiếng vỗ tay vang lên rào rào, khô khốc như tiếng bão lùa qua rừng trúc chết.
Giây phút đó, không ai lên tiếng, nhưng trong lòng mỗi người Nam Phổ đều biết:
Tương lai đất nước đã bước sang một chương mới. Một chương mà quyền tự chủ đã bị đặt lên bàn cân bằng thứ vàng ròng vay mượn từ bên ngoài.
Buổi lễ kết thúc trong tiếng chúc tụng giả tạo. Khi rời khỏi đại sảnh, điếu thuốc trên tay Phan Minh Tuyên run nhẹ. Ông rít một hơi, mắt ngước lên trời chiều vàng úa. Bầu trời Nam Phổ hôm đó xanh thăm thẳm – một màu xanh xa vời và lạnh lẽo đến tàn nhẫn.
...
Kể từ khi bản hiệp ước Phổ Qua được ký kết, đất nước Nam Phổ đổi thay từng ngày — nhưng không phải theo cách người dân hằng mong đợi.
Các công xưởng công nghiệp nặng, những nhà máy luyện kim, xưởng dệt vải, bến cảng vận tải lần lượt mọc lên như nấm sau mưa. Đế quốc Anh Phong đổ vốn đầu tư ào ạt, đưa vào máy móc hiện đại, kỹ sư và quản lý người nước ngoài. Thành thị phồn hoa lên nhanh chóng; từng đoàn xe chở thép, chở than, chở hàng hóa ra vào không ngớt nơi bến cảng.
Tầng lớp thương gia mới phất lên từ những hợp đồng béo bở, đất đai quanh khu công nghiệp trở thành vàng mười.
Những ai nhanh tay bán đất cho các tập đoàn nước ngoài hoặc mở xưởng dịch vụ ăn theo thì giàu lên nhanh chóng, xây biệt thự, đi xe máy hơi, con cái vào trường tư thục sang trọng.
Trong khi đó, vùng nông thôn bên ngoài thủ đô Nam Châu xa hoa bị bỏ mặc. Đất đai bị chính quyền trưng thu để "quy hoạch công nghiệp", nhân danh phục hưng quốc gia. Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi, tại những vùng đất trù phú ngày nào, những cánh đồng vàng óng mùa gặt đã biến mất không dấu vết. Thay vào đó là những công trường rộng lớn, nhà máy thép xám xịt nối đuôi nhau dựng lên như những con thú khổng lồ đang phì phò nhả khói đen vào bầu trời. Cảng mới được xây ngay cửa sông lớn, từng đoàn tàu nước ngoài lặng lẽ cập bến, chở đi hàng vạn tấn quặng, gỗ, than, dầu mỏ... đào bới từ lòng đất Nam Phổ.
Các đồn điền cao su, cà phê do doanh nghiệp Anh Phong kiểm soát mọc lên chiếm trọn các vùng thung lũng màu mỡ. Dân làng xưa kia sống đời cày cấy nay mất sạch ruộng vườn, nhận những khoản đền bù ít ỏi chẳng đủ nuôi sống gia đình. Người già nua ứa nước mắt nhìn mảnh đất tổ tiên bị cày xới, mà đành câm lặng nuốt nhục vào lòng.
Không còn đất canh tác, đám trẻ trai cô gái làng đành kéo nhau lên thành thị, lũ lượt đứng chờ trước cổng các nhà máy xí nghiệp mới mở, tay cầm mảnh giấy giới thiệu, mắt ngập ngừng nhìn nhau. Những bàn tay rám nắng vụng về xỏ vào găng da, những bàn chân chai sạn run rẩy xỏ vào giày bảo hộ cứng nhắc, bước vào thế giới máy móc nghiệt ngã.
Công việc trong nhà máy kéo dài mười hai, mười bốn giờ một ngày, trong tiếng máy ép gầm gào và mùi dầu mỡ nồng nặc. Mồ hôi trộn lẫn khói bụi thấm đẫm lưng áo. Mỗi đồng tiền kiếm được đều chan đầy máu và nước mắt.
Tầng lớp nghèo rơi vào cảnh túng quẫn chưa từng thấy. Bữa cơm độn đầy khoai sắn, áo vá chằng vá đụp. Gia đình li tán: cha mẹ già chết đói ở quê, trẻ nhỏ thất học, tệ nạn trộm cắp, mại dâm lặng lẽ đâm rễ giữa những dãy nhà trọ lụp xụp vùng ngoại ô.
Giới lãnh đạo Trung ương biết tất cả. Giữa ánh sáng yếu ớt hắt ra từ những nhà máy khổng lồ, bóng tối của đói nghèo, tha hóa và ly tán đã bắt đầu trùm xuống Nam Phổ — thứ bóng tối mà không một khẩu hiệu nào có thể xua tan. Những đoàn xe chở quặng thép rầm rập lăn bánh trên những con đường bụi mù, từng chuyến tàu chở tài nguyên âm thầm rời bến, mang theo hy vọng và xương máu của quê hương.
Giới lãnh đạo Trung Ương vẫn tự thuyết phục mình rằng: phải có những hy sinh này thì Nam Phổ mới có ngày hồi sinh và họ thì thầm với nhau: "Công nghiệp hóa là lối thoát duy nhất. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ đủ mạnh để thực sự tự lúc phát triển, làm chủ mọi mặt đất nước này".
Trấn an chính mình, họ còn trấn an dân chúng bằng những lời hứa hoa mỹ, rằng đất nước sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, rằng một tương lai huy hoàng đang chờ phía trước.
Nhưng giữa những đêm dài hun hút, dưới ánh đèn vàng vọt nơi cuối con hẻm, dân đen vẫn lầm lũi sống, lặng lẽ chết, trong sự lãng quên lạnh lùng của thời cuộc, mặc những lời hứa trừ chính quyền mà người dân không biết sẽ đến từ đâu.
Sự phân hóa giàu nghèo dần trồi lên rõ rệt như một nhát cắt sâu hoắm: trung tâm các thành phố lớn giàu có, xa hoa; vùng ngoại ô và nông thôn chìm trong túng quẫn, nhà tranh vách đất, bữa đói bữa no.
Bức tranh Nam Phổ những năm sau đó luôn là một thế giới đối lập:
Giữa ánh đèn pha lê rực rỡ ở các nhà hàng sang trọng là những bóng dáng lầm lũi của dân nghèo lê bước trên hè phố. Giữa tiếng nhạc Tây ồn ào là tiếng ru con rầu rĩ nơi những khu ổ chuột tối tăm.
...
Mùa hè năm 1945, sức nóng trùm lên mặt đất Nam Phổ không chỉ từ ánh mặt trời, mà còn từ những đám đông giận dữ đang sôi sục bên dưới lớp vỏ bọc xã hội tưởng chừng yên ổn.
Đồng Lạc, một dải đồng bằng phì nhiêu nằm về phía nam kinh thành chưa đầy hai mươi cây số, từng là vựa lúa, là nơi cưu mang biết bao thế hệ nông dân nghèo khổ. Nhưng nay, bãi bờ ruộng đồng dần hóa thành công trường xây dựng ngổn ngang, đồn điền công nghiệp, những con đường mới vạch ngang thẳng tắp như nhát chém xuống thân thể quê hương.
Tiền bồi thường của Anh Phong phát cho dân mất đất — ít ỏi đến mức không đủ mua nổi ba mùa gạo. Người người lâm vào cảnh trắng tay. Những đứa trẻ thất học. Những cụ già nằm gục trong những căn lều dựng tạm bên công trường. Người dân, những con người từng nhẫn nhịn với bao nhiêu năm chiến tranh, giờ đây rốt cuộc cũng không nhịn được nữa.
Trong một quán nước ọp ẹp ven chợ Đồng Lạc, cái nắng hầm hập từ sớm đã hun nóng những mái nhà tranh xơ xác, dưới tán cây gạo già, người dân lầm lũi tụ lại, ly trà nhạt vơi quá nửa.
Một ông lão da cháy nắng, râu cằm lún phún bạc, lắc đầu thở dài:
— "Đất của tổ tiên tôi ba đời để lại, vậy mà họ bảo chỉ đền cho mấy ngàn đồng. Mấy ngàn thì mua đủ cái gì, còn không đủ nuôi mấy miệng ăn nhà tôi tháng tới."
Một người khác, trẻ hơn, tay vẫn còn lấm tấm bùn đất, chép miệng:
— "Nhà tôi năm miệng ăn, mất ruộng rồi giờ phải lên nhà máy cày quần quật. Một ngày mười bốn tiếng, lương một trăm đồng. Vậy mà còn bị chửi là lười biếng."
Bà cụ bán nước chậm rãi thêm nước vào ấm, giọng khàn đục:
— "Trời đất có mắt... Có ngày nó cũng giáng tội xuống cái bọn đạp đầu dân nghèo thôi."
Tiếng bàn tán dần loãng ra trong cái oi nồng của buổi trưa, như tiếng rền rĩ từ lòng đất.
"Đế quốc Anh Phong chúng nó khôn lắm," một ông lão khản giọng, búng tay đuổi ruồi. "Chúng nó đâu cần đem quân đánh chiếm như hồi xưa. Chúng nó chỉ cần đổ tiền vào mấy cái nhà máy thép, nhà máy tàu thuyền... rồi để dân mình tự chết đói mà thôi."
"Ừ... Bề ngoài thì gọi là giúp Nam Phổ 'hiện đại hóa'," một người khác chua chát thêm vào. "Nhưng mà trong bụng, chỉ mong dân mình bán đất, đi làm cu li cho xưởng của chúng."
"Cái trò đó tụi Pháp Lan Quốc làm với An Miên mấy chục năm trước rồi mà," một người trung niên chen vào, giọng đầy căm phẫn. "Giờ tụi Anh Phong bê nguyên xi sang đây thôi. Cái giá của đèn điện sáng trưng ngoài phố lớn, là nước mắt máu của dân đen Đồng Lạc này nè."
Cả bàn rơi vào im lặng, chỉ còn tiếng gió lùa qua những rặng tre xào xạc, buốt lạnh như kim châm.
Tối hôm đó, trong gian nhà nhỏ ở cuối xóm, ánh đèn dầu leo lét. Một nhóm thanh niên, trung niên tụ lại, quanh chiếc bàn gỗ mòn vẹt. Trong góc phòng, một cậu trai trẻ – Lý Văn Cường – ngồi lặng lẽ, mắt mở to, chăm chú nghe từng lời các anh chị lớn tuổi nói.
Người lên tiếng trước là Trần Sỹ, một thầy giáo bị ép nghỉ việc sau khi trường học cũ bị cải tổ theo kiểu mới của đế quốc. Anh gõ ngón tay xuống mặt bàn, ánh mắt nghiêm nghị:
— "Chúng ta phải biểu tình, để chính quyền hiểu được dân khổ thế nào. Nhưng tuyệt đối không dùng dao, dùng gậy. Chúng ta không muốn thành cớ cho chúng nó đàn áp."
Một chị phụ nữ, tên Hoa, từng là y tá học hành tử tế, thêm vào:
— "Chúng ta yêu cầu gì thì ghi rõ. Đòi trả lại đất cho dân cày. Đòi chính phủ hỗ trợ lúa giống, phân bón. Đòi mở trường học dạy cho trẻ con Đồng Lạc."
Một bác thợ rèn già cằn cỗi, tiếng nói run run vì xúc động:
— "Chúng ta đi vì con cháu chúng ta. Nếu không đòi hôm nay, sau này cái giống nòi mình cũng bị bóp chết trong xưởng máy thôi."
Cả căn phòng lặng đi. Bên ngoài, tiếng ếch kêu lẫn trong gió đêm.
Lý Văn Cường – cậu trai mới hai sáu tuổi – ngồi lặng bên góc phòng. Xuất thân từ một gia đình bần nông nhiều đời ở Đồng Lạc, Cường sớm mồ côi cha mẹ vì bệnh tật, lớn lên nhờ sự cưu mang của dân làng. Dù nghèo khó, cậu luôn nổi tiếng lanh lợi, ham học hỏi và thường xuyên lui tới nhà thầy giáo làng để đọc sách, nghe chuyện thời cuộc.
Chính nhờ sự sắc sảo đó, Lý Văn Cường được các bậc anh chị lớn tin tưởng cho theo dự những cuộc bàn bạc bí mật của dân làng.
Cậu siết chặt bàn tay, trong lòng như có ngọn lửa âm ỉ cháy lên. Cậu biết, khoảnh khắc này sẽ theo mình suốt đời.
...
Sau đó 2 tuần, dân lang Đồng Lạc đã tập hợp hơn 200 người, tiến hành biểu tình phi vũ trang. Đích đến của họ là cửa ngõ phía Nam thủ đô Nam Châu – nơi chỉ cách họ chưa đầy mười dặm đường. Đoàn người biểu tình dẫn đầu là Trần Sỹ, sau đến chị Hoa, và một vài dân làng khác, trên đường đến cửa ngõ phía nam, rất nhiều người dân thấy được họ và cũng tiến hành gia nhập biểu tình. Họ mang băng ron, cầm bảng giấy tự viết, hô hào theo khẩu hiệu "Trả lại ruộng đất cho dân cày, hỗ trợ nông dân!".
Đoàn biểu tình khi đến Nam Châu đã rất đông, lên đến hơn 500 người. Sự xuất hiện của họ đã đánh một đoàn tâm lí đến tầng lớp dân nghèo khắp nơi, dấy lên sự lo ngại cho đế quốc và lãnh đạo Trung Ương.
Tại trung tâm Nam Châu, trong những căn phòng kín phủ Quốc vụ, bầu không khí ngột ngạt đến nghẹt thở. Tin báo về phong trào Đồng Lạc được đặt lên bàn Bộ trưởng Quốc phòng Phan Minh Tuyên cùng các đồng sự.
Gương mặt ông Tuyên lạnh tanh, tay gõ nhẹ xuống mặt bàn gỗ bóng loáng, ánh mắt lướt qua những người cùng ngồi.
— "Họ muốn gì?"
— "Muốn đất, muốn công bằng."
— "Chúng ta có gì để cho họ?"
Im lặng.
Cuối cùng, giọng khàn của Phó ty Lê Gia Huy vang lên, buồn bã nhưng cứng rắn:
— "Chúng ta vừa bán đi một phần linh hồn quốc gia để giữ lấy xác nước này. Bây giờ, nếu để dân nổi dậy, mọi thứ sụp đổ... Anh Phong sẽ không cần lý do nữa để trực tiếp can thiệp."
Bên ngoài cửa sổ, ánh nắng chói chang của mùa hè Nam Châu như đổ lửa, nặng nề ép xuống thành phố đã thay đổi quá nhiều chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Họ — những người thề giữ Nam Phổ đứng dậy một lần nữa — lúc này chỉ còn biết siết chặt tay lại dưới gầm bàn, gật đầu, đồng thuận với một quyết định đau đớn: Đàn áp.
Trong góc tối của một quán nước gần phố cảng, ánh đèn dầu hắt lên gương mặt phờ phạc của Phó ty Kinh tế — Lê Gia Huy.
Anh ta im lặng nhìn chén trà đã nguội lạnh, đầu óc nặng trĩu bởi những bản kế hoạch mà anh từng ngỡ sẽ vực dậy đất nước.
"Nghe nói lại sắp mở thêm khu công nghiệp mới ở phía nam Đồng Lạc đấy," một người dân buông câu than thở, "ruộng nhà tôi, tổ tiên để lại ba đời, cũng bị thu hồi rồi..."
Lê Gia Huy siết chặt tay áo, những lời muốn nói như mắc nghẹn nơi cổ họng.
Anh hiểu quá rõ những con chữ trong các văn kiện đàm phán: các khu vực nông nghiệp màu mỡ đã được vẽ lại thành khu công nghiệp, bến cảng, khu thương mại.
Dưới danh nghĩa "phát triển hiện đại hóa", đế quốc Anh Phong thực chất đang biến đất đai của dân Nam Phổ thành tài sản riêng cho thương nhân ngoại quốc khai thác.
Chính quyền trung ương không thể ngăn cản — hoặc không muốn ngăn cản.
Bởi với nguồn vốn từ các ngân hàng Anh Phong, họ được xây dựng nhà máy điện, đường sắt, bến tàu; kinh tế quốc gia nhìn bề ngoài thì bừng sáng, nhưng ruột gan bên trong đã rệu rã từng mảnh.
Lê Gia Huy buông tiếng thở dài.
"Chúng ta không thể giữ cả nước trong tay lúc này..." anh thì thầm với chính mình, ánh mắt trĩu nặng. "Ít nhất phải giữ cho Nam Phổ có cơ hội sống sót... rồi mới nghĩ tới ngày lấy lại."
Ngoài kia, những con phố sáng rực đèn điện mới xây, nhưng dưới ánh sáng ấy, dân nghèo tràn ra lề đường, mặt mày xanh xao, tay chân gầy guộc, chờ đợi những cơ hội việc làm hiếm hoi từ các xưởng ngoại quốc.
Một chương mới đang mở ra cho Nam Phổ — một chương có ánh sáng nhân tạo và bóng tối thật sự.
...
Sáng hôm đó, hơn nghìn người dân Đồng Lạc đội nắng, tay giương biểu ngữ bằng vải cũ, chân đi dép mòn, lặng lẽ tiến về cửa ngõ Nam Châu. Họ không hò hét, không khiêu khích, chỉ đơn giản đi – như một làn sóng trầm buồn, hy vọng sự im lặng ấy sẽ lay động được lương tâm những kẻ ngồi trên cao.
Nhưng thực tại lại phũ phàng hơn tất thảy những gì họ tưởng tượng.
Chưa kịp tiến sâu vào nội đô, đoàn người đã bị lực lượng cảnh vệ chặn lại. Trong sắc phục chỉnh tề, với súng ống trong tay, đội quân ấy lạnh lùng đọc lệnh giải tán. Khi những tiếng nài nỉ, khẩn cầu vang lên – tiếng súng cũng nổ.
Khi tiếng súng vang lên ở cửa Nam Châu, mọi thứ sụp đổ chỉ trong khoảnh khắc.
Trần Sỹ gục xuống khi cố chắn cho đám trẻ. Chị Hoa ngã nhào giữa đường khi lao ra cứu một cụ già. Máu của họ nhuộm đỏ mảnh đất mà họ đã gắng gìn giữ.
Tin dữ truyền về Đồng Lạc như một tiếng sét giữa trời quang.
Tối hôm đó, căn nhà nhỏ lại sáng đèn. Nhưng lần này, quanh chiếc bàn gỗ chỉ còn lác đác vài người. Trên bàn, hai cây nhang cắm vội trong bát cơm nguội, khói bay lững lờ.
Lý Văn Cường quỳ trước bát cơm, mắt đỏ hoe.
Không ai bảo ai, từng người một cũng quỳ xuống.
Cậu chắp tay, cúi đầu, và thề, giọng nghẹn lại:
— "Máu của anh Sỹ và chị Hoa sẽ không vô ích. Tôi thề, sẽ tìm cách thay đổi số phận này. Nếu phải đánh đổi cả mạng sống... tôi cũng không lùi bước."
Ánh đèn dầu hắt lên khuôn mặt cậu – còn trẻ, còn nhiều sợ hãi, nhưng trong đôi mắt đen thẳm ấy đã nhen nhóm một ngọn lửa bền bỉ và rực rỡ.
Đêm đó, Liên Minh bắt đầu được thai nghén. Từ một lời thề, một nắm tro tàn, và nỗi đau khôn cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro