2.1
Bạn đã từng nhìn thấy trực tiếp người nhân viên pha chế pha cà phê trong một quán cà phê tư nhân bao giờ chưa?
Khác với những loại máy móc đủ tiêu chuẩn của các chuỗi thương hiệu, với cài đặt sẵn cho tỷ lệ sữa, cốt cà phê và syrup đường đều giống nhau, cà phê được pha chế tại các quán nhỏ lẻ thường dựa vào cảm tính của người pha là chính. Chỉ cần lực tay không đồng đều, mỗi một thành phẩm đều sẽ mang hương vị khác biệt, có thể hơi chua, hơi đắng, chát hoặc là hơi ngọt quá. Nó thậm chí còn đa dạng và khó đoán hơn cả chiếc hộp sô-cô-la của Forrest Gump.
Trong hai năm đầu sau khi trở lại Thượng Hải, tôi dành phần lớn thời gian ở quán cà phê do Triệu Gia Hào mở. Anh ta luôn đích thân pha cà phê cho tôi, nhưng đã hai năm rồi mà tay nghề vẫn thế, mỗi một tách cà phê anh ta làm đều dở tệ đến kỳ lạ. Trong quán có bài trí mấy thứ gọi là "nghệ thuật sắp đặt", thu hút nhiều cô nàng nổi tiếng trên mạng và cả những nữ sinh ăn mặc kỳ quái đến mỗi ngày, nhưng vị khách duy nhất chịu quay lại lần nữa là tôi. Quán nằm ở phía Nam Tây Tạng, khu tụ tập của bọn dân chơi ưa màu mè, hai năm nay chỉ còn sống lay lắt, vậy mà Triệu Gia Hào vẫn cứ cố chấp không chịu đóng cửa.
"Chủ yếu là dựa vào cái quán này moi tiền ông già tao, chứ không lẽ lại đòi ổng cho tiền mở hộp đêm? Mà tao thì lại không muốn đi làm. Cái này gọi là khởi nghiệp đấy, vạn sử khởi đầu nan thôi, mày hiểu không?"
Tôi đáp: "Anh mở hộp đêm khéo còn kiếm được chút tiền."
Triệu Gia Hào xua tay khinh bỉ, "Tục." Sau đó bổ sung thêm, "À, giờ chửi mày tục cũng chỉ bằng thừa, mày bây giờ là một thằng rác rưởi đúng nghĩa."
Anh ta và cô thợ làm bánh mới thuê của quán đang cùng nhau thử công thức muffin mới. Hai người tựa đầu vào nhau, trông khá thân mật. Không gian quanh quầy bar phảng phất một mùi ngọt thoang thoảng. Bánh vừa mới ra lò, Triệu Gia Hào đã dí luôn trước mũi tôi: "Mời ngài thưởng thức, đại kim chủ của con ơi."
Là vị sô-cô-la, còn rất nóng, nóng đến mức làm lưỡi tôi cứng lại. Tôi đành vừa nuốt vội, vừa chửi Triệu Gia Hào: "muốn bỏng chết ông đây à!"
Triệu Gia Hào luống cuống, vẫn còn đeo cặp găng tay làm bánh dày cộp trông rất buồn cười, vội vã tìm giấy ăn cho tôi trong quầy.
"Gì, khó ăn vậy cơ à... Sao mày khóc luôn vậy?"
Tôi lại chửi tiếp: mẹ kiếp, là quá nóng, nóng đến mức họng tôi sắp chảy máu luôn rồi.
Triệu Gia Hào đưa giấy cho tôi, anh ta không lải nhải nữa, chỉ trầm mặc đứng giữa tôi và cô nàng anh ta đang mập mờ, che khuất cái nhìn tò mò của cô ấy. Con người tôi bạc bẽo, tôi không cảm kích sự chu đáo của anh ta, còn anh thì chỉ đứng nhìn tôi, lặng lẽ thở dài.
Tôi gói miếng bánh trong túi giấy, định bụng mang về nhà cho Lạc Văn Tuấn. Sở thích của em không giống tôi, ưa đồ ngọt nhưng không được ngọt quá, rõ ràng em rất nghèo nhưng thói quen ăn uống lại tinh tế đến kỳ quặc, miếng sô-cô-la này có lẽ sẽ làm em vui.
Tôi ấn mở khóa vân tay, Lạc Văn Tuấn đang ườn người xem Tom và Jerry, cổ kẹt giữa khoảng trống trên lưng ghế sô pha, một tư thế rất không lành mạnh. Nghe thấy tiếng cửa mở, em dùng sức ngửa đầu ra sau, đỉnh đầu chúi xuống đất, ngược ngạo nhìn tôi rồi nở nụ cười ngây ngô.
"Anh về rồi!"
Trông em rất vui vẻ. Tất nhiên là vậy, bởi vì suốt hai mươi năm cuộc đời, em chưa bao giờ được ở trong một ngôi nhà sang trọng đến thế. Phòng khách của chúng tôi có một cửa sổ sàn lớn thông thoáng, nhìn được ra tháp Minh Châu Phương Đông ở phía bên kia sông Hoàng Phố, con sông luôn chảy và phản chiếu lại bầu trời xanh trong vắt.
Tôi bước đến ngồi xuống bên cạnh em, bỏ túi bánh muffin lên bàn trà. Lạc Văn Tuấn không chú ý đến món điểm tâm nhỏ bé đó, chỉ ngoan ngoãn nằm lên đùi, cánh tay thon dài co lại trước ngực và đặt trên đầu gối tôi, giống như một con mèo lười nhác.
Em chớp mắt vài cái, "Này, sao trong phòng lại có mưa thế?"
Rồi em ngẩng lên nhìn tôi lần nữa, "Anh... Sao anh lại khóc thế? Có ai bắt nạt anh phải không? Để em đánh hắn cho anh!"
Em lóng ngóng giơ tay lên, cố lau nước mắt cho tôi. Những giọt lệ giả tạo của tôi nhỏ lên mi em, làm em phải cố mở mắt một cách gian nan.
Tôi nói, giọng nghèn nghẹn, "Lạc Văn Tuấn... Tôi sắp phải đi rồi. Tôi... Để tôi đưa em về Thanh Viễn, thuê một dì giúp việc có thể chăm sóc em cả đời. Tôi sẽ mua cho em một căn nhà lớn như thế này, trong nhà sẽ có thật nhiều đĩa phim Tom và Jerry, Cừu Vui Vẻ, em có thể xem bao nhiêu tùy thích. Muốn ăn gì thì cứ nói với dì giúp việc, còn nếu thấy nhớ tôi, em cũng có thể gọi điện thoại cho tôi, nhưng tôi có lẽ sẽ không đến thăm em được..."
Tôi cứ luyên thuyên mãi, dù biết chắc em nghe không hiểu. Và em cũng sẽ không thể gọi cho tôi, vì với tình trạng hiện tại, em làm sao nhớ nổi số điện thoại của tôi.
Quả nhiên, em chỉ mờ mịt, cố tiêu hóa những lời trốn tránh của tôi như thể em đã hiểu, vô thức đưa ngón tay lên miệng gặm cắn. Trông thật thuần khiết. Đó là dấu hiệu cho thấy em đang bắt đầu suy nghĩ.
Em đáp, "Thanh Viễn thì hay quá! Em cũng muốn về nhà. Trần Trạch Bân, lâu ơi là lâu rồi em chưa được về nhà."
__
Ở xứ sở dân chủ, không khó để tìm một nơi môi giới người mang thai hộ. Vấn đề khó giải quyết nhất là phải tìm bằng được một người mẹ phù hợp - cô ta phải là người châu Á và trông giống mẹ kế của tôi... Đây thực sự là một điều kiện đáng ghê tởm.
Mà cũng là dịp để tôi phát huy khả năng nhìn xa trông rộng.
Triệu Gia Hào sau khi xem qua tấm ảnh chụp mẹ kế tôi trong vòng bạn bè thì phát lên lưng tôi một nhát: "Mẹ kiếp, thằng ranh con nhà mày bệnh vừa! Không phải chứ, mày lại đối với dì mình..."
Trông anh ta khó nói lắm. Tôi liếc anh, anh liền làm động tác kéo khóa miệng: "Anh sẽ giữ bí mật, nhưng mà mày định làm cái quái gì vậy?"
Tôi đáp: "Anh không hiểu được đâu." Triệu Gia Hào lại nói mỉa, "Ờ ờ ờ, con nối nghiệp cha là đạo lý thường tình."
Ngay sau đó, tôi cũng đã hẹn gặp bạn gái mình và đi thẳng vào vấn đề: "Tôi muốn cô sinh con cho tôi, nhưng tôi cũng có chút điều kiện, sau khi xong chuyện, chúng ta đường ai nấy đi, cô không được quay lại tìm con. Cuối cùng, tôi muốn dùng thụ tinh nhân tạo, sẽ hơi cực khổ cho cô một chút, cho nên cứ ra giá đi."
Trái với tưởng tượng của tôi, cô ta rất bình tĩnh - có lẽ là đã hiểu rõ vấn đề. Dù sao thì tôi cũng không định cưới cô ta, nhưng sau khi xong chuyện rồi cầm tiền của tôi, thì cái danh tiểu thư thượng lưu hàng giả của cô ả sẽ trở thành đồ thật, sau đó, ả có thể đi tìm một tên thừa tiền nhưng thiếu não khác.
Cô ta cũng không giống kiểu người sẽ có loại tình cảm mẫu tử thiêng liêng với "con cái". Chúng tôi nhanh chóng thỏa thuận giá cả, và mọi chuyện tiến triển thuận lợi sau một loạt các xét nghiệm phù hợp. Đôi khi tôi đưa cả Lạc Văn Tuấn đi cùng. Em mặc chiếc áo sơ mi đắt tiền mà tôi mua cho, ngồi trong bệnh viện nồng nặc mùi thuốc khử trùng lạnh lẽo, cả người cứng nhắc. Rõ ràng người đang chịu tội bên trong phòng bệnh là bạn gái của tôi, ấy vậy nhưng tôi lại ở ngoài này ôm ấp Lạc Văn Tuấn, trông cả hai chúng tôi thật sự rất giống một cặp gay vô lại dùng bình phong qua mắt thiên hạ.
Lạc Văn Tuấn khó chịu tránh né đôi môi tôi, "...Anh có tâm chút được không. Chị dâu mà thấy sẽ không vui đâu."
Đã đến nước này, tôi không tin em còn chưa hiểu ra bản chất mối quan hệ giữa tôi và bạn gái, nhưng Lạc Văn Tuấn chắc chắn chỉ cố ý nói như vậy để trêu ngươi tôi. Tôi véo vành tai em, làm mặt em cũng hơi đỏ lên.
"Đã biết cô ấy không vui, mà em còn đến đây? Giả vờ ngây thơ cái gì? Vợ hai thương xót chính thất à? Hay là đàn bà thấu hiểu lẫn nhau?"
"Trần Trạch Bân, anh nghĩ hay nhỉ!"
Tôi ngớ người một hồi mới hiểu hàm ý câu nói "nghĩ hay nhỉ" trong tiếng cười khúc khích của em. Thành thật mà nói thì tôi không hiểu nổi, làm sao em lại có thể nói ra những lời lẽ dâm đãng trêu ngươi tôi với cái vẻ ngây thơ giả tạo đó? Tôi siết chặt vòng eo mảnh của em, khóa cả người em lại. Lạc Văn Tuấn cười đến không thở nổi, liều mạng giãy giụa, muốn nhích sang một bên trên chiếc ghế kim loại trơn nhẵn, nhưng hiển nhiên chỉ đang tốn công vô ích.
Tôi vùi vào cổ em, hít hà cái mùi thơm dễ chịu trên người em như kẻ biến thái: "Nhưng nghiêm túc mà nói thì, em đối với phụ nữ... Có thể hay không?"
Em lè lưỡi nghịch ngợm: "Chắc là không, có thể Melissa ghét em do vậy, vì em không có hứng với phụ nữ dù chỉ là một chút."
Melissa là tình nhân gã chồng hợp pháp của em, cái người đàn bà Mexico hơi thừa cân ấy. Lạc Văn Tuấn nói với tôi rằng đôi khi em tắm, Melissa sẽ đứng ở bên ngoài và kề mắt vào cửa kính nhòm ngó. Qua lớp kính màu lục không rõ ràng, một đôi con ngươi xanh lè ẩn hiện, có lẽ mọi chuyện còn hơn thế nữa, chỉ là em không chịu nói cho tôi biết. Cũng vì thế mà những khi ở nhà, em càng phải tỏ ra điệu đà. Mỗi lần sử dụng nhà vệ sinh đều rất kỹ lưỡng, luôn khóa chặt cửa, bình thường còn mặc mấy cái váy bó sát đến mức không thể nhấc chân cao được, giống như gái còn trinh vậy. Em chỉ có thể giả vờ đóng vai "chị em bạn dì" với bà ta, mỗi khi Melissa làm đẹp, em sẽ làm bộ ghé sát vào và ngửi mùi phấn son trang điểm-
Tôi cười đến mức không thể thẳng lưng nổi. Em xấu hổ giương nanh vuốt muốn tát tôi, nhưng tôi có thể giữ lấy bàn tay vươn ra như mèo cào của em một cách dễ dàng, còn tiện tay khuyến mãi cho em mấy cái đau hơn. Lạc Văn Tuấn trúng đòn của tôi liền ỉu xìu. Em lủi thủi đi đằng trước, tay chắp sau eo, điệu bộ đỏng đảnh như tiểu thư nhà giàu, mà làm mình làm mẩy thế chứ thi thoảng vẫn quay đầu liếc trộm tôi, bước chân lề mà lề mề, nhưng vẫn là đi về hướng chúng tôi muốn.
Rời bệnh viện sau khi tạm biệt bạn gái, chúng tôi dự tính sẽ đến khu phố người Hoa - địa điểm là tôi chọn, tôi nói mình muốn đưa em đi may một bộ sườn xám.
Hai người chúng tôi cứ vậy tản bộ đến phố miếu Thiên Hậu, nơi những mái nhà cổ kính gạch đỏ ngói xanh ẩn hiện trong bóng tối, trông giống như một thành phố kỳ ảo. Chúng tôi mua vài quả dứa Thái non ở quầy trái cây, thịt xiên và gan ngỗng nướng ở một quán lề đường khác. Mùi đồ ăn nhanh chóng kích thích khẩu vị Quảng Đông của Lạc Văn Tuấn, và em trở nên phấn khích dần. Em bắt đầu kể cho tôi nghe về những ký ức tuổi thơ rời rạc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dòng sông Châu Giang vàng đục cuộn trào, những bức tường khảm gạch hai màu đen trắng xám xịt của tòa chung cư kiểu cũ. Nhìn ra bên ngoài bậu cửa sổ nhà em, bốn phía chỉ thấy những mái nhà cũ kỹ giống hệt nhau, những ống khói vươn lên trời và những cành cây già khẳng khiu già cỗi. Nhưng điều khiến em nhớ mãi là âm thanh: Lạc Văn Tuấn chỉ chỉ tai mình, dường như con đường trước cửa nhà em cứ bị đào đi đào lại ba bốn lần một năm, nhằm sửa chữa các đường ống dẫn nước ngầm đến đâu chẳng rõ, hoặc là để trồng cây xanh cải tạo. Hàng xóm tầng trên nuôi gà, hàng xóm tầng dưới có chó, mỗi đêm hè đều inh ỏi tiếng cóc và dế.
"Tiếng ồn ở đây khác biệt lắm." Lạc Văn Tuấn suy nghĩ một chút, "Trước đây có thể nghe hiểu được tiếng của dì lầu trên mắng con bà ấy, còn ở đây, em không hiểu nổi người ta ồn ào cái gì."
Rồi em lại hỏi tôi, "Tuổi thơ của anh thế nào?"
"...Tôi đến Thượng Hải từ khi còn rất nhỏ, rồi đi học ở trường quốc tế."
Tôi cố gắng diễn tả để những lời khô khan ấy nghe có vẻ ít "tự phụ" hơn, nhưng hình như tôi nghĩ nhiều rồi, tôi không cần lo lắng về điều đó trước mặt em. Cuộc sống của tôi chỉ là một bức tranh nhạt nhẽo đối với em, giống như câu chuyện cổ tích hoang đường không thể làm tổn thương một ai đó trong thực tại.
"Tuổi thơ tôi chán lắm, từng học piano nhưng bị thầy bảo là không có năng khiếu, thế là chuyển sang lớp organ điện tử. Lúc ấy mẹ tôi vẫn còn, bà rất muốn bồi dưỡng tôi, cho nên tống tôi vào một một dàn nhạc giao hưởng organ điện tử, thật sự kỳ cục hết chỗ nói. Một đám trẻ con ngồi lại chơi nhạc cụ, loại nào cũng có, nhưng khi lên sân khấu thì chỉ chơi đàn điện tử thôi. Mà cứ lập nhóm như vậy rồi đi thi đấu, giành giải các kiểu, giờ ở nhà tôi vẫn còn mấy cái giải thưởng từ thời đó đấy."
Các lớp học năng khiếu nghe có vẻ vẫn hơi ngoài tầm với của em. Vì vậy, tôi nhanh chóng đổi chủ đề, "Sau này mẹ mất, không còn ai bắt tôi học đàn nữa, cũng không còn cần phải biểu diễn giả tạo trên sân khấu... Tôi thấy làm vậy buồn cười lắm, lố bịch thì thôi rồi."
Lạc Văn Tuấn cắn một miếng dứa, làm nước chảy ròng ròng từ que tre xuốn tay em. Đôi mắt ngu ngốc của em không ẩn chứa bất kỳ sự thương cảm nào với người đã mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ là tôi. Ừ thì phải cho đến lúc ấy, tôi mới nhớ ra rằng em cũng là đứa trẻ nghèo không cha không mẹ.
"Anh thế là giỏi đấy. Hồi em còn bé, nhà bên cạnh em cũng có một anh học piano, anh ấy đẹp trai lắm. Ngoài tiếng gà gáy và chó sủa, em còn thường nghe thấy anh ấy chơi đàn, cứ vài tuần lại đánh một bản mới. Bây giờ em vẫn không biết anh ấy chơi bài gì, nhưng lúc đó, em nghĩ những ai biết chơi đàn đều đẹp trai."
Tôi cốc một cái vào đầu em, "Tình đầu cơ à."
Giọng diệu em hơi mơ hồ, "Hừm... Không thể đâu, anh ấy lớn hơn em nhiều, bọn em cũng không quen biết gì. Cùng lắm thì là yêu thầm thôi."
Tôi kề sát mặt em, nắm tay em và gằn giọng, "Yêu thầm cũng không cho."
Sến súa thật. Kết quả là nước dứa dính đầy tay hai bọn tôi. Lạc Văn Tuấn cũng thuộc loại to gan, cứ thế chùi cả bàn tay bẩn của mình vào chiếc áo phông trắng phiên bản giới hạn của tôi. Cơ mà trước nay em luôn lấy oán báo ơn với tôi như thế, và ngoài việc chỉ biết đánh em mấy cái như trẻ con chơi đồ hàng ra, tôi cũng không còn cách nào khác.
Em cũng nói rằng khi em còn nhỏ, trên bệ cửa sổ nhà em có một chậu hoa, chỉ là nó không bao giờ nở, nhưng chuyện đã qua lâu đến mức bây giờ em không còn nhớ được nó trông ra sao.
"Màu đỏ thẫm, cánh dài dài, mỏng mỏng."
Tôi vắt tay sau lưng, ra vẻ ta đây. Tôi nói, này có gì khó đâu? Quanh Hoa Nam, người ta chỉ trồng trong nhà có mấy loại ấy thôi. Hồng tỉ muội này, thược dược, hoa trà, hoa trạng nguyên... nhưng nếu cánh mỏng và dài như em nói, thì có phải là một loài hoa lan nào đó không nhỉ?
Chúng tôi đến được một cửa hiệu may bán sườn xám, Lạc Văn Tuấn đã bước được nửa bước chân vào bên trong. Em quay lại, nghiêng đầu nở nụ cười khiến lòng tôi không khỏi dao động.
"Em không biết nữa... nhưng trong cuộc sống cũng lắm chuyện như vậy, nửa đúng nửa sai, nửa thật nửa ảo, cứ mơ mơ hồ hồ như thế lại đẹp."
Khuôn mặt của em bị che phủ bởi một nửa bóng tối, cái ánh sáng không rõ ràng đó giống như đến từ thiên đường vậy, trong chốc lát khiến cho ngũ quan không mấy nổi bật của em trở nên vô cùng xinh đẹp.
Trong khoảng khắc đó, một câu nói gàn dở đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi: Chúng ta chỉ có thế này, chẳng có gì xảy ra cả. Có phải chúng ta đang sống một cuộc đời tốt đẹp hay không?
Nhưng cuộc sống không phải là một bộ phim, và tôi sẽ không bao giờ nói mấy lời như thế. Vì vậy, tôi chỉ cười nhạt, vỗ nhẹ lên mông em, giả vờ như không nghe thấy những gì em nói.
Trong tiệm phảng phất một mùi gỗ đàn hương thoang thoang khiến đầu óc người ta trì trệ buồn ngủ. Lão thợ may già ngồi gà gật đằng sau quầy hàng, giống như Ollivander trong tiệm đũa phép, vào cái buổi chiều mà Harry Potter lần đầu tiên bước vào Hẻm Xéo. Không gian đầy hạt bụi vải li ti bay lơ lửng, những bộ sườn xám may sẵn treo thành hàng trên giá, được bọc trong túi nilon chống bụi, khiến cho một vài màu sắc hơi chói như tím khói, xanh ngọc cũng trở nên mờ mờ ảo ảo.
Tôi nén cười, đẩy nhẹ Lạc Văn Tuấn ra phía trước. "May cho cô em này một bộ, đo cho em ấy giúp tôi."
Lão già ngáp dài, vớ lấy cái thước dây dài ngoằng trên quầy rồi đi tới. Lạc Văn Tuấn trông không được tự nhiên lắm, em đứng sững, nhưng bị tôi đẩy từ phía sau cũng không làm được gì khác, đành để yên cho ông già mặt đầy nếp nhăn kia dùng thước đo lường số đo ba vòng - sườn xám mà, cứ phải may thật ôm thì mới đẹp. Lão thợ chắc cũng quen với sự phóng khoáng nơi đây nên chẳng buồn nhận xét gì về cái gu thời trang khác người này của bọn tôi. Chỉ cho đến khi đo ngực, lão mới phán một câu, "Mặc sườn xám phải có đường cong táo bạo chút thì mới đẹp. Dáng cậu vầy, đồ mặc lên không đẹp cũng đừng có trách tôi đấy."
Lão ta chắc chỉ thuận miệng nói cho có lệ, tránh phiền phức về sau vậy thôi, nhưng người nghe hữu ý, dưới ánh đèn đóm mịt mờ, tôi vẫn thấy được vành tai của Lạc Văn Tuấn đã đỏ ửng lên.
Đương nhiên, tôi cũng đã từng sờ bộ ngực lép của em rồi. Thú thật trước đây, mỗi lần tìm bạn gái, tôi chỉ chuộng loại ngực khủng, tiêu chuẩn thẩm mỹ của tôi tầm thường vậy đấy. Nhưng với Lạc Văn Tuấn thì mấy cái thước đo đó không còn ý nghĩa gì nữa, mỗi khi thấy em ngại ngùng là tôi lại muốn chạm vào em. Thật sự là một loại ham muốn kỳ quặc, cứ như thể tôi là một thằng nhóc lên tám mắc hội chứng nghiện tiếp xúc thân thể vậy.
Nhưng cũng có lúc, tôi thật sự chỉ muốn vùi mặt vào lồng ngực phẳng lì của em, cảm nhận hơi ấm qua làn da mịn màng, lắng nghe nhịp tim đều đặn nơi ngực trái, mà mân mê cái cổ tay mảnh khảnh của em. Sau khi qua lại với tôi, em cũng bắt đầu dùng mấy loại nước hoa đắt tiền tôi mua cho, chỗ mạch đập thường thoang thoảng một mùi thơm dịu nhẹ. Những ký ức động chạm đó không có chút sắc tình nào, ấy vậy nhưng lại khó nói thành lời hơn cả những tưởng tượng dâm ô khác kia.
Lấy số đo xong, lão thợ già mới ra hiệu cho chúng tôi đi chọn vải. Khắp căn phòng toàn lụa là, gấm vóc thêu hoa, in họa tiết tỉ mỉ, từng cuộn chất thành đống cao. Tôi vừa nhìn đã ưng mắt ngay một cây vải màu đỏ rực – trên vải thêu những đóa hoa nhỏ vàng tơ.
Lạc Văn Tuấn nói: "Da em không trắng, mặc màu đỏ không đẹp đâu."
Thường ngày em cũng hay mặc màu xanh lam, hoặc trắng, nhưng rồi em lại nhanh chóng nũng nịu dính sát lên tôi, "Nhưng mà anh trả tiền mà, vẫn là 'ba ba' nói sao thì làm vậy đi."
Tôi nói: "Thật sự mong là lần tới lên giường với tôi, miệng em cũng ngọt được như vậy." Lạc Văn Tuấn lại cười khúc khích, không khác gì đứa trẻ con.
Chúng tôi hẹn một tuần sau mới quay lại lấy đồ. Khi rời khỏi cửa tiệm cũng đã vào khoảng hai ba giờ chiều, ánh nắng chan hòa rọi thẳng lên mặt, hong khô cả cái mùi bụi bặm và khói dầu từ những chái bếp sau nhà hàng trong không khí. Lạc Văn Tuấn hơi lười biếng dựa vào lưng tôi, để tôi nửa lôi nửa dìu đi về phía trước, gáy kề sát cổ tôi, hệt như người ta hay gọi là "uyên ương quấn quýt". Tôi bị em dựa đến đổ cả mồ hôi, chẳng thoải mái gì, nhưng lòng lại sung sướng một cách kì lạ như trúng tà. Trên con phố, ngoài mấy nhà hàng món Hoa, cửa hàng tiện lợi ra thì phần nhiều là các tiệm tạp hóa hổ lốn. Chúng tôi lại đi ngang qua một ô cửa kính tủ màu trà, bên trong có bày một hàng gọng kính, chẳng hiểu sao lại thu hút sự chú ý của Lạc Văn Tuấn. Em hơi phấn khích kéo tôi lại gần, áp trán lên kính nhìn vào bên trong.
"Anh bị cận sao?"
Tôi bảo tôi không cận, bình thường đeo kính chủ yếu để làm màu thôi.
Em chìa chìa ngón tay thon dài của mình ra, "Nhưng em thấy anh mà đeo cái này chắc là đẹp lắm."
Tôi cúi xuống nhìn theo, thứ em chỉ là một cặp kính gọng mảnh loại của Dunhill, cái kiểu dáng cổ đến độ ông già tôi chắc cũng chẳng thèm đeo.
Tôi cười khẩy, "Nhãi ranh nhà em chắc chỉ thích cái loại lưu manh trí thức thôi."
Lạc Văn Tuấn giờ quá thân với tôi rồi nên lại càng không coi ai ra gì, hoàn toàn không cho tôi chút mặt mũi nào mà phá lên cười.
"Làm ơn đấy, Trần Trạch Bân nhà anh thì liên quan quái gì đến bốn chữ 'lưu manh trí thức' hả?"
Lời này của em rất có vấn đề. Chúng tôi đã hôn môi, ôm ấp, tặng nhau gấu bông, cùng đến công viên giải trí ngồi vòng đu quay và hôn nhau khi lên đến nơi cao nhất, mua bóng bay hình trái tim thả vào giữa khuya, ăn chung một cây kem nhiều màu sắc, đắp cùng chăn xem một bộ phim hoạt hình, làm tình- nhưng có thế nào cũng chưa bao giờ nhắc đến một chữ "yêu". Em đủ khôn khéo để không tra hỏi tôi, tôi cũng đủ khôn khéo để không tự vấn lòng mình, nhưng tôi hình như đã quên béng mất vế sau. Tôi quên hỏi: vậy còn em thì sao?
Hoặc giả, trong thâm tâm tôi đã có sẵn đáp án, những tiếng thì thầm cứ văng vẳng bên tai: một thằng đĩ đực trôi dạt xứ người, không cha không mẹ, mới mối tình đầu đã vớ phải một tay lão luyện trong tình trường là tôi, em thật sự không yêu tôi đấy chứ? Tôi rùng mình vì sự lo âu kỳ lạ xâm chiếm, rồi lại tự phản bác: kỹ nữ vô tình, con hát vô nghĩa, em làm sao có thể biết yêu? Lại nói, dù rằng hơn tôi một tuổi trên giấy tờ, em thực chất vẫn chỉ là một đứa trẻ từ sâu tận tâm trí, với trái tim trong suốt sớm đã vẩn đục.
Trong phút chốc, linh hồn tôi như đã lìa khỏi xác, lơ lửng giữa không gian, dùng đôi mắt của Thượng đế nhìn vào bộ phim cuộc đời do chính mình diễn xuất. Đó là một buổi chiều vẫn còn hanh vàng nắng, tôi nở nụ cười đầy thản nhiên, không hề để lộ chút sơ hở nào trước mặt Lạc Văn Tuấn. Chúng tôi sánh vai bước vào trong tiệm đồ cũ của người Đài Loan, thành ra mọi thứ trong tiệm đều là hàng độc bản, chỉ có duy nhất một cái mỗi loại. Tôi trả tiền cho cặp kính đó, rồi cười cười đeo nó lên mặt Lạc Văn Tuấn, nhận xét luôn, "Em đeo cái này nhìn giống mấy bà cô thích cay nghiệt học trò đấy."
Lạc Văn Tuấn vừa giận vừa ngượng, lè lưỡi làm mặt quỷ với tôi, tôi tiện tay véo luôn đôi môi trề ra như mỏ vịt của em. Trong tiệm có một chiếc ti vi đời cũ, đang phát bản tin về Đài Loan - mưa lớn ở phố Tân Bắc đã gây ngập lụt, nhấn chìm nhiều nhà dân và cửa tiệm trong khu vực thành phố. Nữ phóng viên đứng trong làn nước ngập, cố che chắn mưa gió để phỏng vấn người dân vùng bị ảnh hưởng.
"...Công sức mười mấy năm trời tâm huyết cứ thế đổ sông đổ bể rồi, thật đúng là tai bay vạ gió. Chúng tôi cũng nhân đây kêu gọi mọi người, nhất định phải nâng cao ý thức về bảo hiểm, mua trước bảo hiểm bảo toàn tài sản..."
Trên màn hình chạy mấy dòng chữ hán phồn thể: Thiên nhiên không có mắt, người không oán trời trách đất thì cũng chẳng biết kêu cùng ai. San Francisco hôm nay nắng vàng rực rỡ chan hòa, đối lập hoàn toàn với cảnh mưa gió khắc nghiệt trên màn hình ti vi, cứ như hai thế giới riêng biệt, một trong màn ảnh, một là thực tại. Tôi thầm nghĩ, nói cũng chẳng sai lắm. Thiên nhiên vô tri, con người sống động. Tự mình trả giá cho thứ mình chọn, cái câu 'gieo nhân nào gặt quả nấy", âu cũng là chuyện hợp tình hợp lý nhất trên đời này.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro