7/ "Áp dụng công thức là ra."
Chúng tôi vừa đến hành lang thì trời lại một lần nữa đổ mưa.
Khuôn viên trường có ba dãy nhà chính. Một ở giữa có ba tầng với toàn bộ là phòng học và dãy bên cạnh nhỏ hơn ở phía Tây chiếm phần lớn là các phòng thư viện, văn phòng đoàn,... nằm vuông góc. Tương tự, dãy còn lại ở phía Đông cũng tạo thành góc chín mươi độ gồm một khu phòng thí nghiệm và phòng thực hành. Để dễ hình dung thì cả ba dãy nhà nằm cạnh nhau ghép thành hình chữ "U".
Nhà để xe nằm cạnh dãy nhà phía Đông. Thay vì kiên nhẫn đứng chờ mưa tạnh như bao con người không mang áo mưa hoặc có mang nhưng không muốn mặc vì sợ mù đường, tôi và Huy chọn cách đi vòng theo hai dãy nhà để xuống nhà xe.
"Mày ở đây đi, tao vô lấy xe rồi chạy ra đón."
Xe máy và xe đạp đậu thành nhiều hàng, phân thành nhiều khu khác nhau. Huy để tôi đứng chờ ở hiên ngoài, còn nó vào trong tìm xe. Vài phút sau, tôi thấy nó cùng với con xe điện VinFast Evo200 đi ra.
Huy mặc áo mưa kín mít từ đầu đến chân, tôi dễ dàng nhận ra đó là loại áo mưa "ích kỷ". Trên tay nó cũng đang một chiếc nữa được xếp lại gọn gàng, nó ném qua cho tôi mặc vào.
Tôi không thắc mắc vì sao thằng Huy lại trang bị cả hai cái áo mưa, vì tôi biết sẽ có lúc nó đèo thêm một người trên xe. Và trong những ngày mưa này, áo của nó không thể trùm cho người phía sau được.
"Mặc áo loại này sẽ không bị xe khác tạt nước." Huy chủ động thuyết minh về công dụng của chiếc áo mưa "ích kỷ" khi tôi vừa lên xe, mặc dù tôi không hỏi.
Nhưng áo mưa không còn là chủ đề trọng điểm nữa, thứ tôi và thằng Huy quan tâm bấy giờ là chuyện xe cộ, cụ thể là vé xe. Tôi là người chủ động đề nghị nó đưa vé cho tôi giữ lúc vào trường, và tấm vé tôi nhét trong túi quần khi ra về thò tay vào lấy ra thì lại không có.
Ở trường có một quy định nghiêm ngặt: nếu không có vé xe thì không thể mang xe ra ngoài, chỉ trừ khi học sinh trong trường về hết không còn mống nào nhằm tránh rủi ro bị ăn trộm xe hoặc các trường hợp khác.
Và chúng tôi đã rơi vào tình thế éo le như thế giữa trời mưa như trút nước.
"Mày tìm trong cặp thử xem?"
Chúng tôi xuống xe rồi quay về lớp học trên tầng. Mặc dù Quốc Huy nói chuyện với tôi bình thường, song tôi thừa biết tâm lý nó đang bất ổn, có khi còn trách tôi, rủa thầm tôi một nghìn lẻ một lần trong lòng. Ngày đầu đi học bị mất vé xe, ai mà không hoảng chứ.
Tôi quên bén chân mình đang chấm thuốc, chỉ cần cử động mạnh là thốn đến tận trời xanh. Và tôi đã bị làm cho thốn đến chảy nước mắt.
Thấy tôi chùn bước, và có lẽ do biểu cảm trên mặt tôi méo xệch đi rõ ràng, Huy hiểu ngay tôi đang trong trạng thái như thế nào.
"Thôi mày ở đây đi, tao lên lớp tìm thử, nếu mày làm rơi ở đâu thì hỏi tổ trực nhặt giùm."
Tôi nhìn Quốc Huy trong chiếc áo mưa chạy về phía trước. Một lát sau, trong sự ngỡ ngàng, tôi lôi ra cái vé xe từ trong cặp, chính xác là ở ngăn ngoài cùng. Ban đầu tôi cứ nghĩ mình để trong túi áo nên khăng khăng đã làm mất ở đâu. Và tất nhiên thằng Huy tốn công, tốn thời gian vô ích cho việc tìm kiếm một thứ nó sẽ không bao giờ tìm được khi thứ ấy nằm sẵn trong tay tôi.
Tôi cười khổ, chẳng biết phải làm gì để tạ tội với Huy.
✿
Huy vừa chở tôi về đến nhà nó thì trời tạnh mưa. Vừa rồi tôi đã khiến nó chạy lên chạy xuống giữa hai tầng lầu, và tôi chỉ biết gửi lời xin lỗi bằng cách đưa nó gói socola tôi mang sẵn bên mình.
"Cho tao á?" Sau gọng kính, tôi thấy cặp mắt thằng Huy sáng lên.
"Ừ." Tôi gật gật, "Vừa rồi tao không biết gì cả, tao không cố ý, cho tao xin lỗi nhé."
Huy không từ chối, nó đưa tay nhận lấy gói kẹo, xong lại nhìn tôi: "Mày còn nữa không?"
"..." Tôi không nghĩ đến trường hợp nó sẽ đòi kẹo của tôi như thế này, "Mày chờ tao chút..."
Toan lấy thêm vài thanh Kit Kat thì tôi nghe nó bật cười.
"Tao đùa đấy." Nó tiếp tục cười, vừa xếp gọn áo mưa cất vào cốp xe.
Tôi lại phát hiện mình ngây ngốc nhìn đôi đồng tử của nó. Tôi không thấy miệng thằng Huy vì nó đang đeo khẩu trang, song tôi biết nó nhoẻn miệng cười vì sự hiện diện của hai "vầng trăng khuyết" cong lên khẽ khàng nơi khóe mắt.
Lần này Huy không bắt gặp tôi nhìn nó, vì nó đang bận dắt xe cho tôi.
"Xe con chú sửa xong rồi đây." Chú thằng Huy từ nhà trong bước ra.
Hôm qua tôi "lãnh lương" từ mẹ tôi nên hôm nay có sẵn tiền mặt trong túi để chi trả. Nhưng điều khiến tôi sốc là chú thằng Huy lại không nhận tiền.
Và càng sốc hơn nữa khi nghe chú bảo: "Chú sửa xe vì đam mê thôi con à."
Không nói về giá thành của một cái bugi xe, tôi chỉ quan tâm đến tính thiết thực trong lời nói của chú thằng Huy khi mắt tôi vô tình trông thấy một (số) món đồ gỗ trưng ở phòng khách trong nhà, bộ bàn ghế gỗ chạm khắc rồng phượng,... Và tôi để ý rằng nhà thằng Huy có tầng trên, và cả tầng trên nữa.
"Nhưng mà chú ơi..."
Sau một lúc quằn từ đầu sông đến cuối sông, tôi vẫn không trả được tiền. Tôi dắt xe của mình ra, sượng trân đề máy.
Rồi tôi nghe thằng Huy hỏi thăm: "Chân mày còn..."
Tôi đội nón vào, không ngoảnh mặt nhìn nó, cắt ngang: "Tao ổn, không sao cả."
✿
Cơn đau nhức đột nhiên âm ỉ khi tôi về đến nhà. Mẹ tôi còn đi dạy trên trường nên giờ chỉ có tôi một mình một nơi. Đầu tiên tôi khóa cổng rào, sau đó vào thay nhanh cái quần ngắn rồi ngồi dưới phòng khách xem xét phần bắp đùi.
Vết thương được chấm thuốc song vẫn còn đau ê ẩm. Tôi tìm trong tủ y tế chai thuốc mỡ thoa thêm một lớp nữa, được một lúc thì chân đỡ đau hơn, tôi có thể đi lại bình thường.
Sau khi xem vết thương, việc tiếp theo tôi làm không gì khác ngoài tắt hết đèn đóm chui vào phòng nằm ngủ. Một ngày của tôi kết thúc trong vô nghĩa như thế.
Những ngày sau đi học chân tôi dường như đã lành lặn không còn cảm giác gì, nhưng dấu vết dưới đùi vẫn còn đó, có vẻ trong tương lai sẽ biến thành sẹo.
Trong khoảng thời gian đầu, tôi che đậy vết thương bằng cách mặc quần dài, tránh để mẹ tôi bắt gặp. Nhưng số lần tôi có mặt ở nhà lại không nhiều, thế nên những chiếc quần thể dục nằm im lìm trong tủ đồ vẫn chẳng có mấy cơ hội nhìn thấy ánh sáng.
Tôi ít ở nhà vì tôi siêng hoạt động trong trường vào các giờ trái buổi, vì trường mới có quá nhiều thứ để tôi khám phá. Sau hai tuần lễ đi học, tôi đã quen được với không khí của môi trường cấp 3. Duy chỉ có một điều là, tôi chưa bao giờ có một cuộc đối thoại đúng nghĩa với thằng ngồi cùng bàn.
Từ ngày đi nhờ xe Quốc Huy, tôi với nó chẳng ai nói với nhau lời nào, trừ đôi lúc tôi thốt câu "cảm ơn" khi được nó cho xem chung sách, mượn máy tính và mỗi lần thằng Huy chơi bóng về sau giờ ra chơi với bộ mình ướt đẫm mồ hôi, tôi thường cảm thán: "Người mày hôi quá! Tránh xa tao ra!" và nó ngoan ngoãn nghe lời tôi, ngồi cách tôi hai vạn dặm.
Rồi đến một ngày, không rõ bằng một sự thúc đẩy nào hoặc do đã đấu tranh tư tưởng từ rất lâu, Quốc Huy bỗng quay sang hỏi tôi: "Mày không thích nói chuyện với tao à?"
"???"
Tôi bận chơi trò xếp hình trên điện thoại sau khi giải đến phân nửa số bài tập Lý thì bị nó khều cánh tay.
"Gì đấy..."
Tôi toan lắc đầu phủ nhận thì chợt khựng lại.
"Khoan đã, sao mày không làm bài?" Khi ngoảnh mặt qua, đầu tiên mắt tôi đập xuống tờ đề và trang vở ghi chằng chịt công thức nhưng số bài giải lại ít hơn số lần tôi dậy sớm tập thể dục thay vì nhìn mặt thằng Huy.
Chủ đề ban đầu đột ngột thay đổi, song thằng Huy cũng hưởng ứng theo câu hỏi bất chợt của tôi, quên bẵng nó đã nói với tôi cái gì.
"Tao không biết làm."
Lần này tôi nhấc mắt lên nhìn mặt Huy. Vẻ ngây ngốc đã chứng minh cho lời tự nhận rằng nó không biết làm gì thật.
"Mày không khoanh được lý thuyết à?" Tôi lại nhìn tờ đề trắng tinh tươm của nó, hai hàng mày không khỏi xô lại.
"Không, tao học không hiểu."
"..."
Ngồi cùng bàn với Huy, tôi biết nó không mặn mà gì với các môn tự nhiên, nhưng chí ít vẫn giải được bài môn khác chứ riêng Vật lý thì đây là lần đầu tiên tôi thấy nó đọc đề rồi ngơ ngác như thế.
"Ừm..." Tôi cầm bút chỉ bừa vào một câu trắc nghiệm bài tập trong tờ giấy, "Đề cho lực F truyền cho vật khối lượng m₁ có a₁ = 2 m/s², truyền cho vật m₂ có a₂ = 3 m/s². Hỏi m₃ = m₁ + m₂ có gia tốc bằng bao nhiêu."
"..."
"Câu này thuộc định luật II Newton, mày có thể đọc tao nghe công thức không?"
"a = F/m."
"Bài này mày chỉ cần áp dụng công thức là ra thôi." Tôi gật đầu.
Sau mười phút giảng bài cho Huy, cuối cùng tôi đi đến kết luận: thằng này học ngu vãi.
"Xin lỗi, cơ mà tao vẫn chưa hiểu tại sao a₃ = (a₁a₂)/(a₁ + a₂)."
"Thì từ công thức suy ra."
"Công thức nào thế?"
"..." Bỗng dưng tôi muốn vung nắm đấm đánh người, nhưng thấy vẻ mặt ngây thơ vô số tội của đằng ấy, cảm xúc dâng trào trong tôi phút chốc lại nguôi ngoai dần.
"Huy này, mày còn nhớ cô Huyền đã nói gì không?" Tôi trầm ngâm, "Nếu ví kiến thức ba năm lớp 10, 11, 12 như một tòa nhà thì kiến thức lớp 10 lại đóng vai trò của một cái nền móng, mà nền móng chính là cơ sở của một công trình vững chắc. Năm nay mày học không được thì hai năm sau chắc chắn mày sẽ ngủm củ tỏi."
"Ừm thì..."
"Em Nhật Duy lên giải câu 1 trang 14 cho thầy."
Thầy Lý không biết từ khi nào đã đứng sau bàn hai đứa tôi, tôi không biết thầy có nghe lỏm được câu lảm nhảm vừa rồi của tôi không, nhưng trước mắt tôi đã thấy ngượng chín người.
Tôi cười méo xệch, cầm xấp đề lên, lẳng lặng lên bảng giải bài tập.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro