7. Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

Những ngày chờ thư, ta thường đến chùa Am thăm mẹ. Mẹ xuất gia từ hồi ta theo Thái Tổ lên kinh; thuở còn khoẻ mạnh đã không rời chùa, cao tuổi lại càng không. Mỗi ngày bà chỉ ăn được một bữa, gượng dậy tụng được một hồi nhật tụng, không thể ngồi quá lâu. Ấy vậy mà bà cụ không cho ta ở lại chùa, bảo đã có các sư cô, ni sư chăm nom giúp. Huống hồ luật lệ nhà chùa nghiêm khắc, tuy ta là con nhưng không phải người cửa Phật, không thể suốt ngày hầu hạ bên cạnh một ni sư. Bà cụ cho là phải, ta đành nài nỉ:

— Bạch cô, nếu đã vậy con chỉ xin được năng đến chùa, vừa thăm sư cô, vừa để nghe kinh kệ. Chắc các ni sư không nỡ cấm con tu tập.

Từ chối là vậy, song bà cụ có vẻ rất vui khi hay ta đến thăm. Trông bà cụ có thần và ăn uống cũng khoẻ hơn trước, có hôm còn đủ sức đi cùng ta từ nhà trai ra gác chuông, hoặc ngồi giảng kinh cho ta hơn hai khắc.

Rõ ràng cũng giống như ta, mẹ là người bước ra từ khói lửa, nhưng ở bà cụ ta không thấy chút bóng dáng quá khứ nào. Bà cụ giống như một người ta thân quen đã lâu nhưng đến từ một vùng khác, không phải Đại Việt, không có chiến trận và những lần chạy loạn. Không chỉ vì bà cụ không nhắc câu nào về chuyện cũ, ấy còn là vì trong đôi mắt đã mờ đục, thường híp lại ấy, ta không đọc được vết tích mấy mươi năm kia. Do mẹ ta được Phật lý, Phật âm gột rửa hay do ta người trần mắt thịt, lênh đênh ở cõi đọa đày quá lâu, nên nghĩ đâu đâu và ai ai cũng phải như mình, lòng đầy chấp nhất?

Hẳn là ngày nào đó ta cũng sẽ như mẹ, không còn tha thiết gì nữa hoặc không muốn tha thiết thêm gì rồi nương nhờ cửa Phật. Bây giờ còn nhiều tâm nguyện quá, lại có những việc đôi khi không biết nên làm hay không, ta biết mình chưa buông bỏ thế tục được. Chấp nhất, thật ra chỉ để kiên trì mà thôi.

Thư của Ngọc Châu đến La Giang vào một ngày nắng ráo, khi ta và Vân đang loanh quanh ở vườn xem lũ trẻ xách nước tưới rau. Giữa tiếng nô đùa í ới, một giọng đàn bà hành lễ vang lên khiến đám trẻ nín bặt, tò mò ngước nhìn. Người đàn bà ấy là tam bảo nô của chùa Am, dâng cho ta một bức thư, thưa rằng vừa nhận được từ quan truyền tin. Y ta kể chuyện mình đi ngày đi đêm từ Đông Kinh xuống La Giang, thị nghĩ thư gấp rút nên dâng hẳn cho ta lúc này.

Ta đã định mở thư, chợt nghĩ để mẹ nghe tin Ngọc Châu chắc cũng không phải điều gì phạm giới luật, nên giục Vân theo đến hậu điện tìm bà cụ. Bà cụ bấy giờ đang nằm trên sập nghỉ ngơi, mắt hơi lim dim. Thoạt thấy hai ta vào trong bà cụ hơi trở mình, giọng yếu ớt:

— Mới ở vườn về à? Con cũng có tuổi rồi, bớt việc nào thì hay việc ấy.

— Bạch cô, con xem đám con nít tưới rau thôi, không nặng nhọc gì. Vừa hay có thư trên kinh nên con mang qua đây để cô cùng nghe.

— Của ai thế?

— Của cái Châu ạ. Nó lấy chồng rồi, con có kể cho cô nghe đấy. Hôm rồi lúc về La Giang con viết thư báo bình an, chờ nó phúc thư, nay mới nhận được.

Thấy bà cụ không phản bác gì, chỉ gật gù rồi “à” một tiếng nhẹ, ta giở đưa thư cho Vân. Thư rất dài, thị lại đọc thủng thẳng, đến đoạn vui còn dừng lại góp vào mấy câu. Bà cụ nằm yên lắng nghe, mái đầu bạc ngả trên chiếu cói, khuôn miệng móm mém màu trầu hơi hé như cười. Nghe đến chuyện Thái Dương công chúa, bà cụ có vẻ hơi ngạc nhiên, chờ Vân đọc xong thư mới hỏi:

— Con nói trước khi về La Giang có đến Trang Kè. Ở đó cũng không có tin gì à?

— Nhà họ đang có hiếu sự. Người quen của con thường đi lại đằng ấy cũng bảo y không nghe nhắc gì. Cô cũng biết con cái ông Nguyên Hãng có hiềm khích với bà Thái Dương, con hỏi thẳng chỉ e không tiện. — Ta nheo mắt đọc lại lời Ngọc Châu, một mặt vẫn trả lời bà cụ. — Cũng may chồng Ngọc Châu là Lê Ban có người quen ở trang ấy. Cậu ta giờ đang làm quan trên kinh, sắp tới về quê, muốn nhân tiện ghé La Giang gặp con kể chuyện.

Đôi mắt khép hờ của cụ bà díu lại chỉ còn một đường chỉ, trông như đang cố mường tượng đường từ Đông Kinh xuống La Giang bà cụ từng đi gần năm mươi năm trước, hoặc cố nhớ lại Lê Ban là ai, đã nghe ta nhắc tới lần nào hay chưa. Ta còn nghĩ mẹ định hỏi mình câu gì, vậy mà cuối cùng bà cụ chỉ thở dài, dặn:

— Con muốn tìm ai thì cứ gắng mà tìm.

Ta thất thần hồi lâu, đầu chợt lóe lên chiếc vòng tay, những mẩu giấy ngả màu và cái hộp gỗ Thân đưa cho xem lúc ở phủ Thượng tướng. Tuổi tác đã gần bảy mươi, mấy năm nay thời gian đối với ta chỉ còn là con số, nhưng không biết từ hôm nào nó còn mang thêm nghĩa lưỡng lự, áy náy, sợ sệt, mong cầu. Thời gian càng có nghĩa người ta càng tham lam sự sống. Cái chết từng bị coi nhẹ trở thành nỗi lo sợ hay một điều gì đó vừa tiếc nuối, vừa kinh hoàng. Điều buồn cười nhất là những tham cầu ấy lại xuất hiện ở kẻ một kẻ già tuổi già đời, đã chắc mẩm không còn gì lưu luyến như ta.

Duyên phận là thứ lạ kỳ: vị đồng liêu mà Lê Ban cậy nhờ hóa ra lại là con trai của Hưng, cháu của Nguyên Hãng. Ta chỉ biết việc này khi cậu ta mang theo gió bụi đường xa đến gõ cửa chùa Am xin gặp. Đó là một người thanh niên khoảng hăm lăm, hăm sáu tuổi, cung cách và y phục giản dị. Cậu ta xưng mình tên Cố, là con út của Nguyễn Công Hưng sống ở Trang Kè. Lâu nay Hưng vẫn âm thầm tìm lại tung tích của nhiều người, trong đó có công chúa Thái Dương nhưng không để ai hay. Cố tình cờ biết được nhưng không mấy rõ ràng, cũng không thể tự lần theo từng người để hỏi thăm. Vừa hay nghe Lê Ban dò la, cậu ta bèn xin gặp ta, xem như đôi bên giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy nói là thuận đường nhưng từ Trang Kè đến La Giang cũng hơn một trăm bảy mươi dặm, mất khoảng ba bốn ngày đi đường. Cố đến chùa vào ban trưa, được sắp xếp dùng cơm và nghỉ lại qua đêm ở đây. Ta còn định sáng mai mới tiếp chuyện thì xế chiều, sau khi xong cơm nước và nghỉ ngơi được khoảng hai canh giờ, cậu ta đến xin gặp mặt. Bộ quần áo đi đường đã thay thành áo thâm chéo vạt sạch sẽ, phẳng phiu, và nhờ đánh một giấc lại sức mà thần tình cậu ta sáng sủa hơn nhiều. Vừa qua khỏi ngưỡng cửa cậu ta đã vái chào rất đúng mực, thưa:

— Con biết lệnh bà định ngày mai mới hỏi chuyện con, nhưng vì trên kinh còn nhiều sự vụ chưa xong, con không tiện nán lại lâu, chỉ đành quấy quả lệnh bà. Xin bà rộng lòng thứ cho.

— Anh không cần “lệnh bà” đến  “lệnh bà” đi đâu, cứ gọi “cụ” là được rồi. — Nhác thấy anh ta sắp từ chối, ta khoát khoát tay. — Ta cũng có tuổi, gọi “cụ” thì phải hơn.

Cố cúi đầu:

— Cháu xin vâng lời cụ dạy.

Khi đã yên vị trên chiếu, Cố bắt đầu đưa chuyện. Cậu ta chỉ biết ta là người của tiền triều, còn về ta là ai và vì sao biết cha ông cậu ta thì chưa rõ. Ta lấy làm ngờ, chỉ kể vắn tắt một vài chuyện từ lúc mình còn là công chúa Huy Chân đến khi hợp mưu với họ Trần, trong đó có công chúa Thái Dương, để lật đổ họ Hồ cho đến khi loạn lạc giặc giã, mỗi người một nơi, biệt tích lẫn nhau. Về phần Nguyên Hãng và thân phận Nguyễn Công Hàng hiện tại ta còn chần chừ chưa kể với Cố, vì có lẽ cha ông cậu ta muốn giữ bí mật tránh liên lụy đời sau.

Cố có vẻ còn thắc mắc nhưng cũng biết không tiện hỏi thêm, bèn nhắc đến công chúa Thái Dương. Lắc đầu, cậu ta cất giọng tiếc thương xen lẫn chút hãi hùng:

— Thưa, ông cụ nhà cháu có kể sau khi ám sát Hồ Quý Ly không thành, phàm những người liên quan đến họ Trần và gia quyến nam thì bị trấn nước hoặc giết chết, nữ thì biếm làm tỳ, hầu hạ ở đâu không rõ. Sau này cháu lên kinh, nghe nhiều người kể lại mới hay đàn bà con gái vâng lời thì phục dịch trong cung, ưa nhìn hơn thì được làm con hát trong cung hoặc gia kỹ. Nhưng cũng có người phải vào giáo phường, vì quá tuổi làm ca nương nên chỉ hầu hạ người khác thôi.

Cố nói một câu lồng ngực ta quặn thêm một lần, bàn tay đặt hờ trên đùi run lẩy bẩy. “Sao lại có người bị bán vào giáo phường?”, ta nghe tiếng côn trùng kêu chiều tối đột ngột tắt mất, chỉ còn giọng mình thều thào, như bàn tay thò lên từ khe sâu nhưng không đủ sức rướn vực người dậy. Cái vực tăm tối trong lời kể ấy nuốt chửng thần trí ta trong thoáng chốc, đến nỗi ta tưởng không phải mình tỉnh táo hỏi mà hỏi lúc đang ngủ mê, khi xung quanh biến thành bóng đen đặc quánh.

Cố nhỏ giọng nhắc nhở ta, ý không dám kể tiếp:

— Cháu xin cụ giữ gìn, chuyện đã qua cả rồi.

Ta lắc đầu, thấy tầm mắt mình mờ dần, cũng chẳng biết nên nói gì tiếp theo. Vì sao còn chưa kết thúc? Chiến loạn qua rồi, tranh đoạt qua rồi, Đại Việt bây giờ chỉ còn yên bình thôi. Nhưng yên bình cùng lắm chỉ chấm dứt khói lửa, còn chia li và trùng phùng hình như không liên quan gì đến nó. Người ở lại như ta không còn lo sống nay chết mai, nhưng cũng không tài nào tách bạch bản thân khỏi chia li và chuyện sống chết như trước kia. Những thứ ấy vẫn còn ám nơi trần thế, dù trong hình dạng hài cốt dưới vườn mơ hay trong lời kể của hậu thế.

Mất một lúc lâu để ta tìm lại mình từ những hình dung nửa thực nửa hư kia, rồi phải mất thêm một lúc nữa mới tìm được giọng nói của mình. Tuy ta bảo mình không sao, Cố vẫn lo lắng, ngập ngừng không biết nên kể tiếp hay không. Ta ra hiệu lần nữa, cuối cùng cậu ta mới trả lời:

— Những người bị bán vào giáo phường có khi do không có thân phận gì cao, cao nhất là vợ con của hàng lục phẩm, tòng lục phẩm; cũng có khi do kết thù với họ Hồ, dù từng hiển hách nhưng không ai cả nể. Biếm xuống hạng như thế, cháu đoán là để làm nhục. Về phần họ Trần và công chúa Thái Dương, thầy cháu có sưu tầm chép lại một ít. Cháu cứ tưởng ông cụ giấu giếm, không ngờ vừa biết chuyện ông cụ đưa ghi chép cho cháu ngay…

Sau quãng đầu dè dặt, Cố bắt đầu hóm hỉnh khi nhắc đến thầy mình, đoạn ngước mắt nhìn ta chân thành và thẳng thắn, không giấu vẻ tò mò như đứa trẻ nhìn món đồ chơi lạ trên tay người lớn. Trong niềm đinh ninh của cậu ta, có lẽ ta là người giữ chìa khóa chiếc hộp quá khứ và thân phận của cả gia đình ở Trang Kè. Cũng có khi sự khẳng định của ta chỉ là thứ củng cố phán đoán của Cố thôi, vì một người luôn cẩn thận quan sát mọi thứ lại không thấy tiểu tiết gia đình mình thì thật lạ.

Nói rồi cậu ta dâng lên một quyển ghi chép cũ, nhờ được giữ gìn nên cả góc giấy cũng còn thẳng thớm. Bên trong chép hành trạng của nhiều người, phần công chúa Thái Dương chép thế này: Khi Thái bảo Trần Nguyên Hãng mang theo gia quyến chạy xuống Diễn Châu, công chúa Thái Dương quyết định ở lại, chỉ gửi con trai của mình và Linh Đức đại vương — Thuận Đức vương theo. Đến Diễn Châu, Thuận Đức và một số thân tín tách khỏi đoàn, đi đâu trú ngụ không rõ, mãi sau này mới có tin là đi theo Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng. Đế nổi dậy không thành, bị bắt rồi tự vẫn trên biển khi bị áp giải đến Yên Kinh, thế nên kết cục của Thuận Đức chắc không khác là bao. Thái Dương công chúa bặt tin trên kinh, sau này nhiều cung tì kể lại bà bị giam lỏng ở Thăng Long trong suốt thời gian họ Hồ tại quyền. Giặc Ngô chiếm kinh thành, bà trốn thoát, nương náu ở giáo phường rồi chết khi giết giặc.

Còn giết thế nào, vẻn vẹn một câu “cả giáo phường bị cháy trụi” là đủ. Sự thật đúng hay sai nằm ở phía sau, nhưng không còn ai buồn hay dám truy cứu sâu xa nữa.

Kết cục của Thái Dương là điều ta dự liệu được từ đầu — chết — nhưng tuyệt không phải cái chết đầy phẫn uất, căm thù này. Thái Dương mà ta biết, ngoại trừ việc liên quan đến Phủ quân ty Nguyên Uyên, chưa làm việc gì cá chết lưới rách đến mức này. Ta thậm chí còn không biết mình có nên mừng thay bà hay không, vì dù gì nếu chọn con đường giống như ta, có khi cái chết của bà không “ngắn gọn” và đáng kính như trong lời Hưng kể. Đó là việc đáng mừng, và cũng có thể dự được rằng Hưng không căm ghét bà như ta đã nghĩ. Nhưng đau buồn cũng không phải giả. Tấm thân già cỗi này của ta thậm chí quá sức khi cố cho rằng mình không đau buồn, hoặc là cảm thấy điều gì khác ngoài đau và buồn, trong khi thật ra không còn gì cả. Nỗi đau, dù có nguồn cơn phức tạp đến đâu, cuối cùng đều lên đến tột cùng khi đầu óc trống rỗng, lòng quặn thắt, người run rẩy mà thôi.

Người ta như lún xuống hồ bùn mênh mông, từng chút từng chút một, lạnh lẽo và nặng nề. Hai có gần gũi đến mức này hay không, và việc có từng gần gũi, kính yêu còn quan trọng nữa hay không? Ta không tự mình trả lời được. Điều thực sự quật ngã một ta tự cho là cứng cỏi đã hơn sáu mươi năm nay, không phải cái chết đã liệu được của Thái Dương, mà là dường như ta là người sót lại sau cùng trong số tất cả những anh em, bạn hữu từng có.

Không biết lặng người bao lâu, mà khi ta hồi thần vì tiếng chuông chiều, lồng ngực đã nghẹn cứng, đau điếng như nghìn năm rồi chưa thở. Tiếng chuông trầm đục kéo hơi thở ra khỏi cơ thể, dồn vào, rồi kéo ra. Tiếng chuông cũng dồn vào tâm trí ta cảnh bên ngoài bình yên mà ảm đạm khôn cùng. Theo âm chuông chầm chậm vang xa, bóng tối lan dần mọi ngõ ngách, in lên bầu trời hoàng hôn đỏ quạch những bóng đen không rõ hình thù, mà đoán chừng một hai khắc nữa thôi những vệt bóng, mảng đen ấy cũng không còn là bóng đen nữa.

— Cụ ơi…

Chuông chiều đã tan. Có tiếng Cố thốt lên khe khẽ. Mắt cậu ta đăm đăm nhìn, cả nét mặt lẫn dáng ngồi rướn người để lộ lo lắng rõ ràng. Ta thở hắt, chờ cho qua cơn ho húng hắng mới tiếp chuyện:

— Ta không sao đâu. Cũng thật lòng đội ơn anh vì kể cho ta nhiều chuyện quá. Nhưng theo anh kể thì thầy anh có ý giấu anh hết ư, không tiết lộ một chút gì?

— Cụ quá lời ạ. Còn chuyện thầy cháu, trước đây ông cụ có giấu nhưng không hẳn là giấu kín như bưng. Cháu về thăm nhà năm, sáu hôm rồi mới xuống đây, chuyện này ông cụ cũng biết. Vì biết người cháu gặp là cụ nên đêm qua trước khi đi thầy mới đưa cháu quyển ghi chép này, cháu còn chưa kịp đọc kỹ càng.

Ta tiện tay lật qua vài trang, vờ bâng quơ hỏi Cố:

— Anh biết vì sao thầy anh sưu tầm chuyện của họ Trần không?

— Xin thưa thật với cụ, cháu chưa biết nhưng đã ngờ ngợ. Việc này và việc cháu làm quan trên kinh hình như có liên quan, nhưng cháu không rõ mười mươi thế nào. Lần này tướng quân Lê Ban nhờ cậy, cháu nghĩ cụ là người của tiền triều ắt phải biết một hai, có lẽ sẽ giúp cháu gỡ bỏ khúc mắc…

— Liên quan đến việc làm quan trên kinh ư?

— Vâng, toàn bộ là thế này. Cháu thi đỗ, vốn nên về Diễn Châu làm quan nhỏ, mà chính cháu cũng có ý thế. Ông cụ nhà cháu lại muốn cháu lên kinh, dặn cháu cố gắng xin ở lại làm xã quan cũng được, dần dần thăng quan tiến chức.

Sao Hưng lại nhất quyết bắt con trai mình ở lại Đông Kinh chứ? Mặc dù họ Lê lên ngôi danh chính ngôn thuận, họ Trần chỉ là dĩ vãng, nhưng đã là vua ai lại không e ngại hậu nhân của tiền triều. Cái chết của Thái úy Trần Nguyên Hãn đời Thái Tổ là điều răn cho cả vua lẫn tôi. Vị này tuy chưa rõ là con cháu của ai trong số các chi họ Trần, hoặc thậm chí không phải, và điều cốt yếu khiến ông chết là vì Quận Ai vương Lê Tư Tề được ông ủng hộ đã thất thế trong cuộc đoạt đích với Lê Thái Tông Lê Nguyên Long; nhưng không thể phủ nhận Thái Tổ hoài nghi ông là người họ Trần và mưu phản vì họ Trần. Cố chỉ là một thanh niên trẻ, mấy năm nay thi cử chưa từng nghe tiếng tăm, hồi hương làm quan là điều hợp lý. Cậu ta không biết thân phận mình đã đành, lại cố làm quan trên kinh rồi giao du được với người có quan phẩm cao như Lê Ban đặt ra thắc mắc vô cùng lớn. Quan trọng nhất, nếu để Đông Kinh biết Nguyễn Cố thật ra là Trần Cố, cháu nhiều đời của vua Trần, mối giao hảo với những người như Lê Ban chưa chắc đã là có lợi cho cậu ta. Tuy không hung hiểm đến tính mạng nhưng việc Hưng bảo con lên kinh quả thật không nên.

Thấy ta đăm chiêu Cố cũng thấp thỏm hỏi:

— Sao vậy ạ?

— Chuyện thân thế… Chắc anh cũng đoán ra mình là con cháu họ Trần.

Không ngoài dự liệu, Cố bình tĩnh đáp “vâng”. Ta thở dài:

— Ban đầu ta không định kể cho anh, vì chính cha anh cũng không kể. Hơn nữa hôm ma chay của Thái bảo ta cũng có đến, cha anh có vẻ không thích người họ Trần. Giờ xem ra không phải như vậy. Ông ấy biết anh đến gặp ta, chắc cũng có ý “gửi gắm”...

Nói đến đây ta hơi buồn cười, càng không hiểu được tính tình của Hưng. Có lẽ Cố biết đủ nhiều, ta chỉ kể những chuyện từ hồi bọn ta còn mười mấy hai mươi, ở Thăng Long, rồi việc Thái Dương được gả cho Thái bảo Nguyên Hãng, sau đó họ Trần thật sự tan đàn xẻ nghé vào năm Kiến Tân thứ hai. Cậu ta chăm chú lắng nghe đến sập tối mà vẫn còn nấn ná, hai tay đặt trên đùi không yên được, mãi mới hỏi ta:

— Thưa cụ, nếu lên Đông Kinh là vào hiểm cảnh, vì sao thầy cháu vẫn bắt cháu đi?

— Sao anh không hỏi thầy mình mà hỏi một người ngoài như ta! — Ta cười thành tiếng. — Ý đồ của thầy anh, mong muốn của thầy anh, tham vọng của thầy anh… chỉ mình ông ấy biết. Ta có thể đoán đôi chút, ta nghĩ anh cũng vậy, nhưng nói với nhau thì có ích gì. Phải xem anh muốn thế nào, thuyết phục thầy anh có được hay không.

Cố dường như hiểu ý ta, cũng biết “tham vọng” ta đang nhắc đến là gì. Vơi bớt thắc mắc nhưng trông cậu ta không mấy vui vẻ, trái lại còn nặng nề, ảo não hơn. Quả nhiên có những việc càng cất công đi tìm câu trả lời thì càng thất vọng.

Trước khi Cố về, ta hỏi mượn cậu ta quyển ghi chép một đêm. Cậu ta bảo ngày mai phải đến trưa mới xuất phát về Trang Kè, nói đi nói lại rằng buổi sáng ta không cần cho người sang trả, để cậu ta tự sang đây lấy, xong xuôi mới chịu về phòng.

T Từ sau giờ cơm chiều đến canh hai, ta đọc miệt mài, mãi cũng sắp xong. Số người Hưng tìm được tung tích và hành trạng dĩ nhiên nhiều hơn ta, ngoài tôn thất họ Trần còn một vài quan lại trung thành, nhưng số còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Y chủ yếu liên lạc với gia quyến và hậu nhân của họ, thông tin đầy đủ, kể như y với họ ít nhiều cũng quen biết. Song người ta muốn tìm nhất vẫn chưa thấy tên. Ta lật thêm mấy trang, không đợi được nên lật ngược từ sau ra, cuối cùng cũng thấy cái tên "Hà Cô Trung" nằm gần cuối quyển, kẹp cùng trang là một mẩu giấy.

Đúng là một mẩu giấy như để đánh dấu, được gập làm đôi, nhưng giấy nhỏ, nếp gấp được miết quá kỹ nên gần như dính chặt vào gáy sách, giũ cũng không ra. Ta chưa đọc vội, lướt mắt sơ qua hành trạng của Cô Trung trước. Ngoài những điều Trịnh thị cho biết, trong này còn ghi thêm Cô Trung hiện đã thay tên đổi họ thành Nguyễn Trung, nhưng không phải "trung" trong "trung thành" mà là "trung" trong "trung dung". Lướt tay trên hàng chữ chợt khiến ta nhớ ngày xưa, khi Cô Trung viết tên tự của y cho ta xem. Y tự là Trung Đạo, nhiều lần bị hiểu lầm là người mộ Phật nhưng không phải. Đó là thứ y theo đuổi, luôn luôn, hẳn thế nên mới có cái tên Nguyễn Trung bây giờ.

Chắc rằng không còn thông tin gì khác về y nữa ta mới xem đến mẩu giấy. Dù đã thử đoán trước ý đồ của Hưng, ta vẫn không khỏi bất ngờ về sự cố chấp của Hưng khi đọc. Việc Cố nhận lời Lê Ban có lẽ là vô tình, nhưng lúc sau khi Hưng biết người Cố muốn tìm đến là ta, có lẽ ông ta đã nung nấu lại ý nghĩ của mình. Phục Trần. Gầy dựng lại họ Trần. Và tất nhiên, là gầy trên một cuộc loạn lạc chưa biết. Cùng với ta, công chúa cuối cùng của Duệ Tông hoàng đế, được nhiều người trọng vọng và là phi tần của Thái Tổ.

Triều Lê đã trải ba đời rồi, Hưng vẫn không chấp nhận dòng dõi đến từ phía nam này, nhất là khi triều đình có quá nhiều biến chuyển, ba năm trước còn tôn Bang Cơ mới một tuổi lên ngôi. Quốc sự không vững vàng khiến phương nam lăm le Đại Việt như hổ rình mồi. Nhưng Hưng không nghĩ lại, có lẽ nhờ người phương nam như Thái Tổ đuổi giặc lên ngôi, đặt thêm Tây Kinh mới bớt được một hiểm hoạ dân phía nam nổi dậy hoặc bắt tay với Chiêm Thành như hồi Trần mạt.

Ngay cả người gần đất xa trời như ta còn không hiểu Hưng đang nghĩ gì. Lắc đầu, ta kẹp mẩu giấy lại đúng trang vừa nãy, để nó che khuất tên Cô Trung đi.

Sáng hôm sau, Cố sang đây lấy lại quyển ghi chép như đúng hẹn, lấy xong còn xin ngồi lại hầu chuyện đôi câu. Dường như ấy chỉ là cái cớ, vì cậu ta hỏi câu nào cũng ngập ngừng, mắt láo liên như sợ ai bắt tội. Chợt nhớ cậu ta từng nói mình đã đọc quyển ghi chép một phần, có lẽ hôm nay muốn chuyển lời thầy mình. Ta nhẹ giọng:

— Có việc gì, anh cứ nói.

— Thưa… — Cậu ta lau mồ hôi, đầu không dám ngẩng. — Chắc cụ đã thấy lời của gia phụ rồi. Vậy…

— Anh hỏi vì sao thầy bắt anh lên kinh làm quan, đấy xem như câu trả lời cho anh vậy. Dẫu sao ta vẫn có lời với anh, mong anh chuyển đến thầy mình. Họ Trần đã hết rồi, giang sơn là do họ Lê giành về từ tay giặc, đừng để sử chép họ Trần vô ơn.

Quá trưa, trời nắng to, Cố ra về. Ta định giữ cậu ta đến xế chiều khi trời dịu mát mà không được, đành tiễn cậu ra một đoạn ra đến tam quan chùa. Dọc đường nhớ lại ngày qua, ta không nhịn được cười mỉm:

— Thế là mất công anh đến đây. Ta không giúp được gì cho thầy anh, mà câu trả lời anh muốn cũng có sẵn rồi.

Ngoài dự tính, Cố lắc đầu, ánh mắt cũng không còn vẻ tinh tường quan sát như hôm qua. Cậu ta cười hiền:

— Không đâu ạ. Nhiều chuyện phải tai nghe mắt thấy, nếu không chỉ là hoang tưởng trong đầu. Cháu không đi thì không biết gì. Cháu cũng được cụ chỉ bảo, phải đội ơn cụ và mấy trăm dặm đường này mới phải.

Sự lạc quan hôm ấy của Cố đưa ta vào những giấc mơ liên tục, đằng đẵng.

Cái nắng hè năm Kiến Tân thứ hai như thiêu như đốt, dội khô cả lá rừng. Mùa ấy lá rụng nhiều, đoàn ta gần sáu trăm người ngày đêm vượt núi băng rừng đi về phương nam trong lo sợ, vì rừng là nơi trú ẩn cuối cùng của chúng ta. Đường thiên lý và tất cả các nẻo đường chính hoặc phong tỏa, hoặc bị canh gác nghiêm ngặt, nhà dân cũng không cho ai ngủ nhờ vì sợ chứa chấp tòng phạm ám sát Hồ Quý Ly. Một là đường rừng cheo leo đầy dã thú, hai là đường lớn với lòng người đa đoan, chúng ta chọn đường thứ nhất. Trong cả ký ức lẫn giấc mơ những đêm qua, không ít người đã bỏ mạng dọc đường, vì thú dữ, vì rắn độc, vì đói khát và bệnh tật, hoặc chỉ vì trượt chân. Từ sáu trăm người chỉ còn năm trăm lẻ, và đáng lẽ ta đã nằm trong số những người bỏ mạng ấy. Nhưng vì là công chúa, ta được ưu tiên cứu chữa. Lần đầu tiên ta thấy được làm công chúa là một phúc phận, dù thời thế có nên nông nỗi nào.

Một tháng sau ngày khởi hành, nhiều người trong đoàn bắt đầu phát sốt, mặt mũi vàng vọt, tay chân không còn sức. Không có kiệu cáng, người khỏe phải thay phiên dìu hoặc cõng người ốm đi. Người cõng ta là Cô Trung, song y chưa từng thay phiên với ai, cũng chẳng kêu ca gì. Nhìn những người không trụ được, phải ở lại dọc đường chờ chết, ta thường xót xa bảo y. Nếu ngày mai ta cũng như thế, mong y đừng cố gắng làm gì, dành sức cõng người còn đau yếu khác. Thường thường, y trầm ngâm. Sự trầm ngâm của y làm ta rối bời, bởi ta chưa từng muốn chết. Nhưng trong chuyến đi này, cái chết là một phần và cũng là điều được báo trước. Chỉ là ta không cam lòng khi y ngầm tán thành ý mình, thế thôi. Người ta vốn dĩ ích kỷ và mâu thuẫn, ta cũng không ngoại lệ.

Một buổi trưa dừng chân bên suối, Cô Trung để ta ngồi trên đá tảng còn mình đi lấy nước. Khi y trở về ta không nhịn được hỏi:

— Anh có hối hận không? Giống như đang đi vào chỗ chết ấy. Không biết còn ai sống đến khi tới La Giang, chẳng thà ở lại Thăng Long…

— Muốn biết hối hận hay không thì phải làm. — Y đưa cho ta nước, nói nhẹ như không. — Nhưng làm rồi, hối hận rồi cũng không quay về được nữa.

Theo ánh nhìn của y, ta dõi mắt ra xa. Khúc rừng này thăm thẳm mịt mờ, lá khô dưới chân giữ hơi sương đêm qua, nắng trên đầu không xuyên nổi lá. Trong này chẳng có lấy một lối mòn, đường đi toàn do gia nô có kinh nghiệm đi rừng của bác cả và bác hai mở ra. Đoàn ta đi qua, con đường lại “biến mất”, chỉ biết đường đi tới mà không biết đường quay về.

Có lẽ sau lưng ta là Thăng Long. Cũng có lẽ sau lưng ta là cái chết. Dù hành động thế nào, rồi cũng có một khắc con người cho rằng mình có nhiều lựa chọn khôn ngoan hơn. Nhưng nếu là khôn ngoan, vì sao người ta chưa từng mảy may nghĩ đến?

— Không đi thì làm sao biết sống hay chết.

Cô Trung ngồi xuống cạnh ta, so so hai chân. Y đi một đôi giày rách bươm, để lộ mấy chỗ da thịt đỏ hoe, chi chít bọc nước. Thế nhưng y vẫn nhìn vết thương của mình bằng ánh nhìn thờ ơ, vô cảm, thảng hoặc là vui mừng. Nỗi đau này, ta nghĩ thôi, khiến y biết rằng mình còn sống. Gánh nặng và khổ đau đôi khi là chứng minh của sự tồn tại, nhưng ta chỉ nhìn thấy điều ấy ở người khác, còn bản thân mình thì không vì đã sốt đến kiệt sức rồi. Trong lúc mơ màng, ta nghe y gọi tên mình, dài và nhiều lần, có khi gằn giọng, có khi nỉ non. Y nói với ta, chưa cố gắng sống thì không được chết.

Khi đó ta chỉ ước mình có thể tỉnh lại để hỏi y, nhà tan, nước sắp mất, ta còn cố gắng sống vì điều gì. Chính y là người vực ta dậy, để ta biết ta sống là vì những người đã mất vì cung phụng những người trong hoàng tộc, mất kế hoạch giành quyền bính đại bại, mất vì xuôi nam cùng ta, hoặc mất dưới lưỡi gươm quân thu. Phải chăng vì vậy nên cuối cùng y chọn ra chiến trường rồi giả tử trận? Để nửa đời đầu của ta sống để yêu, còn nửa đời sau sống để nhớ và vì y? Thật buồn cười. Ta không được trách y. Song, mấy ai thoát khỏi cảm giác hờn đau và tự giễu khi bị người mình yêu thương dối lừa, mà nguyên nhân lại là mình như thế?

Có một đêm, ta mơ thấy y mặc chiến giáp trở về điền trang của mẹ con ta ở La Giang. Ta vẫn còn trẻ, y cũng chưa già, bộ chiến giáp thì sáng loáng như ngày y lên đường ra trận. Mọi thứ như còn tinh khôi, nguyên vẹn, kể cả ánh nắng trong giấc mộng đang rọi trong đáy mắt y. Khi y nhìn ta, trong mắt y chỉ có ánh sáng, không có gương mặt ta. Y nhoẻn nhẹ khóe môi, thần tình nhẹ nhàng và thong dong khác xa y vốn dĩ, hỏi ta bằng một giọng cũng nhẹ tênh:

— Vì sao công chúa còn chưa đến tìm tôi?

— Anh ở đâu?

Ta ngơ ngác. Không nghe câu trả lời, ta hấp tấp đưa tay muốn níu vạt áo y nhưng những thứ bắt được hóa cả thành ánh sáng. Ta hỏi một lần nữa, y vẫn im thin thít. Nhiều lần như thế cho đến khi ta gào lên, cuối cùng y cũng đưa tay gõ nhẹ vào thái dương của ta, đáp nhỏ:

— Thưa công chúa, tôi ở đây suốt.

Giật mình tỉnh dậy giữa khuya, người ta mướt mồ hôi, bủn rủn, cảm giác như cơn sốt rừng năm ấy ùa về. Quả tim đập như trống bỏi trong lồng ngực, thay y thổn thức hỏi ta, ta còn định để y làm ảo ảnh trong đầu đến bao giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro