Tôi là con của Doãn Trọng Hân.
Nhưng ông không phải cha ruột của tôi, tôi biết điều đó. Những người hàng xóm thường trêu đùa, lời ra tiếng vào về sự thật ấy. Tôi không mấy để tâm.
Vì tôi biết ba thực sự thương tôi, kể cả dòng máu của ông không chảy trong huyết quản của tôi, chúng tôi vẫn là người một nhà. Một tay ba nuôi nấng tôi từ thuở tôi còn đỏ hỏn, nhận tôi về từ cô nhi viện, một mình 'Gà trống nuôi con' đến nay là 10 năm ròng rã. Ba là người vĩ đại nhất đối với tôi. Không phải vì ông làm được những điều lớn lao phi thường, mà là vì ông đã nhẫn nại thương yêu đứa con không cùng huyết thống là tôi. Khi tôi chập chững những bước đi đầu tiên, tôi không sợ vấp ngã vì luôn có vòng tay ông ở đó. Khi tôi đến trường, ông cũng là người nắm tay tôi trong ngày đầu tiên của lớp một. Hay khi tôi mắc lỗi, ông luôn mỉm cười dịu dàng. Nhìn ánh mắt ông trìu mến, lòng tôi an toàn đến lạ và ông cũng chưa bao giờ trách mắng tôi nặng nề cả.
Tôi từng thắc mắc tại sao người hoàn hảo như ba–một vị bác sĩ tài ba lại không kết hôn với người con gái nào và lập gia đình. Chưa một lần tôi thấy chiếc nhẫn cưới hay tấm ảnh nào của ba đứng cạnh với bất kỳ người phụ nữ khác. Cũng có lần bản thân hỏi ba rằng người chưa từng cảm nắng ai sao, cuối cùng chỉ nhận lại một nụ cười thật hiền và cái xoa đầu yêu từ ông.
'Hẳn Người đã chôn chặt trái tim mình cùng lý tưởng cách mạng, để một lòng hy sinh chiến đấu cùng tổ quốc mà quên đi những cảm xúc riêng tư của bản thân'
Tôi quyết định không hỏi gì thêm, vì có thể ba không muốn nhắc đến điều đó.
Không phải là vị chỉ là một vị bác sĩ bình thường, ba còn là một vị bác sĩ đã từng phục vụ trong kháng chiến. Tôi thích nhất là được đắm chìm trong những câu chuyện ba kể về thời kháng chiến. Ba Hân là sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội. Ông đã tự nguyện rời xa không gian bình yên của tuổi học trò, dưới sự an toàn bảo bọc của mái trường mà quyết tâm quyết tử cho tổ quốc sinh, tham gia vào mặt trận giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Ba kể say sưa về những câu chuyện của thời kháng chiến. Những câu chuyện thời đó tuy khó khăn đủ đường nhưng tràn đầy tiếng cười, là một bức tranh đa màu, nơi mà những khoảnh khắc hài hước giản dị đời thường đan xen với những gian nan thử thách nghìn trùng. Những người lính, y bác sĩ, và cả những người nông dân chân lấm tay bùn cùng nhau trải qua muôn vàn khốc liệt, dẫu vậy trên khuôn mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười, vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và đầy ắp hy vọng.
Giữa những cuộc hành quân dài ngày, nơi từng bước chân đều mang nặng sự mệt mỏi và lo lắng, là những lúc những câu chuyện vui nhộn và trò đùa nhỏ bé vẫn thường xuất hiện. Những người chiến sĩ thanh niên xung phong hay ngồi quây quần quanh bếp lửa, chia sẻ những câu chuyện hài hước về cuộc sống trước chiến tranh, về những lần bỡ ngỡ trong lần đầu gặp nhau, hay những trò tinh nghịch khiến ai nấy đều cười nghiêng ngả. Những tiếng cười vang lên như những bản nhạc dịu êm nhưng hào sảng vô cùng, xua tan bớt phần nào cái sự căng thẳng và mệt mỏi.
Ở trạm xá tiền phương, nơi ba tôi và các y bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ để cứu chữa thương binh, vẫn luôn có những khoảnh khắc đáng nhớ. Đôi khi là những câu bông đùa hài hước của các bác sĩ để xóa tan cái không khí căng thẳng, khi lại đầy ắp niềm vui và xúc động khi một ca phẫu thuật thành công, hay những lời động viên đầy tình cảm của các y tá dành cho người bệnh nhân. Dù công việc căng thẳng và áp lực, nhưng những nụ cười và tình đồng đội ấm áp vẫn luôn là nguồn động viên tinh thần lớn nhất.
Những người lính trên đường hành quân cùng nhau chia sẻ từng miếng ăn, từng giọt nước, và cả những nỗi lo âu. Nhưng trong từng ánh mắt và nụ cười, họ tìm thấy sự an ủi và niềm tin mạnh mẽ vào độc lập ngày mai. Có những buổi tối, sau những ngày làm việc mệt nhọc, họ ngồi lại cùng nhau, đàn hát những bài ca cách mạng, kể cho nhau nghe về những khát vọng đẹp đẽ ở một tương lai tươi sáng khi hòa bình trở lại. Những tiếng hát, tiếng cười ấy vang vọng trong màn đêm, trở thành nguồn sức mạnh vô hình giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Cuộc sống thời chiến đầy gian khổ, nhưng chính những khoảnh khắc tràn đầy tin yêu và hạnh phúc ấy đã giúp họ giữ vững niềm tin và hy vọng về con đường phía trước. Tiếng cười là liều thuốc tinh thần quý giá, là ngọn lửa sưởi ấm trái tim và thắp sáng con đường cách mạng họ đang đi.
Đêm nào ba cung thao thao bất tuyệt, kể những kỷ niệm của một thời xưa cũ một cách đầy hào sảng. Điều đó khiến trái tim tôi cũng vô thức được lấp đầy bằng những cảm xúc tự hào khó tả. Như thể tôi hạnh phúc khi nghĩ về ba, người đàn ông chôn vùi tuổi thanh xuân mình tại nơi bom đạn khói lửa nhưng vẫn tràn đầy tin yêu và hạnh phúc.
Hẳn là ông đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn mà không còn gì để nuối tiếc.
-----------------
Hôm ấy, Hà Nội tiết trời thiu thiu u uất đến khó tả, tựa như tâm trạng tôi hiện tại.
Dẫu Người đã đi hết cả một quãng đời, trải qua những năm tháng rực rỡ rồi dần dần tàn phai ở cái tuổi xế chiều. Tâm trạng tôi cứ man mác, có cái gì đó day dứt, tĩnh lặng đến đau đớn, như một khoảng trống sâu hoắm trong lòng. Cảm giác cô đơn vây quanh, như những ký ức về cha, những buổi chiều dài, những câu chuyện chưa kịp kể, giờ chỉ còn là những hình bóng mờ nhạt. Nỗi đau như cơn sóng lặng lẽ dâng tràn, nhấn chìm mọi niềm vui trong sự tiếc nuối và những giọt nước mắt không ngừng rơi.
May tôi có chồng con ở bên, luôn âu yếm an ủi, vực lại tâm trạng tôi trong những ngày chuẩn bị lễ 'hậu sự' cho ông. Đến những ngày sau, tôi mới có đủ dũng khí để bước vào căn phòng đọc sách của ông.
Ba Hân bắt đầu dành thời gian mỗi ngày để đọc sách trong căn phòng đó khi ông nhận ra mình đã dần đến ngưỡng cửa của cuộc đời, nơi tuổi tác đang buông rèm cuối cùng lên những ký ức và ước mơ chưa thực hiện. Điểm đặc biệt là căn phòng ấy thường được khóa lại, như cách tôi cảm giác vẫn còn điều gì đó được ông 'cất giữ' đối với tôi. Ngày ông nằm trên giường bệnh mà gần đất xa trời, Người mới đưa chiếc chìa khóa ra. Ông không nói gì, tôi vẫn tự hiểu điều ông muốn.
Thế là giờ đây tôi đang đứng trong chiếc thư phòng đó. Thư phòng nhỏ xinh với hai chiếc kệ sách đứng trang nhã trên hai bức tường đối diện, là nơi lưu giữ những kho tàng tri thức của ba, từ sách tiểu thuyết cho tới các sách chuyên môn y khoa. Ánh sáng tràn ngập từ chiếc cửa sổ lớn đối diện tôi, làm bừng sáng rạng rỡ cả căn phòng, nổi bật những hàng sách xếp ngay ngắn trên kệ tủ đã sờn cũ những vết thời gian. Không khí trong phòng cảm giác ấm cúng và bình yên, như mời gọi tôi đến để thư giãn và đắm chìm trong thế giới của những câu chữ. Khóe miệng tôi khẽ cong lên, thích thú khi khám phá ra một chỗ trốn bí mật của ba mình.
Rồi tôi đánh mắt hướng về hai di ảnh độc một chỗ trên chiếc kệ nhỏ hơn ở góc phòng, cạnh chiếc bàn làm việc nhỏ. Bức hình đen trắng đã nhạt màu, nhưng khuôn mặt của người trong ảnh thì vẫn rất rõ ràng ngũ quan. Chính là ba Hân, và một người đàn ông khác. Người đàn ông kia có đôi lông mày thanh tú đặc biệt cùng sống mũi cao và thẳng tạo nên một vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng cũng đầy sự nhẹ nhàng. Nụ cười của ông ta, tươi tắn với hàm răng đều, khiến bản thân tôi cảm thấy gần gũi và dễ chịu đến bất ngờ. Một bức chỉ riêng về người đàn ông đó, bức còn lại là hình ba Hân với nụ cười rực rỡ tựa nắng mai đang tay trong tay với vị đàn ông kia. Người nọ mặc chiếc quân phục trông trang nghiêm rắn rỏi, ba tôi thì nhã nhặn đường hoàng với chiếc áo blouse trắng.
Có vẻ hai người là bạn thân.
Và trên tấm ảnh của người nọ, tôi đọc được một cái tên có vẻ là của ông ta: Thôi Thắng Triệt.
Đưa mắt sang bên cạnh, có một chiếc hộp sắt đã cũ và còn rỉ sét. Bên trong đó toàn là những bức thư, chiếc thì ngả màu, chiếc thì lốm chốm những vệt ố vàng nhưng may mắn thế nào do được bảo quản kĩ nên tất cả nét mực trông vẫn còn rất mới. Không những vậy, đi cùng hàng trăm bức thư còn có cả một cuốn nhật ký và một chiếc bật lửa bằng sắt đã bị hỏng.
Chiếc bật lửa có khắc 3 ký tự "H x T"
Tôi mở từng trang giấy, có chút xúc động vì như thấy được những thước phim về hành trình trưởng thành của ba. Mỗi trang giấy như mở ra một cánh cửa vào quá khứ, tiết lộ hành trình cuộc đời cha từ những ngày đầu thơ ấu đến khi Người trưởng thành. Những dòng chữ chân thành, ẩn chứa ước mơ, nỗi buồn và có cả thành công của cha, khiến lòng tôi rung động sâu sắc. Cảm giác như được kết nối lại với cha qua những kỷ niệm và tâm tư của ông, làm dấy lên niềm tự hào bé nhỏ "Thì ra đây là ba ngày bé".
Đó là cho đến khi tôi thấy những trang nhật ký sau này của ông bắt đầu xuất hiện thêm cái tên của một người khác.
Cái tên ấy cũng vừa lạ vừa quen.
"A! Là người đàn ông vừa nãy!"
Tôi đọc và đọc, đọc những trang nhật ký đang dần mở ra những tâm tư thầm kín của Người, có cả những cảm xúc mới nhú đầy đẹp đẽ của một tình yêu nở rộ thời niên thiếu, và cũng xuất hiện, những nỗi đau đớn tột cùng đến xé cả tâm gan.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro