Chương 0: Boot-Boot-Boot-Boot
Ngày 28 tháng 6 năm 1914.
10 giờ 58 phút sáng – Quán cafe Moritz Schiller, Sarajevo.
Không khí trong quán cafe nặng trĩu một nỗi thất vọng khôn cùng. Gavrilo Princip, Vaso Cubrilovic, Cvjetko Popovic ngồi lặng lẽ, mắt dán vào những tách café trước mặt. Mùi hương đậm đắng vẫn tỏa lên từ những ly sứ trắng, nhưng chẳng ai trong số họ còn tâm trạng để thưởng thức.
Chỉ mới vài phút trước, họ còn tin rằng một cuộc cách mạng đang đến gần—rằng họ sẽ là những người khơi mào cho một tương lai mới và tốt đẹp hơn. Nhưng giờ đây, mọi thứ dường như đã sụp đổ.
Nedeljko Cabrinovic, đồng bọn với họ, đã ném một quả bom vào chiếc xe chở thái tử Franz Ferdinand. Nhưng định mệnh lại trêu ngươi—quả bom nảy lên từ mui xe, rơi xuống đường và phát nổ ngay dưới chiếc xe hộ tống phía sau. Một vài sĩ quan và dân thường bị thương, nhưng mục tiêu chính vẫn bình an vô sự.
Cabrinovic, trong cơn tuyệt vọng, đã cố gắng tự sát bằng viên thuốc độc mang theo. Nhưng viên thuốc đã quá hạn, chỉ khiến anh ta nôn mửa dữ dội. Anh ta lao xuống sông Miljacka với hy vọng chết chìm, nhưng dòng sông lại quá nông để nhấn chìm một con người, Cabrinovic chỉ bị què.
Khi cảnh sát và đám đông ập tới, hắn bị lôi lên bờ, đánh đập không thương tiếc trước khi bị giải đi.
Tin tức lan truyền nhanh như lửa cháy trên cánh đồng khô. Chẳng mấy chốc, toàn bộ lực lượng cảnh sát Sarajevo đã tỏa ra khắp thành phố, truy lùng những kẻ đồng mưu. Những kẻ âm mưu còn lại không còn đường lui.
Popovic là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng, giọng anh ta trầm đục, mệt mỏi:
"Chúng ta làm gì bây giờ?"
Popovic hạ thấp giọng, bàn tay vô thức siết chặt khẩu Mauser C96 trong túi áo. Giọng anh ta trầm, chất chứa nỗi cay đắng:
"Không còn gì nữa rồi... Chúng ta đã thất bại thật rồi"
Một nỗi tuyệt vọng lặng lẽ bao trùm lên cả ba người. Họ không nói, nhưng tất cả đều hiểu. Chẳng bao lâu nữa, cảnh sát sẽ ập vào đây. Và khi đó, họ chỉ có hai lựa chọn—một là bị bắt hoặc hai là tự sát.
Princip cúi đầu, tay nắm chặt báng súng trong túi. Hắn chưa bao giờ sợ chết. Nhưng thất bại này là quá cay đắng. Tất cả chúng tôi đã đặt cược tất cả hi vọng vào buổi sáng hôm nay, vào khoảnh khắc mà tất cả chúng tôi đã tin rằng mình đã có thể làm thay đổi vận mệnh dân tộc Bosnia và bán đảo Balkan. Vậy mà giờ đây... mọi thứ đã tan thành mây khói.
Nhục nhã quá.
Nhưng đúng vào khoảnh khắc đó—
10 giờ 59 phút sáng – Một sai lầm định mệnh của tài xế.
Một chiếc xe mui trần hiệu Graf & Stift Double Phaeton màu xám xẵm xuất hiện trên con phố phía trước quán cafe.
Princip vô thức liếc nhìn ra ngoài, ánh mắt hắn dừng lại trên một dáng người quen thuộc.
Không thể nào...
Hắn nín thở.
Cubrilovic và Popovic cũng đã nhìn thấy. Anh ta chớp mắt, tưởng mình đang hoa mắt.
"Không thể nào..." Cubrilovic lẩm bẩm.
Cubrilovic lập tức rút vội một tờ giấy từ trong túi áo, đọc nhanh:
"Thái tử mặc quân phục màu xanh lam pha đen, trên mũ chào mào có ngù lông màu xanh lục...Vương phi mặc váy lụa trắng, đội mũ trắng bạc... Chiếc xe... màu xám, biển số... A ll ll 18"
Princip nắm chặt thành bàn. Hắn nhận ra mọi chi tiết đều trùng khớp.
"Là họ!" Cubrilovic thở hổn hển. "Chính là họ!"
Popovic bàng hoàng:
"Nhưng... sao họ lại quay lại đây!?"
"Kệ đi! Chúa đứng về chúng ta rồi!" Cubrilovic nói
Không có thời gian để suy nghĩ. Đây là cơ hội duy nhất. Không ai biết vì sao chiếc xe lại xuất hiện ở đây, nhưng điều đó không quan trọng.
Princip đứng bật dậy, ánh mắt bừng sáng một cách nguy hiểm.
"Để tôi lo!"
Cubrilovic và Popovic không hề do dự, liền bật dậy đi theo. Nếu đây là số phận, họ sẽ không bỏ lỡ.
"Cubrilovic! Popovic! Giữ chân bọn cảnh sát!" Princip ra lệnh.
Không chần chừ, Cubrilovic và Popovic rút súng.
"ĐOÀNG! ĐOÀNG!"
Hai phát súng chát chúa vang lên, xé toạc không gian tĩnh lặng. Hai viên đạn ghim thẳng vào chân hai viên cảnh sát gần đó, khiến họ ngã quỵ xuống đường, kêu lên đau đớn.
Đám đông hét lên hoảng loạn. Người dân hoảng sợ chạy tán loạn, trong khi một số khác kinh hoàng đứng nhìn.
11 giờ 0 phút sáng – Hai phát súng thay đổi lịch sử
Gavrilo Princip lao ra giữa đường, tay siết chặt khẩu Fabrique Nationale (FN 1910).
Tim hắn đập dồn dập, hơi thở nặng nề. Cả thế giới như thu nhỏ lại chỉ còn chiếc xe trước mặt.
Tay hắn nâng lên.
Hắn bóp cò.
"ĐOÀNG!"
Viên đạn đầu tiên xuyên qua bụng Vương phi Sopherl. Bà bật thốt lên một tiếng nhỏ, rồi ngã xuống ghế, máu thấm ướt tấm váy trắng tinh.
Franz Ferdinand quay đầu sang vợ, ánh mắt tràn đầy hoảng hốt.
"ĐOÀNG!"
Viên đạn thứ hai găm thẳng vào cổ Thái tử. Má.u phun ra xối xả, nhuộm đỏ quân phục xanh lam của ông.
Thái tử há miệng, nhưng chỉ có má.u trào ra. Ông cố gắng nói, cố gắng giữ lấy vợ mình. Giọng ông nghẹn lại, đứt quãng:
"Sopherl, Sopherl... đừng chết... hãy vì con của chúng ta..." Rồi ngài lịm đi.
Và Sopherl cũng không còn nghe thấy gì nữa.
Chiếc xe lập tức rồ ga, lao đi với tốc độ tối đa về dinh tỉnh trưởng, nơi các bác sĩ đã sẵn sàng. Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích.
Chỉ vài phút sau vào trưa 11 giờ trưa ngày 28 hôm ấy, Franz Ferdinand và Sopherl đã chết.
Ngày hôm sau, một chuyến tàu tang lễ chở thi thể họ về Viên.
Cả châu Âu nín thở. Cơn bão đã bắt đầu.
____
"Thế giới đang thay đổi. Một trật tự cũ, đang dần bị cuốn trôi trong lò lửa chiến tranh. Những đám mây đen u ám, từng chỉ là những vệt mờ nơi chân trời, nay đã nhuốm màu thép lửa. Điều gì đang chờ đợi chúng ta phía trước? Hòa bình hay diệt vong!?"
Ngày 28 tháng 6 năm 1914, tại thành phố Sarajevo, hai viên đạn đã làm rung chuyển cả thế giới. Thái tử Franz Ferdinand của Đế quốc Áo-Hung và vợ bị ám sát bởi một thành viên của nhóm dân tộc chủ nghĩa Serbia – Bàn Tay Đen. Chỉ trong vài giờ, tin tức này đã tràn ngập trên trang nhất các tờ báo khắp châu Âu, lan truyền từ Vienna đến London, từ Paris đến Saint Petersburg. Những căng thẳng vốn đã âm ỉ bấy lâu giữa các cường quốc giờ đây như một mạch thuốc súng chỉ chờ ngòi nổ.
Áo-Hung căm phẫn. Serbia lo lắng. Đức sục sôi. Nga giận dữ. Anh và Pháp căng thẳng theo dõi từng động thái. Một mắt xích nhỏ trong hệ thống liên minh phức tạp đã đứt gãy, kéo theo cả một chuỗi phản ứng dây chuyền không thể dừng lại.
___
Ngày 23 tháng 7 năm 1914, ba tuần sau vụ ám sát, Đế quốc Áo-Hung gửi một tối hậu thư gồm 10 điều khoản cho Serbia. Nội dung của nó chẳng khác nào một sự sỉ nhục. Áo-Hung yêu cầu Serbia phải dập tắt mọi phong trào chống đối, bắt giữ những kẻ chủ mưu, và quan trọng nhất là cho phép các điều tra viên Áo-Hung hoạt động trên lãnh thổ của họ. Serbia chỉ có 48 giờ để phản hồi.
Nội dung tối hậu thư như sau:
1. Serbia phải chính thức lên án mọi hình thức tuyên truyền chống lại Đế quốc Áo-Hung và đàn áp tất cả những cá nhân, tổ chức có xu hướng kích động chủ nghĩa dân tộc chống Vienna.
2. Serbia phải công nhận công khai rằng họ đã thất bại trong việc kiểm soát phong trào ly khai, dẫn đến vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand, và chính phủ Serbia phải gửi lời xin lỗi chính thức đến Áo-Hung.
3. Serbia phải ngay lập tức giải tán tất cả các tổ chức chống Áo-Hung, đặc biệt là nhóm Bàn Tay Đen, Hội Narodna Odbrana (Bảo vệ Quốc gia) và các tổ chức liên quan khác.
4. Serbia phải loại bỏ tất cả những viên chức chính phủ, sĩ quan quân đội và cảnh sát bị Vienna cáo buộc có liên quan đến các hoạt động chống Áo-Hung.
5. Serbia phải chấp nhận để cảnh sát và quan chức tư pháp của Áo-Hung tham gia vào cuộc điều tra vụ ám sát Franz Ferdinand ngay trên lãnh thổ Serbia.
6. Serbia phải chấp nhận hợp tác với Áo-Hung trong việc truy quét và tiêu diệt các tổ chức khủng bố, không được can thiệp vào hoạt động của mật vụ Áo-Hung tại Serbia.
7. Serbia phải chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động tuyên truyền chống Áo-Hung trên báo chí, trường học, và các tổ chức công cộng.
8. Serbia phải ngăn cấm mọi hoạt động vận động chính trị, quân sự chống lại Áo-Hung trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả các phong trào vũ trang tại Bosnia và Herzegovina.
9. Serbia phải cung cấp cho Đế quốc Áo-Hung danh sách tất cả những phần tử chống đối đã hoạt động chống lại nhà nước Áo-Hung.
10. Serbia phải chấp nhận để các quan chức Áo-Hung trực tiếp giám sát việc thực thi các điều khoản trên.
Ngày 25 tháng 7, Serbia chấp nhận gần như tất cả các điều khoản, trừ điều khoản cuối cùng – một yêu cầu trắng trợn xâm phạm chủ quyền quốc gia. Lời phản hồi của họ không chỉ là sự nhượng bộ nửa vời mà còn mang theo thái độ coi thường. Họ tin rằng với sự hậu thuẫn của Nga, Áo-Hung sẽ không dám manh động. Nhưng họ đã nhầm.
Ở Vienna, cơn giận dữ dâng trào. Đế quốc Áo-Hung đã từ lâu bị xem là một "ông già cỗi" của châu Âu – chậm chạp, lụi tàn, và mất dần ảnh hưởng. Giờ đây, họ buộc phải hành động để bảo vệ danh dự. Đức – đồng minh trung thành của họ – cũng không còn kiên nhẫn. Nếu chiến tranh là điều tất yếu, Berlin sẵn sàng khai chiến với phe Hiệp ước.
Trong cơn bão tố chính trị đang cuốn châu Âu vào vòng xoáy chiến tranh, vẫn còn những tia hy vọng le lói. Một số cá nhân vẫn cố gắng giữ gìn hòa bình, tin rằng thảm họa này có thể được ngăn chặn nếu các cường quốc kịp thời suy xét lại.
Nhưng những nỗ lực ấy – dù đáng quý – chỉ như những giọt nước nhỏ giữa cơn sóng dữ.
Belgrade, ngày 10 tháng 7 năm 1914.
Trong những ngày căng thẳng nhất giữa Serbia và Đế quốc Áo-Hung, hai nhà ngoại giao kỳ cựu – Đại sứ Áo Baron Wladimir von Giesl và Đại sứ Nga Nicholas Hartwig – đã có một cuộc gặp mặt bí mật ngay tại tòa đại sứ Áo-Hung. Mục đích của cuộc họp không gì khác ngoài việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Dù hai người ở hai chiến tuyến khác nhau, họ đều hiểu rằng chiến tranh sẽ không mang lại lợi ích gì ngoài sự hủy diệt. Hartwig, một nhà ngoại giao lão luyện, luôn tin rằng Nga có thể đóng vai trò trung gian để kiềm chế Serbia, trong khi Giesl – dù có lập trường cứng rắn – cũng không muốn đế quốc của mình bị lôi kéo vào một cuộc chiến không cần thiết.
Thế nhưng, định mệnh không cho họ cơ hội ấy.
Giữa buổi thảo luận, Nicholas Hartwig đột nhiên ôm ngực, khuỵu xuống ngay tại phòng khách tòa đại sứ Áo-Hung, trước sự kinh hoàng của những người chứng kiến. Chỉ vài phút sau, ông qua đời – một cái chết được cho là do cơn đau tim cấp tính.
Nhưng liệu chỉ là một cơn đau tim đơn thuần?
Tin tức lan truyền như lửa cháy trong thành phố. Người Serbia không tin đây là sự trùng hợp. Một đại sứ Nga chết ngay trong tòa đại sứ của "kẻ thù", vào thời điểm mà quan hệ Serbia – Áo-Hung căng thẳng tột độ? Với người dân Belgrade, đây không khác gì một vụ ám sát do Áo-Hung sắp đặt, một lời tuyên chiến không chính thức.
Trong phút chốc, căng thẳng leo thang. Đám đông Serbia phẫn nộ bao vây đại sứ quán Áo-Hung, la ó đòi trả lại công lý cho Hartwig. Cảnh sát Serbia buộc phải can thiệp để tránh bạo loạn.
Bất chấp nỗ lực hòa giải, cái chết của Nicholas Hartwig trở thành một bước ngoặt. Nó không chỉ khiến Serbia càng nghi ngờ Áo-Hung, mà còn làm Nga càng quyết tâm bảo vệ đồng minh của mình bằng mọi giá.
Hay như
Khi Wilhelm II đi chơi về sau kỳ nghỉ, đã liền nhắn điện tín với Anh cùng nhau mở ra cả một hội đồng suy xét để tìm kiếm giải pháp hòa bình hơn là "ủng hộ Áo-Hung" như đã hứa, tuy nhiên chuyện đã đến nước không thể nào hòa giải. Wilhelm II sau đó còn đề nghị lính Áo chỉ cần đóng quân ở Belgrade thôi, để cho thấy "thiện chí" là Áo không muốn chiếm đất ai cả. Lệnh này được truyền cho chính Bethmann Hollweg, và ông ta tuy đã có động thái vào ngày 29-7 là sẽ trì hoãn bằng cách chờ xác nhận từ các bên về việc "đừng manh động, nếu không Đức sẽ manh động lại"
Rồi trước khi có phán quyết cuối cùng, Nicholas trong đêm rạng sáng ngày 29 tháng 7 đã gửi một bức điện tín đến cho Wilhelm II- người anh em họ của mình.
"Tôi vui vì anh đã trở lại sau kỳ nghỉ. Trong thời khắc quan trọng này, tôi khẩn cầu sự giúp đỡ của anh. Một cuộc chiến vô nghĩa sẽ xảy ra với một đất nước yếu thế nhỏ bé. Sự phẫn nộ của toàn dân Nga cũng như của tôi là rất lớn. Tôi đã thấy trước rằng rồi sớm thôi tôi sẽ gặp rất nhiều áp lực để mà sụp đổ, dẫn đến những hành động cực đoan mà gây ra chiến tranh. Để tránh đi những mất mát đau thương mà một cuộc chiến toàn Châu Âu có thể gây ra, tôi xin anh hãy nhân danh tình bạn lâu năm của chúng ta mà ngăn chặn đồng minh của anh lại bằng mọi cách,
Nicky."
Cùng lúc đó, Wilhelm II cũng gửi cho Nicholas II một bức điện tín
"... Tôi hiểu rõ anh gặp khó khăn lớn đến cỡ nào khi phải đối mặt với dư luận nội bộ. Vì vậy, vì sự quan tâm hết mực với tình bạn chân thành đã gắn kết chúng ta từ trước đến nay, tôi sẽ dùng hết toàn bộ sự ảnh hưởng của mình với Áo-Hung để giải quyết mọi thứ để giúp anh có thể đạt được nguyện vọng. Tôi mong rằng anh sẽ tiếp tục sát cánh cùng tôi để đối mặt với những khó khăn sẽ còn xảy ra sắp tới.
Người bạn chân thành và người anh em thương mến của anh.
Willy."
Nicholas II và Wilhelm II đã hồi đáp nhau suốt đêm đó, và cả những ngày sau cho đến tận ngày 1 tháng 8 năm 1914. Họ không xưng danh với nhau là Sa Hoàng (Tsar/Czar) và Hoàng đế (Kaiser), mà là Willy và Nicky. Sự tiềm tàng của cuộc chiến này đã lên cao trào đến mức mà hai người bạn, người anh em phải chung tay nhau hợp sức vì đại cuộc của cả thế giới chứ không chỉ là Châu Âu nếu chúng ta nhìn xa hơn. Mặc cho những sai lầm trong quá khứ, hai lãnh đạo này đang có những bước đi rất tốt như những quân vương thật sự.
Nhưng... mọi thứ... đã không còn có thể cứu vãn được nữa rồi!
___
Ngày 28 tháng 7 năm 1914
Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, những hồi chuông của chiến tranh cũng bắt đầu vọt vồng khắp các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngày 30 tháng 7, Nga chính thức huy động quân đội trên toàn quốc.
Ngày 31 tháng 7, Đức gửi tối hậu thư cho Nga, yêu cầu ngừng huy động trong vòng 12 giờ. Và không nhận lại được phản hồi.
Ngày 1 tháng 8, Đức tuyên chiến với Nga.
Ngày 3 tháng 8, Đức tuyên chiến với Pháp.
Ngày 4 tháng 8, Đức xâm lược Bỉ, Anh cũng nhập cuộc và tuyên chiến với Đức.
Chỉ trong vòng một tuần, mọi nỗ lực hòa bình đã bị chôn vùi dưới bánh xích chiến tranh. Những cỗ đại bác đã khai hỏa. Những đội quân đã lên đường. Không còn đường lui.
Thế giới chính thức rơi vào vòng xoáy của Thế chiến 1.
___
Tháng 8 năm 1914
Paris, Pháp
Paris chưa bao giờ sống động đến thế. Những con phố rực rỡ trong ánh nắng mùa hè, tràn ngập người. Những chàng trai trẻ khoác lên mình bộ quân phục xanh viền đỏ, đi qua các đại lộ rộng lớn, đón nhận những tràng vỗ tay cuồng nhiệt. Cờ bay phấp phới trên các ban công, những bài hát yêu nước vang lên trong không khí hân hoan.
Các bà mẹ đứng bên đường, vẫy tay tiễn biệt con trai mình. Các cô gái ôm chặt lấy những chàng trai, hứa hẹn sẽ chờ đợi ngày họ trở về trong khải hoàn.
Tất cả đều tin rằng cuộc chiến này sẽ ngắn ngủi. "Trước Giáng sinh, chúng ta sẽ trở về!"—đó là điều mà mọi người lính Pháp đều nói.
Không ai biết rằng, trong số những gương mặt rạng rỡ hôm nay, rất ít người sẽ còn sống để trở về.
Tháng 10 năm 1914
Mặt trận phía Tây, Bỉ
Mưa rơi không ngớt. Đất đai nơi này không còn là đất nữa—mà là bùn, một thứ bùn lầy sền sệt, nhấn chìm những đôi giày của người lính, níu lấy bước chân họ như muốn kéo họ xuống tận địa ngục.
Trong những chiến hào tối tăm, những người lính ngồi co ro, bám lấy khẩu súng trường như một thứ bùa hộ mệnh. Mặt đất rung chuyển dưới những tràng pháo, bầu trời đêm rực sáng bởi những vụ nổ.
Họ không còn là những chàng trai trẻ hân hoan ngày nào nữa. Những đôi mắt sáng rỡ giờ đây trũng sâu, thâm quầng vì mất ngủ, vì đói khát, vì nỗi kinh hoàng không thể gọi tên.
Họ không còn cười, không còn nói nhiều. Chỉ có những cái nhìn lặng lẽ, những cái bắt tay thật chặt mỗi khi có lệnh xung phong.
Phía bên kia chiến tuyến, kẻ địch cũng chẳng khác gì họ. Cũng là những người trẻ tuổi, cũng có gia đình, cũng từng mơ về một tương lai. Nhưng giờ đây, khi những lưỡi lê giương cao, khi tiếng còi vang lên, họ không còn nhìn nhau như những con người nữa.
Chỉ còn lại một điều: giết hoặc bị giết.
Chiến tranh đã thực sự bắt đầu.
Không còn những bài ca hân hoan. Không còn những lá cờ bay trong nắng. Không còn những lời hứa hẹn về một chiến thắng vẻ vang.
Chỉ còn máu, bùn, và cái chết.
"Cuộc chiến tranh để chấm dứt mọi cuộc chiến đã bắt đầu.
Cơn ác mộng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người đã khai màn!"
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro