Chương 1: Mây Mù
Ngày 1 tháng 8 năm 1914, Pháp.
Sau khi Đức tuyên chiến với Nga, nước Pháp – đồng minh lâu năm của Nga đã ngay lập tức bước vào trạng thái khẩn cấp. Lệnh tổng động viên được ban hành trên toàn quốc nhằm huy động toàn bộ nguồn lực quân sự để chống lại một nước Đức có quân đội đông đảo và chiến lược tấn công mạnh mẽ theo Kế hoạch Schlieffen. Đây là quyết định mang tính sống còn đối với nước Pháp.
Ngay trong ngày hôm đó, lệnh tổng động viên được công bố với khẩu hiệu:
"La Patrie en danger!" (Tổ quốc lâm nguy!)
Tất cả đàn ông từ 20 đến 48 tuổi đều có nghĩa vụ nhập ngũ, chia theo nhóm tuổi:
20 - 23 tuổi: Nhập ngũ ngay lập tức vào các đơn vị tuyến đầu.
24 - 32 tuổi: Gia nhập quân đội chính quy hoặc lực lượng dự bị hạng nhất.
33 - 40 tuổi: Điều động vào lực lượng dự bị hạng hai, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ hoặc chiến đấu khi cần thiết.
41 - 48 tuổi: Huy động vào lực lượng dân quân, bảo vệ hậu phương.
Những tờ lệnh tổng động viên được dán khắp các làng mạc, thị trấn, thành phố. Nhân viên chính quyền đi từng nhà, đọc to tên những người có trong danh sách. Đàn ông trong độ tuổi quy định phải lập tức đến điểm tập trung được chỉ định, thường là các doanh trại quân đội gần nhất. Hệ thống đường sắt được huy động tối đa, các chuyến tàu chật ních tân binh rời ga trong tiếng còi hú dài. Những ai từ chối thi hành nghĩa vụ có thể đối mặt với án phạt nặng nề, thậm chí bị coi là phản quốc.
Lệnh tổng động viên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng cuồng nhiệt.
"Chưa bao giờ có ngày nào như hôm đó... Hàng triệu người lên đường, nhà ga đông nghịt, hệ thống đường sắt tắc nghẽn vì quân đội. Ai cũng tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc với chiến thắng huy hoàng." – Một người lính Pháp nhớ lại.
Tháng Tám năm ấy, Paris rực rỡ dưới nắng vàng, tràn ngập trong những lời tiễn đưa. Các chàng trai trẻ, khoác lên mình bộ quân phục xanh viền đỏ, sải bước hiên ngang trên những đại lộ rộng lớn. Tiếng vỗ tay vang dội, những bài ca yêu nước rộn ràng, lá cờ tam tài phấp phới trên các ban công, như thể cả nước Pháp đang cùng nhau bước vào một cuộc viễn chinh huy hoàng.
Bên vệ đường, những bà mẹ giấu giọt nước mắt sau nụ cười, vẫy tay tiễn biệt con trai. Các cô gái ôm chặt người yêu, thì thầm những lời hứa hẹn ngày trở về. Trên gương mặt mọi người ánh lên niềm kiêu hãnh, như thể họ đang tiễn đưa những người hùng lên đường giành vinh quang cho Tổ quốc.
Thế nhưng, giữa dòng người hừng hực khí thế, vẫn có những ánh mắt u sầu. Người lao động nghèo lo lắng cho gia đình khi trụ cột ra đi. Những người nông dân băn khoăn về mùa màng sắp tới, khi cánh đồng chỉ còn lại đàn bà và trẻ nhỏ. Một số trí thức, những người theo chủ nghĩa hòa bình hay đơn giản là không tin vào cuộc chiến này, âm thầm tìm cách thoát khỏi nghĩa vụ. Nhưng họ chỉ là những thanh âm yếu ớt giữa tiếng hò reo náo nhiệt của một nước Pháp đang bước vào chiến tranh với niềm tin rực lửa và một chiến thắng huy hoàng.
Nhưng đó chỉ là khởi đầu... của những điều tồi tệ đối với những người vô tội.
Chỉ vài giờ sau lệnh tổng động viên, nước Pháp lại chứng kiến một cơn cuồng nộ khác: làn sóng bài Đức bùng lên dữ dội. Sự phấn khích của chiến tranh nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi hoài nghi và thù hận. Chính phủ lập tức ban hành hàng loạt biện pháp nhắm vào những người gốc Đức, hay bất kỳ ai bị nghi ngờ có cảm tình với kẻ thù. Trong bầu không khí sôi sục ấy, có lẽ chỉ cần mang một cái tên ngoại quốc thôi cũng đủ để trở thành mục tiêu của những kẻ quá khích.
Như:
Một người nhập cư gốc Đức đã sống ở Paris hàng chục năm, hòa nhập với thành phố này như một phần của nó. Thế nhưng, chỉ cần một lời tố cáo, ông lập tức trở thành gián điệp trong mắt hàng xóm. Không cần chứng cứ, không có cơ hội biện hộ—một câu nói thoáng qua cũng đủ để ông bị kéo đi trong sự căm ghét và nghi kỵ.
Hay
Một gia đình mang họ Đức, dù đã ở Pháp qua nhiều thế hệ, vẫn không thể thoát khỏi cơn sóng bài xích. Những lời miệt thị rì rầm sau lưng, những ánh mắt xa lánh, những trò quấy rối ngày một leo thang—mảnh kính vỡ vụn trước hiên nhà, những dòng chữ đầy hận thù vẽ nguệch ngoạc trên cánh cửa. Một cái tên có gốc gác sai lầm cũng đủ biến họ thành kẻ thù.
Các doanh nghiệp, cửa hàng mang tên Đức bị đập phá, cướp bóc không thương tiếc. Những quán cà phê, tiệm bánh mang dấu ấn Đức—từng là điểm hẹn quen thuộc của người Paris—giờ đây chỉ còn lại những khung cửa kính vỡ nát, những bức tường đầy vết sơn bôi bẩn. Một số đóng cửa trong im lặng, một số bị thiêu rụi giữa tiếng reo hò của đám đông.
Cơn cuồng nộ không dừng lại ở đó. Hàng loạt người bị bắt giữ mà không cần xét xử, bị đưa đến các trại tập trung ở những vùng xa xôi như Garaison, Noé, Fort Barraux, hay những pháo đài cũ. Không ai được quyền thanh minh. Không ai dám phản đối. Một lời bào chữa, một hành động cảm thông cũng có thể biến họ thành mục tiêu kế tiếp.
Sự bài xích không chỉ đến từ chính quyền mà còn len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống. Giáo viên gốc Đức bị đuổi khỏi trường học, trẻ em mang họ Đức bị bạn bè xa lánh, những người từng tự hào về hai dòng máu của mình giờ đây bị ép phải lựa chọn. Các nhà thờ Tin Lành bị đốt cháy, các hiệp hội văn hóa Đức bị giải tán như thể cả một di sản đang bị xóa sổ.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi chính phủ Pháp ban hành sắc lệnh trục xuất toàn bộ công dân Đức. Trong vòng 24 giờ, tất cả những ai mang quốc tịch Đức phải rời khỏi lãnh thổ Pháp. Các cuộc truy lùng diễn ra gắt gao. Hàng nghìn người bị đẩy lên những chuyến tàu, rời đi trong ánh mắt hằn học của đám đông. Những ai không kịp trốn chạy bị tống vào các trại tập trung, nơi họ bị giam cầm trong điều kiện tồi tệ, như những kẻ phạm trọng tội.
Chỉ sau một ngày, họ từ công dân trở thành kẻ thù. Những người hàng xóm từng cùng nhau nâng ly trong những buổi tối ấm cúng, từng cất tiếng hát bên nhau trong những lễ hội tưng bừng, nay quay lưng tố giác, hò hét, xua đuổi họ như thể họ mang trong mình một mầm bệnh đáng sợ. Không còn ai nhớ đến những năm tháng chung sống hòa thuận, không còn ai bận tâm đến tình bạn hay lòng trung thành—chỉ còn lại nỗi sợ hãi, sự phẫn nộ và khát khao tìm kiếm một kẻ để trút giận.
Nước Pháp đã chính thức bước vào chiến tranh—không chỉ với kẻ thù ngoài biên giới, mà còn với chính những con người từng là một phần của nó, những con người từng góp sức xây dựng nó, và giờ đây bị chối bỏ không chút do dự.
Và...
Giữa những người bị trục xuất, trong đó có cả Karl—một nông dân gốc Đức đã chọn gắn bó với một vùng quê nhỏ ở Pháp. Anh từng nghĩ mình đã tìm thấy bình yên ở nơi này. Một trang trại nhỏ ở Saint-Mihiel, một người vợ dịu dàng, một đứa con bé bỏng... tất cả những gì một người đàn ông bình thường cần để sống một cuộc đời giản dị nhưng trọn vẹn. Cha vợ anh, Emile, cũng từng là một người lính. Ông đã trải qua chiến tranh Pháp-Phổ, chứng kiến đủ những mất mát để hiểu rằng không có gì quý giá hơn hòa bình. Và chính nơi đây, họ đã cùng nhau vun đắp một gia đình, những cánh đồng lúa mì, những buổi sáng bình yên bên tách cà phê nóng và tiếng cười con trẻ.
Nhưng rồi chiến tranh lại đến, như một cơn lũ cuốn trôi mọi thứ. Lệnh tổng động viên và trục xuất đã phá nát tất cả.
Gia đình nhỏ bé ấy bị chia lìa trong chớp mắt. Karl, như bao người mang dòng máu Đức khác, bị buộc phải rời đi. Không có thời gian để thu dọn, không có cơ hội để nói lời từ biệt. Khi anh nhận được lệnh trục xuất, trời vẫn còn chưa sáng rõ. Chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, mọi thứ từng là cuộc sống của anh đã thuộc về quá khứ.
Trên chuyến tàu không hẹn ngày trở lại, Karl nhìn Paris lần cuối—thành phố từng là quê hương thứ hai của mình. Ở đó, căn nhà anh dựng xây vẫn còn, vợ con anh vẫn còn, nhưng anh thì không còn quyền ở lại nữa. Chỉ vì dòng máu chảy trong huyết quản, anh bị xem là kẻ xa lạ trên chính mảnh đất mà anh đã yêu thương, gắn bó. Và anh biết rõ, một khi đã rời đi, sẽ chẳng còn cơ hội nào để quay về.
__
Về phía Emile, số phận của ông cũng chẳng khá hơn mấy.
Vài ngày sau khi Karl rời đi, một lá thư được gửi đến hòm thư nhà Emile. Một mảnh giấy nhỏ bé nhưng mang theo sức nặng khủng khiếp. Những dòng chữ in đậm, lạnh lùng như một phán quyết không thể chối cãi:
"ARMÉE DE TERRE ET ARMÉE DE MER
ORDRE
DE MOBILISATION GÉNÉRALE"
(Lục quân và Hải quân
Lệnh
Tổng động viên)
Tay Emile run lên khi mở thư. Ông biết ngày này sẽ đến, nhưng không ngờ nó lại ập đến quá nhanh. Karl đã bị cuốn đi bởi chiến tranh, và giờ đến lượt ông.
Ở tuổi sáu mươi ba này, lẽ ra Emile đã có thể sống những ngày tháng bình yên. Ông đã làm tròn bổn phận với đất nước khi còn trẻ, đã nếm đủ những mất mát và khổ đau của chiến trường. Giờ đây, ông chỉ muốn được ở bên gia đình, chăm sóc đứa cháu trai nhỏ, chứng kiến con gái mình tìm lại hạnh phúc. Nhưng chiến tranh không quan tâm đến tuổi tác, không quan tâm đến gia đình hay những giấc mơ bình dị. Nó chỉ biết đòi hỏi thêm nhiều người đàn ông, thêm nhiều mạng sống để ném vào guồng quay tàn khốc ngoài kia.
Từ chối không phải là một lựa chọn. Nếu ông chống lại lệnh tổng động viên, người ta sẽ gọi ông là kẻ phản quốc. Ông sẽ bị lôi ra tòa án binh, bị sỉ nhục, có thể bị hành quyết. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là con gái ông—một người phụ nữ đã góa chồng—sẽ bị xã hội ruồng bỏ. Đứa cháu trai bé bỏng của ông rồi sẽ lớn lên với cái bóng của một người ông hèn nhát, một vết nhơ không thể xóa mờ.
Đêm hôm đó, Emile không ngủ. Ông ngồi bên nôi cháu, lắng nghe từng hơi thở đều đặn của đứa trẻ. Cậu bé ngủ say, bàn tay nhỏ xíu nắm chặt một chiếc khăn. Một năm trước, khi thằng bé chào đời, ông đã thề sẽ bảo vệ nó khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Nhưng giờ đây, chính ông lại phải bỏ nó mà đi.
Sáng hôm sau, Emile khoác lên mình bộ quần áo giản dị nhất, chuẩn bị rời đi. Khi đứng trước con gái, ông không tìm được lời nào để nói. Bao nhiêu năm qua, ông đã chứng kiến quá nhiều chia ly, quá nhiều những lời hứa không bao giờ được thực hiện. Ông không muốn để lại những hy vọng hão huyền.
Nhưng khi nhìn vào đôi mắt con gái—đôi mắt chất chứa đau thương nhưng vẫn cố gắng kìm nén—ông không thể ngăn mình đưa tay ôm lấy cô. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ông cảm thấy cô bé nhỏ bé ngày nào đang run lên trong vòng tay mình.
Rồi ông cúi xuống, đặt một nụ hôn lên trán đứa cháu trai chưa tròn một tuổi. Cậu bé vẫn cười khúc khích, bàn tay nhỏ xíu vươn ra chạm vào mặt ông như muốn giữ ông lại.
Emile khẽ thì thầm, giọng nói trầm khàn như thể mỗi từ đều nặng trĩu:
"Bố hứa... bố sẽ về với con, con gái của bố."
Cô nhìn ông, đôi mắt thấm đẫm đau thương nhưng không rơi một giọt nước mắt. Cả hai đều hiểu rằng lời hứa ấy mong manh như một chiếc lá nhỏ nhoi giữa cơn bão đang cuộn trào. Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Không ai dám chắc liệu sẽ còn có một ngày đoàn tụ.
Nhưng ngay cả khi biết trước sự thật tàn nhẫn ấy, họ vẫn chọn bấu víu vào một hy vọng, dù chỉ là mỏng manh.
Emile quay đi, từng bước chân nặng như chì. Ông rời khỏi căn nhà mà suốt bao năm qua vẫn luôn là chốn bình yên của mình. Ông rời khỏi chiếc bàn gỗ cũ kỹ, nơi mỗi buổi sáng vẫn thường đặt một tách cà phê nóng. Rời khỏi những bờ ruộng trải dài, nơi ông từng sẽ dạy cháu trai mình tập đi, rời khỏi tất cả những gì thân thuộc để bước vào một thế giới khác—thế giới của chiến tranh, của máu đổ, của những cái chết vô danh nơi chiến hào.
Tất cả đều ở lại phía sau.
Trước mắt ông là con đường trải dài hun hút, lạnh lẽo như chính số phận đang chờ đợi ông. Nó không dẫn đến mùa màng bội thu hay những ngày bình yên bên gia đình, mà dẫn ông đến nơi mà ngay cả những lời nguyện cầu cũng không thể chạm đến tai Chúa, nơi những tiếng gào thét lẫn trong tiếng đại bác, nơi con người bị cuốn vào guồng quay tàn nhẫn của chiến tranh mà không ai có thể thoát ra.
Và...
Cũng như hàng triệu người đàn ông khác, ông không biết liệu mình có thể sống sót để trở về hay không.
Chỉ biết rằng, một khi họ đã ra đi thì không ai có thể trở lại như con người của ngày hôm qua. Chiến tranh không chỉ cướp đi mạng sống, mà còn bào mòn những điều đẹp đẽ nhất trong tâm hồn những kẻ còn sống. Để rồi nếu còn may mắn trở về, họ cũng chỉ là những cái bóng lặng lẽ của chính mình trong quá khứ
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro