2
Sáng hôm ấy, trời xám tro như phủ một tấm lụa buồn lên phố xá Tây Viên. Gió lùa qua từng ngõ nhỏ, mang theo hơi lạnh cắt da thịt. Ga Nam Lộ đông nghịt người, tiếng còi tàu, tiếng gọi nhau, tiếng hành lý kéo lê, tất cả hòa thành một bản nhạc hỗn loạn.
Khuê đi trong đám đông, áo khoác lông mỏng phủ ngoài bộ y phục xanh lam, tay ôm chặt một hộp gỗ nhỏ bên ngực. Mỗi bước chân đều như đạp lên gai, gió cứa vào mặt khiến mắt cay xè, chẳng rõ vì lạnh hay vì điều gì khác.
Huân đã chờ sẵn ở sân ga, trong bộ quân phục chỉnh tề, cổ áo dựng cao, khẩu súng đeo bên hông như một phần thân thể. Nhưng ánh mắt hắn lúc nhìn thấy Khuê lại không mang vẻ của người thiếu tướng - mà là của một người đang cố giấu đi mọi xúc động sau vẻ ngoài lạnh lùng.
Huân bước tới, dừng lại trước mặt hắn.
"Lần này..chàng đi bao lâu?" - chàng hỏi, giọng nhẹ như gió sớm.
Huân đáp mà không nhìn thẳng:
"Không biết. Giang Tây đang bất ổn, phía tây lại vừa phát sinh phản loạn. Có thể là vài tháng. Có thể... lâu hơn."
Khuê gật đầu. Một khoảng lặng kéo dài. Họ đứng giữa đám đông người qua kẻ lại, nhưng dường như thế giới chỉ còn hai người họ.
"Chàng mang theo cái này." - Khuê mở hộp gỗ, bên trong là một chiếc khăn tay gấm đỏ, thêu hoa mai trắng ở góc, chỉ bạc viền mép đã hơi sờn.
"Được" - Huân đưa tay cầm lấy.
"Giữ cho kỹ, để chàng nhớ rằng vẫn có người đợi chờ" - Khuê mỉm cười. "Và... để nếu chẳng may có chuyện gì... người ta còn biết mà mang khăn trả tôi."
Huân siết khăn trong tay, ánh mắt tối lại. Hắn không nói gì. Hắn chỉ kéo mạnh Khuê vào lòng, ôm thật chặt như thể muốn khắc ghi hình bóng người kia vào xương tủy.
"Em không được nói những lời gở ấy."
"Thế thì chàng cũng không được chết."
"Ta sống... để còn nghe em hát."
Khoảng khắc ấy, còi tàu rít lên một tiếng dài. Tiếng người la gọi bắt đầu rộn ràng. Hành khách lục tục lên tàu. Một viên sĩ quan đến bên Huân, cúi đầu báo hiệu đã đến giờ.
Khuê ngẩng đầu, ghé môi lên má Huân, rồi lại rướn người hôn nhẹ lên môi hắn. Một nụ hôn vội vã, thoáng qua như hơi sương, nhưng mang theo cả nghìn vạn điều chưa nói.
"Đi đi." - Khuê thì thầm. "Tôi sẽ chờ. Chờ chàng mang bó mai về cho tôi."
Huân siết tay Khuê một lần cuối, rồi quay đi bước lên tàu. Hắn không ngoái đầu lại. Không dám.
Vì hắn biết, chỉ cần thấy đôi mắt người kia, hắn sẽ bị kéo lại - bị níu lại cả đời.
Hách Khuê đứng trên sân ga cho đến khi đoàn tàu khuất bóng sau làn khói. Gió thổi tung mái tóc đã rối, tà áo phấp phới bay như cánh bướm lạc mùa.
Trời hôm đó không mưa.
Nhưng gió rét như dao cứa.
-
Một năm, rồi hai năm. Ban đầu thư gửi về vẫn đều đặn, dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi viết vội trong lán trại tiền tuyến. Có khi chỉ là:
"Gió bên này lạnh. Em cũng đừng thức khuya quá."
Hoặc:
"Tôi mơ thấy em hát dưới hiên nhà, như hôm chúng ta trồng mai ngoài sân."
Khuê giữ từng mẩu thư như báu vật. Gấp ngay ngắn, đặt trong chiếc hộp gỗ sơn son, mỗi lần nhớ chàng, lại đem ra đọc, môi khẽ mấp máy như hát lại cho riêng một người.
Sang năm thứ hai, thư đến thưa dần. Khi thì vài tháng mới có một, nét chữ dần xiêu vẹo, nhòe mực. Có bức chỉ ghi mỗi dòng:
"Giang Tây bị đánh, tôi thoát thân. Vẫn sống."
Lần cuối cùng nhận được thư là vào một ngày đầu thu. Lá ngoài hiên đã ngả vàng. Trong thư, Chí Huân viết:
"Khi gió mùa về, mai chắc đã nở. Tôi sẽ về, muộn chút thôi."
Chữ "về" được viết đậm, như sợ Khuê không tin.
Rồi... không còn gì nữa.
Không thư, không tin tức, chỉ có một hộp gỗ được lính đưa đến, kèm lời lẽ cứng nhắc của công văn:
"Thiếu tướng vùng Đông Bắc, hi sinh trong trận phục kích tại biên giới Giang Tây. Thi thể không tìm thấy. Di vật gồm: mảnh quân phục, thẻ bài, và vật cá nhân."
Khuê mở hộp. Trong chiếc hộp lót nhung sẫm màu là mảnh quân phục dính vệt máu đã thâm đen. Thẻ bài bạc màu. Và chiếc khăn tay màu lam, thêu một nhành mai trắng run rẩy.
Khuê run rẩy cầm chiếc khăn, ngón tay lướt qua từng đường kim mũi chỉ mình đã thêu ngày chia tay. Khăn gấm đã bạc màu, nhưng vẫn phảng phất mùi hương trầm nhẹ nhẹ - mùi mà Huân hay gọi là "mùi của em".
"Không thể nào..."
Chàng lẩm bẩm, đôi mắt trống rỗng nhìn ra vườn mai đang độ tàn:
"Chàng từng nói sẽ sống để nghe tôi hát."
"Chàng chưa nghe xong mà..."
Không ai tìm thấy xác Huân. Không có lễ tang, không có vong ảnh. Chỉ có cái tên lạnh lùng được khắc vào tấm bia đá trong một nghĩa trang ngoài rìa Giang Nam.
Người ta nói mãi rồi cũng phải quên. Nhưng Hách Khuê thì không.
Mỗi đêm, chàng vẫn mặc áo gấm, điểm nhẹ phấn, lên sân khấu Tích Phong mà hát.
Giọng hát không còn trong trẻo như xưa, mà chất chứa nỗi đau của năm tháng, nỗi nghẹn ngào giấu sau từng lời ca.
-
Rạp hát Tích Phong - nơi từng vang vọng tiếng tỳ bà, phách gỗ, lời ca cổ - bị định phá để xây nhà máy chế tạo máy móc cho khu công nghiệp mới. Tin lan ra, người trong nghề than khóc, nhưng ai cũng hiểu: thời thế đổi thay, đâu ai giữ được mãi một mái rạp.
Đêm cuối cùng, khi mọi vật dụng đã dọn đi gần hết, sân khấu trơ trọi, bụi phủ trên sàn gỗ nứt nẻ, chỉ còn lại một dãy đèn dầu cũ, hắt lên ánh sáng yếu ớt.
Khuê một mình đến rạp. Không ai mời. Không ai đón.
Chàng mặc bộ y phục trắng thêu hoa mai mà mình chưa bao giờ mặc trước khán giả - y phục dành riêng cho đêm Chí Huân trở về, đêm không bao giờ tới.
Chàng bước lên sân khấu bằng đôi chân run rẩy vì cơn sốt kéo dài mấy tuần. Y bào bay nhẹ theo gió đêm. Không phấn, không son. Mặt mộc xanh xao, gầy gò, nhưng đôi mắt vẫn sáng, như nhìn thấy một người đang ngồi nơi hàng ghế đầu, im lặng như năm nào.
"Thiếu tướng..."- chàng thì thầm - "Tôi hát cho chàng lần cuối, được không?"
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng gió rít qua khung cửa vỡ, và nhành mai già rơi từng cánh mỏng.
Khuê cất giọng.
Khàn.
Yếu.
Nhưng từng chữ, từng lời vẫn thấm vào tim người như năm nào chàng hát cho một người tướng quân trẻ, ngồi lặng lẽ giữa đám đông mà vẫn là cả thế giới.
Chàng hát đến khi ngực đau thắt. Đến khi giọng chỉ còn là hơi thở. Đến khi bóng người xưa như tan vào ánh trăng tàn.
Đêm ấy, người ta nói có người nhìn thấy một bóng dáng đàn ông đứng dưới gốc mai trắng sau rạp - vận quân phục cũ, áo choàng đã bạc màu.
Khi người canh rạp chạy đến gọi, bóng ấy quay lại, môi mấp máy như muốn nói điều gì.
Không ai nghe rõ. Chỉ thấy mắt người ấy ươn ướt, rơi xuống một giọt nước rất nhanh rồi tan vào đất.
Cánh hoa mai chợt bay loạn trong gió.
Khi người ta tới nơi... chỉ còn lại dấu giày in trên đất ẩm, và những cánh hoa rụng đầy như tuyết.
Cùng mùa đông năm đó, Hách Khuê mất.
Cơn sốt cuối cùng quật ngã chàng như gió cuốn đèn dầu. Không ai bên cạnh. Không họ hàng. Không người thân. Chỉ có một người chủ rạp cũ, thương tình, lo tang ma đơn sơ.
Chàng được chôn dưới gốc mai trắng sau rạp Tích Phong - nơi từng là sân khấu đầu tiên, nơi từng có một ánh mắt dõi theo không chớp.
Chiếc khăn tay lam bạc màu, được đặt trong tay chàng, cùng cánh hoa khô ép giữa một bức thư chưa bao giờ gửi đi.
Những người còn nhớ vẫn thì thầm:
"Hí tử ấy, cả đời chỉ hát cho một người."
"Hát đến khi tim ngừng đập."
"Chỉ để đợi một người chẳng bao giờ về."
[Hết]
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro