Chương 2: Sao mà thấy ghét!

Warning

Trong chương sẽ có xuất hiện những từ ngữ khiếm nhã có thể gây khó chịu cho người đọc. Vui lòng cân nhắc.

--------------------------------------------
Một khoảng thời gian xa cách làng quê và mọi người. Thỉnh thoảng gia đình tôi cũng về thăm nom nhà cửa nhưng rồi đi ngay trong đêm nên chẳng có cơ hội gặp mặt ai.

Một năm rồi hai năm, làng Yên Đà vắng bóng tôi trong suốt những năm tháng đấy. Đến khi tôi 12 tuổi mới quay trở về làng.

Phục vụ cho kháng chiến vốn rất nguy hiểm, trên mặt trận chiến trường ấy biết bao nhiêu gian lao, vất vả. Nhiều khi bố tôi đi liên tục mà không về, mẹ thì làm từ sáng tới tối muộn. Tôi thương cha mẹ lắm!

Cả ngày tôi chỉ quẩn quanh bên góc vườn, tưới cây, phụ giúp cho mẹ những công việc nhà đơn giản.

Tâm trạng không mấy vui vẻ, tôi cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán khi chẳng có ai bên cạnh trò chuyện với tôi. Càng ngày lại càng thấy nhớ cái làng Yên Đà, nhớ gốc hoa gạo đầu làng và nhớ cả đám bạn của tôi.

Một hôm, đang ngồi ăn cơm với mẹ, tôi ngồi gần lại hỏi mẹ:

"Mẹ ơi. Thế là mình không về nhà nữa ạ?"

"Sao con thấy nhớ nhà quá."

Tôi mong ngóng câu trả lời của mẹ. Mẹ xoa đầu tôi, ánh mắt mẹ nhìn tôi như hiểu thấu hết được những suy nghĩ ấy:

"Vậy mai mẹ đưa Định về ở với bác Ba nhé."

"Con phải ngoan, nghe lời bác, giúp bác làm việc thì mẹ mới cho ở lại đấy."

Mẹ thương tôi, muốn cho tôi có 1 tuổi thơ trọn vẹn như bao đứa trẻ con khác, cũng được đi học, đi chơi, đi thả cánh diều bay phấp phới trên bầu trời...

Đành lòng mẹ đưa tôi về đó, nhưng lại chẳng yên tâm, khói của bom đạn vẫn còn đó, lũ giặc vẫn rình rập ngoài kia để chiếm lấy mảnh đất thân yêu này...

***

Sáng hôm sau, mẹ sắp xếp quần áo đồ đạc cho tôi rồi đưa tôi về, ngồi trên xe mà lòng tôi nao nức, mong đợi, thầm nghĩ "Chắc là chúng nó nhớ tôi lắm."

Hai mẹ con tôi phải đi một chặng đường rất xa, đến nơi người mệt oải, tưởng chừng như không còn chút sức lực nào để bước đi tiếp.

Thế mà xe vừa dừng ở đầu làng, tôi chợt tỉnh, bước xuống rồi nhanh chóng chạy một mạch từ gốc hoa gạo về đến nhà. Vừa hay lúc đấy, mấy đứa bạn tôi lại vừa tan học, thấy tôi trên đường, chúng nó cười tít mắt, gọi từ đằng xa:

"Aaa...! Phan Định về rồi kìa chúng mày ơi."

Tôi vẫy tay chào trong niềm vui không thể tả thành lời:

"Phải về chứ, bao nhiêu trò vui thiếu tao làm sao được."

Cả đám lao vào vỗ vai bá cổ nhau, rồi kéo nhau ra bờ đê chơi đến tận trưa mới về.

***

Mẹ tôi mang hành lý vào nhà rồi qua bác chào hỏi một tiếng:

"Bác có nhà không bác Ba ơi?"

"Gì đấy?"

Ai vậy?" Tiếng bác từ sau vườn vọng lên.

"Em đây. Em Thanh hàng xóm đây bác."

"Mới đi có một thời gian mà bác đã quên em rồi à?"

Thấy mẹ tôi qua chơi, bác để chỗ khoai lang đang trồng dở ở sau vườn rồi phủi tay chạy lên nhà với gương mặt niềm nở:

"Cô Thanh lâu ngày mới về suýt tôi không nhận ra đấy."

"Bác cứ khéo đùa, em vẫn vậy chứ có khác gì đâu."

Thế là bác với mẹ tôi ngồi dưới hiên nhà trò chuyện:

"Thế dạo này chú nhà không về hả cô Thanh?"

"Vợ chồng cô chú đi hết ngày này tháng nọ rồi ai sẽ chăm lo cho thằng Định đây?"

Mẹ tôi trầm tư, thở dài:

"Nghĩ cũng khổ bác nhỉ? Nhà em cả hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến, bây giờ nói bỏ thì em không nỡ... chỉ mong sao cho đất nước sớm được hòa bình, để Gia Định có hạnh phúc gia đình trọn vẹn nhất."

"Bác Ba thương tình giúp em chăm sóc cháu Định thêm một thời gian nữa. Em cho cháu ở đây bác cứ dạy dỗ, chỉ bảo. Nếu nó hư bác cứ thẳng tay cho nó mấy roi. Chồng em lên chiến khu rồi cũng không dạy dỗ nó được, em lại thương con đánh con thì em xót bác ạ."

Ngừng một lát, mẹ tôi suy nghĩ rồi nói với bác:

"Hàng tháng em sẽ gửi một ít tiền để bác lo cho cháu, số tiền không nhiều nhưng em mong sẽ đỡ đần được bác. Có gì em nhờ cả vào bác ạ."

Bác Ba chẳng nghĩ ngợi nhiều vì cũng đã thấu hiểu được hết những nỗi lo âu của mẹ tôi "Được cô ạ. Cô cứ để cháu nó ở đây, tôi cũng coi thằng Định như con cháu trong nhà mà."

"Cô cứ yên tâm mà lên mặt trận chiến đấu, người dân ở làng này rất tự hào vì có những người mạnh mẽ, dám đứng lên như cô chú đấy..."

Nói chuyện một lúc đến trưa mẹ chào bác rồi ra về. Mẹ đi ra chợ mua một ít thịt và rau về nấu cơm hai mẹ con cùng ăn.

Thịt mẹ băm nhỏ rồi kho thật mặn, bàn tay mẹ nhặt rau nhanh thoăn thoắt. Tất cả đều được mẹ nấu dưới cái bếp củi bốc khói nghi ngút, mồ hôi mẹ toát ra ướt đẫm cả lưng áo. Bữa cơm đạm bạc với hai món ăn đơn giản.

Tôi chạy về với gương mặt hớn hở, chào mẹ từ đằng xa:

"Con về rồi mẹ ơi. Đói quá có cơm chưa mẹ?"

Mẹ đáp lại tôi với giọng nói nhẹ nhàng:

"Nào vào nhà đi Định. Mẹ dọn cơm rồi hai mẹ con mình ăn."

Cả bữa cơm hai mẹ con tôi trò chuyện ríu rít, tôi kể cho mẹ về cuộc đi chơi sáng nay và vu vơ những tâm sự khác. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tình cảm gia đình lại ấm áp như vậy.

Chiều tối mẹ lại bắt xe tranh thủ về khu vực canh gác.

Tôi cũng chỉ kịp chào mẹ một câu rồi qua nhà bác Ba, sang bên đấy vẫn có cái cảm giác thân thuộc mà gần gũi như ngày xưa.

Bác ra đón tôi vào rồi vỗ vai an ủi tôi:

"Định ngoan ở đây với bác cho bố mẹ đi làm con ạ."

"Bây giờ cháu có thể thấy thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng sau này lớn lên cháu sẽ hiểu bố mẹ cháu tuyệt vời đến mức nào."

Tôi mỉm cười thật tươi, đôi mắt long lanh như sắp khóc nhìn bác và nói:

"Cháu hiểu mà bác. Bố mẹ cháu là những chiến sĩ dũng cảm nhất."

"Bác xếp quần áo vào cho cháu rồi đấy, cần gì cứ bảo bác nhé!" Nói xong bác vào bếp bắt nồi cá kho xuống.

Xong xuôi, tôi trở về cái giường cũ kĩ được đóng bằng tre, nằm vật xuống, nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt mỏi.

Tôi nhắm mắt là có thể ngủ ngay lúc đấy. Mới thiu thiu ngủ được mấy phút, tự nhiên có một bàn tay chạm vào mặt tôi đi kèm với tiếng cười khúc khích.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng cười đấy, mở mắt, ngồi dậy. Tôi thấy con Yên đang cầm cái nồi con con, chà tay vào rồi bôi đầy nhọ nồi lên mặt tôi. Tôi tức giận, đẩy nó ra, hỏi:

"Sao mày vẫn ở đây? Chưa biến đi chỗ khác à?"

Con Yên vênh mặt lên, chọc tức tôi:

"Ờ! Cứ thích ở đây đấy làm sao?"

"Mày làm gì được tao nào?"

"Được mày thích kích đểu tao chứ gì?" Tôi lườm nó chẳng đắn đo với lấy cái bát nhôm trên bàn phi thẳng vào đầu nó một cái thật mạnh.

Chính tôi còn cảm thấy cú ném đấy rất đau mà nó lại chẳng kêu ca gì. Mặt con Yên hằm hằm, nó lao đến vồ lấy và cắn vào tay tôi. Trong tâm can tôi chỉ muốn gào thét lên ôi đau quá mẹ ơi.

Hàm răng nó nghiến chặt lại, tay đau chỉ muốn khóc òa lên nhưng tôi lại chẳng làm thế. Tôi giơ tay kia ra vả vào mồm nó cái "bốp" rồi quát tháo:

"Mày có thả ra không con chó này. Tao nhịn mày lâu lắm rồi đấy."

Cuộc ẩu đả chỉ kết thúc khi bác Ba nghe thấy tiếng cãi nhau của hai đứa, bác chạy vào, con Yên biết thế liền thả tay tôi ra rồi khóc lóc:

"Sao anh Định bắt nạt em. Anh đánh em." Nó vừa nói vừa khóc thút thít

"Tao làm gì mày? Chẳng phải mày trêu tao trước à?"

"Con điên!"

Bác vào thấy nó ngồi khóc, bác mới hỏi:

"Sao thế con? Sao lại khóc?" Bác lau nước mắt cho nó rồi đỡ nó ngồi lên giường.

Tôi thấy thế liền nhảy xuống đất ngồi và mỉa mai:

"Không biết đoàn kịch nào lại bỏ sót một tài năng trẻ tuổi thế này. Hay mai tao dẫn mày đi tìm một đoàn phù hợp nhé?"

Nó ôm chặt lấy bác, nói nhỏ nhẹ:

"Đấy bác thấy anh chưa? Anh cứ trêu cháu."

Bác Ba chẳng bênh vực đứa nào còn gõ vào đầu con Yên một cái rồi nói:

"Thôi cô cũng lắm trò, tôi lại chẳng biết cô quá."

"Xin lỗi anh đi!"

Con Yên sợ bác nên nói như hét vào mặt tôi:

"Xin lỗi. Được chưa?" Tất nhiên là với thái độ này tôi sẽ không tha thứ cho nó, tôi còn nói thẳng:

"Mày đáng ghét lắm. Tốt nhất mày nên biến ra chỗ khác thì tốt hơn."

"Mày cứ lởn vởn trước mặt tao là có ngày không còn răng đâu Yên ạ."

Càng ngày tôi với nó lại có nhiều mâu thuẫn hơn, bác chẳng giảng hòa mà lại nhốt hai đứa ngồi trong căn phòng đấy đến tận đêm muộn.

Mỗi đứa một góc phòng, con Yên ngồi ở cái võng còn tôi ngồi ở cạnh cửa sổ ngắm nhìn trời mây và suy nghĩ nhiều điều để giết thời gian. Đến khuya khi bác đã đi ngủ, tôi mới bảo con Yên:

"Bác ngủ rồi đấy, ra lấy gì ăn đi không chết đói bây giờ."

Nó đói lả cả người vì cả ngày nay chưa ăn gì, thế là tôi đành để cục tức sang một bên rồi ra lấy cho nó một ít cơm. Tôi giữ im lặng, từng bước nhẹ nhàng ra đến bếp. Mở nắp nồi gang ra thì may sao còn cơm nguội với khúc cá kho. Tôi lấy vào bát rồi quay trở về phòng đưa cho nó:

"Đây của mày. Mày ăn đi, mày bé hơn nên tao nhường cho mày đấy."

Thấy có cơm nó ăn vội ăn vàng, đói mờ cả mắt cuối cùng cũng có cái ăn.

Tôi ngồi co chân lại, tay chống cằm nhìn nó nói:

"Mày cứ từ từ mà ăn tao có giành với mày đâu mà sợ, ăn chậm thôi không nghẹn. Mày nghẹn tao không đi rót nước cho mày đâu."

Cứ thế cho đến khi nó ăn xong, tôi cho nó ngủ trên giường còn mình thì nằm ở dưới đất, cố nhắm mắt ngủ cho hết đêm.

Nằm trằn trọc mãi chẳng thể ngủ, tôi thấy con Yên lại ngủ ngon đến lạ thường. Nhớ ngày nào nó mới lớp ba, còn bé xíu, vẫn là cái tính ngang ngược, khó ưa đấy.

Giờ nó sắp lên cấp 2 rồi, thời gian trôi nhanh thật chẳng mấy chốc nó sẽ trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp với nét mặt trong trẻo, một mái tóc dài đen mượt, đôi mắt to tròn, sống mũi cao chỉ là dáng người nó bé nên hơi gầy một chút.

Nhưng nói gì thì nói, dù tôi có ghét cay ghét đắng nó thì tôi cũng phải công nhận "Nó xinh thật."

Sáng hôm sau, là ngày đầu tiên tôi quay trở về trường đi học lại cùng các bạn. Tôi háo hức, chuẩn bị sách vở thật đầy đủ, sách của tôi hầu như đều là sách cũ được anh chị họ hàng cho.

Tôi định qua gọi thằng Tuấn đi chung nhưng vì con Yên đã quen với nơi này, quen với con đường tới trường nên bác lại bảo nó đi cùng với tôi để chỉ thêm cho tôi biết.

Bác cho tôi với nó mấy đồng để mua ăn sáng vì hôm nay là ngày đầu tôi đi học lại.

Tôi với con Yên đi cùng nhau, đến gần cổng trường tôi bảo nó đứng đợi rồi chạy đi mua nắm xôi ăn sáng, hàng xôi mà tôi rất thích. Mẹ hay mua cho tôi ăn mỗi khi tới lớp, tôi cũng đã dặn dò nó:

"Mày phải đứng ở đây đợi tao, không được vào trước đâu."

Nó gật đầu tôi mới yên tâm chạy đi, đi được nửa quãng tôi thấy mấy cô đi chợ ngang qua thì thầm với nhau:

"Khổ thân. Không biết con cái nhà ai, bé tý đã bị bọn con Hạnh bắt nạt."

"Giữa ban ngày ban mặt nó đánh cho thì không ai can nổi."

Tôi nghe thấy thế liền nhớ tới con Yên, không biết có phải nó không. Tôi lo lắng chạy về mà không mua xôi nữa. Chạy hùng hục một mạch về cổng trường thì bị cảnh tượng trước mắt làm cho sững người lại.

Con Yên nó...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro