Bạch đầu ngâm - Trác Văn Quân

Nguyên tác chữ Hán:

白頭吟

皚如山上雪,
皎若雲間月。
聞君有兩意,
故來相決絕。
今日斗酒會,
明旦溝水頭。
躞蹀御溝上,
溝水東西流。

淒淒復淒淒,
嫁娶不須啼。
願得一心人,
白頭不相離。
竹竿何嫋嫋,
魚尾何簁簁。
男兒重意氣,
何用錢刀為。

Phiên âm Hán Việt:

Bạch đầu ngâm

Ngai như sơn thượng tuyết,
Kiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.
Kim nhật đấu tửu hội,
Minh đán câu thuỷ đầu.
Tiệp điệp ngự câu thượng,
Câu thuỷ đông tây lưu.

Thê thê phục thê thê,
Giá thú bất tu đề.
Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly.
Trúc can hà niệu niệu,
Ngư vĩ hà si si.
Nam nhi trọng ý khí,
Hà dụng tiền đao vi.

Dịch thơ:

Khúc ngâm đầu bạc

Trắng như tuyết trên núi,
Sáng tựa trăng giữa mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Thiếp đành đoạn tình này.
Hôm nay chén sum họp,
Đầu sông tiễn sớm mai.
Lững thững theo dòng nước,
Nước mãi chảy đông tây.

Buồn đau lại buồn đau,
Vợ chồng chẳng nên than.
Mong người lòng chỉ một,
Bạc đầu chẳng xa nhau.
Chiếc cần sao lay động,
Đuôi cá sao cong cong.
Nam nhi trọng ý chí,
Sao tiền bạc thay lòng.

----------

Trác Văn Quân còn có tên là Vân Hậu. Không rõ năm sinh năm mất nhưng căn cứ vào tuổi của Tư Mã Tương Như (sinh năm 179 TCN), thì có thể ước đoán Trác Văn Quân sinh vào khoảng năm 175 trước Công Nguyên, thời Tây Hán. Trác Văn Quân là một tài nữ nổi danh thời Tây Hán, có tài sắc vẹn toàn, giỏi cầm kỳ thi họa, nên được xếp vào "Thục trung Tứ đại tài nữ" cùng với Tiết Đào (thời Đường), Hoa Nhị phu nhân (thời Ngũ Đại Thập Quốc) và Hoàng Nga (thời Minh). Câu chuyện tình của bà với Tư Mã Tương Như nổi tiếng trong tình sử cổ đại qua điển tích "Phượng cầu hoàng" và trở thành điển tích thông dụng trong văn học. Tác phẩm của Trác Văn Quân tương truyền có rất nhiều nhưng ngày nay đã thất lạc, chỉ còn bài Bạch đầu ngâm là bài thơ nổi danh vì hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.

Tương truyền Trác Văn Quân vì mê luyến tiếng đàn của Tư Mã Tương Như nên trốn cha mẹ theo Tương Như đi lập tổ uyên ương ở Thành Đô. Khi vua Hán Vũ Đế lên ngôi, sau khi xem các tác phẩm của Tương Như, nhà vua lấy làm yêu thích nên cho người triệu Tương Như về triều. Tương Như đến kinh đô Trường An, ông đã làm bài "Trường môn phú", nói lên nỗi lòng của hoàng hậu Trần A Kiều, giúp cho hoàng hậu được Hán Vũ Đế sủng ái trở lại. Đồng thời các bài "Tử Hư phú", "Thượng lâm phú" cũng được nhà vua ưa thích. Tương Như được ban thưởng rất hậu, được phong chức và giữ lại Trường An.

Tương Như trở nên phú quý, được nhiều tiểu thư hâm mộ, quý mến tài năng. Sống giữa cảnh xa hoa, và nhiều người đẹp vây quanh, Tương Như quên bẵng đi người vợ ở quê nhà, toan muốn cưới nàng Mậu Lăng làm thiếp.

Trác Văn Quân theo dõi tin chồng, biết được cơ sự này nên đã làm bài "Bạch đầu ngâm" gửi đến Trường An. Sau khi nhận được thơ, Tương Như đọc qua vô cùng cảm động, bỏ hẳn ý định lấy vợ lẽ, trở về quê cũ sống với vợ cho đến cuối đời.

Bạch đầu ngâm trở nên nổi tiếng bằng tấm chân tình của tác giả. Hai câu thơ "Nguyện đắc nhất tâm nhân/ Bạch đầu bất tương ly" đã trở thành thành ngữ nổi tiếng trong văn học.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro