HỒI 1: Toàn là người lương thiện cả
" Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, cả trăm năm về trước. Cái thời mà đất nước vẫn bị chia cắt bởi sông Đằng. Lúc đó nội chiến giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài diễn ra liên miên, các nước phương bắc thì nhăm nhe muốn xâm lược nước ta. Nhân gian ngập trong khói lửa làm dân chúng lầm than, khổ không kể siết.
Thời điểm đó, ở Đàng Trong có chàng Trạng Nguyên trẻ tuổi nọ, văn võ song toàn, anh tư hoán phát. Chứng kiến cảnh nhà nhà bị chiến tranh chia cắt, vô số người phải tha hương cầu thực, chàng quyết định gác lại bút nghiên, khoác lên chiến bào, giương cờ khởi nghĩa dẹp loạn tứ phương. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, chàng đã thống nhất được các phiến quân, chuẩn bị tiến công qua sông Đằng.
Trong trận chiến trên sông Đằng, đội quân của chàng bị tập kích bất ngờ không kịp trở tay. Không có đường thoát, toàn quân tan rã, kẻ chết, người bị thương. Chàng bị thương nặng, rơi xuống sông rồi bị con nước cuốn dạt vào vùng núi rừng hoang vắng.
Ở đó, chàng được con gái của một thợ săn cứu giúp, trị thương cho. Người con gái ấy xinh đẹp tuyệt trần lại thùy mị nết na. Bên nhau lâu ngày, lại thêm ân cứu mạng, hai người thương nhau quyến luyến không rời.
Nhưng chàng còn nghiệp lớn trên vai, không thể cứ ở mãi nơi núi non sâu thẳm. Mang tham vọng kinh bang tế thế, chàng đành bỏ lại người mình yêu mà quay lại chiến trường. Trước khi rời đi, dưới gốc ban nở hoa trắng muốt trong sân, hai người trao cho nhau tín vật định tình. Chàng hứa khi nào thống nhất quốc gia sẽ quay lại, mang theo trầu xanh cau trắng mà rước nàng về làm vợ.
Đã qua bao mùa hoa, hoa ban nở rồi lại tàn. Người con gái ấy vẫn ôm nỗi mong mỏi mà chờ chàng. Dù mới qua tuổi đôi mươi, mái tóc nàng đã điểm xuyết hoa râm, tựa như cánh hoa vương lại trên tóc.
Cho đến khi dẹp yên được loạn trong giặc ngoài , chàng trạng nguyên trẻ tuổi ngày nào giờ đã thành đế vương một cõi. Trong ngày khải hoàn, ngài vui mừng khôn xiết đến đón người con gái ấy về làm hoàng hậu. Thế nhưng, chờ trong sân chỉ là một ngôi mộ hiu quạnh cỏ đã mọc cao.
Người ta nói hôm ấy hoa ban nở trắng rừng, lại như than khóc cho mối tình còn đang dang dở. Bậc anh hùng từng chinh chiến trận mạc, qua một đêm mà tóc đã bạc trắng.
Vị đế vương ấy trút bỏ hoàng bào, nhường ngôi cho thân tín rồi lui về ở ẩn. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, ngài ở lại căn nhà nhỏ của người thương, cố gắng giữ lại những kỉ vật đã cũ của người ấy...mãi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng bên mộ người."
------------------------------
Trong một quán ăn ở biên giới huyện Kỷ Châu, một lão già đang đứng giữa quán kể chuyện, xung quanh là khách dừng chân đang nghe chăm chú, tâm tình lên xuống theo từng câu nói của lão. Lão kể hăng say, vừa kể tay vừa kéo đàn nhị tạo nên những âm thanh nỉ non da diết đến não lòng.
Chuyện vừa hết, người ta đã nghe thấy âm thanh thổn thức vang lên từ cái bàn góc trong cùng của quán. Một thiếu nữ yêu kiều và một người đàn ông cao to vạm vỡ đang dấm dức khóc. Mắt hai người đỏ hoe, tay cầm khăn lụa chấm giọt nước mặt bé xíu rỉ ra nơi khóe mắt. Thiếu nữ đương tuổi xuân khóc thì cũng thôi, người đàn ông lưng hùm vai gấu mặt mày dữ tợn cũng khóc thì đúng là chuyện lạ hiếm thấy.
Chốc chốc lại có vài kẻ tò mò lắm chuyện liếc sang, bị thiếu niên ngồi cạnh đó lườm một cái sắc lẹm thì cũng chỉ dám cười trừ mà quay đi, không có gan nhìn thêm. Mặt mũi thiếu niên tuy bình bình nhưng lại có cặp mắt cá chết(1) nổi bần bật, lúc nào cũng như đang cười đểu người đối diện, trông rõ ngứa tiết. Tướng tá nó vẫn còn vương nét trẻ con, có lẽ chưa qua đôi tám, ấy thế mà quanh người đã có một lớp sát khí, xua tan mất cái sự non nớt ít ỏi ấy. Lạ ở chỗ, tay và cổ lộ ra khỏi lớp áo của nó quấn kín mít bằng vải trắng, chỉ để hở ra những ngón tay đầy vết chai thô ráp, khớp ngón tay thô bè ra chỉ thấy ở người luyện võ lâu năm.
Thiếu niên tỏ vẻ coi khinh mấy cái chuyện kể vớ vẩn này. Tình yêu tình báo, trần đời này làm gì có thằng đần nào bỏ cả vị trí cửu ngũ chí tôn chỉ vì ái tình. Nó không hiểu, cũng không muốn hiểu. Thiếu niên nhìn hai người cầm khăn vừa quệt nước mặt vừa khóc, mặt mũi tèm lem:
"Anh cả này, con gái người ta khóc thì em còn hiểu được, rồi mắc cái gì mà anh khóc? "
"Anh mày mít ướt đó giờ, làm như mới biết không bằng." – Người thanh niên cùng bàn nói chêm vào. Người này dáng người dong dỏng cao, diện mạo khôi ngô cùng đôi mắt đa tình, từ lúc vào quán cơm đã làm mấy cô trong quán đứng ngồi không yên.
"Bọn bây im đi, anh mày cảm động mới khóc chứ bộ. Thô thiển như chúng mày thì biết cái đách."- Người đàn ông cao to quát lại.
"Đúng đúng, mấy người thì biết cái gì? Người si tình như thế giờ có tìm cũng tìm không thấy."-Thiếu nữ phụ họa.
Chỉ thấy thiếu nữ khuôn mặt trái xoan, da trắng như trứng gà bóc. Mắt ngọc mày ngài, đôi mắt bồ câu lúng liếng cùng đôi môi đỏ thắm khiến hoa phải nhường, nguyệt phải thẹn. Bên khóe miệng nàng có hai lúm đồng tiền nho nhỏ, lúc nào cũng trông như đang cười.
Thiếu nữ mặc giao lĩnh(2) nhạt màu, đầu đội nón ba tầm(3), thắt eo mảnh mai cùng thân hình yểu điệu tựa cành liễu, quả thật là người đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Bởi lẽ vừa khóc nên khóe mắt nàng phớt hồng, càng khiến người ta như si như say.
Thiếu niên mắt cá chết lại quay sang nhìn lão già kể chuyện đang hứng khởi khua tay phun nước bọt phèo phèo, ánh mắt dò xét đánh giá. Thỉnh thoảng, lão lại đưa tay lên vuốt chòm râu dê dưới cằm. Nói thật, trông lão có hơi đê tiện.
Bất chợt, thiếu niên hỏi một câu không liên quan:
"Cứ coi như là si tình thật đi, rồi si tình có bẻ ra mà ăn được không, bán đi có được đồng cắc nào không?"
"..."- Không ai trả lời cái câu hỏi oái oắm của nó. Con hầu của thiếu nữ đang ngồi một xó cũng liếc xéo sang.
"Loại mày không ai yêu nên mới nói thế. Chứ thử mà yêu ai xem mày có tớn lên không?"– Thanh niên khôi ngô cợt nhả đáp.
"Thế còn ..."- Thiếu niên định nói tiếp. Thấy nó lại định thốt ra câu trời ơi đất hỡi nào đó, thiếu nữ cùng người đàn ông đồng thanh quát nó. Nó nghe vậy thì chép miệng một cái, cũng không nói thêm gì nữa mà cúi đầu đếm xâu tiền trong tay. Thanh niên thấy thế, tò mò hỏi:
"Ngạn, tiền đâu ra đó?"
"Tiền bán tranh sáng nay, chắc cũng đủ tiền mua vò rượu." - Ngạn đáp, mặt không ngẩng lên.
"Dữ ha. Mà tranh không mặt vẫn có người mua hả?"
"Ai mà biết mấy kẻ lắm tiền nghĩ gì? Nên mua rượu nào thì ngon nhỉ?" - Ngạn trả lời, chuyện nọ sọ chuyện kia.
"Rượu mơ đi. Anh nghĩ vầy, hay giờ anh làm mẫu cho mày, mày vẽ anh rồi mang đi bán. Không sợ thiếu người mua. Anh bốn mày sáu."- Thanh niên khôi ngô đủng đỉnh vuốt chỏm râu vô hình, tiện thế còn nháy mắt với một cô bàn bên làm nàng mặt đỏ như gấc.
Ngạn cuối cùng cũng chịu rời mắt khỏi đống tiền. Nó nghiêm túc soi xét người thanh niên, sau đó oẹ một cái. Thanh niên thấy thế thì đập vào trán nó một cái rõ kêu. Ngạn ôm đầu, định làm ầm lên thì bị một người cắt ngang.
Người đứng ngoài cửa quỳ một gối xuống đất, chắp tay, nói:
" Cục chủ, xe ngựa và lương thực đã chuẩn bị xong, có thể lên đường được rồi, giờ xuất phát luôn chứ ạ?"
Người đàn ông cao to đã nín khóc, giấu khăn đi tự bao giờ. Dáng vẻ anh oai nghiêm bệ vệ, không có gì liên quan với người ban nãy cầm khăn mếu máo, đoạn, anh nói:
" Nếu giờ xuất phát thì xem chừng bốn ngày nữa sẽ đến được huyện Vân Bình. Ý cô Trịnh sao?"
Cô Trịnh chính là thiếu nữ áo đỏ kia. Nàng phất tay, cười nói:
" Được, cứ vậy mà làm. Lần này lại phải nhờ anh Thời rồi." – Người đàn ông cao to- anh Thời nghe vậy gật đầu, vẻ mặt điềm nhiên như không gọi hai người đằng sau:
" Thanh, Ngạn, đi bây."
Duy chỉ có con hầu đi bên cạnh cô Trịnh là nhìn thấy vành tai hơi đỏ của anh Thời. Ở một góc không ai thấy, con hầu nở nụ cười tinh quái, liếc anh Thời ẩn ý.
Cứ thế, đoàn người ngựa khởi hành chậm rãi tiến về huyện Vân Bình.
***
Muốn biết nguồn cơn chuyến đi này thì phải lật ngược thời gian về tám năm trước.
Lúc ấy, lão cha quý hóa của Ngạn – ông Hà vẫn còn đang dạy võ ở võ đường. Trước kia, lão là người trong giang hồ, danh tiếng Quỷ Kiến Sầu không ai là không hay, không ai là không sợ. Vì yêu mẹ Ngạn nên lão mới rửa tay gác kiếm rồi về mở võ đường làm ăn.
Lão đẻ được một đứa là Ngạn nhưng vì sót vợ mà nhất quyết không đẻ tiếp, thay vào đó, lão lại nhặt vài đứa trẻ con lưu lạc đầu đường về làm con nuôi, kiêm luôn đồ đệ. Ngoài Ngạn là con ruột lão ra, thì còn có anh cả, chị hai, anh ba và một em út nhỏ tuổi hơn Ngạn. Trước đó có võ đường nên nuôi từng ấy cái mồm vẫn còn ổn, đủ ăn đủ mặc. Cho đến năm Ngạn chín tuổi.
Khi đó, ở huyện Giao Châu, mấy tháng liên tiếp trời không một giọt mưa. Hạn hán dẫn đến mất mùa, cơm còn không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền đi học võ. Thế là, như một lẽ tự nhiên, cả cái võ đường cũng đói mốc mỏ.
Nạn đói lâu dần thì nông dân bỏ lên núi làm thổ phỉ cũng ngày càng nhiều, làm mấy phú ông đi đường cứ phải gọi là kẹp chặt đuôi. Mẹ Ngạn bèn nghĩ ra một cách, đổi từ kinh doanh võ đường sang làm tiêu cục.
Lúc nói ý nghĩ này với lão Hà, lão còn vùng vằng không chịu làm trâu làm ngựa cho người ta. Cho đến khi lão thấy mấy đứa con lão chia nhau cục gỉ mũi ăn vặt thì quay ngoắt sang đồng ý với bà Hà. Ngạn dám chắc là lão thấy ghê chúng nó quá nên mới đồng ý chứ cũng chả yêu thương đau xót gì cho cam.
Cũng từ đó, " Tiêu cục Hà Bang Chủ" ra đời, làm dậy sóng giang hồ.
Với khả năng kinh doanh hơn người của bà Hà cũng đám ranh con võ nghệ cao cường, thủ đoạn thâm độc, Tiêu cục Hà Bang Chủ sau tám năm ra mắt đã vươn lên làm tiêu cục đứng đầu, đá đít tất cả các đối thủ cạnh tranh. Lão Hà làm được một thời gian thì ném lại tiêu cục cho anh Thời để về hú hí với vợ. Thế là công việc rơi vào đầu mấy đứa con, còn ông Hà bà Hà thì khoác tay nhau đi du ngoạn.
Tiểu thư Trịnh Vân Kiều chính là khách quen của tiêu cục, con gái rượu của tể tướng đương triều.
Tể tướng làm quan thanh liêm bao năm, tiếng thơm đồn xa, duy chỉ có một tật xấu. Ông không yêu thích cái gì, chỉ thích dâng tấu chương tố người ta. Hễ cứ thượng triều, ông lại dâng tấu chương tố ông này khắm tính đến tố ông kia bỏ con, trở thành cai gai trong mắt vô số người. Hậu quả chính là đi đâu cũng phải kéo đàn kéo đống theo vì sợ bị úp sọt đánh hội đồng. Tiêu cục được thuê là để hộ tống cô Trịnh từ Hoàng Thành đến huyện Vân Bình mà không bị hư hao cọng lông nào.
***
Người của tiêu có tầm hơn chục người, tất cả đều cưỡi ngựa. Nhưng vì phải chờ cả toán thị vệ đang cuốc bộ của cô Trịnh nên tốc độ ngang rùa bò. Đi giữa đội ngũ là xe ngựa của cô Trịnh, người đánh xe là Thanh- anh ba của Ngạn, cũng chính là thanh niên khôi ngô kia. Thanh trong mồm ngậm cọng cỏ, vừa đánh xe vừa thảnh thơi nhìn ngang liếc dọc, ai không biết còn tưởng hắn đi đạp thanh ngắm cảnh.
Đi đầu đội ngũ là Ngạn, phụ trách do thám cũng như mở đường, còn cuối đội là anh Thời, đi sau giám sát đội ngũ. Vì cô Trịnh là khách sộp, xảy ra mệnh hệ gì thì cả cái tiêu cục cũng đi tong nên lần hộ tống này, trừ em út ra thì cả 4 người có thủ đoạn cao cường nhất đều tham gia,
Muốn đi vào huyện Vân Bình thì buộc phải đi qua một cánh rừng đồi núi trập trùng. Cánh rừng này trước đây từng có vô số thổ phỉ, tuy quan phủ từng dẹp loạn vài lần nhưng làm ăn như mèo mửa, chả giải quyết được vấn đề gì nên sau một thời gian lại đâu vào đấy. Vì an toàn, trước khi vào rừng anh Thời dừng lại chỉnh đốn đội ngũ một lượt rồi mới cho đoàn tiến vào. Đoàn người chậm chạp tiến bước
Vào rừng chưa được bao xa, Ngạn cưỡi ngựa đi đầu đã thấy bụi cỏ ở phía trước lay động, nó bèn ra hiệu cả đoàn dừng lại đề cao cảnh giác.
Không ngoài dự đoán, từ sau bụi cỏ, một đám người râu ria bù xù, mặc áo da thú, tay cầm đao dài lao ra. Gã dẫn đầu vừa đi vừa hét ầm lên, khua khoắng loạn xạ làm mấy con chim đậu gần đó bay toán loạn.
"Đường này do ta mở! Núi này do ta trồng! Nếu muốn đi qua! Lưu lại lộ phí!"
"..."
"Làm thằng bố mày giật cả mình!"- Người nói lời này không ai khác chính là Ngạn.
Nghe Ngạn nói làm đám thổ phỉ trước mặt sững người. Bao năm ăn cướp, làm gì có thằng nào dám đáp lại bọn chúng như vậy. Cả đám tức xì khói, la hét ầm ĩ. Một tên nói với gã cầm đầu:
"Nhị ca, để bọn em lên chọc tiết chúng nó cho."
"Nhớ bắt thằng oắt con kia về cho tao, tao muốn tự tay xử nó."- Gã cầm đầu chỉ vào mặt Ngạn, ra lệnh. Nhận được lệnh, gã đàn em giơ đao lên hô hào:
"Chúng mày! Lên!"
Ngạn ngán ngẩm vung tay, ngay tức khắc, từ đội ngũ phía sau có vài người cưỡi ngựa lao lên, chỉ trong một chốc đã xử gọn đám thổ phỉ. Cả đám bị trói dưới đất như mấy đòn bánh tét, mồm bị nhét giẻ kêu ú ớ. Giãy dụa một lúc thì chúng cũng nhắm mắt buông xuôi, chấp nhận số phận.
Gã cầm đầu bị trói cứng, mặt cắm xuống đất, đít chổng lên trời. Gã vẫn không cam lòng, giãy đành đạch như con cá mặc cạn. Ngạn sai người lấy giẻ ra khỏi mồm gã.
"Chúng mày nghĩ ngon ăn vậy à? Tao đã gọi đại ca tới, chúng mày không phải đối thủ của đại ca tao đâu!"- Gã gào ầm lên bằng cái giọng của vịt đực bị bóp cổ, như đấm vào tai người nghe.
Ngạn nhìn anh Thời ở cuối đội ngũ. Được anh cho phép, Ngạn nhảy xuống ngựa, đoạn, đi đến trước mặt gã Nhị ca. Nó đặt đít ngồi lên lưng gã, thủng thỉnh bắt chéo hai chân:
" Thế cơ à, ông mày lại sợ quá cơ. Chẹp. Bây giờ thế này nhá." -Ngạn vừa nói vừa vỗ mặt gã cầm đầu-"Đường này do tao mở! Núi này do tao trồng! Nếu muốn giữ mạng! Nôn tiền ra đây!"
Vừa dứt lời, từ phía đoàn người đã có một nhóm người đi đến, cầm đầy đủ đồ nghề bao bố làm gã cầm đầu sợ xanh mắt. Gã khiếp vía nhắm tịt mắt lại, tự dưng thấy trên người mát mẻ nên mở mắt ra. Cảnh tượng trước mắt làm gã sững sờ. Trên người của gã cùng đồng bọn, mỗi thằng còn đúng cái khố che mông, còn đâu bị lột sạch. Ngay cả cái khố dự phòng gã đem theo cũng bị chúng nó lột mất làm gã khóc trong lòng nhiều chút. Cái thủ pháp lột đồ điêu luyện như đã làm cả trăm lần kia, gã nhìn cũng không rõ ai mới là thổ phỉ.
Nhìn sang bên cạnh, thằng đệ của gã còn khổ hơn. Thằng này bình thường thích thả rông, hỏi thì bảo là thích cảm giác gió lùa. Hôm nay nó cũng thả rông, bị lột đồ cái giờ không còn gì, chắc gió lùa lạnh sun vòi rồi. Ngạn thấy thế còn thương tình sai người vặt cho nó cái lá cây để che đi con chim họa mi. Từ đó, họa mi ngừng hót.
" Sau ra đường nhớ mặc quần nghe cháu."- Ngạn cười trông đến là bỉ ổi.
"..."
-May mà vẫn còn cái khố- Gã cầm đầu có cảm giác như tìm được phúc trong họa.
Trong xe, Kiều nghe thấy tiếng ồn phía trước nên len lén ló đầu ra nhìn. Không nhìn thì thôi, vừa nhìn thì đến nàng cũng phải trợn tròn mắt với cảnh tượng trước mắt. Nhìn bọn họ trấn lột xong thì vứt lũ thổ phỉ vào bụi cỏ, rồi cầm đống chiến lợi phẩm ném vào cái xe thồ phía sau.
"..."- Trước lúc đi nàng còn thắc mắc cái xe trống không đó để làm gì. Giờ thì rõ rồi. Kinh nghiệm cỡ này chắc chắn không phải lần một lần hai. Đến cái khố rách cũng không tha.
Anh Thời xem chừng đã quá quen với cảnh này, bình tĩnh ra hiệu cho đội ngũ đi tiếp.
Kiều rụt đầu lại yên vị trong xe. Nhìn con hầu đang ngồi ngay ngắn trước mặt, cuối cùng nàng cũng thốt ra được câu hỏi nãy giờ tắc trong cổ họng
" Em chị Bích cũng... dữ dội quá nhỉ?"
Bích trong trang phục con hầu nghe vậy thì nhún vai cười cười, bất lực. Sau đó, nàng lục lọi trong túi đồ mang theo, lấy ra một gói to đùng hạt dưa mứt hoa quả các loại, chia cho Kiều một nửa. Từ lúc khởi hành tới giờ, Kiều thấy Bích đã gặm hết mấy gói như vậy.
"...Không phải đồ trấn lột đâu đúng không?"- Kiều hỏi ra một câu từ tận đáy lòng.
Bích nghe vậy thì bật cười. Bọn họ làm tiêu cục chứ có phải ăn cướp đâu, trừ bỏ Ngạn và Thanh ra thì ai cũng là người lương thiện cả.
———————————————————————————
(1): Mắt cá chết:
Haha:)))
(2)Áo Giao Lĩnh: tức áo có cổ giao nhau (bắt chéo), âm Nôm gọi là áo Tràng bạt. Là một dạng của áo Trực Lĩnh.
Nguồn ảnh: https://vietphuc.net/fullset-ao-giao-linh-quan-thuong-3-mon
(3): Nón ba tầm: được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông...,quai nón được làm bằng lụa, là vật dụng thời trang hoặc che nắng mưa của nữ giới miền Bắc.
Nguồn ảnh: https://cabinetcardgallery.com/2018/07/20/portrait-of-a-pretty-vietnamese-woman-wearing-a-giant-hat-in-haiphong/
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro