2. Đá dế

Cái nắng trưa ở Đập Ông Canh lúc nào cũng gay gắt rát da, dân người ta đi thả trâu hay đi cấy mạ, ai cũng quấn trên đầu cái khăn rằn cho đỡ phải đổ bệnh. Áo bà ba thì ướt nhẹp, chân thì lấm bùn tới tận bắp chuối, gối mỏi lưng còng vậy mà cứ cắm cúi làm lụng không dám hở tay. Nhà nghèo mà, không làm thì lấy tiền đâu mua cá mua rau, lấy tiền đâu mà trả nợ? Cũng phải làm, mới canh năm là đã phải lục đục mò ra khỏi mùng sửa soạn để ra đồng, nhiều khi còn không có đi mình ên, mấy đứa con mới có chừng mười tuổi cũng bị bắt đi theo đỡ đần phụ ba má. Cứ vậy mà kéo bè kéo lũ ra ngoài ruộng, người làm này làm kia, bà con láng giềng gần xa cũng xung quanh, râm ran cả một xóm, cực nhức xương mà coi cũng vui.

Nhìn thằng An ngồi dưới gốc cây đa xếp lá, ai cũng nói nó sung sướng nhàn rỗi. Nó nghe rồi cũng lơ đi, đâu có ai biết giấc này là cái giấc duy nhất nó rảnh, mới thong thả ra đây ngồi hóng mát đâu. Sáng mở mắt ra là nó đã phải chạy đôn chạy đáo lo áo quần tóc tai cho Ba Bân, lo đồ ăn sáng, đợi ông giáo tới dạy học, rồi ngồi mài đít quần cho đến tận trưa. Ba Bân học chữ, còn nó thì bị cậu bắt học đàn cò. Tính ra thì cũng có nhàn, nhưng mà không rỗi. Thà bắt nó đi ra điền thả trâu, gánh nước như hồi trước nó còn thấy đỡ nhức người hơn là ngồi một chỗ. An cũng không biết sao Ba Bân muốn nó học đàn, hồi cậu có nói học xong thì đàn cho cậu ca, nó cũng chỉ biết nhiêu đó.

Nhiều khi vào buổi đêm trăng treo chênh chếch ngang trời, ngồi trước buồng ngủ của Ba Bân, nó cũng nghe cậu ê a mấy câu cải lương, thỉnh thoảng thì ngâm thơ, nghe cũng lọt tai lắm. Bân còn nói với An sau này sẽ đi theo gánh hát của ông chú ruột - ông Sáu Bình em bà Hai Tịnh - để làm kép chính, còn rủ nó đi theo để đàn cho cậu diễn nữa. Mà đó là ước mơ của cậu chủ nó, nó cũng không dám cãi, chỉ biết dạ thưa, rồi ngày ngày học đàn theo ý của cậu, một buổi cũng không dám nghỉ. Mà ông giáo cũng rất hay, cho tới nay nó cũng biết sơ sơ cách kéo cung vĩ liền, dù kéo còn đinh tai nhức óc, vậy mà Ba Bân cũng rất vui vẻ khi được nghe, cứ vỗ tay hoài, làm nó nhiều khi cũng mắc cỡ.

Thằng An nghĩ tới đây cũng cười mỉm chi, tự nhiên nó thấy có lỗi với Ba Bân, tính ra chỉ có cậu là tốt với nó nhất kể từ lúc nó vô nhà má cậu làm người ở. Vậy mà giờ nó lại trốn ra đây ngồi một mình, trốn Bân vì nó lỡ hứa dắt cậu ra chơi đá dế.

An không thể cho Bân ra đây chơi được, làm vậy nó sẽ bị đánh, nó bị mấy lần nên oải lắm rồi, bị quất roi lần nữa chắc nó sẽ không chết đâu, mà nó đau, nó sợ lắm. Nên mặc tình có hứa hẹn với Bân, An cũng trốn chui trốn nhủi mà ra đây, hồi nữa về dỗ cậu sau, chứ không bao giờ nó dắt cậu đi chơi nữa.

Bởi vì nào có phải nó báo hại Bân thiệt đâu, toàn là cậu thích nhảy nhót leo trèo, hí ha hí hửng mới bị này kia, cái thân còi của thằng An sao mà quản nổi cậu. Ngặt một cái là mỗi lần Bân bị té hay bị đau, mọi tội lỗi đều là nó chịu hết. Nó thiệt tình cũng ngán, không muốn mình bị đánh oan nữa. Nên thà nó trái khuấy cậu còn hơn trái khuấy bà, cứ trốn cậu đã, từ từ tính sau.

Thấy An ngồi có mình ên, mấy đứa nhóc loi choi trong xóm cũng lân la đi lại, hầu hết là mấy đứa con nhà đông anh chị em, thì giờ có dư nên mới dong dong đi chơi tối ngày.

- Ủa? An! Bữa nay hổng ở nhà bà lớn học đờn nữa hả mậy?

Thằng này là thằng Út Lang, ở nhà nó có tới bảy anh chị em lận. Ba má nó cũng có đất riêng, có được ba mẫu đất, cứ vậy mà trồng lúa cày cuốc nuôi tám, chín miệng ăn, cắc ca cắc củm, nhưng mà khoẻ re. Không thiếu nợ ai, không mướn đất ai nên gia đình thằng Lang thảnh thơi vô tư lắm. Bởi vậy nên nó quởn, cứ đi chơi tối ngày, cầm đầu tụi nhỏ trong xóm, đi quấy phá đủ chỗ, la lối om sòm điếc tai. Mà má nó lại là chị ruột của má thằng An, họ hàng máu mủ còn trạc tuổi nên Lang cũng rất thân thiết với An, coi như anh em ruột thịt trong nhà, cứ thấy An rảnh là Lang xổ tới rủ chơi ngay.

- Tao học rồi.

Thằng An thờ ơ trả lời câu hỏi của thằng Lang, Lang nghe xong thì cười nhe răng, giơ cái tay đang xách cái lồng dế lên huơ huơ, hồ hởi nói:

- Vậy đá dế đi mậy! Bữa nay tao có đem mấy con dế chiến của tao ra nè! Cho mày mượn một con, đá độ với mấy thằng này, chơi hông?

Trong lòng An vui vẻ lên hẳn, nó thích đá dế lắm.

- Chơi! Mà tao chơi chút đỉnh thôi nghen, còn công chuyện nữa.

- Chơi!

- Tao lấy con dế than!

- Chơi!!!

- AN!!!

Thằng An hoảng hốt, lia lẹ cặp mắt qua nhìn cái bóng trăng trắng màu vải phi lụa, há mồm trợn mắt.

- Cậu... cậu Ba?

Ba Bân đứng tồng ngồng, đôi guốc mộc lấm lem đầy bùn đất, chắc cậu vừa chạy hối hả ra đây. Ánh mắt bực dọc chĩa thẳng vào bản mặt sợ sệt của An, Bân cao giọng, gầm to như cọp:

- SAO MÀY ĐI MỘT MÌNH?!?

Thằng An thấy Ba Bân nổi trận lôi đình, nó khúm núm rối rắm, miệng mồm cứng ngắt không biết nói sao. Tính ra chắc nó cũng bàng hoàng, tại đây là lần đầu tiên Bân hét lớn như vỗ vào mặt nó như vậy.

An cứ tưởng nó với Ba Bân sẽ cứ đứng trân trân như bù nhìn như vậy cho tới xế tà, nếu thằng Lang không tạt ngang qua rồi dang tay khoác vai cậu.

- Cậu Ba! Nay ra điền chơi nữa hả? Đá dế hông cậu? Dế nay sung lắm à nghen!

Tại nhà thằng Lang không có nợ ân nghĩa gì của nhà Hai Tịnh, nên đối với nó thì Ba Bân cũng chỉ là một thằng nhóc trạc tuổi trong xóm, gặp thì sẽ quàng cổ bá vai rủ chơi chung, không cả nể trong lời ăn tiếng nói. Mà coi vậy chứ nó cũng né lắm, có mình Bân thì nó còn làm vậy, chứ lỡ mà có người ở hay Hai Tịnh đứng đó, có cho vàng nó cũng không dám bá vô cậu. Nó thì không sao, chỉ sợ Hai Tịnh nổi điên, kiếm cớ bắt ba má nó vô nhà việc đóng trăn, là mấy anh chị em nó khổ liền.

- Đá dế hả?

Ba Bân một giây trước còn giận, nửa giây sau nghe người ta rủ đá dế thì liền mừng rơn.

- Chơi hông cậu? Ngồi xuống chơi với tụi tui!

- Dẹp đi Lang! Đừng có chơi với cậu!

Thằng An khiếp vía, lộc xộc chạy lại can ngăn. Để mà Ba Bân ngồi xuống chơi đá dế, lỡ mà có bề gì, nó bị ăn đòn chứ có phải thằng nào trong đây đâu?

- Mắc mớ gì mày hổng cho tao chơi? Thằng Lang rủ tao mà!

Ba Bân chống nạnh, trở lại vẻ mặt hằn học hồi nãy, quắc mắt ngó thằng An.

- Cậu mà chơi là hồi nữa bà ra đánh con đó cậu ơi! Con năn nỉ cậu, cậu vô nhà chơi với con đi!

Ba Bân không có vẻ gì là xiêu lòng trước cái điệu cầu khẩn của thằng An, cậu mắng:

- Mày được chơi mà tao hổng được chơi là sao? Mày càng ràng cản trở một hồi là tao đánh mày trước khi má tao đánh mày á! Ê Lang, cho tao mượn dế đi!

Cứ vậy mà cả đám nhóc lóc chóc bao gồm cả Ba Bân, ngồi chồm hổm xuống dưới bóng đa, bắt đầu bày trò đá dế. Thằng An dáo dác ngó đông ngó tây, canh chừng coi có bóng Hai Tịnh lấp ló đâu đó không, rồi cũng thở dài, cũng ngồi xuống sau lưng áo bà ba trắng phi bóng của Bân, ngó thằng Lang đào hố.

Đào được cái hố trũng nho nhỏ, thằng Lang bắt đầu lôi cái lồng ra rồi thả con dế lửa của nó vô trong hố.

- Cho cậu Ba mượn con Ớt Hiểm! Thằng nào muốn đá thì thả dế vô!

- Tao!

Một thằng nhóc để đầu đinh chen lấn lên, dạt mấy thằng khác qua một bên, vỗ cái lồng dế của nó ra trước mắt tụi nhỏ, ra vẻ thách thức:

- Tao lấy con dế than đá với cậu Ba.

Đó là thằng Đinh, nhà nó ở gần đình làng, ngay cái ngã ba sông chảy siết. Nó ba trợn lắm, cả xóm ai cũng không ưa. Mới tí tuổi đầu mà láo lếu, không coi ai ra gì, còn hay thích hơn thua. Hễ thắng thì nó hả hê còn thua là nó chửi xéo, có bữa còn nổi điên đánh người. Thằng Lang ghét thằng này lắm, nó không có chơi chung, mà tại thằng Đinh cứ tò tò theo, nên nó cũng kệ không có tính toán. Bữa nay Đinh lại dám ra thách đấu với dế của nó, nó cũng bực, bao nhiêu cái tức mình trong người đều được tự ái đem ra ngoài hết, nó cao giọng, nói như móc mỉa:

- Ờ! Thả dế vô đi! Để coi thằng nào ngon!

Thằng Đinh mở cái lồng thả con dế than vô rồi quay qua nguýt Ba Bân một cái bén ngót. Thằng An ngồi đằng sau cậu cũng bắt đầu cảm thấy nhức người, mí mắt giật giật, coi bộ cũng ngứa ngáy tay chân rồi. Ba Bân thì không biết gì, cậu chỉ biết mình đang được chơi đá dế, còn lại không đoái hoài thêm.

Một hồi gay cấn diễn ra.

- Vô đi cậu Ba! Vô! Cắn nó! Cắn đứt đầu nó!

- Bà mẹ! Cắn gãy giò nó cho tao! Cắn gãy giò con nhà Hai Tịnh ác ôn! Cho nó khỏi lết ra ngoài này nữa!

- Ê!

Thằng An hình như đã hết sức chịu đựng, nó đứng bật dậy, xô thằng Đinh ngã ngửa.

- Đá thì đá, mắc gì chửi người ta?

Mặt thằng Đinh đanh lại, nó ngồi dậy, phủi tay chân, chống nạnh kiễng giò, trề cái môi dưới ra, cao giọng:

- Sao An? Ở nhà làm đầy tớ hổng đủ, ra đây còn liếm gót nhà Hai Tịnh nữa hả?

Thằng An nghiêm mặt:

- Mày đừng có quên là tía mày ổng đang mướn điền nhà bà lớn đó!

- Rồi sao? Ổng mướn chớ có phải tao mướn đâu? Tao hổng có cần ơn phước gì của nhà thằng chó này hết! Mày khỏi kể lể!

- Mày...!

- Thôi An!

Ba Bân hoảng sợ, cậu chặn lấy cánh tay thằng An đang vung lên, dằn nó xuống:

- Thôi kệ nó đi An, về nhà đi mày!

- Sao vậy Ba Bân? Mày sợ hả? Mới hồi nãy mày còn lên mặt chửi bới nó, vậy mà giờ rúc trong nách nó như con mực nhà tao nịnh chủ vậy mậy?

Thằng Đinh tiến tới, rồi không kịp để thằng An phát giác, nó xồ tới xô Ba Bân té bật ngửa.

- Cậu!

Thằng An la oai oái, quỳ xuống kế bên Ba Bân, vội vã đỡ cậu thẳng lưng, mắt thấy bàn tay cậu đã bị xước do cứa vào đá nhọn, mặt nó tức thời trắng nhách không còn một giọt máu.

Rồi chuyện gì tới cũng tới. Hai Tịnh không còn ngồi trên tràng kỷ, bà nổi điên tới mức không thể ngồi yên.

Đúng là nhà giàu đứt tay còn hơn ăn mày đổ ruột.

Hồi sau, ngồi trong buồng, Ba Bân nghe thấy tiếng roi vụt chan chát vọng vào, tiếng nấc nghẹn ngào của thằng An, cả tiếng má cậu chửi bới sang sảng không ngơi nghỉ. Cậu giơ cái bàn tay bấy giờ đã được con Lan trét thuốc lên trước mặt, dòm dòm, rồi cậu mím môi, trong lòng hối hận không thôi.

Ba Bân biết rồi, biết mình đã báo hại thằng An bị đánh nguyên một chiều, tận xế tà Hai Tịnh mỏi tay, mệt quá mới tha cho nó.

Đêm đã xuống, trăng thanh gió mát, Bân liền cục cựa ngồi dậy, vớ lấy cây đèn dầu, mò mẫm xuống bếp kiếm thằng An.

Mọi khi An vẫn hay ngồi canh trước buồng Ba Bân cho tới khuya mới xuống ngủ, vậy mà nay không thấy tăm hơi, chắc nó đau quá nên nằm liệt rồi. Trong túi Bân u lên dày cộm, cậu túm nhiều lá thuốc, cái tướng nhỏ thó nhón gót lén lút chui xuống bếp, liền thấy trước mắt thằng An nằm chỏng chơ trên sập.

Nó không nằm thẳng, chắc lưng nó đau.

- An... An ơi... dậy đi mày...

Thằng An mơ màng mở con mắt ti hí nhìn dáo dác, tức thời thấy Ba Bân, nó đuối nhưng giọng vẫn khẩn trương:

- Cậu hả...? Cậu xuống đây chi vậy? Lên... lên trên ngủ đi cậu... đừng có để cho bà thấy...

Ba Bân tặc lưỡi, cậu thầm thì đủ nghe, sợ chú Tư Thìa kế bên thức giấc:

- Mày dậy đi... vô buồng tao, tao đắp lá cho... khuya rồi, mày nhỏ nhẹ là hổng ai hay đâu.

Thằng An yếu nhớt lắc đầu, Ba Bân tặc lưỡi thêm một cái:

- Lẹ mày! Hông là tao la lên, má tao nghe là bả xuống quất mày nữa đó... lẹ lên!

Cuối cùng thằng An cũng phải nghe lời Ba Bân, lê thê lết thết đi vô buồng của cậu, ngồi trên giường cậu, để cậu nhai thuốc đắp lưng.

Thằng An chỉ ngồi im, lâu lâu nó rên rỉ khe khẽ khi mớ lá thuốc ướt nhem lạnh ngắt quệt lên trên vết thương hở miệng, rồi sợ có người nghe cũng bụm mỏ lại, nín thinh cam chịu.

Ba Bân cầm cây đèn dầu soi soi khắp lưng của An, thấy kín mít xong xuôi, cậu vặn cái núm cho tắt ngúm cây đèn.

- Cậu? Sao cậu tắt đèn? Sao con thấy đường xuống bếp?

- Thôi, nằm dưới đó lạnh lắm, mày ngủ trên đây với tao đi.

- Dạ thôi! Mai bà mà thấy...

- Hổng có thấy đâu. Sáng mơi mày canh gà nó gáy dứt tiếng, mày xuống bếp nằm lợi là hổng có ai biết đâu.

- Dạ thôi...

- Mày hổng nghe tao, tao la lên á nghen.

- Trời đất! Cậu...

- Mày nhỏ cái miệng thôi! Nằm xuống đi, nằm nghiêng quay mặt vô tao nè, cho đỡ nhức với tao cũng hổng có bá vô lưng mày được. Nè, nằm đi.

Thằng An biết nó đã bị Ba Bân dụ, cũng không biết làm sao, đành nghe lời cậu nằm xuống. Trong cái buồng tối hù, An cảm nhận được hơi thở của Ba Bân phì phò vào mặt nó, tức thời làm nó thấy kì kì. Đây là lần đầu An được lên nằm chung giường với Bân, tính ra nó nằm chung với thằng Lang nhiều lần rồi, sao lúc đó nó thấy bình thường mà giờ nằm cạnh cậu nó lại thấy khang khác. Chắc do Bân là cậu chủ nó, nó nghĩ vậy, giản tiện là vậy.

- Sao hồi chiều mày hổng nói với má là thằng Đinh xô tao? Mày nói dóc bênh nó mần chi cho bị quất te tua vậy?

Thằng An thở dài, mắt dần quen với bóng tối, nó ngó lơm lơm vô mặt Ba Bân:

- Nó tức mình vụ bà lớn chèn ép tía nó á cậu. Tội nó. Bà lớn mà biết là tía con nó hổng có xong đâu, thà con bị quất còn hơn, con hổng muốn ai ghét hung cậu nữa.

Trong lòng Ba Bân cảm động, cậu tiếp, giọng hơi thổn thức:

- Vậy sao hồi tao kêu mày đi về mày hổng về, đứng xớ rớ đó chi cho nó tức vậy?

- Dù sao bà lớn cũng là má cậu, con hổng muốn ai chửi má cậu với cậu.

- Sao mà mày tốt dữ vậy?

- Con là đầy tớ của cậu, con phải bảo vệ cậu chớ. Vả lại, từ hồi má chết, cậu là người tốt nhất với con...

An nói, cộng thêm cái cơn nhức nhối dưới lưng, nó không kìm được, rồi nó nấc lên.

Nó lại nhớ má nó, bận nào bị quất xong, nó cũng nhớ má hết.

- Ê... đừng có khóc... mày khóc hồi chiều giờ rồi, mắt mày bụp như bị ong chích vậy đó... với lại... tao hổng có biết dỗ mày đâu...

Thằng An giơ tay quệt nước mắt, rồi nó cứ thút thít hoài, coi bộ thằng nhỏ mười tuổi không mạnh mẽ như Ba Bân nghĩ.

- Thôi thôi... mày nín đi... hay là... tao ca cho mày đỡ buồn nghen...

An cứ lặng thinh, Ba Bân bắt đầu rối ren, trong đầu cậu ráng nặn ra câu ca nào đó để ca cho nó nghe, cho nó bớt khóc.

- Nè nè, tao mới học lỏm chú Tư được mấy câu trong bài Dạ Cổ á, để tao ca nghen, rồi mày đừng có khóc nữa nghen...

Trời tự dưng nổi gió, mây đen vần vũ, đì đùng sét đánh, rồi rớt hột mưa. Trong cái tiếng mưa rào rạt trên mái ngói, tiếng ca non chẹt của Bân cứ vang vọng đâu đây, xa xa, gần gần, the thé.

Tay cậu vẫn đều đặn vỗ nhẹ lên người thằng An, câu Dạ Cổ Hoài Lang cứ đung đưa trên khoé miệng, nhảy ra khỏi buồng, rồi trèo ra ngoài, leo lên nhánh liễu trĩu nước.

"Từ... là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luôn trông tin nhạn
Năm canh... mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi... gan vàng quặn đau í i...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro