24. Ngồi chờ người xa xứ
"Gió mùa thu... mẹ ru mà con ngủ...
Năm canh chầy... thức đủ vừa năm...
Hỡi chàng...
...chàng ơi...
Hỡi người... người ơi...
...em nhớ tới chàng...
Hãy nín! Nín đi con...
Hãy ngủ... ngủ đi con...
Con hời... mà con hỡi...
...ơi hời..."
Nhành liễu ngoài cửa sổ căn buồng bên chái nhà trái khẽ lay động trong làn gió lạnh tà tà của những ngày cuối năm, bên ánh đèn dầu chèn chẹt hiu hắt ánh sáng mờ căm, mâm cơm tối của hai vợ chồng cậu mợ vẫn chễnh chệ nguội ngắt ở trên bàn gỗ. Hai cái chén vẫn nhẵn nhụi trơn bóng chưa động đũa, có vẻ người con gái trong bộ áo gấm vẫn đương mải mê đưa võng cho đứa con đầu lòng, trong buồng gối lạnh cô bóng, chỉ có tiếng kẽo cà kẽo kẹt của giá võng làm nhiễu nhương giọng hò ru con.
Căn nhà gỗ rộng rãi xa hoa nhưng chẳng mấy khi được lắm tiếng nói cười, vang vọng trong không trung chỉ có tiếng gõ mõ cầu kinh xa xa gần gần, tiếng lạch cạch của mấy người đầy tớ còn bận việc sau bếp, thêm vào nữa chỉ còn tiếng tắc kè núp trong vách cứ kêu mãi có năm tiếng mà thôi. Con bé Quỳnh vì yên ắng quá mà nó cũng thiu thiu vào giấc dễ hơn, mới chưa đầy hai tháng tuổi nhưng mà nó cứ khọt khẹt bệnh hoài, dù rằng lúc sanh ra nó cũng đủ tháng đủ ngày như bao đứa khác. Thấy Quỳnh đã ngủ, tà áo gấm phẳng phiu vì cái lưng thẳng tắp lúc này mới khẽ rục rịch, Mỹ Hoa vuốt lên má con gái mình một cái rồi lẳng lặng đứng dậy rời khỏi buồng. Tiếng guốc của cô vẫn nhẹ hẫng như những ngày đầu mới vừa về làm dâu nhà chủ điền Tịnh, với tay vặn to cây đèn dầu trên bàn thờ cửu huyền, thắp ba nén hương, mùi nhang thơm thoáng chốc quẩn quanh gian nhà chính đã được đóng kín.
- Anh hai, anh sống khôn thác thiên, anh phù hộ cho con Quỳnh mạnh khoẻ mau ăn chóng lớn nha anh. Con nhỏ mới sanh mà bệnh tật quài... anh có thương nó thì anh...
- Hoa.
Mỹ Hoa chợt giật thót, lời khấn còn chưa xong, Hai Tịnh đã từ đâu lù lù đứng ngay sát bên hông tủ thờ. Trên tay bà vẫn còn cầm chuỗi hạt châu để lần tụng kinh, cái ánh đèn dầu vàng vọt hắt lên làm cái mặt cứng còng của bà nhìn u ám lạnh lẽo. Đôi môi đỏ quạch lại nhẹ mấp máy nói thêm, Mỹ Hoa tự lúc nào đã nhanh chóng cắm nhang lên lư hương mà khép mình khúm núm:
- Sao hổng vô coi con Quỳnh mà ra đây thắp nhang vậy? Rồi có ai ở trỏng với nó hông?
Mỹ Hoa hơi lưỡng lự, rồi cũng đành trả lời:
- Dạ... con mới ra đây tức thời đó má... con định thắp cho anh hai nén hương cầu ảnh phù hộ cho con của con... giờ con vô buồng liền nè má...
Bà Tịnh thở hắt ra một cái, giống như bà đã quá quen với cảnh này.
- Chứ thằng Ba đâu?
Mỹ Hoa trong lòng kêu trời, cô biết thế nào má chồng mình cũng gặng hỏi chuyện này. Ấp úng nửa ngày mà cô vẫn chưa dám nói cho bà Tịnh rõ, bà cũng mất kiên nhẫn, hơi gằn giọng:
- Vợ chồng với nhau mà sao hổng bảo ban nhau được vậy? Má cưới con cho nó đâu có phải để con mặc kệ nó suốt ngày lêu lỏng ngoài đầu đường xó chợ đâu? Biết rằng con má nó có thói ham chơi, nhưng giờ con là con dâu trong nhà, con phải có trách nhiệm khuyên bảo chồng cho ra hồn người chớ? Dầu ngày xưa con có là tiểu thơ đài các, nhưng giờ con là mợ Ba của nhà này, việc lớn việc nhỏ trong nhà má đâu có để con rớ móng tay, thì ngược lại cái phận làm vợ con cũng coi sao cho đặng tròn chớ? Đã má du di cho con phận đờn bà mới sanh đẻ má cũng hổng khó khăn chuyện con gái con trai, sao mà có cái chuyện nói cho chồng con ở nhà lo lắng chuyện gia cang mà con cứ để má nói quài vậy? Rồi mơi đây anh chị xui bên đó nghe bóng nghe gió rồi qua trách má nặng nhẹ với con dâu, tới lúc đó sao mà má thưa với ảnh chỉ cho tỏ được hả Hoa? Con cũng phải nghĩ mà thương cho má nữa chớ.
Bà Tịnh vừa ngưng giọng thì cũng là lúc Mỹ Hoa ngần mắt lưng tròng, cũng may cái không gian mờ căm không để cho má chồng cô phát hiện cô đương mắc khóc, từ khi sanh ra bé Quỳnh là cô đã biết cuộc đời làm dâu từ rày sẽ lắm gian truân. Thói đời vẫn là vậy người ta vẫn trọng nam khinh nữ dầu rằng gia đình má đẻ cô có là chức trọng quyền cao, nhưng nữ sanh ngoại tộc, làm sao thuận ý thuận tình khi con đầu lòng lại là con gái. Dầu bà Tịnh tiếng trước tiếng sau nói rằng không chấp nhất nhưng ý bà vẫn là nhắc cho cô nhớ mình chưa làm tròn bổn phận dâu con, chỉ là bà còn nể nang gia thế của cô nên không hằn học ra mặt, cô học cao hiểu rộng làm sao không hiểu hết cái sự gì đương diễn ra trước mắt? Mỹ Hoa ngậm ngùi trong giây lát, dường như cô đương cố kiềm cho giọng mình không phải nghẹn ứ, cuối cùng cũng nhẹ đáp lời:
- Dạ... con biết rồi má... để con ra ngoải kêu ảnh vô...
- Xuống kêu con Lan lên coi con nhỏ đi rồi ra ngoải kêu nó vô... gì đâu... suốt ngày...
Hai Tịnh lầm bầm rồi quảnh bước đi lại vô trong buồng bà, Mỹ Hoa ngậm đắng nuốt cay đứng thừ ra đó, hồi sau nghe tiếng gõ mõ lại văng vẳng, cô mới cười khổ mà đi xuống bếp gọi Lan. Dặn dò cô người ở canh chừng cho Quỳnh ngủ xong Mỹ Hoa mới dấn bước đi ra phía sau chuồng trâu, nơi mà chồng cô cả năm rồi cứ ngồi thẩn thơ ra trong cái chòi lá, mặc kệ bão táp hay phông ba, một năm mười hai tháng, mỗi ngày đều như mỗi ngày.
Gió đêm tạt vào mảnh áo lãnh xanh khiến nó dính rạt vô cái thân gầy nhưng hình như Ba Bân không hề thấy lạnh. Gần một năm nay cậu chả mấy đụng đũa một ngày đủ hai bữa cơm, từ trưa tới tối cứ ra ngoài chuồng trâu ngồi đó vò võ trông mong, khuya về thì ngủ cho hết giấc sáng cậu mới mò dậy. Bởi vậy nên càng ngày cái tấm thân cậu càng võ vàng trơ xương, hai mái hóp lại như người mắc bệnh trầm kha, hai hốc mắt cũng đen thùi đậm lè như thể đã lâu rồi chưa ngủ được ngon giấc. Cậu hầu như bỏ qua hết mọi lời khuyên răn của má mình cho tới vợ, dầu rằng con nhỏ của cậu ốm yếu xanh xao nhưng dường như cậu cũng chẳng màng. Cứ vậy quên trời quên đất, ôm trong mình con hình nộm rơm sần sùi mà thu lu trong cái chòi lá ọp ẹp, dáo dác dòm về phía con sông như thể đương chờ ghe ai sẽ cập về lại bến cũ, trong lòng tủi hờn chất đống, đôi mắt cũng vì thế mà sưng bụp hơn theo từng ngày.
Bân cứ ngồi đó mặc kệ mọi sự đương xoay chuyển xung quanh, cứ ngồi mà mơ màng hát một điệu khúc thân quen, gần một năm rồi vẫn chưa đổi. Điệu khúc xưa nhưng giờ đã vắng tiếng đàn cũ, lời không nhạc càng thêm chát chúa vào tim. Từng chữ từng câu như nói lên hết nỗi lòng của Bân, tuy sai mà đúng, nhưng dẫu đúng... thì cũng thành sai...
"Từ là từ phu tướng...
Báu kiếm sắc phán lên đàng...
Vào ra luống trông tin nhạn...
Năm canh... trông mơ màng...
Em luống trông tin chàng...
...ôi... gan vàng quặn đau í... i...
Đường dầu sai ong bướm...
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang...
Đêm luống trông tin bạn...
Ngày mỏi mòn... như đá vọng phu...
...vọng phu... vọng luống trông tin chàng...
...lòng... xin chớ phũ phàng...
Chàng là chàng có hay...
Đêm thiếp nằm... luống những sầu tây...
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai í... a...
..."
- Mình... sao đêm nào mình cũng ra đây ngồi ca quài vậy? Con nó khóc ở trong nhà á... mình vô với tui nha mình?
Nghe thấy tiếng gọi quen thuộc của người vợ chịu thương chịu khó vang lên đằng sau lưng như mọi ngày, Bân cũng ngưng hát mà thở hắt ra, không quảnh lại nhìn mà chỉ lãnh đạm thờ ơ, cậu thuật lại cái câu mà ngày nào cậu cũng nói:
- Ờ... mình vô trước đi. Tui ngồi chút nữa... rồi tui vô...
- Mình hết ca xong rồi mình ngâm thơ... gánh hát của người ta đi miệt thứ rồi, mà mình cứ ngồi đó mình trông quài. Mình vô với tui đi, để hồi má ra má thấy mình ngồi ngoài này, má la tui nữa...
Bân nghe Mỹ Hoa nói mà trong lòng cậu càng thêm cay đắng xót xa, Hoa cũng dấn bước tới mà kê mông lên sập ngồi kế cậu, lúc này cậu mới thủ thỉ:
- Bữa nay là bao nhiêu rồi mình?
- Gần một năm rồi mình, mình còn chờ người ta tới bao giờ nữa? Nhiều khi... người ta hổng còn nhớ cái xứ này nữa đâu...
- Gánh hát ba năm mới về một lần, mới có một năm à... tính ra... còn sớm...
Mỹ Hoa nén tiếng thở dài, cô thu chân lên ôm gối, nhẹ nhàng nói:
- Rồi mình tính chờ người ta tới chừng đó luôn hả?
- Tui chờ chứ...
- Vì một lời hứa thôi hả?
- Ờ... người ta hứa với tui rồi... mình để cho tui chờ người ta...
Gió lạnh lại lần nữa thổi qua vai áo Mỹ Hoa, cô khẽ rùng mình, xoa xoa vai áo, rồi giống như cũng chìm đắm vào ưu tư của chồng mình, ánh mắt cũng miên man ngó về phía dòng sông cô đọng tĩnh mịch, trong lòng cũng man mác một nỗi niềm riêng.
- Bé Quỳnh ngủ rồi hả?
Nghe chồng hỏi, Mỹ Hoa gật nhẹ đầu.
- Để mơi coi nó còn nóng hông, tui đi mời thầy lang về.
- Dạ mình...
Bân thấy vợ mình đượm buồn, cậu cũng khẽ khàng đặt tay lên vai cô, vỗ vỗ mấy nhịp như an ủi, trong giọng chất chứa nhiều tâm sự:
- Con của mình nó sẽ mau khỏi thôi, anh hai trên trời cũng sẽ phù hộ cho nó mà, mình đừng có lo quá mà hao tổn sức khoẻ, mình vô nghỉ đi rồi tí tui vô sau, nghen mình?
Mỹ Hoa lại gật nhẹ đầu, rồi cô cũng nghe lời Bân, thò hai chân xuống mang lại guốc, lộp cộp mấy tiếng dần xa, để Bân lại tiếp tục ngồi một mình trong căn chòi lá.
Đã gần một năm nay, cũng có mấy bận Bân sai thằng Lu đi dò la coi chú Sáu Bình đương ở miệt nào, dặn nó cầm theo lá thư mà cậu viết cho An, nhưng thời gian cứ đằng đẵng trôi mà tung tích chú Bình cứ biền biệt, thư cũng chưa lần nào tới tay người phải nhận, trong lòng Bân lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột khôn siết. Cậu có rất nhiều thứ muốn nói với An, rất nhiều, cả những hủ hỉ thương nhớ, cậu đều viết hết trong thư. Nhưng không hiểu sao ông trời lại khéo trêu ngươi, hoặc như An cố tình trốn tránh cậu, mãi mà cậu chẳng tìm thấy nó, không biết nó có biết cậu ngày đêm nóng lòng muốn tỏ nó giờ ra sao hay không? Nó theo gánh hát chú Bình có an bình hay không, có bị ai ức hiếp hay không, có ấm no đầy đủ hay không, mọi thứ cậu đều luôn thắc mắc trong dạ. Dẫu rằng biết ba năm gánh hát mới về một lần, nhưng cậu vẫn không thể ở yên trong nhà một giây phút nào kể từ ngày An đi. Dầu biết ngồi chờ trong mù quáng như vầy đâu có gì là đáng, nhưng cậu vẫn lỳ lợm ngồi đó chờ. Chỉ sợ rằng đột nhiên gánh hát giở chứng bất ngờ về sớm, cậu sẽ bỏ lỡ mất khoảnh khắc nhìn thấy người thương tiến lại gần trên con ghe. Chắc vì trong lòng Bân muốn cậu sẽ là người đầu tiên thấy mặt An, thấy vóc dáng sau mấy năm thay đổi như nào, thấy nó chững chạc ra sao, cậu sẽ là người đầu tiên gọi tên nó sau ngần ấy năm xa mặt cách lòng. Mà cho dù có là bốn năm, năm năm hay mười năm, cho dù chờ tới già, cậu cũng sẽ ngồi đợi. Chỉ cần lời hứa vẫn còn ở đó, dù có là kiếp sau, cậu vẫn sẽ ngồi chờ nó quay lại. Vì cậu cũng có lời hứa với chính bản thân cậu, dẫu rằng đã mất đi phân nửa nhưng cậu vẫn một mực không suy suyển. Dù có thế nào, cũng nguyện một lòng sắc son.
Bến sông vẫn tĩnh lặng bình yên mặc dầu đã vắng bóng con đò thương mến từ lâu, đám lửa mà Lang nói là sự cố tới giờ Bân vẫn tin, một lòng một dạ vẫn giữ nguyên chữ thương, lần nữa lại ngân vang khúc ca nguyện ước lứa đôi dù cho có mòn mỏi.
Mặc kệ hiện tại trước mắt đương đắng chát tới mấy, vẫn vững lòng một tiếng chờ...
"...
Thiếp nguyện... là nguyện cho chàng...
Nguyện cho chàng đặng chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn được hiệp đôi í... a...
..."
Thoáng chốc thời gian thoi đưa cũng đã qua được ba năm, dù rằng thuốc phiện thời bấy giờ đã không còn xa lạ gì với chốn phồn hoa Sài Gòn, đối với Nam Kỳ Lục tỉnh thì cũng trong tối trong khuất, ấy thế mà năm đó đột nhiên xóm Đập lại có vụ vì phê thuốc quá mà giết chết vợ con. Nghe nói nhà ông ta nằm ở giáp ranh xóm Đập và xóm Bà Chiếc, nhà nghèo rớt mồng tơi vậy mà chẳng biết sao có tiền chơi thuốc, chơi tới mức mờ quáng đầu óc, mụ mị điên loạn, cầm dao giết vợ giết con vào giữa khuya. Phải nói thuốc phiện bấy giờ không phải thứ khó mua, nhưng đối với dân ruộng dân cày thì nó lại thuộc hàng xa xỉ, người ta chỉ đủ tiền hút rê chứ chẳng ai thiếu hụt trước sau mà lại để tiền đi mua thuốc phiện, ấy là Cai bắt đầu điều tra xem nguồn gốc của nơi tuồn thuốc rẻ về cái xứ đang yên bình này là ở đâu. Từ dạo đấy cũng có thêm mấy vụ bị bắt gặp chơi thuốc phiện trong chòi lá ngoài ruộng hay chơi xong đi lang thang ở ngoài xóm bị Cai phát giác, nhưng lạ thay những người dính vô vụ thuốc phiện đại đa số toàn là tá điền của nhà điền chủ Tịnh. Dù thế người ta cũng chẳng thể ép cung hay nghi ngờ gì bà vì chẳng có chứng cớ, với lại không thể hiểu được mục đích nếu bà thực sự làm vậy, mọi chuyện tới tai Hai Tịnh thì bà cũng làm lơ, giống như thật sự chẳng liên quan tới mình.
Bởi thế nên Cai có điều tra thì mặc Cai, Hai Tịnh chỉ quan tâm tới lúc mùa thu là phải đủ lúa đủ số, kèo nhèo lý do là bà cho ăn đủ, nên người ta cũng dần bỏ qua hiềm nghi chuyện thủ phạm là bà. Vì nếu dân không đủ tỉnh táo mần ăn thì người có thiệt trong đó cũng có bà, chẳng có lý do gì để bà phải làm thế, Cai trong làng được dịp rối loạn vì cái sự này một phen. Ròng rã miệt mài vậy mà mãi chẳng tìm ra được thủ phạm là ai, dân Đập cũng nơm nớp lo sợ nhất là mấy bà vợ, thời thế bấy giờ loạn lạc đảo điên tới mức ai cũng nhốn nháo, giờ đi đâu cũng nghe người ta đồn đoán nhau vụ buôn thuốc phiện là trước tiên.
Sáng hôm đó gia cang Hai Tịnh nhộn nhịp vì bữa nay là tiệc mừng ngày sinh của bé Quỳnh. Nhỏ năm nay được ba tuổi, nhí nha nhí nhảnh, quậy y như con trai. Trộm vía lớn lên nhỏ lại mạnh hùi hụi chẳng còn hay bệnh tật gì hung, chắc Hai Huỳnh trên trời cũng linh thiêng, bao nhiêu cầu khẩn của Mỹ Hoa vậy là cũng mãn nguyện. Bởi mạnh nên suốt ngày Quỳnh cứ thích chạy nhảy ngoài vườn, chơi đùa với mấy đứa trạc tuổi con của đầy tớ trong nhà, lớn tiếng lớn nết, hệt như cái tánh của Ba Bân. Bởi vậy nhỏ cứ bu cậu mãi không thôi, đu cha hơn đu má, cứ đêm không thấy cậu là nhỏ khóc ủm tỏi, đòi phải có tía nhỏ thì mới chịu ngủ, Mỹ Hoa dù có cưng nựng hết nấc nhỏ cũng giãy nảy như ai lấy mất đồ chơi. Năm nay ba tuổi lại có thêm cái tật khuya là ra chòi lá ngoài chuồng trâu ngồi chơi với Bân, tía nhỏ im lặng thì nhỏ cũng im, tía hỏi thì nhỏ mới trả lời, dù buồn chán nhưng nhỏ một mực không làm phiền tới tía. Hỏi ra thì Quỳnh chỉ nói sợ tía nhỏ ngồi một mình buồn, nhỏ ra ngồi đó cho tía đỡ chóng vánh. Bân cũng vì thế mà càng ngày càng thương Quỳnh, chỉ cần nhìn thấy nụ cười tươi rói của nhỏ, phần nào trong cậu cũng nguôi ngoai.
- Tía ơi tía!
Nhỏ Quỳnh cầm trên tay con cào cào lá tre chạy bang bang lại chỗ Bân đương cho mấy con cá chép trong chậu ăn, nó nhào tới ôm chầm lấy chân cậu, tay giơ cao con cào cào.
- Tía! Chú Lu đơm cho con nè, tía thấy đẹp hông?
Bân cười xoà khiến bộ ria mép khẽ rung rinh, cậu đưa tay đặt lên vai con nhỏ, mái tóc nay đã dài cột lên thành đuôi ngựa nhẹ phe phẩy trong làn gió sớm.
- Ờ đẹp. Mà chú Lu đơm cho con rồi con có cảm ơn chú chưa?
- Dạ có! Quỳnh cảm ơn chú rồi, còn hun má chú một cái nữa!
- Ngoan lắm. Nhớ là ai cho mình cái gì thì cũng phải cảm ơn biết chưa? Dầu cho người đó có là người ở của con, con cũng phải lễ phép hiểu hông?
Quỳnh gật gật đầu, nhỏ cười nhe ra làm lộ nguyên hàm răng sún hết trọi.
- Dạ nhớ! Ủa mà tía, bữa nay ngày gì mà sao mọi người túm tụm dưới bếp hết vậy?
- Bữa nay là kỷ niệm ngày con sanh ra đời đó, giống như năm trước, con nhớ hông?
Quỳnh đứng đó ngẫm nghĩ, rồi nó oà lên:
- Vậy là con sắp sửa được tía tặng đồ chơi nữa phải hông?
Bân cười lên khà khà, khum xuống véo vô má con nhỏ.
- Ờ! Tía mày! Để chiều tui ẵm ra chợ, muốn gì tui mua cho cái đó, có chịu hông?
Quỳnh còn chưa kịp trả lời thì chị Lan từ lúc nào đã ở kế bên nách Bân, chị ghé sát vô tai cậu, thì thầm cắt ngang cuộc trò chuyện:
- Cậu Ba, bà lớn kêu cậu vô buồng nói chuyện á cậu.
Bân nhẹ gật đầu, khuôn mặt dấy liền một nét mệt mỏi.
- Ờ, tui biết rồi.
Nói rồi lại trở lại vẻ ngoài tươi tắn, quảnh qua Quỳnh.
- Con ở đây chơi với chế Lan, tía vô trong bà nội kêu có chuyện, đợi xíu tía ra chơi với con tiếp nghen.
Quỳnh ngoan ngoãn gật đầu, rồi Lan đi tới dắt tay nhỏ đi, Bân cũng lẳng lặng trở vô trong nhà, trên môi cậu từ lúc nào đã tắt ngúm nụ cười rạng rỡ.
Căn buồng của Hai Tịnh vẫn nguyên như vậy dầu có trôi qua thêm mấy chục năm sau, vẫn u ám như cái thuở ban đầu, mới sáng mơi mà trong buồng bà đã ảm đạm cái màu vàng vọt của ánh đèn dầu, cửa sổ tuy lớn nhưng hầu như chả khi nào người ta thấy bà mở. Hai Tịnh chậm rãi cắm ba nén hương lên bát nhang trong gian thờ phượng, vái lạy tượng Phật Quan Thế Âm ba vái, lẩm bẩm câu nguyện hồng danh, cùng lúc Bân bên ngoài cũng gõ lên cửa ba gõ rồi lên tiếng báo rằng mình đã tới. Hai Tịnh lãng đạm đứng dậy phủi mấy cái cho thẳng thóm cái tà áo dài gấm hoa, trên tay vẫn cầm chuỗi hạt, bà thư thả ngả người lên chiếc ghế gỗ, đôi môi đỏ mọng lúc này mới mấp máy phát ra tiếng nhẹ như bưng.
- Vô đi bây.
Bên ngoài Bân lập tức đẩy cửa vào, nhẹ bước đi về phía má mình, từ lâu rồi cậu đã chẳng lại kế bà mà gần gũi đấm bóp, chỉ đứng đối diện hệt như đầy tớ, cậu lên tiếng nhi nhí hệt như muỗi kêu:
- Dạ má kêu con có chi hông má?
Hai Tịnh ung dung nhấp chén trà hoa lài, gần ba năm trước tự nhiên bà cho bỏ hết trà sen chuyển qua trà lài, lúc này mới chành miệng nói:
- Con Quỳnh tính tới nay cũng được ba tuổi tròn rồi, sao mà má chưa nghe tin vui gì từ hai vợ chồng con hết vậy?
Bân giật giật mí mắt, trong lòng cậu chán nản nhưng không sao than lên được thành tiếng, cậu nói, giọng đã nhỏ nay còn nhỏ hơn:
- Sao má nói chuyện này quài vậy má...
Hai Tịnh hơi đanh mặt, bà lạnh giọng:
- Hên là má nói quài mà con còn hổng có chịu nghe nữa đó. Con có biết trong ba tội bất hiếu tội lớn nhất là không có con nối dõi hông? Má nói mà con còn trách má nhiều lời nữa hả?
- Có Quỳnh rồi mà má? Sao má nói vậy được?
Bà liền đùng đùng:
- Con Quỳnh nó là con gái, đẻ con gái như hũ mắm treo đầu giường, mơi mốt lớn đi lấy chồng là như bát nước đổ đi, nó có sanh con sanh cái cũng là cháu là chắt nhà người ta, bây giờ trong nhà này má chỉ còn có mình con, con nỡ để cho nhà mình tuyệt tôn tuyệt tự con mới đặng lòng sao hả? Rồi sau này má chết xuống dưới gặp tía con sao má dám dòm mặt ổng, vợ cũng là vợ con, sao con hông một lần nào nghĩ cho cái gia đình này hết vậy?
Bân nghẹn họng, dưới cái cúi đầu cậu chỉ nhẹ nhíu mày, rồi như không muốn phải thêm phiền não nữa nên đành ngậm bồ hòn, cậu gật đầu, ngữ điệu muôn phần miễn cưỡng:
- Dạ má... con biết rồi...
Bấy giờ Hai Tịnh mới hài lòng thở hắt ra một cái, ánh mắt sắc lẹm vẫn ngó chòng chọc vào đỉnh đầu của Bân. Giọng bà có hơi nghiêm nghị hơn những lần nói về vấn đề này trước đây, thể như bà muốn cho Bân hiểu ý tứ rằng bà nhịn lần này nữa là lần cuối, khôn hồn đừng để bà nói thêm.
- Ờ... ráng sanh cho má thằng cháu trai cho nó phụng sự cho gia tộc mình, anh con nó xui rủi nhưng má cũng hổng ép con phải thế nó quản cai sự nghiệp của nhà, con cũng nên thương má mà cho má đứa cháu đặng sau này nó thừa hưởng gia sản nối dõi tông đường, dầu sao gia đình mình cũng hổng thể tuyệt tôn được đâu con. Nhớ lời má dặn thì cái gì cũng được, đừng để má cho dẹp cái chuồng trâu đằng dưới, má hổng có muốn làm buồn lòng con đâu.
Lại là cái trò rào trước đón sau của Hai Tịnh, Bân chỉ biết nén tiếng thở dài, sau đó nhẹ dạ một tiếng rồi cậu cũng nhanh chóng thoái lui ra khỏi cái không gian ngột ngạt, vừa mở cửa bước ra là cảm nhận ngay được một sự thoải mái bủa vây. Bân trầm mặc bước đi thẳng ra phía chuồng trâu quen thuộc mà như người không hồn đương bước đi, lòng không muốn nặng gánh thêm bất cứ thứ gì, giờ chỉ có nơi đó là có thể an ủi được lấy cậu, dù rằng cái ôm từ người thương năm ấy đã phai lợt từ rất lâu.
Chiều đó Quỳnh được chị Lan dẫn ra điền đi dạo, tụi con nít trong xóm hễ thấy bóng Quỳnh là tụi nó hè nhau sáp lại chọc nhỏ, giống như lúc Bân còn nhỏ đèo bồng theo An ra điền, Quỳnh bây giờ bị chọc y thinh như cậu hồi đó. Nghe cũng đủ hiểu chọc ở đây đa phần đều là dè bỉu, tụi nó muôn đời vẫn không ưa nổi con cháu nhà chủ điền Tịnh, bao nhiêu thế hệ trôi qua đều được giáo huấn một khóa về gia cang nhà ấy, nhất là cái nết của bà Tịnh, cứ thế mà từ lớn tới bé đều có ác cảm y xì đúc nhau. Dù bị ghẹo nhưng nhỏ Quỳnh không bao giờ mếu khóc hay tủi hờn mà uất ức, nhiều khi nhỏ còn lớn tiếng chửi lại, mới ba tuổi mà coi cái miệng nó cũng trời ơi đất hỡi dữ dằn. Cả đám đương chí chóe vậy đó thì một đứa từ đâu chạy xồng xộc tới, vừa chạy nó vừa bài hãi, cái giọng bị đớt khiến cả đám lóng lỗ tai lên nghe cả buổi cũng chẳng ai nghe hiểu cái gì. Đợi khi nó chạy tới ngay sát nách thì tụi nhỏ mới nghe rõ lời thằng ấy nói, một câu thôi cũng đủ khiến tụi nó nháo nhào, tức thời đứa nào đứa nấy hè nhau ù té chạy, để lại Quỳnh ngơ ngác đứng đó còn Lan thì thoáng bàng hoàng, tròng mắt chị bấy giờ bất giác trợn to.
Thì ra, gánh hát cuối cùng cũng về lại.
Gánh hát Sáu Bình sau ba năm lưu diễn, chiều đó lại cập bến về xóm Đập Ông Canh.
còn tiếp...
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro