26. Vỡ lẽ đêm trăng (Phần đầu)

- Vậy... giờ mình ra ngoải hả?

Mỹ Hoa ngồi trên sập gỗ chải tóc cho Quỳnh, ngó qua Bân nãy giờ vẫn đứng trước gương ngắm nghía bản thân trong bộ bà ba lãnh trắng mà trong lòng thầm cảm thán. Phải công nhận từ ngày về làm vợ cậu tới nay cô chưa bao giờ thấy cậu trau chuốt kĩ tới vậy, râu ria để mấy năm rồi tức thời nói cạo liền cạo, tóc tai rối bời chẳng bao giờ chải cho gọn nay cũng đã cắt tỉa lại cho ngắn đi. Không biết người mà Bân sắp đi gặp quan trọng tới nhường nào mà khiến cậu trong tắp lự đã trở thành một con người khác hẳn với trước đây, Mỹ Hoa cảm giác như chồng mình đã thực sự quay trở lại sống đúng với chính bản thân mình, cậu vừa săm soi bản thân trong gương miệng thì vừa ca, một khúc hát vui tươi mà chưa bao giờ Mỹ Hoa được nghe từ miệng cậu.

- Ờ mình. Tui phải ra để gặp người ta, tui cũng kể cho mình nghe rồi mà.

Nghe cái giọng điệu hớn hở của Bân mà trong dạ Mỹ Hoa bất chợt phiền muộn, cô cũng chẳng biết cảm giác này là gì vì ngày này cô cũng đã tính trước sẽ xảy ra. Tự dằn lòng cô nén tiếng thở dài, phận cô bây giờ là phải mừng thay cho chồng cô, làm gì được quyền cù cưa ẩm ương, sao cô có thể lấy làm phiền muộn khi Bân cuối cùng cũng đặng bên bờ thực hiện được mơ ước?

- Mà... lỡ người ta biết mình có vợ rồi, người ta nghĩ bậy, mình tính sao?

Mỹ Hoa ẵm Quỳnh xuống sập rồi đẩy đẩy lưng con nhỏ ý biểu ra ngoài chơi, khi Quỳnh đã chạy ra cửa rồi Bân lúc này mới tiến lại sập ngồi kế bên Mỹ Hoa, hai tay cậu dấm dúi lận lận tà áo, đôi môi vẫn chưa ngớt nụ cười hạnh phúc.

- Chắc người ta hổng biết đâu, tui có dặn chú Sáu giữ bí mật rồi. Mà thể như có biết thì tui cũng sẽ giải bày cho người ta hiểu, để người ta biết tui vẫn một lòng một dạ với người ta.

Tiếng tắc kè trên vì kèo kêu lên lồng lộng nhưng cũng không thể át đi được tiếng thở ra của Mỹ Hoa. Cô chỉ lẳng lặng gật nhẹ đầu, hai tay cũng bắt chước Bân mà bấu chặt vào áo, cậu liếc sơ cũng hiểu vợ đương nghĩ gì.

- Mình...

- Hổng cần lo cho tui đâu... nếu mình đi rồi tui sẽ cố gắng ở đây phụng dưỡng cho má, tui đã hứa với mình rồi mà, mình cứ tin ở tui.

Mỹ Hoa mỉm cười với Bân, tay chạm lên bàn tay nóng hổi của chồng mình, đôi mắt Bân bấy giờ đã long lanh giọt lệ.

- Tui... tui thấy có lỗi với mình quá...

- Lỗi phải gì... mình cho tui được làm vợ mình là tui vui rồi, tui hổng có oán trách gì đâu. Chỉ cần mình hứa với tui là phải ráng mà sống tốt cho quãng đời khó khăn về sau, có gì thì phải báo với tui liền, dầu tui có khó cũng sẽ gắng giúp cho mình tai qua nạn khỏi. Một ngày làm vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa... huống chi cái ơn mình cho tui tui có mần trâu mần ngựa cả đời cũng hổng trả hết, xá gì cái chuyện cỏn con này?

Nghe Mỹ Hoa tâm sự mà Bân xốn xang trong lòng, bụng bảo dạ thương thay cho phận phụ nữ chịu thương chịu khó, bất giác chẳng kiềm lòng nổi, Bân dang hai tay ôm chầm lấy Mỹ Hoa.

- Mình...

Mỹ Hoa thoáng bất ngờ vì đây là lần đầu tiên được chồng mình ôm ấp, cô cũng ngượng nghịu lúng túng để hai tay lên lưng Bân vỗ vỗ, cậu bấy giờ lại lên tiếng, dường như giọng đã có chút run lên.

- Tui... tui cảm ơn mình...

- Thôi... cảm ơn gì... tới giờ chưa? Mình chạy ra đó kiếm chỗ ngồi đẹp đẹp đi, ngày đầu người ta ca, coi chừng đông nghịt đó...

Vòng tay buông lõng rồi Bân lia đôi mắt ướt át ngó qua gương mặt mỹ miều của Mỹ Hoa, thấy tròng trắng cô cũng đỏ ké rưng rưng, dạ Bân chợt xót xa nhưng cũng không còn cách nào khác. Không nỡ nhìn thêm mà cậu ngậm ngùi đứng bật dậy, cầm theo cái nón rồi bước ra cửa phụ. Vừa bước tới thềm ba thì chợt khựng người cậu ngoái lại nhìn về phía người vợ tội nghiệp, trông thấy Mỹ Hoa vẫn đưa mắt dõi theo mình mà tim gan cậu cồn cào, miệng muốn lên tiếng an ủi nhưng cuối cùng cậu cũng chỉ bật ra được một câu khô khốc.

- Má mà có hỏi tui đi đâu, mình tính đường nói cho má yên lòng nghen.

Mỹ Hoa chành miệng ngăn không cho mình mếu máo trước mặt chồng, cô không nói lời nào mà chỉ gật gật đầu, chờ cho bóng Bân đã khuất xa, bấy giờ cô mới bật khóc.

Nhưng chưa kịp nức nở thì ngoài cửa buồng chợt vang lên tiếng gõ cửa, Mỹ Hoa vội vàng chùi mặt vào tay áo, khịt mũi mấy cái rồi định thần, lúc này mới tiến ra mở chốt cửa.

- Má...

Gương mặt chằm dằm của Hai Tịnh ngay lập tức hiện ra trước mắt Mỹ Hoa, chẳng nói chẳng rằng bà cứ thế bước vô buồng, ngồi phịch xuống ghế, đợi cho con dâu lại đứng trước mặt mới nhẹ giọng hỏi, dù thế cô vẫn nghe ra giọng bà đã có chút giận dữ.

- Thằng Ba đâu?

- Dạ... ảnh đi coi hát rồi má.

Cặp mày ngài của Hai Tịnh khẽ nhíu lại, nhưng cái nhíu rất khẽ nếu chẳng để ý thì cũng không hay biết. Bà phe phẩy cây quạt, coi bộ không khí xung quanh có vẻ nóng nực, lại tiếp:

- Rồi sao con hổng đi theo nó luôn? Giờ này tối hù tối hụp mà hổng đi coi sóc chồng, ở nhà mần chi?

- Dạ... chồng con ảnh lớn rồi mà má... với hồi nữa con cũng ra...

- Lớn hả?

Hai Tịnh gằn giọng cắt ngang lời của Mỹ Hoa.

- Lớn mà hổng có tròn bổn phận của người lớn, hay ý mợ nói chồng mợ lớn còn mợ thì nhỏ, nên mợ mới hổng có đặng cái phận làm vợ được phải hông?

Móng tay Mỹ Hoa bấy giờ đã cắm phập vào thịt tới rướm máu, cô biết Hai Tịnh lại đương nói tới điều gì.

- Dạ con hổng có ý đó đâu má...

- Hổng có ý đó vậy cớ mần sao mà ba năm rồi mợ hổng cấn thai cho má chồng mợ nhờ, mợ tính để cho cái nhà này tuyệt hậu mợ mới đặng lòng phải hông? Gia đình này có mần cái chi khiến mợ phiền lòng mà mợ lại nhẫn tâm vậy? Hay là mợ hổng còn thiết mần cái chức mợ Ba trong nhà tui, hay phận đờn bà này hổng chịu an phận thủ thường mà còn mơ tưởng huê tình trắc nết?

- Má... con nào có dám đâu má... má đừng có nói vậy mà tội con má...

Mỹ Hoa nghe tới đây thì trong lòng đã nổi cơn sóng dữ, sự uất ức đã chất chồng bấy lâu nay lại trương phình lên nhức nhối. Đôi vai cô run lên bần bật vì những lời lẽ cay nghiệt lần này đã quá đáng tới mức vu oan cho cô tội lăng loàn, đâu có ai hiểu thấu nội tình trong chuyện này nên cứ thẳng tay hạch sách, vì trót dại một lần mà bây giờ thấp cổ bé họng chẳng dám lên tiếng thở than.

- Hổng dám hả? Tui nói cho mợ biết, mợ đừng có nghĩ mình vẫn còn như hồi ở nhà má đẻ mà muốn gì được nấy! Đờn bà lấy chồng rồi nhiệm vụ của mợ là phải sanh con đẻ cái cho nhà chồng, đừng nghĩ có được một mụn con là ngon, chừng nào chưa sanh được một thằng con trai để nối dõi tông đường thì chừng nấy mợ vẫn chưa tròn bổn phận! Mợ đừng để tui phải nói mợ một câu cây độc không trái, tui hổng có muốn tàn ác tới vậy đâu. Cũng đừng có lấy con Quỳnh ra làm cái bia đỡ cho cái tội của mợ, con gái lấy chồng rồi là cạn tàu ráo máng, mợ phải hiểu tự vì mợ cũng là đờn bà mà? Coi như tui nói lần này nữa là lần chót, hai tháng nữa mợ hổng có tin vui thì mợ đừng có trách tui vô tình. Bân nó còn trẻ còn nhiều người tơ tưởng tới cái chức mần vợ của nó lắm, của nả nhà tui cũng hổng có phải túng thiếu tới mức hổng nuôi nổi thêm một đứa con dâu, mợ đừng có để tui phải lấy thêm vợ bé cho thằng Ba rồi chừng đó mới biết nghe lời, đừng có ép tui phải mạnh tay.

Đôi môi Mỹ Hoa bấy giờ cơ hồ đã sắp bật máu vì hàm răng không ngừng nghiến chặt, cô cứ đứng chết trân tại chỗ vì không còn lời nào để phản biện lại mặc dù đã bẽ bàng tan tác, trái tim thấm nhuần nỗi đau bị khinh miệt, cô thầm trách ông trời sao nỡ đày đoạ vì cô nào có tội tình chi? Phần Hai Tịnh lúc này còn chẳng thèm thiết nghe thêm lời cô giải bày phân bua, bà chỉ vùng vằng đứng dậy, lúc đi ngang còn huých vô vai cô làm xác hồn cô loạng choạng, nhìn vẻ mặt trát đầy sự ghét bỏ cũng biết bà nào có quan tâm chuyện cô có bị tổn thương hay không. Hai Tịnh chỉ muốn trút cơn thịnh nộ vì thằng An đã quay trở lại đây, thêm chuyện nối dõi làm bà ngứa mắt mấy năm qua nên coi như bà xả một lượt, không muốn uống rượu mời thì bà cho rượu phạt, đằng nào cũng đã về nhà bà làm dâu thì phần nhiều bà cũng chẳng có sợ gì nhà má đẻ Mỹ Hoa cho hung. Trước đây khi còn mới mẻ thì còn cả nể chứ điền chủ như bà thì sao phải dè chừng tới mức lép vế hương chức, chẳng qua do bà không muốn hà khắc chứ bây giờ đã cũ mèm, ra sao là do bà định đoạt, làm gì có ai đủ quyền làm khó làm dễ gì mà không dám căng?

Mà nghĩ tới thằng An thì bà lại cả giận lắm thêm, dầu rằng bây giờ Bân đã có vợ có con ấy mà nhìn cậu vừa hay gánh hát về đã chạy đi kiếm thằng cốt đột đó liền làm bà ứa gan không chịu được. Cái tin Sáu Bình về làng thì bà đã biết từ miệng Lan từ lúc sáng rồi, chỉ là bà còn đinh ninh Bân có lẽ đã tỉnh ngộ nên còn ung dung, vậy mà nào ngờ mấy năm qua cậu vẫn không thoát khỏi cái cơn mê muội oái oăm, chẳng biết thằng khỉ kia có chơi bùa mê thuốc lú gì cậu không mà khi nó đi thì cậu đòi lấy vợ, nó vừa về là cậu lại chứng nào tật đó tất tả chạy theo nó ngay. Hai Tịnh mặt nhăn mày nhíu trở lại về buồng mà miệng thì bài hãi gọi tên Lan, chị vừa hối hả chạy lên chỗ bà thì bà đã kéo chị vô buồng, bằng cái giọng như nghiến răng bà nói nhỏ, gằn từng chữ một như sợ Lan không nghe thấy:

- Mày xuống kêu thằng Chín Xẻo dẫn theo mấy đứa nữa ra gánh hát canh chừng cậu Ba, hễ mà thấy cậu mon men lại gần thằng chó kia là hè vô đập chết cha nó cho tao! Cậu có can thì cũng kệ cậu, có gì tao lo hết, đi liền đi!

- Dạ... mà... Chín Xẻo đi đâu chưa có thấy về nhà bà ơi... mấy nay con cũng hổng thấy chả về đây ăn cơm... con cũng hổng biết chả ở đâu mà kêu nữa bà...

- Bà mẹ... cái thằng quỷ này... vậy thì đi xuống kêu thằng Lu cũng được!

- Dạ dạ bà... con đi liền...

Lan vội vã cúi người rồi nhanh chóng chạy siết ra ngoài, để lại Hai Tịnh một mình trong căn buồng tối tăm, đôi môi bà khẽ nở một nụ cười thoả mãn, bà không tin chỉ có một thằng dân đen mà bà không xử được để cho gia cang bà đặng êm ấm.

Cùng lúc đó trong buồng hai vợ chồng cậu Ba, Mỹ Hoa bấy giờ đã khóc sưng cả mắt. Cô bặm môi tức tưởi trong thinh lặng, bao nhiêu uất ức cứ nghẹn ứ không để bật ra thành tiếng, đôi mi ướt nhoà cùng gương mặt lấm lem khiến cô trông thảm hại đến thê lương. Cô nào có ngờ mình sẽ nhận được cái kết đắng tới như vậy, còn đâu cô gái tươi tắn giỏi giang ngày nào với bao mộng ước phơi phới, đùng một cái cả trời đất sụp đổ, kiếp trước cô đã gây ra cái nghiệp gì mà kiếp này lại nhận quả báo quái ác, thà rằng ngày đó cô cứ gieo mình xuống sông tự vận thì coi bộ chắc còn sung sướng hơn. Quỳnh lúc này từ ngoài cũng đi lon ton vô, thấy mẹ mình đương ngồi bệt dưới nền mà khóc ngất, nhỏ hoảng quá vội chạy lại ôm mẹ mà theo phản xạ của con nít cũng mếu máo mà rớt nước mắt theo. Mỹ Hoa hai tay ôm chầm lấy con mà lòng dạ cô đau như cắt, rồi nghĩ tới những câu nói đay nghiến của Hai Tịnh vừa nãy, trái tim cô lại nhức nhối hơn. Phải làm sao khi mai này Bân rồi sẽ trốn đi theo tình yêu của đời mình, phải làm sao khi cô không thể có một đứa con trai, phải làm sao khi Quỳnh chỉ là con gái bị người khác rẻ khinh, phải làm sao để mẹ con cô có thể sống yên bình trong cái gia cang ai oán này với lời hứa sẽ phụng dưỡng cho má Bân tới khi bà chui xuống nấm mồ dưới ba tấc đất? Rồi có chắc là khi đó mẹ con cô còn được người ta cho dung thân ở đây nữa hay không, hay người ta cũng sẽ chướng mắt mà đuổi mẹ con cô đi, nữ sanh ngoại tộc, làm gì có chỗ cho phận đàn bà không chồng mà còn không có con nối dõi tông đường cơ chứ?

Mỹ Hoa ngậm ngùi khóc nấc trên vai áo bé xíu của đứa con gái thơ ngây, cô sao nỡ để nó bị người ta giày xéo chỉ vì nó là con gái, để nó bị mắng chửi khi chính nó cũng không có quyền chọn lựa, đời cô đã hẩm hiu thì sao cô cam lòng để Quỳnh cũng chung số phận với mình? Dù có ở lại thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đuổi đi, cuộc đời này ô nhục nhất là bị gia đình chồng trả lại về nhà má đẻ, cô nhất định sẽ không để cho con gái mình có một tuổi thơ bất hạnh như thế. Nén nước mắt dằn lòng, Mỹ Hoa quệt mạnh dòng lệ đang tuôn trên má, xoa đầu đứa con gái nhỏ cũng đương ỉ ê trong lòng, cô đứng dậy rồi nhanh lẹ đi lại ngồi vào cái bàn đọc sách. Nhưng tới khi cầm trên tay cây viết Mỹ Hoa lại thoáng chần chờ, nước mắt lại chẳng kiềm được mà rơi lã chã, nhưng dù cho đây có là vong ơn bội nghĩa thì cô cũng bằng lòng để đánh đổi cho Quỳnh có được một tương lai tươi sáng, quyết định là không đổi, cô bắt đầu nắn nót viết thư.

- Gởi... mình...

'...
Em không chắc mình có biết tới sự tồn tại của lá thư này hay không, nhưng chắc khi mình đọc được những dòng này, có lẽ mình đã đang hạnh phúc với tình yêu của đời mình còn em và con thì đã đi về một miền đất lạ... Em xin lỗi vì đã không thực hiện được lời hứa với mình, nhưng khi nghĩ về ngày tháng không còn mình bên cạnh thì em không thể nào tưởng tượng được tình cảnh của hai mẹ con, mình cũng hiểu má khó ra sao, em mong mình có thể thông cảm cho em vì quyết định ra đi mà không ở lại phụng dưỡng cho má...

Em biết rằng mình đã hy sinh để cho em có được một mái ấm để nương nhờ, nhưng số phận chơi đùa chúng ta như những con rối, em nào ngờ đứa con gái mà chúng ta vẫn hết mực yêu thương lại là cái gai trong mắt của cái phong tục bảo thủ đã ám ảnh lấy má bao nhiêu năm qua... Phận em sẽ không bao giờ quên cái ân tình mà mình đã dành cho hai mẹ con, cái ngày mà mình chấp nhận cưới em về nhà dù rằng mình đã thề nguyện với người mình yêu, em cảm ơn mình vì đã thương cho phận đàn bà có chửa hoang mà cưu mang hai mẹ con khỏi miệng đời rồi sẽ chua ngoa gian ác... Bao năm tháng qua dù rằng chúng ta sống với nhau chỉ trên danh nghĩa nhưng mình chưa bao giờ ngược đãi hai mẹ con em như cái thói đời vẫn hay như vậy, em biết ơn từng cái dịu dàng mà mình dành cho em, cả tình thương mà mình đối với Quỳnh, tất cả em đều sẽ ghi nhớ tới trọn đời trọn kiếp...

Chỉ xin mình thứ lỗi cho sự vô ơn này của em, cho sự ích kỷ mà em cũng không mong, riêng em thì không sao nhưng mình hãy tội nghiệp cho Quỳnh. Em nghĩ mình cũng không nỡ để cho cháu mình phải chịu cảnh bi thương trong chính ngôi nhà của cha đẻ nó mà... hãy để cho con nhỏ có một cuộc đời êm ái hơn chúng ta...

Em mong rằng mai đây con đường mình đi sẽ rợp nắng để bù lại cho những tháng ngày mòn mỏi đợi trông, em cũng rất muốn được nhìn thấy nụ cười của mình khi sóng vai với người mình yêu nhưng có lẽ em sẽ chẳng bao giờ có được phước phần ấy... Lời cuối em vẫn muốn mình tha thứ cho em và hãy sống phần đời còn lại cho thật tốt, đừng lo cho em và con hay nói đúng hơn là cho cháu, em sẽ lo đặng cho Quỳnh và sẽ thờ phượng anh Huỳnh nơi xứ xa. Em không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi nên mong mình hiểu, coi như em bất hiếu không làm tròn được bổn phận. Khi mình đọc được tới đây thì coi như chúng ta không còn là vợ chồng, còn về phần má.. em sẽ tạ tội với má ở kiếp sau...

Sài Gòn thì lắm phù hoa xô bồ nên mình hãy bảo trọng, nếu có duyên ắt sẽ gặp lại...

Chị Hai cảm ơn cậu nhiều.'

Đôi bàn tay mảnh khảnh gấp lại lá thư mà nước mắt Mỹ Hoa vẫn lăn dài trên má, cô cầm con hình nộm rơm mà Bân vẫn nâng niu lên rồi nhét lá thư vào trong mảnh áo nâu. Mong rằng sau này khi cậu đi rồi sẽ phát hiện ra được lá thư mà cô đã gửi gắm vào đây, Mỹ Hoa đặt lại con hình nộm lên sập rồi quảnh qua dắt tay Quỳnh, dù nước mắt vẫn rơi nhưng môi cô lại cười. Một nụ cười chát chúa đầy cay đắng.

- Đi con... đi ra thắp nhang cho tía... rồi mình đi coi hát, nghen?





Nơi cổng đình làng bấy giờ đã nhộn nhịp đông đen, vẫn như mọi năm ngày đầu gánh hát diễn là cả xóm rình rang, Lang cũng đương chen chúc trong đám người để mua vé. Vừa mới bài hãi với bà bán vé thì Bân từ đâu ở đằng sau khều khều vai anh, ấy là Lang mua thêm một vé cho Bân, cả hai luồn lách ra phía sân khấu, tìm được chỗ ngồi ưng ý rồi liền ngồi xuống mà ngóng lên trên.

Sân khấu giờ vẫn kéo màng tối hù chưa có động tĩnh gì, cái đèn măng-xông thì vẫn treo lủng lẳng một bên góc, soi tỏ được cái mặt Bân vì cậu cố ý chọn chỗ ngồi sáng, mong rằng khi mở màn An có thể nhìn thấy cậu đương ngồi dưới đây. Dạ Bân bấy giờ đã nhốn nháo đến cuồng điên, cậu chỉ muốn nhanh nhanh được thấy An ngồi trên sân khấu kéo đàn, không biết nó còn giữ cây đàn cậu tặng nó không, bao năm qua ngón đàn của nó có ngon nghẻ hơn không, bây giờ nó đã được làm thầy đàn chính của gánh hát chưa nhỉ? Bồi hồi sốt ruột rồi cậu lại chợt nhớ tới hình ảnh An ngồi trong cái chòi lá ngoài chuồng trâu kéo đàn, cái âm thanh trong trẻo từ cây đàn cò cẩn xà cừ năm đó cậu vẫn không thể nào quên. Bao nhiêu năm xa vắng bây giờ cậu lại sắp được nghe, bao nhiêu trông chờ nhung nhớ bấy giờ đã hiện lên hết trên gương mặt đầy phấn khích.

- Trời! Coi bộ cậu nôn dữ thần rồi hen!

Bân quảnh qua nhe răng cười với Lang một nụ cười mà đã lâu rồi anh chưa được thấy lại, thay vì thấy vui mừng lây Lang lại cảm thấy Bân bấy giờ thật quá đáng thương. Cậu nào biết An đã hay cái tin cậu lấy vợ mà chính mắt nó cũng đã trông thấy cảnh cậu rước dâu về cái bến cũ hai người vẫn hay hò hẹn mỗi đêm, cậu vẫn đương chờ mong vào cái lời hứa năm nào của An rằng khi về lại sẽ dẫn cậu trốn đi, dường như cậu sẽ đành lòng bỏ lại tất cả chỉ cần An ngỏ lời. Nghĩ tới đây trong lòng Lang cũng xót xa mà tự hỏi sao trần đời lại hay sắp đặt cảnh éo le để con người ta vùng vẫy trong cơn thống khổ mà lụi tàn tâm can cho tới chết, rồi sẽ thế nào nếu An từ chối Bân để mặc cậu lại nơi này với cuộc sống yên ấm mà nó không thể nào phá vỡ, sẽ thế nào nếu cậu nghĩ rằng nó vong thề lỡ hẹn, nếu vẫn mong chờ thì sao khi ấy cậu lại cưới Mỹ Hoa làm gì?

Tiếng kẻng báo hiệu mở màn ấy vậy mà lại vang lên trong khi Lang đương trong giấc miên man, ngó qua thấy Bân bấy giờ đã hồ hởi nay lại còn gấp rút hơn, cậu đã ngồi lên thẳng lưng, hai tay không ngừng bấu chặt vào nhau, đôi mắt thâm quần mệt mỏi ấy vậy mà giờ đây lại lóng lánh to tròn hệt như ánh nhìn mà cậu vẫn hay trao cho người thương trong những ngày còn cạnh bên quấn quýt.

Lang thở dài khe khẽ rồi cũng ngóng lên chờ cái màn đen kịt bung ra trong cơn liêu xiêu, trong bụng cũng mong chờ sẽ thấy An ngồi đâu đó ở cuối sân khấu nơi nó đã thực hiện được ước muốn của riêng nó. Tiếng hò reo của dân làng lúc này cũng đã um lên rùm trời, cái màn bự chảng cuối cùng cũng hé mở, dàn đàn đóm dần hiện ra trước mắt, ấy vậy mà khi hai bên màn đã được kéo sát qua hai góc, trong đám thầy đàn vẫn không thấy có mặt của An.

Nó đâu rồi?

Lang lo lắng điểm kĩ lại từng gương mặt già có trẻ có đương ôm nhạc cụ trên sân khấu, quả nhiên là không thấy An ngồi ở bất cứ đâu trên đấy. Trong cơn sững sờ Lang bất giác quảnh qua ngó Bân, thấy nét mặt của Bân bấy giờ cũng đã tắt nụ cười, cái nét cậu trở nên khó hiểu mà xám ngoét, chẳng biết cậu đương nghĩ gì.

- Cậu!

Lang kịp thời nắm tay kéo Bân lại khi thấy cậu định nhỏm đít đứng dậy rời đi, anh cũng mù mờ đoán được cậu đương tính chạy đi kiếm chú Sáu của mình để hỏi chuyện cho ra lẽ, lúc này mới kê sát miệng vào lỗ tai cậu, nói:

- Chờ chút nữa coi sao đi cậu! Đừng có lo quá, cứ ngồi yên đây!

Bân mím môi nhìn gương mặt Lang bấy giờ cũng đương bàng hoàng y thinh mình, cũng dằn lòng xuống mà ngồi lại, trong dạ đã bắt đầu nóng ruột.

Sao An lại chẳng ngồi ở nơi mà đáng lẽ nó phải ngồi?

"Ai... đem...
...con sáo... sang sông...
Cho sáo sổ lồng... cho sáo sổ lồng...
Sổ lồng bay xa, con sáo... bay xa...
Sổ lồng bay xa, con sáo... bay xa...

Ai... mua...
...con sáo... trông cành...
Con sáo trên cành... con sáo trên cành...
Đậu cành cây chanh, con sáo... cây chanh...
Đậu cành cây chanh, con sáo... cây chanh..."

- Ca rồi kìa! Hoan hô hoan hô!

Mọi người bên dưới vỗ tay vang rền khi cô đào trong vai Lan từ trong cánh gà vừa ca vừa đi ra, cô đào bữa nay đẹp và trẻ hơn lần trước gánh về đây rất nhiều, ai cũng suýt xoa khen thưởng, lại có cái giọng ngọt ngào gây xao xuyến, ai nấy cũng tấm tắc khen chú Sáu Bình thật là giỏi lùng kiếm nhân tài. Cô đào dáng người thanh tao cứ vậy lả lướt trên sân khấu, rồi một ông kép già đi ra trong vai cha của Lan xong hai bên đối đáp, giọng của ai cũng tẩm mật nghe đến bùi tai, mọi người bên dưới bắt đầu ngóng xem vai Điệp sẽ còn xuất sắc cỡ nào nữa. Vì trước giờ gánh chú Sáu vẫn hay được người ta tung hô kép nhiều hơn là đào, đa số kép trong gánh của chú ai cũng sáng lạng nổi bật hơn mặc dù cô đào nào cũng đẹp. Có lẽ người ta dầu sính cái sắc nhưng cũng không thể nào qua cái giọng ca, ngặt nỗi kép trong gánh chú từ đó tới nay toàn xịn xò nên người ta lúc này mới ngóng trông, ngồi dưới ai nấy cũng rậm rật lóng tai chờ được nghe cái giọng kép mới của gánh chú Sáu.

"Vậy là anh Điệp bây đậu rồi! Mà điều ở đây họ in lộn chữ p thành chữ en nờ, thành ra đó là là là... Vũ Khắc Điện!"

"Vậy chắc là người khác đó ba à!"

Mọi người bấy giờ đã bắt đầu nín thinh vì biết rằng sau đoạn đối thoại này là Điệp sẽ xuất hiện, cho tới khi người thanh niên trẻ trong cái bộ áo sơ mi trắng quần âu đi ra từ phía cánh gà sân khấu mọi người mới vỡ oà, ngoài cả tiên liệu người ta còn kích động hơn mọi năm mỗi khi nghe kép chánh cất giọng, ai nấy nhìn lên người đứng trên sâu khấu mà mặt đều thảng thốt không nói nên lời, tất nhiên không thể loại trừ đi Bân và Lang.

"Dạ là người khác đó bác"

Bân nghe trong lòng mình uỳnh lên một cơn chấn động, đôi mắt cậu mở to trợn tròng nhìn lên người thanh niên tóc tai chải chuốt gọn gàng đứng trên sân khấu, trong cái bộ áo lạ lẫm mà cậu chưa từng mơ rằng sẽ có ngày trông thấy.

An đứng đó, với cương vị một kép chánh, đương đảm nhiệm vai chính trong tuồng cải lương.

Thì ra nó không có mặt ở chỗ thầy đàn là do nó đã được lên làm kép, nơi mà Bân vẫn hằng đêm mơ mộng sẽ được đứng, nơi mà có chết Bân cũng không nghĩ tới sẽ có ngày An lại có thể chễnh chệ ngang nhiên như là đã được định sẵn, sự bẽ bàng nhanh chóng thế chỗ cho cơn nhung nhớ đợi chờ, phút chốc trầm vỡ, trái tim như ngừng đập mà thơ thẩn ngu ngơ...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro