4. Cá chép dập đầu

- Ủa? Sao chết rồi?

Ba Bân nhăn mặt nhìn con cá chép vàng cậu nuôi nằm ngửa bụng trên mặt nước trong chậu sứ màu xanh cẩm thạch, đầu nó chảy máu ròng ròng, đã chết tươi từ đời nào.

Lững thững đi tới, An thấy Ba Bân đang bần thần đứng cắm mặt vào trong chậu cá, liền lân la lại hỏi han:

- Sao vậy cậu?

- Con cá này nè... hình như nó tự đâm đầu vô cái chậu á!

- Sao mà vậy được cậu?

An cũng ngạc nhiên, lật đật đi lẹ tới, chồm cái đầu hơi rối của nó vô sát cái chậu sứ lớn, mắt trợn tròng nhìn con cá đầu xịt máu lềnh bềnh trên mặt nước loang lổ cam cam đỏ đỏ, trong giây lát không biết nói cái gì.

- Chậc... cá mà cũng biết tự tử nữa hả? Thấy thương ghê...

An chỉ ngón tay vô chậu chỗ có một vệt máu còn ướt, nói:

- Cái vách chậu còn dính máu nè cậu, chắc nó quẫy nước muốn nhảy ra ngoài mà xui sao đập đầu vô chậu rồi. Để tui dọn cho cậu nha, chứ để vầy mấy con khác coi bộ hổng an à.

- Ờ... mà sao giờ mày chưa dắt trâu xuống bưng nữa, bộ nay hổng đi hay gì?

An quảnh mặt qua nhìn Ba Bân, tức thời nó thụt lùi ngay, bước hụt chân, loạng choạng xém té.

Mém chút là cái mũi nó đã quệt vô mũi của Ba Bân.

An sợ hãi che mặt, nó bàng hoàng vì trước nay chưa bao giờ nó liền kề cậu gần như vậy. Ba Bân hình như cũng phát giác ra gì đó, cậu cũng giật lui một bước, mặt sượng sùng, môi nhẹ mím lại, ánh mắt hơi khó xử.

- Cậu... tui xin lỗi cậu! Tui vô ý quá!

An ngay lập tức nhận ra trong phút chốc hình như nó đã quên mất đi nề nếp, dám lại gần cậu Ba nó tới mức như vậy, liền gấp gáp cúi người nhận lỗi, mặt mày còn nhăn nhăn nhíu nhíu coi bộ thành thật lắm.

Ba Bân ngó cái bộ dạng khẩn khoản của An, tức thời phì cười. Cậu thẳng lưng, hai tay chống nạnh, vừa mỉm chi vừa nói:

- Bộ mày là con gái mới lớn hả An? Mắc cái gì mày ngại ngùng vậy?

- Dạ hổng có đâu cậu. Người tui hôi lắm, ở gần cậu vậy hông có nên.

Tay vẫn còn chống hai bên hông, Ba Bân chậm rãi đi lại, mặt cậu ra bề thích chí:

- Tao hổng có sợ hôi, bộ mày sợ tao hả?

- Cậu... giỡn hổng có vui đâu cậu. Tui hổng sợ cậu thì sợ ai giờ?

An vẫn chắp tay dưới bụng, đứng yên khom người, mặt gằm xuống, không dám nhìn vô Ba Bân dù chỉ nửa con mắt.

Ba Bân bước lại gần An, cách chừng gần một mét mới dừng chân, tay đưa lên cằm gãi gãi, mắt ngó chòng chọc vào cái xoáy tóc rối nùi của An, hồi sau mới lên tiếng, giả bộ lãnh đạm:

- Tao coi bộ giận lắm à nghen... nên tao phạt mày! Bữa nay dẫn tao ra điền chung với mày, được hông?

An len lén ngước cặp mắt lên nhìn Ba Bân, giọng nó nhi nhí:

- Cậu muốn ra điền chi vậy cậu? Hổng phải bữa nay cậu học với ông giáo hả? Bà la đó cậu...

- Tao học đủ rồi, bữa nay muốn đi vòng vòng chơi cho thư thả chút.

Rồi Bân dừng lại, mắt liếc An một cái bén ngót:

- Bộ mày hổng sợ tao nữa hả? Tao biểu mà hổng làm, coi bộ mày gan hén.

An khó xử gãi đầu sồn sột, mắt nó láo liên nhìn tứ phía, coi bộ đang ngóng coi có ai đứng gần không. Chần chừ một hồi, thấy Ba Bân vẫn ương gàn giương cái vẻ mặt sởn sơ ra ngó nó, nó cũng đành thở dài một cái, chẹp miệng:

- Vậy cậu đi với tui, mà lỡ bà có rầy thì cậu nhớ nói đỡ cho tui à nghen.

- Ờ, hồi nào tới giờ tao có khi nào hổng đỡ cho mày đâu? Đi thôi, xuống dắt trâu đi, tao chờ trước gốc me nha!

Nói rồi Bân không đợi An trả lời thêm, cậu nhảy phốc xuống bậc thềm, thoăn thoắt chạy ra ngoài cổng như sợ An sẽ đổi ý, tóc bay theo gió mà rối loạn tứ lung tung.

Bân thích lắm, thích được ra điền chơi như mấy đứa nhóc trong xóm, thả diều, đá dế, đánh trận, cái nào cũng khiến cậu khoái bỏ xừ. Nên từ nhỏ cứ hễ nghe An dắt trâu ra điền với chú Tư, là y như rằng cậu sẽ lén đi theo, hoặc kiếm cớ để hai người dắt mình đi, tới lớn rồi cái tật vẫn y thinh như vậy.

Phải nói nếu cho Ba Bân được chọn lựa gia cảnh mà mình sinh ra, chắc mẩm cậu sẽ chọn làm con nhà nghèo để được vi vu nhảy nhót trên những cánh đồng lúa, chứ không phải làm con của điền chủ để bị cấm cản này nọ rồi bị người đời cả nể, lắm tiếng thị phi. Nhìn đám nhóc trong làng mà nói gần hơn là nhìn vào An, lúc nào Bân cũng âm ỉ trong bụng một niềm ghen tị rầu rĩ. Bởi vậy nên cậu mới bướng, cứ tìm mọi cách chống đối lại cảnh sống của mình để được tự do như An, dù cho điều đó nhiều lần làm nó thiệt thân, ấy vậy mà cậu vẫn không sao nhịn được.

Trong lòng An cũng biết rõ điều đó, dù không nói nhưng nó hiểu cậu chủ của nó hơn ai hết. Nó hiểu tính cách của cậu cũng vô tư lự và không màng phiêu linh y như nó, khác hẳn với cậu Hai Huỳnh, dù rằng có nhỏ tuổi chưa đủ hiểu biết nhưng nhìn sơ hai người này là có thể nhận ra ngay.

Hai Huỳnh mang phong thái của một người thừa kế sản nghiệp thực thụ, chỉ mê học hành, coi trọng lễ nghi, còn Ba Bân thì ngược lại hoàn toàn. Cậu mê ca hát như những người lãng du, thích lăn xả chơi đùa trên đất bùn, chỉ bấy nhiêu thôi An đã thấy cậu và nó rất đồng điệu. Thế nên cho dù nó đã bị phạt mấy trăm bận vì tội tiếp tay cho Bân được tự do, và biết rằng trong tương lai nó cũng sẽ có thể còn bị quất vì cái lẽ đó, nhưng sâu trong lòng nó vẫn muốn cậu được vui vẻ dù rằng nó hay mở miệng từ chối cậu.

Vì hơn ai hết, An biết, không có gì quý hơn tự do.

Vậy nên khi được cùng Bân rảo bước dọc trên triền đê như thế này, ngoài mặt bơ bơ nhưng trong lòng nó thực ra đang cảm thấy mừng vui khôn siết. Mừng cho cậu chứ riêng nó có mừng gì đâu, vậy mà nó cũng tủm tỉm cười miết, cứ y như là nó cũng đang thấu được cái vui của cậu vậy.

- Ê An, hông ấy giờ tao cỡi lên lưng trâu, mày dắt tao đi được hông?

- Thôi cậu, cậu mà té là tui bị quất nữa, hồi nhỏ cậu cứ vậy là tui bị phạt roi quài, cậu hổng nhớ hả?

Ba Bân trề mỏ, hai tay chắp sau đít, cũng thôi vòi vĩnh mà chỉ lững thững đi sau lưng An. Thả trâu xuống bưng cho ăn cỏ xong xuôi, An móc trong túi áo ra cái bao bố được xếp gọn, rồi nó banh cái bao ra, đi lại gốc cây sung có nguyên cái bóng mát bự chảng, lót xuống đất, rồi ngoái đầu nhìn Ba Bân:

- Cậu, ngồi đây đi, nắng quá trời... ngồi xuống rồi tui đi lấy nước lá để cậu uống cho mát.

Ba Bân ngó cái bao bố, rồi tự nhiên cậu cục cằn:

- Tao ngồi dưới đất được, soạn cái bao ra chi vậy? Để dân người ta đi ngang người ta chê tao èo uột hay gì? Dẹp đi!

- Cậu bận bộ đồ màu sáng vậy mà ngồi xuống đất dễ dính dơ lắm á, bà mà thấy là biết tui dẫn cậu ra điền liền. Ngồi cái bao đi cậu.

- Hông!

Ba Bân ương ngạnh khoanh tay, ngông cái mặt cong cớn lên nhìn An. Nó thở dài, hai tay thòng xuống ngao ngán, rồi nó chẹp miệng:

- Cậu muốn tui bị phạt lắm hả cậu? Vậy thì mốt có bề gì cậu đừng có bênh tui nữa nghen, mắc công cậu.

An nói xong thì khom người định lụm cái bao bố lên, Ba Bân lúng túng dòm nó, coi bộ chắc là bị giận, cậu lật đật chạy lại giật lấy cái bao, trải lại thẳng thóm rồi tự giác ngồi xuống.

- Nè nè! Tao ngồi nè! Được chưa? Mắc gì giận?

- Tui hổng có dám giận... cậu là cậu chủ, cậu muốn làm gì mà hổng được.

Ba Bân mím môi, mặt mũi cáu bẩn, không thèm nhìn An nữa. Cậu dựa lưng vào gốc sung, ngẩn ngơ nhìn trời đất, rồi nhìn ra ruộng, nhìn qua mấy con trâu. Cuối cùng chả hiểu sao cũng lại trở về nhìn vô cái vóc của An, liếc mắt dòm tấm lưng vững chãi, chăm chăm dò xét.

An lớn thật rồi, lớn nhanh như thổi. Dù cho có bữa nó chỉ ăn có một củ khoai lùi cầm hơi, có hôm bị phạt còn phải nhịn đói, Ba Bân nhiều khi cũng tự hỏi bằng cách nào mà An lớn lên lại bự con như vậy. Cái thây nó cao lớn, thịt thà thì rắn rỏi, gân guốc thì nổi lên như mấy con giun quằn dưới da, cứng cáp quật cường khiến người ta nhìn mà phát sợ. Còn nhớ như mới có ngày hôm qua, thằng An mà Bân biết chỉ là một đứa nhóc lóc chóc có chút éc, ấy vậy mà chỉ trong một cái chớp mắt, đã thành ra được một tên trai tráng khoẻ mạnh be con như vậy rồi.

Bân lại tự hỏi, từ hồi nào mà nó lớn hơn cậu rồi?

Trong khi phần Bân thì toàn ăn đồ ngon của lạ, được bồi bổ tới từng cọng lông sợi tóc vậy mà giờ đây lại nhỏ xíu xiu con, đứng có tới tai An, có khi đi tà tà sau lưng nó còn cho cậu cảm giác như đi sau lưng anh trai của mình. Bân mỗi lần ngẫm nghĩ về điều này lúc nào cũng thấy thiệt vô lý, gãi đầu gãi tai rồi cũng từ từ nhớ ra được một cái lý do để vịn vô. Một lý do cũng coi là đủ thuyết phục, có thể lấy nó để giải thích giản tiện cho điều này.

Chắc mẩm là nhờ cái giống Tây... phải đó, là nhờ cái giống Tây.

Hồi xưa Bân đã có lần nghe con Lan người ở kể về hoàn cảnh của An, tới giờ cậu còn nhớ như in không quên xót chữ nào. Hồi đó cô Năm Lài chỉ là một cô gái nghèo nàn chất phác, không có của nả hay ruộng vườn đất đai gì sất, được có cái mặt mũi ưa nhìn, kiều diễm đoan trang nên cả xóm ai ai cũng thương mến. Cô làm nghề đưa đò cho khách sang sông, cứ chèo qua chèo lại, lam lũ đưa từng đợt khách qua bên kia bờ, cực khổ dãi dầu nhưng lúc nào trên môi cô cũng là nụ cười rạng rỡ. Người ta thương cái món cười đó của cô, cũng thương luôn cái tính chịu cực chịu khó, thầm thương trộm nhớ cô cũng lắm người. Ấy thế mà cô không bao giờ đoái hoài tới, cứ thích tự do cái tuổi xuân thì, để người ta ngó mà tức chơi chứ không muốn động lòng với ai cho nhọc.

Hồi cô tới tuổi lấy chồng cũng có nhiều người tới hỏi cưới cô, thế nhưng cô chỉ nói cười xởi lởi, trong tâm thực không nghĩ gì đến chuyện lứa đôi. Vậy mà nào ngờ vào cái hôm trời mưa tầm tã, cô gặp được ông Tây là quan chức trên Sài Gòn xuống Gò Công để xem tình hình nhà việc ở xóm này. Ông bắt chuyến đò của cô vào chiều mưa hôm đó, rồi làm cho trái tim thơ ngây bé nhỏ của cô Năm Lài như bị sét đánh trúng mà thơ thẩn cả buổi trời.

Ông Tây ở lại xóm cũng ít hôm, ngày nào cũng ngồi đò cô để sang sông, trông cái bộ dáng thẹn thùng dễ thương của cô mà ông cũng động lòng cảm mến. Cứ vậy mà ông hỏi ý cô hò hẹn, cái thân gái mới có hơn hai mươi ngây ngô bỡ ngỡ được người trong mộng ngỏ lời cũng liền chấp thuận ngay, rồi thì hai người cũng tâm tình ái ân qua suốt một tháng trời ông Tây còn nán lại. Ngày ông đi, ông hứa dăm bữa nữa sắp xếp công việc trên kia xong sẽ liền xuống lại rồi cau trầu sính lễ qua nhà cô hỏi cưới, một câu hứa hẹn vậy thôi mà cô tin sái cổ, cũng ngậm ngùi lau nước mắt nhưng miệng thì vẫn cười rất tươi tiễn ông đi lên lại Sài Gòn. Sau đó thêm một tháng chờ đợi mỏi mòn, cô Năm Lài mới phát hiện ra mình đã có mang.

Rồi sau đó thêm chín tháng mười ngày, lúc cô đau đớn rặn đẻ, ông Tây cũng biệt tăm biệt tích, chưa thấy trở về.

Cô Năm Lài biết mình đã lỡ dại tin người, nhưng cô cũng thương ông Tây, cũng tự dối lòng mình rằng ông vẫn còn bận việc nên tạm thời chưa về lại được. Cô vẫn tin rằng sắp tới rồi ông sẽ lại về, định đôi định bạn, rồi hai người sẽ có một gia đình trọn vẹn ấm no, làm cho tất cả mọi người ở xóm Đập Ông Canh phải trầm trồ ngưỡng mộ, không còn gièm pha cô như lúc bấy giờ.

Vậy mà tới ngày cô đau buồn quá mà bệnh tật qua đời, ông Tây vẫn không thấy mặt mũi đâu.

Ba Bân buồn rầu, mỗi khi nghĩ tới má An, cậu luôn thấy se sắt tim gan lạ thường.

Trong mắt cậu, An là một đứa trẻ đáng thương và có tấm lòng nhân hậu hơn ai hết. Từ hồi nó vô nhà cậu làm người ở, dù cậu hay càn quấy vì tánh nết trẻ con nghịch ngợm nhưng không khi nào nó lên tiếng kêu oan để được Hai Tịnh tha đòn. An nó cứ cắn răng chịu đựng, làm Bân cũng mủi lòng với nó ngay từ thời điểm đó. Sau mới biết rõ hơn về má nó, cậu càng thấy thương cảm và mến mộ nó hơn. Tính ra mới mười tuổi nó đã thiếu cha thiếu má, vô làm đầy tớ cho nhà người ta để trả nợ, bao nhiêu gian truân tủi nhục, đắng cay cực nhọc nó đều gắng gượng vượt qua được hết. Đã vậy tới lớn nó còn đàn hay, ăn nói dễ nghe mà tướng tá mặt mũi lại đẹp đẽ, tính tình thì dịu dàng điềm đạm khiến ai cũng thương. Phải nói, nó y như má nó ngày xưa, cái này ai trong xóm cũng phải công nhận.

- Ê An, cột trâu chưa? Vô đây đờn cho tao nghe đi.

An vẫn đang lúi cúi cột trâu vào gốc mấy cái cây to, nghe Ba Bân kêu thì cũng cao giọng trả lời:

- Dạ, cậu đợi tui xíu.

Vì cũng quá trưa nên dân người ta cũng lần lần đi ra ruộng mần tiếp, người thì vác cuốc trên vai, người thì đi mình không. Cứ nối tiếp nhau mà đi cời cời giữa cái trời nắng chói chang, rồi thì ai nấy cũng bắt đầu lụm khụm chui rúc trong cái đám lúa vàng ươm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để lần mò bắt từng con sâu, bẻ năng non để cho hạt được chắc. Có mấy đứa nhóc ăn cơm xong cũng chạy lăn tăn trên triền đê, đứa nào khá khá thì đội cái nón lá, còn đứa nào cực cực thì quấn cái khăn rằn nhìn y xì đúc mấy ông cụ non. Tụi nó giỡn hớt la ó, có đứa trèo cây hái sơ - ri, có đứa thì lội xuống đìa thò tay nắm sình chọi tứ tung, ủm tỏi náo loạn cả nguyên một vùng.

Ba Bân ngắm nghía tụi nhỏ chơi bời, rồi cậu nhớ tới cái hồi cậu còn nhỏ, cái hồi cậu cũng hay bắt An đèo bồng ra điền chơi, rồi bị này bị kia làm cho nó về nhà ăn đòn nát da nát thịt. Thú thiệt cậu cũng thấy có lỗi, mà tại trước cậu cũng biết chuộc lỗi bằng cách nhai thuốc đắp chỗ đau cho nó rồi, nên tính ra cậu cũng nguôi ngoai. 

Còn phần An có tha thứ không, thì cậu không biết.

Mớ lá thuốc đó đắng lắm chứ, mà cậu cũng ráng nhai cho nó nát chèm nhẹp, vậy là cậu cũng có thành ý lắm rồi.

An nó vừa cầm cây đàn cò đi lại, thì đằng xa Ba Bân thấy có cái dáng ai đi lẹ lẹ tới, cái dáng rất quen.

- Ủa cậu Ba? Ra điền chơi hả?

Là Lang. Lang mặc trên người cái áo nâu sòng, đầu đội nón lá, vác trên vai cái cuốc, tay xách thêm cây rựa, xăm xăm đi tới.

- Anh Lang, đi đâu đây?

Ba Bân cũng hồ hởi cười nói xởi lởi với Lang, cậu quý mến Lang lắm, tại Lang tử tế và tốt bụng, không giống như mấy đứa trạc tuổi khác trong xóm, chỉ biết xài xể sau lưng Bân.

- Mới mần xong á cậu! Tui ghé qua nhà của bà Năm chặt dùm bả cây chuối già, nhà bả tuốt dưới này nè.

Lang đi lại rồi không cả nể, ngồi bịch xuống kế bên Ba Bân, cởi cái nón lá rồi bắt đầu quạt quạt, tay quệt mồ hôi.

An đưa cho Lang một chén nước lá mà nó mang theo cột trên lưng trâu, đưa cho Ba Bân một chén nữa, rồi nó cũng ngồi xuống, nói với Lang:

- Uống miếng nước lá cho mát đi anh. Ngồi chơi, hồi xuống dưới sau.

- Ờ! Hồi xuống cũng được, bả cũng đâu có ở nhà đâu!

Ba Bân ngạc nhiên:

- Ủa? Qua nhà người ta mà hổng có người ta ở nhà hả?

Lang nuốt xuống ngụm nước lá, rồi dốc chén cạn sạch. Khà ra một hơi sảng khoái, anh quệt miệng, nói:

- Bả qua phụ đám ma ông Tám Mót rồi, chắc tới tối mới về lận.

- Trời! Ổng chết rồi hả anh?

An hốt hoảng, còn Ba Bân thì ù ù cạc cạc.

- Ủa? Ông đó là ai vậy An?

- Là tía thằng Đinh đó cậu! - Rồi nó quay qua hỏi tiếp Lang - Sao ổng chết vậy anh? Mới hôm qua còn thấy ổng ra đồng mà?

Để cái chén xuống đất, Lang nhích đít ngồi sát rạt lại, tay che miệng, anh thầm thì:

- Hồi sáng này rầm rộ nguyên một xóm mà hai người hổng hay hả? Ông Sáng nhà gần nhà cậu đó cậu Ba, ổng với Tám Mót nhậu xỉn sao mà khuya Cai Tuần đi rảo bắt gặp ổng cầm đá đập đầu ông Tám xì máu, chết ngắt! Giờ đang đóng trăn trong nhà việc á, người ta đang xử!

Ba Bân lấy tay bụm miệng, còn An thì hỏi tiếp:

- Có khi nào thấy hai ổng gây lộn đâu? Chú Sáng cũng hiền queo, sao ổng dám được?

- Sao tao biết? Mà tao thấy lạ lắm nghen, Cai Tuần Bính làm biếng chết mẹ, có khi nào thằng chả đi tuần buổi khuya đâu? Toàn ăn nhậu rồi ngáy o o, tao hay đi ngang nhà việc tao thấy mà! Ngộ á nghen, coi chừng tình ngay lý gian!

An nó trầm ngâm suy ngẫm một lát, tự nhiên nó nghĩ tới gì đó, rồi nó hỏi:

- Vậy còn thằng Đinh? Nó an không anh?

Lang bĩu môi, ngã ngửa ra đằng sau, nói giọng bực bội:

- Kệ cha nó! Tía nó chết mà nó nhậu xỉn nguyên bữa nay, lên nhà việc quậy phá ủm tỏi trên đó á! Ma chay không ai lo, má tao bả thấy thương cũng qua phụ giúp. Thiệt! Thằng đó từ nào giờ có khi nào nó đàng hoàng đâu? Sáng tai họ, điếc tai cày! Giờ hổng còn ông tía, coi nó mần gì nên!

An với Ba Bân nhìn nhau, cũng lặng thinh không biết nói gì tiếp. Ngay lúc đó xa xa vọng lại tiếng trống chầu, tiếng xe bò lọc cọc, tiếng rao bảng inh ỏi khắp một vùng.

- Đêm nay canh một, gánh Sáu Bình diễn vở Tô Ánh Nguyệt ở ngay đình nha bà con ơi! Vé hổng có nhiêu đâu! Dẫn mấy đứa nhỏ ra coi cho xôm! Đêm nay canh một ở đình! Đêm nay canh một ở đình!

Ba Bân đứng bật dậy, lóng ngóng đưa mắt dáo dác kiếm cái xe bò, hào hứng nói với An:

- An! An! Mày nghe hông? Vở Tô Ánh Nguyệt á An! Anh Lang! Đêm nay đi chung luôn hén!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro